“Xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ”


Âm mưu quỷ quái nhứt
và cũng là thành công đáng sợ nhứt của ma quỷ
là đã thuyết phục được mọi người thời nay tin rằng Ác Tà đã “gác kiếm từ giã giang hồ.”[1] 
Ma quỷ chỉ còn là truyện giải trí của tuồng kịch, phim ảnh;
hoặc nghiêm túc hơn, đó là những hiện tượng
thuộc khoa tâm lý, lãnh vực văn hóa và vấn đề xã hội.
Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, OP.

Đây là điều Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa vào cuối kinh Lạy Cha, một lời kinh thân thiết không một Ki-tô nào mà không thuộc nằm lòng từ tấm bé.  Tuy được xếp vào vị trí chót hết, nhưng như vậy không có nghĩa là - như người ta thường nói - ý nguyện nầy kém hệ trọng và kém khẩn thiết hơn các ý nguyện khác.[2]
Tại sao? - Có hai lý do: 
Một là: Đấng Cứu Thế xác nhận có một thực tại xấu ác, không ngừng tìm cách lôi kéo - cám dỗ - con người tách rời khỏi Thiên Chúa và sa ngã vào chỗ hư vong.  Hai là: Chúa muốn các tín đồ của Người, khi tuyên xưng đức tin chỉ yêu mến và phụng thờ môt mình Thiên Chúa, thì đồng thời phải chấp nhận tuyên chiến không khoan nhượng với thế lực tội lỗi[3] trong cuộc chiến một mất một còn đó; Ki-tô hữu không được tự mãn tự phụ vào sức lực phàm nhân của mình, mà phải xin ơn trợ giúp từ trời, để có thể thoát khỏi quyền lực hủy diệt của Ác Thần và dành lấy chiến thắng trong cuộc trường kỳ phân tranh chống lại các thế lực Địa Ngục.[4] Không có sức mạnh quyền năng và chính nghĩa của Chúa Ki-tô, Đấng đã chiến thắng Thế Gian nầy, con người một khi đã lọt vào cuối con dốc tai họa không có lối thoát hiểm chỉ thúc thủ trong số phận nạn nhân thảm hại trước các thế lực Ác Tà. 
Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm nầy, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế anh em có thể tận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối (Êp 6:12-13).
 THỰC TẠI ÁC TÀ
Ác Tà đã xuất hiện ngay từ lúc tạo thiên lập địa. Sách Sáng Thế phát giác ra nó dưới hình thể một con rắn. Chính con rắn nầy đã cám dỗ Bà Tổ Mẫu của loài người và bà đã mắc mưu nó, bẻ trái cấm mà ăn, khiến cho toàn thể nhân loại phải mang kiếp đọa đày dưới ách tội lỗi và tử thần.
Con rắn có mặt trong thế giới các thụ tạo không ồn ào, thậm chí không gây cho bất kỳ ai một mối bận tâm hay cảm giác khó chịu nào. Dường như thể nó đã ở nơi đó từ lâu, đã mặc nhiên là một thành phần của vũ trụ càn khôn. Chẳng ai đặt nghi vấn về thời điểm nó đến đây, về lý do hiện diện của nó ở đây là gì. Chỉ có một thông tin rất vắn gọn nhưng lại rất súc tích về bản chất của nó: “Rắn là loài xảo quyệt nhứt trong mọi giống vật ngoài đồng mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra.”[5] Có lẽ kín kẽ ngôn từ, ẩn khuất hành tung, là đặc trưng của của tính xảo quyệt. Chỉ sau khi tai họa đã xảy ra, sau khi mọi âm mưu bị phơi trần, người ta mới rùng mình ghê sợ lòng dạ quỷ quái của kẻ thủ ác. Chỉ sau khi con người sập vào bẫy lừa dối của con rắn, người ta mới giật mình trước miệng lưỡi dối trá và độc hại của nó. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn.
Kể từ đó, giữa Ác Tà và loài người, phát sinh một mối thù truyền kiếp. Dòng dõi loài người phải mãi mãi liều chết chiến đấu chống lại dòng dõi Ác Tà trong một cuộc chiến vô cùng khốc liệt và chỉ có thể dành được chiến thắng cuối cùng nhờ một Hậu Duệ cự phách từ trời cao giáng trần cứu nhân độ thế.
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống ấy sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.[6]
Trên đây vừa là lời cảnh báo nghiêm khắc cho một nhân loại đã từng bại trận vì mưu ma chước quỷ phải luôn phòng ngự và sẵn sàng chiến đấu không khoan nhượng, không ngưng nghỉ, để khỏi sa vào tay Ác Tà, nhưng cũng vừa là lời Thiên Chúa hứa chắc chắn sẽ ban ơn giải thoát, cứu mạng loài người. Lời hứa nầy trải qua muôn ngàn thế hệ chính là phao cứu sinh để con người bám vào mà cố gắng chống chọi mọi loại nghịch cảnh ở cõi trần, phải sống sót cho tới ngày Chúa đến.   
Lịch Sử Cứu Độ dõi theo thật sát hành tung của Ác Tà.  Nó là thủ phạm của thảm họa con người vĩnh viễn bị trục xuất ra khỏi Vườn Địa Đàng, lối mô tả tượng hình của Thánh Kinh về tình trạng một thụ tạo vì tội lỗi mà đánh mất mối tương quan nghĩa tinh với Thiên Chúa, trở thành thù nghịch của Người.[7]
Đây là hệ lụy ác tà đáng ghê sợ nhứt do tội lỗi gây ra, vì một thụ tạo chẳng còn tìm được gì hay trông chờ ai có thể thay thế Thiên Chúa để giữ vai trò làm nguyên nhân và cứu cánh cho cuộc sống của mình. Sau khi phạm tội, con người sợ hãi Thiên Chúa, tìm đủ mọi cách chạy trốn Thiên Chúa, vì nhận ra mình đã bị tước bỏ hết mọi chứng cứ xác minh mối tương quan nghĩa tình với Người. Con người cay đắng thú nhận: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.”[8] 
Trốn chạy Thiên Chúa nhưng vẫn mang theo trong cõi sâu thẳm của lòng mình nỗi nhớ da diết khôn nguôi của mối tình đầu Thiên Chúa đặt vào mỗi một con người, một nhân vị, được chính Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người.[9]
Lạy Chúa, Chúa đã sáng tạo chúng con để dành riêng cho Chúa. Bởi đó, lòng chúng con cứ mãi bất an cho tới khi chúng con được an nghỉ trong Ngài.[10]
Chính vì nỗi bất an đó, con người như một kẻ điên dại, liều lĩnh lao đi tìm cho được điều mình đói khát và bằng mọi giá phải được thỏa mãn. Một khi quá đói khát nạn nhân có thể liều ngốn nghiến mọi thứ, kể cả thuốc độc. Con người cũng lao vào tiền tài, danh vọng, lạc thú xác thịt, mọi hình thức “con bê vàng”,[11] lầm tưởng là những thứ đó có thể đong đầy mọi ước vọng sâu thẳm tự cõi lòng mình. Một sản phẩm công nghệ tinh vi không bao giờ chấp nhận bất kỳ phụ kiện lỗi kỹ thuật nào chứ đừng nói là một phụ kiện giả mạo.  Một đứa bé không bao giờ nhận lầm một ai đó là mẹ của mình. Cõi lòng con người trăm ngàn lần tinh tế, tất yếu phải biết nhận ra Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa chân thật của mình.           
Một khi làm gãy vỡ thâm tình với Thiên Chúa, các mối tương giữa con người với tha nhân và với vũ trụ càn khôn không còn gì chống đỡ nữa.  Sáng Thế ký, kể từ sau chương thứ ba nói về thất bại của con người trong cuộc chạm trán đầu tiên với Ác Tà, lịch sử nhân loại là chuỗi dài của bao thảm họa chồng chất thảm họa, bao bi kịch tiếp nối bi kịch: vợ chồng ly tán, huynh đệ tương tàn, thiên tai càn quét hết mọi mầm sống trên mặt địa cầu.
Giữa hai con người thân thiết, vô cùng thân thiết đến nỗi trở thành “một xương, một thịt”[12] sao lại có lúc cảm thấy vô cùng xa lạ, không còn nhận ra nhau khi nhìn vào mắt của nhau: đôi mắt từng có lúc long lanh như hai vì sao, đôi mắt sâu thẳm, chứa đựng cả một bầu trời xanh vút cao, đôi mắt biết nói, nói được những câu hẹn hò cướp đi linh hồn của nhau, chôn chặt cuộc đời của nhau, nói được thứ ngôn từ chất chứa những ý tưởng thương yêu, trìu mến phong phú hơn, hùng hồn hơn, sắc xảo hơn là bao từ ngữ vụng về của môi miệng có thể thốt ra. Đáng buồn thay, cũng đôi mắt ấy, lúc nầy sao lại hờ hững, lạnh lùng, như đôi mắt của người xa lạ, hoặc còn đáng sợ hơn, khi nơi vốn từng là vị trí của đôi mắt ấy giờ chỉ còn lại hai hốc hố sâu tựa như lối dẫn vào vực thẳm địa ngục. Đôi vợ chồng đầu tiên của nhân loại đã gây cho nhau thảm cảnh khủng khiếp như trên khi công khai tuyên bố trước Thánh Nhan Thiên Chúa những lời gây một luồng xung điện chạy dọc cột sống như bị dao bằng thép lạnh kê vào gáy: “Người đàn bà Ngài cho ở với con.”[13] 
Từ khi nào và bằng cách nào niềm hoan lạc “xương bởi xương tôi, thịt do thịt tôi”[14] đã thoái hóa, hoại tử thành khối u ác tính gớm ghiếc phải nhanh hết sức loại bỏ không thương tiếc vậy hỡi Trời!
Ác Tà tiếp tục truyền nọc độc vào máu, vào xương tủy, vào não, vào hệ thần kinh, vào cả tâm tưởng của con người, khiến cho anh em ruột thịt, cùng huyết nhục của cha mẹ, cùng được một bụng mẹ cưu mang, cùng được bú chung bầu sữa mẹ, nay chẳng những không còn nhìn nhận nhau là thủ túc của nhau, chẳng những không còn nhận ra nơi mặt mũi hình hài của nhau bóng dáng thương yêu, tôn kính của cha, của mẹ, mà trái lại, còn đành đoạn đưa cặp mắt rực lửa oán hận của loài dã thú mà dọa nạt nhau, và từ miệng lưỡi từng học tiếng nhân ái, hiên hòa mẹ dạy ê a, nay không ngớt phát ra âm thanh gầm gừ của hổ báo khát máu săn mồi, để rồi ở tận cùng của bi kịch tội ác nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, khi đối diện với chất vấn của Công Lý Nhà Trời: “Em con đâu?”, là lời tàn độc phủi sạch mọi tương quan thánh thiêng máu mủ gia đình: “Con không biết! Con là người giữ em con hay sao? ”[15] Lạy Trời! Thật tận cùng của bất nghĩa vô nhân! Lạy Chúa! Thật chạm trần của kiếp đời khốn nạn! Hơn thua một chút lợi ích vật chất đã có thể tạo ra hành vi sát nhân nghiệt ngã và đoạn tình dứt nghĩa đau xót như vậy sao! Thật ra, còn có bóng ma đáng sợ như tảng băng hà siêu khủng, nguy hiểm cực kỳ, ẩn hiện phía sau và bên dưới lý do bề nổi như đỉnh chóp chơ vơ mang dáng vẻ vô hại đó. 
A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa mầu của đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Chúa không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt.  Đức Chúa phán với Ca-in: “Tại sao ngươi giận dữ?  Tại sao ngươi sa sầm nét mặt?  Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không?  Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.” Ca-in nói với em là A-ben: “Chúng mình ra ngoài đồng đi!” Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben em mình.[16] 
Mọi uẩn khúc rốt cục đểu bị phanh phui rõ ràng đến từng tiểu tiết. Đầu óc toàn trị trong cơn thèm khát quyền hành thống trị không bao giờ có thể được thỏa mãn. Làm “Anh Cả” không đơn giản là do được sinh ra trước các đàn em còn lại, nhưng phải là một khẳng định thực tế, bằng hành động, mắt thấy tai nghe, được bàn dân thiên hạ ngưỡng mộ chứng kiến. Quyền lực đàn anh phải chiếm được vị trí độc tôn trên lãnh vực kinh tế, chủ quản đất đai, ngành nghề canh tác và quy định giá trị và sử dụng thành quả sản xuất. Chưa hết, quyền hành lãnh đạo của bề trên còn thể hiện trong lãnh vực tôn giáo qua đầu óc và hành xử bất bao dung, muốn áp đặt một hình thức phụng tự độc tôn, phải thờ chúa của ta, theo nghi lễ của ta, phục vụ chủ trương của ta và phải được phép do thẩm quyền của ta ban phát. Chủ trương độc quyền, một mình một cõi đó phải quyết liệt thực thi, không chậm trễ, không mất thì giờ truyền đạt, giải thích, thuyết phục, mà tận dụng mọi thủ đoạn lừa đảo, mọi phương tiện bạo lực, khủng bố, trấn áp, chà nát mọi hình thức chống đối, khác biệt lừng khừng, bằng mọi giá miễn sao đạt được mục đích thống trị toàn diện thể lý, đạo đức và tâm linh. Tắt một lời: chiếm lĩnh ngai vị Thiên Chúa trên nhân loại.                                      
Thấp thoáng ẩn hiện phía sau hậu trường của mọi thảm cảnh trong vở bi kịch hầu như không hồi kết nầy, một tấn tuồng cả loài người phải can dự, vừa là diễn viên, vừa là khán giả, có bàn tay của kẻ xui nguyên giục bị, khiến Vua Sa-un không hiểu nổi vì sao mình lại đi ganh tị và căm ghét đến mức muốn hạ thủ Ông Đa-vít, người cận thần trung dũng và cũng là con rể của mình. Một thời cơ xảy đến, Ông Đa-vít có thể giết nhà vua để trả thù. Nhưng ông đã tha mạng cho nhà vua. Hành vi quân tử cao thượng và nghĩa hiệp nầy khiến nhà vua hối hận thú lỗi.
Ông Đa-vít nói với Vua Sa-un: “Tại sao cha lại nghe lời người ta nói rằng Đa-vít đang tìm cách hại cha?  Hôm nay đây, chính mắt cha thấy Đức Chúa đã trao cha vào tay con, hôm nay, trong hang; người ta nói đến chuyện giết cha, nhưng con đã thương hại cha và nói: ‘Tôi sẽ không tra tay hại chúa thượng tôi, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.’  Thưa cha, xin nhìn xem, vâng, xin nhìn xem vạt áo choàng của cha trong tay con. Vì con đã cắt áo choàng của cha và không giết cha thì xin cha biết và thấy cho rằng tay con không làm điều ác, điều lỗi, và con đã không phạm tội hại cha, trong khi cha mưu toan lấy mạng sống con.  Xin Đức Chúa phân xử giữa con và cha.  (…) Khi Ông Đa-vít nói với Vua Sa-un những lời đó xong, thì Vua Sa-un hỏi: ”Đa-vít con cha, có phải tiếng của con đó không?” Rồi Vua Sa-un òa lên khóc. Vua nói với Ông Đa-vít: “Con công chính hơn cha vì con xử tốt với cha, còn cha thì xử ác với con.[17]   
Sau đó không lâu, cũng chính quyền lực quái ác đó biến lương tri của một quân vương từng được xức dầu thánh hiến, được dành riêng cho Thiên Chúa,[18] như một khí cụ thực thi chính nghĩa và thánh đức của Người, thành tối tăm mù quáng đến mức lạm quyền và lộng quyền, vừa phạm tội ngoại tình với vợ một kẻ bề tôi, vừa bất chấp dư luận, dẫm đạp lên đạo lý, lập mưu sát hại người chồng.[19] 
Lời can gián của ngôn sứ Na-than và cũng là cũng là lời kết án của Thiên Chúa phơi trần thân phận của một kẻ bị biến thành hiện thân của Ác Tà:
Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhứt ông đã mua.  Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông nầy tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông.  Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.[20]
Câu chuyện mở ra khung cảnh rất chân thật, rất nỗi đời thường, giúp cho người nghe nhận ra ngay lập tức và không chút lẫn lộn cuộc đối kháng gay gắt tiêu biểu của mọi vấn đề bất công trong cuộc sống con người. 
Những kẻ có của cải và có quyền lực tự tiện thổi phồng quá độ cái ngã, tùy tiện phóng đại vô lý mọi nhu cầu thực và phi thực của họ. Con người phàm phu tục tử bỗng chốc biến thành bậc con trời, thân phận hữu sinh hữu diệt chợt khoác lên áo mão của hạng tiên thánh thường tồn, bất diệt, vạn niên vạn tuế truyền tử lưu tôn chiếc ngai cửu ngũ;  phương tiện sinh sống, đồ ăn áo mặc, phương tiện đi lại của họ cũng đều sơn son thếp vàng cho xứng với vị thế của kẻ thuộc về cõi trên.[21]
Những người quen sống trên nhung lụa, thừa mứa sơn hào hải vị, vừa không biết thương cảm, đau xót trước nỗi khốn cùng của đồng loại, vừa không còn lương tri sáng suốt nhận ra sự thực về nếp sống nhung lụa mình đang tận hưởng đó là những thứ của cải bất chính, thủ đắc từ hành vi tội ác, tham lam, thu tóm, giành cướp lấy miếng ăn của người nghèo, rốt cuộc chỉ để thải bỏ hoang phí, gây ô nhiễm, tàn phá môi trường thiên nhiên trong sạch, xinh đẹp  và làm suy đồi bối cảnh lành mạnh của xã hội nhân bản. Hóa ra, thực chất của nếp sống gọi là thượng lưu, sang cả, ăn trên, ngồi trốc của hạng cậy vào tiền bạc và quyền lực là tội ác chồng chất tội ác, xây trên xương máu của người nghèo, của cô nhi quả phụ.     
Trong một khoảnh khắc thật hiếm hoi, tự phản tỉnh, được hoàn hồn, tìm gặp lại lương năng bản thiện của mình, chính một con người từng sa lầy dưới hố hầm nhơ nhuốc, tanh tưởi của tội ác, của oan khiên thấu trời do chính mình gây ra cho nhân quần xã tắc như Vua Đa-vít, đã không tiếc lời lên án và nguyền rủa kẻ tội đồ.               
Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với Ông Na-than: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết!  Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót.” Ông Na-than nói với Vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài!” [22]
Lương tri con người, cho dù đó là con người tội lỗi tày đình, vẫn còn nguyên vẹn khi phải đóng vai thẩm phán tuyên công hay luận tội. Tuy nhiên, cần phải có người lên tiếng khuyên can, hoặc khi cần thiết, tố giác tội ác để thức tỉnh tội nhân, kéo họ ra khỏi cơn mê muội, ảo tưởng, xa rời cuộc sống thực tại, hoặc sợ hãi không dám nhìn nhận sai lầm, để đưa họ trở lại với bản chất lương thiện, để họ hồi tâm, nhận ra chính mình, chấp nhận thực tại về tình trạng sai lầm của mình và đủ nghị lực, đủ ý chí mạnh mẽ vùng dậy thoát khỏi gông ách của Ác Tà.    . 
Thế lực u ám nào, nếu không phải là chính thế lực ác tà, đã khiến cho một người từng được xưng tụng là khôn ngoan bậc nhứt thiên hạ như Vua Sa-lô-môn bỗng trở thành hạng hôn quân vô đạo, ký kết hôn ước với dân ngoại, du nhập những thói tục thờ cúng dị giáo, đi ngược lại truyền thống chính giáo Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên Dân Ít-ra-en.
Tại Ghíp-ôn, đang đêm Đức Chúa hiện ra báo mộng cho Vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” Vua Sa-lô-môn thưa: “Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà đối xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít, thân phụ con, như người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với người, khi ban cho người có một đứa con ngồi trên ngai vàng của người hôm nay. Và bây giờ, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ,không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi.  Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, nươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì nầy, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.”[23]           
Giao ước được ký kết như một thỏa thuận giữa hai phía, phải được được tôn trọng từ cả hai bên chịu trách nhiệm mới giữ nguyên giá trị. Ơn khôn ngoan Vua Sa-lô-môn cầu khấn Thiên Chúa ban cho mình kèm theo cam kết của chính ông rằng ông phải trung tín phụng sự Chúa, tuân giữ luật pháp của Người và đồng thời sử dụng ơn khôn ngoan Thiên Chúa ban mà phục vụ dân Chúa. Những lời hứa của Sa-lô-môn với Thiên Chúa đã bị vi phạm: nhà vua không còn noi gương phụ vương “bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay thẳng”, còn chính bản thân vua cũng chẳng còn giữ “một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”, thì hậu quả thảm hại của một triều đại suy mạt đã bắt đầu.
Vua Sa-lô-môn yêu nhiều người đàn bà ngoại bang; ngoài ái nữ của Pha-ra-ô, còn các bà thuộc dân Mô-áp, Am-mon, Ê-đôm, Xi-đôn, Khết, những dân mà Đức Chúa đã truyền cho con cái Ít-ra-en là “các ngươi không được đi lại với chúng, và chúng cũng chẳng được đi lại với các ngươi; vì chắc chắn chúng sẽ làm cho lòng các ngươi ngả theo các thần của chúng.” Nhưng Vua Sa-lô-môn thì lại mê những người đàn bà ấy; vua có bảy trăm bà vợ chính thức và ba trăm cung phi.  Và các bà ấy làm cho lòng vua ra hư hỏng.[24]    
HOẠT ĐỘNG CỦA ÁC TÀ
Trong thời gian Chúa Ki-tô thi hành sứ vụ cứu thế trên cõi trần, quyền lực Ác Tà trở nên hung hãn và quyết liệt hơn. Chúng tập trung lực lượng, tấn công Chúa, hoặc gián tiếp qua các cá nhân hay nhóm người và cơ chế đối nghịch với các giá trị Tin Mừng, hoặc trực diện, một đối một.  Có lẽ tiêu biểu hơn hết là bài tường thuật cuộc cám dỗ trong hoang địa.
Ác Tà từ lúc nầy xuất hiện như một nhân vật, bị nhận dạng và gọi đích danh là “quỷ” và “tên cám dỗ”.
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy:
Sự dữ không phải là một điều trừu tượng nào đó, nhưng là một cá vị, là Xa-tan, là Ác Thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ (tiếng Hy Lạp là Dia-bolos) là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Người được thực hiện trong Chúa Ki-tô.[25]
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II quả quyết Ác Tà có mặt mũi và có danh tánh. Mặt mũi và danh tánh của Ác Tà chính là mặt mũi và danh tánh của những kẻ tự ý tự nguyện nạp mạng cho Ác Tà, biến mình thành công cụ của ma quỷ, để chúng thực hiện bao điều vô cùng độc ác trong nhân loại, khiến mọi người khi nghe đến danh tánh hay nhìn thấy mặt mũi của họ không thể không rùng mình như nghe xướng danh tà thần hoặc nhìn tận mặt ma quỷ.[26]  
Chẳng hạn, trong tác phẩm “Hoài Niệm và Căn Tính”, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô chỉ rõ chủ nghĩa Quốc Xã là ý thức hệ của Ác Tà với hàng triệu nạn nhân vô tội bị sát hại và hệ lụy tàn độc của chúng còn tiếp tục tàn phá văn minh nhân loại.[27] Dĩ nhiên, ai trong chúng ta đều biết thế lực tay sai cho Ác Tà ngày nay  không chỉ dừng lại ở đó, ma còn những ý thức hệ khác ta có thể chỉ mặt, gọi tên chúng.
Bấy giờ Chúa Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chiu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá nầy hóa bánh đi!” Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi!  Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”  Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi!  Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” 
Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.[28]     
Mục tiêu ma quỷ tấn công là nhân tính của Chúa Ki-tô, đại diện và mẫu mực của một nhân loại sẽ được hoàn toàn giải thoát khỏi quyền lực Ác Tà. Ba mũi giáp công của thế lực uế thần đánh vào ba nhược điểm của con người hãy còn chịu khống chế dưới hệ lụy tội lỗi: lạc thú xác thịt vật chất, tính kiêu hãnh, tự phụ và lòng tham sở hữu tài sản.
Truyền thống tu đức của Hội Thánh tóm gọn hoạt động của Ác Tà thành bộ ba tử thù của con người là ma quỷ, xác thịt và thế gian, đồng thời đưa liệu pháp, chữa tri căn bịnh kinh niên của bản năng con người, bằng cam kết sống theo ba lời khuyên Tin Mừng: khiết tịnh giúp khống chế tham dục vật chất; thanh bần kềm hãm thói tham tiền bạc, của cải; và vâng phục để triệt tiêu cơn nghiện quyền bính, khát danh vọng.  
Theo nhận xét về các thể thức hành động của Ác Tà, có ba tác hại sau:
Một là quỷ ám, cũng thường gọi là cám dỗ, nghĩa là ma quỷ tác động từ bên ngoài, xúi giục nạn nhân nghĩ, nói hay làm những điều tội lỗi, xấu ác.
Hai là quỷ nhập nghĩa là ma quỷ đã xâm nhập một con người, chiếm đoạt người ấy và sử dụng người nầy như một công cụ.
Ba là quỷ hành nghĩa là ma quỷ tìm mọi cách hủy hoại mọi thành trì của chân thiện mỹ còn cản bước bành trướng của đế chế địa ngục. Câu truyện của Ông Gióp, của Người Tôi Tớ Đau Khổ là bằng chứng của nỗ lực Ác Tà giáng đòn thù lên những ai đứng về phía chính nghĩa của Chúa để đối kháng lại các thế lực tội lỗi.
LIỆU CUỘC CHIẾN ĐÃ TÀN?  
Khái niệm rất khác biệt về một cuộc chiến và những trận chiến có thể dùng để giải thích vì sao tình trạng nhân loại trước và sau công cuộc cứu nhân độ thế của Chúa Ki-tô vẫn không thấy có chi khác biệt, nếu không muốn chấp nhận một thực tế là bóng đen Ác Tà càng thêm dầy đặc, trong khi ánh sáng Chân Thiện cứ lịm dần, chẳng mấy hy vọng sẽ lại có lúc bừng lên. 
Chúa Ki-tô đã thực sự và vĩnh viễn kết liễu cuộc phân tranh giữa Thiện và Ác với chiến thắng Phục Sinh và tuyên ngôn tái lập hòa bình trường cửu: “Đừng sợ, Ta đã khuất phục thế gian.”[29] Tuy nhiên tàn quân của thế lực địa ngục vẫn còn cầm cự đó đây, không thể không có một đôi trận tử chiến thí quân ôm bom tự sát vào “giờ thứ hai mươi lăm.”  Cơn khủng hoảng giáo sĩ và tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên khiến rung động Hội Thánh toàn cầu, luật pháp Hoa Kỳ nhìn nhận và bảo vệ đạo thờ Xa-tan như một tôn giáo chính thức bên cạnh các tôn giáo truyền thống chính là chỉ dấu của lời cảnh báo trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Chúa, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.[30]      
Nhưng có lẽ âm mưu quỷ quái nhứt và cũng là thành công đáng sợ nhứt của ma quỷ là đã thuyết phục được mọi người thời nay tin rằng Ác Tà đã “gác kiếm từ giã giang hồ.”[31]  Ma quỷ chỉ còn là truyện giải trí của tuồng kịch, phim ảnh; hoặc nghiêm túc hơn, đó là những hiện tượng thuộc khoa tâm lý, lãnh vực văn hóa và vấn đề xã hội.
Người môn đồ của Chúa Ki-tô, trong bất kỳ thời gian hoặc hoàn cảnh đảo điên nào, vẫn chăm chú nghe lời kêu gọi phải tỉnh thức và cầu nguyện tha thiết cùng Đấng Hiền Phụ trên trời: “Lạy Cha!  Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”


[2] Anh Ngữ: “The last but not the least.”
[3] Xc Mt 6:24.
[4] Xc Lc 21:36; Mt 26:41.
[5] St 3:1.
[6] Xc St 3:15.
[7] Xc Rm 3:23; 5:10.
[8] St 3:10.
[9] Xc St 1:27.
[10] “Tự Thuật” 1:1.
[11] Xc Xh 32:1-6.
[12] Xc St 2:33-34.
[13] St 3:12.
[14] St 2:23.
[15] Xc St 4:9.
[16] St 4:2-8.
[17] Xc 1 Sm 19:10; 24:17-22.
[18] Xc 2 Sm 5:3.  Truyền thống Cựu Ước có nghi thức xức dầu phong vương, phong ngôn sứ và phong tư tế như được Thiên ủy nhiệm 3 sứ vụ lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa Dân Riêng của Chúa. 
[19] Xc 2 Sm 11:1-17.
 [20] 2 Sm 1-4.
[21] Con chó thú cưng của hoàng hậu Thái Lan cũng được gọi là “hoàng khuyển”: xc https://edition.cnn.com/2019/08/26/asia/thailand-royal-consort-photos-intl-hnk/index.html 
[22] 2 Sm 12:5-7.
[23] 1 V 3:5-12.
[24] Xc 1 V 11:1-3.
[25] Số 2851.
[26] Xc Thông Điệp Ngày Quốc Tế Cầu Cho Hòa Bình, ngày 1 tháng 1, năm 2005: https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/peace/ documents/hf_jp-ii_mes_20041216_xxxviii-world-day-for-peace.html
[28] Mt 4:1-11.
[29] Ga 16:33.
[30] 4:13.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn