ĐGH Gioan Phaolô Ii, Vị Thánh Có Nhân Cách Vĩ Đại

 

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
là một người có nhân cách vĩ đại,
được nhiều người yêu mến và trân trọng.
Một mặt, ngài trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô
đã được các Tông đồ truyền lại
và được Huấn quyền của Giáo Hội chấp nhận.
Mặt khác, ngài cũng đem đến một luồng sinh khí tươi mới
vào trong Giáo Hội qua việc gặp gỡ với Thiên Chúa,
gặp gỡ với người trẻ, gặp gỡ đoàn chiên
và gặp gỡ những người có thiện chí muốn xây dựng hòa bình.

Dom. Trí Dũng, OP.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu rằng:

Thánh Gioan Phaolô II là một món quà đặc biệt từ Thiên Chúa đến cho Giáo Hội và cho Ba Lan, quê hương của ngài. Cuộc hành hương trần thế của ngài - bắt đầu vào ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice và kết thúc cách đây 15 năm tại Rôma - được đánh dấu bằng niềm đam mê cuộc sống và niềm say mê đối với mầu nhiệm của Thiên Chúa, thế giới và con người.[1]

Suốt những năm tháng còn tại thế, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dùng những ân huệ Thiên Chúa ban để thu hút, để lôi kéo và để hướng dẫn nhiều người tìm về với Đấng là Chân-Thiện-Mỹ. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài, người viết xin được điểm qua một số điểm nổi bật trong cuộc đời của vị thánh đáng tôn kính này.



Đôi nét tiểu sử thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tên thật là Karol Wojtyla, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, Ba Lan. Cha của ngài, cũng tên là Karol, là một trung úy quân đội Ba Lan, và mẹ của ngài là Emilia là một giáo viên của trường. Hai người có ba người con: Edmund năm 1906; Olga, người chết ngay sau khi sinh; và Karol, được đặt tên theo cha của mình, vào năm 1920.

Karol là một người vui tươi, một sinh viên giỏi và một diễn viên đầy khát vọng. Sau khi tốt nghiệp trung học, cậu đăng ký vào Đại học Jagiellonian ở Krakow và vào một trường kịch nghệ vào năm 1938. Lực lượng chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Ba Lan đã đóng cửa trường đại học vào năm 1939, và chàng trai trẻ Karol phải làm việc trong một mỏ đá trong bốn năm, sau đó ở nhà máy hóa chất Solvay để kiếm sống và tránh bị trục xuất sang Đức. Tệ hơn nữa, Karol đã mất toàn bộ gia đình ruột thịt khi vẫn còn là một chàng trai trẻ. Mẹ mất năm 1929; anh trai Edmund-một bác sĩ mất năm 1932 và cha ngài mất năm 1941.

Năm 1942, nhận thức được lời kêu gọi để làm linh mục, ngài bắt đầu các khóa học tại chủng viện bí mật của Krakow do Hồng y Adam Stefan Sapieha, Tổng Giám mục Krakow điều hành. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ngài tiếp tục theo học tại đại Chủng viện Krakow sau khi Chủng viện này mở cửa trở lại, và học trong khoa thần học của Đại học Jagiellonian. Ngài được truyền chức linh mục tại Krakow vào ngày 1 tháng 11 năm 1946.

Vào ngày 13 tháng 1 năm 1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Krakow, và sau đó làm Hồng y vào ngày 26 tháng 6 năm 1967. Được bầu vào năm 1978, ngài là vị Giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên sau 455 năm.[2] Sau 27 năm trong cương vị Giáo hoàng, ngài qua đời tại Vatican ngày 02 tháng 04 năm 2005, lúc 21 giờ 37 phút. Từ chiều hôm ấy cho đến lễ an táng của ngài vào ngày 08 tháng 04, đã có hơn ba triệu khách hành hương đến Rôma để kính viếng, dù phải xếp hàng chờ đợi cả 24 giờ mới có thể vào được bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Điều ấy cho thấy sự thánh thiện và sức lôi cuốn của ngài mạnh mẽ thế nào đối với toàn thể Giáo Hội Công Giáo và nhiều người trên mọi người.

Chúa nhật, ngày 27 tháng 4 năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm là Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các Hồng y, Giám mục, Linh mục, giáo dân và đông đảo mọi người thiện chí đến từ các nước.[3]

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị thánh Giáo Hoàng yêu mến người trẻ

Hiếm có vị Giáo Hoàng nào được các bạn giới trẻ yêu mến như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Dù tuổi tác của ngài cao hơn nhiều so với các bạn giới trẻ, nhưng đó không phải là một cản trở cho việc gặp gỡ và đối thoại. Họ tìm đến với ngài vừa để học hỏi sự khôn ngoan thông thái với tư cách ngài là người thuộc về Chúa, vừa để tìm được sự đồng cảm và nâng đỡ cho đời sống đức tin. Không chỉ các bạn giới trẻ Công Giáo mà còn rất nhiều người có thiện chí đều quý mến và cảm phục nhân cách của một con người có đời sống thấm đượm tinh thần Tin Mừng.

Ngài có sáng kiến lập ra ngày Đại hội Giới trẻ Quốc tế để quy tụ các bạn trẻ trong nỗ lực đồng hành và thăng tiến đời sống đức tin của họ. Quả thế, nguồn gốc của Đại hội Giới trẻ Thế giới gắn liền với hai sự kiện đặc trưng, trong đó những người trẻ là những nhân vật chính. Đó là Năm Thánh năm 1984 và năm Thanh niên Quốc tế năm 1985. Nhằm đáp ứng lời thỉnh nguyện của nhiều người trẻ về việc Giáo Hội nên có những tiếp xúc và hướng dẫn người trẻ nhiều hơn trong hành trình đức tin, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao cho giới trẻ Thánh Giá, là một biểu tượng của Năm Thánh. Thánh giá này đã trở thành Thánh Giá của thanh niên, Thánh giá của Đại hội Giới trẻ thế giới.

Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 1986 tại Ý là Đại hội Giới trẻ Thế giới đầu tiên sau khi biến cố này chính thức được thiết lập trong Giáo Hội và đã được tổ chức ở cấp giáo phận với chủ đề “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về Niềm Hy Vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Một năm sau đó, năm 1987, Đại hội Giới trẻ thế giới đầu tiên bên ngoài Rôma đã diễn ra vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá tại Buenos Aires, nước Argentina với chủ đề: “Chúng ta đã nhận biết Tình Yêu Thiên Chúa nơi chúng ta và chúng ta đã tin vào Tình Yêu ấy” (1 Ga 4,16). Đây là Đại hội Giới trẻ Thế giới cấp quốc tế đầu tiên quy tụ giới trẻ ở Buenos Aires để gặp gỡ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong bài nói chuyện với các bạn trẻ, ngài phát biểu như sau: “Cha nhắc lại điều mà các con đã biết. Cha đã từng nói kể từ ngày đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của cha rằng: các con là niềm hy vọng của Giáo Hội”. Đại hội Giới trẻ Thế giới này đã thu hút hơn một triệu thanh niên.

Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2002 tại Toronto với chủ đề “Các con là Muối cho đời… Các con là Ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13-14). Đây là Đại hội cuối cùng do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ sự. Đức Thánh Cha đã đề cao sức mạnh của tuổi trẻ như sau:

Hỡi tinh thần của tuổi trẻ, tinh thần của tuổi trẻ! Mặc dù cha đã từng sống giữa bóng tối, dưới chế độ độc tài toàn trị khắc nghiệt, nhưng cha vẫn có đủ lý trí tự thuyết phục chính bản thân mình một cách vững vàng mà không chùn bước hay sợ hãi khi hoàn toàn tin tưởng rằng niềm hy vọng luôn chảy tràn trong trái tim các bạn trẻ mà không bị bóp nghẹt.[4]

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - con người yêu thích cầu nguyện

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là chứng nhân Kitô giáo vĩ đại của thời đại chúng ta. Ngài là gương mẫu về một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội.  Thánh nhân là người có đời sống cầu nguyện sâu sắc, hết lòng yêu mến và tin cậy Thiên Chúa, đồng thời cũng có lòng sùng kính sâu sắc đối với Đức Maria. Lần chuỗi Mân Côi là một trong những việc cầu nguyện yêu thích của ngài, và thậm chí ngài còn mang lại cho Giáo Hội một phương pháp mới để chiêm nghiệm những chân lý về Chúa Giêsu dưới hình thức các Mầu nhiệm Sáng của Kinh Mân Côi.

Giống như thánh Têrêxa thành Calcutta, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng từng trải qua thời kỳ tăm tối và nghi ngờ. Trong cuốn nhật ký cá nhân của mình, ngài cho hay đôi khi ngài đau khổ về việc liệu mình có làm đủ để phụng sự Chúa hay không. Ngoài những đau khổ về tinh thần, Đức Giáo hoàng còn phải chịu đựng đau khổ nơi thân xác sau vụ tấn công của kẻ khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13 tháng 5 năm 1981. Trong vài năm cuối đời, ngài cũng gặp phải các vấn đề sức khỏe khác dưới dạng bệnh Parkinson nghiêm trọng. Điều đáng chú ý nhất là thánh nhân đã có thể vượt qua những thời kỳ đen tối đó nhờ cầu nguyện.

Trước mỗi chuyến công du, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cầu nguyện rất nhiều và xưng tội trước khi đi công du. Ngài vẫn giữ thói quen rất lành thánh là xưng tội hàng tuần. Ngài cổ võ mạnh mẽ cho việc tôn sùng Thánh Thể. Khi phải viết về những giáo huấn liên quan đến đức tin, ngài thường quỳ gối viết trước Thánh thể. Ngài đã đi đến 129 quốc gia với mục tiêu loan báo Tin Mừng và tạo nên sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Ngoài ra, những cuộc thăm viếng của ngài còn giúp gia tăng việc đối thoại giữa Đạo Công Giáo với các tôn giáo khác cũng như với thực tại chính trị- xã hội ngay trong quốc gia đó. Đó là lý do tại sao các cuộc hành hương này luôn tập trung vào các nghi thức phụng vụ, lời cầu nguyện, tôn sùng Thánh Thể, tập họp đại kết và liên tôn. Tất cả những điều này là một phần không thể thiếu trong các chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng này.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Vị Giáo hoàng có tầm nhìn mở rộng với thế giới

Tương tác với thế giới là một trong những nét nổi bật trong đời sống của thánh Giáo hoàng. Ngài đã gặp gỡ hàng chục nhân vật chính trị danh tiếng, trong 38 chuyến thăm chính thức, 738 cuộc tiếp kiến ​​và các cuộc gặp được tổ chức với các nguyên thủ quốc gia, bao gồm cả với các Tổng thống và Thủ tướng các nước. Ngài được phần lớn nhà lãnh đạo chính trị thế giới kính trọng vì tính chính trực, minh bạch và niềm nở trong cung cách sống và làm việc.

Mặc dù rất có tài khéo về chính trị, nhưng ngài hiểu rõ vai trò chính của mình chủ yếu là một nhà lãnh đạo tâm linh, là một chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa, hơn là một chính khách. Vì lẽ đó, Đức Gioan Phaolô II nỗ lực trong việc đối thoại và hòa giải với người Do Thái và đại diện của các tôn giáo, bằng việc mời gọi họ đến những Cuộc Gặp Gỡ Cầu Nguyện cho Hòa Bình, cách đặc biệt tại Assisi. Nhờ những cuộc đối thoại như thế, có rất nhiều sáng kiến cũng như những cộng tác và liên đới chung được thúc đẩy vì lợi ích chung của cộng đồng.

 Một trong số những dấu ấn quan trọng trong triều đại Giáo hoàng của thánh Gioan Phaolô II là việc làm suy yếu và dẫn đến việc sụp đổ chế độ Cộng sản ở Đông Âu. Các bài phát biểu của thánh nhân tại quê hương Ba Lan trong chuyến thăm năm 1979 - một trong những chuyến thăm đầu tiên bên ngoài nước Ý mà ngài thực hiện với tư cách là Giáo hoàng có tầm ảnh hưởng lớn đối với người dân Ba Lan khi đó. Đất nước Ba Lan lúc đó nằm dưới sự cai trị của đảng Cộng sản. Thế nhưng, Đạo Công giáo vẫn đóng vai trò trung tâm trong niềm tin của phần lớn người dân Ba Lan, bất chấp những nỗ lực của những người Cộng sản nhằm loại bỏ đức tin này. Khi đó, ngài nói với người dân của mình về văn hóa Ba Lan, về những gì đã tạo nên căn tính của người Ba ​​Lan. Và trung tâm của điều đó, tất nhiên, ngoài một lịch sử đặc biệt, ngôn ngữ đặc biệt, văn học đặc biệt; ngài nhấn mạnh đến tính mạnh mẽ trong đức tin Công giáo của người dân Ba Lan. Tác động chính của Giáo hoàng đối với thế giới nói chung và đối với người dân Ba Lan nói riêng là tạo ra một cuộc cách mạng lương tâm. Cuộc cách mạng này sau đó trở thành một trong những động lực chủ yếu cho cuộc cách mạng bất bạo động năm 1989 và cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.

Như thế, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một con người của đối thoại và của việc kiến tạo sự hòa bình và công lý. Đây cũng chính là những giá trị căn bản mà giáo huấn của đức tin Kitô giáo truyền dạy.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Người lan tỏa sự thánh thiện của Chúa đến mọi người

Một trong số những nét đặc biệt trong Triều đại Giáo hoàng của thánh Gioan Phaolô II là việc khám phá lại vẻ đẹp của sự thánh thiện. Sự thánh thiện cốt tại việc hiệp thông với Thiên Chúa, với Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ sự hiệp thông này, con người vươn lên khỏi những bợn nhơ của kiếp nhân sinh và có đủ sức thiêng để nối tiếp sứ vụ của Chúa Giêsu, tức là sứ vụ loan báo Tin Mừng hầu cứu độ thế giới. Chính vì thế, thánh Giáo hoàng dành nhiều thời gian để cầu nguyện.

Cầu nguyện là nền tảng mọi hoạt động nhân bản và mục vụ của Đức Gioan Phaolô II. Hiện nay, khi đã lên ngôi giáo hoàng, dù bận bịu biết bao công việc, mỗi ngày ngài đã dành nhiều giờ trước Thánh Thể, trung bình 7 tiếng mỗi ngày. Ngài nói : Cả thế giới có quyền chờ đợi nhiều nơi Đức Giáo Hoàng. Vậy, Đức Giáo Hoàng sẽ không bao giờ cầu nguyện cho đủ”.[5]

Kế đó, sự thánh thiện nơi các vị thánh và những người sống đức tin một cách mạnh mẽ có sức lôi cuốn nhiều người đến với Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hiểu rõ rằng để chống lại các khuynh hướng xấu và việc tục hóa trong xã hội ngày nay, Giáo Hội cần đến đời sống chứng ta của rất nhiều vị thánh. Vì thế, một trong những di sản lớn lao nhất của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là số lượng lớn các vị thánh mà ngài đã công nhận. Ngài đã cử hành 147 lễ phong chân phước, trong đó tuyên bố 1.338 chân phước, cũng như 51 lần phong thánh cho tổng số 482 vị thánh.

Không chỉ đề cao những gương mẫu sống thánh thiện, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn nỗ lực sống thánh thiện hằng ngày qua việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, với Đức Trinh Nữ Maria, qua việc năng lãnh nhận bí tích Hòa giải và qua việc sống bác ái, quảng đại với hết mọi người. Một sự kiện nổi bật trong đời sống của ngài là biến cố ngài vào trại giam để thăm chính người đã mưu sát mình. Số là trong cuộc tiếp kiến vào thứ tư ngày 13 tháng 5 năm 1981 bắt đầu lúc 17g00, sau khi ngài ôm hôn một em bé; một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ - Ali Agca, 23 tuổi - đã nổ liên tiếp nhiều phát súng vào ngài trên chiếc xe mui trần đang tiến ra quảng trường thánh Phêrô giữa đám đông khách hành hương (khoảng 20.000 người). Anh ta chỉ đứng cách ngài khoảng 20 bước và 2 viên đạn 9 mm có sức công phá rất lớn đã gây thương tích ở bụng, cùi tay bên phải và ngón tay trỏ ở bàn tay trái ngài. Thế nhưng, không để cho lòng thù ghét chế ngự; vì thế, sau khi hồi phục sức khỏe, chính ngài đã đến thăm anh và bày tỏ sự tha thứ dành cho anh. Sự tha thứ của ngài cho thấy nét đẹp của giáo huấn Chúa Kitô mà ngài đã tiếp nhận “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13). Sự kiện này làm cho rất nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ và cảm phục.

Chúng ta cũng có thể thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của thánh nhân đối với những người tín hữu và những người có thiện chí nhưng không cùng tôn giáo qua sự kiện hàng triệu người theo dõi đám tang trực tiếp và gần 1 tỷ người coi qua mạng. Rõ ràng sự thánh thiện của ngài có sức lan tỏa và thu hút nhiều người biết đến với đức tin Công Giáo.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Một nhà tư tưởng lớn trong Giáo Hội[6]

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại cho Giáo Hội một di sản thiêng liêng quý báu cả về đời sống thiêng liêng, tinh thần đức ái nơi mục tử của Chúa Kitô lẫn về mặt thần học. Thật vậy, ngay khi bắt đầu làm linh mục, và đặc biệt từ khi được chọn làm Giáo Hoàng, ngài thi hành sứ vụ của mình với tinh thần truyền giáo không mệt mỏi, dồn mọi nỗ lực lo lắng việc mục vụ đối với Giáo Hội. Đức ái mục tử của ngài mở ra và hướng đến cho toàn thể mọi người. Ngài đã thực hiện 104 chuyến đi trên toàn thế giới và 146 cuộc viếng thăm mục vụ tại nước Ý. Với tư cách là Giám mục Rôma, ngài đã thăm 317 giáo xứ (trên 333 giáo xứ). Hơn mọi Vị tiền nhiệm khác, ngài đã gặp gỡ dân Chúa và các nhà lãnh đạo của nhiều dân nước: Các buổi triều yết vào ngày Thứ Tư hằng tuần (1166 lần trong suốt Triều Đại của ngài) đã có hơn 17 triệu 600 ngàn khách hành hương tham dự, đó là chưa kể đến những buổi triều yết đặc biệt và các nghi lễ Tôn giáo (có hơn 8 triệu khách hành hương chỉ trong Đại Năm Thánh 2000), cũng chưa kể đến hàng triệu tín hữu mà ngài đã gặp gỡ trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại Ý, cũng như trên khắp thế giới. Ngài đã tiếp xúc với rất nhiều nhân vật chính trị qua các buổi triều yết: có đến 38 lần viếng thăm chính thức và 738 lần triều yết hoặc gặp gỡ với các vị Nguyên thủ quốc gia, cũng như 246 buổi triều yết và gặp gỡ với các vị Thủ tướng Chính phủ.

Lòng yêu mến đối với các bạn trẻ đã hối thúc ngài thành lập những Ngày Giới trẻ Thế giới kể từ năm 1985. Đại hội Giới trẻ Thế giới trong Triều đại Giáo hoàng của ngài đã quy tụ hàng triệu bạn trẻ khắp nơi trên thế giới. Ngài cũng đã hết lòng quan tâm đến gia đình và đã tổ chức những Đại hội Gia đình Thế giới từ năm 1994. Với các Năm Thánh Cứu Độ, Năm Thánh Mẫu, Năm Thánh Thể; ngài đã phát huy việc canh tân đời sống thiêng liêng của Giáo Hội, ngài đã cử hành 147 buổi lễ phong chân phước, gồm 1338 vị và 51 cuộc lễ phong thánh, gồm 482 vị thánh, để đưa ra nhiều tấm gương thánh thiện cho con người thời đại hôm nay.

Ngài đã mở rộng con số của Hồng y đoàn, tấn phong đến 231 vị. Ngài cũng triệu tập 6 Công Nghị của Hồng y đoàn. Ngài đã chủ tọa 15 Thượng Hội Đồng Giám mục: 6 thông thường (1980, 1983, 1987, 1990, 1994 và 2001), 1 Thượng Hội Đồng bất thường (1985) và 8 Thượng Hội Đồng đặc biệt (1980, 1991, 1994, 1995, 1997, 1998 và 1999). Ngài ban hành 14 Thông Điệp, 15 Tông Huấn, 11 Tông Hiến và 45 Tông Thư. Ngài cũng đã ban hành cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Ngài đã sửa đổi Bộ Giáo Luật Tây Phương và Đông Phương, cũng như đã thiết lập thêm các cơ chế mới và cải tổ Giáo Triều Rôma. Về cá nhân, ngài đã xuất bản 5 cuốn sách: “Bước qua ngưỡng cửa Hy Vọng” (tháng 10.1994); “Hồng Ân và Mầu Nhiệm: kỷ niệm 50 linh mục” (tháng 11. 1996); “Trittico romano”, những bài suy niệm dưới hình thức thơ văn (tháng 3.2003); “Hãy đứng dậy, chúng ta cùng đi!” (tháng 5.2004); “Ký ức và Căn Tính” (tháng 2.2005).

Kết luận

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một người có nhân cách vĩ đại, được nhiều người yêu mến và trân trọng. Một mặt, ngài trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô đã được các Tông đồ truyền lại và được Huấn quyền của Giáo Hội chấp nhận. Mặt khác, ngài cũng đem đến một luồng sinh khí tươi mới vào trong Giáo Hội qua việc gặp gỡ với Thiên Chúa, gặp gỡ với người trẻ, gặp gỡ đoàn chiên và gặp gỡ những người có thiện chí muốn xây dựng hòa bình. Điều mà chúng ta có thể học hỏi nơi ngài là hãy cố gắng nên thánh trong những hoàn cảnh sống của mình, là hãy cố gắng bước theo Chúa Kitô mỗi ngày với lòng nhiệt tâm và khao khát.

Xin được mượn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ với các bạn trẻ để tạm kết cho những dòng chia sẻ này:

Các con thân mến, đây là điều mà cha mong muốn cho mỗi người trong số các con: hãy bước theo Chúa Kitô bằng cả cuộc đời mình. Và cha hy vọng rằng những cử hành nhân dịp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của thánh Gioan Phaolô II sẽ khơi dậy trong các con khao khát bước đi cùng với Chúa Giêsu một cách mãnh liệt đầy can đảm.[7]




[1] https://news.rcdos.ca/2020/05/18/pope-francis-st-john-paul-ii-was-an-extraordinary-gift-to-the-church/

[2] Cf. Jonah Mckeown, The next hundred years of St. John Paul II’s legacy, https://www.catholicnewsagency.com/news/the-next-hundred-years-of-st-john-paul-iis-legacy-35725

[3] Thánh Gioan Phaolô II, Lm Augustino chuyển ngữ, cập nhật tại http://conggiao.info/thanh-gioan-phaolo-ii-d-25206

[4] Xc. Đặng Tự Do, Lịch sử Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, https://longchuathuongxot.vn/v2/lich-su-dai-hoi-gioi-tre-the-gioi/

[5]5 Xc. Thanh Vân, Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II, https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/doi-song-tam-linh-cua-duc-gioan-phaolo-ii-49986

[6] Xc. Thánh Gioan Phaolô II, Lm Augustino chuyển ngữ, cập nhật tại http://conggiao.info/thanh-gioan-phaolo-ii-d-25206

[7] https://news.rcdos.ca/2020/05/18/pope-francis-st-john-paul-ii-was-an-extraordinary-gift-to-the-church/

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn