Nhân bản Kitô giáo – một vài suy tư


Nhân bản Kitô giáo không có nghĩa là chỉ được thể hiện
nơi Kitô hữu mà thật ra nó được thể hiện khắp mọi nơi,
ở mọi người, những người lắng nghe được tiếng nói lương tri,
tiếng nói sự thiện trong tâm hồn họ, bởi vì Thiên Chúa
đã làm người và cư ngụ giữa cuộc đời, trong lòng mọi người.
Petrus Bạch Thành
Ghé qua một vài Nhà sách hay một vài trang mạng bán sách, ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng hàng lớp lớp những sách dạy làm người, thuật mua bán, thuật marketing, nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật thu phục lòng người… Trong đó có những quyển sách mà rất nhiều người biết đến như quyển sách Đắc Nhân Tâm, Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống, Tâm và Thuật trong Đối Nhân Xử Thế, Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ... Quả thật, những quyển sách này đã có những tác dụng nhất định cho những ai tham khảo nó, thế nhưng rõ ràng người ta mới chỉ ra những kỷ thuật trong giao tiếp và thủ thuật trong đời sống để lấy lòng hầu mong đạt được một mục đích cụ thể nào đó mang tính thương mại. Người ta dạy nhau cách khôn khéo biểu hiện bên ngoài thế nào để người khác tin dùng mình.
Tuy nhiên, để sống với con người trong từng hoàn cảnh cụ thể, để làm cho cuộc đời thật tươi đẹp và đáng sống, người ta cần những giá trị tinh thần đích thực hướng dẫn họ. Con người không thể sống với nhau và cùng nhau xây dựng một xã hội trần thế tốt đẹp bằng những cái được gọi là “kỹ thuật”, “nghệ thuật” sống như kiểu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Quả thế, con người được mời gọi sống với nhau bằng cả tấm lòng.
Người Kitô hữu được Chúa mời gọi sống hết mình, trọn tình, vẹn nghĩa cho thế gian như Chúa đã chết cho thế gian được sống. Trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Công đồng Vaticano II đã khẳng định:
Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ (GS, 2).
Với đoạn mở đầu này, Công đồng cho thấy hướng đi và lối sống của người Kitô hữu trước hết phải là hòa nhập vào dòng đời, đi sâu vào lịch sử con người để từ đó với tinh thần Kitô giáo họ mới có thể làm men, muối cho đời sống.
Khởi đi từ một Thiên Chúa nhập cuộc
Quả thật, Thiên Chúa đã không khoanh tay ngồi nhìn và điều khiển loài người từ trên trời cao, nhưng Người đã sai Con Một – Đấng Emmanuel – xuống thế làm người để cùng đồng cam cộng khổ với con người. Khởi đi từ việc Người chọn một dân tộc làm dân riêng để hướng dẫn, đào luyện họ, sau cùng chính Thiên Chúa lại sinh xuống làm người, mang lấy trên mình nền văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử ấy. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa nhập cuộc với nhân loại để cùng với văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử của con người, Thiên Chúa cùng với họ làm nên một lịch sử thánh – lịch sử cứu độ. Trong ý nghĩa đó, Giáo hội khẳng định muốn dấn thân vào lịch sử nhân loại trong thế giới ngày này. Một thế giới mà:
Người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì; thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền của Thần Dữ, đã được thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn (GS. 2).
Do đó, Giáo hội mời gọi con chiên của mình sống niềm tin vào Chúa qua việc dấn thân vào những thăng trầm lịch sử, đem “muối, men” Tin mừng vào những biến cố cụ thể trong đời sống của mình hầu làm cho đời sống ấy “thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn”.
Nhưng người ta không dễ chấp nhận một Thiên Chúa là anh chị em của mình
Trong một đoạn Tin mừng, thánh Maccô kể lại việc Chúa Giêsu trở về quê hương giảng dạy và chắc hẳn Người cũng muốn thực hiện phép lạ để chữa bệnh, nhưng “người nhà” của Chúa cũng như hàng xóm láng giềng của Người đã không tin vào Người (x.Mc 6, 1-6). Não trạng về “sự thánh” phải tách biệt với sự đời, sự trần gian đã cản trở người ta tin vào Chúa. Quả thật, đối với Cựu ước, thánh có nghĩa là tách biệt, dành riêng. Nhưng khi sinh xuống làm người và sống với con người, Đức Giêsu cho thấy rõ ràng rằng đó mới chỉ là một nửa của sự thánh.
Thánh không chỉ là tách biệt, dành riêng, nhưng thánh cũng đồng thời là hòa nhập, sống cùng, sống với. Thánh là liên lụy phận đời với nhau, là đồng cam cộng khổ. Thánh cũng đồng thời phải đi vào những điều giản dị nhất trong đời sống. Thánh cùng với những người bé mọn nhất, nghèo hèn nhất gánh vác cuộc đời. Thánh, do đó, không tách biệt với đời sống con người, nhưng lại cùng lớn lên trong đời sống ấy và làm cho đời sống con người thêm triển nở, thăng hoa. Thánh do đó thật cao cả, nhưng đồng thời cũng thật đơn sơ và giản dị; thánh thật sự thiêng liêng, nhưng cũng đồng thời rất cụ thể, thực tế. Thánh rất “sạch sẽ, thơm tho”, nhưng đồng thời thánh cũng rất “bầm dập”, nhem nhuốc, lấm bùn. Những người hàng xóm láng giềng của Chúa đã không chấp nhận điều đó: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6, 5-6).
Tin mừng của Chúa đã hiện diện hơn hai ngàn năm, rồi gần đây nhất là Công đồng Vaticano đã đi qua hơn 50 năm, thế nhưng chúng ta, những người con của Tin mừng, những người được học biết và được chờ đợi sống tinh thần Công đồng, vẫn cứ loay hoay với não trạng “chuyện đạo chỉ ở sân nhà thờ”, những giá trị Tin mừng chưa thực sự được đưa vào đời sống, chưa là những khái niệm căn bản, chưa là những kim chỉ nam trong đời sống để lan tỏa đến môi trường sống và xã hội. Giáo hội địa phương vẫn cứ chỉ lo chuyện thánh lễ và các phép của mình, còn chuyện nhân sinh vẫn cứ là chuyện đời, chuyện trần gian không liên quan đến mình. Chẳng lẽ chuyện nhân sinh là thứ “xấu xa đê tiện, con chẳng để mắt trông” (Tv 101,3)? Chắc chắn không phải vậy, vì Công đồng Vaticanô đã khẳng định:
Trong khi chứng minh và trình bày đức tin của toàn thể dân Chúa đã được Chúa Kitô qui tụ, không có cách nào để diễn tả hùng hồn mối tình liên đới, sự tôn trọng và quí mến của dân Chúa đối với gia đình nhân loại mà mình là một thành phần, cho bằng thiết lập cuộc đối thoại về những vấn đề ấy, đem ánh sáng Phúc âm mà soi dẫn (GS. 2).
Như thế, Giáo hội đã khẳng định hai chiều kích trong hành động, đó là “cứu rỗi con người và canh tân xã hội loài người”. Tuy nhiên, thực tế thì rất khác, những người con của Hội thánh vẫn chỉ giữ đạo loanh quanh trong khuôn viên Nhà thờ chứ chưa thực sự thực hành đạo và truyền đạo ngoài đời sống xã hội. Chuyện đạo, chuyện đời vẫn cứ tách biệt, xa nhau. Chuyện đạo: đọc kinh, cầu nguyện, thánh lễ, rước sách…; chuyện đời vẫn cứ buôn gian bán lận, mánh khóe, khôn ranh. Tin mừng chưa thực sự thấm vào đời thường.
Nhân bản Kitô giáo và Nước trời
Thực tế, khi bàn đến Nhân bản Kitô giáo, một số tác giả thường bàn đến Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; Chính trực, Công minh, Trí, Dũng, Nhân; Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Thế nhưng, nhân bản Kitô giáo không dừng lại ở đó mà được thể hiện cách cụ thể nhất, chân thật nhất, sâu sắc nhất nơi Tin mừng Chúa Giêsu. Quả thật, nơi Tin mừng của Chúa, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều giá trị tuyệt vời cho đời sống con người, đó là yêu thương, hy sinh, phục vụ, trung tín, hiệp thông, tha thứ, lãnh nhận và trao tặng bản thân, trân trọng phẩm giá người, mắc nợ ân tình, tri ân… Nhân bản Kitô giáo rõ ràng là con đường của tình yêu được thực hiện trước hết nơi cuộc đời Đức Giêsu. Những giá trị Nước trời do đó được mạc khải trước hết nơi Tin mừng của Đức Giêsu. Điều này có nghĩa Đức Giêsu chính là “gốc rễ”, là linh hồn, là nguyên khí, là động lực thúc đẩy người Kitô hữu trong mọi hoạt động. Nước trời không ở nơi nào khác ngoài Đức Kitô và cũng được xây dựng trước hết nơi trần gian này.
Ở đâu có Đức Giêsu thì ở đó có Nước trời, dù rằng Nước trời ấy còn nhỏ bé và cần thời gian để trở nên lớn mạnh. Vậy Người nói:
Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được. Người lại nói: ‘Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Lc 13, 18-20).
 Thật vậy, đời sống đức tin của người Kitô hữu không phải chỉ được thể hiện trong khuôn viên nhà thờ qua việc giữ kỷ luật Giáo hội hay giới răn của Chúa, nhưng phải trở nên sinh động, lớn lên, mở ra và lan rộng như “hạt cải” gieo vào lòng đất hay như “nắm men vùi vào thúng bột”. Chúa Giêsu không chọn lối hiện diện “bên lề” đời sống con người, nhưng Người đã nhảy vào, vùi vào đời sống khốn khổ ấy để cứu độ con người. Chúa Giêsu đến gieo vãi hạt giống Nước trời, sau đó Thần Khí Chúa vun trồng, chăm bón trong đời sống sinh hoạt của Giáo hội rồi thổi bung những hạt giống ấy đi khắp muôn dân và thay đổi toàn bộ diện mạo thế gian.
Nhân bản Kitô giáo làm nổi bật Phẩm giá con người
Con người là trung tâm và tột điểm của mọi sinh vật trên địa cầu (x. GS. 12). Nhân bản Kitô giáo không làm gì khác hơn là làm nổi bật phẩm giá con người, điều mà Thiên Chúa đã ban cho họ từ thuở ban đầu, đó là con người là hình ảnh của Thiên Chúa “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27), vì chính phẩm giá cao trọng đó mà Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để cứu chuộc con người. Chính vì vậy, không có một lý do nào để biện minh cho sự loại bỏ hiện hữu con người - con người phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc, mọi nơi.
Thiên Chúa hành động vì mỗi  một con người và cứu độ họ như họ là. Mỗi con người là một ngôi vị, được dựng nên cách độc đáo và duy nhất. Trong lịch sử, đã có lúc người ta nhân danh lợi ích cộng đoàn để chà đạp cá nhân, nhân danh lợi ích dân tộc mà đưa người dân ra làm con tốt thí mạng. Tất cả đều sai trái và vô nghĩa nếu phẩm giá con người bị lãng quên hay bị bức hại:
Con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm […]. Bởi vậy, trật tự xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích lợi của các nhân vị chứ không ngược lại” (GS. 26).
Hơn thế nữa, trong một thế giới đề cao sự thành công, coi trọng kẻ sang, người giàu, thì đồng thời những người thấp cổ bé họng cũng dường như là những kẻ “vô hình”, “vô tiếng”. Quả thật, tự bản tính, ai cũng thích những gì là cao sang, uy nghi, nhưng Thiên Chúa lại tỏ lộ nơi những gì đơn giản nhất, đời thường nhất. Đặc biệt, Thiên Chúa luôn ưu ái những kẻ nghèo hèn, bé mọn, những kẻ bị bỏ rơi. Thiên Chúa đến với họ, ở lại và ban cho họ niềm vui sống. Điều này đã được Đức Giêsu khẳng định:
Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11, 25-26)
Thiên Chúa cúi xuống thật sâu, thật sát mặt đất để nâng đỡ con người, để gánh con người trên đôi vai của mình.
Đức Giê-su Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế (Pl 2,6-7).
Những người bé mọn thường ít được để ý nhất trong xã hội, nhưng những con người này lại được Thiên Chúa quan tâm nhất. Dù là những người bé mọn nhất, nhưng tâm hồn họ lại được Thiên Chúa cho nhạy cảm nhất về sự thiện, sự lành thánh. Họ có thể thực hiện nó một cách rất dễ dàng, tự nhiên trong cuộc sống mà không hề đòi hỏi được đền đáp lại một thứ gì đó. Cảm thức về điều thiện, điều phải làm trong lòng họ thật lớn lao. Họ hiện diện, sống đơn sơ, hiền hòa, yêu thương và rồi qua đi chẳng mấy ai quan tâm, ít khi được biết đến, nhưng Thiên Chúa lại viếng thăm, ưu ái và đồng hành với họ. Thật vậy, khi trở về nơi tầng sâu của xã hội, ta mới có thể gặp thấy những gương mặt đơn sơ nhất, chất phác nhất, hiền lành nhất; mới có cơ may gặp được Chúa và ánh sáng đích thực sẽ soi dẫn:
Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành (Is 58,7-8).
Không những ánh sáng trong tâm hồn người Kitô hữu bừng lên như rạng đông, mà họ còn được trở nên công chính và được cả vinh quang Đức Chúa chở che và làm cho hiện hữu: “Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi” (Is 58,8).
Do đó, người Kitô hữu luôn được mời gọi tôn trọng nhân vị, coi trọng con người, không loại trừ ai như Thầy Giêsu sống bao dung, yêu thương và đón nhận tất cả mọi người:
Chúng ta có bổn  phận khẩn thiết  phải trở nên người lân cận  của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc có thể là một  người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc một công nhân ngoại quốc bị khinh khi một cách bất công, hoặc một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp chịu đau khổ cách bất công vì tội lỗi mình không phạm, hoặc một người đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta” (GS. 27).
Ngoài ra, tôn trọng nhân vị cũng có nghĩa là chống lại mọi hình thức xúc phạm sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai… Tư tưởng Kitô giáo do vậy phù hợp với tất cả mọi con người thuộc mọi màu da, giai cấp, chủng tộc. Dù có những người có thể không thích hay không tin theo Chúa Kitô, nhưng rõ ràng tự trong lương tâm, họ luôn bị đánh động bởi những gì là của Chúa Kitô. Ví dụ như một ông tướng của Trung Quốc (tướng Lưu Á Châu) dù không phải là tín hữu Kitô giáo, nhưng ông lại thừa nhận giá trị của nó cách chắc chắn và xác tín. Chẳng hạn trong bài Bàn Về Văn Hóa Trung Quốc, khi so sánh đối chiếu Kitô giáo với tôn giáo của Trung Quốc, tướng Lưu Á Châu nói:
Thánh thần (trong Kitô giáo) xuất hiện với hình ảnh đầm đìa máu, chịu khổ chịu nạn. Jesus bị đóng đinh trên giá chữ thập. Đức Mẹ không đổ máu nhưng rơi lệ. Đấy thực sự là hóa thân của con người, là hóa thân của sự khổ nạn và tư tưởng của con người. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây nhìn vào tựa như thần thánh, thực ra là con người. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây luôn luôn chịu khổ còn nhân dân thì không chịu khổ. Thần thánh trong tôn giáo phương Đông thì hưởng thụ, còn dân chúng thì chịu khổ.[1]
Rõ ràng, giá trị Kitô giáo vượt mọi biên giới, thoát khỏi mọi ý thức hệ để đến với con người. Chỉ khi Nhân bản Kitô giáo hay nói cách khác chỉ khi lời Đức Kitô thấm nhập trong tâm hồn và thể hiện nơi hành động, con người mới có cơ may “ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,10). Do đó, không phải tài năng hay sự khôn ngoan làm cho con người trở nên đặc biệt và độc đáo, nhưng chính là tình yêu Đức Kitô (x. 2Cr 5,14) đã định hình và khắc tạo nên dáng vẻ độc đáo, tạo nên thế đứng rất riêng của họ. Thật vậy, con người vừa được mời gọi trở về với Đức Kitô để kín múc nơi Người sức sống mới, tình yêu chân thật, họ cũng vừa được mời gọi ra đi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa để đem hạt giống Nước trời gieo vãi khắp muôn nơi vì “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (GS. 26). Nhân bản Kitô giáo, vì thế, dù bàn về nhiều chủ đề, nhiều sự, nhưng quả thật, luôn xoay quanh hai trục căn bản, đó là trở về với Đức Kitô và khởi đi từ sự tôn trọng phẩm giá người.
Sau cùng, Nhân bản Kitô giáo không có nghĩa là chỉ được thể hiện nơi Kitô hữu mà thật ra nó được thể hiện khắp mọi nơi, ở mọi người, những người lắng nghe được tiếng nói lương tri, tiếng nói sự thiện trong tâm hồn họ, bởi vì Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa cuộc đời, trong lòng mọi người. Ở đâu sự thiện, tình yêu thương được thực thi, ở đó có môn đệ Chúa và sự hiện diện của Chúa. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34).



[1] Bàn Về Văn Hóa Trung Quốc - nghiencuuquocte.org

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn