Liệu Giáo hội có quan tâm đến tầm quan trọng
và cần thiết của các phương tiện truyền
thông hiện đại
cũng như mức độ và phạm vi áp dụng chúng
trong việc loan báo Tin mừng không?
Mạng Internet có được Giáo hội xem là vùng đất mới
của sứ vụ truyền giáo của mình chăng?
Nơi ấy như thế nào?
Cần chuẩn bị gì: nhân sự, phương tiện, công cụ, tâm thế
của người sử dụng các phương tiện, sử dụng như thế nào?
Quả thật đó là những vấn đề không hề đơn giản ...
Nt. Mary Nguyễn Hòa – MTG. Qui Nhơn
DẪN NHẬP
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ
tạo” (Mc 16, 15). Lệnh truyền của Đức Giêsu hơn hai mươi thế kỷ qua đã được tiếp
nhận và kế thừa bởi bước chân của những sứ giả loan báo Tin mừng, luôn là một sứ
vụ thiêng liêng và cao cả của mọi thành phần trong Giáo hội, bởi có liên quan đến
trách nhiệm của người Kitô hữu. Như chúng ta biết rằng mọi Kitô hữu đều có sứ mạng
truyền giáo bởi “ Bản chất Giáo hội là truyền giáo” (Vat II, AG 2). Sứ vụ này
đòi hỏi phải được thực hiện ở mọi nơi và trong mọi thời, với những phương tiện
và cách thức cho phù hợp.
Cùng với phương thức truyền giáo truyền thống như làm chứng
bằng đời sống chứng tá, dạy giáo lý, gặp gỡ và chia sẻ buồn vui với tha nhân, cử
hành phụng vụ, làm việc bác ái, từ thiện hay xây dựng các kế hoạch truyền giáo
nơi vùng sâu vùng xa, nơi các quốc gia thứ ba, nơi các thềm lục địa đen, nơi những
Giáo hội mà niềm tin của người Kitô hữu đang là vấn đề cần bàn tới, đã cho thấy
một kết quả không mấy khả quan, thì lệnh truyền của Đức Giêsu xem ra cấp bách
và thiết thực hơn trong thời đại của truyền thông kỹ thuật số, người Kitô hữu lại
được mời gọi dấn thân vào một môi trường, vùng đất bao la rộng lớn và trù phú
nhưng cũng không thiếu những khó khăn và thử thách, đó là môi trường mạng
Internet, một vùng đất không hiện hữu theo vị trí địa lý tự nhiên nhưng lại là
môi trường có sức thu hút con người với con số đáng kể.
Liệu Giáo hội có quan tâm đến tầm quan trọng và cần thiết
của các phương tiện truyền thông hiện đại cũng như mức độ và phạm vi áp dụng
chúng trong việc loan báo Tin mừng không? Mạng Internet có được Giáo hội xem là
vùng đất mới của sứ vụ truyền giáo của mình chăng? Nơi ấy như thế nào? Cần chuẩn
bị gì: nhân sự, phương tiện, công cụ, tâm thế của người sử dụng các phương tiện,
sử dụng như thế nào? Quả thật đó là những vấn đề không hề đơn giản chút nào
nhưng không phải vì thế mà lùi bước, là không khả thi, nếu chần chừ và thoái
thác thì “Giáo hội sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa nếu không biết tận dụng những
phương tiện ưu thế này mà con người nhờ kỹ năng của mình càng ngày càng làm cho
chúng được hoàn hảo hơn. Nhờ các phương tiện này, Giáo hội rao giảng thông điệp
mà mình nắm giữ trên các mái nhà...”.[1]
Bài viết xin được trình bày không phải trong cung cách của
bài nghiên cứu, chỉ là những suy tư nho nhỏ, ước mong bản thân mình cũng như
người Kitô hữu dấn thân cách không ngần ngại và có kế hoạch sử dụng phương tiện
này cho sứ vụ loan báo Tin mừng cách hiệu quả.
1.
Mạng Internet,
hệ thống truyền thông đa phương
tiện
Ai cũng nhận thấy mạng internet có một vị
trí quan trọng trong xã hội hiện nay. Một số lợi ích mà chúng ta dễ
dàng nhận thấy đó là việc kết nối mạng Internet giúp ta tra
tìm được kho tàng kiến thức khổng lồ. Nó giúp ta tìm kiếm thông tin một cách dễ
dàng hơn.
Internet là “một hệ thống thông tin toàn cầu” có
thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ
thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching)
dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Hệ thống này
bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện
nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên
toàn cầu. Internet có tầm quan trọng cực kỳ lớn và đem lại rất rất nhiều lợi
ích cho toàn bộ nhân loại toàn cầu. Internet giúp cho thông tin truyền tải
nhanh chóng, bạn có thể truy cập thông tin trên internet tại hầu hết các vị trí
trên địa cầu. [2]
Có thể nói Internet là loại hình truyền thông mang tầm vóc
vĩ đại trong lịch sử con người tính đến thời điểm này, Internet ra đời đã đánh
dấu một bước tiến lớn của cả nhân loại trong lĩnh vực kết nối thông tin toàn cầu,
là thành quả vĩ đại của trí tuệ con người bởi tính toàn cầu, không gian vô hạn
của nó. Trong thế giới này, con người được trang bị nhiều phương tiện liên lạc
hiện đại như hệ thống truyền hình toàn cầu, máy vi tính kết nối với xa lộ thông
tin Internet, điện thoại di động đa chức năng, các công cụ lưu trữ dữ liệu đa dạng
(hình ảnh, âm thanh, video, các file nén...) với khả năng ngày càng lớn. Chúng
lại có thể kết nối với những công cụ “đọc thông tin” như máy tính xách tay
(laptop), hệ thống âm thanh, máy chiếu
(projector) và nhiều phương tiện kỹ thuật tối tân khác. Các phương tiện truyền
thông đó đang nối mạng liên kết với nhau và phát triển với tốc độ chóng mặt,
xóa đi biên giới địa lý, đem thông tin trên thế giới đến cho mọi người ở mọi
ngõ ngách cuộc sống[3]. Có thể
nói Internet là nơi hội tụ các phương tiện truyền thông đại chúng.
1.1. Internet là nơi hội tụ các phương tiện
truyền thông đại chúng
Phương
tiện truyền thông đại chúng ra đời đã đáp ứng, làm thỏa mãn các nhu cầu giao tiếp
mang tính phổ biến và tạo hiệu quả ở quy mô toàn cầu. Truyền thông đại chúng gắn
liền với sự phát triển của xã hội con người và bị chi phối trực tiếp bởi hai
nhu cầu thông tin giao tiếp và kỹ thuật công nghệ thông tin. Các loại hình truyền
thông đại chúng bao gồm: sách, báo in, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, quảng
cáo, băng, đĩa hình và âm thanh..., chúng mang lại cho đời sống tinh thần của
con người nhiều lợi ích đáng kể và có giá trị. Một điều đáng đề cập là với thời
đại công nghệ thông tin và kỹ thuật số, tất cả các loại hình truyền thông này đều
có thể sử dụng được qua Internet: gọi điện thoại hay nhắn tin qua phần mềm chat
như Yahoo Messenger, Skype, hay tiến bộ hơn là viber, zalo... Internet là chức
năng của một phương tiện truyền thông đại chúng, đó là một phương tiện truyền
thông vượt qua rào cản không gian và thời gian mà biểu hiện rõ nét nhất là việc
hình thành một loại hình báo chí mới: báo chí phát hành trên mạng. Internet là
một thực thể truyền thông trực tuyến.
Mặc khác, Internet
có thể bỏ xa nhiều loại hình truyền thông truyền thống để trở thành phương tiện
thông tin được sử dụng hằng ngày phổ biến nhất Việt Nam . Theo khảo sát Net Index do
Yahoo và công ty nghiên cứu, phân tích thị trường Kantar Media thực hiện thông qua phương pháp
phỏng vấn trực tiếp với 1500 người có độ
tuổi từ 15-54, sử dụng Internet tại khu vực nội thành của 4 thành phố chính là
Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Khảo sát chọn mẫu xác suất
qua nhiều giai đoạn thực hiện từ tháng 01 - 02/2011, kết quả cho thấy email
(60%) và messenger (73%) vẫn là phương tiện kết nối trực tuyến phổ biến tại Việt Nam.
Đọc tin tức trên mạng là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất chiếm 97%, theo sau
là việc truy cập vào các cổng thông tin điện tử với tỷ lệ gần 96% người tham
gia. Đáng chú ý là số người sử dụng Internet để truy cập vào các trang mạng xã
hội đã tăng từ 41% năm 2010, lên 55% năm 2011. Sử dụng Internet hàng ngày đã vượt
qua radio (23%) và báo giấy (40%) để trở thành phương tiện thông tin được sử dụng
phổ biến nhất tại Việt Nam với
tỷ lệ 42%. Tỷ lệ truy cập tại gia đình tăng từ 75% năm 2010, lên 88%
năm 2011, trong khi đó tỷ lệ truy cập từ Internet café đã giảm từ 42% năm 2010
xuống còn 36% năm 2011. Những gói cước hấp dẫn cùng với sự hiện diện của công
nghệ 3G ở Việt Nam đang
đẩy mạnh xu hướng truy cập bằng điện thoại di động (30%). Những người
sử dụng Internet ở độ tuổi từ 15 đến 24 quan tâm chủ yếu đến các nội dung giải
trí, đặc biệt là các game trực tuyến (38%), nhạc trong nước (57%), và thể thao
(39%). Bên cạnh đó, giới trẻ cũng sử dụng Internet để cập nhật thông tin trên
các trang mạng xã hội (52%), xem các đoạn video và hình ảnh thú vị trên mạng
(45%).[4]
Đặc biệt trong thời đại của cách mạng công nghệ 4.0, không
gian mạng xã hội mở rộng, với chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng (Ipad)
hay máy tính cá nhân có kết nối Internet đều có thể tham gia vào mạng xã hội.
Báo cáo Digital Marketing Việt nam 2019: Năm 2019, dân số Việt nam đạt mốc xấp
xỉ 97 triệu dân với 64 triệu người sử dụng internet, tăng đến 28% so với năm
2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết
bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng đến 8 triệu người dùng so với
năm 2018. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42
phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng internet. Báo cáo cũng đề cập thêm, người Việt nam mất
trung bình 2 giờ 32 phút để dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem các stream
hoặc các video trực tuyến và dùng 1 giờ 11 phút để nghe nhạc.[5]
1.2. Internet mang đến
nhiều cơ hội cho sự phát triển con người
Hơn hẳn báo chí, truyền thanh, truyền hình và điện thoại,
mạng Internet hiện nay đã có mặt khắp nơi và hầu như ai cũng có thể sử dụng bởi
tiện ích và tính hữu dụng của nó. Internet là kênh thông tin phong phú, là
phương tiện đắc lực giúp con người mở mang tri thức, trao đổi, chia sẻ kinh
nghiệm, tình cảm, rút ngắn khoảng cách giữa người với người, giữa các quốc gia
và các dân tộc trên thế giới.
Quả thật, mạng Internet đang mang lại những thay đổi có tính
cách mạng trong thông tin, báo chí, giáo dục, chính trị, ngoại giao, kinh tế,
thương mại, tương quan giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Internet hiện diện
xung quanh chúng ta mọi lúc mọi nơi, là phương tiện truyền thông liên cá nhân
như thư điện tử (Email), điện thoại
Internet, video call, nhắn tin, trò chuyện qua mạng (Chat), diễn đàn
(Forum), blog, mạng xã hội... Internet đã tạo được một môi trường liên lạc
nhanh và tiết kiệm chi phí cho các cá nhân hay tổ chức giao dịch với nhau mà vẫn
đảm bảo các yêu cầu như các liên lạc truyền thống. Internet đảm nhiệm chức năng
của một phương tiện truyền thông tập thể, cụ thể là nhiều cơ quan, tổ chức đã ứng
dụng thiết lập trang mạng nội bộ hoặc những cổng thông tin để quản lý và giao dịch
thông tin trong nội bộ đơn vị hay nội bộ ngành, vượt qua những ngăn cách về
không gian địa lý hay thời gian. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của
xã hội, công nghệ thông tin nói chung và các trang mạng xã hội nói riêng, nhất
là Internet phát triển rất mạnh, đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho sự
phát triển của con người. Xin đan cử một vài tiến bộ:
Internet giúp tìm việc
và làm việc hiệu quả hơn
Như chúng ta biết thời gian trước đây, khi công nghệ còn
thô sơ thì vấn đề xin việc và tuyển dụng lao động làm việc cũng là vấn đề khó
khăn và phức tạp, tốn kém nhiều công sức và thời gian nhưng với tình hình hiện
nay, nhờ có Internet thì việc ứng tuyển của lao động viên và của nhà tuyển dụng
cũng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn chỉ vài cú nhấp chuột. Ngoài ra cũng giúp
nhà tuyển dụng rất nhiều trong việc tìm kiếm và thu hút nhân tài. Các trang tìm
việc online với nguồn dữ liệu lao động viên dồi dào, đa ngành nghề, đa kỹ năng
sẽ là gợi ý tuyệt vời để các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và chọn lọc được người
lao động phù hợp với vị trí tuyển dụng. Với sự trợ giúp của điện thoại thông
minh, máy tính bảng, laptop và Internet có thể được xem là những trợ thủ đắc lực
để giúp cho con người làm việc nhanh, hiệu quả và chính xác.
Internet giúp chúng ta chủ
động hơn trong việc học tập, hoạt động tri thức
Internet chứa đựng kho kiến thức khổng lồ, có thể tìm kiếm
mọi thông tin trong tất cả các lĩnh vực trong nước và quốc tế, tin tức mới và cả
tin tức cũ. Hay nhất là khi muốn tìm kiếm một lĩnh vực hay một vấn đề nào đó,
hãy vào Google nhập từ khóa và nhấn Enter thì bạn sẽ có ngay rất nhiều trang
web cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề mà bạn muốn biết.
Hơn thế nữa, Internet đã đóng một phần quan trọng trong
lĩnh vực giáo dục. Các hệ đào tạo từ xa, học trực tuyến qua mạng, thậm chí là học
các chương trình đào tạo của nước ngoài thông qua Internet không còn mới mẻở nước
ta hiện nay. Học viên có thể học bất cứ lúc nào có thời gian rảnh và trao đổi
trực tiếp với giáo viên trên Internet, vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm được
thời gian. Vì vậy, phương thức đào tạo này mang tính cách mạng trong lĩnh vực
giáo dục đã mở ra cơ hội học tập cho những người lâu nay vẫn chịu thiệt thòi:
người làm việc theo ca, người thường xuyên đi công tác, người sống xa trường học
mà không có điều kiện học tập, người gặp khó khăn về thể trạng sức khỏe hoặc
khó khăn về tâm lý.
Internet giúp mọi người
liên lạc, kết nối, gần nhau hơn
Chỉ cần một chiếc smartphone hay laptop là người ta có thể
trò chuyện, trao đổi công việc với đối tác, khách hàng từ đa quốc gia, vừa tiết
kiệm được thời gian, thu hẹp khoảng cách mà còn dễ dàng xử lý những vấn đề quan
trọng cách nhanh chóng. Hơn thế nữa, trước áp lực công việc, việc dành thời
gian để kết nối, giao lưu với bạn bè, người thân dù xa cách nhau đến hàng ngàn
cây số để tạo mối tương quan tốt đẹp, cũng có thể thực hiện cách dễ dàng trong
điều kiện phát triển của công nghệ như hiện nay.
Internet giúp làm cho việc
giải trí trở nên thú vị hơn
Ngoài việc giúp con người làm việc hiệu quả, sự phát triển
của các thiết bị công nghệ cũng giúp giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng:
chơi game xả stress, lướt web để du lịch trên mạng, mua sắm online hoặc cùng
trò chuyện, tán gẫu với bạn bè, chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc cùng bạn bè
và người thân.
2. Internet là môi trường mới và phương tiện
mới cho sứ vụ của người tông đồ
Internet
trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống hiện tại của hầu hết con người
trên thế giới và đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương
quan. Đức Gióa Hoàng Phanxicô nhận định:
Internet là một
quảng trường công cộng, nơi mà người trẻ tiêu tốn phần lớn thời gian của mình
và gặp gỡ người khác khá dễ dàng, cho dù không phải ai cũng có cơ hội như nhau
để tiếp cận nó, cách riêng tại một số vùng trên thế giới. Chúng cung cấp một cơ
hội phi thường để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi giữa người này và người khác,
cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Hơn nữa, thế giới kỹ thuật số là một
thế giới của việc dấn thân chính trị xã hội và hoạt động dân sự, nó giúp phổ biến
các thông tin độc lập, cung ứng sự bảo vệ hữu hiệu cho những người yếu đuối nhất
và lên tiếng công khai về những vụ xâm phạm các quyền của họ. Tại nhiều quốc
gia, Internet và các mạng xã hội đã làm nên một diễn đàn vũng chắc để tiếp cận
với người trẻ, cách riêng trong các sáng kiến và hoạt động mục vụ.[6]
Rõ
ràng Internet cũng có một tiềm năng lớn cho việc rao giảng Tin mừng, như Đức
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vạch ra trong thông điệp của ngài cho Ngày
thế giới truyền thông 2002: “Internet: Một diễn đàn mới cho việc rao giảng Tin
mừng”. Trong thông điệp của ngài vào dịp này, Thánh Giáo Hoàng đã mô tả các khả
năng rất cụ thể của phương tiện truyền thông mới này đối với việc rao giảng Tin
mừng. Các khả năng này cũng bao gồm cả việc sử dụng Internet để theo dõi các bước
đầu của công việc truyền giáo, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tin mừng. Thánh Giáo
Hoàng nhắc đến chiều kích mục vụ khi ngài viết:
Internet cũng
có thể cung cấp một sự theo dõi mà công việc rao giảng Tin mừng đòi hỏi. Đặc biệt
trong một nền văn hóa không hỗ trợ việc này, đời sống Kitô giáo kêu gọi phải tiếp
tục việc giảng dạy và huấn giáo, và đây có lẽ là lãnh vực mà Internet có thể
cung cấp một sự trợ giúp tuyệt vời.[7]
Người
tông đồ với sứ vụ truyền giáo trong thế giới văn minh của kỷ thuật số cũng là
tiếp cận với một vùng đất mới để ánh sáng Tin mừng chưa được loan truyền, nơi
mà đối diện không ít khó khăn và đầy thách đố.
2.1. Ảnh
hưởng của Internet
trong cuộc sống con người
Ảnh hưởng tích cực
Mạng
Internet mang lại nhiều tiện ích hữu dụng cho người sử dụng chẳng hạn thư điện
tử (email), trò chuyện trực tuyến (chat), các lớp học từ xa (trực tuyến), dịch
vụ thương mại và chuyển tiền, các khóa học trực tuyến (khóa học online). Không
ai chối cãi được chính Internet ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đến các
sinh hoạt xã hội và con người, đã thực sự trở thành một quyền lực trong thế giới
hôm nay: chúng tạo ra dư luận, chi phối dư luận, kiểm soát dư luận. Chúng có khả
năng chuyển tải, lan rộng, lan xa, thấm sâu vào mọi sinh hoạt con người và xã hội.
Đồng thời ảnh hưởng của chúng rất lớn đến độ thay đổi cả bản chất của con người
và xã hội, nhất là người trẻ về mặt tâm lý, văn hóa, đạo đức và thói quen của
con người, đem lại cho con người nhiều cơ hội để có một tương quan rộng hơn,
phong phú hơn, làm cho cuộc sống đáng yêu và ý nghĩa hơn.
Internet
được ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại đến giáo dục,
xã hội và đến cả những hoạt động tâm linh, truyền giáo. Người ta khuyến khích sử
dụng Internet bởi hiệu năng của nó “Tất cả các nhà đầu tư nhìn vào Internet và
kết luận rằng nếu mọi thứ đều được số hóa, từ dữ liệu, bản kiểm kê, thương mại,
sách, âm nhạc, hình ảnh cho đến việc giải trí thì nhu cầu với các sản phẩm và dịch
vụ liên quan tới Internet sẽ là vô tận”.[8] Trong lĩnh
vực giáo dục cũng vậy, Internet được đưa vào tất cả các trường mầm non, phổ
thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục, trường đại học..., với việc
ứng dụng chương trình giảng dạy và trao đổi thông tin kế hoạch. Nhờ đó, hệ thống
giáo dục đạt hiệu quả đáng kể.
Đặc biệt,
các phương tiện truyền thông và nhất là Internet đem đến những ích lợi quan trọng
và những thuận lợi từ góc độ tôn giáo:
Chúng chuyển tải
tin tức và thông tin về các biến cố tôn giáo, các ý tưởng và các nhân cách;
chúng được dùng như phương tiện truyền bá Tin mừng và giáo lý; đem đến sự linh
hứng, khích lệ và những cơ hội cho những cá nhân bị bó gối trong nhà hay trong
những cơ sở. Internet cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những
tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng – những thư viện khổng lồ, những nhà
bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện Giáo huấn của Huấn quyền, những
bài viết của các Giáo phụ và các tiến sĩ Hội thánh và kho tàng khôn ngoan tôn
giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng
cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có
cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo
(virtualcommunities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Internet có liên
quan đến nhiều hoạt động và chương trình của Giáo hội – Phúc âm hóa, bao gồm cả
tái Phúc âm hóa và tân Phúc âm hóa và những hoạt động truyền giáo truyền thống,
giáo lý và các hình thức giáo dục khác, tin tức và thông tin, hộ giáo
(apologetics), chăn dắt, quản trị và các hình thức tư vấn mục vụ và khải đạo
tâm linh.[9]
Ảnh hưởng tiêu cực
Như con dao hai lưỡi, sự bùng nổ thông tin không những
góp phần cho sự phát triển văn minh nhân loại mà bên cạnh đó không thiếu những ảnh
hưởng tiêu cực từ Internet, nhất là cách lạm dụng quá đáng phương tiện này. Trước
tiên là sự xuống cấp trong văn hóa đọc, người ta không còn muốn đọc những bài
báo, những quyển sách có giá trị và quý giá trong thư viện hay trong các tủ
sách nữa mà thay vào đó là đọc lướt những bài viết trên các trang web.
Văn
hóa viết cũng dần dần bị lãng quên, nhiều người trước đây vẫn hay viết thư tay,
tự tay viết những lời chúc Giáng Sinh hay Năm Mới trên những tấm thiệp để gởi
cho những người mình yêu mến nhưng ngày nay đã được thay thế bằng những lời
chúc có sẵn hoặc dùng thiệp điện tử; gởi những tin nhắn nhanh, gọn và rẻ tiền
qua email hoặc qua điện thoại thông minh. Một số linh mục, tu sĩ lười suy tư
nên đã tải những bài giảng, bài suy niệm có sẵn trên Internet mà không phải mất
thời gian để làm, để viết.
Thêm vào đó, ngôn ngữ mạng xuất hiện những từ ngữ mà chưa
có tự điển nào cập nhật mà những người lớn tuổi đọc có thể hiểu nổi, chẳng hạn:
rồi – rùi, pun`– buồn, nhiều – nhju, lun – luôn, bit kh? – biết không, bít rùi
– biết rồi ...
Nhiều
người trẻ đã chìm đắm trong không gian ảo của Internet, suốt ngày tiếp xúc với
máy tính, lướt dạo trên các trang web mà không có sự tương tác với mọi người
xung quanh khiến họ rơi vào tình trạng vô cảm, tự kỷ, hoang tưởng, ham khoái lạc,
hưởng thụ, nghiện game online, nghiện chat sex. Một khi đã tự do buông mình
trong thế giới ảo, giới trẻ sẽ có lối sống buông thả, tự do tình dục, lệch lạc
nhân cách và tổn thương tâm hồn. Tình trạng xuống cấp của đạo đức đã bị ảnh hưởng
bởi những trang web đen, hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy, trò chơi trực tuyến kích
dục đang lôi kéo không ít người lún sâu vào con đường tội lỗi.
Mặt
khác, tình trạng lừa tình, lừa tiền, hacker, đánh cắp thông tin, phát tán virus
độc hại để xâm nhập vào hệ thống điện toán xảy ra nhan nhản trên mạng cũng là một
mối gây đau đầu cho những người quản lý và người dùng. Thêm vào đó, trong thế
giới ảo khó phân biệt thông tin thực - giả, không phải mọi kiến thức và thông
tin trên Internet đều trung thực, an toàn, lành mạnh và lợi ích. Người ta có thể
hiện diện “ẩn danh” trên mạng để mạo danh hay xuyên tạc bằng những thông tin
tuyên truyền chống phá Giáo hội, gây hoang mang và bối rối, làm suy giảm niềm
tin của người tín hữu với các Đấng Bản quyền, các vị chủ chăn, những nhà lãnh đạo
cộng đoàn tu trì.
Riêng
trong Giáo hội Công giáo, tình trạng thiếu nhi bỏ tham dự Thánh lễ và các buổi
học giáo lý để chơi game online trong các quán Net cũng là một vấn nạn khiến
cho những người có trách nhiệm phải ưu tư, lo lắng nhiều. Tình trạng tu sĩ nam
nữ dành nhiều thời gian để truy cập mạng, giải trí, lướt web nhiều hơn là thời
gian sống cùng, sống với và sống cho anh chị em cùng chung lý tưởng với mình
trong cộng đoàn, lắm khi ở cạnh nhau nhưng lại biết thông tin về nhau ít hơn là
biết thông tin trên không gian mạng.
Nói
cho cùng, hầu hết người trẻ dùng Internet nhưng vấn đề là họ thường tìm kiếm những
gì họ thích, họ giải trí, trò chuyện chứ không phải dành nhiều thời giờ trên mạng
cho việc học, việc nghiên cứu và chuyện chính đáng.
2.2.
Internet, phương tiện mới và hiệu quả
cho sứ vụ loan báo Tin mừng
Có thể
nói Lời Chúa, thông điệp, Giáo huấn và các tin tức cũng như hoạt động mục vụ của
Giáo hội được chuyển tải đến thế giới bằng nhiều phương cách và phương tiện
truyền thông khác nhau. Giáo hội không ngừng khuyến khích sử dụng những phương
tiện này vào việc loan báo Tin mừng vì “các phương tiện truyền thông đại chúng
ngày càng có ảnh hưởng rất lới cảở các vùng xa xôi của Châu Á, chúng có thể trợ
giúp rất nhiều cho việc loan báo Tin mừng tới mọi góc cùng của châu lục”.[10] Nhìn ở
khía cạnh khác chúng ta có thể nhận thấy rằng, việc rao giảng Tin mừng trong thời
đại ngày nay sẽ bị giới hạn rất nhiều nếu không có các phương tiện truyền thông
xã hội hiện đại.
Các
phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet, đã góp phần đem lại nhiều thành
tựu đáng kể cho công cuộc loan báo Tin mừng hiện nay. Nó không chỉ giúp cung cấp
một lượng kiến thức khổng lồ liên quan đến giáo huấn của Giáo hội mà còn liên tục
cập nhật, phản ánh nhanh chóng các nỗ lực trong hoạt động truyền giáo khắp nơi.
Đặc biệt, chính các phương tiện này đã bắc nhịp cầu liên đới giữa các cá nhân,
các nhóm, các tổ chức rộng lớn khi thi hành sứ vụ tông đồ; nhờ đó, các đối tượng
này có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm quý và có thể tương trợ những nguồn lực
quan trọng trong tiến trình truyền rao Lời Chúa. Và đây chính là con đường vô
hình tốt nhất cho Lời Chúa lan tỏa đến mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nêu lên trong Sứ điệp nhân ngày thế giới
truyền thông xã hội lần thứ 44:
Lời Chúa sẽ có thể băng qua những ngã đường vô số được tạo nên do mạng lưới
giao nhau của những đường cao tốc đang cày nên không gian mạng và khẳng định “quyền
công dân” của Thiên Chúa cho dầu vào thời đại nào, để xuyên qua những hình thức
truyền thông mới mẻ, Ngài có thể tiến bước trên những con đường dài của thành
phố và dừng lại ở ngưỡng cửa của những mái nhà và những tâm hồn, để vẫn còn
nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽvào
nhà người ấy, Ta sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh
3, 20).
Internet
có thể cống hiến những cơ hội tuyệt vời cho việc rao giảng Tin mừng nếu chúng
ta biết sử dụng nó một cách tài tình và biết rõ những điểm mạnh cũng như điểm yếu
của nó. Trong thông điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng cho thấy Internet đóng một
vai trò đặc biệt cho sự gặp gỡ thông điệp Kitô giáo lần đầu tiên và cả sau này
để đào sâu và sống trung thành với đức tin Kitô giáo. Internet không thể thay
thế cho kinh nghiệm đức tin của cá nhân nhưng bổ sung cho kinh nghiệm này.
3. Phúc âm hóa
Internet
Thánh
Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi số 45:
Giáo hội sẽ cảm
thấy có lỗi trước mặt Chúa nếu không biết tận dụng những phương tiện ưu thế này
mà con người nhờ kỹ năng của mình càng ngày càng làm cho chúng được hoàn hảo
hơn.
Hơn nữa, Phúc âm hóa là đem Tin mừng vào trong
thế giới, len lỏi vào mọi ngóc ngách và mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Phúc âm
hóa Internet là vận dụng các phương tiện hiện đại này vào những vùng đất không
có biên giới, không có văn hóa và ngôn ngữ riêng, một vùng đất mà nền luân lý đạo
đức đang xuống cấp trầm trọng, để từ đó truyền bá nền văn minh tình thương, tha
thứ, sự thiện hảo. Và trên hết là đưa chính Đức Kitô vào thế giới chìm đắm
trong chủ nghĩa tôn thờ ngẫu tượng và dần dần vắng bóng Thiên Chúa; là làm cho
xã hội loài người thấm nhập tinh thần Phúc âm, để nhân phẩm, nhân vị con người
được đề cao trong thế giới. Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu không thể để mình đứng
ngoài rìa của vùng đất màu mỡ nhưng không kém cạm bẫy này, nhiệt tình dấn thân
cho sứ vụ loan báo Tin mừng.
Vì được Chúa
Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người và do đó có nhiệm vụ rao
giảng Phúc âm, Giáo hội Công giáo nhận thấy mình cũng có bổn phận dùng cả
phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử
dụng chúng cách đúng đắn.[11]
Những ứng
dụng cụ thể đã được Giáo hội thể hiện nơi các website Công giáo phục vụ cho nhu
cầu tâm linh, tri thức, nhân bản và tông đồ cho con người trên thế giới bằng
cách đăng nhập vào trang web nếu muốn. Ngày càng có nhiều người truy cập vào một
số trang web của Giáo hội, của các dòng tu, ví dụ như trang web của Dòng
Đaminh: http://daminhvn.net/ tính đến 21g00 ngày
16/11/2019 có 10.920.120 lượt truy cập, trang web của Giáo phận Qui Nhơn: https://gpquinhon.org/
có 6.241.577 lượt truy cập.
Một
kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy vai trò của các trang mạng Công giáo trong những
đợt mưa lũ, động đất, sóng thần trên thế giới và riêng tại Việt Nam đã liên tục
cập nhật tin tức, hình ảnh liên quan đến các vùng bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt,
thiên tai, nhờ đó có nhiều anh chị em trên thế giới đã nhận được thông tin và sẵn
sàng giúp đỡ, cứu trợ để những người anh em nơi đây có thể ổn định cuộc sống.
Đó chính là tín hiệu vui cho sứ vụ loan báo Tin mừng, đang mở ra những con đường
mới, cởi mở hơn và cũng cần nhiều can đảm hơn.
3.1. Giáo huấn của Giáo hội về môi trường Internet
Hơn ai
hết, Giáo hội quan tâm, ưu tư và thao thức nhiều trước sức ảnh hưởng như vũ bão
của Internet trong cuộc sống con người. Giáo hội chắc chắn không thể làm ngơ
trước thực trạng đang diễn ra và cũng khôn ngoan nhận thức vai trò làm Mẹ của
mình đối với con cái, để có phương thế hướng dẫn người Kitô hữu tiếp cận thế giới
Internet bằng những giáo huấn cụ thể và hiệu quả. Phải chân nhận rằng ý định và
nỗ lực của Giáo hội luôn luôn song hành với thực trạng của thế giới qua một số
văn kiện như : “Internet, diễn đàn mới để
loan báo Tin mừng”; Huấn thị “Mục vụ
Aetatis Novae về truyền thông xã hội”; Sắc lệnh “Inter Mirifica về các phương tiện truyền thông xã hội”; Huấn thị “Đạo đức trên Internet”...
Giáo hội
mong muốn và khuyến khích các tín hữu, cách đặc biệt và những linh mục và tu sĩ
nam nữ sống đời thánh hiến cùng hiện diện và hoạt động trong lĩnh vực truyền
thông xã hội nói chung và Internet nói riêng, trước hết để góp phần đưa những
chuẩn mực đạo đức cần thiết cho việc sử dụng Internet và nhân phẩm con người được
trân trọng. Điều quan trọng hơn, Giáo hội muốn mọi người trên không gian mạng
có thể gặp gỡ được một vị Thầy của truyền thông là chính Đức Kitô, Đấng có thể
làm thỏa mãn những cơn khát vọng của con người. Giáo hội hiện diện trên
Internet bằng khả năng nỗ lực của mình bằng cách mở rộng không giam và nhân rộng
số lượng website, chia sẻ những tư tưởng và giá trị nhân văn, đóng góp những
bài viết và suy tư ý nghĩa, tạo những diễn đàn kết nối tình hiệp thông, thiết kế
những trang web sinh động, lành mạnh và hữu ích với kho tàng tri thức và kinh
nghiệm về Chúa và cuộc sống.
Ngoài
ra, Giáo hội cũng không quên vai trò hướng dẫn, nhắc nhở của mình để mọi thành
phần dân Chúa từ những em bé, thanh thiếu niên, người trưởng thành, các vị lãnh
đạo Giáo hội, linh mục, tu sĩ phải không ngừng học hỏi để biết cách sử dụng
Internet trong công tác mục vụ của mình, để làm thế nào vừa phát huy hết tính
năng của phương tiện, vừa tránh được những ảnh hưởng tiêu cực do nó mang lại. Đồng
thời biết đào tạo trong Giáo hội những chuyên viên về truyền thông, biết khôn
ngoan sử dụng nó trong tình bác ái, tôn trọng sự thật, can đảm đi trong đường
ngay chính. Giáo hội cũng không quên nhắc đến nghĩa vụ cấp bách của các trường
công giáo trong việc huấn luyện và nghiên cứu Internet. Giáo hội vận dụng
Internet vì sự hiệp thông của toàn thể nhân loại, xây dựng thế giới trong tình
liên đới và đồng trách nhiệm, với ý hướng là nối kết mọi người thành ngôi nhà
chung.
3.2.
Người tu sĩ tiếp cận thế giới Internet
để thi hành sứ vụ trong
đời thánh hiến
Cũng đã
có thời nhiều cộng đoàn tu trì gặp phải nhiều khó khăn thử thách trước sự xâm
chiếm ồ ạt của thế giới “công nghệ tin học”, khiến cho đời sống thiêng liêng,
tinh thần tu trì của không ít tu sĩ ngày càng giảm sút, thậm chí có những chủng
sinh hay nam tu, nữ tu đã bỏ ơn gọi của mình. Một số trong họ không làm chủ được
mình, mất nhiều thời gian vô ích để lang thang trên mạng, tán gẫu hoặc tìm kiếm
vu vơ. Cũng có những trường hợp cảm thấy bất mãn vì đòi buộc phải “nộp password
email” cho bề trên. Có thể sự bất mãn dẫn đến mất ơn gọi như thế cũng là một điều
đáng tiếc và cũng cần nhìn lại quan niệm của những vị có trách nhiệm đào luyện,
bởi nếu không đứng trên cục diện của sự phát triển mạnh mẽ của thế giới, cách
riêng trong thế giới công nghệ thì không những người tu trì là người lạc hậu mà
còn làm cho người tu sĩ ngày càng ấu trĩ, trì trệ, ù lì và thiếu trưởng thành.
Nếu là
những giải pháp như trên được xem như là điều tốt cho các ứng sinh thì có lẽ chẳng
phải là giải pháp tối ưu mà có khi phản tác dụng. Người trẻ có thể tạo cho mình
2,3 mail box khác nhau chỉ trong tích tắc hoặc một mình có thể sở hữu hàng chục
địa chỉ email, bề trên bảo nộp email này thì còn email khác nhưng vô tình đã tạo
trong họ một sự lén lút chết người. Điều quan trọng không phải là cho hay không
cho họ sử dụng bởi đó là phương tiện để họ học tập, giải trí, trao dồi nhân bản,
mục vụ, chia sẻ những bài viết suy tư, nhưng điều cần là huấn luyện làm sao để
người tu sĩ ý thức được tầm quan trọng và mục đích của việc sử dụng các phương
tiện này, biết vị trí của họ là ai, được sử dụng đến giới hạn nào để có thể
tuân giữ một cách tự nguyện và trưởng thành. Điều đáng nói là không phải cho
hay không cho sử dụng nhưng là hướng dẫn để người tu sĩ biết sử dụng nó thế nào
nhằm mang lại hữu ích cho con người nhưng cũng làm thăng tiến đời sống của
chính bản thân mình trong những phương diện: tri thức, nhân bản, tâm linh, tông
đồ...
Chúng
ta cần phải nhìn nhận thực tế, nhiều chủng viện và dòng tu cũng hạn chế trong
việc sử dụng điện thoại di động, mạng Internet, Ipad, facebook. Đan cử là trong
Nội quy của Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn Điều 2, triệt 6 nói về sử dụng
phương tiện truyền thông: “Chị em không
được sử dụng điện thoại di động riêng, smartphone, laptop, Ipad, không dùng
facebook. Khi có nhu cầu chính đáng, phải có phép chị Tổng Phụ trách.” Vậy
với vai trò là những tu sĩ trẻ, chưa có trách nhiệm gì thì chắc chắn không có
lý do chính đáng để có thể xin phép được dùng. Trong một Hội dòng thì đây là
thành phần chiếm đại đa số.
Đời sống
xã hội càng cao, nhu cầu phục vụ càng đòi hỏi người sống đời thánh hiến phải
không ngừng nâng cao tri thức trong mọi lĩnh vực, đặc biệt sự hiểu biết của
mình về phương tiện truyền thông. Nhiều chủng viện, cộng đoàn tu trì nam nữ
cũng tạo điều kiện trang bị phương tiện truyền thông: điện thoại di động, máy
vi tính bàn, laptop, điện thoại thông minh, mạng internet..., hoặc tạo cho họ
được đào tạo căn bản chuyên môn về công nghệ tin học nhằm giúp người tông đồ của thời đại nhanh chóng tiếp cận
các phương tiện, vận dụng vào đời sống và công tác mục vụ của mình. Có thể nói
hầu hết anh chị em tu sĩ trẻ đều đã biết sử dụng máy vi tính và mạng Internet,
thậm chí còn sử dụng rất thành thạo. Điều quan trọng là cần tạo cho người trẻ
này một tâm thức sử dụng cách thanh thoát, không lệ thuộc, biết vận dụng cách
linh hoạt, tích cực và hợp lý. Và một khi người trẻ đặt chân vào thế giới
Internet, tạo điều kiện để họ có thể hòa mình và đối thoại với cư dân mạng, học
được ngôn ngữ số để họ không cảm thấy choáng ngợp khi đến lúc được mời gọi bước
vào môi trường kỹ thuật số.
KẾT LUẬN
Truyền thông Kitô giáo là nơi chúng ta được sự nâng đỡ, đón
nhận, khích lệ nhau theo tinh thần Tin mừng. Ở đó, con người được yêu thương, lắng
nghe, an ủi. Loan báo Tin Mừng trong môi trường Internet không phải là điểm
tới nhưng chỉ là điểm khởi đầu để con người thời đại loan báo Chúa Kitô cho thế
giới. Giáo hội phải làm gì để việc hiểu biết, tiếp xúc, thao thức của mình về
môi trường của Internet là chất xúc tác làm cho giá trị Tin mừng được lan tỏa
cho nhiều người, nhất là nơi mà sự dữ, sự ác, chủ nghĩa hưởng thụ đang bành trướng.
Hơn lúc nào hết, Giáo hội với phương tiện Internet trong tầm tay cần làm thế
nào để Tin mừng bình an, niềm vui và hy vọng có thể được truyền thông đến tất cả
những ai đang sống trong cảnh khốn khổ, khao khát được lắng nghe Lời Chân Lý,
giúp họ gặp được Đấng luôn yêu thương, đã sống và chết vì họ. Mỗi người trong
Giáo hội từ linh mục, tu sĩ, giáo dân tích cực tìm câu trả lời bằng chính cuộc
sống của mình. Ước mong thao thức và nỗ lực dấn thân của mỗi người làm thấm đẫm
tình yêu Đức Kitô, để hạt giống của Lời được đâm chồi và phát triển trong thế
giới đa chiều này.
[3] Xem bài “Truyền thông công giáo tại Việt nam trong 50 năm
qua” của Nữ tu Ngọc Lan, fmm, trong http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/
GiaoHoiVN/LichSu/12TruyenThongCG.htm
[7] Trích theo Franz- Josef Eilers, SVD, Nhập môn về Truyền thông trong mục vụ và truyền giáo, Ấn bản thứ 2,
trang 256-257.
Đăng nhận xét