Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?


Làm thế nào để
giữ “chiếc bình sành” long lanh đẹp đẽ ấy
được nguyên tuyền trong bối cảnh hiện nay,
làm thế nào để có thể sống tuổi trẻ cách sung mãn và tròn đầy giữa một xã hội đầy cạm bẫy và bon chen này?
Pet. Võ Tá Đương, OP.
Người ta vẫn thường nói rằng, thanh xuân, tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp đẽ và rực rỡ nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Bởi vì, tuổi trẻ là những năm tháng mà con người ta căng tràn sức sống mãnh nhiệt và cháy bỏng với những khát khao, những hoài bão về một tương lai rạng ngời, những ước vọng dấn thân trên con đường công danh sự nghiệp của cả đời người. Bất cứ dân tộc nào, ở thời đại nào, vai trò của người trẻ cũng được đề cao và được mọi người quan tâm để ý, vì ở độ tuổi đó, họ có khả năng “dời non, lấp biển”, là trụ cột của đất nước và tương lai của Giáo hội.[1] Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng:
Chúng ta không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là còn hiện tại của thế giới; Hơn  nữa, họ góp phần làm cho thế giới được phong phú. Người trẻ không còn là trẻ con, họ ở trong giai đoạn bắt đầu đảm nhận những trách nhiệm, khi cùng với người lớn tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Hội thánh”.[2]
Hơn thế nữa,“Tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới.”[3]
Tuy nhiên, sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, công nghệ, với những đổi thay sâu sắc về các phương diện chính trị, văn hóa, xã hội, luân lý, tôn giáo, mặc dầu giới trẻ đang có rất nhiều cơ hội để thăng tiến về vật chất lẫn tinh thần, nhưng bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay đang phải đương đầu với những khó khăn và thách thức vì xã hội ngày càng phức tạp, do những phát triển thiếu cân bằng, do những chủ thuyết sai lầm, do những trào lưu thế tục... Không ít người đã đánh mất chính mình, hủy hoại tương lai, ảnh hướng đến thế giới. Trong bối cảnh đó, người trẻ được sánh ví như những “chiếc bình sành”, tuy long lanh, đẹp đẽ, nhưng lại rất mong manh, dễ vỡ, nó có thể vỡ toang bất cứ lúc nào.
Vậy, làm thế nào để giữ “chiếc bình sành” long lanh đẹp đẽ ấy được nguyên tuyền trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để có thể sống tuổi trẻ cách sung mãn và tròn đầy giữa một xã hội đầy cạm bẫy và bon chen này? Có lẽ đó là câu hỏi lớn, là thao thức không ngừng được đặt ra, không chỉ riêng cho những người trẻ, mà còn cho cả Giáo hội và xã hội, không chỉ trong thời đại chúng ta hôm nay, mà là trong bao thời đại. Thánh vương Đavit cũng đã từng thao thức như thế khi đặt ra câu hỏi và chính Người cũng tìm được đáp án chính xác nhất:
Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy
Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.[4]
Ông Cô-he-lét, tác giả của sách Giảng viên cũng đã dặn dò, khuyên bảo những người trẻ, hay nói đúng hơn là đưa ra lời cảnh báo với những người trẻ rằng:
Này bạn thanh niên,
cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn,
và làm cho tâm hồn được hạnh phúc
trong những ngày còn trẻ:
cứ chiều theo ước muốn của lòng mình
và những gì mắt mình ưa thích.
Nhưng bạn phải biết rằng: về tất cả những điều đó,
Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử.
Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn,
khử trừ đớn đau khỏi thân xác,
vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.[5]
Đức Thánh Cha Phanxicô đã “bật mí” cho Giới trẻ bí quyết để sống tuổi trẻ cách sung mãn và giữ được tuổi xuân trong trắng, là chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu, hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Giêsu khi để tâm lắng nghe và thực thi Lời Chúa, học hỏi và sống theo hướng dẫn của Tông huấn “Christus Vivit”, người nhắn gửi:
Nếu các con trân quý vẻ đẹp của sứ điệp này bằng quả tim của các con và để cho mình được Chúa gặp gỡ; nếu các con để cho mình được Người yêu thương và cứu rỗi; nếu các con kết bạn với Người và bắt đầu trò chuyện với Người, là Đức Kitô hằng sống, về những điều cụ thể trong cuộc đời các con, thì đây sẽ là kinh nghiệm tuyệt vời, kinh nghiệm cơ bản giúp nâng đỡ đời Kitô hữu của các con.”[6]
Chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu
Thế giới mà chúng ta đang sống, được Công đồng Vanticanô II nhận định rằng:
Nhân loại hiện nay đang sống trong một giai đoạn mới trên dòng lịch sử, trong đó những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng khắp toàn thế giới. Những thay đổi được tạo thành do sự thông minh và hoạt động sáng tạo của con người đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể nhân loại, trên cách suy tư và hành động đối với vạn vật cũng như đối với con người.[7]
Giữa những đổi thay của thế giới hôm nay, các bạn trẻ được gọi mời chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu, noi gương Người để được cùng Người lớn lên và trưởng thành cách toàn diện:
Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2, 52). Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy”.[8] 
Bởi vì:
Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống.[9]
Đức Giêsu đã sống tuổi trẻ một cách sung mãn và tròn đầy như thế! Kinh Thánh không mô tả chi tiết cảnh sống từng ngày của Đức Giêsu ở Nagiarét, nhưng cho chúng ta biết rằng, Người hằng vâng phục cha mẹ trần gian là thánh Giuse và Mẹ Maria; Người ngày càng khôn lớn, càng tấn tới về nhân đức, được Thiên Chúa và mọi người thương mến.[10] Quả thế, tuy được sinh ra và lớn lên trong cảnh đơn sơ, nghèo khó, nhưng Người đã không mặc cảm tự ti vì hoàn cảnh. Chắc chắn tuổi thơ của Đức Giêsu không được “cung phụng” như nhiều “cô chiêu cậu ấm” của thời nay; chắc chắn Người không có nhiều đồ chơi đắt tiền, không xài hàng hiệu, không có điện thoại thông minh và không có nhiều vật dụng và nhiều phương tiện tân tiến như tuổi trẻ ngày nay, nhưng Người được sống, được giáo dục trong một gia đình, một ngôi trường đạo hạnh, thánh thiện tuyệt vời với tên gọi rất đỗi thân thương trìu mến: gia đình Nagiarét.Thật đáng tiếc là, tuổi trẻ ngày nay không phải ai cũng có được gia đình hạnh phúc như thế!
Ngày nay, dù sống trong gia đình giàu sang hay nghèo khổ, nhiều người con vẫn luôn cảm thấy mình không được yêu thương, gia đình mình không được hạnh phúc. “Người giàu cũng khóc, kẻ nghèo cũng than!” Có nhiều người trẻ chia sẻ rằng, con không muốn về nhà, vì về nhà chẳng có gì hay ho, chẳng có gì thoải mái, mà ngược lại, không khí gia đình ngột ngạt và căng thẳng quá! Con cảm thấy rất là mệt mỏi và chán chường khi về nhà. Đó là bi kịch gia đình mà chúng ta thường chứng kiến, và có khi là nạn nhân nữa.[11] Hơn bao giờ hết, ngay lúc này đây, trong thời đại hôm nay, người trẻ chúng ta cần phải chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu, hay nói cách khác là, hãy “xuất phát lại từ Đức Giêsu” để hy vọng Người cho chúng ta hướng đi, dẫn đưa chúng ta đến một tương lai tươi sáng, bởi vì Người là Đường, là Sự thật và là sự sống.[12]
Suốt ba mươi năm tại làng quê Nagiarét, dưới mái nhà đơn sơ, nghèo hèn, Đức Giêsu đã sống một cuộc đời bình dân, bình dị, bình thường, nhưng không tầm thường. Người đã nêu gương sáng cho người trẻ, cho tất cả chúng ta về cuộc sống trần gian trong cách “đối nhân xử thế”; Người dạy ta biết yêu chuộng đời sống đơn sơ, giản dị, dạy ta biết cần cù lao động, mến chuộng đời sống gia đình, tận tâm chu toàn bổn phận trong gia đình, ngoài xã hội: bổn phận đối với cha mẹ trần gian, bổn phận đối với tổ quốc, quê hương, sống tình làng nghĩa xóm, và nhất là chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa. Thế đó,
Đức Giêsu là người trẻ giữa những người trẻ để nên mẫu gương cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa. Chính vì thế Thượng Hội đồng nói rằng “tuổi trẻ là một thời kỳ độc đáo và đầy hứng khởi trong cuộc đời, chính Đức Giêsu đã trải qua và thánh hoá thời kỳ này”.[13]
Đức Giêsu chính là bạn của những người trẻ; Người hằng mong ước kết thân với từng người trẻ, để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội. Thật vậy, “Đức Giêsu không dạy các con từ xa hay từ bên ngoài, nhưng Người chia sẻ với các con ngay trong chính tuổi trẻ của các con”.[14]
Cùng một mục đích giúp những người trẻ sống sung mãn tuổi trẻ của mình, cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, tác giả sách Giảng viên cũng đã dành cho người trẻ lời nhắn nhủ thật sâu sắc rằng:
Giữa tuổi thanh xuân,
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới,
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những nằm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói :
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào
             trong thời gian đó cả !”[15]
Điều đó nhắc nhở và mời gọi các bạn trẻ cũng như mỗi chúng ta nhận ra sự cao quý của phẩm giá Chúa ban cho mỗi người. Đó là phẩm giá làm người và làm con Chúa. Khám phá và cảm nhận được ân ban cao cả mà Chúa dành cho ta, để trân quý và cẩn trọng gìn giữ, ngõ hầu “ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”[16] nhưng được nảy nở và trổ sinh hoa trái thiêng liêng tốt lành nơi mỗi chúng ta, đem lại niềm vui, sự bình an cho mình và tha nhân. Đó cũng chính là việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày, hay nói cách khác là “hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô”[17].
Bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Kitô: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa
Trong cuộc sống, lắng nghe và thực hành “có chọn lọc” những điều mình lắng nghe là một kỹ năng mềm cơ bản và cần thiết đối với mọi người, đặc biệt là đối với Giới trẻ. Lắng nghe chính là kỹ năng quan trọng nhất để thành công trong mọi cuộc giao tiếp, nó quyết định đến 90% thành công trong mọi cuộc giao tiếp. Bởi lẽ, lắng nghe giúp con người nâng cao kỹ năng giao tiếp của bản thân đối với những người xung quanh. Qua quá trình lắng nghe, chúng ta có thể nắm bắt vấn đề, thu thập thông tin, nhờ đó mà nâng cao khả năng tương tác qua lại giữa ta và đối phương. Bên cạnh đó, lắng nghe tạo ra sự liên kết về xúc cảm giữa chính mình và đối phương. Từ đó, ta tạo được thiện cảm với đối phương. Lắng nghe giúp chúng ta chia sẻ, cảm thông với người khác. Lắng nghe cũng là biện pháp hạn chế cũng như là cách giải quyết xung đột hiệu quả, tạo được những mối tương quan tốt đẹp, bước đệm để thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Thông qua việc lắng nghe và thực hành “có chọn lọc” những điều mình nghe, con người ta tiếp thu nền văn hóa, đạo đức, xã hội, lịch sử, biến những kinh nghiệm đó thành vốn sống, thành kinh nghiệm của bản thân hình thành và phát triển trong đời sống tâm lý, đồng thời góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Nếu như việc lắng nghe trong giao tiếp giữa con người với nhau mà còn đem lại những lợi ích to lớn như thế, thì việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa còn đem lại nhiều hiệu quả lớn lao gấp bội, bởi vì, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”[18] Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta, bởi vì: mọi sự sẽ qua đi, dù trời đất này có qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại mãi mãi.[19] Đó là lời khẳng định của Đức Giêsu với các môn đệ năm xưa, và cũng là lời trần tình với chúng ta hôm nay. Tác giả thư Hípri đã xác quyết rằng, “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”[20]. Công đồng Vatiano II đã khẳng định:
Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội.[21]
Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, ta thấy đó đây trên thế giới, và tại Việt Nam chúng ta vẫn đang xảy ra biết bao tai ương, hoạn nạn, do thiên tai cũng như nhân tai, như lũ lụt, chiến tranh, khủng bố loạn lạc, và đầu năm 2020 này, cả thế giới đang lo lắng sợ hãi vì đại dịch do virus corona gây ra, đang là mối đe dọa nguy hại cho cả nhân loại... Nguyên nhân của những tai ương đó phần lớn là do con người gây nên hoặc tác động vào. Do con người đã bưng bít thông tin, lấp liếm sự thật; con người đã tác động vào thiên nhiên, làm cho thiên nhiên mất đi sự cân bằng vốn có của nó. Tội ác trong xã hội là hệ lụy từ nền giáo dục thiếu nhân bản, phẩm giá con người không được tôn trọng, do con người ghen ghét, đố kị nhau... Và nguyên nhân sâu xa hơn cả là do con người loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời, không nhìn nhận Thiên Chúa là chủ thể của thế giới, của vũ trụ, của con người, không biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, không bén rễ sâu và đặt nền tảng đời mình vào Chúa Kitô, nhưng bén rễ và đặt nền tảng mình vào những thứ trần tục: tiền tài, danh vọng, chức quyền, địa vị... và hậu quả thì chúng ta đã và đang chứng kiến!
Ngôn sứ Isaia đã nhắc lại lời Đức Chúa phán với dân Người như sau:
Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta,
thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông,
sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.
Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát,
con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số;
tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt,
chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.[22]
Vì lẽ đó, thánh Tông đồ Phaolô mời gọi chúng ta “hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô”[23] như là phương thế hữu hiệu nhất để sống tuổi trẻ của mình một cách tròn đầy và sung mãn, để cứu vãn thế giới đang dần bị ngập chìm trong bóng đêm bởi nền “văn hóa sự chết”, để xây dựng một thế giới văn minh tình thương, công lý và hòa bình: nền “văn hóa sự sống”. Bén rễ sâu vào Đức Kitô, cũng chính là việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, là ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu, để cảm mếm hương vị ngọt dào trong tình yêu của Thầy, để kín múc nguồn mạch ân sủng tuôn trào từ tình yêu và lòng thương xót của bao la mà Người dành cho nhân loại, cho mỗi chúng ta. Từ đó, biến chúng ta thành những con người mới, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người.[24]
“Bén rễ sâu vào Đức Kitô”, chúng ta sẽ nhận ra những tính chất giới hạn và thân phận mỏng dòn của mình, để tin tưởng, phó thác vào tình yêu và lòng thương xót của Người. Khi nhận ra thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình, chúng ta thành tâm sám hối ăn năn, trở về với Chúa, làm lại cuộc đời mới trong Đức Kitô, xuất phát lại từ Đức Kitô, bởi chính đang đợi chờ ta. Như người cha nhân hậu chờ đợi đứa con “hoang đàng” trở về để trao tặng nụ hôn yêu thương,[25] Thiên Chúa cũng đang đợi chờ ta, đợi chờ tất cả chúng ta, những người đã “bỏ nhà đi hoang”, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bởi vì Thiên Chúa là Đấng trung tín, luôn giữ “lời hứa yêu thương”. Điều này Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.”[26] Bởi lẽ, “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”[27]
Dù cho, chúng ta có bất trung, bất tính, bội phản tình yêu Chúa, thì Chúa vẫn trung tín đợi chờ ta trở về. Cho dù chúng ta thất bại trong cuộc sống, cho dù người đời bỏ rơi, quay lưng lại với ta, và thậm chí là giơ chân dẫm đạp lên ta, nhấn chìm ta xuống bùn đen, thì Thiên Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta, an ủi, chữa lành vết thương và băng bó cho ta, miễn là chúng ta biết quay đầu là bờ, biết hồi tâm sám hối trở về với Người. Người không giống như kiểu của người trần gian:
Thế gian biến đổi vũng nên đồi
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.[28]
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở cho chúng ta về điều này rằng:
Cha muốn nói với mỗi người chúng con về chân lý đầu tiên: “Thiên Chúa yêu con’. Nếu con đã từng nghe rồi, không quan trọng, cha chỉ muốn nhắc con nhớ rằng: Thiên Chúa yêu con. Thiên Chúa yêu con. Con đừng bao giờ nghi ngờ điều đó, cho dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời con. Trong bất cứ cảnh huống nào, con cũng được Thiên Chúa yêu thương vô tận”.[29]
Nhờ việc “bén rễ sâu trong Đức Kitô”, lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc đời, các bạn trẻ cũng như mỗi chúng ta có đủ can đảm vượt thắng mọi cạm bẫy của thế gian, vượt qua những nghịch cảnh cuộc đời và những cám dỗ rất ngọt ngào của thời đại, hầu có thể giữ được tuổi xuân trong trắng, sống tuổi trẻ một cách sung mãn, tròn đầy và  ý nghĩa như Chúa và Giáo hội mong muốn.
 Thực thi lời mời gọi của Giáo hội
Giáo hội như người mẹ hiền, luôn yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn con cái mình sống cuộc sống tròn đầy viên mãn và ý nghĩa. Những người trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” - “Christus Vivit”, trong đó người khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, giữ được tuổi xuân trong trắng, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội. Qua đó, người mời gọi chúng ta lắng nghe cuộc sống của người trẻ; cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin mừng; giúp người trẻ sống tuổi trẻ cách phong phú.[30]
Vì lẽ đó, để sống tuổi trẻ một cách sung mãn và “giữ được tuổi xuân trong trắng”, bên cạnh việc chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu, bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Kitô qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày, người trẻ chúng ta cần phải thực thi lời mời gọi của Giáo hội qua vị Cha Chung là Đức Giáo hoàng, cũng như các vị chủ chăn trong Giáo hội, hưởng ứng chương trình mục vụ của Hội đồng Giám mục trong từng giai đoạn, từng biến cố.
Như Chúa Giêsu phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, Giáo hội đồng hành với người trẻ để đem cho họ niềm hy vọng và sự bình an trong một thế giới đầy cạm bẫy và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lối sống duy vật chất. Không chỉ đưa ra những giáo huấn, các vị Chủ chăn của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam còn khuyến khích mời gọi người trẻ tham gia nhiệt thành vào việc dựng xây Giáo hội và loan báo Tin mừng.[31]
Để thực thi chương trình mục vụ “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”, Ban Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, mời gọi các bạn trẻ trong các Giáo phận học hỏi các tài liệu liên quan đến việc đào tạo sự trưởng thành toàn diện nơi người trẻ: Giáo lý cho người trẻ (YouCat, 2011), Giáo huấn xã hội cho người trẻ (DoCat, 2016), và một số Tông huấn quan trọng của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan mật thiết với giới trẻ, chẳng hạn như: Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng, 2013), Gaudete et Exsultate (Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ, 2018) và Christus Vivit (Đức Kitô Đang Sống, 2019). Đặc biệt, mỗi tháng, các bạn trẻ cùng nhau học hỏi và suy tư một chủ đề theo nội dung đức tin Kitô giáo.[32]
Học hỏi và tìm hiểu những tài liệu trên nhằm giúp các bạn trẻ lĩnh hội được những kiến thức cơ bản và cần thiết để sống tuổi trẻ một cách sung mãn hơn. Youcat là cuốn tài liệu dựa trên Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1992) và Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công giáo (2005). Tài liệu này giúp người trẻ hiểu rõ hơn về Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Điểm đặc biệt của Youcat Việt Nam là Nhóm thực hiện còn đưa thêm vào một số chứng từ, trích dẫn của các tác giả Á Đông hay Việt Nam, có liên quan đến những giáo huấn của Tin mừng trong các chủ đề của Youcat, để giúp độc giả và các bạn trẻ Việt Nam chúng ta hiểu sâu rộng giáo lý của Chúa Giêsu, cũng như những nét đẹp trong văn hoá Á Đông và đặc biệt là văn hoá Việt Nam. Docat là cuốn tài liệu dựa trên Kinh Thánh, giáo lý và các học thuyết xã hội của Giáo hội. Đây là một tài liệu hữu ích giúp chúng ta hiểu biết thêm về Giáo hội và Thánh kinh cũng như các học thuyết xã hội của Giáo hội. Theo Đức Thánh Cha Phaxicô thì, Docat là một công cụ quan trọng trong đời sống hàng ngày của những người trẻ. Docat là công cụ để “làm” công bằng xã hội theo phương cách Công giáo.
Bên cạnh học hỏi các tài liệu trên, người trẻ còn được mời gọi tham dự các buổi cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, nhất là tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, để được lớn lên trong ân sủng và tình yêu của Chúa Kitô, giúp người trẻ tìm lại niềm hạnh phúc thật, kín múc ơn bình an, sức mạnh và niềm tin yêu hy vọng, để bước tiếp chặng đường sứ mạng cuộc đời Chúa trao cho mỗi người trẻ. Ngoài ra, người trẻ cũng được mời gọi tham gia các công việc tông đồ trong giáo xứ, cũng như các hoạt động nhằm phục vụ công ích, bác ái, các sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh, văn nghệ thể thao... để gắn kết với nhau trong tình Chúa, tình người, để hăng say trong việc sống cũng như trong sứ vụ loan truyền Tin mừng.
Như vậy, học hỏi, cử hành và sống là ba phương thế để các bạn trẻ thực thi lời mời gọi của Giáo hội nhằm hướng tới sự trưởng thành toàn diện nơi các bạn trẻ. Qua đó, người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới để“hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời”.[33]
Thay lời kết
Thay cho lời kết là lời nhắn gửi của các vị chủ chăn trong Giáo hội Việt Nam qua phần kết của Thư Chung 2019:
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.
Ước mong sao, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội, đặc biệt là các bạn trẻ đồng lòng hưởng ứng và nỗ lực thực hiện, “giữ được tuổi xuân trong trắng” và sống tuổi trẻ cách sung mãn theo gương Đức Giêsu, trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện.



[1] Xc. Vat.II, Tuyên-ngôn về Giáo dục KTG – Gravissimum Educationis, số 02.
[2] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 64.
[3] Ibid., số 134.
[4] Tv 118,9-11.
[5] Gv 11, 9-10.
[6] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 129.
[7] Vat.II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 04.
[8] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 07.
[9] Ibid., số 01.
[10] Xc. Lc 2,51-52.
[11] Xc. Phạm Đình Ngọc, Người trẻ và giai đoạn ẩn dật của Đức Giêsu, https://dongten.net/2019/01/02.
[12] Xc. Ga 14,6.
[13] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 22.
[14] Ibid., số 31.
[15] Gv 12,1.
[16] 1Cr 15,10.
[17] Cl 2,7.
[18] Tv 118, 105.
[19] Xc. Lc 21, 29-33
[20] Hr 4,12.
[21] Vat. II, Hiến chế Dei Verbum, số 21.
[22] Is 48, 18-19.
[23] Cl 2,7.
[24] Xc. Rm 8,29.
[25] Xc. Lc 15, 11-32.
[26] 2Tm 2, 13.
[27] Gr 31,3.
[28]  Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thói Đời.
[29] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 112.
[30] Xc. HĐGMVN, Thư Chung 2019, gửi Cộng đồng Dân Chúa, đặc biệt là cácc bạn trẻ, số 02.
[31] Xc. TGM. Hải Phòng, Sách Giáo Lý Năm Giới Trẻ 2020: Hướng tới sự trưởng thành toàn diện, Lời giới thiệu.
[32] Xc. Ủy ban Giới trẻ và Thiếu nhi/ HĐGMVN. Chương trình mục vụ Giới trẻ 2020-2022.
[33] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 50.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn