Đức Phanxicô khẳng
định:
“Người trẻ là tương lai của thế giới.
Họ là hiện tại, họ hiện đang làm phong phú thế giới
bằng những đóng góp của họ.” (CV 64);
và rằng “người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa.”
“Người trẻ là tương lai của thế giới.
Họ là hiện tại, họ hiện đang làm phong phú thế giới
bằng những đóng góp của họ.” (CV 64);
và rằng “người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa.”
(Tiêu đề đầu
chương 3 của Tông huấn Christus Vivit.)
Gioan Long Quân, OP.
Thời kỳ nào là khó khăn nhất
trong đời sống chúng ta: thơ ấu, vị thành niên, tuổi trẻ, trưởng thành, trung
niên, hay tuổi già? Câu hỏi này không dễ trả lời, vì bên cạnh yếu tố tâm sinh
lý còn có yếu tố ngoại cảnh, và cũng phụ thuộc vào đời sống riêng biệt của mỗi
cá nhân.
Một điều chắc chắn đó là giai đoạn nào cũng có những khó khăn[1]: thời
thơ ấu có khủng hoảng tuổi lên ba, thời vị thanh niên có khủng hoảng lứa tuổi
dậy thì, thời trung niên có khủng hoảng về địa vị và thành công xã hội, và lúc
đã về chiều cũng có những khó khăn riêng liên quan đến kinh nghiệm cuộc đời đã
trải qua.
Tuy nhiên, theo ý kiến chung của các nhà tâm
lý học phát triển, giai đoạn tuổi trẻ có nhiều biến động nhất vì nhiều lý do.
Thứ nhất, đây là giai đoạn chuyển tiếp của một cá nhân giữa “trẻ con” và “người
lớn”. Thứ hai, giai đoạn này chứng kiến một sự trưởng thành về mặt xã hội, tức
là các bạn sẽ bước vào một đời sống tự lập, tự làm chủ cuộc sống với sở thích
học hành và nghề nghiệp riêng; không còn chịu nhiều lệ thuộc vào gia đình, đặc
biệt là vấn đề vật chất. Thứ ba, xét về tương quan cá nhân, độ tuổi này cho
phép các bạn tìm hiểu về bản thân để rồi thiết lập các mối tương quan với người
khác. Một cuộc sống độc lập chắc hẳn không chỉ hệ tại đời sống cá nhân, nhưng
còn là tương quan gia đình, một gia đình mới và của riêng các bạn. Nói khác đi,
đây là giai đoạn các bạn đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, và phải đương đầu với
một loạt các vấn đề sau đó. Học giả Stanley Hall (1844-1924) cho rằng tuổi trẻ
là giai đoạn của “bão táp” và “căng thẳng”.
Tuy nhiên, một khó khăn hơn cả là xác định độ
tuổi của người trẻ. Thế nào là “trẻ”? Bao nhiêu tuổi thì bắt đầu “trẻ” và bao
nhiêu tuổi thì hết “trẻ”? Tác giả Gisela Konopka cho rằng Youth, Adolescent, Teenager, Kid, Young People là những thuật ngữ
có cùng ý nghĩa và được hoán chuyển trong cách dùng[2].
Trong khi đó, Tổ chức Định cư Liên hiệp quốc (UN Habitat) giới hạn Youth từ 15 tuổi đến 32 tuổi.[3]
Liên minh Châu Phi (African Union) giới
hạn Youth từ 15 tuổi đến 35 tuổi. Liên hiệp quốc (United Nations), Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO), Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) lại cho rằng: Youth giới hạn từ 15 tuổi đến 24 tuổi, Adolescence giới hạn từ 10 tuổi đến 19
tuổi, Young People giới hạn từ 10 tuổi
đến 24 tuổi.[4]
Trong Giáo hội, tuổi trẻ có một vị thế rất riêng biệt. Đức
Phanxicô khẳng định: “Người trẻ là tương
lai của thế giới. Họ là hiện tại, họ hiện đang làm phong phú thế giới bằng
những đóng góp của họ.” (CV 64); và rằng “người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa.”[5].
Trong Sách thánh, tuổi trẻ được nhắc đến với sự tương phản rõ rệt.
Trong sách Sáng thế, chúng ta đọc thấy: “Lòng
con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ” (St 8,21). Thánh Phaolô cũng khuyên tín hữu Timôthê “hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ”
(2 Tm 2,22). Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là tuổi trẻ hoàn toàn xấu
xa, bởi lẽ Đấng Tạo Hóa cũng nhìn nhận những giá trị tốt đẹp của lứa tuổi này.
Người trẻ có năng lượng, họ táo bạo, tâm hồn họ chứa đầy những viễn ảnh về tương lai. Thật vậy, trong Cựu
ước, người trẻ là thành phần có giá trị nhất trong sự phục vụ YHWH.
Ví dụ, trong sách Giảng viên, chúng ta đọc
thấy những
lời sau đây: “Giữa tuổi thanh xuân, bạn
hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng
chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: ‘Tôi chẳng có
được một niềm vui nào trong thời gian đó cả’” (Gv 12,1). Hay như lời thánh
Phaolô nói với tín hữu Timôthê: “Chớ gì
đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho
các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng
trong sạch.” (1Tm 4,12).
Như thế, có thể thấy rằng, trong khi giai đoạn tuổi trẻ ẩn chứa
nhiều sự bốc đồng và đôi lúc hơi ngớ ngẩn, nhưng vẫn có giá trị nhất định trong
việc mở ra cửa ngõ tiến về vương quốc Thiên đàng. Bằng chứng là Kinh thánh đầy
dẫy những ví dụ về cách thức Thiên Chúa ban cho người trẻ những vai trò rất
quan trọng trong kế hoạch cứu chuộc của Người. Chúng ta sẽ tìm hiểu một vài ví
dụ để thấy rõ Thiên Chúa tin tưởng người trẻ như thế nào.
Giuse
Ông Giuse là một trong những nhân vật quan trọng của Cựu ước. Ông
được cha mình là Giacóp rất mực thương mến, và đó cũng là một trong những
nguyên cớ gây nên lòng đố kỵ nơi các anh em của ông. Theo đó, những người anh
em của ông đã bán ông cho người ta đưa sang Ai-cập. Lúc ấy, cậu Giuse mới 17
tuổi (St 37,2). Một chàng trai trẻ, ở một vùng đất xa lạ, tách biệt với dân tộc
và trung tâm về tôn giáo của mình, nhưng vẫn luôn trung thành với Thiên Chúa.
Quả thật diệu kỳ!
Trong ngòi bút của tác giả Sách thánh, ông Giuse được YHWH sử dụng
như một công cụ quan trọng để bảo vệ dân tộc Hípri. Giuse về sau sẽ nhận ra
rằng: “Chính là để duy trì sự sống mà
Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em” (St 45,5). Ở một chỗ khác cũng cho
thấy điều này, đó là những lời ông nói với anh em mình vào cuối đời: “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng
Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để… cứu sống một dân đông đảo”
(St 50,20).
Quả vậy, Thiên Chúa đã tin tưởng một người trẻ để trao vào tay
người ấy những trọng trách quan trọng, mang yếu tố sống còn.
Miriam
Khi người Híp-ri ngày càng đông đúc và hùng mạnh, họ bị coi là mối
đe dọa đối với sự hưng thịnh của đất nước Ai-cập (Xh 1, 9-11). Cho nên, Pharaô
ra lệnh phải ném các bé trai người Israel xuống sông Nin cho chết (Xh 1,22).
Khi ông Môsê chào đời, thân mẫu đã giấu ông trong ba tháng, sau đó, vì không
thể giấu hơn được nữa nên bà đặt đứa trẻ vào một cái thúng cói, trét hắc ín và
nhựa chai, rồi để trong đám sậy ở bờ sông Nin (Xh 2,2-4), giao phó an nguy của
đứa trẻ cho YHWH chăm sóc. Trong khi đó, chị gái của ông Môsê là Miriam, ước
tính khoảng 10 đến 12 tuổi[6], đứng ở
đàng xa và theo dõi. Cuối cùng, khi công chúa của Pharaô động lòng thương và
muốn nuôi dưỡng đứa bé thì chị Miriam đã tiến cử chính thân mẫu của ông Môsê
làm vú nuôi. Như thế, toàn bộ tương lai của dân tộc Híp-ri, một dân tộc mà qua
đó Đấng Cứu Thế đến với hết mọi dân nước, giờ đây được trao vào tay một cô gái
trẻ, với sự gan dạ và những lời nói thông minh của mình. Quả là một “vòng tròn
quan phòng” đầy lạ lùng của YHWH, và điều này cũng nói lên việc Thiên Chúa coi
trọng tuổi trẻ như thế nào.
Đavít
Khi nói đến vua Đavít, một vị vua rất vĩ đại của dân tộc Israel,
chắc hẳn không thể bỏ qua câu chuyện ly kỳ kể về cuộc giao chiến giữa chàng với
tên khổng lồ Gôliát. Đoạn Sách Thánh kể về câu chuyện này hết sức ngoạn mục:
những người lính Israel đứng ở bên này của thung lũng Elah, còn bên kia là quân
Philitinh bất khả chiến bại đang muốn xâm lược họ.
Sách thánh khắc họa hai nhân vật chính trong câu chuyện rất đối
lập nhau. Tên Gôliát của quân Philitinh cao khoảng ba thước, đầu đội mũ chiến
bằng đồng, mình mặc áo giáp vảy cá bằng đồng, nặng năm mươi ký; chân mang tấm
che và vai đeo cây lao cùng bằng đồng; cán giáo của hắn như trục khung cửi thợ
dệt, và mũi giáo bằng sắt nặng sáu ký. Qủa là một dũng sĩ bất khả xâm phạm.
Đang khi đó, chàng trai Đavít lại được mô tả hết sức đơn sơ: cậu từ chối đeo
gươm và mang y phục của vua Saul vì không quen; cậu chỉ cầm gậy trong tay, với
năm hòn đá cuội và chiếc ná. Khi miêu tả điệu bộ bên ngoài, tác giả Sách Thánh
còn mang đến một sự tương phản sâu sắc khác: nếu tên Philitinh trông như dũng
tướng, thì chàng trai Đavít lại được miêu tả như một nghệ sĩ với “mái tóc hung
và đẹp trai”. Đừng quên điều ẩn chứa phía sau mà tác giả Sách thánh muốn nói
với người đọc: nét đẹp của Đavít đến từ YHWH, vì Người ở với cậu và chiến đấu
trong cậu. (x. 1Sm, chương 17)
Khi Đavít đến với cuộc chiến, cậu không nhận được sự tôn trọng vì
“chỉ là một đứa trẻ”, ban đầu là từ vua Saul, về sau là chính tên Gôliát (1Sm
33,42). Nhưng đừng quên, YHWH ở với “đứa
trẻ” này, cậu khoảng độ 22 tuổi vào lúc ấy[7].
Kết cục, Gôliát bị giết chết và quân Philitinh cũng bị đánh tan. Học giả A.
Edersheim xem chiến thắng này như “một bước ngoặt trong lịch sử của chế độ thần
quyền”[8].
Một lần nữa, người trẻ là nguyên nhân chiến thắng thật sự của YHWH.
Giôsigia
Giôsigia là vị vua cao quý nhất của lãnh thổ Giuđa. Sách Thánh nói
rằng, không có vị vua nào tầm cỡ như ngài, cả trước đó và sau này, một người đã
“hết lòng” trở lại với YHWH (2V 23,25). Nhà vua lên ngôi lúc mới 8 tuổi. Năm 16
tuổi, ngài đã bắt đầu “tìm kiếm” YHWH, và khi tròn 20 tuổi thì bắt đầu chiến
dịch thanh tẩy vương quốc phía nam với những ngẫu tượng của nó (x. 2Sb 34,1-3).
Khi 26 tuổi, vua cho sửa chữa đền thờ, và chính lúc này, một sự kiện cực kỳ
quan trọng đã xảy ra. Một bản sao “luật của YHWH đã được ban qua ông Môsê” đã
được phát hiện trong đền thờ (2Sb 34,14). Và rồi một cuộc cải cách đã được vua
ban bố.
Một trong những thành công quan trọng của vua Giôsigia là vua đã
phục hồi lễ Vượt Qua, một nghi lễ vốn không được tuân giữ cẩn thận từ thời của
các thủ lãnh (2V 23,21-23). Bởi vì lễ Vượt Qua này cũng có hàm ý tiên báo cái
chết của Đức Giêsu (x. 1Cr 5,7), cho nên vua Giôsigia được xem như một mắc xích
quan trọng trong việc chuẩn bị cho dân tộc đón chào sự xuất hiện của Đấng Cứu
Thế. YHWH đã đặt lòng tin của Người vào vị vua trẻ tuổi này.
Giêrêmia
Giêrêmia, được xem là “ngôn sứ hay khóc”, là một trong những vị
ngôn sứ lớn của Cựu ước. Trong sự thất vọng của mình, ông đã tìm cách để đưa
dân tộc Giuđa nổi loạn trở lại với lề luật của YHWH. Ông bắt đầu sứ vụ ngôn sứ
vào năm thứ 13 của triều đại vua Giôsigiahu (626 trước CN), và hoàn tất công
việc khi lực lượng Babylon tấn công phá hủy đền thờ năm 586 trước CN. Chính ông
đã tiên báo về sự sụp đỗ của thành thánh Giêrusalem.
Sự nghiệp rao giảng của ông có lẽ kéo dài ít là 60 năm[9]. Điều
này cho thấy Giêrêmia đã được YHWH gọi vào độ tuổi thiếu niên. Trong Gr 1,4-10,
chúng ta đọc thấy cuộc hội thoại rất sâu sắc giữa Giêrêmia và YHWH. Trong khi
Giêrêmia tỏ ra e dè, không biết ăn nói vì “còn quá trẻ”, thì YHWH khẳng định: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi
đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói”. Ở đây, một lần
nữa tác giả Sách Thánh cho chúng ta một xác tín rằng, người trẻ là nguyên nhân
của YHWH, tức là YHWH dùng người trẻ như khí cụ để thực hiện ý định lớn lao của
Người. Chính vì thế, đừng lo lắng vì sự bất toàn của khí cụ, nhưng hãy vững tin
vì chính YHWH hoạt động nơi khí cụ được kêu gọi, dù là ưu điểm hay bất toàn.
Đức Maria
Một trinh nữ diễm phúc của làng Nadarét có lẽ phải ngọt ngào và
đầy ân sủng biết dường nào để có thể được chọn làm Mẹ của Chúa chúng ta, giữa
biết bao phụ nữ Israel.
Bài thánh ca Magnificat (đây là chữ đầu tiên của đoạn văn theo bản
Latinh Vulgata) mà Mẹ đã cất lên ca tụng Chúa khi được người chị Êlisabét chào
đón, cho thấy một chiều sâu tâm linh trong đời sống của Mẹ. Bài thánh ca bắt
đầu với những lời: “Linh hồn tôi ngợi
khen[10]
Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” (Lc
1,46). Học giả Harry Rimmer cho rằng, bài thánh ca này gồm 10 câu, được rút ra
từ 23 đoạn riêng biệt trong Cựu ước[11]. Điều
này cho thấy tâm trí của Mẹ hoàn toàn tràn ngập và được lấp đầy bởi lời Thiên
Chúa.
Một thực tế đáng kinh ngạc hơn đó là, trong văn hóa Dothái, một cô
gái thường kết hôn ở độ tuổi 12 hoặc 13. Trước độ tuổi này, thiếu nữ có thể
được cha mẹ hứa hôn với một người đàn ông khác; ở tuổi 13, cô gái có quyền đưa
ra lựa chọn riêng của mình[12]. Do đó,
điều hoàn toàn có thể xảy ra là Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Thế khi ở độ tuổi
thiếu niên. Chẳng lẽ điều này không nói lên cách thức tuyệt vời mà Thiên Chúa
đặt niềm tin của Người vào một người trẻ có đời sống tâm linh sẵn sàng?
Trong khoảnh khắc Truyền tin này, Đức Maria chắc hẳn cũng có những
cảm xúc lo lắng, ngờ vực: bối rối khi nghe lời chào của sứ thần (Lc 1,29);
không biết việc mang thai sẽ diễn ra thế nào vì cô chưa biết đến việc vợ chồng
(Lc 1,34). Thế nhưng, tất cả những bối rối và lo lắng của Mẹ đã phải nhường chỗ
cho lòng tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa qua tiếng “fiat” – xin cho được như
thế!
Đó là tâm trạng hết sức bình thường của tuổi trẻ. Người trẻ có khả
năng nhanh chóng tiếp nhận thông tin, nhưng chắc hẳn không tránh khỏi những lo
lắng, bối rối kèm theo khi xử lý thông tin ấy. Bởi lẽ họ còn thiếu kinh nghiệm
và tính bao quát để giải quyết vấn đề. Thiên Chúa biết rõ những hạn chế ấy,
nhưng Người cũng sẵn sàng gửi đến tuổi trẻ những thông điệp cứu độ quan trọng.
Và Đức Maria là một tấm gương sáng ngời cho người trẻ: hãy tín thác vào quyền
năng của Chúa. Tất nhiên, đó không phải là thái ngộ bỏ mặc mọi sự cho Thiên
Chúa, nhưng lòng tín thác này phải được bắt nguồn từ một đời sống chiêm niệm
Lời, kết hợp và sống với Lời. Đức Maria không làm ngơ trước thông điệp của sứ
thần, nhưng nhờ một đời sống kết hiệp sâu xa với Lời mà lời kinh Magnificat của
Mẹ đã cho thấy rõ điều đó, Mẹ đã tín thác trọn vẹn, và đạt được những thành
công trổi vượt về sau. Mẹ thật đáng là mẫu gương sáng ngời cho người trẻ noi
theo.
Timôthê
Chúng ta biết rằng, không có người bạn đồng hành nào gần gũi với
thánh Phaolô hơn anh thanh niên Timôthê. Trong thư gửi tín hữu Philípphê, thánh
Phaolô xem mối quan hệ giữa ngài và anh Timôthê trong việc phục vụ Tin mừng như
là “cha với con” (Pl 2,22); xem Timôthê như “người con yêu quý và trung tín
trong Chúa” (1Cr 4,17), hay như “người con được sinh ra trong đức tin” (1Cr
1,2). Đặc biệt, trong giờ phút tăm tối khi vị tông đồ của Chúa chờ đợi bị xử
tử, ngài đã khao khát tình bạn của anh Timôthê. Điều này thể hiện rất rõ qua
lời thúc giục trong lá thư sau cùng của ngài:
“Anh hãy mau mau đến với tôi” (2Tm 4,9). Quả là một vinh dự lớn cho người Kitô
hữu trẻ tuổi này.
Các học giả cho rằng, dường như Timôthê vẫn còn là một “người trẻ”
khi thánh Phaolô viết lá thư đầu tiên cho anh (1Tm 4,12), và anh độ chừng 18
đến 20 tuổi khi bắt đầu hoạt động với thánh Phaolô.
Vài lời kết
Qua các ví dụ trên đây, chúng ta thấy rằng nếu những người trẻ
được đào luyện đúng cách sẽ có được đức tin can trường và trở nên hữu dụng.
Tuổi trẻ có thể đảm trách những sứ mạng tuyệt vời của Thiên Chúa. Thế nhưng, Giáo
hội và xã hội hôm nay đã nhận ra thực tế này như thế nào, và đã đủ tin tưởng để
giao cho lứa tuổi này những nhiệm vụ quan trọng?
Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, người trẻ cần được khích lệ và
đồng hành về đời sống tâm lý cũng như tâm linh, đặc biệt trong bối cảnh phát
triển của khoa học kỹ thuật và toàn cầu hóa với những sự giao lưu văn hóa và
lối sống như ngày nay. Người trẻ có năng lực, có sức bật, có quyết tâm và ý chí
cao, nhưng cũng rất dễ mất cân bằng trong công việc và các mối quan hệ. Có lẽ
điều cần thiết nhất cho giai đoạn này là kinh nghiệm sống và sự phân định, và
người trẻ hoàn toàn có thể tìm thấy những nguồn trợ lực ấy cho mình nơi các
chuyên gia tâm lý và phân định, cũng như những bậc cao niên. Đừng quên,“các bạn trẻ đi rất nhanh, nhưng các vị cao
niên nhất lại biết đường.”[13]
Cách riêng với các bạn trẻ, hãy tin tưởng để
rồi can đảm lên đường và dấn thân, cũng đừng bỏ qua bất kỳ tiềm năng nào nơi
mình. Nên biết, không phải lúc nào tiềm năng cũng hiển nhiên trở thành hiện
thể. Cần có một sự biến đổi trung gian để thực hiện hóa những khả năng nơi bản
thân. Tiến trình đó đòi hỏi nỗ lực cá nhân, nhưng cũng đừng quên sự cần thiết
của ân sủng Thiên Chúa. Gương mẫu về các nhân vật trong Kinh thánh, các thánh
trong lịch sử Giáo hội, sẽ là minh chứng và kinh nghiệm sống động cho những ai
muốn khám phá bản thân mình để sống tương quan với Chúa và tha nhân.
[1] Xem thêm bài viết “Giới trẻ dưới góc nhìn
của một số lý thuyết tâm lý học”, Thời sự
thần học, số 80 (chủ đề Tuổi trẻ), tr. 36-80.
[2] Gisela Konopka, Requirements for Healthy Development of Adolescent Youth, Adolescence 8, no. 31, (Fall, 1973), tr.
24.
=3393 (truy cập
ngày 01.04.2018).
[4]
http://www.unicef.org/adolescence/index_66834.html (truy cập ngày 14.02.2018).
[5] Tiêu đề đầu chương 3 của Tông huấn Christus Vivit.
[6] M’Clintock, John & James Strong, 1969,
Cyclopedia of Biblical Literature,
Vol. IV, Grand Rapids, MI: Baker, tr. 330.
[7] Adam Clarke, n.d. Commentary on the Bible, Vol. II, Nashville, TN: Abingdon, tr. 264.
[8] A. Ederdheim, 1959, The Bible History, Vol. IV, Grand Rapids, MI: Eerdmans, tr. 89.
[9] Wayne Jackson, 1997, Jeremiah & Lamentations, Stockton,
CA: Christian Courier
Publications, tr. 7.
[10] Ở đây, động từ chia ở thời hiện tại tiếp
diễn, tức là luôn luôn hiện tại, luôn mãi ngợi khen.
[11] H. Rimmer, 1943, The Magnificence of Jesus, Grand Rapids, MI: Eerdmans, tr. 118.
[12] M’Clintock, John
& James Strong, 1969, Cyclopedia of
Biblical Literature, Vol.
V, Grand Rapids, MI: Baker, tr. 774-75.
[13] Đức Phanxicô, Sức mạnh của ơn gọi, Học viện Đa Minh (chuyển ngữ), 2018, tr. 57.
Đăng nhận xét