Tản văn - Antôn
Hoàng Văn Phúc, OP
“Mày mà đi tu, tao thề tao sẽ cạo trọc đầu mày.” Đó là những lời cảnh cáo
hay đúng hơn là những lời đe doạ mà mẹ Vân dành cho em mỗi khi em kể chuyện về
các sơ đang phục vụ trên nhà thờ.
Kể cũng lạ, từ
ngày bắt gặp và nói chuyện với hai sơ mới về phục vụ tại giáo xứ, tâm trí Vân
lúc nào cũng nghĩ đến các sơ. Đến nỗi ngay cả những lúc tham dự thánh lễ, Vân
cũng không sao cầm lòng cầm trí được, vì mắt bận hướng về các sơ. Không biết có
phải vì chiếc áo dòng trắng tinh hay sự hiền lành, phúc hậu của các sơ đã hớp
hồn Vân hay không. Cũng từ lúc đó em nung nấu ý định đi tu để trở thành một nữ
tu. Và Vân mang ý định đó vào trong cuộc sống hằng ngày. Em không môi son, má
phấn như các bạn cùng trang lứa. Em cũng không mốt này mốt nọ như cô bạn hàng
xóm. Em giản dị, đơn sơ. Em nhỏ nhẹ, khiêm tốn.
Với sự khiêm
tốn, giản dị cộng với khuôn mặt xinh xắn được điểm tô bằng chiếc kính cận, Vân
làm điêu đứng biết bao chàng trai trong làng, và cũng không ít phụ huynh đã để
ý tới em. Thậm chí có người còn sang tận nhà để xin đi lại trước với gia đình
em. Thế nhưng, những điều đó không làm Vân lung lay ý chí thầm kín trong mình.
Ngược lại nó càng làm cho em khát khao, mong mỏi thời gian trôi thật nhanh để
em sớm có thể vào nhà dòng. Tuy nhiên, bố mẹ Vân lại suy nghĩ theo một cách
khác như bao ông bố mà mẹ trong làng. Ông bà quan niệm rằng đã là con gái cần
phải tìm cho mình một tấm chồng. Thế nên, ông bà luôn đề cập đến chuyện hôn
nhân với Vân dù rằng em vẫn đang học lớp Mười Hai.
Về phần Vân, dù
đã tìm cho mình một ơn gọi riêng nhưng em vẫn giữ kín ý định của mình. Em chưa
muốn nói cho mọi người biết, ngay cả bố mẹ mình. Một phần em muốn suy nghĩ kỹ
hơn về ơn gọi của mình. Phần khác em biết rằng nếu nói ngay với bố mẹ thì sẽ
không được yên thân. Thế nên, khi bố mẹ đề cập đến chuyện chồng con, Vân thường
tìm cho mình một giải pháp là im lặng. Cũng có lúc Vân đáp lời bố mẹ bằng một
câu nói vu vơ tựa như sẽ không lấy chồng, sẽ đi tu làm sơ như sơ Mai, sơ Cúc.
Với câu nói kiểu như thế, câu nói quen thuộc mà mẹ Vân hay nói là: “Mày mà làm
sơ tao cạo trọc đầu. Con gái con lứa lớn rồi thì phải lấy chồng.”
*
* *
Thế là năm học
cuối cấp thời phổ thông cũng dần khép lại. Trước mặt Vân là những chọn
lựa mà em phải đối diện: đi tu hoặc lấy chồng. Vân biết rằng em chỉ được
chọn một trong hai. Nếu chọn hôn nhân thì em sẽ làm vui lòng bố mẹ và cuộc đời
em cũng sẽ êm trôi như bao cô gái trong làng. Còn nếu chọn đi tu thì em sẽ đối
diện với sự phản đối, ngăn cấm của bố mẹ. Chưa kể đến chuyện bị làng xóm chế
giễu nếu việc đi tu bị “đứt gánh giữa đường”. Vân suy nghĩ rất nhiều. Đã có lúc
Vân muốn buông xuôi chỉ nghĩ đến chuyện hôn nhân cho tâm trí bớt căng thẳng.
Cũng có lúc Vân cảm thấy rất hạnh phúc khi tưởng tượng mình đang xúng xính
chiếc áo dòng trắng trinh. Chuyện đi tu và hôn nhân vì thế cứ mãi giằng co
trong con người của Vân. Hẳn nhiên, em cũng đã cầu nguyện nhiều với Chúa.
Vân không thể
dấu mãi ý định của mình. Em biết rằng trước sau gì em cũng phải nói ý định đó
cho bố mẹ biết. Nhưng kỳ thực chuyện này không hề đơn giản với Vân, vì lẽ em
không biết bắt đầu thế nào và khi nào. Thế rồi, trong lúc đang xem truyền hình,
Vân quyết định nói cho bố mẹ biết:
- “Bố mẹ ạ, con
cũng đã học xong rồi. Giờ con muốn nói lên ý định của con cho bố mẹ được biết.”
- “Con nhà nông
mà bày đặt ý định ý điệc, hay con muốn lấy chồng đại gia như mấy cô trong
phim.” - Bố Vân vừa nói vừa cười mà không thèm nhìn Vân.
- “Mẹ thấy
thằng Tuấn con nhà bà Hoan được đấy. Con thấy thế nào?” - Mẹ Vân nói thêm như
nói lên rằng ý định của em là phải lấy chồng.
- “Bố mẹ ạ, con
không lấy đại gia. Con cũng không lấy ai hết. Con muốn đi tu.” Vân nhỏ nhẹ nói
với bố mẹ.
- “Cái gì. Cái
gì. Mày nói lại tao nghe coi.” - Bố Vân quay qua em quát lớn.
- “Dạ, con muốn
đi tu làm sơ ạ.” - Vân thỏ thẻ.
- “Đi tu. Tu
gì!!!
- Này, này,
này, mày bỏ ý định đó ngay đi nhé.” - Bố Vân càng quát lớn hơn.
- “Nhưng con
thật sự muốn đi tu. Con sẽ không lấy chồng đâu.” - Vân quả quyết.
- “Con muốn đi
tu làm sơ như sơ Mai, sơ Cúc hả! Không bao giờ. Không bao giờ mẹ cho phép.” -
Mẹ Vân đáp lời.
- “Con muốn
chôn vùi tuổi thanh xuân của con trong nhà dòng sao!? Con thực sự muốn điều đó
sao!? Con thấy đấy, cái làng này đâu có ai ngu để chôn vùi tuổi xuân của mình
trong nhà dòng đâu.” - Bà thêm vào.
- “Nếu bố mẹ
không cho con đi tu con sẽ cũng không lấy chồng.” - Vân lại càng quả quyết.
- “Này, này,
này tao cấm mày có ý định đó, nghe chưa. Con gái con lứa phải lo chuyện chồng
con. Không đâu mà lo chuyện thiên hạ như mấy bà sơ kia.” - Ông bố bực tức quát
lớn.
- “Bố mày nói
đúng đó.” Bà mẹ chêm vào.
- “Nhưng con
muốn đi tu.” Nói xong câu đó, Vân khóc oà. Vân ôm mặt vào hai bàn tay nhỏ nhắn
rồi chạy thẳng vào phòng của mình. Chưa bao giờ Vân thấy cô đơn và bị bỏ rơi
như lúc này. Vân ước rằng giá như có người nào hiểu và an ủi mình trong lúc
này.
Về phần bố mẹ
Vân, ông bà cảm thấy như vừa bị chính đứa con gái của mình sát muối vào tim. Bao nhiêu hy vọng trước đây đặt
vào Vân là bấy nhiêu thất vọng mà ông bà nhận được. Bởi lẽ, ông bà cứ ngỡ đứa
con gái sẽ vâng nghe lời mình. Nó sẽ kiếm một tấm chồng để đỡ đần ông bà lúc
tuổi già và có thể giúp đỡ các em trong cuộc sống sau này.
*
* *
Tối đó, ông bà
cứ trằn trọc suy nghĩ về Vân. Một mặt hai ông bà tìm mọi cách để thuyết phục
em. Mặt khác, hai ông bà cũng muốn tìm hiểu tại sao con mình lại muốn chọn một
cuộc sống khác với tất cả mọi người khác trong làng.
Ông bà mang
những suy nghĩ đó dò hỏi người thân, bạn bè của Vân cũng như nhờ họ thuyết phục
để Vân từ bỏ ý định đó. Ông bà cũng không quên ý định gặp gỡ, trao đổi với sơ
Mai và sơ Cúc đang phục vụ tại giáo xứ. Vì hai ông bà nghĩ rằng chính các sơ
này đã “đầu độc và tiêm nhiễm” vào Vân ý định đi tu. Thế nên khi gặp hai
sơ, ông bà đã không giữ được bình tĩnh và đã to tiếng với các sơ:
- “Này các sơ,
các sơ đi tu thì lo chuyện các sơ đi, sao lại còn rủ rê con gái chúng tôi làm
chi nữa.” - Bà mẹ cất tiếng.
- “Các sơ có
biết chúng tôi nuôi đứa con lớn bằng chừng này vất vả, khó nhọc lắm không. Các
sơ lo chuyện các sơ đi, đừng xía vào chuyện của gia đình người khác làm gì.” -
Ông bố tiếp lời.
- “Dạ. Hai bác
nói gì chị em chúng con không hiểu. Có chuyện gì hai bác hẵng bình tĩnh nói rõ cho
chúng con nghe, được không ạ!” Sơ Mai nói.
- “Chuyện gì
nữa, bộ các sơ giả điếc, giả mù à.” - Bà mẹ quát lớn.
- “Dạ. Hai bác
nói rõ cho chúng con được không ạ!” - Sơ Cúc sợ hãi nói.
- “Các sơ đã
cho con chúng tôi ăn cái quái gì để giờ này nó một mực muốn đi tu làm sơ. Tôi
không hiểu nổi các sơ nữa. Chuyện mình không lo cứ lo chuyện người ta.” - Ông
bố bực tức nói.
“Chắc hai bác
hiểu nhầm gì ở đây rồi. Đúng thật là con hai bác thi thoảng tới đây chơi, nhưng
chị em chúng con chỉ nói chuyện và giải đáp những thắc mắc của em ấy thôi, chứ
chúng con đâu rủ rê con hai bác gì đâu.” - Sơ Mai nhỏ nhẹ trả lời.
- “Các sơ nói
hay thật. Các sơ không rủ rê thì làm sao nó biết chuyện tu, chuyện sơ mà lại có
ý định đi tu. Không các sơ thì còn ai vào đây nữa. Thử hỏi cái làng này có ai
đã đi tu hay có ý định đi tu để rồi rủ rê nó không?” - Bà mẹ nói.
- “Cái đó thì
chúng con không biết. Sự thật là chúng con không rủ rê em nó. Chúng con chỉ trả
lời những thắc mắc của em ấy mà thôi.” - Sơ Mai đáp.
- “Các sơ tưởng
chúng tôi là con nít à. Mà nếu như các sơ đã rủ rê nó thì giờ chính các sơ cũng
phải khuyên nó từ bỏ ý định đó. Nếu không đừng trách chúng tôi.” - Ông bố nói.
- “Mà con thấy
đi tu cũng đâu có gì là sai trái đâu. Nhiều nơi bố mẹ còn khuyến khích con cái
đi mà nó không chịu đi nữa kìa.” - Sơ Cúc phân trần như muốn biện hộ cho việc
đi tu.
- “Sơ im đi. Sơ
biết gì mà nói. Người ta khác, chúng tôi khác.” - Ông bố bực mình quát lớn.
Lúc này sơ Mai
và sơ Cúc không dám nói câu nào. Hai chị em chỉ biết lắng nghe những lời quở trách
của hai ông bà.
*
* *
Sau ngày bố mẹ
trách mắng hai sơ, Vân không còn dám lên gặp hai sơ nữa. Phần vì em cảm thấy có
lỗi với hai sơ. Phần vì em sợ sẽ liên luỵ đến hai sơ. Mà Vân cũng không hiểu
nổi tại sao bố mẹ mình lại đi trách mắng hai sơ. Hai sơ nào đâu có rủ rê hay
khuyên bảo em trong vấn đề đi tu gì đâu. Nếu có thì hai sơ chỉ gián tiếp trong
ý định của em mà thôi. Bởi chưng, những việc làm và sự hiền lành của hai sơ đã
thực sự cuốn hút em, để rồi từ đó ý định đi tu lớn dần trong em.
Ý định rõ ràng
của Vân là vậy, thế nhưng bố mẹ em vẫn một mực nhất quyết không đồng ý, dù rằng
nhiều lần em van xin, khóc lóc, thậm chí em bỏ ăn, không chuyện trò. Thế rồi
Vân nảy ra ý định trốn nhà, tự mình đến nhà dòng xin đi tu. Nói là làm, Vân âm
thầm thu dọn quần áo rồi ra đi khi thời cơ đến. Trước khi ra đi, Vân viết mấy
dòng gửi bố mẹ:
Bố mẹ và các em thân mến!
Xin hãy thứ lỗi cho con vì con ra đi mà không nói với bố
mẹ và các em một lời nào. Ắt hẳn đó cũng vì bố mẹ. Bố mẹ đã ngăn cản ước nguyện
của con. Bố mẹ một mực bắt con lấy chồng mặc dù con đã van xin, đã giãi bày ý
định đi tu của con hàng trăm lần. Bố mẹ không biết ý định đi tu trong con bừng
cháy thế nào đâu. Thực sự con khao khát được làm một nữ tu để dấn thân phục vụ
Chúa và mọi người. Ý định tốt đẹp của con là vậy thế mà bố mẹ lại không hiểu
cho con. Hôm nay con nhất quyết ra đi để thoả nỗi khát khao đó. Con sẽ tìm đến
một nhà dòng nào đó và xin tu trong đó. Thế nên bố mẹ đừng đi tìm con. Bố mẹ
cũng đừng lo cho con, vì con tin rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ con. Xin bố mẹ
thứ lỗi cho con vì đã không làm theo ý bố mẹ. Con hứa con sẽ cầu nguyện nhiều
cho bố mẹ và các em. Và con sẽ về thăm bố mẹ khi có dịp.
Con gái của bố mẹ.
Đặt lá thư đó
trên bàn, Vân nhìn mọi thứ xung quanh như muốn nói lời tạm biệt nơi đã lưu dấu
bao kỷ niệm. Vân cảm thấy nghẹn lòng và lúc đó những giọt nước mắt ngắn dài
cũng đã chảy xuống trên gò má Vân. Vân ra đi, tới nơi mà em hằng muốn tới.
Khi hay tin con
mình trốn đi tu, bố mẹ Vân rất bực tức nhưng cũng rất đỗi lo lắng. Lúc đầu ông
bà có ý định đi tìm Vân, thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại ông bà lại thôi. Ông bà
biết tìm con ở đâu bây giờ khi mà nhà dòng nhiều như mạ ngoài đồng. Hơn nữa,
ông bà cũng muốn cho con mình hiểu được khó khăn khi xa bố mẹ, để rồi sau này
Vân có về thì có cớ để bắt Vân bỏ ý định đi tu.
Về phần Vân,
sau khi tới được nhà dòng mà Vân đã liên hệ trước đó, bề trên nhà dòng đã cho
Vân ở lại một thời gian để tìm hiểu và học hỏi. Vân rất hạnh phúc khi được ở
một nơi mà mình hằng mơ ước. Vân thấy thời gian trôi nhanh và em mong sao cho
thời gian trôi chậm lại để em có thể cảm nếm được niềm hạnh phúc đang trào dâng
trong mình. Thực sự Vân không còn muốn đi đâu nữa, em chỉ thiết cuộc sống trong
nhà dòng mà thôi.
Thấy được tâm
tình cũng như con người của Vân, sơ bề trên quyết định nhận Vân vào nhà dòng.
Thế nhưng, theo yêu cầu, các ứng sinh phải dẫn bố mẹ tới gặp gỡ, trao đổi với
bề trên trước khi vào nhà dòng. Khi nghe biết được yêu cầu đó, niềm vui của Vân
bỗng dưng bị dập tắt. Bởi lẽ em hiểu rằng không đời nào bố mẹ đồng ý cho mình
đi tu. Thế rồi em đánh liều tới gặp bề trên để giải bày tâm sự với hy vọng sẽ
được miễn điều này. Vân kể hết hành trình tu trì của mình cho sơ nghe, từ
chuyện em gặp sơ Cúc và sơ Mai tới chuyện bị bố mẹ ngăn cản không cho đi tu.
Nghe những điều đó, sơ bề trên rất cảm thông và cảm phục trước ý chí mạnh mẽ
của Vân. Thế nhưng, bề trên không thể cứu xét cho em trong trường hợp này.
Sơ bề trên phân
trần: “Vân ạ, sơ hiểu tâm trạng của con lúc này. Sơ thông cảm với sự lo lắng
cũng như sự khổ tâm của con. Sơ biết rằng chặng đường đi tu của con không hề
đơn giản chút nào, sơ thực sự trân trọng điều đó. Tuy nhiên, việc yêu cầu ứng
sinh dẫn phụ huynh tới trao đổi và gặp gỡ với người hữu trách là quy định chung
của nhà dòng nên sơ không thể đi ngược lại quy định để giúp con được. Mà con có
biết tại sao lại có quy định đó không?
Sở dĩ có quy định này là vì trước đây cũng có
trường hợp như con đấy. Chuyện là nhà dòng đã nhận một chị vào tu, dù rằng chị
này bị gia đình cấm cản. Tuy nhiên nhà dòng lại không để ý đến chuyện đó. Thế
rồi khi chị ấy sắp tuyên khấn, gia đình đã đến chửi rủa nhà dòng một cách thậm
tệ. Và thế là từ đó về sau nhà dòng thêm quy định bố mẹ các ứng sinh phải đến
trao đổi và gặp gỡ. Con hiểu ý sơ chứ?” Vân cảm thấy thất vọng khi nghe những
điều đó từ sơ bề trên. Vân biết rằng không thể có cách nào khác để tiếp tục con
đường tu trì trừ phi bố mẹ em đến để trao đổi với nhà dòng. Dường như phía
trước Vân là một bầu trời xám xịt. Em buồn và em cố giấu những giọt nước mắt
trước mặt sơ bề trên. Tuy nhiên, sơ bề trên cũng mở cho Vân một cánh cửa: “Con
yên tâm, nhà dòng sẽ luôn mở của đón con dù bất cứ khi nào con tới, dĩ nhiên
kèm theo sự đồng ý của bố mẹ.” Với câu nói đó của sơ bề trên, Vân được an ủi
chút nào. Em hiểu rằng con đường tu trì của mình vẫn chưa chấm dứt.
*
* *
Vân trở về nhà
mang theo niềm khắc khoải đời tu và niềm hy vọng mong manh sẽ được bố mẹ đồng
ý. Khi vừa thấy Vân, bố mẹ em vừa vui vừa tức. Vui vì con mình đã về nhà sau
những ngày bỏ đi. Tức vì con mình đã bỏ đi mà không một lời nói rõ ràng. Tuy
nhiên, phần tức lại nhiều hơn phần vui. Do đó, khi vừa thấy Vân, mẹ em đã nói
những lời mỉa mai:
- “Gớm, chào
sơ. Dạo này sơ có vẻ hồng hào béo tốt lên nhỉ. Mà sơ về đây làm gì nữa. Tôi
tưởng sơ đi mất dép luôn rồi cơ chứ.”
Vân im lặng
không dám nói một lời nào, vì em biết mẹ mình vẫn đang còn bực tức. Sau những
khoảng thời gian im lặng, Vân kể hết tất cả mọi chuyện cho bố mẹ nghe. Em cũng
tha thiết mong bố mẹ chấp nhận lời đề nghị mà sơ bề trên đã nói với em. Ắt hẳn,
lời đề nghị đó không được bố mẹ em chấp nhận. Không những thế, bố mẹ Vân còn
nói những lời khó nghe:
- “Chả việc gì mà chúng tao phải đi. Mày thích
đi thì cứ việc đi. Con với chả cái.”
Dường như Vân
đã đoán trước cơ sự sẽ xảy ra như vậy. Thế nên, Vân chẳng có tâm trạng nào để
khóc nữa. Em chẳng nói chẳng rằng lui thủi vào phòng.
Kể từ ngày đó
trở đi, Vân không nói bất kỳ một lời nào với gia đình. Và em cũng như một cái
xác không hồn: thất thần, buồn rầu. Nhìn thấy cảnh tượng đó, bố mẹ Vân không
sao chịu nổi. Ông bà tìm mọi cách để thuyết phục em nhưng tất cả đều thất bại.
Thế rồi, ông bà quyết định xuống nước với Vân, nhưng với một điều kiện:
- “Vân, con suốt ngày như vậy bố mẹ
cũng buồn lắm. Bố mẹ biết rằng không còn có cách nào để ép buộc con từ bỏ ý
định đi tu. Vì vậy, bố mẹ đồng ý cho con đi tu.” Mẹ Vân nói.
Mới nghe tới đó khuôn mặt Vân sáng ngời. Em
nhanh nhảu đáp: “Thật thế hả bố mẹ. Con cám ơn bố mẹ nhiều lắm.”
- “Tuy nhiên,
con phải thực hiện điều này thì bố mẹ mới hứa được”. - Bố Vân thêm vào.
- “Bố mẹ cứ nói
đi, con nhất định sẽ làm.” - Vân vui vẻ thưa.
- “Con phải
sang Hàn Quốc làm việc trong thời gian 5 năm.” - Mẹ Vân nói.
- “Cái
gì !!! Làm việc bên Hàn Quốc 5 năm !!! Bố mẹ có đùa con không vậy. Bố
mẹ đã không cho con đi tu, giờ lại bắt con qua tận đó để đi làm.” - Vân nói với
sự thất vọng.
- “Bố mẹ đã nói
rồi mà. Con thực hiện xong điều này thì bố mẹ sẽ đồng ý cho con đi tu. Bố mẹ
hứa. Với lại bố mẹ nghĩ đây là thời gian để con có thể giúp đỡ thêm cho gia
đình.” - Bố Vân nói.
Vân nghĩ thầm
“5 năm còn hơn không được bao giờ.” Suy nghĩ xong, Vân đồng ý.
Để đưa ra điều
kiện đó, bố mẹ Vân cũng đã suy nghĩ rất kỹ. Ông bà nghĩ với thời gian dài như
thế, ý định của con mình sẽ dần dần mai một. Ông bà cũng nghĩ rằng sống trong
một đất nước hiện đại, văn minh như Hàn Quốc thì chắc chắn con mình cũng sẽ
thay đổi mọi thứ, ngay cả tính cách và ý định ban đầu, thậm chí có khi Vân còn
lấy một chàng Hàn Quốc nào nữa chứ . Ông bà thấy nhẹ nhõm khi sự việc được dần
dần giải quyết.
*
* *
Ngày sang Hàn
Quốc làm việc cũng đã đến. Vân chào tạm biệt gia đình, người thân để lên đường.
Trước đó em cũng đã gọi điện thoại để nói chuyện và chào sơ bề trên. Em không
quên nhờ sơ cầu nguyện và hẹn gặp lại sơ sau 5 năm nữa.
Những tháng
ngày bên xứ người, Vân nhớ nhà, nhớ bố mẹ và nhớ người thân. Thế nên, em chăm
chỉ làm việc như cho vơi đi nỗi nhớ và như muốn phần nào đáp đền công ơn bố mẹ.
Em cũng nhớ các sơ mà em đã từng gặp. Em nhớ khoảng thời gian ngắn ngủi em được
sống trong nhà dòng. Những lúc đó niềm khát khao đi tu lại trỗi dậy trong con
người em. Và dẫu sống trong một môi trường hoàn toàn khác, hoàn toàn tự do,
nhưng Vân vẫn ý thức được thân phận và bổn phận của mình. Em đã xin gia nhập
vào nhóm các bạn trẻ Công giáo xa quê. Ở đây, Vân được mọi người dìu dắt,
khuyên bảo. Thế nên, những cám dỗ đã không có dịp để chen chân vào cuộc sống
của em. Và khi biết được ý định tu trì của em, mọi người lại càng quý và bảo vệ
em kỹ hơn. Vì thế thời gian bên xứ người của Vân cứ trôi qua một cách êm đềm và
bình an.
Ở nhà, bố mẹ
Vân vẫn cứ ngỡ em sẽ không còn vương vấn với ý định đi tu nữa. Ông bà cũng
không quên tìm cho con mình một tấm chồng tương lai hiền lành, khôn ngoan. Thế
nên, khi gia đình hàng xóm bày tỏ ý muốn cho con trai họ được “qua lại” với gia
đình ông bà, ông bà liền đồng ý. Và từ đó trở đi, chàng trai kia nghiễm nhiên
được hiểu là “con rể tương lai” của ông bà. Hẳn nhiên, về sau ông bà mới nói
cho Vân biết chuyện này và dĩ nhiên Vân cực lực phản đối điều đó.
Thời gian 5 năm
làm việc bên xứ người cũng đã kết thúc. Vân về quê. Bố mẹ em vui. Gia đình
chàng “rể tương lai” cũng vui. Và sau ngày hôm sau, họ đã ngỏ ý muốn được tổ
chức lễ cưới cho con của họ và Vân vào tháng tới. Vân ngỡ ngàng trước chuyện
đó. Em giận dỗi và bực tức với bố mẹ mình. Vân cầm lấy tấm hộ chiếu và một số
tiền còn lại đặt trên bàn và nói:
- “Đây, của bố
mẹ đây. Tất cả là của bố mẹ. Con đã thực hiện xong tất cả
những gì bố mẹ đã yêu cầu. Và bây giờ bố mẹ phải cho con đi tu.” Ông bà và gia
đình “chàng rể tương lai” bỡ ngỡ chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Vân nói tiếp: “Bố mẹ đã hứa với con rằng sau 5 năm làm việc bên Hàn Quốc bố
mẹ sẽ đồng ý cho con đi tu. Thế sao bây giờ bố mẹ lại đối xử với con như thế
này!!!”
Bố mẹ Vân nhỏ nhẹ: “Con ạ, bố mẹ và gia đình người ta đã “qua lại” với nhau
lâu rồi. Giờ con mà làm thế này thì mất mặt bố mẹ lắm.”
Vân càng bực hơn nữa: “Thì bố mẹ cứ cưới đi. Con không cưới. Con không lấy
ai hết.”
- “Thương bố mẹ với con. Đi tu hay lấy chồng cũng tốt mà. Cái nào cũng là
ơn gọi mà con.” - Mẹ Vân giãi bày.
- “Được rồi, nếu bố mẹ không đồng ý cho con đi tu thì con sẽ bỏ đi khỏi cái
nhà này. Con sẽ bỏ đi thật xa. Lúc đó bố mẹ đừng có khóc vì mất đứa con này
nhé.” - Vân cương quyết.
Thấy thế, bố mẹ Vân im lặng. Ông bà cũng xin lỗi gia đình “chàng rể tương
lai” và hứa sẽ nói chuyện này sau.
Sau ngày hôm đó, gia đình Vân lại rơi vào trạng thái bức bối. Thấy không
thể lay chuyển được ý định của con mình, cuối cùng ông bà cũng đồng ý dẫn em
tới gặp bề trên nhà dòng để xin cho con mình được đi tu.
Vân rất vui khi gặp lại sơ bề trên và các sơ trong cộng đoàn. Các sơ cũng
rất vui khi gặp lại Vân, và càng vui hơn khi thấy em được bố mẹ dẫn tới nhà
dòng. Em hớn hở, vui tươi như chưa từng được vui tươi, hớn hở bao giờ. Bởi lẽ
em biết giờ đây em được tự do trên con đường mình đi. Sau những giờ phút trao
đổi và gửi gắm con cho nhà dòng qua sơ bề trên, bố mẹ Vân chào sơ ra về. Lúc
tiễn bố mẹ lên xe, Vân không giấu nổi nước mắt. Em khóc và cảm ơn bố mẹ vì
những việc bố mẹ đã làm cho em. Em cũng xin lỗi bố mẹ vì những chuyện trước đây
và em cũng xin lỗi bố mẹ vì giờ đây và sau này không thể ở bên bố mẹ để chăm
sóc, phụng dưỡng, nhất là khi bố mẹ đau ốm. Những lời của Vân làm cho bố mẹ em
không sao cầm nổi nước mắt.
Trong nước mắt, ông bà khuyên Vân ráng tu cho tốt, đừng lo nghĩ gì đến bố
mẹ và các em mà ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như đời tu. Thật tình trong giờ
phút này ông bà không còn nghĩ đến những chuyện quá khứ mà chỉ cầu mong sao cho
con mình sống tốt, bình an trong đời tu. Lúc này, ông bà chợt hiểu rằng giờ đây
Vân không còn là con của mình nữa. Vân đã thuộc về một gia đình khác. Một gia
đình mang tên dòng tu và vì gia đình này nên Vân sẽ phải dành trọn phần đời còn
lại cho nó. Như hiểu được suy nghĩ của bố mẹ, Vân an ủi ông bà: “Con vẫn mãi là
con của bố mẹ. Con vẫn mãi là Vân của bố mẹ dù sau này con có mặc trên mình tấm
áo gì đi nữa hoặc sống ở bất cứ nơi đâu. Con biết rằng con sẽ không thể hiện
diện bên bố mẹ bằng thể xác, nhưng bố mẹ hãy tin rằng bố mẹ sẽ mãi luôn ở trong
tim con. Con sẽ luôn nhớ về bố mẹ. Và con hứa con sẽ cầu nguyện cho bố mẹ trong
kinh nguyện hàng ngày. Mỗi ngày, mỗi ngày con sẽ cầu nguyện cho bố mẹ.” Nói
xong câu đó cả ba người ôm nhau khóc.
Ngày chuẩn bị lãnh tu phục để bước vào giai đoạn tập sinh cũng đến gần. Vân
hạnh phúc khi ướm thử chiếc áo dòng trắng tinh được hoạ thêm cỗ tràng hạt dài
bên hông. Như một phản xạ tự nhiên Vân bật khóc. Những giọt nước mắt một lần
nữa lại rơi trên khuôn mặt của Vân, nhưng đây không phải là giọt nước mắt của
buồn rầu mà là của sự vui mừng, hạnh phúc. Bởi lẽ niềm khao khát được khoác trên
mình chiếc áo dòng bấy lâu nay của Vân cũng sắp được mãn nguyện.
Thế nhưng, trớ trêu thay càng đến gần ngày lãnh nhận tu phục, sắc mặt của
Vân lại càng thay đổi, từ sắc mặt trắng hồng ngày nào bổng chuyển thành vàng
nghệ. Như hiểu được tình trạng của Vân, sơ bề trên an ủi và khuyên em đi khám
sức khoẻ.
Vân đi khám sức khoẻ. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay với kết quả in đậm
“Siêu vi B”, Vân lảo đảo, run rẩy như người say. Em bật khóc giữa chốn đông
người. Bởi chưng em biết rằng với tình trạng này, con đường tu trì phía trước
của em dường như sẽ khép lại tại đây. Vân thất thần, đau khổ không muốn lê từng
bước chân nặng trĩu lên dù rằng đã được bác sĩ và người chị em đi cùng ủi an,
khuyên lơn.
*
* *
Và chuyện gì đến cũng đã đến. Sơ bề trên quyết định không nhận Vân vào khoá
Tập và đồng ý cho em về quê chữa bệnh một thời gian. Một lần nữa Vân lại khóc.
Và nếu như giọt nước mắt lần trước là giọt nước mắt của hạnh phúc, của hy vọng
thì bây giờ lại là giọt nước mắt của tuyệt vọng. Nhìn những chị em cùng lớp sắp
được mặc tu phục, những giọt nước mắt trên khuôn mặt Vân lại tuôn trào.
Vân không dám báo tin cho bố mẹ biết, và lúc này em cũng muốn đi tĩnh tâm
một thời gian để được bình an. Quỳ trong nguyện đường của một Đan viện, Vân thổ
lộ hết tất cả tâm can: “Lạy Chúa, sao Chúa lại đối xử với con như thế !?
Con nào có tội có lỗi gì đâu mà Ngài khước từ con !? Ngài biết rõ tấm chân
tình con dành cho Ngài mà. Ngài biết rõ con đã phải trải qua bao sóng gió để
được đi theo Ngài. Thế mà…Thế mà sao Ngài lại nỡ từ chối sự dâng hiến của con ?
Chúa ơi, tại sao ? Tại sao Ngài lại đối xử với con như vậy ?” Mặc cho những lời
than van và những giọt nước mắt của Vân cứ rơi, Chúa vẫn vậy, Ngài vẫn im lặng
không đáp một lời nào.
Vân về quê trước sự ngỡ ngàng của bố mẹ. Ông bà càng lo lắng và đau khổ hơn
khi biết rằng con mình bị “Siêu vi B”. Nếu như trước đây ông bà tìm mọi cách để
Vân ở nhà lấy chồng thì giờ đây ông bà lại tìm mọi cách để Vân có thể trở lại
nhà dòng. Hẳn nhiên không phải vì ông bà sợ lời qua tiếng lại của hàng xóm cho
bằng vì ông bà thương con mình. Ông bà muốn giúp con mình tìm lại được niềm
hạnh phúc ngay chính nơi nó hằng khao khát sống. Thế nên, ông bà đưa Vân đến
chỗ này chỗ nọ, uống thuốc này đến thuốc kia để mong sao con mình được khỏi
bệnh. Dẫu vậy, căn bệnh “siêu vi B” vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Lúc này
đây Vân cảm thấy chán nản và thất vọng. Em quyết định lên thành phố làm việc để
khuây khoả tâm hồn.
Công việc và môi trường sống ở thành phố làm Vân dần lấy lại thế quân bình
cho cuộc sống. Em tham gia sôi nổi các hoạt động của công ty và nhà thờ, nơi em
sống gần đó. Chính sự sôi nổi và nhiệt tình đó của Vân khiến nhiều chàng thanh
niên để ý đến em hơn. Dĩ nhiên, lúc đầu Vân cũng không quan tâm điều đó. Em chỉ
xem sự quan tâm đó như là sự quan tâm của những người bạn, người đồng nghiệp
dành cho nhau mà thôi. Thế rồi một năm, hai năm, ba năm, sự quan tâm đó lớn dần
theo năm tháng. Và lời tỏ tình của Tuấn, chàng trai đồng nghiệp cũng đã đến với
Vân. Em bối rối không biết làm sao, bởi chưng từ trước tới giờ em đâu nghĩ đến
chuyện yêu đương. Thế nhưng, chính lời tỏ tình đó đã làm Vân phải suy nghĩ lại
tương lai đời mình. Em rơi vào thế giằng co khi phải chọn lựa tương lai cho
mình.
Trong thâm tâm, Vân nghĩ rằng chặng đường tu trì phía trước của mình đã
khép lại bởi căn bệnh “Siêu vi B”, và hơn nữa biết đâu mình sẽ cứu được một
linh hồn về với Chúa khi lấy Tuấn, vì anh là một người ngoại giáo. Sau những
đắn đo suy nghĩ như vậy, Vân chấp nhận lời tỏ tình của Tuấn. Hai người yêu nhau
với một tình yêu tuyệt đẹp. Khi thời gian đã đủ để hai người có thể hiểu nhau,
Tuấn đề nghị với Vân về vấn đề học đạo để chuẩn bị cho hôn nhân. Lẽ dĩ nhiên,
Vân gật đầu không đắn đo suy nghĩ.
Cùng với người yêu tham gia vào những buổi học giáo lý, bao nhiêu kỷ niệm
xa xưa ùa về trong tâm trí Vân. Đó là những ngày mới bước chân vào nhà dòng học
những bài giáo lý căn bản. Đó là niềm vui mừng khi được sơ giáo cho nghỉ học.
Đó còn là những chất vấn cùng chị em về vấn đề tiến hoá. Chính hồi ức này đã
làm Vân giật mình và niềm khao khát dâng hiến lại trổi dậy trong em. Lúc này
đây, Vân biết rằng ý định đi tu chưa hề bị dập tắt trong con người mình. Vân cứ
suy nghĩ, đắn đo về điều này đến nỗi không còn quan tâm đến người yêu như xưa
nữa.
Ngày kết thúc lớp học giáo lý cũng đã đến, điều này đồng nghĩa với chuyện
hôn nhân đại sự của Vân cũng không xa. Thế nhưng, lạ lùng thay càng đến gần
ngày cưới, tâm trí Vân lại càng rối bời và càng nghĩ đến chuyện tu trì nhiều
hơn. Vân bất an, cảm tưởng như cuộc hôn nhân này sẽ không thành. Thế rồi vào
một ngày cuối tuần, khi mọi thứ đã sãn sàng cho buổi chụp hình cưới, Tuấn tin
nhắn của Vân. Anh không thể tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy dòng chữ hiện
lên trên điện thoại “Em xin lỗi anh. Em không thể cùng anh tiến tới cuộc hôn
nhân này được. Hãy tha lỗi cho em nhé.” Tuấn hoang mang đến tột cùng. Anh không
hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình và với Vân nữa dù anh đã gặng hỏi và muốn
gặp Vân nhiều lần. Cuối cùng Vân cũng chấp nhận gặp Tuấn và nói hết tất cả cho
anh hay. Càng nghe Vân nói bao nhiêu Tuấn lại càng đau khổ bấy nhiêu. Anh
khuyên bảo và có lúc đã van xin Vân hãy quay lại với anh, vì tình yêu, con tim
này anh đã dành hết cho Vân. Đáp lại những lời đó là những dòng lệ tuôn trào
trên đôi mắt và những cơn đau như xé nát ruột gan trong cõi lòng Vân. Vân biết
rằng thực sự Vân cũng rất yêu thương chàng trai đó. Thế nhưng Vân nhận ra tình
yêu Vân dành cho Đấng mà em hằng khát khao lại nhiều hơn tình yêu dành cho
chàng trai.
Càng nghĩ về Tuấn, Vân càng cảm thấy có lỗi với anh, bởi lẽ Vân không thể đáp
trả lại tình yêu chân thành và sâu đậm mà anh đã dành cho em. Vân biết rằng
việc chối bỏ tình yêu đã làm Tuấn tổn thương rất nhiều. Thế nên, tâm hồn Vân
giờ đây bao trùm bởi nỗi dằn vặt. Vân luôn tự vấn lương tâm và không biết liệu
anh có tha thứ cho mình không.
Thời gian cứ trôi và Vân chợt hiểu em không thể cứ sống trong nỗi sợ hãi,
dày vò như vậy mãi được. Em quyết phải đứng lên và bắt đầu nơi đã kết thúc. Em
biết rằng em kết thúc mối tình với chàng trai kia vì lẽ để bắt đầu với một mối
tình khác, mối tình mang tên Giêsu. Thế rồi, Vân cầu nguyện, lấy can đảm liên
lạc với sơ bề trên.
Cầm tập hồ sơ
trên tay, Vân tới gặp sơ bề trên. Em trình bày hết “tâm tư nguyện vọng” cũng
như bệnh tình của em. Sơ bề trên hiểu khát khao dâng hiến của em. Thế nhưng, sơ
lại đề nghị em khám sức khoẻ một lần nữa trước khi quyết định, dù rằng trước đó
hai tháng em đã đi khám. Vân lo lắng, sợ hãi thế rồi em vẫn phải vâng lời sơ bề
trên.
Bước vào phòng gặp bác sĩ, tim Vân đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi
lồng ngực. Em hồi hộp, lo lắng đến tột độ: “Bác ơi, kết quả sức khoẻ con như
thế nào ạ? Con có bị sao không ạ?”.
“Kết quả cho thấy, con vẫn còn có virut Siêu vi B trong cơ thể, nhưng…”
Bác sĩ chưa nói hết câu, Vân đã rã rời chân tay, mặt mày xây xẩm như muốn
ngã nhào xuống đất.
“Con sao vậy ! Bác chưa nói hết câu mà. Hiện virus Siêu vi B vẫn còn
trong cơ thể con, nhưng nó đang ở dạng thụ động, nghĩa là virus Siêu vi B ngủ
yên, không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Với tình trạng này, sức khoẻ
con ổn. Con không có gì phải lo lắng. Về nhà uống thuốc và kiêng khem một số
thứ thì tình trạng này sẽ duy trì mãi và biết đâu sẽ hết virut Siêu vi B.” Bác
sĩ nói như muốn an ủi Vân.
“Vậy là sức khoẻ con không sao phải không bác? Con có thể vào dòng tu được
chứ ạ?” Câu trả lời của bác sĩ làm Vân loé lên ánh hy vọng và em hỏi dồn dập.
“Ừ, sức khoẻ con hiện tại là ổn, không gì phải lo lắng cả. Con chú ý đến ăn
uống, thuốc thang là được. Con không sao đâu.” Bác sĩ nói.
Vân vui mừng cầm kết quả bệnh án. Tuy nhiên, cũng có chút lo lắng trong
Vân, vì em không biết với tình trạng như thế sơ bề trên có chấp nhận hay không.
Vân thầm thì nguyện cầu cùng Chúa hàng giờ liền trong ngôi thánh đường quen
thuộc. Em quỳ đó như muốn nói lên lời van xin Chúa hãy chuẩn nhận lời em kêu
cầu. Thế rồi em như chợt bừng tỉnh khi hiểu rằng Chúa luôn muốn con cái Ngài
hạnh phúc trong mỗi ơn gọi của cuộc đời. Và trước mặt Chúa ơn gọi nào cũng tốt,
ơn gọi nào cũng đẹp và ơn gọi nào cũng được Chúa mời nên thánh. Do đó, chỉ cần
sống tốt và hạnh phúc với ơn gọi của mình là được, dù đó là ơn gọi tu trì hay
ơn gọi hôn nhân. Nghĩ tới đó, Vân cảm thấy nhẹ nhõm. Tâm hồn em giờ đây không
còn bình an đến lạ thường.
Đưa hồ sơ bệnh án tới gặp bề trên, Vân trình bày mọi lời của bác sĩ với vẻ
mặt thanh thản. Trong thâm tâm, Vân nghĩ rằng nếu lần này sơ bề trên từ chối
thì ắt hẳn đó là ý định của Chúa, có thể Ngài muốn mình hạnh phúc hơn trong ơn
gọi khác, và do đó em sẽ vui vẻ chấp nhận quyết định đó của sơ bề trên. Vì thế,
Vân không còn van nài như những lần trước dù thực lòng em vẫn khao khát sống
đời tu.
Thoáng một chút suy nghĩ, sơ bề trên đồng ý cho Vân vào tu. Vân rất vui
sướng và thầm cảm tạ Thiên Chúa. Em thông báo cho gia đình và bạn bè biết. Ai
ai cũng chúc mừng và hứa sẽ cầu nguyện nhiều cho em.
*
* *
Vân bắt đầu bước vào đời tu. Em nghĩ rằng đời tu phải tôi luyện cả đời chứ
không phải ngày một ngày hai. Thế nên, em vui vẻ chấp nhận những đòi hỏi cũng
như những lần thuyên chuyển của nhà dòng. Vì có những suy nghĩ như thế nên Vân
cảm thấy đời tu của em thật nhẹ nhàng và hạnh phúc. Lúc này em chợt hiểu có thể
những thử thách trước đây Chúa gửi đến cho bản thân như là những lần tôi luyện
để em đứng vững hơn trong ơn gọi, trong sứ vụ tương lai.
Ngày tuyên khấn lần đầu cũng đã đến với Vân. Nhìn khuôn mặt phúc hậu cộng
với chiếc áo dòng trắng tinh được khoác ngoài bởi tấm áo choàng đen và điểm tô
thêm vòng hoa trên đầu, ai cũng xuýt xoa khen ngợi Vân đẹp như một thiên thần.
Vân dõng dạc nói lên lời tuyên khấn vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh của mình
với Thiên Chúa ngang qua vị bề trên. Mọi người cảm nhận được niềm hạnh phúc
đang trào dâng trong con người sơ Vân vì giờ đây sơ đã được thánh hiến để dành
riêng cho Chúa.
Sau thánh lễ, khi đang nói cười vui vẻ với người thân, sơ Vân bỗng giật
mình khi bắt gặp Tuấn, người yêu cũ. Sơ Vân bối rối không biết làm gì khi anh
tiến tới chỗ mình. Như biết được vẻ bối rối của sơ Vân, Tuấn chủ động cất tiếng
chào sơ và chúc mừng sơ. Thế nhưng, sơ Vân vẫn chưa hết bối rối và dường như sơ
vẫn còn cảm thấy có lỗi với anh vì những gì trước đây. Hiểu được tâm trạng của sơ, anh đã
dùng những câu chuyện vui xen vào câu chuyện
của hai người. Và anh cũng không quên chỉ tay về phía xa để giới thiệu vợ của
mình, người đã kết hôn với anh được một năm. Và ngạc nhiên hơn cả khi anh nhắc
tới sơ Huyền, tân khấn sinh và cũng chính là người mà sơ Vân thân thiết hơn cả,
lại chính là em ruột của vợ anh. Sau khi nghe được những điều đó, sơ Vân cảm
thấy nhẹ nhõm vì giờ đây anh đã kết hôn với một người Công giáo, điều mà sơ vẫn
hằng mong muốn và đang yên ổn với cuộc sống hiện tại. Sơ hứa sẽ cầu nguyện cho
gia đình anh và cũng mong anh cầu nguyện cho sơ nhiều hơn.
Sau tất cả những gì đã xảy đến cho mình, sơ Vân cảm nghiệm rõ sự quan phòng
của Thiên Chúa dành cho mình. Sơ cảm tạ Thiên Chúa và thầm thì nhạc khúc “Những ân tình Chúa dành cho con quá dư đầy không
còn chi hơn, biết lấy chi cảm mến thánh ân không bờ bến Chúa thương
ban xuống trên phận hèn. Những ân tình xuống từ trên cao đến muôn đời
không hề hư hao, dẫu tim con mềm yếu dễ phai như màu áo, Đấng yêu thương
vẫn luôn ngọt ngào…” Sơ Vân an bình và thảnh thơi tiếp bước trên nẻo
đường dâng hiến, phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong tin yêu và hy vọng.
Đăng nhận xét