Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng,
nhất là những người nghèo và những ai đau khổ,
cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng
của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì
thực sự là của con người
mà không gieo âm hưởng trong lòng họ.
nhất là những người nghèo và những ai đau khổ,
cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng
của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì
thực sự là của con người
mà không gieo âm hưởng trong lòng họ.
(Vat. II., Gaudium et Spes, số
1)
Phêrô Mạnh Tâm, O.P
DẪN NHẬP
Sau mỗi kỳ Olympic quốc tế, người ta thường tổ chức thêm Paralympic
Games, giải thể thao quốc tế dành cho vận động viên khuyết tật. Trong giải
marathone đường ngắn của Paralypic, một vận động viên bỗng nhiên bị té ngã dọc
đường đang khi thi đấu. Giữa lúc đó, có một vận động viên khác khi thấy như
vậy, liền dừng lại và chạy đến hỏi vận động viên này: “Are you ok?” nghĩa là:
“Bạn có sao không?” Rồi người đó dùng tay đỡ lên. Lúc đó, cả đoàn đua cũng dừng
lại… và cùng đồng loạt đến bên vận động viên té ngã. Rồi tất cả cùng dìu nhau
chạy về đích giữa những tiếng tràng pháo tay vang dội khắp sân vận động.
Những vận động viên khác có thể chạy tiếp vì giải thưởng chỉ dành cho 1
người về nhất chứ không phải dành cho cả tập thể. Nếu có vận động viên nào đó
bị gục xuống do chấn thương té ngã, đó là do sự xui xẻo, thiếu may mắn. Họ phải
chấp nhận điều đó. Thế nhưng, cuộc tranh tài Paralympic không nhằm mục đích là
giải thưởng. Cái chính là: vận động viên khuyết tật được tham dự một giải thể
thao mà tưởng chừng chỉ dành cho người lành lặn. Vì thế, trên hết và cao nhất
là tất cả đều về đích. Những vận động viên đều dừng lại khi có người bị té ngã
đã thể hiện tinh thần tương trợ và lòng thương cảm. Cách hành xử đó gọi là ĐỒNG
CẢM. Cả đoàn đua đã cùng dìu người anh em bị té ngã về đích của cuộc đua gọi là
ĐỒNG THUẬN. Thế là họ đồng hành với nhau.
ĐỒNG CẢM, còn gọi là CẢM THÔNG
Định nghĩa. Theo tự
điển từ web site Hiếu Học, thì cảm thông có nghĩa là đặt mình vào vị
trí của người khác, nhận biết và hiểu được cảm xúc của người đó. Đó không có
nghĩa là cảm thấy thương hại họ, nói những lời đãi bôi giả dối, mà là nhận biết
và hiểu được cảm nhận của họ, những gì họ đã phải trải qua, cả niềm vui và đau
khổ. [1]
Hành động biểu lộ của Đồng cảm
- Cảm thông được biểu lộ bằng sự quan tâm, chăm sóc đến người khác.
- Cảm thông: có sự liên đới với hoàn cảnh người khác hơn là sự cô lập.
- Cảm thông: vui với người vui,
khóc với người khóc (xc. Rm 12, 14). Cảm thông là biết chia sẻ nỗi niềm với
người khác, chứ không ghen tương, đố kỵ vì thành công người khác và họ không
mừng vui khi gặp bất công.
Trong cuốn sách “No man is an island” (không ai là một hòn đảo) – của
Thomas Merton, người ta thấy điểm nổi bật: con người chỉ tìm thấy ý nghĩa đích
thực của cuộc sống khi nào nó ý thức được mối tương liên giữa nó với Thiên
Chúa, giữa nó với tha nhân. Đó là sự liên đới cảm thông.
Sự Đồng cảm xuất phát từ đâu?
Đồng cảm xuất phát từ người có tấm lòng yêu thương. Và như vậy, chắc
chắn nó đến từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là TÌNH YÊU! Tình yêu đồng loại, tình
nhân ái, tình bác ái. Không có tình yêu thương, không thể có sự đồng cảm. Tại sao người ta giết hại nhau? Bởi
thiếu vắng tình thương. Tại sao người ta chửi nhau, chỉ trích phê bình nhau?
Chẳng qua vì thiếu vắng sự thông cảm.
Vậy chúng ta xem:
SỰ CẢM
THÔNG TRONG THÁNH KINH
Kinh thánh luôn cho chúng ta thấy rõ Thiên Chúa hằng luôn săn sóc đến
chúng ta ví như con ngươi trong mắt Ngài.
Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của
Chúa,
Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài
khỏi quân thù xông đánh.
Xin giữ gìn con như thể con ngươi,
dưới bóng Ngài, xin thương che chở,
cho khỏi tay lũ ác nhân hãm hại,
thoát bọn tử thù tứ phía bủa vây (Tv 17, 7-9).
Thiên Chúa đã “dừng lại” để
nâng con người khi con người sa ngã
Khi tổ tiên con người phạm tội bất tuân (St
3), họ như vận động viên té ngã, có thể không thể đứng dậy, nhưng Thiên Chúa đã “dừng lại”… và
chìa tay nâng đỡ con người để họ đứng dậy. Đánh mất vườn Địa đàng là hậu quả
của việc phạm tội. Hứa ban Đấng Messiah là dấu chỉ của tình thương Thiên Chúa
muốn hồi phục những gì con người đánh mất. Điều đó nói lên sự đồng cảm của
Thiên Chúa đối với con người. Tuy ra “hình phạt vì tội lỗi” - nhưng Thiên Chúa cũng
vì thông cảm với sự đau khổ của loài người dưới hình phạt nặng nề đó nên đã sai
Đấng Cứu Thế đến để chuộc tội loài người… Nếu không thông cảm với những sự đau
khổ của loài người, có lẽ không có mầu nhiệm Nhập thể, Emmanuel- Thiên Chúa ở
cùng chúng ta.
Chưa hết, con người vẫn tiếp tục sa ngã vì phạm tội thờ ngẫu tượng, chạy
theo ý riêng của mình: Đavít vấp ngã khi phạm tội tày trời: thông dâm với vợ
của Urigia, quan cận thần, gián tiếp giết Urigia (2Sm 11,1-17); Vua Salomon vấp
ngã khi rước tà thần và đời sống luân lý xa Chúa, dân Do Thái lưu đày Babylon,
v.v. Bất chấp thế nào, Thiên Chúa vẫn luôn thông cảm với con người và đứng về
phía con người để chở che. “Dù cha mẹ con
có bỏ con đi nữa, nhưng Ta, Ta sẽ không bao giờ bỏ.” (Is 49,15)
Chúa Giêsu đồng cảm với thân phận con người
Vào thời Tân ước, một Thiên Chúa cảm thông rõ nét nhất qua chính
cuộc đời của Chúa Giêsu. Cụ thể, Người đã tỏ ra ba lần thông cảm với sự đau khổ
của con người khi Chúa khóc thảm thiết: đó là khóc thành Giêrusalem sẽ bị tàn
phá (Lc 19, 44), khóc thương đứa con trai góa phụ thành Naim khi người ta mang
chàng đi chôn (Lc 7, 11- 17), và khóc thương bên mồ Ladarô đã chết bốn ngày (Ga
11,1-14). Đó là ba trường hợp đặc biệt Chúa Giêsu tỏ ra thông cảm ra bên ngoài
với những giọt nước mắt; và nó biểu lộ lòng thương xót từ bên trong.
Ngoài ra, Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt, phụ
nữ bị băng huyết (Mc 5,25-34), người mù tại Giêrikhô. Chúa chạnh lòng thương
trước cảnh dân chúng bơ vơ không người chăn dắt (Mt 14,13-21); Chúa Giêsu cảm
thông cả với viên đại đội trưởng… để chữa lành người đầy tớ của ông (Mt
8,5-17). Sự cảm thông không có ranh giới phân biệt mọi lãnh vực.
Rõ ràng Chúa Giêsu, Thầy chí thánh đã tỏ lòng
thông cảm thì đương nhiên các môn đệ của Người luôn cần có tấm lòng như
Thầy. Đó chính là Giáo hội của Người.
GIÁO HỘI ĐỒNG CẢM
Sự đồng cảm đối với Thánh Phaolô: cùng hiệp thông trong một thân thể với
Đức Kitô.
Thánh Phêrô và các Tông đồ cũng tỏ ra thông
cảm khi chứng kiến cảnh vô số đông đảo theo Chúa Giêsu nghe giảng mà bụng họ
lại không có gì ăn. “Xin Thầy giải tán họ vì trời đã xế chiều, mà họ không có
cái gì để ăn?” (Lc 9,11)
Còn thánh Tông đồ Phaolô đã đưa ra một học thuyết mới mẻ về thân thể Đức
Kitô: Giáo hội là thân thể, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là các chi thể của
thân thể ấy, tức là chi thể của nhau. Các chi thể liên lạc mật thiết với thân,
với đầu và với nhau. Vì thế, Thánh Tông đồ đã khuyên chúng ta hãy biết thông
cảm với nhau khi ngài nói: hãy vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc (Rm 12,14).
Đúng là “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”
Công đồng Vaticano II., qua Hiến chế Ánh
sáng muôn dân, số 1, đã khẳng định:
Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, nhất là những người nghèo và
những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ
Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong
lòng họ.
Cho nên, “Anh em là những người
được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng
thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu,
hiền hòa và nhẫn nại.” (Cl 3, 12). Sự đồng cảm này phải xuất phát từ tình
yêu, tấm lòng yêu thương như chính Chúa Giêsu.
Sự đồng cảm cách cụ thể của Giáo hội
với thế giới
Giáo hội không nói suông. Giáo hội đã hiện thực hóa những gì Đấng mà
mình đã tôn thờ và giao phó. Thử nhìn vào sự đóng góp của Giáo hội đối với nhân
loại là chúng ta thấy rằng: Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới
với 2,2 tỉ Kitô hữu, trong đó 1,3 tỉ là người Công giáo (thống kê năm 2017).
Trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất đến lịch sử nhân loại, có đến 75
người theo Kitô giáo. Trong suốt lịch sử lâu dài, Giáo hội Kitô giáo đã là một
nguồn tài trợ chính của các dịch vụ xã hội như học hành và chăm sóc y tế; và là
nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, văn hóa và triết học; và có ảnh hưởng trong
chính trị và tôn giáo. Rõ ràng sự đóng góp của Giáo hội vào việc phát triển các
lãnh vực của xã hội loài người cả xưa và nay, bao gồm: khoa học và công
nghệ, y học, nghệ thuật và kiến trúc, chính trị, văn học, Âm nhạc, từ thiện, triết học, đạo đức, kinh doanh. Theo 100 Năm Giải Nobel, một
số học giả đánh giá về giải thưởng Nobel từ năm 1901 đến năm 2000 cho thấy rằng
65,4% người đoạt giải Nobel, thuộc về Kitô giáo.[2]
Kitô giáo rõ ràng có ảnh hưởng đến nền văn minh nhân loại và lịch sử thế
giới ở các cấp độ khác nhau. Điều này không có ý nói lên sự ảnh hưởng mạnh mẽ,
nhưng cho thấy, Giáo hội luôn đồng hành với nhân loại trong từng biến cố lịch
sử.
Tuy nhiên, Giáo hội đồng hành với thế giới cũng đối diện vài thách đố
chính trong lòng Giáo hội. Chẳng hạn như:
THÁCH ĐỐ VỚI ĐỒNG CẢM LÀ VÔ CẢM
* Người không có sự đồng cảm là: vô cảm/chà đạp lên người khác, vô lương
tâm. Sự vô cảm này bắt nguồn từ câu trả lời của Cain sau khi được Chúa hỏi:
“Này Cain, em ngươi đâu?” Ông trả lời: “Tôi là người giữ em tôi sao?” Ông đã
giết chết em mình là Aben vì ghen tương, ích kỷ, giờ lại chối bỏ trách nhiệm
này. Sự vô cảm trong thời kỳ Tân ước cũng được Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn
“Người Samaria nhân từ” (Lc 10,25-37) “Bấy
giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì tránh qua
bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng
tránh qua bên kia mà đi”.
Khi nạn nhân bị nạn giống như một vận động viên té ngã, thì chúng ta sẽ
là thầy tư tế hay Lêvi tiếp tục để “đi qua” để “đoạt giải thưởng” hay là người
Samaria “dừng lại” để cảm thông?
Lướt qua, lờ đi… chính là thái độ vô cảm đang diễn ra trong cộng đoàn,
gia đình, xã hội nơi ta đang sống.
Đức Giáo hoàng Phaxicô trong sứ điệp Hòa bình năm
2017 đã mời gọi mọi Kitô hữu: Hãy lướt thắng vô cảm bằng sự thương cảm. Chính khi đó, Giáo
hội mới “Vui với người vui… khóc với người khóc.” Để cho thế giới vẫn còn tình
người.
*Sự hờ hững, dửng
dưng dẫn đến lối sống ích kỷ. Lối sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân chính là con
đẻ của sự vô cảm. Trong mọi sự kiện, họ luôn nghĩ đến cá nhân mìnih trước hết.
Thường khi gặp phải sự xung khắc, họ hãy biểu lộ: phê bình, chỉ trích, hạ bệ
danh dự người khác, thậm chí cả thủ đoạn. Đó là tình trạng “qui Tôi”.
ĐỒNG CẢM, DẤU CHỈ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NGƯỜI DÂNG HIẾN
Chủ đề của Giáo hội
trong 3 năm tới (từ 2019 đến 2022) là Đồng hành với Giới trẻ. Đồng hành với
Giới trẻ ngoài xã hội, trong Giáo hội nói chung và giới trẻ trong giới tu sĩ
nói riêng. Vậy phải làm sao để đồng hành với họ trên lữ hành trần gian?
Đón nhận tất cả ưu khuyết của nhau với sự thông cảm trong gia đình
“Gia đình là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót”. Trong thông
điệp Niềm vui của tình yêu, Đức giáo
hoàng Phanxicô dành phần lớn của chương bốn, để suy tư về tình yêu trong hôn
nhân, dựa vào Bài ca Đức Ái (1Cr 13).
Theo
đó, gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân
thật. Cộng đoàn tu trì cũng là một
gia đình. Trong gia đình này mọi người đều là anh chị em với nhau trong tình
yêu Đức Kitô. Chắc chắn, trên hết mọi đức tính, đức ái trong cộng đoàn sẽ là
điều tối hậu trong việc xây dựng cộng đoàn Nước trời. Chính tình yêu này sẽ đón
nhận những gì người khác là; nói cách
khác, đón nhận ưu khuyết điểm trong sự thông cảm. Thật sự đây là nguồn an ủi,
sức mạnh để cho người anh chị em trong gia đình tu sĩ khi vấp ngã để có thể
đứng dậy và vượt qua giây phút khó khăn trong đời sống tu trì. Nó rất cần một
bàn tay nâng đỡ dậy lúc đang quỵ xuống. Sự thông cảm chính là những bàn tay
này.
Đồng cảm là tìm cách giảm bớt sự đau khổ. Thiên
Chúa không tạo ra các đau khổ cho con người nhưng đấy là một hình phạt bất đắc
dĩ theo sự công bình của Chúa. Ngoài ra, không phải mọi tai họa, mọi sự đau khổ
đều do Chúa gửi đến, mà do chính con người độc ác đã tạo ra cho nhau. Gần đây
người ta phân tích nguyên do đau khổ của loài người thì được biết:
- 85% đau khổ là do người làm khổ người (nghĩa là tà thần xúi dục
người làm khổ người)
- 5% là do thiên tai như mưa, gió, lụt lội…
- 10% là do ngẫu nhiên.
Nếu người yêu người, mỗi người thực hiện tình người với nhau thì 85% đau
khổ sẽ không còn, chỉ còn 15% do thiên tai và ngẫu nhiên. 15% đau khổ này, khi
loài người yêu thương nhau, yên ủi giúp đỡ nhau, thì đau khổ coi như không đáng
kể nữa.[3]
Tha thứ cho nhau
Đỉnh
cao của lòng thông cảm là tha thứ. Lòng khoan dung, sự tha thứ chính là những
giọt nước mát trong sa mạc, là sức mạnh nâng đỡ cả tảng đá đang đè nặng con
người và cộng đoàn. Lời Chúa Giêsu trên cây thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24)
là đỉnh cao của cuộc hiến tế hòa giải. Và lời Chúa Giêsu khẳng định cho những
ai muốn là môn đệ của Người: “Thầy không
bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (xc. Mt 18, 23) là
lời nhắc nhở quyết liệt trong việc thực thi đức ái. Lời kinh Lạy Cha hàng ngày
mà chúng ta thường đọc với nhau: “Xin Cha
tha nợ chúng con như chúng con kẻ có nợ chúng con”, chẳng lẽ là lời “nước
trôi đầu vịt” hay “nước đổ lá môn”?
Hy sinh cho nhau
Nét đẹp bên trong, tận
căn chính là hy sinh cho nhau. “Không có
tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho bạn
hữu.” (Ga 15,12)
Chúa Giêsu đã hy sinh
cho chúng ta trước để làm gương. Chúng ta tiếp tục sự hy sinh này cho đến tận
cùng cuộc đời. Tình yêu không hy sinh là tình yêu giả dối. Hy sinh không tình
yêu là hy sinh vô ích. Nhạc sĩ linh mục
John Nguyễn (Vũ Anh Thu) đã sáng tác bài: Lời kinh Hòa bình diễn tả sự đồng cảm
của tình người. Và cũng diễn tả sự hy sinh một người với tình yêu tuyệt vời:
Khi tôi lầm lỡ, mới biết sớt chia với người lỡ lầm.
Khi tôi nghèo đói, tôi sẽ hiểu nỗi đau người lầm than.
Khi tôi gian nan mới biết sớt chia với người
khốn cùng.
Khi tôi đau khổ, đời tôi mới biết cảm thông.
ĐK. Lạy Chúa ban yêu thương vào trái tim con.
Đã bao lần con đây hờ hững.
Lạy Chúa dạy con yêu thương, dạy con yêu thương.
Cho hòa bình sáng ngời muôn nơi.
Quả
thật, đồng hành với tu sĩ trẻ để giúp họ trưởng thành toàn diện về nhân bản và
tâm linh, thì đồng cảm chính là điều của môn đệ Đức Kitô, là điều sẽ đạt tới
mức cao trong trưởng thành này.
THAY LỜI KẾT
Mẹ Maria, người Mẹ của sự cảm thông
Cuối cùng, chúng ta hãy chiêm ngắm chân dung
Mẹ Maria, mẫu gương đồng cảm cho các tu sĩ. Biến cố cụ thể nhất mà chúng ta
biết được, đó là tiệc cưới Cana (Ga 2, 1 – 11). Chính Mẹ đã chủ động nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi!” Lời Mẹ thốt lên như
một tiếng kêu thay thế của con cái Mẹ trước tình cảnh thật éo le. “Hết rượu!”
đó là một tình thế con người rơi vào bế tắc, đang loay hoay tìm cách giải
quyết. Và rồi chính Mẹ đã thấy được phương thế tuyệt vời nhất: làm theo Chúa
Giêsu, “Hãy làm theo những gì Người nói”.
Chính Chúa Giêsu là câu giải đáp cho việc giải quyết mọi khó khăn, bế tắc. Mẹ
thông cảm với gia đình đôi hôn phối, thì lẽ nào Con của Mẹ làm ngơ. Tất cả đều
phát xuất từ tình yêu đi bước trước. Mẹ như vận động viên đầu tiên đã dừng lại
khi thấy một vận động viên khác quỵ xuống trên đường đua. Và chúng ta noi gương
Mẹ cũng dừng lại với anh em của chúng ta để cùng nhau cầm tay nâng đỡ người anh
em đang té ngã đứng dậy, cùng dìu nhau tiến bước về đến đích đến là Nước trời.
Đó chính là thái độ của sự đồng cảm xuất phát từ tình yêu; chắc chắn nó sẽ mang
lại những điều kỳ diệu trong đời sống đức tin và dâng hiến.
Đăng nhận xét