Mong sao cho những
người Công Giáo
liên quan đến thế giới truyền thông
rao giảng sự thật về Đức Giêsu mạnh dạn hơn bao giờ
từ trên những mái nhà,
sao cho mọi người nam nữ có thể nghe về tình yêu
là tâm điểm của chính truyền thông Thiên Chúa
nơi Đức Giêsu Kitô, hôm qua, cũng như hôm nay và mãi mãi.[1]
Ts. Rômualđô Maria Bùi Văn Nghĩa, CRM
DẪN NHẬP
Nhân loại
ngày nay đang sống trong một thời đại được mệnh danh là “thời đại a-còng",
thời đại của công nghệ thông tin. Từ những năm cuối của thế kỷ XX vừa qua và nhất
là trong những năm đầu thế kỷ XXI này, sự phát triển như vũ bão của công nghệ
tin học đã dẫn đến sự bùng nổ về một hình thức truyền thông mới: Truyền thông
Internet.
Nói đến Internet, ngày nay có lẽ không
mấy ai còn cảm thấy lạ lẫm nữa. Mặc dù ra đời chưa lâu nhưng hệ thống truyền
thông tân kỳ này đã lan đi hầu như mọi nơi trên thế giới. Internet mang tính
phổ cập, các thiết bị để truy cập cũng như phí tổn cho việc sử dụng không quá
đắt đỏ nên hầu hết người bình dân đều có thể sử dụng. Chính vì thế mà từ thành
thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, đâu đâu cũng thấy có sự hiện diện
của các dịch vụ Internet.
Ngay từ những ngày đầu của kỹ thuật
Internet, người ta đã thấy ở đây những cơ hội thật lớn lao. Nó cho phép chúng
ta trực tiếp tiếp cận nguồn thông tin tra cứu khổng lồ và vô tận kể cả những
tài liệu tôn giáo và tâm linh quan trọng, nó mở ra cơ hội học tập cho tất cả
mọi người, nó cung cấp những thông tin nhanh nhạy, nó giúp mọi người vượt qua
khoảng cách để có thể tiếp xúc với nhiều người ở nhiều nơi… Tuy nhiên, trong
khi đem lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và Giáo
hội thì phương tiện truyền thông mới này cũng có thể được dùng cho những mục
tiêu xấu xa làm băng hoại đời sống con người, đặc biệt là giới trẻ, gây khủng hoảng
về đạo đức.
Trước tính hai mặt của Internet như thế,
người Kitô hữu chúng ta phải có thái độ nào và phải sử dụng như thế nào để có
thể vừa khai thác được những ích lợi lớn lao nhờ mạng mà vừa không bị “mất mạng
vì mạng”? Đó là những điều mà người viết cố gắng suy tư tìm hiểu và trình bày
trong bài viết này.
Hiện nay, các sách tham khảo về Internet
không nhiều. Để thực hiện công trình đơn sơ, bé nhỏ này, người viết phải sử
dụng nhiều thông tin từ mạng Internet, nhất là những kiến thức về công nghệ tin
học và về tác động của nó trên xã hội và con người. Sau khi đặt chúng dưới ánh
sáng Lời Chúa và Giáo lý Hội thánh Công giáo, người viết đi đến những áp dụng
thực hành dựa theo những chuẩn mực của luân lý Kitô giáo và giáo huấn của Giáo
hội. Bài viết này cũng phần nào hướng ánh nhìn về mục vụ truyền giáo mà truyền
thông Internet là phương tiện rất hữu hiệu và đầy tiềm năng.
1.
Vấn đề truyền thông của xã hội loài người
1.1. Khái niệm về truyền thông
Ngạn ngữ có câu:
“không ai là một hòn đảo”. Nghĩa là con người sinh ra trong thế giới này, ngoài
những nhu cầu căn bản như: ăn, uống, ngủ nghỉ… còn cần đến những mối liên hệ giữa
người với người và hơn thế nữa là nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc trong cộng
đồng xã hội. Ta gọi đó là truyền thông. Truyền thông có thể phân thành nhiều cấp:
cấp độ riêng lẻ giữa các chủ thể, cấp độ xã hội, hoặc cấp độ đại chúng. Vì là một
nhu cầu thiết yếu, nên trải qua suốt dòng lịch sử tiến bộ của nhân loại, cách
thức truyền thông của con người khởi đi từ cấp độ riêng lẻ, đã luôn luôn phát
triển và không ngừng mở rộng.
1.2. Các hình thức Truyền thông theo
dòng lịch sử
Thuở ban đầu sau
khi Thiên Chúa tạo dựng, cách giao tiếp duy nhất của con người chỉ là nói bằng
lời và bằng cử chỉ. Con người dùng lời nói của chính mình để chuyển giao thông
tin và suy nghĩ của mình với người khác. Ở thời đại này, có những câu chuyện được
lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác cũng chỉ qua lối kể chuyện bằng miệng.
Nó trở thành những câu chuyện truyền thuyết, mang nhiều yếu tố huyền hoặc, thiếu
tính chính xác vì “tam sao thất bản”.
Dần dà con người
sáng chế ra chữ viết. Nhờ chữ viết, các ý tưởng trong đầu được trình bày ra
ngoài một cách dồi dào phong phú hơn, các thông điệp được truyền đi xa hơn, những
kho tàng trí thức được lưu truyền lâu dài từ đời này tới đời kia mà vẫn giữ được
độ chính xác của nó.
Khoảng năm 1150,
con người đã biết dùng chim bồ câu để chuyển thư. Bồ câu đưa thư là một giống bồ
câu nhà được nuôi dưỡng, huấn luyện để chuyên dùng vào mục đích liên lạc thông
tin, thường là hình thức đưa, gửi các bức thư, chúng là một phương tiện thông
tin liên lạc khá hữu dụng, và dùng nhiều trong chiến tranh với hình thức đội
quân động vật. Người ta nhận thấy loài bồ câu có khả năng định vị và bay về nhà
từ một khoảng cách khá xa, có khi lên đến cả hàng ngàn kilômet, do đó đã huấn
luyện loài chim này để chúng chuyển thông tin một cách nhanh chóng.
Vào ngày 6 tháng
1 năm 1838, hệ thống điện tín sử dụng mã hóa Morse đã được công bố lần đầu tiên
tại Morristown , New Jersey . Mã Morse dùng một chuỗi đã được
chuẩn hóa gồm các phần tử dài và ngắn để biểu diễn các chữ cái, chữ số, dấu chấm,
và các ký tự đặc biệt của một thông điệp. Các phần tử ngắn và dài có thể được
thể hiện bằng âm thanh, các dấu hay gạch, hoặc các xung, hoặc các ký hiệu tường được gọi là "chấm" và "gạch"
hay "dot" và "dash" trong tiếng Anh. Tín hiệu có thể được chuyển tải thông qua tín hiệu
radio, máy điện tín, tín hiệu cơ hay ánh sáng ... Trong máy điện tín, những tín
hiệu điện này được gửi đi qua đường dây thép, và từ đó người nhận có thể chuyển
ra “thư tin”. Phát minh này nhằm giúp cho ngành viễn thông và được xem như là
bước cơ bản cho ngành thông tin số. Mật mã Morse rất được thịnh hành vào cuối
thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, đã gây ảnh hưởng rất lớn trong các cuộc chiến vào
thời đó. Ngày nay, mật mã Morse chỉ còn được dùng trong việc giải trí và trong
các trò chơi…
Năm 1876, điện thoại ra đời. Điện thoại là thiết bị viễn thông dùng để
truyền giọng nói từ xa giữa hai hay nhiều người. Cuộc gọi đầu tiên được thực hiện
giữa nhà phát minh Alexander Graham Bell và người trợ lí của ông ngồi cách đó 4,5 m với mẩu hội thoại ngắn
ngủi : “Watson, anh đến đây nhé, tôi có việc cần!” là sự kiện lịch sử đánh dấu
chính thức sự ra đời của chiếc điện thoại liên lạc. Sự phát triển của kỹ thuật
dẫn đến ngày nay mạng điện thoại có những tính năng mới ngày càng hoàn thiện
hơn.
Năm 1925, truyền hình ra đời. Truyền hình, hay còn được gọi là TV (Tivi)
hay vô tuyến truyền hình (truyền hình không dây), là hệ thống điện tử viễn
thông có khả năng thu nhận tín hiệu sóng và tín hiệu qua đường cáp để chuyển
thành hình ảnh và âm thanh. Được đưa ra thị trường đầu tiên trong hình thức rất
thô sơ vào cuối năm 1920. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các máy thu truyền
hình (tivi) trở thành phổ biến trong gia đình, các doanh nghiệp và các tổ chức,
chủ yếu là một phương tiện để giải trí, quảng cáo
và xem tin tức. Trong những năm 1950, truyền hình đã trở
thành phương tiện chính để định hướng dư luận.[2]
Tất cá các hình thức truyền thông vừa kể trên đây sẽ dần dần trở thành
quá khứ lu mờ hoặc trở thành một phần nhỏ của một hình thức truyền thông vừa mới
bùng phát cách đây không lâu nhưng phát triển nhanh chóng như vũ bão: truyền
thông Internet.
2.
Tìm hiểu khái quát về công nghệ Internet
2.1. Internet và
kỹ thuật số
Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng
gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin
theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn
hóa. Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp,
của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các
chính phủ trên toàn cầu. Tất cả các thông tin và các dữ liệu được chuyển tải
trên mạng Internet đều dưới dạng kỹ thuật số.
Kỹ thuật số hóa được so sánh như một “phép mầu” cho phép ta chuyển hóa giọng
nói, âm thanh, phim, tín hiệu truyền hình, âm nhạc, màu sắc, hình ảnh, ngôn ngữ,
tài liệu, thông số, ngôn ngữ máy tính và bất cứ loại hình dữ liệu nào... thành
những dữ liệu dưới dạng số, thể hiện đơn giản bằng sự kết hợp khác nhau của những
tập họp gồm hai con số 1 và 0, rồi truyền chúng qua đường điện thoại, vệ tinh
và cáp quang đi khắp thế giới. Sau đó chúng được giải mã trở lại thành nguyên bản. Nicholas Negroponte, tác giả cuốn “Kỹ thuật số” đã đưa ra cách giải thích rất
hình tượng về công nghệ số hóa:
Tựa
như chúng ta vừa tìm ra cách sấy khô và làm đông lạnh một ly cà phê sữa một
cách hoàn hảo, rồi sau khi cho nước vào thì nó lại trở về hình dáng và hương vị
của một ly cà phê như trước, như vừa được pha, trong bất cứ quán cà phê nào của
người Ý. Và chúng ta cũng có thể làm khô và đông lạnh nhiều thứ khác, bằng cách
chuyển hóa chúng ‘từ nguyên tử thành ký tự vi tính’, từ hình ảnh và âm thanh
sang những số l và số 0, truyền chúng đến nhiều nơi khác nhau với chi phí rẻ
hơn bao giờ hết.[3]
Việc thể hiện lời
nói, âm nhạc, số liệu, bản đồ, ảnh, âm thanh và video dưới dạng kỹ thuật số này
đã cho phép chúng có thể được tạo ra, truyền tải và đón nhận một cách dễ dàng qua
chiếc máy vi tính, chiếc điện thoại thông minh, ở trong bếp, trên giường ngủ,
trên xe bus …
2.2. Quá trình hình thành và bùng nổ
Internet
Năm 1969 Bộ Quốc
phòng Mỹ đã xây dựng dự án ARPANET để nghiên cứu lãnh vực mạng, theo đó các máy
tính được liên kết với nhau và sẽ có khả năng tự định đường truyền tin.
Năm 1972 Ray
Tomlinson đã phát minh ra Email (thư điện tử) để gửi thông điệp trên mạng.
Email là một phương tiện thông tin rất nhanh. Một thông tin (thư từ) có thể được
gửi đi ở dạng mã hoá hay dạng thông thường và được chuyển qua các mạng máy tính
đặc biệt là mạng Internet. Nó có thể chuyển mẫu thông tin từ một máy nguồn tới
một hay rất nhiều máy nhận trong cùng lúc. Từ đó đến nay, Email là một trong những
dịch vụ được dùng phổ biến. Các dịch vụ thư điện tử có thể được cung ứng miễn
phí hay có lệ phí tuỳ theo nhu cầu và mục đích của ngưòi dùng.
Năm 1986 mạng
NSFnet chính thức được thiết lập, kết nối năm trung tâm máy tính. Đây cũng là
năm có sự bùng nổ kết nối, đặc biệt là ở các trường đại học.
Năm 1990, mạng do
NSF và ARPANET tạo ra đã được sử dụng vào mục đích dân dụng, đó chính là tiền
thân của mạng Internet ngày nay. Một số hãng lớn bắt đầu tổ chức kinh doanh
trên mạng. Internet là trở thành phương tiện đại chúng.
Năm 1991, Tim
Berners Lee ở trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu Âu CERN phát minh ra World
Wide Web (WWW). Có thể nói đây là một cuộc cách mạng trên Internet vì nhờ đó
người ta có thể truy cập, trao đổi thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Năm 1994, những
hình ảnh video đầu tiên được truyền đi trên mạng Internet.
Năm 1999, thuật
ngữ Wi-Fi ra đời, là tên gọi thống nhất để chỉ công nghệ kết nối cục bộ không
dây đã được chuẩn hóa.
Năm 2007, Iphone
ra đời, mở ra một chương mới của điện thoại thông minh, từ đây sự gắn kết của
truyền thông di động và Internet càng chặt chẽ hơn.[4]
Năm 2016, thế
giới có khoảng 3,4 tỷ người dùng Internet và số lượng ngày càng gia tăng. Riêng
tại Việt Nam, theo thống kê đầu năm 2017, có 52 triệu người sử dụng internet trên
93,6 triệu dân, chiếm 54% dân số.
Với khả năng kết
nối mở như vậy, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, mạng của
các mạng, xuất hiện trong mọi lãnh vực thương mại, chính trị, quân sự, nghiên cứu,
giáo dục, văn hoá, xã hội… Các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển tạo
ra cho nhân loại một thời kỳ mới: kỷ nguyên thương mại điện tử trên Internet.
2.3. Các dịch vụ mạng xã hội
Từ năm 2002, các loại hình dịch vụ mạng xã hội xuất hiện. Dịch vụ mạng xã
hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau
với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người
tham gia vào dịch vụ mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng. Dịch vụ mạng xã hội
có những tính năng như chat, chia sẻ phim ảnh, các file dữ liệu và xã luận. Các
dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác.
Hiện nay thế giới có hàng trăm dịch vụ mạng xã hội khác nhau, nhưng phổ
biến nhất trên thế giới hiện nay phải kể đến là Facebook, Google+, Twitter.
Facebook chính thức mở cửa cho người dùng đăng ký vào năm 2006. Với sự
phát triển của Facebook, khái niệm mạng xã hội trở nên quen thuộc. Truyền thông
xã hội bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Facebook là mạng xã hội có nhiều người dùng
nhất hiện nay. Theo thống kê tháng 4/2017, hiện nay Facebook có trên 2 tỷ người
dùng. Riêng tại Việt Nam
có khoảng 64 triệu người dùng (trên 50% dân số cả nước).
Google+ là mạng xã hội lớn thứ hai sau Facebook nó là mạng xã hội của
công cụ tìm kiếm google. Hiện nay, có khoảng 1,6 tỉ người sử dụng hàng tháng.
Twitter là mạng xã hội lớn thứ ba trên thế giới. Hiện nay Twitter có khoảng
290 triệu người dùng hàng tháng.[5]
3. Internet làm thay đổi thế giới
3.1. Internet góp phần
“làm phẳng” thế giới
Ngày 9 tháng 11 năm 1989, sự sụp đổ của bức tường Berlin ngăn cách hai miền nước Đức đã báo hiệu
thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Cùng lúc ấy, sự xuất hiện của Internet hầu
như đã phá đi mọi bức tường ngăn cách giữa người với người, giữa những vùng miền
ở cách xa nhau, giữa các nước với các nước, giữa lục địa với lục địa. Bởi vì,
như đã biết, Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu và bất cứ ai, với một
chiếc Computer hay một chiếc điện thoại cảm ứng là có thể tham gia vào hệ thống
mạng xã hội và có thể liên kết với tất cả mọi người trên hành tinh này. Đây là
sự toàn cầu hóa về mặt truyền thông, làm cho thế giới này như nhỏ lại, nói theo
chữ của Marshall McLuhan, thành một cái làng, làng-toàn-cầu (global village);[6]
hay nói như Thomas L. Friedman, một nhà báo lão luyện của tờ New York Times: thế
giới này không còn là thế giới tròn nữa mà “chúng ta đang sống trong một thế giới
phẳng”.[7]
3.2. Internet làm thay
đổi hành vi lối sống của con người thời đại
Việc Internet và mạng xã hội bùng nổ đã tác động mạnh mẽ đến đời sống con
người và làm thay đổi những hành vi và những sinh hoạt của nhiều người, nhất là
giới trẻ hiện nay.
Trước đây, cha mẹ thường bực bội vì con em mình mải miết vui chơi những
trò chơi ngoài trời như đá bóng, đá cầu, bắn bi trốn tìm…, ngày nay cha mẹ lại
phải lo lắng vì con em họ chỉ thích ngồi lì trong nhà với máy vi tính hoặc
smart phone, tablet.
Trước đây, thanh niên thiếu nữ muốn làm quen nhau thì phải đến gặp trực
tiếp để trò chuyện, ngày nay họ làm quen nhau qua mạng nhiều hơn.
Trước kia để tra cứu hay truy tìm kiến thức, người ta vào thư viện; ngày
nay người ta chủ yếu vào Google, một thư viện điện tử khổng lồ…
3.3. Internet làm thay đổi đời sống chính trị
Khi tham gia mạng xã hội, cư dân mạng ngày càng trở nên quan tâm hơn
không chỉ đến những thông tin về lãnh vực kinh tế, xã hội, thương mại, giáo dục…
mà còn quan tâm đến chính trị nữa, một chủ đề mà trước đây, đại đa số dân chúng
không muốn đề cập đến vì nhiều lý do. Phóng viên Hòa Ái nhận định:
Từ sự tìm hiểu các thông tin đa chiều, những cư dân mạng
trẻ tuổi định hình được vai trò chủ động và tích cực hơn của họ trong việc xây
dựng xã hội văn minh và tiến bộ. Họ không chỉ quan tâm đến các diễn tiến của quốc
gia mà họ còn công khai bày tỏ chính kiến xoay quanh mọi vấn đề, điển hình là
thảm họa môi trường biển ở khu vực bốn tỉnh Bắc miền Trung, do Formosa xả thải
có độc tố hồi tháng Tư năm ngoái. Qua các trang mạng xã hội với thông tin về sự
cố Formosa, hàng trăm người dân đã đồng lòng xuống đường kêu gọi Chính phủ đóng
cửa nhà máy Formosa để bảo vệ môi trường sống cũng như đền bù thỏa đáng cho các
nạn nhân.[8]
Tuy những hoạt động trên chưa thực sự thành công nhưng cũng đã có tác động
nhất định. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ Internet cũng thúc đẩy các
chính phủ tiến tới việc "điện tử hóa", "mạng hóa" trở thành
Chính phủ Điện tử (e-Government). Chính phủ Điện tử là ứng dụng công nghệ thông
tin và truyền thông (ICT) để các cơ quan của Chính quyền từ trung ương và địa
phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông
tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức...[9]
Vì “thông tin là một trong những công cụ chính yếu để tham gia dân chủ”,[10] thiết
nghĩ, nhờ truyền thông đại chúng Internet, các thể chế chính trị sẽ ngày càng
hoàn thiện hơn và tiến tới công bằng, văn minh, dân chủ hơn.
Những tác động của Internet là rất to lớn trên nhiều lãnh vực của đời sống.
Chúng ta sẽ tìm hiểu và bàn luận kỹ hơn ở những chương sau.
II.
TÁC ĐỘNG CỦA INTERNET TRÊN ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
1.
Những lợi ích mà Internet mang lại
Như đã biết,
Internet nói chung và các dịch vụ mạng xã hội đã trở nên phổ biến và gần gũi với
mọi người, đặc biệt đối với giới trẻ. Nó chi phối hầu như mọi lãnh vực của đời
sống và mang đến những lợi
ích to lớn khó có thể đong đếm được. Sau đây chúng ta cùng nhau điểm qua một
vài lợi ích tiêu biểu.
1.1. Internet cung cấp
thông tin phong phú, đa chiều và nhanh nhạy
Lợi ích đầu tiên dành cho người tiếp cận với mạng xã hội nói
riêng và Internet nói chung là nguồn thông tin phong phú và sốt dẻo. Tin tức
trên mạng xã hội luôn luôn mới mẻ và được cập nhật liên tục bởi nhiều nguồn
thông tin. Thậm chí là những thông tin tức thời, được truyền tải trực tiếp qua
hình thức Live stream trên Facebook hay Youtube.
Trước đây, muốn biết thông tin, người ta phải
chờ đợi những trang báo mới hoặc những chương trình truyền thanh truyền hình.
Những hình thức thông tin này vừa thiếu tính tức thời vì đã qua một khoảng thời
gian nhất định, vừa rất hạn chế bởi những thông tin trên báo chí hay truyền
thanh truyền hình đều có giới hạn về dung lượng hay thời lượng. Và điều đáng
nói nhất là những nguồn thông tin ấy đã được chọn lọc bởi những người làm công
tác truyền thông với mục đích “định hướng dư luận”. Ngày nay, nhờ các thông tin
trên mạng xã hội, mà mọi người có được thông tin mang tính đa chiều đa diện.
Chính các nguồn thông tin trên mạng xã hội đã tạo nên một hình thức thông tin
được gọi là “Thông tin lề trái” đối lập với cái gọi là “Thông tin lề phải”.
“Trái” ở đây không có nghĩa là sai; và “phải” ở đây không có nghĩa là đúng. “Lề
phải” là báo chí nhà nước, là lề chính; “lề trái” là báo chí mạng xã hội tự do,
là lề không chính danh. Nhận định về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc viết:
Để cho dễ hiểu,
cứ thử đọc các trang báo “lề phải” rồi đọc sang các trang báo “lề trái” thì rõ:
Chúng ta sẽ thấy những câu chuyện khác hẳn nhau: Một bên là những câu chuyện nhảm
nhí dùng để che giấu những câu chuyện thật đang làm ruỗng nát xã hội và một bên
là những câu chuyện khiến người ta phải lo lắng, phẫn nộ, nhức nhối, dằn vặt.[11]
Dĩ nhiên là khi tiếp cận với các nguồn thông
tin, mọi người cần chắc chắn về độ xác thực của nó bởi không phải tất cả chúng
đều chính xác. Thậm chí có những nguồn thông tin không chỉ là nhiễu hay sai
lạc, mà còn gây ra nhiều độc hại cho người tiếp nhận thông tin. Điều này sẽ
được đề cập đến ở phần sau.
Đối với người Công Giáo,
các thông tin về các hoạt động của Giáo hội trước đây rất hạn chế. Ngày nay, nhờ mạng
Internet, các tín hữu Công Giáo đã có thể dễ dàng tiếp cận với sinh hoạt Giáo
hội toàn cầu.
1.2. Internet giúp trau dồi kiến thức, kĩ
năng
Bên cạnh nguồn thông tin phong phú, đa chiều và
sốt dẻo, Internet
còn chứa đựng một kho kiến thức khổng lồ, một nguồn thông tin
vô tận để tra cứu.
Khi cần tìm kiếm một vấn đề nào đó mà mình quan
tâm, ngày nay ta chỉ việc lên Internet tìm kiếm. Việc tìm kiếm này lại hết sức
đơn giản. Chỉ cần nhập chủ đề cần tìm vào mục tìm kiếm (search) trên trang mạng
Google và bấm vào nút nhấn, lập tức hàng chục, hàng trăm tài liệu xuất hiện
trên máy tính. Chính vì sự dễ dàng mà tiện lợi này mà ngày nay mọi người thường
nói với nhau: “Dân ta phải biết sử ta;
những gì không biết thì tra Google!”
Đối với những
sinh viên cần truy tìm bài vở để nghiên cứu, thì mạng Internet là điều vô cùng
thuận tiện. Trước đây, người nghiên cứu phải mất cả buổi vào thư viện, lục tìm
mã số để kiếm sách mà chưa chắc đã có sẵn vì nhiều khi sách ấy đã có người khác
mượn. Mượn được sách thì đem về nhà, rồi phải đem trả lại sau vài tuần, rất tốn
thì giờ. Ngày nay, người đọc nhờ Internet, chỉ cần “ra lệnh” là tài liệu tự đến
với mình bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm; dù ở nhà, quán cà phê hay ở trên tàu
xe.
Internet cũng
đóng vai trò rất quan trọng trong lãnh vực giáo dục, đào tạo. Ngày nay nhiều
chương trình dạy học từ xa, đào tạo trực tuyến, giúp cho những người không có
điều kiện thuận lợi để theo học trường lớp, có thể tham gia học tại nhà thông
qua mạng Internet. Người học có thể khai thác nội dung học tập trực tuyến từ
thiết bị di động, hay học tập trong mô hình trường đại học ảo… Tại Việt Nam, Viện
Đại học mở Hà Nội là đơn vị tiên phong, bắt đầu nghiên cứu về đào tạo trực tuyến
từ năm 2005, và chính thức triển khai tuyển sinh những lớp đầu tiên đào tạo
theo phương thức trực tuyến vào năm 2008.[12]
Ngoài ra, muốn học
hỏi trau dồi các kỹ năng, chúng ta cũng có thể tìm kiếm sự hướng dẫn trên mạng.
Chẳng hạn: học nấu các món ăn, học nữ công gia chánh, học trang điểm, học đàn học
nhạc, học các bài tập thể dục dưỡng sinh…
Nguồn thông tin
trên Internet nói chung
rất phong phú và đa dạng, nếu biết tận dụng để trau dồi kiến thức và
các kỹ năng, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích.
1.3. Internet
giúp con người mở rộng liên lạc, giao lưu
Trước khi có Internet, khi một người muốn liên lạc với người thân từ xa
thì phải viết thư, mang ra bưu điện gửi đi và nếu may mắn đến được với tay người
nhận thì cũng phải mất hàng tháng. Lúc ấy tình hình thực tế có thể đã khác so với
những gì viết trong lá thư. Một phương tiện liên lạc khác mau lẹ hơn đó là gửi
điện tín. Người cần gửi tin phải ra bưu điện, đọc thông tin muốn gửi đi và phải
tính toán sao cho thông tin ấy ngắn gọn hết sức có thể, vì người ta đếm số chữ
gửi đi để tính tiền, và tiền phí cước rất đắt đỏ. Vì thông tin quá ngắn gọn nên
thường không diễn đạt đầy đủ ý nghĩa và nhiều khi bị hiểu sai. Chẳng hạn có câu
chuyện một đang đi công tác xa nhà thì nhận được điện tín: “vo de” (thông tin
không có dấu), anh tưởng quê nhà vỡ đê, chạy về thì biết là vợ đẻ. Từ đó trong
dân gian thường hay gọi đùa “vợ đẻ” là “vỡ đê”… Ngày nay qua mạng xã hội, ta có
thể soạn sẵn một tin nhắn ngắn gọn hay một lá thư dài bao nhiêu tùy ý, đánh máy
có dấu tiếng Việt đàng hoàng. Sau đó chỉ cần nhấn nút “gửi” là trong nháy mắt
người thân đã có thể nhận được thư. Người ta cũng có thể gửi hình ảnh, gửi một
đoạn phim, hoặc quay phim cho người thân từ xa xem trực tiếp mà hầu như không tốn
một khoản lệ phí nào, ngoại trừ tiền thuê bao kết nối mạng.
Ngoài liên lạc với
người thân, mạng xã hội còn là một trong những cách tốt nhất để giới thiệu bản
thân đến tất cả mọi người. Mỗi người có thể giới thiệu tính cách, sở thích,
quan điểm của bản thân trên mạng xã hội; đồng thời qua mạng xã hội mỗi người
cũng có thể biết được nhiều thông tin về bạn bè…
Điều này được thể
hiện rõ nhất trên facebook, một mạng lưới kết bạn trên mạng. Nhiều người có cả
hàng ngàn bạn. Xưa, tình bạn chỉ gắn liền với không gian: bạn cùng xóm, cùng
làng, cùng lớp, cùng chỗ làm. Bây giờ thì có thêm bạn gọi là bạn trên Facebook,
gồm những người có thể ở rất xa, thậm chí chưa bao giờ gặp mặt nhau. Cơ sở để
hình thành tình bạn ở đây chỉ là một sở thích chung nào đó.
Trên blog, người
ta cũng hình thành một thứ quan hệ như vậy. Giống facebook, blog nối kết vô số
người, có khi rất xa nhau, lại với nhau. Trong khi facebook nối kết mọi người lại
với nhau theo kỷ niệm (đồng hương hay cùng trường…) hoặc sở thích, blog nối kết
mọi người trên những sự quan tâm chung: hoặc về văn học hoặc về giải trí hoặc về
kinh tế, xã hội và chính trị…[13]
Internet còn là
nơi lý tưởng để người ta có thể tìm được... một nửa của đời mình. Đặc biệt, với
những nhân viên văn phòng không có nhiều điều kiện giao tiếp, việc họ tìm thấy
"một nửa của nhau" cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt nhiều người có điều gì
đó kỳ dị, khác thường như người quá béo, người dị tật, khó có cơ hội kết hôn,
thì nhờ mạng xã hội mà nhận được một sự tình cảm chân thành của một ai đó từ xa
và tiến tới hôn nhân.[14]
Một cứu mới đây của Viện hàn lâm khoa học Quốc gia Mỹ do
giáo sư tâm lý John T. Cacioppo (thuộc đại học Chicago) trực tiếp giám sát và
hướng dẫn đã công bố một kết quả gây kinh ngạc: 30% các cặp vợ chồng kết hôn từ
năm 2005 đến 2012 là do hẹn hò trực tuyến và hôn nhân của họ bền vững hơn so
với những người hẹn hò theo cách thông thường tới 2%.[15]
Tất nhiên, tìm bạn đời qua mạng cũng cần phải khôn ngoan cẩn trọng với những
đối tượng lừa đảo như sẽ trình bày ở chương sau.
Như vậy, Internet đã phục vụ đắc lực cho nhu cầu giao tiếp
không giới hạn của con người trong xã hội hiện đại.
1.4. Internet giúp việc kinh doanh hiệu quả
Không chỉ hữu ích với cá nhân mà Internet còn
đem lại nhiều lợi ích cho các công ty, doanh nghiệp bằng cách quảng
cáo những sản phẩm của công ty, doanh nghiệp mình, giúp cho các doanh nghiệp có
thể tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng
hay những hợp đồng làm ăn. Nhờ có Internet mà mọi người khắp mọi nơi trên thế
giới biết đến các công ty và nhờ đó mà các công ty có thể mở rộng thêm không gian
kinh doanh.
Giao
dịch qua Internet giữa các doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Nó cho phép
tự động đặt hàng, dễ làm hoá đơn và thanh toán. Các cơ sở trao đổi dữ liệu trên
máy tính cũng giúp thao tác dễ dàng nhờ vào mức độ an toàn cao. Internet giúp
tạo ra sân chơi bình đẳng và giảm chi phí giao dịch. Theo ước tính, có khoảng
294 tỉ email được gửi hàng ngày, tương đương 2,8 triệu mỗi giây, và 90 ngìn tỉ
mỗi năm. Nếu sử dụng tem thư thay cho email thì nước Mĩ sẽ phải trả 6,3 ngìn tỉ
USD.
Internet mang lại
cho các nước G20 nguồn thu nhập 2,3 tỉ USD, tương đương với GDP của Italy .
Hơn thế nữa, ngành công nghiệp công nghệ cao này cũng đã khai sinh ra rất nhiều
nghề nghiệp mới, mang lại nhiều việc làm hơn cho cộng đồng. Riêng facebook
đã tạo ra 450.000 việc làm ở Mỹ. Google cũng thu nạp nhân viên lên tới 20.000
người.[16]
Ngoài ra, người
ta cũng có thể dùng mạng xã hội để bán hàng online (bán hàng qua mạng) như: bán hàng trên
Facebook, tiếp thị liên kết, bán hàng trên các website trung gian… như chúng ta
vẫn thường thấy rao hàng trên các trang mạng xã hội.
1.5. Internet giúp mọi người dễ dàng
bày tỏ quan điểm cá nhân
Đa phần người dùng đều cho rằng Internet là
một công cụ tuyệt vời để học hỏi, giao tiếp và là một nơi để bày tỏ quan điểm
của mình đến nhiều người khác. Khi tương tác với mọi người trên mạng xã hội, người ta dần dần
tập luyện thói quen chia sẻ, tranh luận, đàm phán và thỏa hiệp với người khác ở
mức độ nào đó.
Việc sử dụng Internet để trao đổi ý kiến và
bày tỏ quan điểm cá nhân là một trong những quyền cơ bản của con người. Giáo
hội Công Giáo ủng hộ và bênh vực cho quyền này của con người trong xã hội.
Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ tự do ngôn luận và tự do trao đổi ý kiến. Tự do
nghiên cứu và tìm hiểu sự thật là một quyền căn bản của con người và tự do ngôn
luận là viên đá góc của nền dân chủ. Dưới ánh sáng các đòi hỏi của công ích,
chúng tôi lên án các toan tính của các nhà cầm quyền nhằm ngăn chặn việc tìm hiểu
tin tức – trên Internet hoặc trong các phương tiện truyền thông khác vì nhà cầm
quyền coi đó là đe dọa hoặc gây khó khăn cho mình, để lèo lái công chúng qua sự
tuyên truyền và định hướng, hoặc để ngăn cản tự do hợp pháp bày tỏ ngôn luận và
tư tưởng. Các chế độ độc đoán là những người có lỗi nặng về vấn đề này.[17]
Ngoài ra, cũng có
nhiều người dùng Internet để tìm hiểu về những vấn đề họ cảm thấy khó tâm sự,
giãi bày trong cuộc sống như sự trầm uất, sức khỏe, giới tính…
1.6. Internet góp phần hữu hiệu vào việc
giải trí
Với Internet người ta có thể tiếp cận được với rất nhiều hình thức giải
trí như: ca nhạc, phim ảnh, thể thao, tin tức, dự báo thời tiết … Tất cả những
hình thức giải trí này người ta có thể tận hưởng một cách thoải mái, không bị
giới hạn về thời gian hay số lượng. Trước đây muốn thưởng thức ca nhạc hay xem
phim người ta phải xếp hàng mua vé vào rạp, hay mua từng băng từng đĩa về nhà
xem, hoặc đối với đa số người bình dân thì chỉ chờ đợi các chương trình phát
sóng trên truyền thanh, truyền hình theo sự phân phối mỗi tuần một vài giờ, có
gì xem nấy. Ai bỏ lỡ không xem thì đành chịu. Ngày nay thì có tới 70 giờ phim mới
được tải lên Youtube mỗi phút, là kho lựa chọn hết sức phong
phú cho những ai muốn giải trí.[18]
1.7. Internet giúp mở rộng vòng tay bác ái
từ thiện
Đây thực sự cũng
là một lợi ích mà Internet đã và đang mang lại cho xã hội loài người. Nhờ thông
tin nhanh chóng và lan rộng khắp nơi nên những vụ thiên tai hay nhân tai xảy ra
một nơi, đều được nhiều người ở nhiều nơi biết đến, và lòng trắc ẩn của nhiều
người được đánh động. Nhiều tấm lòng hảo tâm đổ dồn về nơi đang gặp nguy khó. Điển
hình như sau những trận lũ lụt ở miền trung, ta thấy có nhiều người, nhiều tổ
chức đã mang theo tiền bạc, thực phẩm và những món quà cứu trợ đến trợ giúp đồng
bào với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhờ đó mà giảm bớt được những phần nào
nỗi đau thương của những người nằm trong vùng thiên tai.
Có nhiều trường hợp
bệnh nhân hay nạn nhân của những vụ tai nạn nghiêm trọng, cần chữa trị lâu dài
và phẫu thuật nhiều lần với những khoản chi phí khổng lồ mà gia đình lại quá
nghèo không thể nào đáp ứng được dù chỉ một phần nhỏ, nhờ được một trang mạng
uy tín giới thiệu, mà đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người.
Nạn nhân Nguyễn
Tây tại bệnh viện 115 Sài Gòn là một trường hợp như thế. Nạn nhân bị một tai nạn
nặng nề cần rất nhiều công đoạn phẫu thuật phức tạp để cứu sống và phục hồi
trong khi gia đình lại quá nghèo. Thấy hoàn cảnh thương tâm, thầy Vinh Sơn
Fêriô Maria Nguyễn Đức Hậu (dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc) đứng ra giúp đỡ, bằng cách
lên mạng xã hội kêu gọi mọi người chung tay giúp sức, nhờ đó mà bệnh nhân đã được
cứu chữa tại bệnh viện trong suốt một năm dài, từ đầu năm 2016 đến đầu năm
2017, với chi phí lên tới 102 triệu đồng. Sau khi ra viện, số tiền do các người
hảo tâm giúp đỡ vẫn còn dư 51 triệu trao cho bệnh nhân và gia đình mang theo về
quê.[19]
Bệnh nhân Hải
Thanh tại giáo xứ Thủ Đức, giáo phận Sài Gòn cũng là một trường hợp khó khăn
tương tự. Hoàn cảnh của chị được đưa lên trang mạng của giáo xứ vào cuối tháng
8 năm 2016, tới tháng 10 năm 2016 chị đã nhận được sự giúp đỡ lên tới
74.790.000đ và $300 (số liệu do Thầy Hậu, CRM cung cấp).
Hiện nay, một
trang mạng đang thực hành việc công việc bác ái này một cách hiệu quả là trang
của Linh mục Giuse Lê Quang Uy, dòng Chúa Cứu Thế. Bằng cách giới thiệu các bệnh
nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lên mạng, cho đến nay cha đã kêu gọi giúp đỡ
cho rất nhiều trường hợp.
2. Tác động tiêu cực
Cùng với những lợi
ích to lớn như đã trình bày ở phần trước thì Internet cũng có một mặt trái gồm
những điều tác hại, xấu xa, luôn len lỏi và đồng hành với những lợi ích như
hình với bóng. Đây là điều đã và đang gây nhiều hoang mang lo lắng cho những
người có lương tri. Sau đây chung ta cùng khảo sát qua một vài tác hại tiêu biểu.
2.1. Phổ biến sai lạc qua Internet
Truyền thông
Internet đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết đã tạo cơ hội cho tất cả mọi người
tiếp cận với các nguồn thông tin và không những thế, mọi người đều có thể trở
thành các nhà cung cấp thông tin. Việc đăng bài hoặc gửi tin qua mạng xã hội vừa
không mất tiền, vừa không mất nhiều thời gian mà có thể gửi đến hàng ngàn người;
Internet cũng không đòi buộc người gửi phải để tên và địa chỉ thật, do đó không
phải chịu trách nhiệm gì về việc làm sai trái của mình. Vì thế, thông tin trở
nên hỗn tạp và người dùng tin có thể phải trả giá cho việc sử dụng thông tin
thiếu chất lượng, thiếu độ tin cậy, thậm chí sai lạc.
Trên mạng xã hội,
nhiều tin tức tốt đẹp, chân thật chung với những sai lạc và giả trá. Một trong
những nguồn thông tin sai lạc được biết đến gần đây là Sứ Điệp Từ Trời. Để biết
xem cái gọi là Sứ Điệp Từ Trời đó là gì, chúng ta chỉ cần đọc thông cáo ra ngày
14 tháng 4 năm 2015 của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Trực Thuộc Hội Đòng Giám Mục Việt
Nam:
Từ năm 2010, một
số người quảng bá những lời được gọi là “Sứ điệp từ trời”. Các “sứ điệp” này được
cho là lời của Chúa Giêsu nói với một người mang tên “Maria Divine Mercy”, được
dịch sang tiếng Việt là “Maria Lòng Chúa Thương Xót”, hoặc “Maria Tông Đồ Lòng
Chúa Thương Xót”.
Cho đến nay, đã có hơn 1.100 sứ điệp được phổ biến trên mạng internet,
hoặc trong ba tập sách mang tựa đề “Sách Sự thật”. Tại nhiều nơi ở Việt Nam ,
không ít người phố biến các sứ điệp này, hoặc mang tính cách cá nhân, hoặc
trong các nhóm cầu nguyện; thậm chí các sứ điệp ấy còn được phồ biến trên một số
tòa giảng.
Dựa vào huấn thị
“Những qui tắc của Thánh Bộ Đạo lý Đức Tin về phương pháp tiến hành khi phải
đánh giá những hiện tượng được coi như là những cuộc hiện ra và những mặc khải,
ngày 25 tháng 02 năm 1978” ,
ủy ban Giáo lý Đức tin nhận định như sau:
1. Tác giả luôn
ẩn danh. Không ai biết được tư cách đạo đức của người tự cho là nhận được mặc
khải.
2. Về nội dung,
có nhiều điều không phù hợp với Giáo lý Công giáo:
- Các sứ điệp tin vào thuyết “Ngàn
năm” (millénarisme) là lạc thuyết đã bị Hội Thánh lên án. Ủng hộ Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI, đang khi đó lại không chấp nhận và có những lời xúc phạm đến Đức
Thánh Cha Phanxicô.
- Nhiều điều mập mờ lẫn lộn giữa sự thật và sai
lầm trong cách giải thích liên quan đến mầu nhiệm Đức Kitô, Huấn quyền, bí
tích, luân lý.
3. Về hiệu quả,
các sứ điệp không mang lại bình an tâm hồn, nhưng gieo rắc sự sợ hãi hoang mang
cho nhiều tín hữu.
Vì thế, các tín
hữu Công giáo sẽ không đọc, không phổ biến và không rao giảng các “Sứ điệp từ
trời” này.
Ngoài ra, nhiều
chương trình trên mạng xã hội thường phổ biến những quan điểm lệch lạc về đạo đức
luân lý như: cổ vũ tự do về quan hệ tình dục hay góp phần cổ súy cho nền “văn
hoá sự chết”, là nền văn hoá chủ trương ngừa thai, triệt sản, phá thai, an tử
(kết liễu sự sống của bệnh nhân cách êm dịu)… và cho đó là dấu hiệu của tiến bộ
và của tự do, đồng thời cho những lập trường kiên quyết ủng hộ sự sống là kẻ
thù của tự do và tiến bộ.[20]
Người tham gia mạng
xã hội nếu không có khả năng phân biệt và chọn lựa sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi
những quan niệm này, và hùa theo cổ xúy cho những lối sống đi ngược với các giá
trị Tin mừng và nền luân lý Kitô giáo. Do đó, Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng
định:
Các phương tiện
truyền thông phải phục vụ công ích. Xã hội có quyền được biết những tin tức phổ
biến dựa trên sự thật và tự do, công bằng và tình liên đới. Việc thực thi đúng
đắn quyền này đòi việc truyền thông phải luôn xác thực khi trình bày nội dung
và phải đầy đủ mà vẫn giữ được công bình và bác ái; ngoài ra, cách thức truyền
thông cũng phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là cả trong việc săn tin và
loan tin, tuyệt đối phải tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và
phẩm giá của con người.[21]
2.2.
Phá hoại thanh danh người khác qua Internet
Vì dễ
dàng tung tin và không phải chịu trách nhiệm gì, nên nhiều người đã lợi dụng mạng
xã hội để phá hoại thanh danh của người khác, nhất là những người có uy tín
trong xã hội hay Giáo hội.
Cũng may là “bóng
tối đã không diệt được ánh sáng” và sự dối trá của Hiếu đã sớm bị vạch mặt.
Nhưng chắc chắn có nhiều người sẽ phải hối tiếc vì đã từng nhẹ dạ nghe theo sự
tuyên truyền dối trá này.
Trong ngày kỷ niệm
Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 51, Đức Cha Phêrô Nguyễn Khảm chia sẻ cùng
cộng đồng dân Chúa:
Và chúng ta thấy
gì? Giữa lúc sự lũng đoạn truyền thông, nhiều người cũng đã tự biến mình thành
những “kinh sư”, “pharisiêu”, không cần tìm hiểu sự thật ra sao, cứ chửi, ném
đá, càng cay chua càng thích! Họ thích lên án hơn là tha thứ, thích nhốt người
khác trong quá khứ hơn là mở cho người khác cánh cửa đi tới tương lai.[22]
Đây quả thật là
điều mà người sử dụng mạng xã hội cần phải tỉnh táo và ý thức cho thật rõ để biết
thận trọng khôn ngoan hơn khi sử dụng Internet để kín múc được nhiều điều bổ
ích thay vì những sự dối trá và lầm lạc.
2.3. Khiêu dâm qua Internet
Một trong những vấn
đề đáng lo ngại đối với người sử dụng Internet là tình trạng khiêu dâm. Điều
này có thể làm cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ trở nên đồi bại, lệch lạc và bệnh
hoạn, hạ thấp nhân phẩm con người, gây nguy hại cho đời sống hôn nhân gia đình.
Các giáo huấn của Giáo hội không ngừng lên tiếng phê phán và cảnh báo nguy cơ
này:
Các phương tiện
truyền thông giải trí đưa ra những màn trình diễn đồi bại và hạ thấp phẩm giá
con người, kể cả việc khai thác tính dục và bạo lực. Thật là quá vô trách nhiệm
nếu bỏ qua hay bác bỏ sự kiện này: tranh ảnh đồi truỵ và dâm bạo hạ thấp giá trị
của tính dục, xói mòn các quan hệ nhân bản, khai thác các cá nhân - nhất là phụ
nữ và người trẻ - hủy hoại hôn nhân và cuộc sống gia đình, cổ vũ các thái độ phản
xã hội, làm suy yếu bản chất đạo đức của chính xã hội.[23]
Mặt khác, tính ẩn
danh và tính riêng tư của việc sử dụng Internet đang đem lại nguy hiểm thực sự
cho đời sống luân lý, vì người ta có thể đi đến chỗ tìm kiếm những trang web
đen và tiếp cận với nó mà không hề bị kiểm soát. Khi tham gia mạng xã hội người
ta có thể chọn một “nick-name” tùy ý, rồi với những biệt danh đó, người tham
gia mạng xã hội trở nên bạo dạn hơn, dám nói dám làm những điều mà, nếu như ở
ngoài đời thật, có rất nhiều chuyện người ta không dám làm. Và đó là nguy cơ
khiến nhiều người trẻ trở nên phóng túng, chạy theo những thị hiếu thấp hèn và
hạ giá chính mình.
“Internet là cánh
cửa mở ra một thế giới ồn ào náo nhiệt với ảnh hưởng định hình mạnh mẽ; nhưng
không phải mọi thứ ở đàng sau cánh cửa là an toàn, lành mạnh và trung thực.”[24] Mong rằng
các nhà quản lý các dịch vụ mạng, các chính phủ, những người có bổn phận luôn
thực thi một cách có trách nhiệm để tìm ra những phương thế hữu hiệu ngăn chặn
bất cứ hình thức vô luân nào diễn ra trên Internet, để môi trường không gian mạng
luôn lành mạnh. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức của mỗi cá nhân khi sử dụng mạng
xã hội, biết tìm kiếm những giá trị tốt đẹp và cao thượng thay vì những thứ độc
hại, tội lỗi.
2.4. Lừa đảo qua Internet
Như cỏ lùng trong
ruộng lúa, kể từ khi Internet xuất hiện với những tiện ích tốt đẹp thì các loại
tội phạm lừa đảo trên mạng cũng xuất hiện, với nhiều chiêu trò, nhiều thủ đoạn
và nhiều mục tiêu khác nhau như chiếm đoạt tài sản hay thậm chí là bắt cóc người.
Các thủ đoạn mà tội
phạm mạng thường sử dụng để chiếm đoạt tài sản là khai thác thông tin để từ đó
tìm cách xâm nhập vào các trang web, lấy đi các tài khoản, thẻ tín dụng và cả
những thông tin quan trọng của người khác để mưu lợi cá nhân cách bất chính; những
kẻ lừa đảo cũng có thể tung thông tin tặng quà và yêu cầu người dùng mạng xã hội
điền thông tin cá nhân và mã tài khoản nhận thưởng vào một website đăng nhập
tài khoản Facebook giả mạo để chiếm đoạt tài khoàn của họ; hoặc những kẻ lừa đảo
tạo website giả, lập chương trình khuyến mại ảo mạo danh nhà mạng viễn thông nhằm
chiếm đoạt số tiền thẻ cào của người dùng nhẹ dạ, cả tin…
Bản thân người viết
vừa mới đây cũng nhận được thông tin rất hấp dẫn. Một người tự nhận là người
Inđônêsia có chồng là người Việt Nam đã qua đời và bản thân bà ta
cũng đang bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Hai vợ chồng bà sống ở Luân Đôn, chưa
có con và chồng bà có để lại số tiền là 4,7 triệu dollar, bà đã gửi 2 triệu
dollar về Inđônêsia và gửi 700.000 dollar vào bệnh viện. Còn lại 2 triệu dollar
bà muốn gửi về làm từ thiện ở Việt Nam . Biết là tin nhắn lừa đảo nên
người viết đã từ chối nhận số tiền lớn này.
2.5.
Nạn bắt cóc và buôn người qua Internet
Nguy hiểm hơn cả,
mạng Internet cũng đã trở thành công cụ cho những hệ thống đường dây “buôn người”
khắp thế giới. Những kẻ bắt cóc có rất nhiều hình thức để gài bẫy nạn nhân. Tìm
cô dâu qua thư tín trên mạng đã và đang là một dịch vụ nở rộ ở nhiều nước,
nhưng nhiều trường hợp là cái bẫy của các dịch vụ mại dâm trá hình. Trẻ em và
nhất là các thanh thiếu niên do tò mò thường hay kết bạn những người lạ mặt. Nhờ
tính ẩn danh của mạng Internet, nhiều kẻ xấu có thể rình rập bằng cách giả đò
là những người đồng trang lứa, hẹn hò thuyết phục gặp gỡ để rồi lạm dụng và khống
chế những người trẻ ngây thơ này.[25]
Đài truyền hình
HTV7 ngày 29/09/2015 đưa lên sóng một clip dựng lại tình huống có thật: Một bé
gái đi đến điểm hẹn để gặp bạn trai quen qua Facebook. Bất ngờ những kẻ bắt cóc
xuất hiện, làm như là mẹ và anh chị của nạn nhân đến để lôi đứa con lên xe đưa
đi. Nạn nhân bị khống chế mà không kịp phản ứng gì. May thay có những hiệp sĩ
trong câu lạc bộ phòng chống tội phạm tình cờ nhìn thấy chiếc xe chở người có dấu
hiệu khả nghi nên đã bám theo và giải thoát cho cô bé. Dĩ nhiên đây chỉ là một
trường hợp may mắn. Ngoài ra chưa có ai thống kê cho ta biết con số những người
đã bị bắt cóc và mất tích vì mạng xã hội là bao nhiêu …
Với vô số những
“mưu ma chước quỷ” như thế, người dùng mạng xã hội cần phải nhắc nhở nhau thận
trọng khi liên hệ với những người lạ, không liều lĩnh công khai mọi thông tin
cá nhân trên mạng, cũng như không tiết lộ cho người lạ. Nhất là phải tha thiết
cầu nguyện: “Xin [Chúa] chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con
cho khỏi sự dữ”.
2.6. Chứng “ghiền mạng” và sống ảo vì Internet
Một trong những
tác hại phổ biến hơn cả là chứng bệnh ghiền mạng nơi những người trẻ, là những
người thích khám phá những điều mới mẻ hấp dẫn, họ dễ bị thu hút vào các hoạt động
trên mạng và do đó dần dần bị lôi kéo xa rời những tương quan xã hội.
Nhiều bạn trẻ
ngày nay tự giam mình trước màn hình vi tính nhiều giờ mỗi ngày mà không ý thức
rằng mình đang phí phạm sức khỏe và thời giờ. Nhiều trẻ em chỉ thích chơi game
suốt ngày, chém giết được càng nhiều “kẻ thù ảo” càng tốt! Những trò chơi đó
không phải chỉ là giải trí vô hại, mà thực ra nó làm cho trẻ em quen dần với bạo
lực, bạo lực trong phản ứng, trong ngôn ngữ, trong cách giải quyết thiếu tình
người trong mọi vấn đề ở ngoài đời thật.
Dù không “mê game” thì nhiều bạn trẻ hôm nay vẫn thích đi vào không gian ảo
trên mạng hơn là gặp gỡ trực diện với bạn bè. Thời gian mà một bạn trẻ hàng
ngày bỏ ra để “lang thang” hay tán gẫu trên mạng có thể lên đến vài tiếng đồng
hồ. Vì vậy mà thời gian dành cho học tập và cho những mối tương quan gia đình,
bạn bè, hàng xóm sẽ bị thu hẹp lại. Nhiều người trẻ hôm nay thiếu quan tâm, thiếu
sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với những người trên mình như thầy cô, cha mẹ,
ông bà; không còn hào hứng với những cuộc gặp mặt trực tiếp với người thân, bạn
bè và các mối quan hệ xã hội; tự cô lập bản thân mình với cuộc sống bên ngoài.
Công trình nghiên
cứu năm 2015 của hai nhà khoa học Jiao Wu và Mark Srite khẳng định rằng: phần lớn
người sử dụng mạng xã hội có xu hướng chỉ chia sẻ những hình ảnh đẹp nhất của
mình lên mạng; những hình ảnh đã được họ chỉnh sửa nhằm “tô hồng” cuộc sống của
mình, tôn vinh bản thân và gây ấn tượng với những người khác. Phần nhiều những
hình ảnh này chẳng hề phản ánh chính xác hiện thực cuộc sống của họ. Tình trạng
này khiến con người so sánh cuộc sống của mình với những hình ảnh “sống ảo”
kia, dẫn đến sự ghen tị, đố kỵ và tự ti.[26]
Qua văn kiện “Đạo
Đức trong Truyền Thông”, Giáo hội cũng đã lên tiếng nhắc nhở người sử dụng mạng
cần phải ý thức rằng:
[Internet] làm
tha hoá con người hay gạt ra ngoài lề rồi cô lập con người; lôi kéo con người
vào những cộng đồng băng hoại được tổ chức xoay quanh các giá trị giả dối và
phá hoại; cổ vũ sự thù nghịch và xung đột, biến người khác thành ma quỷ, tạo ra
một não trạng phe ta chống lại phe chúng; phô diễn những điều hèn hạ, thấp kém
bằng sự hào nhoáng, trong khi lại không màng tới hay xem thường những gì cao
quý và có giá trị; phổ biến những thông tin sai lạc, thất thiệt, ủng hộ những
gì là xoàng xĩnh, tầm thường.[27]
Khi đã mắc chứng
ghiền mạng xã hội, một hệ lụy khác dẫn đến tiếp theo cho người sử dụng mạng đó
là những vấn đề về sức khỏe.
Dành nhiều thời
gian ngồi trước màn hình vi tính hay điện thoại cầm tay, tác hại trước tiên gặp
phải là thị lực giảm sút như thực tiễn chúng ta thấy. Mạng Internet càng phổ biến,
số người đeo mắt kính càng nhiều và độ tuổi đeo kính ngày càng trẻ. Ngoài ra,
người sử dụng Internet quá nhiều còn có những tác hại sau:
Rối loạn giấc ngủ:
Nguồn sáng mạnh có sắc xanh phát ra từ màn hình máy tính và điện thoại có khả
năng ngăn cản việc cơ thể tiết ra melatonin vào ban đêm. Đây là hormone rất
quan trọng trong việc điều hòa đồng hồ sinh học và quyết định đến giấc ngủ của
con người.
Tổn thương não:
Người nghiện Internet thường xuyên ngủ không đủ giấc hoặc mất ngủ vì bận tương
tác với các mối quan hệ trên mạng xã hội. Khi thiếu ngủ, con người rất dễ rơi
vào tâm trạng khó chịu, cáu gắt, mất tập trung khi làm việc và học tập. Nặng
hơn là suy giảm trí nhớ và làm giảm số lượng tế bào thần kinh. Tất cả đều là những
tổn thương não bộ và rất khó phục hồi.
Tổn thương đến cột
sống: Việc ngồi máy tính lâu giờ, dù ở tư thế chuẩn hay không chuẩn đều để lại
hậu quả cho cột sống như cong vẹo hoặc thoát vị đĩa đệm và nhiều chứng bệnh đi
kèm.
Béo phì: Việc ngồi
lâu sẽ làm giảm lưu thông máu xuống phần dưới của cơ thể. Tình trạng này kéo
dài sẽ làm tê liệt cơ bắp, cũng như phá hủy các phần cơ bắp ở chân. Và kể cả có
thoát khỏi các chứng bệnh này, người chơi vẫn sẽ phải đối mặt với chứng béo
phì.
Vô sinh: Người
nghiện internet, (hầu hết là nam) thường ngồi một tư thế duy nhất, khiến cơ
quan sinh dục bị chèn ép và không thể giải nhiệt được. Tình trạng này sẽ khiến
cơ quan sinh dục bị tổn hại, giảm lượng tinh trùng và về lâu dài sẽ làm tăng khả
năng vô sinh.
Rối loạn tâm lý:
Bị phụ thuộc vào mạng xã hội, cảm thấy rằng việc sử dụng nó là hoạt động giải
trí duy nhất có ý nghĩa; kém tự tin, sa sút lòng tự trọng; cảm thấy khó chịu,
chán nản mỗi khi xem hình ảnh về cuộc sống của những người khác trên mạng xã hội;
ghen tỵ với cuộc sống của người khác, mong muốn mình được như thế. Bên cạnh đó
chất lượng giấc ngủ giảm sút không chỉ dẫn đến nguy cơ trầm cảm, mà còn làm
thay đổi hành vi con người theo chiều hướng tiêu cực.[28]
Tóm lại, truyền
thông Internet như một con dao hai lưỡi, đem lại cho con người nhiều tiện ích lớn
lao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khôn lường. Tuy nhiên, Internet có
lợi hay có hại, điều đó còn phụ thuộc vào cách thức chúng ta sử dụng chúng như
thế nào. Mỗi người chúng ta đều có quyền làm chủ thói quen dùng mạng xã hội của
mình và bảo vệ bản thân khỏi mặt tiêu cực của nó.
III. SỬ DỤNG
INTERNET ĐÚNG ĐẮN VÀ HỮU ÍCH
Ở chương trước
chúng ta đã khảo sát để có một cái nhìn khái quát về những tác động của
Internet trên đời sống con người, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Qua đó chúng
ta thấy tác dụng của Internet thật lớn lao song nguy hại của nó cũng khôn lường.
Tính hai mặt của Internet
cũng tương tự như những điều khác đã và đang đồng hành với cuộc sống con người.
Ví như lửa là một thứ vừa giúp cho con người nấu nướng thực phẩm, sưởi ấm và chế
tạo đồ vật, thì lửa cũng có nguy cơ gây nên những trận hỏa hoạn thiêu rụi cả
thành phố, cả một khu rừng. Ví như ô tô là thứ vừa giúp con người di chuyển
nhanh tiện lợi và dễ dàng, thì ô tô cũng có thể gây nên những tai nạn kinh
hoàng. Hay đơn giản như một con dao giúp con người cắt thái đồ vật, nhưng nó
cũng có thể làm con người đứt tay hay thậm chí trở thành hung khí giết người…
Nhưng không vì thế mà người ta loại bỏ lửa, xe, dao khỏi cuộc sống con người,
trái lại phải học cách làm sao để vừa sử dụng chúng cách hữu hiệu nhất vừa tránh
được tác hại. Internet cũng thế: chúng ta không thể loại trừ với lý do là nó
quá nguy hiểm, cũng không nên ngoảnh mặt làm ngơ trước một phương tiện ngày
càng trở nên phổ biến tới mọi nơi và mọi ngõ ngách của cuộc sống. Vấn đề là
chúng ta phải biết sử dụng Internet thế nào cho đúng đắn và hữu ích.
Khủng hoảng về
đạo đức nói chung và đạo đức trên mạng nói riêng đã làm đau đầu nhức óc những
người có trách nhiệm, nhất là hàng Giáo phẩm. Nhưng khủng hoảng không phải là một
điều tai hại mà đó là một dấu hiệu đòi hỏi phải canh tân một não trạng hay một
cách thực hành đang tồn tại và không còn thích hợp. Những xung đột nội tại làm
cho một quan hệ trở nên căng thẳng, bị phá vỡ và tiến tới một trạng thái quân
bình mới. Đây là một biện chứng tất yếu của mọi thể chế trong lịch sử. Xáo trộn
thường làm cho người ta khó chịu vì đã quen với sự ổn định, nhưng nó lại là dấu
hiệu của một sự trưởng thành, một sự quân bình mới hợp lý hơn.[29]
Vâng, chúng ta
không nên nói không với Internet và cũng không thể đi ngược lại với sự tiến triển
của nhân loại, nhưng thay vào đó chúng ta phải tập thích nghi và tạo cho mình một
khả năng “miễn nhiễm” mới đối với những độc hại của một “môi trường sống” mới
là Internet.
1. Giáo hội và Internet
Kể từ thời xa
xưa, Giáo hội đã luôn tận dụng phương tiện truyền thông của thời đại mình để
truyền đạt Lời Chúa và các giáo huấn. Kinh Thánh là bằng chứng rõ nhất của việc
tận dụng phương tiện truyền thông, nhất là các thư của thánh Phaolô tông đồ.
Ngoài ra Giáo hội cũng đã tận dụng nhiều hình thức truyền thông khác như tranh ảnh,
tuồng kịch, âm nhạc, truyền thanh, truyền hình… Trong sách Giáo lý của Hội
thánh Công giáo, Giáo hội đã dành ra 7 số để nói về phương tiện truyền thông,
qua đó Giáo hội xác định:
Trong
xã hội hiện đại, các phương tiện truyền thông xã hội giữ một vai trò quan trọng
trong lãnh vực thông tin, phát huy văn hóa và đào tạo con người. Vai trò này lớn
dần theo các tiến bộ kỹ thuật theo lượng thông tin phong phú và đa dạng cũng
như theo ảnh hưởng trên công luận.[30]
Nhận định trên của
Giáo hội chắc chắn hoàn toàn có thể được hiểu và áp dụng cho truyền thông
Internet.
1.1. Từ dè dặt đến mạnh dạn sử dụng
Với sự thận trọng
cần thiết, Giáo hội đã giữ thái độ dè dặt trước các phương tiện truyền thông hiện
đại vì nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực của chúng. Tuy nhiên, Giáo hội cũng
đã từng bước nhìn nhận những ưu thế to lớn của phương tiện truyền thông
Internet. Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, trong thông điệp “Giáo hội
và Internet” ban hành ngày 28/02/2002, đã nhận định rằng Internet đang góp phần
vào việc những thay đổi cách mạng trong thương mại, giáo dục, chính trị, các
tương quan quốc nội và quốc tế. Cần phải khuyến khích việc sử dụng đúng đắn để
góp phần vào sự phát triển, công lý và hoà bình.
Việc
né tránh hoặc rút lui một cách nhút nhát vì sợ kỹ thuật hay vì lý do khác là
không thể chấp nhận, khi tính đến những khả năng rất tích cực của phương tiện
truyền thông này. Việc tiếp cận tức khắc với thông tin giúp Giáo hội củng cố những
mối dây hiệp nhất và đào sâu thêm đối thoại với thế giới đương đại. Giáo hội có
thể sẵn sàng hơn để cho thế giới biết về niềm tin của mình và giải thích những
lý do cho lập trường của mình về bất cứ vấn đề và biến cố nào. Giáo hội có thể
nghe rõ ràng hơn tiếng nói của ý kiến công chúng, và bước vào một cuộc tranh luận
liên tục với thế giới quanh mình, và như thế dấn thân trực tiếp hơn trong nỗ lực
tìm kiếm chung những giải pháp cho rất nhiều những vấn đề căng thẳng của nhân
loại.[31]
Bên cạnh đó, qua văn
kiện “Luân lý trên Internet”, được ban hành vào cùng một ngày, Giáo hội xác định:
Giáo hội cần có một sự hiện diện hữu hình và tích cực
trên Internet và trở nên thành phần trong cuộc đối thoại công khai về sự phát
triển của nó. Giáo hội không giả định vai trò thống soái trong những quyết định
và lựa chọn này, nhưng Giáo hội mong giúp được bằng cách chỉ ra những tiêu chuẩn
đạo đức và luân lý liên hệ đến tiến trình này - những tiêu chuẩn chỉ có thể tìm
thấy trong những giá trị nhân bản và Kitô Giáo.[32]
Tuy lên án những
lạm dụng trầm trọng, nhưng các văn kiện của Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã
hội vẫn coi các phương tiện truyền thông như “những hồng ân của Thiên Chúa”. Do
đó, chúng ta phải xây dựng giữa cộng đồng nhân loại những mối liên hệ huynh đệ,
có thể tạo điều kiện dễ dàng cho ý định cứu độ của Thiên Chúa.
Như thế, từ thái
độ dè dặt lúc đầu dần dần các văn kiện cho thấy Giáo hội nhận ra giá trị tích cực
của chúng. Từ đó các tín hữu có thể yên tâm mạnh dạn sử dụng Internet trong việc
thăng tiến bản thân và xã hội.
1.2. Các Đức giáo hoàng và Internet
Chính vì nhìn nhận
tầm quan trọng của truyền thông, nên các Đức Giáo hoàng đã rất quan tâm đến lãnh
vực này.
Đức Giáo hoàng
Phaolô VI đã nói trong tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 45 rằng: “Giáo hội sẽ
cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa nếu không dùng những phương tiện truyền thông để
rao giảng Tin mừng”. Khoảng hai năm sau Công đồng Vaticano II, ngài đã có sáng
kiến lập ra ngày thế giới truyền thông và lần đầu tiên công bố vào ngày
7/5/1967. Từ đó trở đi ngày thế giới truyền thông được cử hành vào Chúa nhật
trước lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cho đến nay (2017) đã có 51 lần các Đức
Giáo hoàng công bố sứ điệp của ngày thế giới truyền thông. Đức Phaolô VI công bố
12 sứ điệp. Các Đức Giáo hoàng kế nhiệm ngài cho đến nay đều tiếp nối công việc
này…[33]
Đức Gioan Phaolô
II đã gọi các phương tiện truyền thông “là diễn đàn đầu tiên của thời hiện đại”.
Tiếp nối Đức Phaolô VI, hàng năm ngài đều công bố các sứ điệp của ngày thế giới
truyền thông. Trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, ngài đã công bố tới 34
sứ điệp.[34]
Đức Bênêđictô XVI
không chỉ đưa ra các sứ điệp, ngày 12.12.2012, ngài đã chính thức gia nhập mạng
Twitter với tên truy cập là Benedict XVI, để gửi những thông điệp của mình tới mọi
người. Bất cứ ai cũng có thể đăng ký, thông qua địa chỉ @Pontifex, để theo dõi
các thông điệp của ngài (bằng 9 ngôn ngữ). Năm 2015 tài khoản Twitter của ngài
có trên 25 triệu người theo dõi, bỏ xa các nhà lãnh đạo thế giới hay những ngôi
sao hàng đầu. Việc Đức Giáo hoàng tham gia Twitter được xem là phương thức để kết
nối hiệu quả hơn với giới trẻ. Ngài đánh giá: “Mạng xã hội chính là cánh cửa của
sự thật và đức tin, không gian mới cho việc chia sẻ Tin mừng và hy vọng”.[35] Trong
lá thư công bố trên trang web của Tòa thánh, Đức Benêđictô XVI còn cho rằng: “Nếu
những tin tức tốt lành không được truyền tải thông qua thế giới kỹ thuật số,
thì nhiều người có thể sẽ không biết đến chúng. Khi được sử dụng đúng cách, mạng
xã hội sẽ thúc đẩy các cuộc đối thoại trên tinh thần tôn trọng, góp phần củng cố
mối liên kết giữa các nhóm người có đức tin khác nhau”.[36]
Đức Phanxicô cũng đã không bỏ qua lợi thế của
internet. Ngài đã tạo tài khoản “Franciscus”[37] và lập
tức đạt mốc một triệu người theo dõi chỉ trong vòng 12 giờ, tạo ra một kỷ lục
“tài khoản phát triển nhanh nhất trên Instagram từ trước đến nay.” Trước đó, cựu
ngôi sao bóng đá David Beckham đã phải mất gấp đôi thời gian để đạt được con số
người theo dõi này. Trên tài khoản Twitter @Pontifex, Đức Thánh cha từng ca ngợi
internet là “món quà của Chúa”. Ngài đã dùng tiếng nói của mình để bảo vệ cho
điều chính nghĩa, như huy động mọi người quan tâm đến số phận của các Kitô hữu
bị bách hại, các sáng kiến để chấm dứt các cuộc xung đột, để lôi kéo sự chú ý về
tình trạng môi sinh xuống cấp... Báo giới
nước ngoài từng ví von Đức Phanxicô như một “siêu sao” trên mạng xã hội, nhưng
người làm nên “huyền thoại” ấy lại không chú trọng đến những sự nổi danh. Cha
Lombardi khẳng định: “Đức Phanxicô không tìm kiếm sự nổi danh cũng như thành
công. Ngài chỉ thực hiện nhiệm vụ loan báo Tin mừng, để bày tỏ tình yêu của Thiên
Chúa đối với mọi người trên Trái đất”. Tài khoản Twitter của Đức Giáo hoàng gần
đây đã có hơn hơn 32 triệu người theo và đã vượt quá con số 1000 tweet. Các câu
tweet mỗi ngày thường đưa ra các vấn đề liên hệ đến chuyện thời sự, nhưng cũng
đưa ra các sứ điệp thiêng liêng.[38]
Hy vọng rằng sự
hiện diện của Đức Thánh Cha trên Internet sẽ giúp cho Tin mừng của Chúa Kitô
lan rộng đến nhiều nơi trên địa cầu và với ơn Chúa Thánh Thần các tweet của
ngài sẽ góp phần canh tân bộ mặt trái đất.
1.3. Truyền thông Công giáo tại Việt Nam
hiện nay
Theo nhận định
chung, những năm gần đây, tại Việt Nam cũng đã có nhiều khởi sắc trong
hoạt động truyền thông Công giáo. Trước đây, khi chưa có Internet, truyền thông
của Giáo hội bị hạn chế rất nhiều: phát thanh, truyền hình đến nay vẫn còn vắng
bóng vì nhà nước giữ độc quyền các phương tiện này. Nhưng hiện nay hầu hết các
giáo phận, các ủy ban trực thuộc hội đồng Giám mục Việt Nam , các dòng tu trong cả nước đều
có trang web, việc cập nhật thông tin cũng khá đều đặn kịp thời. Tại Tp. Hồ Chí
Minh còn xuất hiện nhiều trang tin của các giáo xứ, của các hội đoàn. Ngoài ra
cũng thấy xuất hiện nhiều trang của giáo dân, tu sĩ… tất cả đang góp phần vào
công việc truyền thông của Giáo hội.
Thật đáng mừng là
thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, đã thấy xuất hiện các bộ phim
ngắn Công Giáo như phim Huệ Đêm, phim Chọn Lựa… cùng với các phim chuyển ngữ từ
Hàn Quốc như Xưng Tội… đã khiến cho nhiều người xem, kể cả người ngoài Công
Giáo thích thú, khen ngợi. Qua những bộ phim ngắn như thế được chia sẻ rộng rãi
trên mạng xã hội, rất nhiều người có hoặc không có đạo, đã hiểu sâu hơn về niềm
tin Công giáo.
Thành quả tốt đẹp
đó là do công sức và tâm huyết của nhiều người. Hy vọng những nỗ lực đó sẽ ngày
càng được khích lệ, ngày càng được củng cố và nhân bội thêm lên nhiều hơn nữa.
Nhạc sĩ Ý Vũ đã có một bài hát mời gọi mọi người thắp lên
chút ánh sáng chứ đừng ngồi “nguyền rủa bóng đêm”. Mỗi người công giáo Việt Nam
không ít thì nhiều đều có thể có những đóng góp trong lãnh vực truyền thông
quan trọng này. Đóng góp đó có thể là những lời cầu nguyện không ai biết đến của
những cụ già, những bà mẹ quê, đang “truyền thông” với Chúa những ước nguyện giản
dị mà chân thành. Đó có thể là những giáo dân dấn thân trong nhiều môi trường
khác nhau, thông truyền niềm tin cho những người lân cận bằng chứng tá đời sống
đạo, bằng những thiện chí quảng đại, sự ân cần “tốt bụng” mà không đòi đền đáp.
Đó có thể là những giáo lý viên, những nhà giáo, những cán sự xã hội, hoặc nhân
viên y tế, và nhất là những nam nữ tu sĩ và các vị chủ chăn đang góp phần rao
giảng đức tin bằng nhiều phương cách khác nhau. Họ có thể tận dụng mọi phương
tiện trong tầm tay để làm cho sứ điệp loan đi trở nên hấp dẫn, gần gũi với người
nhận và cung cấp những nền tảng cần thiết cho đời sống niềm tin trong hoàn cảnh
mới nhiều thách đố.[39]
Với tinh thần
trách nhiệm, với sự quan tâm cụ thể và góp sức của nhiều người, chắc chắn truyền
thông Công giáo sẽ ngày càng trở nên phong phú hơn, chuyên nghiệp hơn và đạt được
nhiều thành quả tốt đẹp hơn.
2.
Ý thức chọn lựa của người Kitô hữu
2.1. Cần phải tận dụng lợi thế của Internet
Lần đầu tiên sử dụng
tài khoản Facebook, người viết đã nhận được một số những phản ứng khá tiêu cực.
Một đứa em họ nhắn tin hỏi: “Anh mà cũng sử dụng Facebook á?” Một người phụ nữ
nọ nhắc nhở: “Các thầy thì lên mạng làm gì?” Như thế, rõ ràng nhiều người Kitô
hữu vẫn nghĩ rằng việc lên mạng chỉ là để giải trí và thậm chí là để làm những
điều thiếu nghiêm túc. Và quả thật là thế đối với nhiều người. Ta có thể thấy
đa số những người sử dụng mạng xã hội thường chỉ là để khoe bản thân, để than
phiền về cuộc sống, hoặc “đổ xô” vào những ca sĩ, nghệ sĩ, thậm chí tìm đến những
trang “web đen”; còn những trang mạng đạo đức thì người viếng thăm còn khá thưa
thớt. Vậy nên cần phải đưa chương trình huấn luyện về truyền thông cho mọi
thành phần của Giáo hội, để:
Trong việc thăng tiến một nền văn hoá đích thực,
giáo dân sẽ đặt trọng tâm vào các phương tiện truyền thông đại chúng, và trên hết,
bằng cách kiểm tra lại những nội dung của vô số những chọn lựa mà người ta thực
hiện. Tín hữu giáo dân sẽ coi các phương tiện truyền thông như những công
cụ tạo nên và tăng cường sự liên đới: “Sự liên đới là kết quả của truyền thông
chân thật, đúng đắn cũng như của sự trao đổi tự do các ý tưởng làm tăng thêm sự
hiểu biết và tôn trọng đối với người khác.”[40]
Qua các bài giảng,
các bài giáo lý, cần nêu lên những chuẩn mực đạo đức trong việc sử dụng mạng
Internet đồng thời khuyến khích các học viên sử dụng Internet cho việc tu dưỡng
đời sống tâm linh. Việc huấn luyện và hướng dẫn sử dụng mạng đúng đắn sẽ giảm
thiểu những nguy cơ luân lý nêu trên và phát huy mặt tích cực của mạng.
Hiểu biết đúng đắn
và ý thức chọn lựa của con người là điều tiên quyết trong việc sử dụng mạng
Internet. Người Kitô hữu chúng ta cần phải hiểu rằng: các phương tiện truyền
thông không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm
soát của con người. Cho dù Internet có ngầm chứa những mối nguy hiểm thế nào đi
nữa, thì chính con người vẫn có quyền lựa chọn sử dụng nó vào các mục đích tốt
đẹp.[41]
Được sử dụng đúng đắn, Internet đem lại những
ích lợi rất đặc biệt, kể cả đời sống tâm linh, vì nó cho phép người ta tiếp cận
trực tiếp và tức khắc những tài nguyên tôn giáo quan trọng - những thư viện khổng
lồ, những văn kiện giáo huấn của Huấn quyền, những bài chia sẻ cũng như kho
tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Nó cũng cho phép chúng ta tiếp xúc
với những người thiện chí có cùng tư tưởng và gia nhập vào những cộng đoàn đức
tin ảo để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau.
2.2.
Sử dụng Internet cho đời sống tâm linh
Ngoài chuyện học hành hay kinh doanh, giải
trí, người Kitô hữu còn có thể nhờ mạng Internet mà tiếp xúc được với các nguồn
“lương thực” thiêng liêng hết sức phong phú. Trước kia, người tín hữu chỉ biết
đến sách thiêng liêng. Ngày nay, các giáo phận, các cộng đoàn dòng tu, và các
giáo xứ hầu hết đều có mở những trang web, cung cấp cho mọi người rất nhiều những
“món ăn” thiêng liêng như: tin tức Giáo hội, lời Chúa mỗi ngày, các bài suy niệm
Tin mừng, các bài giảng, hạnh các thánh, các sách thiêng liêng đọc bằng mắt hoặc
chỉ việc nghe bằng tai (sách đã được đọc sẵn và thu âm lại), thánh ca, giải đáp
thắc mắc, kinh nguyện hằng ngày, phim đạo, karaoke thánh ca…
Hơn thế nữa, hiện nay
còn có nhiều phần mềm hỗ trợ cho đời sống đức tin như ứng dụng Lịch Công
Giáo: ứng dụng này không chỉ trình bày về lịch và các ngày lễ mà còn nối kết với
rất nhiều nội dung bổ ích khác như: Lời Chúa mỗi ngày, 5 phút cho Lời Chúa, hạnh
các thánh, kinh nguyện Công Giáo, trọn bộ Kinh Thánh và nhiều nội dung khác nữa...[42]
Ngoài ra, người Kitô hữu
có thể dùng Internet để “cầu nguyện online”. Đây là chuyện hoàn toàn nghiêm
túc. Qua mạng Internet, những người ở rất xa nhau vẫn có thể cùng nhau cầu nguyện.
Xin đơn cử một mẫu gương điển hình là trường hợp của gia đình ông Ngô Tiến
Dũng, ngụ tại 64, Lê Lợi, thành phố Kon Tum (là cha đỡ đầu của người viết). Từ
nhiều năm qua, hai ông bà liên kết chung một giờ cầu nguyện với các anh em bạn
bè đang sống xa quê hương tại nhiều nơi trê thế giới như Pháp, Bỉ, Đức… Hàng
ngày, cứ đến giờ đã hẹn, họ mở máy vi tính và cùng nhau cầu nguyện, như đang
cùng ngồi trong một căn phòng. Như thế, nhờ Internet việc cầu nguyện chung
không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý nữa mà là toàn cầu. Và “Ở đâu có
hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,19).
2.3. Sử dụng Internet để loan báo Tin mừng
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã để lại lệnh truyền cho các môn đệ: “Anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã
truyền cho anh em." (Mt 28,19). Những lời ấy cũng chính là lời mời gọi mỗi
người Kitô hữu chúng ta hôm nay.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô phải được loan báo cho muôn dân cho đến tận cùng
Trái đất bằng mọi hình thức: bằng đời sống chứng nhân, việc giảng dạy, phụng vụ,
huấn giáo, tiếp xúc cá nhân, truyền thông đại chúng… để mọi người, dù ở bất cứ
nơi đâu, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng có thể có cơ hội nhận biết Thiên
Chúa là Đấng rất mực yêu thương, luôn hiện diện và đồng hành với họ trên mọi nẻo
đường đời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Lệnh
truyền của Đức Giêsu Phục Sinh như mở ra cho tín hữu Kitô hữu những chân trời
hoạt động mới trong việc loan báo Tin mừng. Đây không phải là hoạt động hão huyền
của những hoang tưởng. Qua việc gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Phục Sinh và thở
được Thần Khí của Người, chúng ta sẽ thấy đây là những hành động cần thiết và rất
hiện thực của người tín hữu trong thời đại hôm nay.[43]
Tài liệu làm việc
của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII, năm 2012, cũng xác định: Trong sứ vụ
truyền thông Tin mừng này, việc sử dụng phương tiện Internet có ảnh hưởng rất lớn.
Với Internet ta có thể chỉ cần ngồi một chỗ và liên lạc với toàn thế giới nên
chúng ta cần hiểu biết và sử dụng chúng một cách khôn ngoan và hiệu quả.
Trong Tông huấn “Loan
báo Tin mừng”, số 45, Đức Phaolô VI đã công nhận những phương tiện hiện đại có
khả năng mở rộng gần như vô tận việc đón nhận Lời Chúa và có thể đem Tin mừng đến
cho hàng triệu người. Hội thánh có thể “công bố trên mái nhà” (x. Mt 10,27) sứ
điệp mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Hội thành bằng những phương tiện truyền thông
hiện đại.
Đức Gioan Phaolô
II cũng khẳng định: “Thế giới mới của thông tin đại chúng mời gọi Giáo hội phải
làm một cuộc mạo hiểm to lớn trong việc dùng sức mạnh của chúng để loan báo sứ
điệp Tin mừng.” Đặc biệt trong sứ điệp ngày 24/1/2009 gửi cho thế giới nhân
ngày Quốc tế Truyền Thông thứ 43, đức Benedicto XVI còn cho thấy những kỹ thuật
mới hiện nay là một món quà quý báu cho nhân loại. Chúng không chỉ tạo cho con
người những mối tương quan mới mà còn thăng tiến một nền văn hóa, đối thoại và
tình thân hữu..[44]
Truyền thông là
thông truyền cho người khác những gì mình được đón nhận và tin đó là điều đúng,
điều có ích. Truyền thông đối với người Kitô hữu chính là loan báo Tin mừng –
ơn gọi của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
3.
Các nghĩa vụ đối với truyền thông Internet
Chúng ta đã nhận
thấy rằng mỗi người, đặc biệt là người Kitô hữu, cần phải tận dụng lợi thế của
Internet. Giờ đây chúng ta bàn thêm về một số nghĩa vụ cụ thể.
3.1. Nghĩa vụ của các vị chủ chăn trong Giáo
hội
Trong các văn kiện về truyền thông và về Internet, Giáo hội khuyên:
Ngoài việc giáo dục rộng rãi về truyền thông, các Ủy ban - Văn phòng Truyền
thông và các vị lãnh đạo trong Giáo hội còn được mời gọi làm gương trong việc tổ
chức truyền thông, phản ảnh sự trung thực, dám chịu trách nhiệm trước công luận,
biết nhạy bén đối với nhân quyền và những nguyên tắc hay chuẩn mực khác có liên
quan.[45]
Giáo hội cần tăng
cường dùng Internet như một phương tiện truyền thông nội bộ nhanh chóng và ít tốn
kém. Điều này đòi hỏi những người có trách nhiệm nhận thức rõ ràng về đặc tính
của Internet như phương tiện truyền thông trực tiếp, tức thời, giao tiếp và dự
phần.[46]
Nếu không biết sử
dụng thích hợp các phương tiện truyền thông của thời đại, các vị chủ chăn có thể
trở nên lạc lõng so với đàn chiên.
Ngày nay trên
Internet, như chúng ta đã thấy, không chỉ có những trang mạng xấu, mà có quá
nhiều các địa chỉ mạng mang nhãn hiệu “Công giáo”, tuyên truyền những điều mang
màu sắc đạo đức nhưng ngầm chứa những điều sai lạc khiến cho nhiều tín hữu phải
phải bối rối hoặc thậm chí bị lây nhiễm những quan điểm sai lạc. Chính các vị
chủ chăn phải là những hướng dẫn viên giúp những người sử dụng Internet có được
những chỉ dẫn đáng tin cậy để biết đâu là lập trường đích thực của Giáo hội.
Các vị chủ chăn cần
hướng dẫn giáo dân cách sử dụng Internet cách khôn ngoan, phù hợp với đức tin
và luân lý.
3.2. Nghĩa vụ của cha mẹ Công giáo
Vì lợi ích của chính
mình và của con cái, các cha mẹ trong các gia đình nên tìm hiểu học hỏi thêm về
Internet. Việc này giúp cho cha mẹ chu toàn bổn phận giáo dục con cái của mình.
Trẻ em và người trẻ thường nhanh nhạy với các phương tiện hiện đại hơn cha mẹ;
nhưng cha mẹ cũng phải cố gắng không nên để cho giữa mình và con cái có một khoảng
cách quá xa về việc ứng dụng công nghệ, vì như thế là sẽ không thể kiểm soát được
việc sử dụng mạng xã hội của con cái mình.
Trẻ em hay cả
tin, tò mò và muốn khám phá những chuyện lạ trong đời sống, vì thế các em dễ sa
vào những nguy hiểm của dâm ô, trở thành mục tiêu của những kẻ săn đuổi các con
mồi tính dục và nhiều những nguy hiểm khác đe dọa. Vì thế đừng cho phép con cái
tự do sử dụng Internet mà không có sự kiểm soát. Tốt nhất không nên lập tài khoản
cho những đứa trẻ còn quá nhỏ tuổi.
Cha mẹ cần ra quy
định giờ giấc cho con cái, không để chúng sử dụng máy tính quá nhiều thời gian
trong ngày ảnh hưởng tới việc học tập, tới sức khỏe và thậm chí ảnh hưởng tới
những mối liên hệ gia đình, họ hàng, bạn bè, làng xóm.
Cha mẹ phải thảo
luận với con cái về những gì con cái xem và cảm nghiệm trên Internet. Cha mẹ
cũng cần chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm với các gia đình khác có cùng mối
quan tâm về việc sử dụng Internet của con em mình.
Cần hướng dẫn con
cái trở thành những người sử dụng Internet một cách sáng suốt và có tinh thần
trách nhiệm. Mặt khác, cha mẹ phải giữ vai trò gương mẫu trong việc sử dụng các
phương tiện truyền thông trong gia đình một cách lành mạnh và bổ ích. Để từ đó,
họ có thể giúp con cái mình noi gương bắt chước theo.
Cha mẹ cũng có thể
tim hiểu và cài đặt, ngoài những phần mềm diệt virút bản quyền, có thể cài thêm
các phần mềm quản lý máy tính mới nhất (các phần mềm quản lý được biết đến là:
Bitdefender Parental Control Free, Windows Live Family Safety, Norton Family...
)
3.3. Nghĩa vụ của các bạn trẻ Công giáo
Với các trẻ em và
thanh thiếu niên: Internet là cánh cửa mở ra một thế giới đầy quyến rũ và kỳ diệu;
nhưng bên kia cảnh cửa này, không phải tất cả đều lành mạnh, không phải tất cả
đều chắc chắn và chân thực. Internet có thể làm cho cuộc sống của các bạn trẻ được
phong phú vượt xa các thế hệ cha ông. Nhưng Internet cũng có thể xô đẩy các bạn
vào sự sa đọa và thoái hóa về đạo đức như thái độ hưởng thụ, dâm ô, bạo lực, sự
cô lập và bệnh hoạn. Vậy nên, khi sử dụng mạng xã hội, các bạn trẻ cần chú ý những
điều sau đây:
Hãy sử dụng mạng
một cách điều độ, đừng để mình bị mắc vào thói quen xấu là ghiền mạng, vừa mất
tập trung học hành, vừa mất ơn Chúa. Mỗi ngày chúng ta dành hàng giờ để online
trên mạng, trong khi không dành được ít là 15 phút cầu nguyện, thì chúng ta là
người khờ dại hết chỗ nói. Lời Thánh Phaolô dạy rất thiết thực cho chúng ta:
“Anh em đừng có rập theo đời này… hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái
gì là tốt, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
Các bạn trẻ cần nhớ
rằng những mối quan hệ trên mạng thường chỉ là ảo. Hãy dành thời gian cho những
mối quan hệ thật chung quanh như cha mẹ, ông bà, anh chị em, bạn bè, hàng xóm.
Những mối quan hệ thật sẽ đem lại những giá trị thật của tình cảm trong cuộc sống.
Không nên đưa mọi
tâm sự vui buồn lên mạng. Vì sẽ chẳng ích lợi gì, chẳng có mấy ai thông cảm với
ta. Thậm chí mọi người sẽ dựa vào đó mà đánh giá thấp về ta. Tốt nhất, khi có
tâm sự, ta nên đi cầu nguyện với Chúa. Vì Người đã phán: “Tất cả những ai mệt mỏi
và gánh nặng, hãy đến với Ta, ta sẽ bổ sức cho các con”.
Để đón nhận thông
tin cho đúng đắn, cần có sự tỉnh táo khách quan, luôn nghi ngờ và đừng tin gì cả
nếu chưa biết chắc chắn về thông tin ấy, dù rằng nói tốt, nói đạo đức, thậm chí
trích cả Kinh Thánh, vì kẻ xấu vẫn thường mặc lớp áo đạo đức để thực hiện ý đồ
của họ. Thông tin đáng tin cậy phải xuất phát từ những trang Web có thẩm quyền
hoặc có uy tín. Những tờ thông tin được phát tán trên mạng thiếu cơ sở thì
không nên tin, không tiếp tay bằng cách photo hoặc phát tán trên mạng để truyền
bá những tài liệu sai lạc này.
Các bạn trẻ cần
tích cực học hỏi đào sâu Kinh Thánh và Giáo lý, để có thể đứng vững vàng trước những
trào lưu và những tư tưởng phàm tục đi ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa. Và
hơn thế nữa các bạn còn có thể dùng những kiến thức tôn giáo ấy để bênh vực cho
đức tin và cho chân lý như lời khuyên dạy của thánh Phaolô:
Phần
anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc... Và từ thời thơ ấu,
anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu
độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều
do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo
dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được
trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành. (2Tm 3, 14-17).
Khi lên tiếng
bênh vực sự thật và niềm tin của mình qua các diễn đàn mạng xã hội, các bạn trẻ
cần dùng lời lẽ ôn hòa, tránh dùng những lời lẽ nặng nề thóa mạ người khác. Dù
người ta có thái độ thế nào mình cũng không nên trả đũa. Vì làm như thế là phản
truyền giáo và gây ấn tượng xấu về đạo chúng ta cho người ngoại giáo. Người viết
đã từng nghe tâm sự của một thanh niên nói rằng: “Ba mẹ em không muốn cho em
theo đạo vì ba mẹ em đọc thấy trên mạng có một số bạn dùng lời lẽ thóa mạ người
khác khi tranh luận về niềm tin tôn giáo”. Vậy chúng ta hãy nghe lại lời căn dặn
của thánh Phaolô, nhà truyền giáo lỗi lạc: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời
độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho
người nghe” (Ep 4,29).
Tóm lại, các bạn
trẻ cần ý thức mình là tương lai của xã hội và của Giáo hội; đồng thời cần ý thức
rằng: Internet không chỉ đơn giản là một phương tiện truyền thông dành cho vui
chơi giải trí và mua sắm, nó là dụng cụ để thực hiện những công việc hữu ích.
Trên các diễn đàn mạng xã hội Internet, các bạn được kêu gọi để chống lại xu hướng
“văn hóa sự chết”, và góp phần kiến tạo nền “văn minh tình thương”. Các bạn hãy
cộng tác với nhau trong sự dấn thân và tinh thần truyền giáo đích thực.
3.4. Nghĩa vụ của Chính quyền
Nhân nói về nghĩa
vụ của người Kitô hữu đối với truyền thông Internet, cũng xin bàn thêm về nghĩa
vụ của chính quyền về việc này.
Mạng xã hội
Internet cũng như các phương tiện truyền thông khác, đương nhiên phải tuân giữ
các luật lệ hợp lý cấm xúi giục hận thù, mạ lỵ, dâm ô và những điều vi phạm
khác. Chính quyền cần phải có những điều luật để xử lý những vi phạm liên quan
đến mạng xã hội, như: gây lan truyền virút trên máy tính, ăn trộm các thông tin
cá nhân ... Nhờ đó môi trường mạng xã hội được trong lành hơn và người sử dụng
bớt gặp phải những phiền toái và những rủi ro không mong đợi. Tuy nhiên, chính
quyền không nên ngăn chặn hay kiểm soát khắt khe việc sử dụng Internet. Điều
này đã được Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội lưu ý:
Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ tự do ngôn luận và tự do trao đổi ý kiến. Tự do nghiên cứu và tìm hiểu sự thật là một quyền căn bản
của con người và tự do ngôn luận là viên đá góc của nền dân chủ. Dưới ánh sáng
các đòi hỏi của công ích, chúng tôi lên án các toan tính của các nhà cầm quyền
nhằm ngăn chặn việc tìm hiểu tin tức – trên Internet hoặc trong các phương tiện
truyền thông khác vì nhà cầm quyền coi đó là đe dọa hoặc gây khó khăn cho mình,
để lèo lái công chúng qua sự tuyên truyền và định hướng, hoặc để ngăn cản tự do
hợp pháp bày tỏ ngôn luận và tư tưởng. Các chế độ độc đoán là những người có lỗi
nặng về vấn đề này.[47]
Như vậy, việc chính
quyền bảo vệ an ninh mạng phải nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, sao cho
người dân được đảm bảo tự do đích thực chứ không phải nhằm để hạn chế tự do của
người sử dụng mạng xã hội, với mục đích củng cố quyền lực chuyên chế độc đoán của
mình trên nhân dân.
KẾT LUẬN
Như chúng ta đã thấy, Internet là phương tiện
truyền thông có sức mạnh làm thay đổi thế giới, xóa nhòa đi sự ngăn cách về địa
lý, về ngôn ngữ. Internet ngày càng lan rộng đến mọi nơi, mọi nhà và hầu như mọi
người. Internet tác động mạnh mẽ trên đời sống con người và ngày càng trở nên một
nhu cầu không thể thiếu đối với con người. Đà phát triển của Internet là không
thể cưỡng lại được.
Như mọi phương tiện khác,
Internet cũng có hai mặt tốt và xấu; ích lợi và nguy hại. Ích lợi do Internet
mang lại hết sức lớn lao, song những nguy hại của Internet cũng khôn lường. Tuy
nhiên, ích lợi hay tai hại, tốt hay xấu là hoàn toàn tùy thuộc vào sự khôn
ngoan và ý thức chọn lựa của mỗi người. Cả loài người đều đang tồn tại trong một
giai đoạn hết sức đặc biệt gọi là thời đại thông tin. Tốt hay xấu, muốn hay
không thì thực tế đó không thể đảo ngược. Do đó, mỗi người đều cần phải rèn cho
mình những kỹ năng và bản lĩnh để làm con người bình thường của thời đại thông
tin. Bất cứ ai, từ trẻ đến già, đều phải học và rèn luyện kỹ năng ứng xử với
truyền thông để có khả năng sống một cách vui tươi, lạc quan và hữu ích.
Hơn thế nữa, là
Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống làm chứng cho sự thật, biết sử dụng mạng
Internet và các tiến bộ trong công nghệ sao cho con người trở nên thật sự tốt
hơn, ý thức hơn về phẩm giá con người, có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn, cởi
mở hơn đối với người khác, đồng thời cũng trưởng thành hơn về mặt tâm linh. Hơn
thế nữa, người Kitô hữu cần phải tận dụng Internet như những cơ hội đặc biệt để
rao giảng Tin mừng cứu độ của Chúa Kitô cho toàn thể gia đình nhân loại, vượt
qua mọi hàng rào và biên giới. Chúng ta, không được sợ sệt để rồi không mở rộng
tất cả các cánh cửa truyền thông xã hội cho Chúa Kitô, vì Người đã phán: “Điều
Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em
nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27).
Thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II mong muốn rằng:
Mong sao cho những người
Công Giáo liên quan đến thế giới truyền thông rao giảng sự thật về Đức Giêsu mạnh
dạn hơn bao giờ từ trên những mái nhà, sao cho mọi người nam nữ có thể nghe về
tình yêu là tâm điểm của chính truyền thông Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, hôm
qua, cũng như hôm nay và mãi mãi.[48]
[1] Gioan Phaolô II, Thông điệp cho ngày Truyền thông Thế giới lần
thứ 35, 24/01/2001, câu 4.
[2] Tổng hợp kiến thức dựa theo Từ
điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia; https://vi.wikipedia.org.
[3] Friedman
Thomas L. Chiếc Lexus & cây Ôliu,
Bản dịch của Lê Minh (Hà Nội: Tri Thức, 2013), tr. 84.
[4] x. Từ điển bách khoa toàn thư mở
Wikipedia; https://vi.wikipedia.org.
[5] Tổng hợp từ nhiều nguồn trên
Internet.
[6] x. Nguyễn Hưng Quốc, Internet và Xã Hội Dân Sự, truy cập ngày 27/09/2013;
https://www.voatiengviet.com /a/ internet-va-xa-hoi-dan-su/1757929.html.
[7] Friendman
Thomas L. Thế Giới Phẳng, bản dịch của
Nguyễn Hồng Quang, (Hà Nội: Trẻ, 2016), tr. 7.
[8] Hòa Ái, Internet và nhận thức chính trị tại Việt Nam ; truy cập ngày 02/05/2017;
www.rfa.org.
[9] x. Từ điển bách khoa toàn thư mở
Wikipedia, https://vi.wikipedia.org
[10] Sách Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công Giáo (Hà Nội: Tôn
Giáo, 2007), số 414.
[11] Nguyễn
Hưng Quốc, Internet và Xã Hội Dân Sự,
truy cập 27/09/ 2013; https://www.voatiengviet.com/a/internet-va-xa-hoi-dan-su/1757929.html.
[12] Lê Hà, Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập ngày 29/01/2017; http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/dao-tao-truc-tuyen-trong-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep.html.
[13] Nguyễn Hưng Quốc, Internet và Xã hội dân sự, truy cập ngày
27/09/2013; https://www.voatiengviet.com /a/internet-va-xa-hoi-dan-su/1757929.html
[14] Giang Shu, Những mối tình đẹp nên duyên nhờ bà mối
Internet, truy cập 16/10/2017;http://news.zing.vn/nhung-moi-tinh-dep-nen-duyen-nho-ba-moi-internet-post382557.html.
[15] Thái An, Nhiều cặp thành đôi nhờ hẹn hò qua mạng, truy cập ngày 06/06/2013;https://ngoisao.net/tin-tuc/gia-dinh/go-roi/nhieu-cap-thanh
-doi-nho-hen-ho-qua-mang-2810748.html.
[16] x. An Phạm, Internet đã thay đổi thế giới như thế nào,
truy cập ngày 23/06/2015; http://baodatviet.vn/cong-nghe/tin-tuc-cong-nghe/internet-da-thay-doi-the-gioi-nhu-the-nao-3273873.html.
[17] Hội đồng Tòa Thánh truyền thông
xã hội, Luân Lý Đạo Đức trên Internet, số
12.
[18] x. An Phạm, Internet đã thay đổi thế giới như thế nào,
truy cập ngày 23/06/2015; http://baodatviet.vn/cong-nghe/tin-tuc-cong-nghe/internet-
da-thay-doi-the-gioi-nhu-the-nao-3273873.html.
[19] Người viết
phỏng vấn thầy Vinh Sơn Fêriô Maria Nguyễn Đức Hậu, CRM.
[20] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Công
Lý và Hòa Bình, Đạo Đức trong Truyền
Thông, số 15.
[21] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2494.
[22] Nguyên Chương, “Thế giới mạng dễ
biến chúng ta thành những Pha-ri-siêu”, Nguyệt
san Đồng Hành, số tháng 6 năm 2017,
tr. 13.
[23] Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền
thông Xã hội, Đạo Đức trong Truyền Thông,
số 16.
[24] Hội Đồng
Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, Giáo hội
và Internet, số 11.
[26] x. Khánh Dan, Tác hại của mạng xã hội và sức khỏe,
truy cập 26/09/2017;
http://msuckhoedoisong.vn/tac-hai-cua-mang-xa-hoi-va-suc-khoe-n136631.html.
[27] Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý
và Hòa Bình, Đạo Đức trong Truyền Thông,
số 13.
[28] x. Khánh Dan, Tác hại của mạng xã hội và sức khỏe, truy
cập 26/09/2017;
http://msuckhoedoisong.vn/tac-hai-cua-mang-xa-hoi-va-suc-khoe-n136631.html.
[29] Nguyễn Đình Phước, Tìm hiểu khía cạnh mục vụ và loan báo Tin mừng
trên Internet trong thế giới ngày nay, luận văn tốt nghiệp Thần học, Học viện
Thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2005, tr. 2.
[30] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), số 2493.
[31] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Công
Lý và Hòa Bình, Giáo hội và Internet,
số 10.
[32] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Công
Lý và Hòa Bình, Đạo Đức trong Internet,
số 18.
[33] x. Nguyên
Hòa, “Các vị Giáo Hoàng với Truyền Thông”, nguyệt san Đồng Hành, số tháng 6/2017), tr. 12.
[34] Ibid., tr.
12.
[35] Bênêđictô XVI,
Thông Điệp trong Ngày Truyền Thông Thế Giới
lần thứ 47: 24/1/201, Bản dịch việt
ngữ của Đức Thành.
[36] x. Thảo Nguyễn, Đức Giáo Hoàng và mạng xã hội, truy cập
ngày 18/12/2015;
http://www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi/duc-giao-hoang-va-mang-xa-hoi_a2405.
[37] Đường link tài khoản của ĐTC
Phanxicô trên Instagram: https://www.instagram.com/franciscus.
[38] x. Tri Khoan, Đức Thánh Cha phá kỷ lục trên Instagram;
truy cập ngày 4/3/2016; http://conggiao.info/
mang-xa-hoi-duc-thanh-cha-pha-ky-luc-tren-instagram-d-34821.
[39] Nữ tu Ngọc Lan, FMM, Truyền Thông Công Giáo Việt Nam Cơ
Hội Hay Thách Đố?, truy cập ngày 31 tháng 10 2014;
http://catechesis.net/index.php/muc-vu/truyen-thong-xa-hoi/419-truyen-thong-cong-giao-viet-nam-co-hoi-hay-thach-do
[40] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam , Ủy
ban Bác ái Xã hội, Tóm lược Học thuyết Xã
hội của Giáo hội Công Giáo, các số 560-561.
[41] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Công
Lý và Hòa Bình, Đạo Đức trong Truyền
Thông, số 1.
[43] Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc âm Hóa (Hà Nội: Tôn
Giáo, 2014), tr. 23.
[44] x. Tài liệu làm việc của Thượng
Hội đồng Giám mục lần thứ XIII, năm 2012, các số 59-62.
[45] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Công
Lý và Hòa Bình, Đạo Đức trong Truyền
Thông, số 26.
[46] x. HĐ Giáo Hoàng về Công Lý và
Hòa Bình, Giáo hội và Internet, số 6.
[47] Hội đồng Tòa Thánh truyền thông
xã hội, Luân Lý Đạo Đức trên Internet, số
12.
[48] Gioan Phaolô II, Thông điệp cho ngày Truyền thông Thế giới lần
thứ 35, 24/01/2001, câu 4.
Đăng nhận xét