Bạch
Thành Duy, OP.
Sách Châm Ngôn chú ý đến việc hướng
dẫn người trẻ làm sao để có được sự khôn ngoan đích thực hầu có thể đưa ra
quyết định đúng đắn trong việc chọn cho mình con đường công chính dẫn tới sự
sống, tránh đi vào con đường giả dối mà dẫn đến sự hư mất ngay hiện tại, “chết”
cả tương lai và uổng phí cuộc đời. Do vậy, các chủ đề trong sách này xoay quanh
những vấn đề của đời thường và nhắm đến những mục tiêu thực tiễn.
Thật vậy, khôn ngoan là một trong
những phẩm tính quan trọng nhất trong đời sống con người. Khôn ngoan không chỉ
là sự khéo léo ứng xử đơn thuần theo phàm tục, không phải là “đắc nhân tâm”
theo lề thói con người để lấy lòng nhau nhằm đạt được điều lợi cho cá nhân
mình, nhưng trên hết, khôn ngoan đích thực chính là đặt tương quan với tha nhân
trong tương quan với Đấng Tạo Hóa. Nhờ tương quan thân mật với Đấng Tạo Hóa,
con người mới có thể định hình, khắc tạo, gọt giũa và nhào nặn nên chính mình
cách đúng đắn và trọn vẹn. Do đó, những kinh nghiệm đời thường, những kiến thức
xã hội đơn thuần thì chưa đủ, mà phải có kinh nghiệm và hiểu biết thần linh.
Nói đúng hơn, thay vì khôn ngoan khởi đi từ những gì thuộc con người thì hãy
khởi đi từ những chiêm ngắm, suy niệm và kinh nghiệm về Thiên Chúa. Thật vậy,
ngay từ những câu đầu tiên của sách Châm Ngôn, ta đã bắt gặp tinh thần và mục
tiêu của sách này: “Đón nhận lời nghiêm huấn để biết cách xử sự
khôn ngoan: biết sống công bình, công minh và chính trực. Các châm ngôn này
cũng nhằm giúp cho kẻ ngây thơ nên sáng suốt, cho giới trẻ thêm hiểu biết và
thận trọng” (Cn 1, 3-4).
1. Khôn
ngoan
là bước
vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa
Mối tương quan
với Thiên Chúa làm nên thế đứng của con người. Mối tương quan ấy, theo sách
Châm Ngôn, phải khởi đi từ lòng kính sợ. Thật vậy, nói đến “kính sợ”, ta thường
dễ nghĩ ngay đến sự sợ hãi, lo âu, tức là gợi lên nhiều cảm xúc tiêu cực hơn là
tích cực. Thế nhưng, “kính sợ Đức Chúa”, xuất hiện 14 lần trong Châm Ngôn, bao
gồm hai chiều kích. Trước hết, đối diện với Thiên Chúa Toàn Năng, con người sợ
hãi thực sự, vì Người là Đấng bí ẩn, uy quyền, thánh thiêng,[1]
tách biệt với những gì là hèn kém, xấu xa. Người uy quyền và làm chủ muôn loài
muôn vật, bất kỳ ai nhìn thấy hoặc lại gần đều phải chết “Ông Môsê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa” (Xh 3,6). Mặt
khác, kính sợ còn bao hàm nghĩa cuốn hút không thể cưỡng lại được, vì Thiên
Chúa quá thánh thiện và tuyệt mỹ “Đây
không phải là sự sợ hãi vì bị đe dọa, mà là sự sợ hãi đầy lòng kính trọng, yêu
mến và vâng phục trước Đấng Tối Cao, Đấng nhân hậu với con người”[2].
Như thế, ở trong thâm tâm hay thần trí con người, luôn có một sự giằng co nào
đó khi đối diện với Đấng Thánh. Một đàng họ cảm thấy tự ti, sợ hãi vì thân phận
yếu hèn của mình, đàng khác họ bị lôi cuốn bởi sự toàn bích của Thiên Chúa.
Con người bước vào mối tương quan
với Thiên Chúa, trước hết, không phải là để bày tỏ chính mình, nhưng là để
“kính sợ” tức là chiêm ngắm, kinh nghiệm và lắng nghe. Thật vậy, tác giả Châm
Ngôn luôn cho thấy có một sự liên hệ mật thiết giữa việc kính sợ Thiên Chúa với
hành động nơi con người. Người khôn ngoan hành động theo chỉ dạy thì càng trở
nên khôn ngoan và hiểu biết “Hãy cho
người khôn ngoan, nó sẽ khôn ngoan hơn nữa” (Cn 9,9). Trong khi đó, những
kẻ khờ dại kiêu căng một mực từ chối lời sửa dạy, thậm chí chúng còn khinh dễ
và căm ghét những ai sửa dạy “Kẻ dạy đứa
nhạo báng là kẻ chuốc vào mình sự khinh dễ”.[3]
Hơn thế nữa, khởi đầu của sự khôn
ngoan trước hết và trên hết phải có một mối tương quan cá nhân mật thiết với
Thiên Chúa. Đó là mối tương quan lành mạnh, tích cực và thân tình. Như thế,
người ấy mới có thể lắng nghe (שָׁמַע) tiếng gọi và lời giáo huấn của Người.
Trong ngôn ngữ Hipri, từ “nghe - shama” (שָׁמַע) đồng thời có nghĩa là “vâng phục”,[4] tức
là hành động theo những gì mình được nghe – nghe và thực hiện là một – và cũng
gần với chữ “shamar” (שָׁמַר)
nghĩa là “tuân giữ”. Kính sợ Đức Chúa, do vậy, không dẫn đến những tiêu cực hay
thảm họa mà là điều phúc “Phúc thay người
nghe ta, để ngày mai canh thức trước các cửa của ta […] Vì kẻ tìm thấy ta là
tìm thấy sự sống, và nó nhận được sự hài lòng từ Đức Chúa” (Cn 8,34). Thế
nên, kính sợ Đức Chúa mang ý nghĩa tích cực và cấp thiết, vì điều đó mang đến
sự sống đích thực cho con người. Ngoài ra, việc lắng nghe không làm cho người
ta trở nên ích kỷ, nghèo nàn, nhưng là một sự khai mở làm cho cuộc sống ngày
càng trở nên phong phú, phì nhiêu, tươi đẹp, đáng sống nhờ tương quan gần gũi
cá vị với Thiên Chúa và nhờ vậy mà họ ngày càng muốn dấn thân trong đường lối
của Người “Vì mệnh lệnh là đèn, luật là
ánh sáng, và những lời khiển trách của giáo huấn là con đường sự sống” (Cn
6,23).
2. “Kính sợ
Đức Chúa” khai mở những điều tốt đẹp
“Kính sợ Đức Chúa” (Cn 1,7; 9,10;
31,30) có thể là lời dạy bảo của người cha với con cái mình[5],
cũng có thể là một lời mời gọi của người hiền triết hay của những bậc khôn
ngoan đi trước và nhiều khi là mệnh lệnh đến từ Thiên Chúa để người ta được
sống, tuy nhiên không bao giờ là một sự áp đặt. Lời mời gọi đó được nhắc đi
nhắc lại nhiều lần trong các bản văn qua nhiều thế hệ của dân Israel. Đó là một
lời mời của tự do và trách nhiệm chứ không ai có thể gánh thay hay làm thay cho
ai được “Nếu con khôn ngoan là con khôn ngoan
cho mình, còn con nhạo báng thì phần của con, con sẽ gánh chịu” (Cn 9,12).
Trách nhiệm trở thành người khôn ngoan hay kẻ nhạo báng cũng đồng thời với
trách nhiệm phải lớn khôn hay nên ngu muội mà mỗi cá nhân phải đảm nhận trong
cuộc đời này.[6]
Bên cạnh đó, đối với người Israel,
tri thức (về thế giới và các vấn đề của con người) và sự khôn ngoan có mối
tương quan khăng khít với Thiên Chúa “Kính
sợ Đức Chúa là khởi đầu của tri thức” (Cn 1,7). Đây là điểm quan trọng nền
tảng, bởi vì khôn ngoan liên quan đến tương quan sáng tạo đối với Thiên Chúa,
trong mọi chiều kích của sáng tạo và những hàm ý về thương xót con người hay
hướng dẫn con người từ những chuyện to nhỏ trong đời sống hàng ngày[7]
“Chính nhờ ta, mà vua chúa biết cầm quyền
trị nước, các thủ lãnh có những phán quyết công bình” (Cn 8,15); “Suy nghĩ lo toan là việc của con người, còn
nói câu trả lời là do ĐỨC CHÚA” (Cn
16,1-5). Hơn nữa, “Kính sợ Đức Chúa” cũng có nghĩa là “ghét sự dữ” “Thói kiêu căng ngạo mạn, và lối sống bất
lương cũng như những lời gian manh, tráo trở, đó là những điều ta chê ghét” (Cn
8,13), vì sự dữ làm méo mó nhân cách và phẩm giá con người, làm cho con người
không xứng hợp với công trình tạo dựng thuở ban đầu của Thiên Chúa. Hơn nữa, sự
dữ hủy diệt sự sống, nghĩa là chống lại Thiên Chúa.
Như thế, “Kính sợ Đức Chúa” không
đẩy con người vào hoàn cảnh bi đát, bế tắc và tuyệt vọng, cũng không dẫn họ vào
con đường cùng, khốn nạn, khốn khổ, nhưng là mở ra một điều gì đó mởi mẻ trong
mối tương quan giữa họ với Đức Chúa. Mối tương quan này soi chiếu cho con người
nhận thấy sự thật về bản thân mình - được Thiên Chúa yêu thương - và đồng thời
cũng cho họ thấy Thiên Chúa là Đấng làm chủ muôn loài thọ tạo, cho nên “sự hiểu biết Đấng Thánh là sự thông hiểu”
(Cn 9,10b). Ngược lại, con người chỉ có thể sống trong sợ hãi (theo nghĩa tiêu
cực) khi họ “không học sự khôn ngoan và
không biết sự hiểu biết về Đấng Thánh” (Cn 30,3). Hậu quả là họ bị dẫn đến
lầm lạc trong đời sống và bất trung với Thiên Chúa như dân Israel trong sa mạc:
Khi
nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ
hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với ông Mô-sê: "Xin chính ông nói với
chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi,
kẻo chúng tôi chết mất!” (Xh 20, 18-19).
Đối với kẻ tội lỗi khi sống lạc ra
ngoài con đường của Thiên Chúa, thì chính hào quang sáng chói của Người sẽ là
nỗi đau khổ dày vò tâm hồn họ.
3. Sự khác
biệt giữa bà Khôn và mụ Khờ
Muốn trở nên khôn ngoan thật sự,
con người phải luôn biết phân biệt điều gì sẽ đem đến lợi ích thực sự và lâu
dài, điều gì chỉ là tạm bợ và giả dối. Trong chương 9, bậc tôn sư khôn ngoan đã
cho thấy đời sống cũng như kết cục của hai chọn lựa khác nhau (một bên chọn làm
theo bà Khôn ngoan, bên kia chọn theo mụ Khờ). Thật vậy, trước hết tác giả sách
Châm ngôn đưa ra cấu trúc[8]
song song giữa hai kiểu cách của bà Khôn và mụ Khờ:
Bữa tiệc của bà Khôn (Cn 9,1-6)
A. Giới thiệu (1-3)
1. Việc chuẩn bị nhà cửa và bữa tiệc của bà
Khôn (1-2)
2. Lời mời gọi của bà
Khôn (3)
B. Bài thuyết giảng của
bà Khôn (4-6)
1. Lời hướng dẫn của Bà
đối với kẻ ngây thơ (4)
2. Lời mời đến ăn uống
(5-6)
Bữa tiệc của mụ Khờ (Cn 9,13-18)
A. Giới
thiệu (13-15)
1. Tính
cách của mụ Khờ (13)
2.
Lời mời gọi của mụ Khờ (14-15)
B. Bài
thuyết giảng của mụ Khờ (16-17)
1. Lời
hướng dẫn của Bà đối với kẻ ngây thơ (16)
2. Một câu
châm ngôn (17)
C. Lời
tuyên phán của tác giả (18)
Cấu trúc này cho thấy
giữa bà Khôn và mụ Khờ đều chung một kiểu cách, hình thức hoạt động, từ việc
chuẩn bị “ngai tòa” đến cách thức “bày biện” món ăn để mời những kẻ “ngây thơ”
và những kẻ “thiếu trái tim” đến với mình. Quả thật, mụ Khờ cũng ngồi trên
những chỗ sang trọng để đưa ra nhiều lời chiêu dụ ngon ngọt, bày biện các “món
ăn” có vẻ hợp thời, đáp ứng nhu cầu của người trẻ hòng lôi kéo nhiều kẻ đến với
mình. Do đó, nhiệm vụ của những kẻ “nhẹ dạ cả tin” là phải tỉnh táo, khôn ngoan
để phân định mà chọn lựa cho mình con đường dẫn đến sự sống, nếu không họ có
nguy cơ lạc vào con đường sự chết.
a. Bữa
tiệc của bà Khôn
Trước hết, tác giả
giới thiệu cách thức xây nhà cũng như thông điệp của bà Khôn. Bà “xây nhà mình
trên bảy cột”. Chữ “nhà” cho phép ta nghĩ đến cung điện, ngôi đền[9] hoặc thánh điện
(shrine) trong 2 Samuel “Chính nó sẽ xây
một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi
mãi” (7, 13) hoặc “ĐỨC CHÚA lại phán
với Đavít thân phụ ta: "Ngươi định tâm xây một ngôi nhà để kính danh Ta;
ngươi định tâm như thế là tốt” (1V 8,18).[10] Bên cạnh đó, chi tiết “các đỉnh cao của những nơi cao của
thành”(3) cũng hàm ý đến đền thờ hoặc nhà của Đức Chúa mà độc giả có thể
tìm thấy trong Isaia “Trong tương lai,
núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi
ngọn đồi”(Is 2,2) hoặc “Hỡi kẻ loan
tin mừng cho Xion, hãy trèo lên núi cao”(Is 40,9) nơi mà người ta có thể
tìm đến để học về thánh luật, đường lối và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.[11]
Tuy nhiên, nhà cũng
có thể là trường học, dù trường hợp nào đi nữa, tác giả muốn hướng độc giả chú
ý đến bữa tiệc hiến tế trong ngôi nhà của Khôn Ngoan. Tiếp đến, tác giả đề cập
đến “bảy cột”, có thể là bảy sự khôn ngoan (apkallu)
trong truyền thống Cận Đông cổ.[12]
Như thế, “nhà” của bà Khôn được xây cất trên những nền móng vững vàng chắc chắn
là những sự khôn ngoan mang tính vĩnh cửu. “Kẻ khờ dại” cũng vì thế được mời
gọi theo gương bà Khôn để xây “nhà” có thể hiểu là tâm hồn mình trên những điều
dẫn đến sự sống. Thật vậy, “nhà” – tâm hồn – của họ cũng cần được xây trên “bảy
cột”, đó có thể là Bảy Ơn Chúa Thánh Thần, hay là Bảy Nhân Đức. Có như vậy,
những kẻ trẻ người non dạ mới ra khôn ngoan.
Ngoài
ra, “thịt, bánh rượu” nghĩa là giáo huấn; “con đường thông hiểu” nghĩa là giáo
huấn của Lề luật và Ngôn sứ. Nhà khôn ngoan lấy lại giáo huấn của Lề luật (x.
Đnl 8,3) và Ngôn sứ (x. Is 55,1-3a) mà truyền lại cho môn sinh.[13] Như vậy, bà Khôn thiết đãi
toàn “cao lương mỹ vị” trong điện thờ Đức Chúa, đó là những lề luật, giáo huấn
của Đức Chúa đã được truyền lại cho cha ông, nghĩa là toàn những lời Thiên Chúa
đã chỉ dạy cho tổ tiên dân Israel. Do vậy, những “đồ ăn, thức uống” của bà không
phải là lạc thú trần gian cho bằng lời giáo huấn để có được sự khôn ngoan đích
thật trong đời sống. Càng “ăn”, người ta càng được sống xứng với nhân phẩm,
càng được bảo vệ khỏi lầm lạc, và tâm trí càng nên sáng suốt. Đặc biệt hơn nữa,
giáo huấn này không chỉ dành riêng cho một dân mà cho bất kỳ ai “muốn bỏ những sự ngây thơ để sống và thẳng
bước trên con đường thông hiểu” (9,6).
b. Bữa tiệc của mụ Khờ
Tiếp
đến, đối với mụ Khờ, tác giả không đề cập đến việc mụ ta xây nhà ra sao, thay
vào đó, tác giả miêu tả về tính tình, cách thức bày biện món ăn và thông điệp
mà mụ Khờ thực hiện để lôi kéo “kẻ ngây thơ, khờ dại” – chính là những kẻ “trẻ
người non dạ” đang bắt đầu khởi sự cuộc đời - đến với mình. Quả thật, khác với
bà Khôn, mụ Khờ không xây nhà, không dựng “cột” không đắp “nền”, vì chính mụ
cũng là kẻ ngu si, lăng loàn, kém hiểu biết “ồn
ào, ngây thơ, chẳng biết gì”.
Như
thế, tự nơi Mụ đã không có sự khôn ngoan đích thực hướng dẫn, không xây đời
mình trên những cột trụ vững bền. Thật vậy, mụ được đồng hóa với “người đàn bà trắc nết, xa lạ”. Nói cách
khác, mụ Khờ chính là con người lầm lạc, thiếu khôn ngoan, không có đức hạnh,
lạc lối, và vô trật tự.[14] Mụ chỉ là “người đàn bà trắc nết nói lời đường mật” (Cn
7,5), là gái điếm[15] dụ dỗ người ta. Thế nhưng,
vẫn có nhiều kẻ mắc mưu vì mụ cũng có “ngai tòa” của mình tại những “nơi cao
của thành” và lời mời gọi của mụ nghe khá hấp dẫn và có vẻ hợp thời “Nước uống trộm mới ngọt, bánh ăn lén mới
ngon” (Cn 7,17).
Mụ
Khờ dường như đang đánh đúng vào tâm lý của người trẻ, vì họ thường dễ tò mò,
hiếu kỳ và thích làm những điều trái ngược với lời dạy của bố mẹ và thầy cô để
chứng tỏ mình có bản lĩnh. Trong hoàn cảnh này, tác giả sách Châm Ngôn khuyên
người trẻ cần có khôn ngoan đích thực hướng dẫn để “Nhờ thế, con sẽ thoát khỏi người đàn bà trắc nết, khỏi người phụ nữ
không quen cứ nói ngon nói ngọt” (Cn 2,16); “Quả thật, môi người đàn bà trắc nết tiết ra mật ngọt, miệng của nó
trơn tru hơn dầu” (Cn 5,3).
Vì
một lý do nào đó hành động “ăn trộm, uống lén” trở nên hấp dẫn người trẻ. Họ có
thể nghĩ rằng mình sẽ có độc lập, tự do, nếu coi thường lề luật, đi chệch những
lời giáo huấn hoặc quy định của người lớn.[16]
Hơn nữa, lời mời gọi nghe có vẻ ngọt ngào và hấp dẫn của mụ Khờ làm người ta
nhớ đến lời con rắn dụ dỗ Adam ăn trái cấm trong vườn Địa đàng khiến ông mất
tình thân thiết với Thiên Chúa.[17]
Thế
nhưng, người khôn ngoan biết và vạch trần con đường của mụ “nhà của nàng là những con đường của âm phủ, đi xuống những căn phòng
của sự chết” (7,27) và “rượu, bánh” của mụ chỉ toàn đồ gian ác, ghê tởm “Vì chúng
ăn bánh của sự gian ác và uống rượu của sự bạo hành” (4,17). Nơi bản thân mụ ngay từ đầu đã là một con
người vô trật tự, thiếu kiểm soát bản thân. Điều này đối nghịch với những người
khôn ngoan thông hiểu. Thật vậy, người không thể kiểm soát hành vi và lời nói
của mình là người thiếu hiểu biết và do đó, cũng sẽ dẫn đến thiếu kiểm soát
trong các lĩnh vực khác của đời sống của mình.[18]
Những người như thế không thể nào là người khôn ngoan để hướng dẫn kẻ khác, do
vậy tác giả kết luận “các kẻ được mụ kêu
gọi thì ở trong vực thẳm âm ty” (9,18). Như thế, mụ Khờ dại không có quyền
hành gì, “ngai tòa” của mụ chỉ là giả dối nên những lời mụ dạy không mang lại
sự sống đích thực. Mụ chỉ có thể đánh lừa người khác và đưa họ vào con đường
đầy rối loạn đam mê lạc thú trần gian, làm cho trở nên ngu muội, phá hoại tâm
trí khiến người ta lâm vào chỗ chết.[19]
Bậc
khôn ngoan thông thái trong sách Châm Ngôn cho thấy các đường đi nước bước cũng
như hệ lụy của nó khi người ta hành động theo chỉ dẫn của bà Khôn hoặc mụ Khờ.
Một đàng, theo bà Khôn, sẽ được thông hiểu, được sống; đàng khác, theo mụ Khờ
sẽ phải chung số phận với các âm hồn, đến vực thẳm âm ty. Tuy nhiên, người khôn
ngoan chỉ hướng dẫn và mời gọi chứ ông không giới hạn vào dân nào và cũng không
áp đặt cho ai. Ông muốn độc giả phải tự thẩm định và chịu trách nhiệm về những
lựa chọn của mình. Bài học về bà Khôn và mụ Khờ cũng tương tự như bài học về
Hai con đường trong Đệ Nhị Luật (20, 15-20) “Hôm
nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là
phải chết, bị tai hoạ” (15). Chính độc giả mới là người phải tự quyết định
số phận và tương lai của mình.
4. Lắng nghe lời của Khôn ngoan
Khôn ngoan được nhân
cách hóa, hoạt động ở những nơi công cộng,
nơi mà “những kẻ khác” cũng làm, đó là ngoài đường, trên các đỉnh nơi cao, cạnh
các cổng và cửa thành, giữa các giao lộ:
Hỏi rằng Đức Khôn Ngoan đã không mời gọi,
và Hiểu Biết đã chẳng lên tiếng đó sao ?
Trên đỉnh cao bên đường phố,
tại các giao lộ, Đức Khôn Ngoan đứng đó ;
bên cổng dẫn vào thành,
nơi lối đi tới cửa thành, Đức Khôn Ngoan kêu to:
"Phàm nhân hỡi, ta mời gọi các ngươi đó,
ta ngỏ lời với các ngươi, hỡi con cái loài người”
(Cn 8,1-3).
Khôn
ngoan hiện diện khắp nơi, đặc biệt tại những nơi người ta hay tụ tập làm ăn buôn
bán hoặc đưa ra các quyết định quan trọng, để mời gọi họ đi vào con đường công
chính và thánh thiện. Thật vậy, Khôn ngoan được tạo dựng, tấn phong và sinh ra
trước muôn loài và tự bộc lộ mình như là con của Thiên Chúa[20]
để ai nghe và làm theo bà sẽ không bị sai đường lạc lối “Mọi lời nói của miệng ta ở trong sự công chính, trong chúng không có
sự quanh co và điều giả dối” (Cn 8,8); thậm chí những người nắm địa vị cao
trong xã hội cũng phải lắng nghe bà để có được sự khôn ngoan sáng suốt.[21] “Nhờ ta, các thủ lãnh cai trị, và những
người quyền quý, tất cả là những người xét xử công minh” (16).
Điều
này thật đúng với vua Salômon khi ngay từ khởi đầu triều đại trị vì của mình,
đã chạy đến với Thiên Chúa “Xin ban cho
tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt
phải trái” (1V 3,9).
Hơn
thế nữa, mọi sự chủ động không phát xuất từ phía con người, nhưng là từ Khôn
ngoan, vì bà say mê con người và say mê đời sống con người “niềm vui của ta là ở với con cái loài người” (Cn 8,31) và do đó
muốn làm cho con người và đời sống của họ được kiện toàn tốt đẹp “Phàm nhân hỡi, ta kêu gọi các ngươi, và
tiếng của ta tới con cái loài người” (Cn 8,4); “Hãy nghe, vì ta sẽ nói những điều chân thật” (Cn 8,6). Khôn
ngoan luôn thôi thúc và gợi lên trong con người lòng khao khát tìm kiếm sự hiểu
biết, công chính và sự thiện hoặc tất cả những trí năng kỳ diệu nơi bà: “sự
tinh khôn”, “tri thức”, “sự thận trọng”, “kính sợ ĐỨC CHÚA”, “mưu lược”, “thành
công”, “sự thông hiểu”, “sức mạnh” “cai trị”, “sự công minh”, “hướng dẫn”, “xét
xử công minh” (Cn 8,12-16). Do đó, một khi đến với bà, thì bà sẵn sàng ban phát
cho con người mọi điều tốt đẹp “ban gia
sản cho những kẻ yêu ta, và các kho tàng của chúng, ta sẽ làm cho đầy” (Cn
8,21).
Chắc
hẳn độc giả cũng có cảm tưởng rằng Khôn ngoan “nhập thể” sống liên lụy với
người trần thế ở chốn dương gian để cùng họ xây dựng xã hội, canh tân cuộc đời,
sống vui thú kiếp người. Tuy nhiên, bà không thuộc thế gian:
Bà Khôn được phác họa như là một con người hấp dẫn di chuyển giữa đám
đông, nhưng không cư ngụ ở một nơi nào đó mà chỉ một số ít có thể tiếp cận, mà
luôn hiện diện ở chốn đông người như cổng thành, chợ, đường phố.[22]
Bà Khôn “tất bật” với đời sống con người cốt
chỉ để giúp họ phân biệt được đâu là điều chân thật đến từ Thiên Chúa, đâu là
sự giả dối phát xuất từ mụ Khờ, nhờ đó mà sống an vui và hạnh phúc. Thật vậy,
tìm kiếm Khôn ngoan là có được sự sống và phúc lành của Đức Chúa (x. 35). Trái
lại, từ chối lắng nghe và phạm đến Khôn ngoan là tìm đến cái chết “Còn ai phạm đến ta là làm hại chính mình,
mọi kẻ ghét ta là yêu cái chết" (Cn 8,36).
5. Người trẻ với bà Khôn
trong bối cảnh văn hóa - xã hội hôm nay
Những
lời dạy của bà Khôn cũng như những lời ngon ngọt của mụ Khờ được tác giả đưa ra
để cảnh tỉnh những kẻ trẻ người non dạ, giúp họ biết phản tỉnh và biện phân
trước mọi cảnh huống của đời sống. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thế
giới đầy tiện nghi, một thế giới đề cao tự do cá nhân, nhưng rõ ràng thế giới
đó như bị trói buộc bởi những tiện nghi nó tạo ra và trở nên nô lệ cho chính
những quy tắc, luật lệ nhân danh tự do mà nó muốn đạt tới.
Một
trong những “hiện tượng” phản ánh khá rõ ràng về điều này đó là sự phổ biến của
các trang mạng xã hội. Thật vậy, sự phụ thuộc vào lượt người “view” (xem) và
“like” (thích) trên các trang mạng xã hội đã tác động không nhỏ đến các thang
giá trị về tốt – xấu, hay – dở, lành – dữ, thật – giả,... Người ta nhìn vào
lượt “view” và “like” để rồi đề cao hoặc hạ thấp chất lượng của một bài viết,
vở kịch, bài diễn giải, môn học… Do vậy, những người làm ra các chương trình
truyền hình, các video, clip quảng cáo, âm nhạc, giáo dục, tôn giáo, văn
hóa, thể thao… nếu muốn thu hút nhiều khán thính giả thì dường như đều bị chị
phối bởi thị hiếu của họ nhiều hơn là truyền tải nội dung thực tế, chất lượng
mang tính giáo dục và nhân văn. Như thế, vô hình trung đã tạo ra giá trị mang
tính đám đông, "bầy đàn" hơn là truyền tải nội dung thực tế của nó.
Người ta dễ dàng ngộ nhận rằng càng đông người xem hay thích là càng có giá
trị. Trong trường hợp như thế, cái "ta" dễ bị cái "chúng
ta" lấp liếm, cái độc đáo dễ bị cái lập dị che khuất; những gì là tính
tương đối dễ bị đánh đồng với những thứ giá trị mang tính tuyệt đối; cũng vậy,
cái tự do khó lòng phân biệt được với cái tùy tiện.
Để
có thể tỉnh thức và sống đúng với những gì là chân thật, ý nghĩa, và lành
thánh, người trẻ được bà Khôn nhắc nhở “Hãy
quay về nghe lời ta sửa dạy. Này ta tuôn đổ thần khí ta trên các ngươi, khiến
các ngươi hiểu rõ lời ta dạy bảo” (Cn 1,23). Bà Khôn luôn luôn nhấn mạnh đến
việc lắng nghe và kính sợ Đức Chúa như điều kiện tiên quyết cho mọi thành công “Vì chính ĐỨC CHÚA ban tặng khôn ngoan; tri
thức và hiểu biết là nhờ Người mà có”.
Thật vậy, trong thực tế, con người ta luôn
sống trong tình trạng bị "xâu xé"
và "vun bồi" bởi hai thứ: văn hóa đám đông và bản sắc cá thể. Những
"xâu xé" đó nhiều khi đem lại những “vun bồi” làm cho ta phản tỉnh và
trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn, khi ta luôn hướng theo con đường của Thiên Chúa
muốn, do vậy mà ta biết chọn cho mình một con đường chắc tâm đối với ta “Ai ngay chính
được Người trợ lực, Người thành khiên thuẫn cho kẻ sống thanh liêm, giữ gìn
đường nẻo người chính trực, bảo vệ lối đi kẻ tín trung”(Cn 2,7-8).
Như thế, cái bản sắc tôi mới hiển hiện và cái tôi duy nhất, độc đáo mới có cơ hội
tỏa sáng. Nếu ta sống trong một nền văn hóa, nơi đó, văn hóa tôn trọng và biết
mình nghèo luôn được đề cao thì đó là phúc cho ta.
Bởi vì, ta đang
được sống trong một bầu khí mà ai cũng nhận biết mình đang trên hành trình tìm
kiếm và hoàn thiện chính mình nhờ những thứ bên Ngoài và cậy những thứ bên
Trong. Nơi đó, ai cũng có thể là “thầy” của nhau ở một góc cạnh nào đó; nơi đó,
ai cũng là bạn hỗ trợ của nhau trong những lúc nào đó; nơi đó, người ta không
bị cưỡng bức tư tưởng dù người ta có nhiều khác biệt; như thế, nơi đó, người ta
được cảm thông và thông cảm. Nơi đó, bên Ngoài và bên Trong là một - không có
khoảng cách. Trong cũng chính là Ngoài và Ngoài chính là Trong - nên Một và là
Một. Hơn thế nữa, trong một cộng đoàn, tổ chức, những người có trong mình sự
độc đáo thường là người đại diện cho nét độc đáo của cộng đoàn và gợi hứng cho
sự đổi mới, cho nét mới, cho sự tiến triển của cộng đoàn, tổ chức đó. Thật vậy,
đó là nét chung mà bất kỳ ai nhìn vào cũng thấy mình trong đó.
Ngoài ra, sống
trong một thế giới, ở đó, người ta cho rằng mọi sự chỉ là tương đối, chẳng có
chi tuyệt đối, người đón nhận Khôn ngoan phải làm chứng rằng chính sự tuyệt đối
mới làm cho đời sống của con người thêm phong phú, sinh hoa trái và có ý nghĩa,
vì “Khôn ngoan ngự trị trong lòng người
hiểu biết, nhưng chẳng ai thấy nó trong dạ đứa ngu si”(Cn 14,33). Một đời
sống tương đối và hời hợt không thể nào sinh hoa kết trái được. Thực tế, chỉ có
tình yêu đến mức tuyệt đối mới bền vững, mới giúp người ta vượt qua bao gian
khó để hy sinh cho nhau; chỉ có lòng chung thủy tuyệt đối mới có giá trị và
thôi thúc người ta xây dựng cuộc đời; chỉ có đam mê tuyệt đối (tập trung tất cả
sức lực) mới có thể sản sinh ra bao tác phẩm văn học, nghệ thuật để đời. Ngược
lại, sống với tư tưởng về một sự tương đối, bất ổn, mơ hồ chỉ có thể mang đến
cho con người cảm giác nhàm chán, phi lý và vô nghĩa.
Trong bối cảnh
xã hội hiện nay, xu hướng chạy theo mụ Khờ nơi người trẻ xem ra được ưa chuộng
hơn, được coi là “mode” là hợp thời. Do đó, những “giá trị” mụ Khờ mang lại cho
con người dù hoàn toàn mang tính tương đối, nhưng xem ra lại được ưa chuộng và
cổ xúy hơn cả. Thế nên, điều quan trọng đối với những người trẻ là phải biết
làm sao để nhận ra đâu là những giá trị mang lại niềm vui đích thực hầu không
bị rơi vào tình trạng “vong thân”. Thực tế, một xã hội vận hành dựa trên nền
tảng tư tưởng tương đối thì chỉ sinh ra ích kỷ, bạo lực, dối trá, ngờ vực, tham
tàn, trống rỗng và hủy diệt. Một sự hời hợt, cảm tính, tiêu cực không bao giờ
là một sự xây dựng bền vững. Do đó, con người dù sống trong thế giới mau qua,
chóng tàn mấy đi chăng nữa thì cũng phải đặt nền trên niềm tin tuyệt đối, vì
chỉ có như vậy họ mới có thể sống là Người, kiện toàn Tính Người. Cuộc sống nhờ
đó mới có ý nghĩa và giá trị. Niềm tin vào giá trị tuyệt đối hay vào Đấng Tuyệt
Đối không giải đáp mọi thắc mắc về thế giới tương đối cho bằng mở ra một không
gian bao la, ở đó, con người gặp thấy ý nghĩa làm người, cảm nhận được niềm
vui, hạnh phúc của sự hy sinh và như thế mới sống có mục đích sâu xa và liên
đới.
KẾT LUẬN
Trở
thành người khôn ngoan đích thực theo sách Châm Ngôn là biết nhận ra thời gian
thuận tiện, nơi chốn thích hợp và mức độ đúng đắn của hành động trong mối tương
quan với con người và Thiên Chúa. Đặc biệt, cần phải khởi đi từ việc kính sợ
Đức Chúa, phân biệt những lời khuyên dạy thật - giả và biết lắng nghe bà Khôn,
vì trước khi vạn vật được tạo dựng, bà đã hiện diện, và trợ giúp Thiên Chúa
trong việc tạo dựng và tổ chức thế giới hài hòa. Do vậy, mặc dù bà không phải
là Đấng Tạo Hóa, nhưng bà là kế hoạch mà theo đó Thiên Chúa làm nên mọi loài.
Có thể nói bà Khôn là hiện thân của Thiên Chúa, đem lại cho thế giới sự hài hòa
và vững chắc, nên những ai nghe lời bà đều được thành công trên đời này.[23] Hơn nữa, ta cũng thấy rằng
bà Khôn rất tự do và hào phóng, không áp đặt, nhưng muốn thuyết phục độc giả tự
quyết định lấy vận mạng của mình “Ai nghe
lời Ta sẽ sống bình an và được an toàn mà không sợ chi điều dữ” (Cn 1,33).
Tôn
sư khôn ngoan trong sách Châm Ngôn luôn nhấn mạnh đến động từ nghe (shama) dù
là ở chiều kích kính sợ Đức Chúa, phân biệt giữa bà Khôn với mụ Khờ, hay ở
chiều kích tuân theo chỉ dẫn của Khôn ngoan. Do đó, động từ “lắng nghe” (shama)
đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người môn sinh trên hành
trình tìm kiếm Khôn ngoan. Shama như đã phân tích trên cũng có nghĩa là vâng
phục và tuân giữ. Những ai nghe lời Khôn ngoan sẽ tìm thấy sự sống “Ai thấy Ta là thấy sự sống” (Cn 8,35)
và tránh được những gì mà Ađam đã phạm phải trong vườn địa đàng, đó là nghe lời
dụ dỗ của con rắn mà bất trung với Thiên Chúa nên đã mất tình nghĩa thiết với
Người mà lâm vào chỗ chết. Thật vậy, sự sống là danh dự, giàu sang, danh thơm
tiếng tốt, an lạc ngay từ bây giờ, và là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa,
nhưng không vì thế mà con người cứ bám chặt hoàn toàn vào chúng. Họ cần phải
hướng tới một đời sống cao thượng, hạnh phúc chỉ có được khi sống theo lề luật
của Thiên Chúa, khi không ngừng truy tìm và theo đuổi những giá trị mang tính
vĩnh cửu.[24]
[1] David E. Green, “יָרֵא,” The Theological Dictionary of the Old Testament,
vol. VI, Edited by G. Johannes Botterwreck & H.
Ringgren, (Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Phublishing Co, 2004), 289.
[2] Kinh
Thánh Cựu Ước: Các Sách Giáo Huấn (Bản
dịch để học hỏi), (Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ dịch, Hà Nội: Tôn Giáo, 2018),
383.
[3] Woodrow Kroll, Back
to the Bible Study Guides: The Pursuit of God’s Wisdom, (Illinois, Wheaton:
Crossway Books, 2007), 31.
[4] David
E. Green, “יָרֵא,” The Theological
Dictionary of the Old Testament, vol. VI,
313.
[5] X. David Noel Freedman editor in chief, The Anchor Bible Dictionary: Proverbs, (New York: Doubleday, 1992),
7186.
[6] X. Milton P. Horne, Smyth
& Helwys Bible Commentary: Proverbs-Ecclesiastes, (Georgia, Macon:
Smyth & Helwys, 2003), 136.
[7] X. Kevin J. Vanhoozer, general editor, Dictionary for
theological interpretation of the Bible, (London: Baker Book
House Company, 2005), 1165.
[8] X. Roland E. Murphy, Wisdom
Literature Job, Proverbs, Ruth, Canticles, Ecclesiastes and Esther, (Grand
Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Publishing Company, 1983), 62.
[9] La
Bibile tOB: Proverbes, (les Éditions
du Cerf, Paris: Cerf, 2010), 1332.
[10] X. Milton P. Horne,
Smyth & Helwys Bible Commentary:
Proverbs-Ecclesiastes, tr. 134.
[11] X. John H. Walton, The
IVP Bible Background Commentary Old Testamen, (Illinois, Downers Grove:
InterVarsity Press, 2000), 564.
[12] X. Milton
P. Horne, Smyth & Helwys Bible
Commentary: Proverbs-Ecclesiastes, 135.
[13] X. Nguyễn Đình Chiến, “Tìm Kiếm Thiên Chúa, Dẫn vào Thánh vịnh và các sách giáo huấn”,
(Giáo trình, TTHVĐM, 2019), 227-228.
[14] X.
Sđd., 230.
[15] X. John W. Miller, Believers
Church Bible Commentary: Proverbs, (Pennsylvania Scottdale: Herald Press
2004), 101.
[16] X.
George Arthur Buttrick, The Interpreter’s
Bible: A Commentary in Twelve Volumes, vol. IV (Psalms & Proverbs),
(New York: Abingdon Press, 1995), 835.
[17] La
Bibile tOB: Proverbes, 1332.
[18] X. Milton
P. Horne, Smyth & Helwys Bible
Commentary: Proverbs-Ecclesiastes, 137.
[19] X.
George Arthur Buttrick, The Interpreter’s
Bible: A Commentary in Twelve Volumes, 835.
[20] X. John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, (New York: Oxford University Press,
2007), 411.
[21] X.
John W. Miller, Believers Church Bible
Commentary: Proverbs, 93.
[22] X.
George Arthur Buttrick, The Interpreter’s
Bible: A Commentary in Twelve Volumes, vol. IV, 826.
[23] X. Nguyễn
Đình Chiến, “Tìm Kiếm Thiên Chúa, Dẫn
vào Thánh vịnh và các sách giáo huấn”, 228.
[24] X.
Sđd..
Đăng nhận xét