Nhiệm kỳ Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II
có
một sức mạnh ngoại lệ.
Đó
là một cuộc vật lộn
chống
lại tất cả những vấn nạn nền tảng
của
thời đại chúng ta
và
ngoài ra
ngài
còn tặng chúng ta nguồn vốn tích cực để đi tới. [1]
Nguyễn
Ninh, OP.
Đâu là những vấn đề nóng bỏng của thế giới trong những tháng cuối năm 2020? Đề tài dịch bệnh do covid 19 hẳn vẫn còn rất thời sự. Người ta không thể dự đoán được thời điểm sẽ ngăn chặn được dịch bệnh này, bởi sự biến thể phức tạp của chủng virus này. Mức độ nguy hiểm của nó ở nhiều nơi trên thế giới vẫn hết sức khủng khiếp.
Tuy nhiên,
không vì vậy mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ giảm sức nóng. Các
phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về diễn biến cuộc bầu cử
này. Cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ năm nay, nói như Michael Warsaw,
giám đốc của Mạng lưới Công giáo Toàn cầu EWTN, không hẳn chỉ đơn thuần
để chọn ra một vị tổng thống, đằng sau đó bao hàm nhiều giá trị
của nhân phẩm, triết học và tôn giáo. Một dẫn chứng cụ thể là ta
thấy rõ hai lập trường đối lập của các đảng phái, phò sinh và ủng
hộ phá thai trong cuộc bầu cử này. Xoay quanh vấn đề này, đã có khá
nhiều cuộc nói chuyện của các vị chức trách trong Giáo hội, khẳng
định lập trường của Giáo hội trong các vấn đề thuộc nhân phẩm và
đức tin, qua đó kêu gọi người giáo dân hãy ý thức khi bỏ phiếu bầu
một vị tổng thống.
Mở rộng ra,
ta thấy nhiều vấn đề hiện nay trái nghịch với đức tin Công giáo,
không chỉ diễn ra nơi đời sống giáo dân mà ngay cả trong hàng ngũ các
vị chức trách trong Giáo hội. Báo điện tử Vietcatholic đưa tin một
linh mục ở Ái Nhĩ Lan bị vạ tuyệt thông vì ủng hộ đồng tính luyến
ái, phụ nữ được truyền chức linh mục. Một nữ tu cổ võ dân chủ, khi
được hỏi nghĩ sao về chuyện người ta ủng hộ phá thai đã nói, không
đến lượt tôi phải nói. Giáo hội Đức thì đem các giáo huấn của Giáo
hội Công giáo ra bàn thảo, suy xét mà đức hồng y Rainer Maria Woelki
cảnh báo có thể dẫn đến ly giáo v.v.
Tất cả những
gốc rễ của các vấn đề đó, cả cuộc đời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tiên báo và thao thức
khắc khoải. Chính Đức giáo hoàng
Bênêđictô XVI đã nói về những nỗ lực và đóng góp của thánh nhân như
sau: “Nhiệm kỳ Giáo hoàng của Đức
Gioan Phaolô II có một sức mạnh ngoại lệ. Đó là một cuộc vật lộn
chống lại tất cả những vấn nạn nền tảng của thời đại chúng ta và
ngoài ra ngài còn tặng chúng ta nguồn vốn tích cực để đi tới.”[2]
Những vấn đề
trên đây của thời đại chúng ta hiện nay nguyên do vì đâu, hậu quả như
thế nào và phải làm sao để giải quyết? Chúng ta cùng tìm hiểu quan
điểm của thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolô II cho những thách đố này.
1. Lý trí như
một vườn địa đàng khác
Trước khi bắt
đầu tìm hiểu về các vấn đề đang xảy ra trong xã hội và Giáo hội
của chúng ta hôm nay dưới nhãn quan của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thiết tưởng chúng ta cần
coi lại xu thế chung của thời đại trong việc tôn sùng lý trí như một
chóp đỉnh của con người. Lý trí như một vườn địa đàng, trong đó con
người là chủ và không có sự hiện diện của Thiên Chúa.
Quả vậy, lịch
sử về một tiến trình đức tin của con người vào sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ
thật sự gặp một cuộc biến đổi lớn chưa từng có trong những năm thế kỷ XVI, dẫn
đến tình trạng thế tục hóa và chủ trương vô thần, phủ nhận sự hiện diện của
Thiên Chúa hiện nay. Biến cố đó bắt đầu từ thời cận đại nơi những hạt giống tư
tưởng của triết gia Descartes được gieo vãi. Quả vậy, thời điểm từ triết gia
Descartes trở về trước, niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng tuyệt đối, thống
trị trên con người hầu như ngự trị trong đời sống người dân Tây phương. Tuy
nhiên, Descartes đã đảo ngược vị trí đó, đưa con người lên trên Thiên Chúa, khi
cho rằng, cái tôi lý trí con người là chủ thể nền tảng chắc chắn để biết chân
lý. Thiên Chúa chỉ ở phía sau để bảo đảm cho lý trí con người không sai lầm.
Thiên Chúa ở sau, cái tôi lên hàng đầu. Thiên Chúa mất ngôi chủ thể. Cái tôi là
nền tảng chủ thể. [3]
Khi đề cao cái
tôi và lý trí con người, Descartes đã đặt con người lên một vị trí cao hơn,
quan trọng hơn, đồng thời hạn chế nại đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời
sống con người. Điều này đã mở đường cho các trào lưu tục hóa và chủ trương vô
thần, không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng khẳng định vị trí tuyệt
đối của con người. Những người chủ trương tục hóa và vô thần cho rằng cần phải
loại bỏ niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa nơi đời sống con người, có như
vậy thì con người mới tự do. Vả chăng, nếu có Thiên Chúa thì ngài cũng chỉ là
vị Chúa lạnh lùng, xa cách, thờ ơ với con người, do đó con người phải rời bỏ
Thiên Chúa để tự lập với lý trí và nhân cách của chính mình.[4]
Tiến trình tục
hóa và chủ trương vô thần đề cao cái tôi lý trí và khẳng định vị thế vượt trội
của con người trên Thiên Chúa. Tiến
trình này có thể chia
làm ba giai đoạn chính:
Thời kỳ Khai
Sáng: Những con người trong thế kỷ XVII – XVIII dường như đã đưa lý trí lên một
vị thế tuyệt đối, có quyền hạn trên cả đức tin. Lý trí là chân lý. Họ coi
1.000 năm trung cổ là đêm trường, là bức màn u mê. Khi dùng lý trí để xé toang
bức màn đó, họ cho rằng mình đã được khai sáng, và nhờ lý trí, họ có thể giải
quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của con người. Bacon đã khẳng định: “Cứu cánh của cơ quan chúng tôi là Tri thức
về các nguyên nhân và những chuyển động bí mật của mọi sự; và sự nới rộng biên
giới lãnh vực của con người, để làm tất cả những gì có thể làm.”[5]
Thời Hiện đại:
Nhưng rồi người ta cũng nghi ngờ và đặt lại vấn đề của thứ chân lý mà lý trí
tuyệt đối nắm giữ. Quả vậy, có những lĩnh vực vượt ra ngoài khả năng của lý
trí, chẳng hạn thế giới siêu việt, đức tin, sự hiện hữu của Thiên Chúa và lý
trí không có quyền hạn để đụng vào những lĩnh vực đó. Như vậy, lý trí không
còn giữ được vị trí tuyệt đối của nó nữa.[6]
Từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, được gọi là thời đại duy lý, người ta xét lại
và thấy rằng, cái gì hợp lý, dựa trên suy luận theo phương pháp khoa học là
chân lý.
Thời Hậu hiện
đại: Bước sang thế kỷ XXI, cái lý tính, duy lý đó đã bị lung lay. Chẳng thể có
cái gọi là hợp lý cho tất cả. Người ta gọi thời đại hôm nay là thời hậu sự
thật. Chứng kiến sự đổ vỡ của những ý thức hệ từ trước tới nay, người ta chán
nản việc tìm kiếm cái gọi là chân lý. Thôi thì bỏ cuộc, đừng tìm chân lý nữa.
Đúng hơn, đừng coi trọng chân lý siêu hình mơ hồ nữa, cái quan trọng là cách
diễn giải nó. Mọi vấn đề đều không quan trọng, chỉ ý kiến của tôi, cách nhìn
nhận của tôi về vấn đề đó mới đáng lưu tâm và như vậy mỗi người nắm một thứ mà
họ cho là chân lý của riêng mình. Như vậy, nền tảng chung từ trước tới nay đã
bị bẻ vỡ vụn, và thay bằng một nền tảng riêng, hành động của con người tùy vào
từng cá nhân riêng biệt. Tất cả chỉ mang tính tương đối.
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khi nhận xét về thời đại này đã
không hẳn phủ nhận hoàn toàn mọi mặt của nó. Việc đề cao lý trí,
phần nào đó đã kéo sự chú ý đến
con người, dành cho con người một sự tôn trọng. Nhưng ngài cho thấy
nguy cơ là việc tìm kiếm Chân lý tối hậu dường như bị bê trễ. Khi đề
cao con người thái quá, dường như lý trí quên mất chủ thể này phải
hướng về một Chân lý trổi vượt hơn mình[7]. Mọi vấn đề của con
người được giải đáp bằng một thứ chân lý phiến diện tạm bợ, bó
buộc trong một mớ kiến thức, tùy theo hoàn cảnh, không dựa trên nền
tảng Chân lý phổ quát về ý nghĩa hữu thể. Lý trí hoàn toàn tự do
để hành động, không hề có một sự quy chiếu vào Chân lý phổ quát.
Con người phủ nhận khả năng
của lý trí nhận biết Chân lý phổ quát.
Chỉ dựa vào lý trí, con người chấp nhận một thứ chân lý có
vẻ phù hợp với lý trí con người và những gì vượt trên sự hiểu
biết của lý trí thì cho là không thể biết được, hoặc không đáng bận
tâm. Như vậy, đức tin không còn khả dụng nữa, thậm chí hoàn toàn bị
loại trừ, tách bạch với lý trí. Quan điểm này dẫn con người đến
chủ thuyết bất khả tri. Từ đó, chối bỏ có một chân lý phổ quát và
khả năng nhận biết chân lý phổ quát của lý trí, được soi rọi bởi
ánh sáng tự nhiên trong sự tin tưởng vào Chân lý phổ quát.
Thê thảm hơn, khi nhận ra sự bất lực của một lý trí đơn độc,
đầy những giới hạn thì con người đã không còn biết bám vào đâu để
tiếp tục tìm kiếm Chân lý, tìm kiếm ý nghĩa cuộc nhân sinh. Đứng
trước nỗi trống trải, hoang mang tuyệt vọng đó con người buông mình
vào chủ thuyết hư vô, lấy việc nghiên cứu như chính mục đích, không
còn Chân lý nữa. Tìm kiếm lời giải đáp cho mọi vấn đề của con
người bằng lý trí chỉ dẫn đưa con người đến một sự hoài nghi phổ
quát, sự tuyệt vọng, nỗi trống trải, hư vô. [8]
Không nại đến một Chân lý phổ quát phát xuất từ Thiên Chúa
nhưng dựa vào chính con người thì rồi cũng đổ bể. Đức giáo hoàng
Gioan Phaolô II cho thấy, con người là hữu thể bất toàn, không tự túc
nên mọi ảo tưởng tự lập tách biệt khỏi Thiên Chúa đều dẫn con người
đến sự tự hủy hoại ghê gớm ý nghĩa nhân sinh. Ngài khuyến cáo: “Quả thật chính việc loại bỏ Thiên
Chúa, là nguồn gốc tất cả mọi sự dữ hiện nay, từ việc phá hủy sự
sống ngay lúc khởi đầu cho đến tất cả những bất công xã hội, qua
việc mất ý thức về luân lý.”[9]
Cuộc cách mạng trí tuệ đã khiến con người ảo tưởng về sức
mạnh của mình, đâm ra tôn thờ con người, đã đặt nền móng cho một
cuộc giải trừ Thiên Chúa. Từ đó mà phát sinh ra nhiều sai lầm trong
việc định nghĩa về chân lý và dẫn đến những sai lạc trong hành động
nơi nhân loại. Một xã hội đề cao lý trí và chối bỏ Thiên Chúa đã gặp phải
những hủy hoại khủng khiếp mà con người thấy rõ qua các chế độ độc tài trong
thế kỷ XX. Xã hội hôm nay, một xã hội hỗn độn đặt trên nền tảng của ngẫu tượng,
lôi kéo con người xa rời Thiên Chúa, dẫn đến vô vàn cái ác mà chúng ta bắt gặp
đầy rẫy trong đời sống.
Một khi các giá trị nhân phẩm không còn được đặt trên nền tảng
của một hữu thể đặt trong tương quan với Thiên Chúa là Chân lý phổ
quát, thì ngay cả vị thế của nhân phẩm theo chủ trương nhân văn cũng
đổ bể. Ngày nay nhân phẩm con người nhiều khi bị đánh đồng với giá
trị các loại dụng cụ. Con người như món hàng. Chân lý về con người
chỉ là những thuật toán sinh hóa phức tạp. Điều này càng dẫn đến
nguy cơ của một cuộc hạ giá nhân phẩm trầm trọng nhất. Nếu thế kỷ
XVIII con người hất cẳng Chúa và lấy chính mình làm trung tâm thì
trong thế kỷ XXI, chính con người bị hất cẳng vì con người không còn
là trung tâm nữa, mà là công nghệ, dữ liệu và các thuật toán sẽ
kiểm soát, điều khiển cả con người. [10]
Nhưng đừng
quên, con người có khả năng nhận biết Chân lý phổ quát.
Đối lại với các chủ thuyết trên, Đức Gioan Phaolô II khẳng định
có một Chân lý phổ quát và Chân lý đó có thể được con người nhận
biết nhờ sự kết hợp của đức tin và lý trí. Ngài mượn lời thánh
Tôma Aquinô, chân lý là sự tương hợp giữa lý trí và thực tại. Chẳng
hạn ta nghĩ trong đầu hôm nay là thứ hai và đúng hôm nay là thứ hai,
thì đó là chân lý. Như vậy, có nhiều chân lý ở nhiều lĩnh vực khác
nhau. Chân lý trong kinh nghiệm đời sống thường ngày, trong các lĩnh
vực khoa học, triết học, nhân văn, tôn giáo v.v. Nhưng bao trùm lên tất
cả những chân lý đó là một Chân lý tuyệt đối, phát xuất từ Thiên
Chúa, được mặc khải trọn vẹn nơi chính Đức Giêsu Kitô và được Giáo
hội giảng dạy vì Giáo hội đã được Thiên Chúa trợ giúp và linh
hứng.[11] Chân
lý đó phải là điểm quy chiếu cho sự sống con người.
Ngài nhấn mạnh: “Phải đinh ninh
là con người có khả năng nhận biết chân lý, thứ nhận biết đạt tới
chân lý khách quan, vì chân lý là sự tương hợp giữa sự vật và trí
tuệ.” [12] Trong
đó, lý trí đóng một vai trò quan trọng để nhận biết chân lý. Tuy
nhiên, lý trí trong việc tìm kiếm chân lý, luôn phải hướng về chân lý
bằng ánh sáng tự nhiên của chính lý trí và bằng một tương quan chắc
chắn với đức tin, với ân sủng.
2. Lý trí tự do
vượt ra khỏi hàng rào của nó
Sau khi đề cao lý trí, đưa lý trí lên một tầm cao không chỉ cắt
đứt mọi liên hệ giữa lý trí với đức tin, con người còn cấp cho lý
trí một thẩm quyền tự lập vượt trên Chân lý phổ quát. Cũng trong
luồng tư tưởng đề cao tự do đó, với lý do nhân bản, bảo vệ đời sống
Kitô hữu trước những thay đổi thời đại, thích ứng với nền văn hóa
biệt loại, một số thần học gia chủ trương cho con người được tự do
hơn trong những phán đoán về hành vi luân lý. Theo đó, họ phân biệt “một cấp trật đạo đức (unordre éthique) sẽ
chỉ bắt nguồn từ con người và sẽ chỉ có giá trị trần thế với một cấp trật cứu
độ (ordre du salut) mà chỉ một số ý hướng và thái độ bên trong đối
với Thiên Chúa và đối với tha nhân mới quan trọng mà thôi.”[13]
Từ đó, dẫn đến quan điểm xem chân lý phổ quát nơi Thiên Chúa là
những luật chung, dừng lại ở một tầm mức nào đó, còn đi vào chi
tiết các nền văn hóa, các cá nhân, các hoàn cảnh khác nhau thì dựa
vào lý trí con người mà đưa ra quyết định cụ thể. Và vì vậy, thẩm
quyền của Giáo hội chỉ dừng lại ở mức đưa ra lời khuyên, còn lựa
chọn và quyết định cụ thể sẽ tùy lương tâm mỗi cá nhân.
Một hệ luận trực tiếp suy ra từ đó là việc tạo ra một hệ
thống luân lý không phát xuất từ chân lý tối thượng là Thiên Chúa mà
chỉ phát xuất từ con người, thuần túy nhân bản. Con người làm lơ đi
trước Chân lý phổ quát, và hài lòng với những giải pháp tương đối
của mình. Với tôn giáo, người ta quan niệm đạo nào cũng như nhau, đều
dạy con người ăn ngay ở lành. Xa hơn, người ta thừa nhận sự đa chiều,
thậm chí đối lập của của nhận thức. Theo đó, mọi nhận thức đều
đúng, đều có giá trị, ít là với chủ thể nhận thức. Nghiêm trọng
hơn, do bản tính bất toàn, yếu đuối, con người luôn có thể đưa ra
những phán đoán và hành vi đối nghịch với Chân lý. Tính tương đối
trong các lựa chọn dẫn con người đến thái độ xem một số cái đối
nghịch với Chân lý là có thể chấp nhận được.
Có thể với các Kitô hữu, khi tìm cách thực hiện điều mà họ
gọi là lựa chọn tương đối, thì họ không công khai chống lại các luật
lệ phát xuất từ Thiên Chúa, như một chủ trương của chủ nghĩa vô
thần, nhưng có nguy cơ họ không ưu tiên chọn lựa tuân theo mệnh lệnh
tuyệt đối của Thiên Chúa.[14]
Phải hiểu tự do như thế
nào?
Với quan điểm về tự do của lý trí nơi các thần học gia trên
đây, Đức Gioan Phaolô II đã dứt khoát phản bác, ngài cho thấy lối lập
luận đó sẽ dẫn tới sự phủ nhận những chân lý luân lý được Thiên
Chúa mặc khải và “một quan niệm như
thế về tính chất tự lập sẽ tức khắc dẫn đến chỗ phủ nhận thẩm
quyền đặc biệt của Giáo hội và bất khả dung hợp với học thuyết
Công giáo.”[15]
Ngay phần bàn về tương quan giữa tự do và luật luân lý, ngài đã
nêu lên câu chuyện trong Cựu Ước. Thiên Chúa cấm Ađam và Eva ăn trái
của cây biết lành biết dữ. Con người có tự do ăn trái cây trong vườn,
nhưng không phải là vô hạn, vì không được ăn trái cây biết lành biết
dữ (St 2,16-17). Điều đó cho thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có
quyền quyết định sự thiện và sự dữ. Ngài nêu lên một nguyên tắc căn
bản: “quyền quyết định điều thiện
điều dữ không thuộc về con người nhưng thuộc về Thiên Chúa mà thôi.”
[16] Con
người chỉ dự phần vào đó bằng sự hiểu biết của lý trí và ơn sủng
mặc khải, để nhờ đó nhận ra những đòi buộc và mời gọi của Khôn
Ngoan vĩnh cửu. [17]
Nói như
vậy, không có nghĩa là thánh Giáo hoàng phủ nhận sự tự do của lý
trí. Trái lại, ngài cho thấy Thiên Chúa đã ban cho con người tự do và
tự do đó đã được Thiên Chúa coi trọng. “Thiên Chúa đã muốn để cho con người tự bàn bạc với chính
mình” (Hc 15, 14). Nhưng tự bàn bạc với chính mình không có nghĩa
là tự lập với Thiên Chúa mà là dùng lý trí của chính mính, lý
trí vốn được ánh sáng tư nhiên soi chiếu, lý trí vốn bắt nguồn và
quy hướng về Thiên Chúa để tìm kiếm Chân lý. Do vậy, sự tự do ở đây
phải được đặt trong một sự quy hướng về chuẩn mực phổ quát.
Quả vậy, lý trí con người lệ thuộc sự khôn ngoan của Thiên
Chúa. Hơn nữa, lý trí con người bị giới hạn và ràng buộc bởi bản
tính mang nơi nó sự yếu đuối. Con người nỗ lực thoát ra khỏi những
ràng buộc, giới hạn của một thụ tạo, để được tự do tìm kiếm, đạt được
sự tương ứng nơi Chân lý phổ quát, là chính sự khôn ngoan của Thiên
chúa, đấng duy nhất tốt lành. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Anh em sẽ nhận biết Chân lý và Chân lý
sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Theo học thuyết của Giáo hội, “chỉ có tự do tuân phục Chân lý mới
dẫn con người tới sự thiện đích thực của con người. Sự thiện của
con người, đó là ở trong Chân lý và làm theo Chân lý.”[18]
3. Mở cổng nơi
hàng rào đức tin
Sau khi đã cấp cho lý trí một thẩm quyền tự do vượt ra ngoài
giới hạn của nó, người ta nhận ra rằng tự do lắm lúc đã thật sự
không thể kiểm soát được nữa, gây ra những hệ lụy xấu vì sự buông
tuồng của nó. Điều đáng nói là họ không tìm cách để xét lại cái
tự do rộng rãi đó. Thay vì vậy, người ta tìm cách biện minh cho nó,
bằng cách cố gắng kéo đức tin xuống gần nó hơn, bằng cách mở toang
cái hàng rào giữ gìn đức tin, bằng cách “biến đổi đức tin và nội dung của nó (…) thành những cơ cấu
biện lý có thể quan niệm cách hữu lý.” [19]
Ngày nay, ngay cả trong thần học, cũng có một khuynh hướng uốn
mình theo tư tưởng hợp lý hóa đó. Xét các vấn đề về đức tin trên
một nền tảng hợp lý của lý trí được coi như có vẻ chắc chắn và
thịnh hành nơi ngôn ngữ và văn hóa đương thời. Nhất là về mặt triết
học, có một sự ngộ nhận về các trào lưu triết học hiện nay, xem
triết học như một quy chiếu để nghiên cứu thần học.[20] Một ví dụ điển hình cho
vấn đề này là Bộ giáo lý đức tin đã can thiệp để khuyến cáo một
số nhà thần học giải phóng ủng hộ một số lập trường của chủ
thuyết Mac-xit để đấu tranh cho công bằng và xã hội ở Nam Mỹ. Ngoài
ra, hiện nay ta còn thấy rõ sức ảnh hưởng của các chủ thuyết nhân
văn, hiện sinh và tương đối lên một số quan điểm thần học về vấn đề
nữ quyền, giới tính, sự sống v.v. nhưng bất dung hợp với Huấn quyền
của Giáo hội.
Ngài cũng cảnh báo, xảy ra điều đó là vì một số thần học gia
thiếu sự hiểu biết thật sự về triết học, họ tìm cách nối kết Tin
Mừng với cuộc sống hiện tại bằng một số tư tưởng đang thịnh hành và
có vẻ như là hợp lý mà thiếu sự hiểu biết thật sự để phê bình
nó. Họ chấp nhận sử dụng nhiều quan niệm triết học khác nhau theo
lối chiết trung, tức dung nạp một cách máy móc, mà không đặt nó
trong nguồn gốc, bối cảnh lịch sử hay tính mạch lạc tổng thể của
nó. Điều đó có nguy cơ khiến họ không phân biệt được phần nào thích
hợp phần nào không thích hợp, phần nào là chân lý phần nào là sai
lầm có thể có nơi nó. [21]
Quan điểm hợp lý kiểu này “gây
ra sự thất tín vào mọi cách viện lý cho đức tin.”[22] và rõ
ràng phủ nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và
biết cái gì tốt cho con người. Đi tìm một giải pháp hợp lý người ta
sống trong một thế giới tục hóa, như không có sự hiện hữu của Thiên
Chúa. “Người ta đưa ra cái mà người ta
gọi là những tình huống cụ thể, vì trong thâm tâm người ta không còn tin rằng
Luật Thiên Chúa thì luôn mãi là sự thiện chân thật duy nhất của con người”.[23]
Thêm nữa, hoài nghi về tính phổ quát và trường tồn của Chân
lý, họ đem các Giáo huấn của Giáo hội ra bàn thảo, bỏ phiếu như
thể một bộ luật xã hội chính trị của con người trong một quốc gia.
Các Giáo huấn của Giáo hội chỉ đơn giản được xem là còn thích hợp
hay không còn thích hợp với xã hội địa phương hiện tại. Thế nhưng,
khi tìm cách hợp lý hóa các chân lý đức tin thì không những họ gạt
bỏ thẩm quyền của Giáo hội, mà sâu xa hơn là gạt bỏ Thiên Chúa. “Không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là
chúng gạt bỏ Ta, không chịu để ta làm vua của chúng” (1Sm 8,7).
Đức tin và lý trí là đôi
cánh nâng con người lên Chân lý
Đối lại quan điểm thần học trên đây, Đức Gioan Phaolô II nêu lại
tuyên bố dứt khoát rõ ràng của Công đồng Vatican I. “Những tín hữu chẳng những không được
bảo vệ những ý kiến bị coi là nghịch với đức tin như là những kết
luận hợp pháp của khoa học, nhất là khi những ý kiến ấy đã bị
Giáo hội luận phi, trái lại phải coi chúng như những sai lầm ngụy
trang dưới bộ dạng chân lý.”[24] Qua đó, ngài khẳng định một cách chắc chắn về Chân lý
và Huấn quyền của Giáo hội, đồng thời yêu cầu phải “phân biệt rõ ràng giữa những mầu
nhiệm đức tin và và những khám phá triết học, cũng như sự siêu việt
và ưu tiên của những mầu nhiệm đức tin đối với những khám phá triết
học.” [25]
Ngài cho thấy đức tin Kitô giáo không chỉ là một tập hợp những
luật lệ để cho lý trí xem xét và chuẩn nhận. Đức tin là một sự
nhận thức và sống kinh nghiệm sống của Đức Kitô. Đức tin đó phải
được đưa ra hành động theo sự xác tín của nó. Tin vào Đức Kitô và
sống theo Đức Kitô. “Đức tin mà không
có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). “Ai nói mình biết Chúa mà không giữ các giới răn của Người
thì chỉ là kẻ nói dối. Và chân lý không ở nơi người ấy” (1 Ga.
2,4).[26] Đàng khác, “lý trí tự nhiên không bao giờ có thể thấu hiểu những mầu
nhiệm cũng một cách như những chân lý thuộc về đối tượng riêng của
nó.”[27]
Tuy nhiên, dù đức tin vượt trên lý trí nhưng không bao giờ có sự
xung khắc giữa đức tin với lý trí, vì “cũng một Thiên Chúa mặc khải những mầu nhiệm và thông ban
đức tin là Đấng ban ánh sáng của lý lẽ xuống trong trí khôn nhân
loại. Thiên Chúa không phủ nhận chính mình cũng như Chân lý không bao
giờ tương phản với Chân lý.”[28]. Đức tin và lý trí giúp
con người đạt đến chân lý và không thể có cái này mà không có cái
kia. Lý trí mà thiếu trợ lực của đức tin thì chỉ dừng lại ở những
điều ngắn hạn, tạm bợ vụn vặt mà ngài gọi là những con đường
nhánh, không thể đi đến tận cùng con đường cứu cánh, con đường chân
lý tuyệt đối. Đức tin mà không có lý trí thì dễ lầm lạc mê tín.
Đức Gioan Phaolô II không phủ nhận vai trò của lý trí. Trái lại,
ngài đề cao vai trò của lý trí, ngay trong việc xét lý trí dưới
lĩnh vực riêng biệt, tự lập của nó. Cuộc cách mạng lý trí trí đã
đem lại cho con người nhiều thành tựu về mặt khoa học, đồng thời nó
cũng kéo sự chú ý đến con người, cố gắng xây dựng cuộc sống con
người xứng đáng hơn, cổ võ phát triển văn hóa, lịch sử v.v. Thật
vậy, ngài đã nêu lên tầm quan trọng của lý trí trong việc tìm kiếm
chân lý thuộc thẩm quyền riêng của lý trí khi nhắc lại giai đoạn
thời trung cổ, lý trí đã được các vị thánh lớn của Giáo hội đưa
lên một vị trí trổi vượt hẳn so với các thời kỳ trước đó. Khởi đi
từ thánh Albeto Cả và thánh Tôma Aquinô, là “những người đầu tiên nhìn nhận quyền tự quyết cần thiết để
triết học và khoa học hoạt động cách hữu hiệu trong lĩnh vực liên
hệ.” [29]
Hơn nữa, ngài đề cao vai trò của lý trí, không chỉ vì nó đã
đem lại một sự phát triển vượt bậc từ những cuộc cách mạng công
nghiệp, cách mạng tri thức nhưng còn bởi vị thế của nó trong khả
năng nhận biết Chân lý thiện hảo.
Thật vậy, lý trí trong ánh sáng tự nhiên là lý trí luôn khao
khát và hy vọng để đạt tới chân lý. Trong khoa học thực nghiệm, lý
trí của nhà khoa học luôn nỗ lực cách hăng say và yêu mến để đạt
được điều họ tin là có thể, khi họ ra công tìm hiểu nó. Điều đó
cũng tương tự trong hành trình đi tìm Chân lý tối hậu của lý trí, luôn
khao khát, yêu mến cách chân thành cùng một niềm tin vững mạnh.[30] Ngài
trích lại lời thánh Tôma: “Lý trí
được đức tin soi sáng được giải thoát khỏi những mong manh và những
giới hạn phát sinh do sự bất tuân của tội lỗi, và tìm được sức
mạnh cần thiết để vươn mình lên đến chỗ nhận biết chân lý.”[31]
Sự kết hợp hài hòa giữa đức tin và lý trí, sẽ giúp cho con
người đạt đến Chân lý, cụ thể là đưa ra những giải pháp khả dĩ:
Dung hòa được yếu tố tự nhiên và đặc tính
siêu nhiên, tính cách phàm tục của thế giới và tính cách triệt để của Tin Mừng,
như vậy là tránh được khuynh hướng phản thiên nhiên, chối bỏ thế giới và những
giá trị của nó, nhưng không vì thế mà xúc phạm đến những yêu sách tối cao và
bất khuất của lãnh vực siêu nhiên.[32]
Tạm kết
Ký giả Peter Seewald trong cuộc phỏng vấn đức Bênêđictô XVI đã cho
rằng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là đá tảng của thế kỷ XX, là
vị giáo hoàng ảnh hưởng trên Giáo hội mạnh hơn nhiều vị tiền nhiệm
khác. Quả vậy, trong suốt 26 năm triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan
Phaolô đã làm nhiều việc để bảo vệ Chân lý, bảo vệ Giáo hội trước
làn sóng tấn công của thế tục hóa, cũng như cổ võ các giá trị của
Tin Mừng, xây dựng một nền văn mình tình thương trước một thế giới
đang lao theo nền văn minh của sự chết. Những cảnh báo của ngài về
một thế giới khủng hoảng xem ra ngày càng ứng nghiệm hơn. Ứng nghiệm
hơn bởi những gì ngài cảnh báo đang xảy ra ngày càng nhiều, ở một
mực độ quyết liệt hơn và trên một bình diện rộng lớn hơn. Thiết
nghĩ, trước làn sóng tấn công liên tục của trào lưu tục hóa, Giáo
hội lại phải lần giở lại những tâm tư và khắc khoải của thánh nhân,
để đương đầu với thử thách và để sống chứng tá người Kitô hữu trong
thế giới hôm nay.
[1] Bênêđictô XVI, Thiên Chúa và trần thế,
Dg. Phạm Hồng Lam (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), tr. 450.
[2] Bênêđictô XVI, Thiên Chúa và trần thế,
Dg. Phạm Hồng Lam (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), tr. 450.
[3] X. Dominique Morin, Gọi tên Thượng đế, Dg. Đặng
Xuân Thành và Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội: Phương Đông, 2008), tr. 114 – 116.
[4] X. Dominique Morin, sđd., tr. 117.
[5] Will
Durant, Câu chuyện triết học, Dg. Trí Hải và Bửu Đích (Hà Nội: Hồng Đức, 2014), tr. 136.
[6] X.
Will Durant, sđd., tr. 211 - 212.
[7] X. Gioan Phaolô II,
Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 5. Bản dịch Việt ngữ trích từ:
http://catechesis.net/thong-diep-fides-et-ratio-duc-tin-va-ly-tri-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-14-09-1998-1/
[8] X. Gioan Phaolô II,
Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 81.
[9] Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin tưởng và
hy vọng, số 8. HVĐM
[10] Yuval Noah Harari, Lược sử tương lai, Dg. Dương Ngọc Trà (Hà Nội: Thế Giới, 2019), tr. 463.
[11] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin tưởng
và hy vọng, số 21.
[12] Gioan Phaolô II,
Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 82.
[13] Gioan Phaolô II,
Thông điệp Ánh rạng ngời chân lý (1993), số 37. Bản dịch Việt ngữ
trích từ: https://xuanbichvietnam.wordpress.com/ 2009/06/10/
veritatis-splendor/
[14] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin tưởng và
hy vọng, số 179. HVĐM
[15] Gioan
Phaolô II, Thông điệp Ánh rạng ngời chân lý (1993), số 37.
[16]
Ibid., số 35.
[17] X.
Ibid., số 41.
[18] Gioan
Phaolô II, Thông điệp Ánh rạng ngời chân lý (1993), số 84.
[19] Gioan Phaolô II,
Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 46.
[20] X. Ibid., số 55.
[21] X. Ibid., số 86.
[22] Ibid., số 45.
[23] Gioan
Phaolô II, Thông điệp Ánh rạng ngời chân lý (1993), số 84.
[24] Gioan Phaolô II,
Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 55.
[25] Ibid., số 53.
[26] Gioan Phaolô II,
Thông điệp Ánh rạng ngời chân lý (1993), số 88.
[27] Gioan
Phaolô II, Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 55.
[28] Ibid., số 53.
[29] Gioan Phaolô II,
Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 45.
[30] X. Gioan Phaolô II,
Thông điệp Đức tin và lý trí (1998), số 29.
[31] Ibid., số 43.
[32] Ibid., số 43.
Đăng nhận xét