Phản kháng trước sự dữ
cũng là việc sử dụng tự do của mình để tìm kiếm chân lý.
Chân lý đó chính là chân lý từ Thập giá,
nơi phát sinh tình yêu và lòng thương xót,
nơi mà chính Thiên Chúa liên lụy cuộc đời của Người
với tất cả mọi người, và với từng người một
trong sự yếu đuối của họ.
cũng là việc sử dụng tự do của mình để tìm kiếm chân lý.
Chân lý đó chính là chân lý từ Thập giá,
nơi phát sinh tình yêu và lòng thương xót,
nơi mà chính Thiên Chúa liên lụy cuộc đời của Người
với tất cả mọi người, và với từng người một
trong sự yếu đuối của họ.
Long Quân, OP.
Trong chuyến
tông du tới Philippines
của Đức giáo hoàng Phanxicô năm 2014, cô bé 12 tuổi Glyzelle Palomar đã làm cho
ngài phải lặng người khi đặt ra một câu hỏi:
“Rất nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Rất nhiều trẻ em bị rơi vào ma túy và mại
dâm. Tại sao Chúa lại để điều đó xảy ra với chúng con? Trẻ em không có tội.”
Đối diện với câu hỏi đó, Đức thánh cha thừa nhận: “Cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời.
Cô bé thậm chí không diễn đạt được bằng lời nhưng những giọt nước mắt đã nói
lên tất cả”.[1]
Sự dữ là gì? Tại sao lại có sự dữ trên cõi đời này? Sự dữ có ý
nghĩa của nó không? Chúng ta phải làm gì trước sự dữ?... Đó là những câu hỏi đã
có từ thời cổ đại, và cũng là sự quan tâm của rất nhiều trường phái triết học,
thần học và cả xã hội học nữa.
Không dễ để nói về vấn đề sự dữ, hoặc để giải
thích cho những Kitô hữu bình dân. Bởi lẽ, sự dữ là một huyền nhiệm (Gabriel
Marcel), là cái gắn liền với thân phận con người. Thế nhưng, dầu thế nào đi nữa
thì con người cũng cần có thái độ phản kháng, chiến đấu trước vấn đề sự dữ. Bởi
lẽ sự dữ không làm cho con người được tốt hơn, nhưng cản trở con người đạt đến
sự thiện hảo, tức cứu cánh của mình.
Trong bài viết này, chúgn tôi xin điểm qua các định nghĩa cơ bản
về sự dữ, đồng thời nêu lên quan điểm trong việc phản ứng trước sự dữ, xét cả
về sự dữ tự nhiên lẫn sự dữ luân lý.
I.
ĐỊNH NGHĨA VỀ SỰ DỮ
Sự dữ (malum) là một vấn đề khá phức tạp. Sự dữ có thể là những
tai họa xảy đến cho con người; sự dữ cũng có thể hiểu là thế lực đối nghịch và
thù nghịch với Thiên Chúa.
Tựu trung, sự dữ được hiểu như là tất cả những gì nghịch lại sự
thiện, và sự thiện là những gì phù hợp với bản chất của con người. Bởi vì con
người là một hữu thể bao gồm thể chất và tinh thần, nghĩa là tinh thần nhập thể
trong thể chất hay một thân thể được sinh động bởi tinh thần, cho nên sự thiện
đối với con người là tất cả những gì phù hợp với thể xác và tinh thần. Điều
thiện đối với thân xác là thiện ích của thân xác: sức khỏe, khoái cảm, sự sống;
còn điều thiện đối với tinh thần là sức khỏe tâm linh. Nhưng con người không
chỉ là một hữu thể đóng khung trong chính nó, mà là một hữu thể có tương quan:
tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới; còn điều xấu, sự dữ là
những gì phá hủy, ngăn cản những mối tương quan ấy.[2]
Cần phân biệt hay loại sự dữ:
Sự dữ tự nhiên:
đây là sự dữ hiểu theo nghĩa rộng, là những gì đi ngược lại với “sự thiện” mà
mỗi vật theo đuổi. Ví dụ: bệnh tật, mất mùa, thiên tai, con chuột bị con mèo
ăn,…
Thánh Augustino và thánh Tôma cho rằng, sự ác không phải một hữu
thể (ens), một thực tại, một bản chất, nhưng chỉ là một khiếm khuyết (privatio)
điều tốt lẽ ra phải có, ví dụ: con gà bị mù mắt, con chó bị cụt chân…
Đối với con người, sự dữ tự nhiên gắn liền với điều kiện thể xác,
mà vì thể xác vốn dĩ bất toàn nên con người không thể tránh được những yếu đuối
và đau khổ. Thế nhưng, đây không phải là cái xấu đúng nghĩa, bởi vì giới hạn
kia là điều kiện để có cái tốt (cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa).
Sự dữ luân lý: là
những hành động có ý thức tự do của con người. Đây mới là sự dữ đích thực, tức
tội lỗi. Thánh Augustino gọi tội lỗi là sự ác tuyệt đối vì nó đảo lộn trật tự
tinh thần, trật tự đích thực, thiết yếu đối với con người. Chỉ trật tự đó mới
đem lại cho thế giới ý nghĩa đích thực.
Theo Socrate và Platon, sự dữ tựa như một hữu thể, một thực tại bị
giản lược, khiếm khuyết. Với Plotinus, sự dữ được trình bày như cái “thành
phần” trong cái “toàn khối” theo quan điểm thẩm mỹ; ông viết:
Sự ác không hiện hữu một cách biệt lập… một cách thiết yếu, nó
xuất hiện lên như bị ràng buộc với những xiềng xích của vẻ đẹp, hay một kẻ bị
tù đày nhưng mang vòng xích vào. Những xiềng xích ấy che đậy nó để thân mình
không thấy sự xấu xa của nó khi nó xuất hiện trước mặt loài người.”[3]
Trong tác phẩm Thần học giản
yếu (Compendium of theology),
thánh Tôma nhận định như sau:
Một sự vật được gọi là có sự dữ, nếu sự vật đó thiếu sự hoàn hảo
mà theo bản chất sự vật đó phải có. Như người thiếu thị giác hay khiếm thị,
người đó gặp sự dữ và trở thành bất hạnh. Trái lại hòn đá thiếu thị giác, không
thể nói hòn đá đó gặp sự dữ vì tự bản chất hòn đá không có khả năng nhìn.”[4]
Sách Giáo lý Công giáo cũng định nghĩa rằng, sự dữ không là một điều trừu tượng nhưng là một cá vị, một Satan,
là Ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa (GLCG, 2851). Theo nghĩa này,
sự dữ là thế lực thù địch và đối nghịch lại Thiên Chúa. Chữ “satan” trong tiếng
Latin có nghĩa là “đối thủ”.
II. THÁI
ĐỘ PHẢN KHÁNG TRƯỚC SỰ DỮ
1.
Với
sự dữ tự nhiên: liên lụy và nhận ra
Tôi vừa tham dự buổi lễ an táng cho một thiếu nữ đôi mươi, qua đời
vị bệnh ung thu. Trong suốt thánh lễ và cả lúc tiễn biệt trước khi hỏa táng,
người mẹ của cô gái như chết lặng, sống lại, rồi lại chết đi. Nỗi đau quá lớn
làm cho bà không còn kiềm chế được tinh thần lẫn cảm xúc của mình.
Xuyên suốt bài giảng trong thánh lễ an táng và cả trong nghi thức
tiễn biệt, cha chủ tế nói rất nhiều về lòng thương xót vô bến bờ của Thiên
Chúa, Người sẽ đón lấy những linh hồn công chính và đưa vào nơi ở ngàn thu. Thế
nhưng, tôi cảm nhận rằng, dù cho cha chủ tế có nói về Chúa hay ho thế nào đi
nữa, đúng thần học ra sao đi nữa, thì nỗi đau của gia đình vẫn còn nguyên như
vậy. Tôi đoán rằng, trong giờ phút ấy, có lẽ người mẹ chẳng thể nào cảm nhận
được hết thế nào là tình yêu, thế nào là lòng thương xót Chúa, thể nào là thiên
đàng, là đời sống vĩnh cửu… dù đã được nghe rất nhiều lời an ủi.
Thật sự không dễ để nói cho người khác về vấn đề sự dữ tự nhiên.
Tại sao một con người sống tốt lành, lương thiện, siêng năng việc Chúa, cả tuổi
xuân còn mơn mởn xanh tươi, nhưng lại mắc chứng bệnh ung thu và ra đi rất nhanh
chóng. Tại sao có những người trong cả cuộc đời, chỉ toàn gặp thử thách: gia
đình chia ly, con cái hư hỏng, bệnh tật, đói nghèo, đau khổ… Và làm sao nói cho
những người làm ăn thua lỗ, thất bại trong việc kinh doanh, hay những người vừa
rớt tốt nghiệp phổ thông, rớt đại học,… về việc cầu nguyện và sẽ được Chúa nhậm
lời…?
Trước những mảnh đời như thế, tôi thiết nghĩ chúng ta không thể
chỉ dùng một hình ảnh quá đẹp đẽ về một Thiên Chúa yêu thương, hay một bức
tranh quá hoàn hảo về sự sống đời sau để lý giải cho người khác và buộc họ phải
chấp nhận. Bởi lẽ chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ, không thể thấu hiểu
hết nỗi đau mà họ gánh chịu, không thể cảm nhận được diễn tiến của những cung
bậc cảm xúc, những hy vọng, hoài bảo, ước mơ và chờ đợi của họ. Và coi chừng,
nếu chúng ta sử dụng một sự áp đặt bởi một hình ảnh tuyệt đẹp mà giả sử chính
chúng ta cũng không có kinh nghiệm về nó, thì coi chừng những lời đó chỉ là sáo
rỗng, và lại gây thêm ức chế cho người khác.
Vậy, trước một sự dữ tự nhiên, tôi thiết nghĩ cần có hai thái độ
dành cho hai vị trí khác nhau: đón nhận
và tìm ra ý nghĩa chân chính nếu
bạn là người trong cuộc; liên lụy cuộc
đời với người khác nếu bạn là người ngoài cuộc, đặc biệt là các linh mục và
tu sĩ.
a) Đón nhận và tìm ra ý nghĩa chân chính
Mọi sự vận hành của cuộc đời này đều có ý nghĩa của nó. Nhà Phật
xem sự vận hành của vụ trụ là duyên sinh (paṭiccasamuppāda), tức là mọi sự hòa quyện, đan kết, duyên với nhau
mà thành. Và khi một sự vật đã thành, thì cũng sẽ đan kết để tạo nên một sự
việc mới. Ví dụ: sóng là do gió và nước gặp gỡ nhau; nước là hai phân tử hidro
kết duyên cùng một phân tử oxy. Ta có mặt trên cõi đời này là kết quả tình yêu
do sự gặp gỡ của bố và mẹ ta, và cái chết trong cuộc đời cũng là điểm gặp gỡ
của những sự hữu hạn và vô thường.
Dưới nhãn quan Kitô giáo, chúng ta lại thấy rằng, mọi sự tốt lành
trên cõi đời này đều được Chúa tạo ra, và đều mang một ý nghĩa. Qua từng ý
nghĩa nhỏ, chúng ta thấy được ý nghĩa nhiệm mầu và nhận ra dấu vết quan phòng
của Thiên Chúa. Ví dụ: con cái là hoa trái của tình yêu bố mẹ, tình yêu đó đã
được khởi đầu từ chính Thiên Chúa. Agape của Thiên Chúa đổ tràn lên con người,
để con người cũng biết yêu nhau. Yêu là dấu chí và là chính Thiên Chúa. Trong
tình yêu gia đình, đôi nam nữ tự nguyện gắn kết vào nhau, hy sinh cho nhau,
cũng tựa như Đức Kitô và yêu thương và hiến mình tất cả cho Hội Thánh (x.Ep
5,25). Vậy qua người con là tình yêu của bố mẹ, người khác thấy được dấu vết
của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Cái chết cũng là một huyền nhiệm như vậy. Cái chết của Kitô giáo
không phải một cái chết của sự chấm hết, nhưng là cái chết mở ra. Đức Kitô cũng
đã chết, chết vì con người, chết vì yêu. Thế nhưng, Người không dừng lại ở cái
chết, nhưng đã phục sinh để minh chứng tử thần chẳng có quyền chi trên Người.
Người phục sinh để chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết và mở ra một cuộc
sống vĩnh cửu. Vậy khi đứng trước cái chết của mình, chúng ta cũng được mời gọi
nhìn lên cái chết và sự phục sinh của Chúa, để được Chúa giải thoát khỏi những
ưu phiền tội lỗi ở đời này và được phục sinh huy hoàng trong Vương quốc vĩnh
cửu.
Như vậy, trước một sự dữ, điều quan trọng là cần nhìn ra ý nghĩa
ẩn sâu của nó. Và trong ý nghĩa đó, chúng ta thấy được một ĐỨC CẬY rõ ràng, một
sự tín thác mạnh mẽ và là một cứu cánh an toàn. Chỉ khi thế, chúng ta mới có
thể vượt qua sự dữ tự nhiên cách nhẹ nhàng và đầy tin tưởng.
Không ai có thể chối bỏ hay chống lại sự ác về mặt tự nhiên. Tuy
nhiên, khi chúng ta nhận ra ý nghĩa thực sự của vấn đề, chúng ta sẽ nhìn thấy
CHÂN LÝ tràn ngập khắp nơi: trong niềm vui tôi cũng thấy CHÂN LÝ, trong gian
nan thử thách tôi cũng thấy CHÂN LÝ. Lúc ấy, chúng ta sẽ có thể thốt lên những
lời mà ông Gióp đã nói đầy quả cảm: “Chúng
ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?”
(G 2,10).
Dĩ nhiên con người cũng được mời gọi “phản kháng”, tức là nỗ lực
bằng trí tuệ để chống lại sự dữ tự nhiên: tìm ra cách chống lại biến đổi khí
hậu, điều chế các loại thuốc chữa bệnh,… Tuy nhiên, trong giới hạn của mình,
con người cũng chỉ có khả năng kháng cự ở một mức độ nào đó, nhưng không có khả
năng đẩy lùi hoàn toàn. Chính vì thế, việc tìm kiếm và nhận ra chân lý thực tại
trong mỗi vấn đề là điều quan trọng hơn cả.
b) Sống cuộc đời liên lụy với người khác
Nếu đã một lần đi làm từ thiện cho người đồng bào ở vùng Cao
nguyên, bạn sẽ thấy rằng: khi bạn trao cho người khác một túi gạo, một thùng mì
gói… thì người ta nhận lấy và cảm ơn bạn, rồi họ sẽ trở về nhà của họ, còn bạn
thì cứ tiếp tục phân phát như thế. Thế nhưng, nếu bạn bẻ đôi gói mì, cho họ một
nửa và bạn một nửa, rồi cùng ăn với họ, thì chắc chắn họ sẽ còn cười nhiều hơn
với bạn, hát cho bạn nghe, kể cho bạn biết cuộc sống, và thậm chí đi với bạn
thêm mấy quãng đường.
Đôi khi trong cuộc đời, chúng ta hiểu việc bác ái, làm từ thiện,
là việc tôi có dư đầy, tôi không dùng nữa, tôi đem cho; hoặc tôi thấy người
khác nghèo hơn mình, tội hơn mình nên tôi hy sinh một chút phần ăn của mình,
tài sản của mình cho người khác vì cái nghèo của họ đánh động lòng tôi. Cá nhân
tôi nghĩ rằng, bác ái không phải là việc làm của kẻ ở bên trên rót xuống cho kẻ
ở bên dưới và cảm thấy thật vui vẻ, đầy tự hào vì mình vừa làm một việc tốt.
Bác ái của Kitô giáo là một thái độ chứ không phải chỉ là một việc
làm. Bác ái (caritas) là một sự liên lụy cuộc đời với người khác, để nghe họ,
hiểu họ và suy gẫm về cuộc đời của họ, rồi từ đó cũng suy gẫm về ơn gọi của
chính mình nữa. Đừng quên, caritas là chữ Latin, được dịch từ tiếng Hy lạp là
Agape. Agape là tình yêu và Thiên Chúa là Agape.
Thiên Chúa không yêu con người theo cách của một người ở trên, rót
ân sủng xuống, hay ban ơn tha tội cho tất cả qua một lời sấm truyền. Thế nhưng,
chính Thiên Chúa liên lụy cuộc đời của Người với nhân loại. Thánh Phaolô nói
thật hay:
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà
không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,6-8).
Chính Thiên Chúa nhập thể làm người, ở với con người, để cùng cảm
nhận cuộc sống nhân sinh, cùng chịu những thử thách và đau khổ như con người.
Thiên Chúa cứu độ con người bằng một cách thức rất kỳ lạ: đó không phải là cách
thức của một ông chủ dành cho tên đày tớ, của lão phú hộ giàu sang dành cho kẻ
hầu người ở của mình; thế nhưng Thiên Chúa cứu độ con người bằng con đường của
bạn hữu, tức là trở nên một người phàm, để cùng liên lụy vào cuộc đời của mỗi người.
Và đừng quên, sự liên lụy đó còn nhằm để nâng phẩm giá con người lên: Thiên
Chúa đã làm người để con người làm Chúa (thánh Gioan Kim Khẩu).
Như vậy, việc bác ái cũng phải là một cuộc đời liên lụy. Nơi đó,
chúng ta liên lụy với những mảnh đời của người khác để thấu hiểu họ. Không phải
người nghèo là người ít ân sủng hơn người giàu; không phải kè què, người mù,
người bệnh tật là kẻ tội lỗi và những sự dữ mà họ phải chịu là do tội lỗi của
họ; thế nhưng chúng ta đừng quên Thiên Chúa trao cho mỗi người những nén vàng
khác nhau, và ai cũng phải sinh lời theo số vàng đó. Kẻ 1 nén không phải được
Chúa yêu ít hơn kẻ 10 nén, kẻ 10 nén không phải được Chúa ban nhiều ân sủng
hơn, nhưng tất cả là để tôn vinh Thiên Chúa, và nhiệm vụ của mỗi người là phải
sinh lời tương xứng với những gì mình đã được Chúa trao. Vậy, việc bái ái không
phải một ân ban ta dành cho người khác, nhưng là trách nhiệm của kẻ đã nhận
được nhiều nén hơn. Đừng quên, Đức Kitô ở giữa những hành vi yêu thương và
chính Người thực hiện hành vi đó qua chúng ta là những công cụ.
Với sự dữ của người khác cũng thế, chúng ta cũng được mời gọi liên
lụy với nỗi đau của họ, cùng đồng hành và chia sẻ với họ để cùng dìu họ đứng
lên. Không thể chỉ là những lý thuyết suông, nhưng còn là thái độ quan tâm và
đồng cảm. Thái độ thì quan trọng hơn hành vi.
2.
Với
sự dữ luân lý: phản kháng mạnh mẽ
Đứng trước một sự dữ, đặc biệt là sự dữ luân lý, chúng ta cần có
thái độ gì? Đây là câu hỏi không gặp được sự đồng thuận trong các câu trả lời,
bởi lẽ mỗi trường phái triết học sẽ có cách nhìn nhận khác nhau.
Phái khắc kỷ (stocism) cho rằng không có sự dữ tự thân, chỉ có sự
dữ do một cái nhìn hay một thái độ nào đó của con người. Vì vậy, hãy cố gắng
chịu đựng những gì không phụ thuộc mình.
Đứng trước sự dữ, phái Khắc kỷ có thể có hai thái độ đối nghịch.
Một đàng là thái độ của kẻ duy ý chí đôi khi tới mức kiêu ngạo: nghiến răng lại
để chứng tỏ mình vượt trên đau khổ, đàng khác là thái độ của người cam chịu tới
mức hết sức buồn tẻ.[5]
Với chủ trương thế giới là một tổng thể hài
hòa, Héraclite và Leibniz cho rằng thiện và ác rồi ra chỉ là một, cũng chỉ là
một tổng thể hài hòa và cuối cùng cái thiện sẽ chiến thắng. Cho nên, đối chọi
thiện và ác là cái nhìn chật hẹp và cục bộ. Sự dữ cần có trong thế giới như
những khoảng tối trong một bức tranh để làm nổi bật những chỗ sáng. Sự dữ đáng
sợ và kinh khủng, nhưng chấp nhận nó thì sẽ tránh được những sự dữ tệ hơn, và
sẽ hướng ta đến sự thiện.
Các triết gia Kitô giáo bác bỏ những quan niệm này, vì lập luận
như thế thật không thỏa đáng. Không thể biện minh cho sự dữ bằng bất kỳ cách
nào. Sự dữ dù thế nào thì cũng là sự dữ. Chỉ có một giải pháp: phản kháng.
Tiêu biểu cho chủ trương phản kháng trước sự dữ là tư tưởng của
triết gia Albert Camus, một triết gia vô thần.
Trực giác cơ bản của Camus là trực giác về tính bi
đát của cuộc đời, mà biểu hiện đau đớn nhất là nỗi đau khổ của trẻ em, một hình
ảnh man rợ nhất của sự dữ. Đối với ông, đó chính là chứng cớ Thượng Đế không
có. Sự dữ và Thượng Đế là hai điều mâu thuẫn nhau.
Tuy nhiên, đối với Camus, không phải vì đâu đâu
cũng có sự dữ mà ta chấp nhận thái độ thoái thác hay tệ hơn, ta tự sát, ngay cả
khi ta thấy đau khổ và chết chóc (vì là sự dữ) thật là phi lý. Ngược lại, chính
vì sự dữ có mặt khắp nơi mà “con người phản loạn” của ta càng phải nỗ lực hơn
để không ngừng tiêu diệt nó.
Đứng trước sự dữ, chẳng những không chút thối chí
mà với một sự sáng suốt, con người chỉ có một thái độ duy nhất là chống đối và
nỗ lực không ngừng làm giảm những bất công cũng như những đau khổ xung quanh
mình, theo gương Sisyphe, một nhân vật truyền thuyết của thần thoại Hy lạp, bị
các thần linh kết án phải vác một tảng đá to lớn lên đỉnh núi nhưng cứ mỗi lần
leo tới nơi tảng đá ấy lại rơi xuống.
Albert Camus hẳn cũng biết rằng cả khi con người
xóa sạch hết được mọi sự dữ do mình gây ra, vẫn luôn còn những đau khổ do chính
thân phận bị giới hạn và vô thường của mình. Như thế, cho dù y khoa có tiến bộ
kỳ diệu tới đâu, con người cũng không bao giờ tránh khỏi bị thương tổn về thể
lý và tâm lý. Do đó phải đương đầu với bệnh tật và cái chết là điều không thể
tránh được và không bao giờ tránh hết được. “Con người có thể làm chủ nơi mình
tất cả những gì cần được làm chủ. Họ phải tu sửa trong vũ trụ này tất cả những
gì có thể tu sửa được. Nhưng sau đó, cả trong những xã hội hoàn bị nhất, trẻ
con vẫn luôn luôn phải chết một cách bất công…Bất công và đau khổ vẫn còn mãi,
và dù có bị hạn chế được đến đâu, chúng vẫn mãi là một xì-căng-đan”.[6]
Nói thế có nghĩa là ta không bao giờ được từ bỏ
đấu tranh chống lại đau khổ và sự dữ. Cuộc chiến này, đặc biệt là cuộc đấu
tranh dai dẳng để bảo vệ những người nghèo khổ và hèn hạ nhất, đòi ta phải có
một “tấm lòng quảng đại đến điên cuồng” và một “tình yêu đến lạ lùng”. “Vinh dự
của con người là không tính toán gì hết, là phân phát hết cho cuộc sống hiện
tại và cho những anh em đang sống… chính qua đó, cuộc sống nổi loạn của chúng
ta sẽ làm chứng rằng nổi loạn là chính sự sống đang chuyển động, không thể sống
mà phủ nhận cuộc nổi loạn ấy… Sống là phải sinh sôi triển nở hoặc chẳng phải
sống nữa.”[7]
Camus cho rằng người Kitô hữu cũng có
phần trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ. Đứng trước sự dữ, dù niềm tin của
mỗi người mỗi khác, nhưng không gì có thể biện minh được cho thái độ thoái thác
trách nhiệm…
“Các bạn mà không giúp chúng tôi đấu
tranh thì còn ai nữa trên thế giới này?”[8] Đại đa số tín hữu
không ngừng hưởng ứng lời kêu gọi bi thương ấy của Camus (may mắn thay không
chỉ có các tín hữu!) và điều đó hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng. Họ làm điều đó
nhân danh chính niềm cậy trông của mình, để góp phần hữu hiệu nhất vào cuộc đấu
tranh dai dẳng chống lại sự dữ. Đứng trước sự dữ khó chịu ấy, các Kitô hữu chỉ
có thái độ tích cực duy nhất, là cực lực chống lại và tìm cách hành động để
loại trừ chúng.
Điều duy nhất họ
không đồng ý với Camus là Camus đã vì sự dữ mà kết luận thế giới này là phi lý
và Thượng Đế không hiện hữu. Đành rằng đối với họ cũng như đối với Camus, dù có
nỗ lực bao nhiêu để giải thích, huyền nhiệm sự dữ vẫn cứ còn đó với tất cả nét
bi thương và khôn dò của nó. Tuy nhiên không phải vì thế mà họ sẽ chối từ
Thượng Đế.
Một điểm thú vị trong tư tưởng của A. Camus là phủ nhận sự hiện
hữu của Thượng Đế, nhưng lại rất mạnh mẽ trong lập trường phản kháng lại sự dữ.
A. Camus không cần phải có một Thượng Đế làm quan tòa hay làm người thưởng công
khi con người ra sức chống lại sự dữ. Với ông, việc chống lại sự dữ không phải
để đạt được phần thưởng, hay xứng đáng với một Thượng Đế quyền năng, nhưng là
để thế giới được tốt đẹp hơn, và trong cái thế giới đó, chính bản thân mỗi
người là điều trước hết. Ông cho rằng, chống lại sự dữ là một trách nhiệm chung.
A. Camus luôn thúc đẩy tinh thần phản kháng dù biết rằng cả khi
con người xóa sạch hết mọi sự dữ do mình gây ra, thì vẫn luôn còn những đau khổ do chính thân phận bị giới hạn và vô
thường của mình.
Bởi lẽ sự dữ không phải là vấn đề, nhưng là huyền nhiệm (Gabriel
Marcel). Vấn đề là cái thuộc về quá khứ, là cái ở
phía sau tôi, và nó sẽ trở thành kỷ niệm khi tôi vượt qua được nó. Còn huyền
nhiệm là cái gì đó ở trong tôi, tôi không thể khước từ hay vượt qua nó, nhưng
khi trải qua mỗi ngày sống, tôi hiểu thêm về nó, thấm thía nó, nhưng cũng chẳng
thể nào thấu triệt tất cả. Huyền nhiệm không phải là việc giải quyết dứt điểm
vấn đề, nhưng qua trải nghiệm hàng ngày, tôi càng nhận ra con người của tôi,
nhận ra lý lẽ nội tại nơi con người mình. Sự dữ là huyền nhiệm vì nó gắn với
thân phận con người, xét theo cả nghĩa tự nhiên lẫn luân lý.
Như vậy, phản kháng trước sự dữ, đặc biệt là
sự dữ luân lý, là điều cần thiết. Thế nhưng, chúng ta không chối bỏ Thiên Chúa
như quan niệm của A. Camus. Phản kháng trước sự dữ luân lý còn là việc sử dụng
tự do của mình cho đúng trật tự, hướng đến điều thiện hảo. Tự do là ân ban của
Thiên Chúa cho con người, Chúa ban cho con người có tự do vì Người muốn cho con
người có hạnh phúc. Khi ban tự do cho con người, Thiên Chúa cũng chấp nhận có
hai khả năng xảy ra: con người sử dụng tự do để tìm kiếm Thiên Chúa, hoặc để
chống lại Thiên Chúa (sự dữ).
Thế nhưng, con người không hề đơn độc trong
cuộc chiến chống lại sự dữ. Bởi lẽ chính Thiên Chúa cũng chịu đau khổ với con
người. Người đã xuống thế làm người, đã ở với con người và chết vì con người.
Hành động của Đức Kitô không phải chỉ mang
chiều kích lịch sử, tức là đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm, nhưng là một công
cuộc cứu độ hàng ngày, hàng giờ; tức là ngay lúc này đây, Thiên Chúa vẫn đang
nhập thể, vẫn đang tử nạn và phục sinh trong thân phận yếu đuối của con người
để luôn đồng hành với con người.
Tạm kết
Trong cuộc chiến chống lại sự dữ, sẽ có những lúc chúng ta vấp ngã, hoặc
thất bại, thế nhưng điều quan trọng không nằm ở sự thắng bại cho bằng tình yêu
bao la của Đức Kitô. Phản kháng trước sự dữ cũng là việc sử dụng tự do của mình
để tìm kiếm chân lý. Chân lý đó chính là chân lý từ Thập giá, nơi phát sinh
tình yêu và lòng thương xót, nơi mà chính Thiên Chúa liên lụy cuộc đời của
Người với tất cả mọi người, và với từng người một trong sự yếu đuối của họ.
[1]
http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/thien-chua-toan-nang-tai-sao-su-du-hien-dien-5735.html.
Truy cập ngày 01.08.2018
[2] Nguyễn Minh Sơn, “Sự dữ, một vấn đề nan giải” - Thời sự Thần học tháng 3/2010, Trung tâm Học vấn Đa Minh.
[3] Trịnh Ngọc Sương, Những lý thuyết về sự ác, tr 3.
[5] F.
Bousquet, “Le scandal du mal”, Paris ,
Mame, Coll. “Premìere bibliothèque de connaissances religieuses”, 1987, P.23.
[6] A. Camus, “L’homme révolté”,
Gallimard, 1951, p. 374
[7] Ibid. p. 375-376.
[8]
“l’incroyant et les chrétiens”, op. cit. p.213-219.
Đăng nhận xét