Một vài gợi ý cho các bậc cha mẹ trong việc đồng hành giáo dục con cái

“Đừng khóc khi mặt trời mất,
vì nước mắt sẽ ngăn cản ta chiêm ngưỡng những vì sao”.
(khuyết danh)
Trúc Bạch, OP.
Đức cha Roncalli (sau là Đức Giáo hoàng Gioan XXIII) có viết trong thư gửi cho cha mẹ rằng: “Chúa đã thương ban cho con nhiều chức vụ trong Hội thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi bên chân cha mẹ”.
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc giáo dục nơi gia đình. Nơi ấy, cha mẹ là những thầy cô giáo đầu tiên và quan trọng nhất hình thành nhân cách và định hướng tương lai cho con cái. Tuy thế, trong công cuộc giáo dục này, không ít cha mẹ tỏ ra lúng túng, bởi đó là một nghệ thuật lâu dài, khó khăn và cần nhiều hy sinh. Cho nên, chúng ta hay gặp những than phiền kiểu như: “Thời nay, dạy con khó quá”, “bọn trẻ ngày nay rất khó nghe lời”, “hồi xưa bố mẹ tôi đâu có phải kèm cặp như bây giờ mà chúng tôi vẫn ngoan ngoãn…”
Có thể thấy một số nguyên nhân chính gây khó khăn trong giáo dục ngày nay: (1) Môi trường xã hội có quá nhiều cám dỗ, đan xen giữa ánh sáng văn minh và bóng đêm tội lỗi tinh vi. (2) Cha mẹ dành ít thời gian cho con cái vì áp lực công việc nên dẫn đến việc thiếu hiểu con, thiếu sự đồng cảm với con, từ đó, thiếu một phương pháp đồng hành và giáo dục đúng đắn. Sau đây là một số gợi ý trong việc đồng hành với con cái dành cho các bậc cha mẹ trẻ.
1.     Cha mẹ có hiểu con?
Người xưa có câu: “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” - muốn giáo dục con, trước hết cha mẹ phải hiểu con. Các câu hỏi sau sẽ giúp cha mẹ tự vấn xem đã hiểu bản thân và con cái đến mức nào:
a.  Sở thích của trẻ
- Cuốn sách mà trẻ mới đọc sau cùng là gì? Món ăn khoái khẩu và ghét thậm tệ của trẻ là gì?
- Món quà nào mà trẻ ao ước nhất?
- Trong số những cái mà trẻ có được, cái nào có tầm quan trọng nhất đối với chúng?
- Người bạn thân nhất của đứa trẻ là ai? Ca sĩ trẻ yêu thích? Trẻ thích thể loại âm nhạc nào? Môn thể thao nào giúp trẻ khuây khỏa hơn cả?
b. Trong tương quan với tha nhân
- Ở trường, các bạn tặng cho trẻ biệt danh gì?
- Ngoại trừ thành viên trong gia đình, người nào có ảnh hưởng nhất đối với trẻ?
- Giáo viên nào được trẻ yêu thích nhất?
c. Tâm lý của trẻ
- Trẻ có mặc cảm vì ngoại hình (mập, lùn, gầy…)?
- Trẻ cảm thấy thất vọng hay hài lòng về điểm số ở trường? Trẻ có hay vi phạm nội quy?
- Trong năm nay, điều nào đã làm trẻ thất vọng nhất?
- Trẻ có thường cảm thấy sợ hãi không? Trẻ có khả năng kiểm soát hành vi của mình không?
- Trẻ có ước vọng gì cho tương lai không?
- Nhận thức có được về cái chết là gì?
d. Cha mẹ đã quan tâm con đến mức nào?
- Lần gần nhất tôi nói chuyện thân tình với con mình là khi nào?
- Đâu là những câu mà tôi thường nói nhiều nhất?
- Được bao nhiêu lần (và khi nào) tôi đã nói câu này: “Cha mẹ rất thương con”, “cha mẹ tự hào về con”?
- Tôi thường khuyến khích con? Tôi có biết thừa nhận những tiến bộ của con mình không?
- Tôi có sử dụng tiền bạc như một phương tiện để hứa hẹn với con cái và tự miễn thứ cho những hành vi quá độc đoán hoặc bù trừ sự “thiếu sót” trong tư cách làm cha mẹ?
- Con tôi có yêu căn nhà mình ở không? Tôi có coi căn nhà mình ở là nơi quan trọng nhất trong số những nơi mà tôi lui tới không?
- Máy truyền hình có choáng mất nhiều chỗ trong nhu cầu của trẻ và những giờ phút thân tình trong gia đình không?
- Lần gần nhất tôi cùng cầu nguyện với con mình là khi nào?
2. Cha mẹ “lắng nghe và nói” với con như thế nào?
a. Lắng nghe con, việc không dễ dàng
Trong một buổi chữa trị tâm lý, hàn gắn vết thương tuổi thơ, nhà tâm lý hỏi các bệnh nhân: “Hồi còn nhỏ, nếu gặp chuyện buồn bạn thường làm gì?”. Các câu trả lời là: “Tôi chỉ biết khóc”, “trốn đi đâu đó một mình”, “kể cho anh, hoặc chị”, “nói với bạn bè”… Ngạc nhiên thay, ít có ai nói rằng đã kể với cha mẹ và tìm sự an ủi ở cha mẹ!
Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều cha mẹ đang mắc phải những sai lầm khó sửa trong việc nuôi dạy con, đó là ít lắng nghe, hoặc lắng nghe con con cái không đúng cách. Để rồi, khi con trẻ không phát biểu được ý kiến của mình, sẽ trở nên tự ti, mặc cảm, không dám khẳng định mình, và rồi dẫn đến nguy cơ tự đánh mất bản thân.

Một số quy tắc vàng của lắng nghe:
Biết lắng nghe không chỉ với đôi tai, mà cả với đôi mắt cách ân cần.
Lời gợi ý nhẹ nhàng: “Chà... Nó phải gây cho con khó khăn đấy... và rồi điều gì sẽ xảy ra nhỉ?”.
Đừng vừa làm việc vừa nghe: nếu thấy việc quan trọng hơn điều trẻ cho là khẩn cấp, hãy sắp xếp với trẻ lúc nào cha mẹ có thể lắng nghe kỹ lưỡng.
Đừng vội lấp đầy khoảng trống bằng những lời khuyên bảo, cảnh cáo, yêu cầu, hoặc lời nói tiêu cực: “Chỉ thằng ngốc mới làm điều đó”, “mày vụng về quá” “sao yếu đuối thế”, …
b. Nói lời yêu thương, một thói quen rất cần thiết
Một cô bé thường mẹ bị mắng: “con bé hàng xóm nó cũng ăn cơm mà sao nó học giỏi, còn mày dốt thế”, “giá như tao đẻ được đứa con như nó”. Cô bé đã bị tổn thương nặng nề, và di chứng còn mãi về sau không thể xóa nhòa, ngay cả khi cô đã thành người lớn: “nếu có phép màu, tôi ước sẽ xóa nhòa được những ký ức đau buồn về mẹ.”
Nhiều bạn trẻ Việt Nam khi lớn lên thiếu sự tự chủ, thiếu chính kiến, nhút nhát, tự ti, mặc cảm… phần nhiều xuất phát từ việc thường xuyên bị phê bình, chỉ trích, và bạo hành trong gia đình. Bởi thế, cha mẹ cần nhớ công thức: P:T=1:5. Nghĩa là khi đứa trẻ bị trừng phạt (P) 1 lần trong một ngày, để bù vào sự trừng phạt đó, nó phải nhận được 5 lời khen ngợi hay phần thưởng (T). Cha mẹ nên thay những lời nói làm tổn thương trẻ: “đừng làm dơ, im lặng nào, tao đã nói mày rồi mà, xin lỗi đi, đồ ngốc, đồ lì lợm,…”, bằng những lời yêu thương sau để con cái phát triển quân bình:
“Cha mẹ rất yêu thương con. Cha mẹ tin tưởng con;” “Đời cha mẹ thật hạnh phúc khi có sự hiện diện của con” - Câu nói này giúp trẻ cảm thấy mình không là gánh nặng trong đời cha mẹ; “Con đang nghĩ gì vậy?”- câu nói thể hiện sự tôn trọng; “Ba mẹ muốn lắng nghe con” - thể hiện sự quan tâm sâu sắc.
3. Những món quà cha mẹ có thể trao tặng cho con cái
a. Hãy trao cho con cái gia sản Đức tin
Một lần khi còn bé, Dons Bosco và anh trai cùng ngước nhìn bầu trời sao lấp lánh, thốt lên: “Mẹ ơi, đẹp quá!”. Mẹ Margherita nói: “các con coi, trời chúng ta đẹp như thế, thì Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên còn đẹp đẽ hơp biết chừng nào”.
Gia đình là cái nôi, nơi bắt nguồn đời sống tâm linh: trẻ em khám phá ra Thiên Chúa nơi cha mẹ chúng vì “không ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 6, 46). Nhờ vậy, chúng tìm ra ý nghĩa của các ngôn từ như: tiếp đón, trung thành, hy sinh... Việc cầu nguyện cùng với cha mẹ là một trong những kinh nghiệm gây ấn tượng khó phai trong tâm trí trẻ.
Cha mẹ hãy tìm cách giúp con nuôi dưỡng tương quan thân tình với Thiên Chúa. Cha mẹ cần tạo ra các nghi thức, chẳng hạn: đọc những đoạn Thánh Kinh và cầu nguyện với một ngọn nến thắp sáng; tổ chức cầu nguyện ngày mừng sinh nhật, bổn mạng, ngày giỗ, kỷ niệm ngày cưới và những ngày đặc biệt khác...
b. Dạy con biết yêu thương trước
Một giám đốc kể lại: “Khi còn nhỏ, cha mẹ thường đưa tôi tới vùng núi để nghe tiếng vang”. Cha ông nói: “Con thấy không, mỗi lời con nói đều được dội lại, cũng vậy muốn được yêu mến con hãy yêu mến trước, như Lời Chúa nói: “Các con đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy.”
Cha mẹ cần dạy con biết yêu mến người khác, và chính cha mẹ cũng phải luôn tỏ cho con cái biết là chúng được yêu thương. Cha mẹ càng biểu lộ lòng yêu mến đối với con cái, thì khi về gìa càng nhận được sự yêu mến và lòng biết ơn của chúng. 
c. Tập cho con sống khoan dung
Một lần cậu bé Brosio thấy cha thánh Dons Bosco đang buồn sầu, Brosio hỏi và biết được nguyên nhân là một học sinh đã lăng mạ và sỉ nhục cha. Brosio cảm thẩy hết sức tức giận và tỏ ra rằng sẽ tìm cách trả thù cho cha. Dons Bosco đã dẫn Brosio đến Nhà Nguyện, để “cùng nhau trả thù” bằng cách: cùng cầu nguyện cho đứa học sinh hỗn láo đã xúc phạm đến ngài.
Thật khó để tránh được một ngày mà không có ai làm ta bực mình. Thông thường những xúc phạm nhỏ bé thì còn chịu đựng được, nhưng khi đã trở nên thường xuyên hoặc nghiêm trọng thì chúng có thể gợi lên trong ta muốn ước muốn báo thù, và rồi dẫn đến việc triệt tiêu lẫn nhau. Muốn tha thứ, trước hết cần phải cầu nguyện. Không có cầu nguyện, người ta sẽ chỉ luôn cay đắng nhớ tới những xúc phạm tha nhân đã gây ra cho mình. Cha mẹ cần nhắc con cái hãy cầu nguyện cho người đã xúc phạm đến mình, chỉ cần đọc một kinh Kính Mừng khi nhớ đến người làm mình bực bội, rồi mọi sự sẽ êm dịu nhanh chóng. Ngoài ra, nếu tận mắt thấy cha mẹ tha thứ cho nhau, trẻ sẽ dễ dàng biết cách tha thứ cho tha nhân.
d. Dạy con sống thành thật
Sự thành thật đúng nghĩa đòi hỏi phải biết cả điều dở lẫn điều hay của mình. Phải nhìn nhận các khuyết điểm của mình đồng thời phải cố gắng phục thiện. Thông thường, trẻ em có thói quen nói dối do yếu đuối và sợ hãi hình phạt từ cha mẹ. Bởi thế, cha mẹ nên dùng những lời có phép thần diệu sau: “Cảm ơn con đã cho cha mẹ hay biết sự việc. Cha mẹ thật sự tin tưởng con”. Và một điều thiết yếu, gương sáng còn hiệu quả hơn: chỉ những bậc cha mẹ biết tôn trọng người khác, sống đứng đắn và đáng kính nể mới có thể dạy bảo sự tôn trọng, lòng trung thực và chữ tín cho con cái mình.
e. Nhắc nhở trẻ phải biết cám ơn
Lòng biết ơn là một trong những biểu lộ cao đẹp của tình yêu. Bởi thế, cha mẹ không chỉ dạy con cám ơn bằng lời mà còn bằng ánh nhìn, cử chỉ và nụ cười. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy cho các em phải biết cầu nguyện cho người đã làm điều tốt cho mình, một cách đáp trả cao quý, tế nhị. Bên cạnh đó, các em cũng cần học biết cám ơn qua thư từ, và bằng quà biếu. Đặc biệt, cha mẹ cần dạy trẻ biết cảm tạ Thiên Chúa luôn, vì Người là nguồn mạch của mọi điều tốt lành.
f. Dạy trẻ sống khiêm nhường
Cha mẹ hãy dạy con sống khiêm nhường ngay từ nhỏ, vì “ai khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa và mọi người thương mến”. Cha mẹ nên dạy con không được chỉ trích người khác mà hãy nhìn vào những điểm mạnh của họ. Nếu con cái mình chăm ngoan học giỏi thì hãy nói với con rằng, đừng khinh thường những bạn học yếu hơn, vì chưa chắc những lĩnh vực khác mình đã bằng họ. Đồng thời, nên khuyên bảo con rằng, kiến thức đó để giúp đỡ các bạn thay vì đi khoe khoang về sự thông minh của mình. Cha mẹ cũng cần cho trẻ biết việc thừa nhận sai sót của mình là rất cần thiết và điều đó lâu dần sẽ giúp bé trở thành người khiêm tốn. Cuối cùng và quan trọng nhất, cha mẹ cần phải chỉ cho con trẻ biết rằng những gì mình có đều là nhờ hồng ân của Thiên Chúa.
g. Giúp con sống tiết độ
Thánh sư Tôma Aquinô cho biết: đức tiết độ là gốc rễ sâu xa cho cả đời sống thiêng liêng lẫn đời sống cảm xúc. Sự tiết độ là vẻ đẹp của nhân cách: một cách tự nhiên, mọi người đều tỏ lòng khâm phục những ai biết tự kiềm chế và làm chủ được bản thân. Cha mẹ cần dạy con cái cách sử dụng tiền bạc, tránh xa cạm bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng thái quá. Cha mẹ cần truyền sức mạnh để con cái không bị quảng cáo mê hoặc, cái bẫy của hàng “hiệu”, hàng “độc”, hàng “cầm tay”, hàng “đời mới”…
h. Giúp con sống can đảm
Lòng dũng cảm không được nhầm lẫn với sự liều lĩnh vô ý thức hoặc sự tàn bạo đến từ một số anh hùng trong phim ảnh. Ngày nay, dấu hiệu của lòng dũng cảm là khả năng bảo vệ những ý tưởng đặc thù của mình, không phải với tính bướng bỉnh. Đặc biệt, người cam đảm phải dám “kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện”, bảo vệ công lý, cho dù gian nan thử thách cũng không khiếp sợ.  Ngay từ nhỏ, con cái cần được cha mẹ được khuyến khích để thực hành và tự đảm nhận những nhiệm vụ và công tác rõ ràng trong gia đình, nơi trường học và Giáo xứ. Đồng thời, can đảm để trung thành với những đều đã cam kết.
i. Tập sống lạc quan
 Một gia đình đang vật lộn với khó khăn trầm trọng, người mẹ nói với các con: “Đừng khóc khi mặt trời mất, vì nước mắt sẽ ngăn cản ta chiêm ngưỡng những vì sao”. Bọn trẻ không bao giờ quên lời mẹ khi đã lớn khôn.
Lạc quan, yêu đời trong cuộc sống đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giảm stress, chống trầm cảm, tăng cường miễn dịch, giúp sống thọ... Nếu trẻ thường nghĩ tiêu cực rằng: “Mình là kẻ bất tài vô dụng” thì rồi nó cũng sẽ trở thành kẻ chẳng làm được gì. Vì vậy, cha mẹ cần tạo dựng lòng tin, niềm lạc quan, yêu đời cho trẻ, giúp trẻ chống lại khuynh hướng mặc cảm tự ti. Bởi vì, lạc quan không phải là đặc tính “bẩm sinh”, nhưng được tạo dựng từ sự tự tin của bản thân và sự hỗ trợ của cha mẹ.
j. Hãy giúp trẻ có lòng tự tin.
Trong cặp sách học sinh của một bé gái có tấm thiệp: “Con gái cưng của mẹ, mẹ biết con buồn chán vì sổ học bạ có điểm kém. Con đừng lo lắng. Con có nhiều điểm xuất sắc mà chính mẹ và cha tin rằng chúng thật quan trọng trong cuộc sống! Con thật thà, trách nhiệm và tự chủ. Con thật sự là một người tuyệt vời!”.
Chỉ có cha mẹ là những người có thể làm cho trẻ xác tín rằng: “Mình có thể làm được điều đó”. Bởi vậy, nên khuyến khích trẻ thường xuyên. Câu nói: “Cha mẹ thực sự tự hào về con” là một câu nói có phép kỳ diệu.
k. Giúp trẻ phát triển óc sáng tạo
Các nghiên cứu trên trẻ em Việt Nam cho thấy: Người lớn thường thích trẻ vâng lời hơn là sáng tạo; thích trẻ làm theo sự chỉ dẫn của mình hơn là có ý tưởng riêng; thích áp đặt cách làm của mình hơn là để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, được làm theo cái trẻ thích...; người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin rằng trẻ có thể làm được?
Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, vấn đề là người lớn có biết các phương pháp khuyến khích trẻ hay không. Tuy nhiên, văn hoá ứng xử của chúng ta hiện nay dường như đang ngăn cản những hành vi sáng tạo của trẻ.
Cha mẹ hãy trao ban cho trẻ quyền có một không gian riêng để: đọc sách báo, sắp xếp các bộ sưu tập, suy nghĩ… Hãy khuyến khích trẻ ham hiểu biết, đừng đưa ra những câu giải đáp quá đơn giản trước các câu hỏi liên tục của trẻ, và cố gắng đừng bực mình trước cái ước muốn khám phá không ngừng của chúng. Hãy nói cho trẻ về sự hùng vĩ của thiên nhiên, về sự tốt lành, công lý, thế giới mộng tưởng và những tư tưởng lớn.
l. Giúp con vượt qua lứa tuổi khủng hoảng
Khoảng từ mười hai đến mười lăm tuổi, trẻ em trải qua một giai đoạn bão táp. Ở trường trẻ khó dạy hơn, ở nhà thì dường như trở thành kẻ xa lạ. Trẻ thường nghe theo bạn bè hơn là cha mẹ, và có những biểu hiện “nổi loạn” như đi chơi về muộn, thích chưng diện hay xao nhãng việc học hành…
Các nhà tâm lí cho rằng, đó là những biểu hiện bình thường mà hầu hết ai cũng phải đối mặt. Và hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, bao dung, chia sẻ và lắng nghe để các em cảm nhận được sự quan tâm, từ đó chủ động gần gũi với cha mẹ thay vì tự cô lập bản thân. Cha mẹ phải đóng vai trò như người dẫn đường của con để tuổi dậy thì trôi qua nhẹ nhàng và an toàn.
4. Một số điều lưu ý cha mẹ khi sửa dạy con cái
a. “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”
Chị đầu bếp nói với cha thánh Gioan Bosco: “Chúng con mua được một số táo tươi ngon dành cho bữa ăn trưa và bọn trẻ đã ăn cắp hết!”. Cha Gioan Bosco nói với chị: “Điều sai trước hết không phải là do bọn trẻ, mà là do các con”. Sau đó, ngài nhờ người làm cái rào chắn gắn bên cửa sổ, để không bao giờ tạo cơ hội phạm tội cho bọn trẻ.
Đa số các tình huống được các học giả phân chia thành ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giai đoạn trước xảy ra sự kiện.
Giai đoạn 2:  Hành xử của con cái.
Giai đoạn 3: Hậu quả xảy ra.
Thông thường, hầu hết các bậc cha mẹ ứng xử khi sự việc đã đến giai đoạn 3 mà ít lưu ý đến việc phòng ngừa từ giai đoạn đầu.
b. Hãy đối thoại thay vì áp đặt
Một người mẹ nói: “Phòng bẩn quá, lau dọn đi đồ lười biếng.” Đứa con bực tức đáp: “Lát nữa con dọn.” Rồi nó quên luôn. Một người mẹ khác nói với con: “công việc của mẹ quá nhiều làm sao mẹ còn thời gian để dọn dẹp căn phòng của con, ít ra con cũng phải dọn dẹp căn phòng của mình cho sạch sẽ vào những ngày con nghỉ học chứ?”. Cả hai mẹ con đã tìm ra một giải pháp mà không phải bực dọc ra lệnh, kèm với thái độ bất mãn phản ứng lại.
Các cha mẹ thường sai lầm khi dùng quyền hành để áp đặt ý muốn của mình trên con cái. Khi bị áp đặt, chúng thường có những phản ứng: bất mãn, căm ghét, nổi loạn và bỏ nhà ra đi; hoặc khi chúng không nghe, cha mẹ sẽ phải tủi nhục và khổ tâm.
Cha mẹ cần tìm cách khuyến khích con cái thi hành quyết định để tập cho chúng suy nghĩ và xử lý vấn đề thì tốt hơn là áp đặt quyền bính hay đe dọa, vì trẻ sẽ tự hào vui vẻ nghe theo bởi được coi là “bình đẳng”, là “người lớn”. Hình phạt và lời la mắng chỉ nên dùng ở mức tối thiếu.
c. Cách sửa dạy trẻ khi chúng lỗi lầm
Thánh Gioan Bosco khuyên rằng, những nhà giáo dục đừng lạm dụng hình phạt, và đặc biệt, hãy tránh hạ nhục trẻ em. Một nhà giáo dục danh tiếng khác cũng nói: “Những trẻ em ở nhà bị đánh đòn, chúng thường hay đánh bạn ở trường và rồi chúng sẽ đánh vợ, đánh chồng nó sau này”.
Khi sửa dạy trẻ, cha mẹ cần tránh hai thái độ sau: (1) Cho rằng, các các nết xấu của con cái là chuyện vặt vãnh; hoặc dễ dãi nhượng bộ, vô tình làm cho trẻ hiểu rằng: “à, cứ làm rùm beng lên rồi sẽ được điều mình muốn”. (2) Can thiệp cách tàn nhẫn, kèm theo lời lăng mạ và chửi bới. Tốt nhất, cha mẹ cần tỏ rõ thái độ không chấp nhận những hành vi xấu của trẻ nhưng cũng tỏ cho trẻ biết rằng, cha mẹ luôn muốn điều tốt cho chúng. Bởi thế, chẳng có gì là mâu thuẫn khi một người cha ôm hôn con cái và nói rằng, ông muốn điều tốt cho em sau khi đã khiển trách vì em đã cư xử không tốt.
Vài lưu ý khi sửa dạy trẻ:
Ngay lập tức: vì trẻ thường quên ngay những lỗi lầm đã phạm.
Đúng đắn: con cái bị trách mắng là lỗi của chúng chứ không do sự bực dọc hay mệt mỏi của cha mẹ.
Cường độ vừa phải: vì trẻ nhỏ rất nhạy cảm, nên cần phải giơ cao đánh khẽ.
THAY LỜI KẾT
Khoa học ngày nay chứng minh rằng, việc đồng hành, tiếp xúc thân tình giữa cha mẹ với con cái từ khi còn nhỏ, rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và sức khỏe của trẻ. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi thống kê cho thấy rằng, ở nhiều nơi, những người cha dành không quá một phút mỗi ngày để tiếp xúc cách gần gũi và thân thương với những đứa con của mình. Với áp lực của lối sống hiện đại, nhiều bậc cha mẹ quá thiên về kinh tế hơn việc quan tâm giáo dục con cái vì nghĩ rằng, đời sống sung túc sẽ mua được hạnh phúc cho con cái. Ắt hẳn, sự lệch lạc trong định hướng giá trị của cha mẹ sẽ đẩy đưa con cái tới ngõ cụt của thất bại vì thiếu trưởng thành.
Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học đã cho biết rằng, có đến khoảng 68% những gia đình mà cha mẹ không hòa thuận thì có con cái hư hỏng. Bởi vì, khi cha mẹ không hòa thuận với nhau thì con cái thường phải sống trong tình trạng lo lắng và điều ấy làm cho các em dễ trở thành bướng bỉnh và thường muốn tách ra khỏi sự ràng buộc của cha mẹ. Bởi thế, các bậc cha mẹ cần phải dành thời giờ tâm sự với nhau, hòa giải các điểm bất đồng và “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Ước gì các bậc cha mẹ luôn biết dành thời gian quan tâm đến việc đồng hành dạy dỗ con cái, và đặc biệt biết dạy con bằng đời sống đạo đức và gương sáng của mình để có những “hoa trái tốt lành” cho xã hội và Giáo hội.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn