Thư gửi những người đang hoang mang vì COVID-19

 

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.

Các bạn thân mến, 

Mấy tháng nay cả thế giới đều rất lo lắng trước đại dịch viêm phổi cấp do Virus Corona (Covid-19) đang hoành hành dữ dội và diễn biến khôn lường. Từ trong nội vi Đan viện, tôi bồi hồi nhớ thương các bạn nên muốn gửi đôi dòng tâm sự.

Tôi biết lúc này các bạn đang rất hoang mang sợ hãi. Cách riêng với các Kitô hữu khi không còn được xum họp dâng Thánh lễ, cầu nguyện chung trong ngôi thánh đường giáo xứ, giáo họ thân thương. Đó là những việc thờ phượng mà tổ tiên biết bao đời của chúng ta đã đổi bằng máu để giữ vững Đức tin và lưu truyền cho chúng ta mãi tới ngày hôm nay. Ký ức tuổi thơ của tôi là mỗi buổi sớm tinh sương được ba mẹ dắt đi nhà thờ dự Thánh lễ, ba mẹ dạy chấm nước phép làm dấu đơn, dấu kép, đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh… nhà thờ trở nên thân thiết ấm cúng như nhà mình vậy, nhà thờ là nơi mọi người xum họp gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Mỗi thánh lễ cộng đồng tại nhà thờ giáo xứ của tôi rất long trọng, trang nghiêm đông đủ giáo hữu ngồi sát bên nhau, với tâm tình bình an, chan hòa hạnh phúc. Đặc biệt, những dịp lễ kính quan thầy, Tuần chầu, Giáng sinh, Tuần thánh… thì trong nhà thờ, bên hiên, ngoài sân đều chật ních người tham dự, thật ấm cúng vô cùng. Bầu khí sốt sắng sống đạo bừng lên mãnh liệt vào mỗi Mùa Thương Khó. Gọi là Mùa Thương Khó chứ vui lắm: tấp nập người đến nhà thờ xưng tội, ngắm đứng, tháo đanh, rước xác, cất xác, bốc nổ…

Thế nhưng, bây giờ phải ngưng lại hết! Đại dịch Covid-19 đã làm đảo tung mọi sự. Theo lệnh của chính quyền dân sự giới nghiêm toàn quốc: “Dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo…”[1]. Về mặt Giáo quyền các Đức Giám mục đã ban bố nhiều văn bản: Tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn… Các nhà thờ không tổ chức cầu nguyện cộng đoàn…”[2]. Điều ấy có thể làm cho các bạn cảm thấy mất mát hụt hẫng khi không thể tham dự Thánh lễ trực tiếp, có lẽ còn gây sự hoang mang trong đời sống đức tin nơi nhiều Kitô hữu nữa.

Tuy nhiên, xin các bạn hãy tin tưởng làm theo sự hướng dẫn của các vị đại diện Chúa, vì: “Chúng ta (những Kitô hữu) cùng với người dân cả nước cần phải tranh thủ giai đoạn vàng này để khỏi bị vỡ trận trước dịch bệnh. Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại” (thư Đức tổng Giáo phận Sài gòn, Giuse Nguyễn Năng).

Các bạn ạ, nếu nhìn đại dịch Covid ở chiều kích nhân bản chúng ta thấy sáng lên niềm hy vọng về cuộc sống hòa bình trên toàn thế giới, có những tín hiệu đáng mừng vì ngưng bắn, đình chiến đang diễn ra ở Syria, Lybia, Yemen... Trong cơn đại dịch người ta nhận ra và biết ơn nhiều nhà chính trị đang tận tâm lo lắng cho an sinh của người dân.

Giữa cơn dịch bệnh mặc dù có một số ít người tỏ rõ lòng tham lam… Nhưng cộng đồng nhân loại có dịp chiêm ngắm những nét đẹp của tình nhân đạo như: hoàn trả tiền thuê, miễn thuế, không còn cho vay nặng lãi, giảm giá bán xăng dầu, các nước giàu (Pháp) xóa nợ cho các nước nghèo… Nhờ nạn dịch đến mà ô nhiễm giảm, kênh rạch lại trong xanh, môi trường trở nên trong lành…  

Virus Corona đến làm nhịp sống con người toàn cầu chậm lại, nhờ thế người ta có thời giờ trầm lắng suy gẫm và nhận ra giàu hay nghèo “chúng ta bốn bể anh em một nhà” đang cùng bị chòng chành trên một chiếc thuyền đời để tích cực nối lại giá trị của tinh thần đoàn kết đẩy lui dịch bệnh, để tích cực sống tình liên đới chia sẻ giúp đỡ các anh chị em mình.

Covid làm người ta tỉnh ngộ nhận ra cái gì là quý giá, đáng trân trọng nơi trần gian này. Đó không phải là tiền bạc, danh vọng, hay thú vui nữa, nhưng là chính mạng sống, mạng sống này rất mong manh đang bị một con Vius vô hình dựt mất bất cứ lúc nào. Sự tấn công tàn nhẫn của Covid giúp con người không lãng phí thời giờ vào những điều vô ích, để trân quý những giây phút ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái còn được diễm phúc sống bên nhau, để thấy “nếu chỉ còn một ngày để sống” hẳn chúng ta sẽ sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với tha nhân, để nhận ra vật chất sẽ qua đi chỉ tình yêu thương mới có giá trị trường tồn.

Tuy thế, đứng trước sự hoành hành dữ dội của dịch bệnh một số người đã đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại để cho dịch Covid lan tràn giết chết hàng trăm ngàn người như vậy? Chúa ở đâu trong cơn dịch tễ này? Có những người đã thất vọng tung ném hết tiền bạc… thậm chí có người nhảy lầu tự vẫn. Phải chăng, khi tâm trạng bấn loạn con người không thể nhận ra Chúa là Đấng Thánh, là Cha giàu lòng thương xót, còn con người là tác giả của tội lỗi? Thực tế, khi chế tạo ra Covid-19, chính con người muốn loại trừ Thiên Chúa và muốn thống trị nhau để rồi “gậy ông đập lưng ông”, tất nhiên gánh hậu quả của tội là “sự chết”.

Dầu vậy, lòng thương xót của Chúa luôn vượt xa vực thẳm tội lỗi của con người. Chúa vẫn ở cùng và gánh lấy tội lỗi của con người trong cơn dịch bệnh Covid. Chúa ở trong các bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm tận tâm phục vụ bất kể nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Chúa ở trong các nhà hảo tâm với nhiều sáng kiến… giúp đỡ các anh chị em lâm nạn. Chúa ở trong các linh mục sẵn sàng đi vào tâm chấn của đại dịch để cứu lấy tính mạng, hơn nữa để đồng hành với các bệnh nhân trong giờ phút sau cùng hầu dẫn đưa họ về hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chúa ở trong các bệnh nhân sẵn sàng nhường máy thở cho anh chị em bệnh nhân khác… Thật “Tình thương Chúa vẫn chan hòa mặt đất” (Tv 32). Lòng thương xót của Chúa dành cho con người vẫn luôn hải hà.

Giữa sóng gió Covid thét gào, Chúa vẫn đang bình an ngủ trên thuyền đời của chúng ta, chỉ cần chúng ta kiên nhẫn “đánh thức” Ngài, và chính Ngài sẽ ra tay (x. Tv 36,5), Ngài có sẵn kế hoạch phúc lợi cho chúng ta, chứ không phải tai họa (x. Gr 29,11). Và cho dù thuyền có chìm thì chúng ta tin chắc sẽ chìm cùng Chúa, chìm với Chúa, chìm trong Chúa, để cùng phục sinh với Ngài. Bởi vì bất kể hoàn cảnh nào Chúa vẫn ở bên, âu yếm vỗ về chúng ta: “Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6,20)

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần giữ vững lòng cậy tin nơi Chúa là Cha toàn năng. Bởi vì trong thực tế mọi lúc, mọi nơi, dù có dịch hay không có dịch thì Chúa vẫn tuôn đổ dạt dào tình yêu thương của Ngài cho toàn thể nhân loại qua; qua Giáo hội, Ngài rộng rãi ban Ơn Toàn Xá[3] cho các tín hữu, và luôn chăm sóc các con cái của Ngài.

Đặc biệt trong thời kỳ dịch tễ khủng khiếp này, Giáo hội lại càng rộng rãi ban ơn thánh cho toàn thể nhân loại qua: Sắc Lệnh ban ân xá đặc biệt cho các tín hữu chịu đau khổ vì dịch Covid-19, cũng như cho những nhân viên y tế, gia đình bệnh nhân và tất cả những ai đang giúp đỡ các bệnh nhân[4].

Hẳn nhiên khi không được tụ họp dâng Thánh lễ và cầu nguyện chung với cộng đoàn tín hữu, các bạn lại càng khao khát được nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể và càng gia tăng tình mến thương nhau. Tôi đã thấy ở một vài nơi linh mục kiệu Chúa Giêsu Thánh Thể đến nhà của các tín hữu, nhiều người bật khóc hạnh phúc được rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng… Dù phải sống trong hoàn cảnh cách ly, nhưng các bạn lại càng sống Đức ái cách tuyệt vời bằng những việc cụ thể: quan tâm giúp đỡ người già, người vô gia cư, dựng những ATM gạo… Vậy nên, dù hoàn cảnh cách ly có kéo dài, có tồi tệ thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn hãy cứ nhiệt thành sống Đạo tại gia, vẫn cứ an tâm cầu nguyện ở nhà, lần hạt Mân Côi, lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, cầu nguyện với Lời Chúa, sốt sắng tham dự Thánh lễ online hằng ngày… với ước muốn lãnh ơn toàn xá, cùng với tâm tình thống thiết xin Chúa sớm chấm dứt dịch bệnh, xin Ngài ban sức mạnh cho các bệnh nhân, các nhân viên y tế và đón nhận những người đã qua đời vào Nước Trời. Đồng thời tích cực sống Đức ái Kitô giáo. Đó là cách thức mà Giáo hội mong muốn con cái mình quan tâm thực thi triệt để trong thời kỳ đại dịch Covid-19 này.




[3]  Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu do các tội gây nên, dù tội đã được tha thứ [qua Bí tích Giải tội]. Ân xá gồm có ơn xá từng phần (Tiểu xá) tha một phần hình phạt hoặc ơn toàn xá (Đại xá) tha hoàn toàn hình phạt.

[4]  Ban hành từ Tòa Ân Giải (Paenitentiaria Apostolica), (ngày 19 tháng 3 năm 2020).

 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn