Người Kitô hữu xây dựng mạng truyền thông để làm chứng về Đức Kitô đang sống



Một nhà truyền thông cho Chúa Kitô đang sống 
phải là những người đăng tin vui, những điều tốt lành, 
bình an ngay trong những lời nói, những hình ảnh họ sẻ chia 
để kiến tạo được một cộng đồng mạng trong yêu thương 
mà họ phải thực hiện khi sử dụng truyền thông với mạng xã hội trong tư cách cá nhân hay tập thể.

Nữ tu Teresa Ngọc Lễ
Dòng Đa Minh Thánh Tâm


 Chính Giáo hội là một mạng lưới được dệt bởi sự hiệp thông Thánh Thể, ở đó sự hiệp nhất không phải dựa trên những nút “like”, mà dựa trên sự thật, trên “Amen”, nhờ đó mỗi người bám chặt vào Thân mình Chúa Kitô và đón nhận người khác.
(Đức Thánh Cha Phanxicô, 
Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông 2019)

Khi câu hỏi xưa cũ đặt ra: quả trứng có trước, hay con gà có trước, thì cũng có một cách hỏi tương tự để đặt vấn đề: công nghệ - kỹ thuật số có trước hay văn hóa kỹ thuật số có trước?
I.    Văn hóa - Truyền thông thời kỹ thuật số
1.  Văn hóa kỹ thuật số
Cứ nhìn vào thực tế của cuộc sống, người ta thấy công nghệ đáp ứng những đòi hỏi, nhu cầu và yêu cầu của con người (văn hóa), mà nơi đó, công nghệ là sản phẩm của trí tuệ và sự sáng tạo của con người. Và dĩ nhiên, cái nền văn hóa của con người bị hấp thụ bởi công nghệ, nảy sinh một tương tác qua lại, quyện vào nhau và hình thành ra một nền văn hóa kỹ thuật số, ảnh hưởng đến lối sống của con người thời hiện đại.
Nhìn vào một thế giới mà ngày càng con người lệ thuộc nhiều hơn vào những phương tiện công nghệ kỹ thuật số như smartphone, laptop, Ipad… ở nơi đó đã xuất hiện một thứ văn hóa mới gắn với đời sống, suy nghĩ, và cách hành xử của con người hiện tại. Người ta gọi chính xác tên của nó bằng một cụm danh từ “nền văn hóa kỹ thuật số”. Cái văn hóa kỹ thuật số ấy từng ngày định hình lối sống của con người, tạo nên những thói quen, lối suy nghĩ, hành xử của những con người thời đại @.
Chính trong cái văn hóa kỹ thuật số này, con người sống trong những vệt sáng và cả những bóng râm mà ít nhiều họ đã tự tạo ra nó.
Thế giới đang trở thành một ngôi nhà toàn cầu hơn, mà nơi đó, tương giao, giao tiếp giữa con người với nhau được mở rộng, dễ dàng và xem ra gần gũi hơn. Họ dễ bị tác động, ảnh hưởng lẫn nhau trong cả cái tốt và xấu. Những hình thức văn hóa đôi khi chịu ảnh hưởng lẫn nhau, làm cho các khuôn mẫu, giá trị đôi khi bị phá vỡ do tương tác trực tiếp thông qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Có những cái được, nhưng không ít những cái mất từ chính nền văn hóa này.[1]
2. Truyền thông thời kỹ thuật số
Cùng song hành cái tạo nên một nền văn hóa kỹ thuật số, dáng dấp của cách thức truyền thông mới, truyền thông kỹ thuật số, khác hẳn với cách thức và phương tiện truyền thông cũ.
Nhờ bởi kỹ thuật số, truyền thông cũ khoác lên mình một bộ cánh mới, với những cách thức hoạt động mới trong sự tiến bộ nhanh chóng của thế giới hiện đại. Kỹ thuật số làm cho truyền thông, giao tiếp ngày càng trở nên thuận tiện hơn nhờ bởi nhiều cách thức truyền thông, giao tiếp hơn. Đó là một sự thật mà bất cứ ai đã và đang trải qua một chặng đường của sự thay đổi giữa truyền thông cũ và mới. Những thiết bị truyền thông, giao tiếp qua Internet làm cho trái đất này dường như nhỏ lại, như ngày càng xóa đi khoảng cách về không gian, khiến con người ngày nay dễ dàng giữ được những mối liên lạc với gia đình và bạn bè.  Email, nhắn tin, các trang mạng xã hội, hoặc các phần mềm giao tiếp, truyền thông với đủ loại luôn sẵn sàng, tiện lợi, trực tuyến và thường miễn phí cho người dùng.
Với công nghệ kỹ thuật số, truyền thông mới làm cho thông tin ngày càng trở nên sinh động, tức thời, vượt ra khỏi những hàng rào địa giới, văn hóa, tư tưởng… để tiếp cận với con người thời đại, bất kể họ là ai, đẳng cấp nào.
Truyền thông mới (New media) là một thuật ngữ bao gồm những hình thức giao tiếp mới, do sự đổi mới của công nghệ, dựa trên nền tảng Internet, thúc đẩy sự kết nối và sáng tạo. [2] Những công cụ phổ biến của truyền thông mới là trang web (website), blog (blogweb) hình thức viết nhật ký trực tuyến, podcast, Internet di động, truyền thông trực tiếp nhạc, video, mạng xã hội…
Nếu vài chục năm trước của thế kỷ 20, con người trên thế giới này biết và dùng nhiều đến email, một phương tiện trao đổi thư tín, thông tin qua mạng lưới Internet toàn cầu, thì khi bước sang đầu thế kỷ 21, mạng xã hội đã bắt đầu hình thành và phát triển. Cho đến gần 20 năm sau, mạng xã hội hiện nay đang là phương tiện truyền thông hữu hiệu, chiếm được nhiều “khách hàng - cư dân mạng” sử dụng với nhiều mục đích và trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Mạng xã hội (Social Media)
Dù có rất nhiều định nghĩa về mạng xã hội, nhưng chúng ta có thể dựa vào một vài điểm quan trọng để có thể “bắt hình dong” về mạng xã hội mà mọi người đang ưa thích sử dụng hiện nay. Mạng xã hội là phương tiện truyền thông đại chúng (xã hội), sử dụng nền tảng các dịch vụ trực tuyến, nghĩa là các trang web trên internet. Nó thiết lập những mối quan hệ và tạo ra sự tương tác lẫn nhau.
  Mạng xã hội liên hệ đến phương tiện của những cách tương tác giữa con người với nhau, mà trong đó, nó tạo nên, chia sẻ, và trao đổi thông tin và ý tưởng trong những cộng đồng ảo và với những mạng lưới liên kết.[3]
Một số kênh mạng xã hội phổ biến 
và những con số đáng lưu ý

Có rất nhiều trang mạng xã hội, tuy nhiên, một số trang được cho là khá phổ biến tại Việt Nam như Facebook, YouTube, Instagram, Twitter, Linked, Pinterest...
Facebook là một trang mạng xã hội, công cụ phổ biến nhất của mạng xã hội. Hiện nay, trong số những trang mạng xã hội hiện hành, Facebook được xem như là công cụ truy cập được số lượng “khán giả” khổng lồ nhất hơn bất cứ một nhà xuất bản cá nhân nào. Chỉ tính riêng số lượng người sử dụng trên toàn cầu, người ta ví von Facebook có thể được tính thành một “nước mới” vì có gần 2.3 tỷ “cư dân” đăng ký ở trọ nơi đó. Facebook cho phép người dùng giữ liên lạc với bạn bè, không giới hạn việc đăng, tải số lượng hình ảnh, video, thông tin, những đường links lên trang facebook cá nhân và chia sẻ cho bạn bè. Facebook còn cung cấp thêm Facebook Fan Page, Facebook Page, Facebook Group... cho những mục đích cá nhân, cộng đồng khác nhau.[4]
Instagram là một ứng dụng chia sẻ hình ảnh phổ biến cho smartphone và cung cấp cho người dùng một cách thức để chia sẻ thông điệp/ tin nhắn/ hình ảnh đến người khác cách dễ dàng.[5]
LinkedIn là một trang mạng xã hội cho chuyên ngành với hàng trăm triệu thành viên. LinkedIn "dâng tặng" cho người dùng một cách kết nối với những nhà chuyên nghiệp khác và duy trì mối liên kết đó. Nó được viết, tạo lập đặc biệt cho nhóm kinh doanh, thương mại hoặc công ty.[6]
Twitter là một ứng dụng cho blogging. Nó cho phép người dùng sử dụng nó để đăng tải những suy nghĩ, bài viết cá nhân dưới nhiều lãnh vực, thuộc dạng chia sẻ suy nghĩ, thông tin cách ngắn gọn. Hiện nay, Twitter đã không còn bị giới hạn ở trong mức 140 ký tự như trước, nhưng có thể lên đến 280 ký tự cho mỗi tweet.[7]
YouTube: là một website rất phổ biến, được ưa chuộng nhất trong việc chia sẻ video. YouTube cho phép người dùng có thể đưa lên, tải xuống, xem các video bất cứ lúc nào, khi nào cách tự do, miễn phí từ website này.[8]
Pinterest là một trang mạng xã hội, ứng dụng của mobile cho phép người dùng tạo ra, tổ chức, chia sẻ những bức hình ảnh đẹp mà họ tìm thấy hoặc sựu tầm từ những nơi khác.[9]
Một chút thoáng nhìn về con số thống kê người dùng mạng xã hội Việt Nam để biết đất nước này hiện đang là một vùng đất “màu mỡ” với quá nhiều cư dân mạng đang trọ nơi này. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, người ta nhận thấy có một sự gia tăng rất nhanh về con số những người dùng cách thức truyền thông mới, cụ thể là mạng xã hội.
Với thời điểm hiện tại, khi so sánh giữa những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương đương, Việt Nam có một số lượng tỷ lệ người dùng mạng xã hội cao nhất. Từ bục hạng thứ chín vào năm 2017 về tỷ lệ người dùng mạng xã hội trên thế giới, đến năm 2018, Việt Nam đã nhảy vọt lên bậc 7 có tỷ lệ người dùng mạng xã hội cao nhất.[10]
Theo bản báo cáo của We are Social and Hootsuite kết thúc tháng 1/2019, tại Việt Nam với tổng dân số 96,2 triệu dân, thì đã có 64 triệu người dùng Internet, sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là trên nền tảng Facebook, chiếm 67% dân số. Có 55 triệu người dùng mạng xã hội- tỷ lệ khoảng 57% so với dân số, 70,3 triệu người dùng điện thoại di động kết nối mạng…[11]
Tuy vậy, những con số này sẽ còn tăng lên nhanh nữa trong những ngày tháng sắp tới. Và như vậy, chúng ta sẽ có một cái nhìn về tương lai tại Việt Nam với con số người dùng Internet, mạng xã hội liên quan đến sứ vụ rao giảng Chúa Kitô, phục vụ cho chân lý, nền văn hóa sự sống của chúng ta, những nhà truyền thông của Chúa Kitô.    
II.    Giáo hội với phương tiện truyền thông
1. Truyền thông, mạng xã hội 
   như một quà tặng của Thiên Chúa cho Giáo hội

Trong Sắc lệnh “Truyền Thông Xã Hội - Inter Mirifica”, hoặc trong rất nhiều văn kiện khác liên quan đến truyền thông như “Hiệp thông và tiến bộ - Communi et Progressio”, “Huấn thị Mục vụ thời đại mới – Aetatis Novae”, Giáo hội luôn nhìn truyền thông là "quà tặng của Thiên Chúa" ban cho Giáo hội và con người". Phương tiện truyền thông đóng góp cho lợi ích chung, và hỗ trợ cho việc truyền rao Nước Thiên Chúa. Truyền thông giúp liên kết con người,[12] đóng góp cho việc phục vụ lợi ích cá nhân và sự phát triển xã hội.[13] Nhờ truyền thông, con người có thể cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ,[14] và Giáo hội có thể dùng nó như một phương tiện hữu ích để loan báo Tin mừng.[15]
Hơn thế nữa, Giáo hội khám phá ra “những điều kỳ diệu” trong truyền thông xã hội, và vì thế, Giáo hội bày tỏ lòng biết ơn của mình với Thiên Chúa về món quà đã nhận lãnh. [16] Để rồi qua nhiều thời đại, Giáo hội vẫn cố gắng sử dụng món quà này với những cách thức khôn ngoan hầu đem lại nhiều lợi ích vì phần rỗi các linh hồn, cũng như cho việc loan báo Tin mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã từng lập lại ý niệm về quà tặng mà truyền thông có thể là "Truyền thông, ở bất cứ nơi đâu và cách nào mà nó thực hiện, luôn mở ra những bầu khí quyển rộng hơn cho nhiều người. Đó là một quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, kéo theo một trách nhiệm lớn lao. Tôi thích nói đến nội lực này của truyền thông như là "sự gần gũi"[17]
  1. Một Giáo hội năng động và sáng tạo trong việc tận dụng truyền thông để loan báo Tin mừng
Với phương tiện truyền thông qua nhiều thời đại, Giáo hội nhìn nhận những tiềm năng của phương tiện truyền thông, vì thế, Giáo hội luôn nhắc nhở mình và mọi thành phần trong Giáo hội luôn “tích cực và sáng tạo” trong việc tận dụng hệ thống mạng lưới toàn cầu (Internet) cũng như các ngành truyền thông khác để biến truyền thông trở thành công cụ hữu ích cho việc loan báo Tin mừng.[18] Bởi Giáo hội biết rằng, khi truyền thông được sử dụng cách đúng đắn và phù hợp, truyền thông sẽ trở nên một công cụ hữu hiệu cho sứ vụ Loan báo Tin mừng, rao loan ơn cứu độ mà Giáo hội đã lãnh nhận từ Thiên Chúa.[19] Do vậy, Giáo hội cảm thấy có lỗi nếu phớt lờ, không sử dụng những phương tiện truyền thông để rao loan Tin mừng, phục vụ vì lợi ích các linh hồn.
3.     Một Giáo hội không lo sợ ra khơi trong vùng biển của truyền thông kỹ thuật số
Đứng trước những lo âu về những mảng tối của dạng thức truyền thông kỹ thuật số, nhiều người, hay cộng đồng đã cảm thấy lo ngại sợ bị nhấn chìm trong những tiến bộ của công nghệ với những mảng tối của nó, hay một cách thức truyền thông mới, mà họ chưa được thấu hiểu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã đưa ra lời mời gọi: “Tôi ước muốn nói với toàn thể thế giới ‘Đừng sợ. Đừng sợ những công nghệ mới’.
Đức Bênedicto XVI, năm 2010 khẳng định:
Không hề sợ hãi, chúng ta phải giương buồm, chèo thuyền đi vào vùng biển của kỹ thuật số, đương đầu với chỗ nước sâu bằng tất cả sự say mê giống như Giáo hội đã lèo lái con thuyền suốt 2000 năm qua... Chúng ta muốn nói rõ chính chúng ta bằng lối sóng trong thế giới kỹ thuật số với một trái tim của người tín hữu. trợ giúp và cho hồn vào giòng chảy truyền thông, giao tiếp liên tục của internet.
4.     Một Giáo hội hiện diện trên mạng xã hội 
để đem tin vui, nối kết con người, xóa đi hận thù

Hơn bao giờ hết, Giáo hội ý thức mình đang ở đâu, thời đại nào và cần hội nhập thế nào để đạt tới sứ mạng của mình. Vì thế, khi mạng xã hội ngày hôm nay đang phát triển nhanh chóng, và số lượng “cư dân” đầy ắp trên các trang mạng xã hội, Giáo hội không thể làm ngơ, phớt lờ để không đi vào những nơi con cái mình, cũng như bao người chưa biết Chúa đang đứng nơi đó.
Khi mạng xã hội được ví như một ngã tư công cộng, một diễn đàn rộng lớn mà nơi đó, con người thỏa sức gặp gỡ nhau, bàn thảo, chia sẻ nhiều vấn đề, suy nghĩ… thì cũng chính nơi đó, Giáo hội có thể gặp gỡ những cư dân mạng để đem Tin Vui, để phục vụ cho sự thật, phục vụ cho một nền văn hóa sự sống, để loan báo Tin mừng, để nói về một Đức Kitô đang sống.
Do vậy, nếu Giáo hội không có sự hiện diện, và không chia sẻ tin vui nơi diễn đàn này, thì khi đó, Giáo hội đang liều lĩnh đứng bên mép rìa cuộc đời của những người đang sống trong đó, và sẽ thất bại trong sứ mạng đem Tin mừng đến tận cùng trái đất. Điều này cũng không loại trừ mỗi Kitô hữu, mỗi tu sĩ trong vị thế của mình, cho phép mình đứng bên ngoài của ngã tư truyền thông, nơi mà nhiều người đang cố xây dựng nên một cái gì đó cho mình và cho người khác. ĐGH Phanxicô nói: "Mạng kỹ thuật số có thể là nơi đầy tình người, không phải là một hệ thống các đường dây điện, nhưng là hệ thống con người."[20]
 III.   Kitô hữu dùng truyền thông để:
1.   Phục vụ cho sự thật
Trong thế giới truyền thông hôm nay, những nhà truyền thông Kitô hữu đang phải đối diện với vấn đề tin giả (fake news), cũng như phải trải qua thách đố của việc tường thuật, đưa tin, đăng tải tin trong một xã hội được xem là thời kỳ  “hậu sự thật/ hậu chân lý – post-truth”. Đây là một hệ lụy của việc ra đời Internet, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ các loại phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội. Chính sự gia tăng này đã phần nào gây áp lực lên những người làm truyền thông trong một thế giới cạnh tranh nguồn tin và thu hút khán thính giả. Chính do những áp lực này, những công ty truyền thông, những cá nhân làm truyền thông bắt đầu cho ra những tin tức giả mạo nhằm để cạnh tranh, và dẫn đến một sự thỏa hiệp vô hình của việc kiểm tra thực tế, sự thật của tin được đăng.
Bên cạnh đó, với những mục đích khác nhau về kinh tế, chính trị… những cá nhân và tổ chức làm truyền thông cũng dây dưa vào những tin giả, tạo nên một dòng chảy ô nhiễm trong thế giới truyền thông, khi mà cách thức “trộn lẫn” khá tinh vi giữa phần trăm tin giả trong số tin thật được đăng tải, hay xuất bản. Đó là một thứ “truyền thông bẩn”, mà chỉ có những người thiếu nhận thức hay là nô lệ cho kẻ dối trá mới có thể tạo nên một luồng thông tin trái chiều, đánh lừa người khác, đôi khi dẫn đến hậu quả xấu, và nguy hiểm. Thứ truyền thông sai lệch giả trá cho thấy một nền văn hóa đang đánh mất dần ý thức về chân lý và sự thật, nên sẵn sàng bóp méo hình ảnh, tin đăng để hòng đạt tới mục đích mà kẻ xấu nhắm tới.[21]
Chính trong một thế giới truyền thông với những cạm bẫy của truyền thông sai sự thật, những Kitô hữu, khi sử dụng mạng xã hội, họ cũng bị cuốn vào theo trào lưu của tin giả, có thể vừa là nạn nhân nhưng cũng gánh vai trò chủ mưu để đánh lừa anh chị em mình.
Vì thế, truyền thông cho chân lý, sự thật phải được người Kitô hữu nắm lấy, chọn lấy và thực hiện ngay trên trang mạng xã hội họ đang dùng. Họ phải có trách nhiệm với tin họ đăng, hay chia sẻ, nghĩa là về tính sự thật của nội dung họ sử dụng. Nhà truyền thông Kitô hữu không được phép nói sai sự thật, hoặc nói một nửa sự thật, nhưng là phải phục vụ cho sự thật một cách hoàn toàn. Họ phải một nhà truyền thông của sự thật dưới ngòi bút, bài đăng, hình ảnh mà họ tải xuống hay chia sẻ. Sẽ không thể biện hộ vì mục đích tốt mà quên đi sự thật cần được tôn trọng ngay cả khi chúng ta đăng trở lại bản tin, hình ảnh của người khác trên “căn nhà mạng xã hội” của mình. “Hễ có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ.” (Mt 5,37)
Bởi sự thật đến từ Thiên Chúa và sẽ chống lại bất kỳ sự dối trá nào trong cách thức truyền thông, cho dẫu nó có tinh vi thế nào đi chăng nữa. Và như vậy, khi người Kitô hữu là một nhà truyền thông phục vụ cho sự thật, và quà tặng của họ sẽ là phúc lành từ Thiên Chúa, bởi họ làm truyền thông sạch, khởi đi từ một tâm hồn trong sạch, không bị nhiễm uế bởi thứ truyền thông bẩn, thứ truyền thông của sự giả dối (x. Mt 5,8)
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi:
Mỗi người, trong vai trò và trách nhiệm của mình, được kêu gọi cần phải chú trọng trong việc gìn giữ đạo đức truyền thông ở mức độ cao nhất, và cần tránh những gì gây nên những nguy hại nhiều: thông tin sai lạc, nói xấu, vu khống. Cần phải giữ những đạo đức trong truyền thông.
3.      Phục vụ cho một nền văn hóa sự sống
a.      Vì lợi ích của con người
Truyền thông phải lấy con người làm tâm điểm và phải phục vụ cho lợi ích, tiến bộ của con người.[22] Điều này có nghĩa là họ phải loại trừ ngay ra khỏi truyền thông những gì làm nguy hại hay không làm thăng hoa giá trị nhân phẩm của con người, của bản thân mình hay của người khác.
Người Kitô hữu không thể dùng mạng xã hội để bắt nạt người khác (cyberbulling) mà phần đa là giới trẻ và đôi khi cả những người thuộc giới trung niên vẫn hành động. Vẫn có đó những hình thức dùng mạng xã hội để buôn bán người, thao túng, bóc lột tiền bạc, tình dục của ai đó, hay làm nhục người khác, không tôn trọng phẩm giá con người mà Thiên Chúa ban tặng cho từng người. Ngay cả khi người Kitô hữu dành hàng giờ để lướt cái điện thoại thông minh, kiểm tra feeding của Facebook hay tin nhắn liên tục… là lúc đó, chúng ta đã rơi vào trạng thái của sự nghiện ngập, quy kỷ hơn là quy về tha nhân. Cách nào đó, trong cách thế này, người Kitô hữu sẽ đánh mất dần sự giao tiếp tương tác với người khác, tạo nên những mối quan tâm ảo trên mạng xã hội hơn là làm phong phú lên những tương quan thực của đời thường.[23]
Con người nhân bản và cộng đồng nhân bản là cùng đích và là sự đo lường việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội; truyền thông phải là từ con người đến con người cho sự phát triển tổng thể của con người.[24]
b. Mở đường cho những cuộc gặp gỡ, 
     hiệp nhất, đối thoại đích thực

Ngày càng nhiều người trẻ, cả những người trung niên, hay có tuổi cũng có những tài khoản mạng xã hội, mà nơi đó, họ nghĩ sẽ gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn mới quen, với gia đình, bạn bè của mình, hay cả với những người mà họ chỉ biết được người đối diện qua avatar ảnh.
Thế nhưng, nơi những ngã tư đường phố của mạng xã hội hôm nay, ngày càng nhiều người dường như trở nên dễ nổi nóng, thô lỗ hơn trong lời nói, dễ gây hấn với người khác vì chính kiến, quan điểm trong nhiều lãnh vực, bao gồm cả tôn giáo. Xem ra cư dân mạng xã hội không trang bị cho mình một cách thức gặp gỡ thực với những con người mà họ giao tiếp trên mạng xã hội, trong thế giới truyền thông hiện đại này. Họ biến những “quảng trường mạng xã hội” để trở thành nơi phá hủy những cách thức đối thoại đi tìm tiếng nói chung giữa con người với nhau, tìm ra một cách thức đối thoại chân thành ngay cả trong những khác biệt, để dần đi tới sự hiệp nhất trong yêu thương.
Cần phải có đó một ngôi nhà truyền thông, khi nối mạng với nhau, con người có thể gặp gỡ nhau trong thân tình, có thể chia sẻ cho nhau mọi vấn đề, gặp gỡ và đồng hành với nhau trong những chặng đường của cuộc sống. Ngay cả khi chúng ta chỉ trao đổi với người khác qua mạng kỹ thuật số, nhưng nơi đó vẫn phải là nơi chúng ta có được không gian để gặp gỡ con người cụ thể, như diện đối diện (face-to-face), chứ không phải là những mối tương quan ảo, với những con người ảo, trên một mạng xã hội ảo. Và như vậy, truyền thông sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để con người có thể biểu tỏ ra được sự tốt lành, sự thật trong tâm hồn, suy nghĩ của họ với người khác. "Mạng kỹ thuật số có thể là nơi đầy tình người, không phải là một hệ thống các đường dây điện, nhưng là hệ thống con người."[25]
Xin đừng quên thách đố đòi buộc một nhà truyên thông mang danh Kitô hữu phải huấn luyện chính mình để có được sự nhạy bén, đủ tinh tế, hiểu chính xác được tín hiệu phát đi từ thông điệp của người khác, và đáp trả lại thông điệp của tha nhân bằng một tình yêu thương, quan tâm chân thành với những người họ giao tiếp nơi “ngã tư đường phố của mạng xã hội”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
Chúng ta phải có khả năng, có thể đối thoại với những nam, nữ của ngày hôm nay... Chúng ta bị thách đố trở nên những con người có chiều sâu, biết lưu tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta và có sự nhạy cảm về mặt tinh thần. Đối thoại có nghĩa là tin rằng "người khác" có cái gì đó có giá trị, tốt lành để nói, và dành cho họ khoảng trống để họ bày tỏ quan điểm của họ.[26]
c.                         Truyền thông “tin vui”, 
cổ võ cho một nền văn hóa sự sống

Khi mà nền văn hóa kỹ thuật số lôi cuốn con người ngày càng đi vào vòng xoáy của những cái xấu, ác, vô cảm, đánh mất đi những tương tác thân thiện giữa con người với nhau những điều tốt lành trong tâm hồn, thì nơi đó đang hình thành  một thứ văn hóa chết.
Văn hóa chết đẩy con người đi tới chỗ thích câu like bằng những tin tức xấu, những hình ảnh quái dị của sự ác, ngay cả với  những lời nói thô lỗ, hành động thiếu tính nhân văn, cổ súy cho những hành động vô luân, suy đạo đức… ngay trên những “tường” mạng xã hội của họ và của người khác.
Vì thế, trước thực trạng thực tế của thế giới truyền thông đang nghiêng chiều nhiều hơn về một văn hóa của sự chết, thì trong chính mỗi dòng trạng thái đăng lên, hay mỗi lời bình luận được phát tín hiệu, mỗi nhà truyền thông với tư cách là Kitô hữu, không thể quên đi mục đích của truyền thông là phục vụ cho sự thiện, mang tính nhân văn, trao tặng cho thế giới cư dân mạng những điều tốt lành, niềm vui,  và sự bình an. Và đó cũng là cách mà họ dùng truyền thông để xây dựng được cái đẹp trong cuộc sống: Đẹp trong lối suy nghĩ, lời bình luận, đẹp trong tất cả những gì giúp cho con người, xã hội nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa đang tiềm ẩn trong cách chúng ta dùng truyền thông, của một nhà truyền thông cho Chúa Kitô đang sống.
Do vậy, một nhà truyền thông cho Chúa Kitô đang sống phải là những người đăng tin vui, những điều tốt lành, bình an ngay trong những lời nói, những hình ảnh họ sẻ chia để kiến tạo được một cộng đồng mạng trong yêu thương mà họ phải thực hiện khi sử dụng truyền thông với mạng xã hội trong tư cách cá nhân hay tập thể.
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ:
Thế nên tôi muốn góp phần vào việc tìm kiếm một phong cách truyền thông rộng mở và sáng tạo, một phong cách không bao giờ tìm cách làm cho cái ác trở nên hấp dẫn nhưng tập trung vào các giải pháp và truyền cảm hứng cho người tiếp nhận thông tin đến với các thông tin một cách tích cực và có trách nhiệm. Tôi kêu gọi mọi người hãy cung cấp cho con người ngày nay những câu chuyện thực chất là những “tin vui”.[27]
Thay lời kết
Trên tất cả, Kitô hữu phải trở nên nhà truyền thông cho TIN VUI đích thực là CHÚA KITÔ ĐANG SỐNG.
Trên mọi tin vui, và là tin vui tuyệt đỉnh, người Kitô hữu phải là nhà truyền thông cho TIN VUI đích thực là CHÚA KITÔ ĐANG SỐNG. Họ được kêu gọi để mang Tin Vui đến khắp nơi, tận cùng bờ cõi trái đất, đảm bảo rằng Tin mừng đã vươn đến và chạm tới mọi trái tim của con người trong mỗi vùng, miền trong thế giới này. Sứ điệp này cùng với những gì mà chúng ta tín thác -Tin Vui này- chính là một Con Người, ĐỨC GIÊSU KITÔ, một Chúa Kitô đang sống thực sự giữa thế giới, và con người thời đại này.
Và như Đức Thánh Cha Phanxicô nói với người trẻ và cộng đồng Dân Chúa trong Tông huấn Christus Vivit rằng: “Chúa Kitô đang sống và người muốn các con được sống” (số 1), Mọi người ấy sẽ là bất cứ ai chúng ta gặp trên trang mạng xã hội, dù khác tôn giáo, màu da, dù là người thân hay kẻ thù của chúng ta, tất cả đều là con cái của Thiên Chúa và Người muốn họ được sống trong cách thức chúng ta đối xử với họ như trong cùng một gia đình nhân loại, mà Thiên Chúa là Cha.
Vậy thì lẽ nào, Người Kitô hữu lại có thể dùng truyền thông mà không để ý đến sứ mạng quan trọng này khi họ hằng ngày lướt web, tin nhắn, các tin nổi bật, đăng, tải mọi nguồn tin, hình ảnh?


[1] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit- Đức Kitô đang sống, số 86, 25/3/2019

[2] a) Brandon Vogt. The Church and New Media: Blogging Converts, Online Activists, and Bishops Who Tweet, Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor Pub, 2011, 212.

   b) Nguồn : New Media  

[4] x. Definition Facebook. https://www.pcmag.com/encyclopedia/term/57226/facebook.
[5] x. Definition Instagram. http://searchcio.techtarget.com/definition/Instagram
[6] x. Wikipedia. Linkedin. https://en.wikipedia.org/wiki/LinkedIn
[7] x.tweeternet. http://tweeternet.com/; Twitter. https://en.wikipedia.org/wiki/Twitter
[8] x. What is YouTube. https://www.digitalunite.com/guides/tv-video/what-youtube
[9] x. Wikipedia. Pinterest. https://en.wikipedia.org/wiki/Pinterest
[11] cf. We are Social. Digigital in 2018: World’s Internet Pass The 4 billion Mark.  https://wearesocial.com/blog/2018/01/global-digital-report-2018.
[12] Huấn thị Hiệp thông và tiến bộ, số 2, 23/5/1971
[13] Huấn thị Mục vụ Thời Đại mới, số 6, 22/2/1992
[14] Huấn thị Hiệp thông và tiến bộ, số 2, 23/5/1971
[15] Huấn thị Mục vụ Thời Đại mới, số 6, 22/2/1992
[16] Sắc lệnh về Truyền Thông Xã Hội, Inter Mirifica, số 2
[17] Pope Francis: ‘Text messages and social media are a gift from God’. Nguồn: http://www.catholicherald.co.uk/news/2016/01/25/pope-francis-text-messages-and-social-media-are-a-gift-from-god/
[18] x.ĐGH Benedicto XVI, Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông 35, 2001
[19] x. Sắc lệnh về Truyền Thông Xã Hội, Inter Mirifica, số 3
[20] x. ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới, 2014

[21] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit- Đức Kitô đang sống, số 89, 25/3/2019

[22] Đạo đức trong truyền thông, Ethics in Communication.Vatican 4/6/2000
[23] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit - Đức Kitô đang sống, số 88, 25/3/2019
[24] Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông. Đạo đức trong Internet. 22/2/2002. Số 3.
[25] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp ngày Truyền Thông Thế Giới 2014
[26] Ibid.
[27] ĐTC Phanxicô , Sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới, 2017


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn