Đức Giêsu được sinh ra tại
châu Á.
Tin Mừng cũng được viết
tại châu Á.
Bằng đời sống chứng nhân,
chúng ta truyền giáo cho
người châu Á để họ có thể nói:
“Đức Giêsu đã trở lại Á
châu”.
(Giám
mục Ramon B. Villena - Philippines)
Giuse Đinh Ngọc Thiện,
TSMTC
DẪN NHẬP
Trước khi về trời với
Chúa Cha, Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ lệnh truyền “Anh em hãy đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi
loài thọ tạo” (Mc16,15). Đây chính là sứ vụ quan trọng đối với các môn
đệ. Sứ mạng này không chỉ được loan báo cho một quốc gia hay một dân tộc, nhưng
là cho khắp cả “tứ phương thiên hạ”. Cách riêng, tại lục địa Á châu,
nơi Thiên Chúa đã khởi đầu công cuộc cứu độ của Người, qua những người con của
vùng đất này, như Môsê, các tổ phụ, những ngôn sứ, và sau cùng là chính Con Một
Người, Đức Giêsu thành Nazareth. Đức Giêsu đã mặc lấy xác phàm để trở nên loài
người, mang những nét đặc thù của nhân loại và cũng bắt đầu sứ vụ loan báo Tin
Mừng tại đây[1].
Tuy nhiên, sứ vụ của Giáo hội nơi đây gặp không ít khó khăn, về văn hóa, tôn
giáo, nhất là vẫn còn những con người, những dân tộc chưa nhận biết Chúa[2]. Chính
vì lý do đó, việc loan báo Tin Mừng tại lục địa Á châu hiện nay là điều hết sức
cấp bách và cần thiết để các Kitô hữu ý thức về sứ vụ của mình và để người khác
cũng được đón nhận Tin Mừng, nhận biết Đức Kitô, Đấng đã đến ở với họ để cứu
chuộc họ.
1. Thách đố về sứ mạng của Giáo hội tại Á châu
Giám mục Luis Antonio
Tagle[3] khi đứng
từ góc nhìn của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu đã cho thấy 4 thách đố cơ bản
của sứ vụ truyền giáo tại Á châu:
1) Thách đố đầu tiên chính là các Giáo hội Á
châu được mời gọi có một lập trường khiêm tốn và sâu sắc về truyền giáo.
Thượng Hội đồng mời gọi
mỗi người trong tư cách là nhà truyền giáo khi đứng trước những khó khăn của
vùng đất này, hãy khiêm tốn để cho Đức Giêsu dạy dỗ, nhìn ngắm Ngài như nhà
truyền giáo và được hoán cải. Chúng ta cần phải qua cuộc hoán cải để theo đường
lối truyền giáo của Ngài. Bởi đây là sứ vụ của Đức Giêsu, tiên quyết đó là sứ
vụ của Đức Giêsu chứ không phải của chúng ta hay của bất kỳ người nào khác.
2) Thách đố thứ hai là việc Giáo hội được mời
gọi để tiếp nối ngay trong khi Đức Giêsu và sứ vụ của Ngài vẫn hiện diện.
Làm
sao để trong cuộc gặp gỡ này, sứ mạng của Đức Kitô được mặc lấy một nhục thể,
được mặc lấy một hình thể có tính hiện đại đối với con người Á châu ? Ngay
trong hành động của Thượng Hội đồng đã cho thấy một ý thức sâu xa về việc cử
hành “tính Á châu của đức tin Kitô hữu”. Trong thánh lễ khai mạc và
bế mạc Thượng Hội đồng, các phần trong thánh lễ được giao cho các Giáo hội khác
nhau: Tin Mừng được công bố theo truyền thống Syro Malabar; Alleluia cử
hành theo truyền thống Syro Malankara; dâng lễ vật được người Ấn Độ thực hiện
theo vũ điệu tiến lùi của riêng họ; cuộc rước để đến gần đức Thánh cha mất 30
phút; lúc thánh hiến, các trinh nữ Ấn Độ múa nhảy với hoa và nến… và mọi người
đều cảm thấy hạnh phúc về những khác biệt cùng được cử hành chung trong thánh
lễ này. Cũng có thể nói, họ hạnh phúc vì phần nào đó thấy được hình ảnh Đức
Kitô trong bản sắc riêng của mình.
3)
Thách đố thứ ba thuộc về Kitô học, người Kitô hữu sống linh đạo Kitô của mình
như thế nào.
Thách đố này là thách đố cho chính
đời sống nội tại người Kitô hữu khi bước vào trong môi trường này. Và ở đây, Đức cha Antonio
Tagle cho thấy ý hướng của Thượng Hội đồng Giám mục là nhắm vào niềm tin của
người Kitô hữu. Đóng góp độc đáo của người Kitô hữu trong vùng Á châu này chính
là niềm tin của mỗi người vào Đức Kitô. Vì không ai có thể chia sẻ Đức Kitô như
chúng ta. Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng nếu có điều gì đó chúng ta có thể nói
với những người đang đặt ra những câu hỏi sâu xa về cuộc sống, thì câu trả lời
của chúng ta phải là Đức Kitô và tất cả những gì Ngài dạy. Nhưng để có thể nói
gì đó về Đức Kitô thì không phải là đơn giản. Chúng ta có thể hiểu và nói về
Đức Kitô như thế nào giữa một thế giới có thật nhiều tôn giáo và cứu độ học như
châu Á? Đây là thách đố đụng chạm đến căn tính Kitô hữu và chiều sâu tâm linh
của mỗi người.
4)
Cuối cùng, thách đố thứ tư đụng chạm đến cái nhìn và hành động của Giáo hội
trước hiện thực của một xã hội mà Giáo hội đang tìm cách đi vào.
Câu hỏi được đặt ra là chúng ta nên
đi vào và đem ơn cứu độ của Đức Giêsu dến
những lãnh vực nào của đời sống ở Á châu?[4] Thượng Hội đồng cố gắng tập trung vào những
lĩnh vực thiết thực như trước hết là việc loan báo qua lời Chúa. Một số Giám
mục đề nghị cách giải thích Thánh Kinh theo cách thức và văn hóa của người Á
châu, một số khác lại đề nghị nên đi kèm theo việc loan báo về Lời là đời sống
chiêm niệm[5]. Các giải đáp tiếp theo là
sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương,
sự đối thoại, việc kiến tạo hòa bình[6],
và sau cùng là phát triển, thành lập và chuẩn bị những tác nhân truyền giáo[7].
Có thể xem một
vài lãnh vực đã được Thượng hội đồng nêu nên trong suốt khóa họp như là những
giải đáp cụ thể cho Giáo hội Á châu. Cũng nhắc lại mong muốn của Đức Gioan
Phaolô II trong tông huấn Ecclesia in
Asia về việc Giáo hội trong công cuộc Phúc Âm hóa cần thiết phải đi sâu
thật sâu vào những riêng tư của từng cá nhân những con người tại Á châu [8],
và từ đây, nền thần học sứ vụ sẽ phải nghiêm túc nhìn thẳng vào mọi khía cạnh
trong môi trường cụ thể này.
2.
Mở ra cho gặp gỡ
Dưới quan điểm của cha Phan Đình
Cho thì chiến lược mà Giáo hội đặt ra hiện nay cho công cuộc loan báo Tin Mừng
tại Á châu chính là hội nhập văn hóa cho đa dạng văn hóa và đối thoại liên tôn
cho đa nguyên tôn giáo[9]. Nhưng ngài cũng cho rằng
có một cám dỗ nghiêm trọng trong việc hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn.
Đó chính là việc loại bỏ dần những đặc trưng tôn giáo trong giáo lý, trong các
thực hành luân lý cũng như trong các truyền thống đan tu.
Khi nhấn mạnh đến khía cạnh hội
nhập văn hóa, các nhà thần học[10] cũng phần nào dựa theo
tông huấn Ecclesia in Asia để trình
bày những cách thức trong công việc này. Trước
hết đó là sự hội nhập từ bên trong. Một sự chuyển biến theo kiểu bầu da mới
mà Tin Mừng đã tiên báo, đòi hỏi một sự xét duyệt và thẩm định lại chính đời
sống Giáo hội: (1) từ cơ cấu và kỷ luật; (2) việc nghiên cứu thần học và cách
thức diễn tả Đức tin; (3) việc phụng vụ cũng như các hình thức phụng tự khác;
(4) linh đạo và các mẫu gương thánh thiện. Ecclesia
in Asia nhấn mạnh việc tìm hiểu sâu xa những yếu tố làm nên linh đạo và
kinh nguyện gần gũi với tâm hồn châu Á[11].
Đường
hướng thứ hai là hội nhập văn hóa từ bên ngoài. Đường hướng này nhấn mạnh vào đời sống và
sứ điệp Kitô giáo cần phải góp phần thế nào cho sự tăng trưởng và làm phong phú
văn hóa của mỗi dân tộc. Và giữa vô vàn những cách thế biểu lộ của Giáo hội, vẫn
cần nhất là đời sống chứng tá và đối thoại[12] – “Giáo hội chỉ đề nghị
chứ không áp đặt bất cứ điều gì”. Đây là
nỗi bận tâm và ưu tư của cả hai vị cố Giáo hoàng Phaolô VI[13] và Gioan Phaolô II[14]. Ngang qua Ecclesia in Asia, Đức Gioan Phaolô II
cho thấy ngài muốn Giáo hội trong công cuộc Phúc Âm hóa cần thiết phải đi sâu
thật sâu vào những riêng tư của từng cá nhân những con người tại Á châu này[15]. Nói theo kiểu của Roest
Crollius thì giữa những con người trưởng thành và văn minh hôm nay, không có
cách nào khác để truyền đạt một niềm tin riêng tư và sâu thẳm cho bằng con
đường tiếp xúc cá nhân với lòng tôn trọng sâu xa những xác tín cá nhân của
người khác. Tuy nhiên, nhà thần học này cũng lưu ý về một sự tinh tế trong việc
phân định tâm linh của chúng ta, những con người đang phục vụ cho sứ vụ của
Nước Thiên Chúa. Và để làm được như thế, chắc chắn là phải cần đến một sự
trưởng thành toàn diện nơi những nhà truyền giáo hôm nay.
Đường
hướng thứ ba được quan tâm chính là vai trò của các Giáo hội địa phương. Đây là đường hướng không tập chú
vào cơ cấu hay kỷ luật, nhưng là quan tâm đến môi trường sống và hoạt động mục
vụ của các Giáo hội địa phương. Một mô tả về những kiểu Giáo hội này được Liên
Hội đồng Giám mục Á châu năm 1947 nhắc tới:
Giáo hội địa phương là một Giáo hội
nhập thể trong lòng dân tộc, một Giáo hội bản xứ và hòa nhập. Và một cách cụ
thể, điều này có nghĩa là một Giáo hội đối thoại không ngừng, khiêm tốn và yêu
thương với những truyền thống, những nền văn hóa và các tôn giáo sống động –
tóm lại, với tất cả những thực tại cuộc sống của dân tộc, nơi ấy Giáo hội cắm
rễ cách sâu xa và hân hoan đón nhận lịch sử và cuộc sống của dân tộc ấy làm của
mình. Giáo hội ấy tìm cách chia sẽ bất cứ điều gì thực sự thuộc về dân tậc ấy,
như là: các ý nghĩa và giá trị, những khát vọng, tư tưởng và ngôn ngữ cũng như
nghệ thuật, thậm chí ngay cả những khiếm khuyết và những thất bại, nhờ đó, tất
cả cũng được chữa lành. Vì chính Con Thiên Chúa đã đón nhận tình trạng sa ngã,
yếu đuối của con người (ngoại trừ tội lỗi), hầu Người có thể thực sự lấy đó làm
của mình và cứu độ họ qua mầu nhiệm phục sinh của mình.[16]
Và điều quan
trọng đi liền với tiến trình hội nhập, mà thậm chí còn quan trọng hơn, phải là sự dấn thân cho sự giải phóng và thăng tiến
con người. Nếu thực tại châu Á là nơi mà văn hóa và tôn giáo cộng sinh một
cách sống động và tương tác lẫn nhau trong sự phức tạp của lịch sử và hiện đại,
thì vấn đề hội nhập hay đối thoại không thể tách khỏi và càng không thể làm ngơ
nhiệm vụ giải phóng và thăng tiến con người. Chẳng hạn khi đối thoại với các
nền văn hóa và tôn giáo ở Ấn Độ hiện nay, không thể nào chỉ giới hạn nền văn
hóa của giới thượng lưu, các loại kinh điển hay các nghi lễ của Ấn giáo, song
còn phải nhất thiết quan tâm đến tiếng nói của những người sống bên lề xã hội, những
nỗi khổ đau của giai cấp Dalit và các bộ lạc[17].
Đây là điều hết sức quan trọng cho tâm thức sứ mạng của Giáo hội, cách riêng
các nhà truyền giáo. Và phải nói chắc như Đức Gioan Phaolô II rằng công cuộc
Phúc Âm hóa cần thiết phải đi sâu thật sâu vào những riêng tư của từng cá nhân
những con người tại Á Châu. Những cá nhân đây phải được hiểu là không thể làm
ngơ hay kiểu “tạm thời khất lại” đối với bất kỳ ai hay bất kỳ thành phần nào bé
nhỏ nào trong xã hội. Câu chuỵên về chiên và dê trong ngày phán xét cho thấy
Thiên Chúa quan tâm trước hết tới những con người, những thành phần nhỏ bé và
đau khổ bên lề xã hội.
Việc đối thoại
liên tôn cũng là một thách đố không nhỏ cho công cuộc loan báo Tin Mừng của
Giáo hội tại Á Châu. Tuyên Ngôn Nostra Aetate[18]
của Công Đồng, một lần nữa được Đức Gioan Phaolô II diễn giải lại trong tông
huấn Giáo hội tại Á Châu:
Khi đã nhấn
mạnh về sự cần thiết của sự đối thoại liên tôn để tiến tới một đức tin vững
mạnh trong Đức Kitô, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nói tiếp về sự cần thiết phải
đối thoại bằng cuộc sống và con tim (dialogue of life and heart). Môn đệ Đức
Kitô phải có tấm lòng hiền lành và khiêm nhượng của Thầy mình, không bao giờ tỏ
ra kiêu căng, không bao giờ có thái độ hạ cố, khi gặp những đối tác trong cuộc
đối thoại (x. Mt 11,29). "Những liên hệ liên tôn được phát huy tốt nhất
trong khung cảnh cởi mở với những tín hữu khác, một thái độ saün sàng lắng
nghe, ước muốn kính trọng và hiểu biết kẻ khác trong sự khác biệt của họ. Để
đạt được tất cả điều đó, cần phải thương yêu kẻ khác. Điều đó phải dẫn đến sự
hợp tác, hoà hợp và làm giàu cho nhau."[19]
Ngài xem đó là
Hiến chương về đối thoại liên tôn của thời đại chúng ta. Ngài cũng nhắc lại
những gì thiết yếu đã nói trong văn kiện Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc[20].
Đó là:
Không thể loại bỏ các nguyên tắc[21],
cũng không nên chủ trương hoà giải giả tạo, nhưng ngược lại, phải làm chứng lẫn
cho nhau để cùng nhau tiến bước trên con đường tìm kiếm và sống kinh nghiệm tôn
giáo, và đồng thời loại bỏ được những tiên kiến, bất bao dung và hiểu lầm. Chỉ
những người có đức tin Kitô giáo trưởng thành và xác tín, mới có tư cách dấn
thân vào việc đối thoại liên tôn chân chính. Chỉ những Kitô hữu được dìm sâu
vào trong mầu nhiệm Đức Kitô và sống hạnh phúc trong cộng đồng đức tin của họ,
mới có thể dấn thân vào việc đối thoại liên tôn, mà tránh được sự liều lĩnh
không đáng và có hy vọng hái được hoa quả tích cực. Do đó, điều quan trọng tại
Á Châu là cung cấp những kiểu mẫu xứng hợp[22]
cho cuộc đối thoại liên tôn -Phúc âm hoá trong đối thoại và đối thoại để Phúc
âm hoá- và sự đào tạo xứng hợp cho những ai dấn thân vào đó.
Như vậy, công
cuộc đối thoại ngay tại vùng đất Á châu này cũng có đầy những đòi hỏi không hề
đơn giản đối với Giáo hội. Để có thể có những sứ đồ Đức Giêsu trưởng thành
trong niềm tin chắc hẳn Giáo hội phải đầu tư cũng như chuẩn bị rất nhiều. Nó
đòi hỏi canh tân nội tâm về đức tin và đời sống Kitô giáo cũng như một sự dấn
thân không mệt mỏi nơi chính Giáo hội – những môn đệ ngày hôm nay của Đức Giêsu
giữa lòng châu Á. Đối thoại như thề nào cũng đều phải đi được tới hiệp thông là
khía cạnh thiết yếu của sứ mạng Giáo hội.
Và một điều mà Giáo hội Á châu
không được quên dù là trong hội nhập hay đối thoại, đó là nếu việc “mở ra cho
gặp gỡ” giống như một hành trình ra đi, thì Giáo hội cần phải luôn ý thức sự ra
đi đó là ra đi trong sự soi rọi của Ba Ngôi. Chính mầu nhiệm Ba Ngôi trong một
Chúa sẽ là một lý giải và hy vọng cho Giáo hội trước một vùng đất đầy những
khác biệt như Á châu.
Một khía cạnh khác mà thần học sứ
vụ cũng cần quan tâm là vấn đề đa phức tôn giáo và đa nguyên tôn giáo, với
trình bày của Edgar G. Javier, đã đang nan giải trên thực tế của lục địa này.
Các nhóm tôn giao đang xung đột với
nhau. Ở Nam Á, đây là vấn đề quan trọng. Amaladoss đã liệt kê các trường hợp
sau đây:
Tại Ấn Độ, các cuộc bạo động giữa
Ấn giáo và Hồi Giáo đã diễn ra hơn 70 năm nay. Và gần đây, tín đồ Ấn giáo bản
thủ đã tấn công các Kitô hữu. Tại Pakistan và Bangladesh, phần đông tín đồ Ấn
giáo là dân nhập cư. Tại Pakistan, những luật chống phạm thượng dường như nhắm
đến các Kitô hữu. Tại Sri Lanka, cuộc nội chiến đang diễn ra trên bình diện sắc
tộc lẫn tôn giáo. Tại Myanmar, các cuộc xung đột giữa chính phủ với các nhóm
phiến poạn Karen cũng bắt nguồn trên hai bình diện sắc tộc và tôn giáo.
Tại Đông Nam
Á, chúng ta cũng thấy nhiều trường hợp tương tự. Tại Philippines, lâu nay vẫn
xảy ra các cuộc xung đột vũ trang giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Tại Indonesia
cũng xảy ra các cuộc xung đột tương tự giữa Kitô giáo và Hồi giáo.[23]
Xung đột tôn
giáo là một trong những hệ quả của đa phức và đa nguyên tôn giáo. Tuy nhiên, G.
Javier cũng cho thấy đa nguyên luôn đi kèm với thái độ vô tín và hoài nghi các
hệ thống niềm tin cũng như các hệ thống giá trị, nhưng không lọai trừ niềm tin
cũng như các giá trị.
3.
Người châu Á cùng với sứ vụ của Giáo hội
Tương quan về
kinh tế xã hội, hoàn cảnh nghèo đói
dai dẳng và sự khai thác bóc lột dân chúng là những sự việc đáng lo lắng nhất.
Tại Á châu có hàng triệu người bị áp bức, qua bao thế kỷ bị đặt bên lề xã hội
về mặt kinh tế, văn hoá và chính trị, sự nghèo đói và khai thác bóc lột người
phụ nữ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Phụ nữ mù chữ nhiều hơn đàn ông; và trẻ
gái bị giết khi còn là thai nhi hoặc sau khi ra đời xem ra cũng nhiều hơn. Cũng
có hàng triệu người bản xứ hay dân bộ lạc khắp vùng Á châu đang sống biệt lập
về mặt xã hội, văn hoá và kinh tế khỏi tầng lớp dân đang thống trị…[24]
Tuy nhiên về
các giá trị khác, người châu Á càng ngày càng ý thức về nhân phẩm và các quyền
của mình và quyết tâm hơn để gìn giữ nó. Dân Á châu hãnh diện về các giá trị
tôn giáo và văn hoá của mình, như yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sự đơn
sơ, hài hoà, quên mình, bất bạo động, chăm chỉ làm việc, kỷ luật, sống mộc mạc,
khao khát hiểu biết và tìm kiếm triết lý. Họ quý trọng những giá trị như tôn
trọng sự sống, lòng trắc ẩn đối với mọi sinh vật, gần gũi với thiên nhiên, hiếu
thảo với cha mẹ, đàn anh và tổ tiên, và một ý thức cộng đồng cao độ. Đặc biệt,
họ coi gia đình là nguồn sống ban sức mạnh, một cộng đồng liên kết chặt chẽ có
một cảm thức mạnh mẽ về tình liên đới. Các dân tộc Á châu nổi tiếng có tinh
thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình. Tuy không phủ nhận rằng còn có
những sự căng thẳng chua xót và những xung đội dữ dội, nhưng có thể nói rằng
châu Á thường tỏ ra có một khả năng thích nghi đặc biệt và cởi mở tự nhiên đối
với nền phong phú các dân tộc, giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo và văn hoá.[25]
Đây là những giá trị căn bản của
con người Á châu. Việc nhận định rõ ràng những điểm này sẽ giúp Giáo hội khám
phá được những đóng góp to lớn của cộng đồng người Á châu cho công cuộc loan
bán Tin Mừng, đồng thời cũng cho Giáo hội có một hướng đi cụ thể trong việc
phục vụ cộng đồng các dân tộc sống tại vùng đất này.
Đường lối cho
sứ vụ của Giáo hội tại đây được
Thượng Hội đồng nghiên cứu cẩn thận và hướng dẫn khá rõ ràng, cụ thể. Từ tầm
nhìn mà Đức Thánh cha đặt ra[26],
Thượng Hội đồng không ngừng ưu tư về sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Giêsu
tại Á châu: làm sao để cho họ được sống và sống dồi dào ân thánh Tin Mừng[27].
Và trong điều kiện các Giáo hội Á châu cần phát triển những nỗ lực tôn giáo mới
cho bối cảnh Á châu, Thượng Hội đồng cũng như cách riêng với mỗi đại biểu đều
cho thấy cách tiếp cận của công cuộc rao giảng Tin Mừng cần khởi đi từ chính
những đặc trưng từ con người và văn hóa sống của họ.
Thượng Hội đồng trước tiên muốn mỗi
nhà truyền giáo trong sự ra đi của mình phải khởi đi từ một nền linh đạo truyền
giáo sâu xa, bắt nguồn từ Đức Giêsu, nhấn mạnh cách đặc biệt tới lòng trắc ẩn,
liên đới với người nghèo và người đau khổ[28]
- một sự trắc ẩn, quan tâm đến từng cá nhân con người trong đó. Thượng Hội đồng
nói rằng với người Á châu, Đức Giêsu hoàn toàn có thể được biết đến với tư cách
cá nhân qua những kinh nghiệm của con người hơn là học thuật. Và tính khả hữu
của nhà truyền giáo nằm ở chỗ bản tính là người nam người nữ, sống đơn giản và
sâu sắc hơn là một học giả[29].
Giám mục Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, người Indonesia, cho biết rằng: ở Á
châu, người ta tin vào điều mình nhìn thấy, người ta đánh giá những con người
và những tương quan hơn là học thuyết; cho nên trong công cuộc rao giảng Tin
Mừng, Giáo hội nên học biết người ta đánh giá con ngưởi và những mối tương quan
như thế nào… và ngài chỉ ra rằng chính những đặc trưng châu Á này là lời mời
gọi đầu tiên để Giáo hội bắt đầu sứ vụ của mình.[30]
Cũng trong tầm nhìn đó, Hồng y Joseph Mary Phạm Đình Tụng vạch ra cho thấy yếu
tố đối thoại tại châu Á phải là đối thoại về cuộc sống và không được phòng thủ
với bất kỳ ai. Ngài cho thấy một chứng nhân cụ thể là Mẹ Têrêsa Calcutta, chính
bằng cách đó, mẹ đã chỉ cho Giáo hội con đường đối thoại với Ấn giáo cũng như
với tất cả các tín đồ các tôn giáo khác tại Á châu này.[31]
Thượng Hội đồng cũng không ngần
ngại đề nghị những sáng kiến mới về truyền giáo cho bối cảnh cụ thể tại Á châu
này. Một trong những sáng kiến quan trọng và được quan tâm đặc biệt nhất là
việc khuyến cáo mọi Giáo hôi địa phương ở châu Á, nơi nào chưa có, nên thành
lập các tu đoàn tông đồ truyền giáo[32],
có đặc tính là dấn thân hoàn toàn cho sứ vụ Ad
Gentes, Ad Exteros, và Ad Vitam. Bên cạnh đó Thượng Hội đồng
cũng tái khẳng định lại vai trò của từng người Kitô hữu, dù thuộc thành phần
nào, lứa tuổi nào[33].
Người nữ tại Á châu cũng là điều
Thượng Hội đồng quan tâm lưu ý đến cho các Giáo hội. Khi suy nghĩ về hoàn cảnh
người nữ trong xã hội Á châu, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng việc
gây ý thức cho người nữ về nhân phẩm và quyền lợi của họ là một dấu chỉ thời
đại có ý nghĩa nhất[34].
Mặc dầu không trực tiếp đề cập đến
cộng đồng người Á châu, nhưng mô hình Evangelii
Nuntiandi cũng gióng lên một sứ diệp về việc giải phóng con người:
Giữa việc truyền bá phúc âm hoá và
việc thăng tiến của con người - việc phát triển và giải phóng - thực sự có
những liên hệ sâu xa.
Các dân tộc
đang tận lực gắng sức và chiến đấu để thắng vượt những gì áp buộc họ cứ phải
sống bên lề cuộc đời: như đói khát, bệnh tật kinh niên, nạn mù chữ, bần cùng,
những bất công nơi các liên hệ quốc tế và nhất là nơi những giao dịch về thương
mại, những trường hợp tân thực dân về kinh tế và văn hoá đôi khi cũng dữ tợn
như chủ nghĩa thuộc địa cũ. Như các vị giám mục lập đi lập lại, Giáo hội có
nhiệm vụ phải loan báo việc giải phóng cho triệu triệu con người, trong đó
nhiều người là con cái của Giáo hội - có nhiệm vụ tiếp tay giúp vào việc chào
đời của cuộc giải phóng này, giúp vào việc làm chứng cho nó, giúp vào
việc bảo đảm đạt thành nó.[35]
Giáo hội chắc chắn lấy làm
quan trọng trong việc xây dựng những cơ cấu nhân bản hơn, chính trực hơn, tôn
trọng nhân quyền hơn, ít bị đàn áp và cầm buộc hơn, thế nhưng, Giáo hội cũng
nhận thức rằng, các cơ cấu hay nhất và những tổ chức lý tưởng nhất chẳng
bao lâu sẽ trở thành vô nhân bản, nếu những bản năng vô nhân bản của tâm can
con người không được lành mạnh hoá, nếu những ai sống trong những cơ cấu này,
hay những ai quản trị chúng, không chịu hoán cải cõi lòng và quan niệm của
mình.[36]
Toàn bộ chương
VI của Ecclesia in Asia mở ra như một
hướng đi của nền thần học sứ vụ tại Á châu tiếp tục nhắm đến đến sự phục vụ của
Giáo hội đối với sự thăng tiến con người. Á châu được mô tả với những hạn chế
về quyền con người và vì lý do tôn giáo (số 33), nghèo khổ về mặt kinh tế (số
34), văn hóa sự chết và loại trừ (số 35). Hoàn cảnh đó tạo nên hằng triệu người
nghèo, trẻ em bị bóc lột, phụ nữ bị đối xử như nô lệ, các người tị nạn, di dân,
người thổ dân, những người không được chăm sóc về y tế. Việc bảo vệ nhân quyền
và cổ võ công lý là một thách đố "không thể tránh và không thể khước
từ" đối với Giáo hội. Phương tiện để thực hiện điều đó là dạy bảo về học
thuyết xã hội của Giáo hội ; tạo sự liên đới mới giữa các quốc gia giàu và quốc
gia kém phát triển (số 32) ; dấn thân trong việc giáo dục và y tế với một
"căn tính Kitô giáo rõ rệt" (số 37) ; nỗ lực tìm kiếm hòa bình
trên phương diện liên tôn giáo và quốc tế (số 38). Ðức Thánh Cha nhắc đến
"những đau khổ của nhiều người dân tại một số nước ở Á châu mà do những hệ
lụy khác nhau, phải thiếu thốn các tiện nghi căn bản để sống". Ngài kêu
gọi những người có trách nhiệm hãy tìm kiếm "một giải pháp thích đáng cho
sự khủng hoảng" (số 38). Ngài vạch ra cho Giáo hội những dấn thân trong
thế giới toàn cầu hóa, khuyến khích giáo dân tìm kiếm "những qui tắc đạo
đức và pháp lý để đảm bảo "sự toàn cầu hóa mà không gạt một số người ra
ngoài lề" (số 39) ; để giảm bớt nợ nần quốc tế, bằng cách kêu gọi các
chính phủ chủ nợ diệt trừ nạn tham nhũng (số 40) ; bảo vệ môi sinh ; dấn thân
cho công lý là một khía cạnh của sự thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực (số
41).
4.
Hướng tới Ơn cứu độ
Đây là một thực tại trung tâm của Tin Mừng
tại Á châu, thực tại này đặt câu hỏi cho chính Giáo hội. Chúng ta có thể hiểu
và nói về ơn cứu độ nơi Đức Kitô như thế nào giữa một thế giới có thật nhiều
tôn giáo và cứu độ học như Á châu?
Khi cố gắng trình bày về mầu nhiệm Ơn cứu
độ cho mọi người, Giáo hội và các nhà truyền giáo học trong Giáo hội khởi đi ít
nhất từ hai chân lý căn bản đó là: Thiên Chúa không kết tội ai về điều mà họ
không có trách nhiệm; và Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ. G. Stellin tiếp
tục triển khải đường hướng chủ đạo này để cho thấy: vì Thiên Chúa không kết tội
ai về điều mà người đó không có trách nhiệm, nên cũng chẳng thể coi một ai đó
là tội nhân chỉ vì họ sinh ra trong truyền thống tôn giáo Phi châu hay Á châu,
hoặc trong Thần đạo, Ấn giáo hay Phật giáo… và vì Thiên Chúa muốn mọi người
được cứu độ[37]
chính là tín điều về ơn cứu độ phổ quát nơi Thiên Chúa[38], nên
Ngài không ngần ngại ban cho hết các con cái của mình những phương tiện đầy đủ
để được cứu độ, những phương tiện này nằm ngay trong môi trường lịch sử và văn
hóa mà người đó đang sống[39]. Chính
trong khung cảnh của lịch sử và văn hóa Á châu này, Giáo hội có một niềm tin vững vàng vào sự hoạt động năng động của Chúa
Thánh Thần. Điều này được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, đại diện cho Giáo hội
hoàn vũ, xác tín và tái khẳng định trong tông huấn cùa ngài:
Giáo hội xác tín rằng
tự sâu trong lòng dân chúng, trong các nền văn hoá và tôn giáo tại Á châu, có
một cơn khát "Nước Hằng sống" (x. Ga 4,10-15), một cơn khát chính
Thần Khí đã tạo ra. Và xác tín chỉ mình Đức Giêsu Cứu Thế mới có thể thoả mãn
trọn vẹn. Giáo hội trông chờ Chúa Thánh Thần tiếp tục chuẩn bị các dân tộc Á
châu vào cuộc đối thoại cứu độ với Đấng Cứu Thế của mọi người. Được Thần Khí
hướng dẫn trong sứ vụ phục vụ và tình yêu, Giáo hội có thể trao tặng một cuộc
gặp gỡ giữa Đức Kitô và các dân tộc tại Á châu khi họ đi tìm cuộc sống viên
mãn. Chỉ trong cuộc gặp gỡ đó, mới gặp được nguồn Nước Hằng Sống vọt đến sự
sống đời đời, nghĩa là, sự hiểu biết một Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô
mà Người đã sai đến (x. Ga 17,3).[40]
5.
Giới thiệu Đức Kitô
Giám Mục Á châu nhắc đến các khó khăn khi rao giảng Đức Giêsu như
Đấng Cứu độ duy nhất. Trong Hội nghị, hoàn cảnh được diễn tả như vầy:
"Một số người theo các tôn giáo lớn tại Á châu, không có vấn đề gì khi
chấp nhận Đức Giêsu như một hiển hình của Thần Thánh hay Đấng Tuyệt Đối, hay là
một minh chủ. Nhưng đối với họ thật khó mà công nhận Người như một hiển hình
duy nhất của Thiên Chúa". Thật thế, nỗ lực chia sẻ ơn huệ đức tin vào Đức
Giêsu như Đấng Cứu Độ duy nhất, gặp đầy dẫy những khó khăn về phương diện triết
học, văn hoá và thần học, đặc biệt trong ánh sáng của những niềm tin của các
tôn giáo lớn tại Á châu, đan kết sâu xa với các giá trị văn hoá và những lối
nhìn riêng biệt về thế giới. Nhưng các Nghị Phụ Thượng Hội đồng cũng nhìn nhận
hoạt động của Thần Khí trong các xã hội, văn hoá và tôn giáo Á châu, nhờ đó mà
Chúa Cha chuẩn bị tâm hồn cho các dân tộc Á châu đón nhận đầy đủ sự sống trong
Đức Kitô.
Như vậy sứ vụ rao giảng Đức Giêsu theo một
cách thức làm cho các dân tộc Á châu được đồng hoá với Người, đang khi vẫn
trung thành với giáo thuyết thần học của Giáo hội và với những nguồn gốc Á châu
của mình, sứ vụ đó là một thách đố tột bậc.
Lời phát biểu của Giám mục Ramon B.
Villena, người Philippines, trong Thượng Hội đồng có lẽ là một ý tưởng hay
trước các vấn nạn về Đức Giêsu được đặt ra tại vùng đất phức tạp này. “Đức
Giêsu được sinh ra tại châu Á. Tin Mừng cũng được viết tại châu Á. Bằng đời
sống chứng nhân, chúng ta truyền giáo cho người châu Á để họ có thể nói: ‘Đức
Giêsu đã trở lại Á châu’”.[41]
Điều có thể tác
động đến người Á châu để đi tới một sự hoán cải tâm trí phải đến từ một kinh
nghiệm sống thực tế. Cũng vậy, để người châu Á để họ có thể nói: ‘Đức Giêsu đã trở lại Á châu’ đòi hỏi
Giáo hội phải cho họ những kinh nghiệm thực
tế mà họ có thể nhận diện sự hiện diện của Đức Giêsu. Như Thượng Hội đồng đã
vạch ra cho thấy trong bối cảnh và con người Á châu, những tác động từ kinh
nghiệm sống thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Cái quan trọng hơn cả về
lời loan báo Tin Mừng tại Á châu này trước hết phải là đời sống chứng tá sâu xa
với tình yêu thương, sự quan tâm, lòng trắc ẩn, trong thái độ khiêm tốn lắng
nghe của nhà truyền giáo, đúng hơn là của bất kỳ ai ý thức bản thân mình là
Kitô hữu, là người có sứ mạng và có
trách nhiệm về sứ mạng.
Làm chứng về Đức Giêsu
Kitô là công việc phục vụ cao cả nhất mà Giáo hội có thể trao tặng cho các dân
tộc Á châu, bởi vì việc đó đáp ứng với sự ước mong sâu xa của họ được gặp Đấng
Tuyệt Đối, và nó cũng vén mở những chân lý và những giá trị bảo đảm sự phát
triển toàn diện con người.[42]
Vì ý thức sâu xa đến
tính phức tạp của rất nhiều hoàn cảnh khác nhau tại Á châu, và phải "nói
sự thật trong tình bác ái" (Ep 4,15), nên Giáo hội loan báo Tin Mừng với
lòng kính nể và tôn trọng đầy yêu thương đối với thính giả của mình. Việc loan
báo mà tôn trọng các quyền của lương tâm thì không xúc phạm tự do, bởi vì đức
tin luôn đòi hỏi một sự đáp trả tự do về phía cá nhân. Tuy nhiên sự kính trọng
không loại đi sự cần thiết phải rao giảng công khai Tin Mừng trong sự toàn vẹn
của nó. Cách riêng trong bối cảnh nhiều nền văn hoá và tôn giáo tại Á châu,
phải nêu rõ rằng "không phải sự kính nể và tôn trọng các tôn giáo này,
cũng không phải tính phức tạp của các vấn đề nẩy sinh, là một lời mời gọi Giáo
hội rút lui khỏi sự rao giảng Đức Giêsu cho những người không Kitô hữu
này".
Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng ý thức
rõ về nhu cầu khẩn khiết của Giáo hội tại Á châu, muốn trình bày mầu nhiệm Đức
Kitô cho các dân tộc mình, theo những kiểu mẫu văn hoá và cách suy nghĩ của họ.
Nhưng sự chấp nhận đức tin của một con người phải được đặt nền tảng trên một sự
hiểu biết chắc chắn về con người Đức Giêsu.[43]
Việc trình bày Đức Giêsu Kitô là một Đấng
Cứu Độ duy nhất, cần phải theo một khoa
sư phạm, từng bước dẫn đưa dân chúng đến việc đón nhận trọn vẹn mầu
nhiệm. Rõ ràng là việc loan báo Tin Mừng lần đầu tiên những người không Kitô
hữu, và việc rao giảng Đức Giêsu tiếp theo đó cho những kẻ tin, phải khác nhau
trong cách tiếp cận. Trong lần loan báo đầu tiên, chẳng hạn, "có thể trình
bày Đức Giêsu Kitô như sự hoàn thành những khát vọng được diễn tả trong các
thần thoại và văn học dân gian của các dân tộc Á châu". Nói chung, phương
pháp kể truyện, quen thuộc với văn hoá Á châu, thì đáng được dùng ưu tiên. Các Nghị Phụ lưu ý, Giáo hội phải cởi mở với
những phương cách mới và gây ngạc nhiên, nhờ vậy mà gương mặt Đức Giêsu có thể
được trình bày tại Á châu.
6.
Một “Thế Giới Mới” – một cái nhìn cánh chung
Câu hỏi được đặt ra là khi nào thì
vương quyền của Thiên Chúa ngự trị hoàn toàn ? Và Giáo hội tham dự vào tiến
trình này như thế nào ?
Cuối cùng, công cuộc truyền giáo
phải tất yếu dẫn tới điểm này: Nước Thiên Chúa, hay Vương quốc Thiên Chúa, hay
Vương quyền Thiên Chúa, trước hết, là ở ý nghĩa hoàn toàn thần học.[44] Mọi người đều được Giáo
hội mời gọi, nhưng không phải là mời gọi để đến với Giáo hội, mà là đến với
Nước Thiên Chúa. Giáo hội tự thân tồn tại cũng là tồn tại cho Vương quốc này.
Ngang qua Công đồng Vaticano II, Giáo hội đặt hy vọng vào tất cả những ai ý
thức mình là Kitô hữu, là những người mang trong mình niềm hy vọng vô biên
trong tình yêu thương của Thiên Chúa, biết cách và rộng tay trao cho con người
đương thời hay hậu thế niềm tin và niềm hy vọng sống[45]. Giáo hội đặt hy vọng vào
các con cái của mình, không phải vì Giáo hội không thể trả lời cho ngày của
Vương quyền Thiên Chúa, nhưng vì Nước Thiên Chúa là sự hoạt động của Ngài trong
dòng lịch sử để biến đổi tạo vật. Và Giáo hội hy vọng niềm tin cùng niềm hy
vọng sẽ là tiền đề cho ngày nhân loại gặp thấy Nước ấy. Hy vọng này căn cứ trên
bản chất con người vốn được định nghĩa như một kẻ biết mở lòng ra đến với tha
nhân và Thiên Chúa – Đấng Siêu Việt - để
có thể thấy được chính mình đang phản chiếu trong đó. Mà kinh nghiệm cho
thấy sự cởi mở vốn chỉ được hoàn thành khi con người sống trong một cộng đồng
bằng tương quan mật thiết với niềm tin và hy vọng.
Đàng khác, Thánh Thần lại hiện diện
trong lòng của mỗi con người, đồng thời hiện diện năng động trong văn hóa và
lịch sử của các dân tộc[46] để mời gọi con người,
trong văn hóa và lịch sử của mình, cộng tác với Thánh Thần để nhân hóa và giải
phóng các hình thức hiện diện của văn hóa và lịch sử như suy tư, truyền thống
và tập quán…Qua đó ta thấy được Vương quốc Thiên Chúa trải rộng khắp thế giới
chứ không giới hạn nhỏ bé trong Giáo hội. Nên sự hoàn thành Nước Thiên Chúa tại
trần gian này chỉ có thể tìm thấy được trong nỗ lực của con người tìm kiếm ý
nghĩa thế giới.
Đối với người Á châu, cần thiết
phải minh chứng mà trong đó, Giáo hội phải
cho thấy được sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình trên đường hy vọng,
tìm kiếm, khám phá thực tại thế giới.
Vậy, khi rao giảng việc giải
phóng và liên kết mình với những ai đang hoạt động và chịu khổ vì việc rao
giảng, Giáo hội nhất định không muốn giới hạn sứ vụ của mình vào lãnh vực tôn
giáo mà thôi (…), và không chịu thay thế việc loan báo vương quốc, bằng việc
loan báo những thể thức giải phóng thuộc về nhân loại; Giáo hội còn nói lên
rằng, việc đóng góp của Giáo hội vào việc giải phóng sẽ không trọn vẹn, nếu
Giáo hội lơ đãng trong việc loan báo ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô.[47]
KẾT
LUẬN
Khi tìm hiểu về
sứ vụ truyền giáo tại Á châu, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng sứ vụ của Giáo
hội là truyền giáo. Sứ vụ này cần đi vào trong những miền đất, những địa phương
với những con người cụ thể. Chính khi Giáo hội thực thi sứ vụ cách cụ thể như
vậy, Giáo hội thường gặp phải không ít những khó khăn từ chính những nơi đó.
Những khó khăn hiện nay mà Giáo hội nơi lục địa này đang gặp phải, với những
vấn đề về đa nguyên, đa tôn giáo, đa sắc tộc, đa văn hoá. Chúng thực sự là
những rào cản trong việc đem Tin Mừng cứu độ đến cho lục địa này. Tuy nhiên,
những khó khăn đó không thể làm cho bước chân truyền giáo của Giáo hội bị dừng
bước hay bị huỷ bỏ ở nơi đây. Ngược lại, Giáo hội đã tìm ra những phương thế
thích hợp cho công việc này, Giáo hội đã thích ứng với các nền văn hoá, đi sâu
vào lòng các dân tộc bằng cách hội nhập văn hoá và đối thoại với các tôn giáo
khác trong sự cởi mở[48].
Giáo hội đã có những bước tích cực để hoà nhập và đi tìm những cách thức để có
thể gặp gỡ với các nền văn hoá đó, vì Giáo hội không mang tính thụ động, nhưng
mang tính chất đối thoại và mang tính nhập thể trong lòng dân tộc để trở thành
Giáo hội địa phương[49].
Chính Giáo hội này không ngừng đối thoại trong khiêm tốn và yêu thương những
truyền thống, những nền văn hoá và các tôn giáo sống động.
Tuy nhiên, để
sứ vụ của Giáo hội đạt được kết quả thì sứ vụ này nhất thiết cần đến sự cộng
tác của chính những con người cụ thể nơi đây. Vì chính những con người này đã
và đang sống trong nền văn hoá, sống cùng các tôn giáo bạn, nên họ có thể hiểu
được những khó khăn mà Giáo hội đang vấp phải, đồng thời cũng có thể tìm ra
những phương thế cụ thể để sứ vụ của Giáo hội có thể thành công nơi lục địa
này. Vì thế, các Kitô hữu thuộc mọi tầng lớp đều được mời gọi và trao cho nhiệm
vụ “làm chứng cho thế gian về đời sống Kitô giáo và thể hiện những giá trị của
Nước trời.”[50]
Cách đặc biệt, các Kitô hữu sống đời dâng hiến, những người sống ơn gọi theo
chân Đức Kitô chính là những cộng tác viên đắc lực nhất cho sứ vụ của Giáo hội.
Đó chính là chúng ta. Chúng ta được Đức Kitô cũng như Giáo hội mời gọi trở
thành chứng nhân của Tin Mừng cho lục địa của mình, để qua đó người châu Á có
thể nói “Chúa Giêsu đã trở lại Á châu”.[51]
[1] X. Ecclesia
in Asia, số 1.
[2] Ecclesia
in Asia,, số 2.
[3] Giám mục Luis Antonio Tagle đứng trong vai
trò là một chuyên viên trong ban cố vấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu, và
là người giúp đức Thánh cha soạn thảo tông huấn Ecclesia in Asia mà đức Thánh cha sẽ công bố sau Thượng Hội đồng.
X. Luis Antonio Tagle, “Những thách đố trong sứ vụ truyền giáo tại Á châu :
Nhìn từ Thượng Hội đồng Giám mục Á châu”, Sứ
vụ truyền giáo tại Á châu hôm nay, Nguyễn Văn Chữ biên tập, Trung tâm Học vấn
Đaminh, 2007, tr. 64-73.
[4] Luis Antonio Tagle, ibid., tr. 73.
[5] Một câu
hỏi thiết thực được đặt ra là tại sao ở châu Á, với các lĩnh vực giáo dục, chăm
sóc sức khỏe, bệnh viện, bác ái hay các dịch vụ xã hội khác.. người ta dễ tìm
kiếm phẩm chất trong các tổ chức của ngừơi Công giáo, nhưng khi cần đến sự
hướng dẫn tâm linh thì họ lại thích đến với các nhà sư Phật giáo hay các đan sĩ
Ấn giáo?
[6] Chính đức Giám mục Hamo, Nhật Bản đã thúc
đẩy việc này khi ngài nhắc lại một số bất công mà quân đội Nhật đã làm trong thế
chiến thứ 2 mà Giáo hội nhật đã không hề lên tiếng chống lại.
[7] Thựơng hội đồng có trực giác sâu sắc về điều
này rằng đã hẳn Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong việc truyền giáo, nhưng
tại Á Châu, chính các Giáo hội địa phương là tác nhân ttruyền giáo chứ không phải
cá nhân, và tất cả các thành phần khác nhau làm nên hay thuộc về Giáo hội địa
phương đều phải được thúc đẩy để truyền giáo.
[8] Ecclesia
in Asia, số 20.
[9] Peter Phan Đình Cho,
ibid., tr. 50.
[10] Arija. Roest Crollius, James H. Kroeger
& Peter Phan Đình Cho, eds. “Hội nhập văn hoá và Giáo hội tại Á châu”, Sứ vụ truyền giáo tại Á châu hôm nay, Nguyễn
Văn Chữ biên tập, Trung tâm học vấn Đaminh, 2007, tr. 109.
[11] Ecclesia
in Asia, số 22.
[12] Ad
Gentes, số 11.
[13] Phaolô VI, Ecclesiam Suam.
[14] Redemptoris
Missio, số 39.
[15] Ecclesia
in Asia, số 20.
[16] Liên
Hội đồng Giám mục Á châu I, 12.
[17] Peter Phan Đình Cho, ibid., tr. 51.
[18] Nostra
Aetate là Tuyên ngôn về liên lạc của
Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, một văn kiện ngắn của Công đồng
Vaticanô II ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965. Bản tuyên ngôn nhắm đến tình
bác ái hiệp thông giữa con người với nhau, và đưa ra một vài chỉ dẫn quan trọng
như là những nguyên tắc cho việc đối thoại của Giáo hội như: bác ái, tôn trọng,
đối thoại, chân nhận những giá trị luân lý và tôn giáo, cổ võ sự hiệp nhất và
yêu tương giữa hết mọi người…
[19] Ecclesia
in Asia, số 31.
[20]
Redemptoris Missio là Văn
kiện được ban hành sau hai mươi lăm năm sau khi Công Đồng kết thúc và phổ
biến Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo Ad Gentes, mười lăm năm sau Tông
Huấn Evangelii Nuntatiandi do Đức Phaolô VI ban bố, và để tiếp tục giáo
huấn thuộc huấn quyền của các vị tiền nhiệm của mình, Đức Gioan Phaolô II muốn
kêu mời Giáo Hội hãy canh tân lại việc dấn thân truyền giáo của mình.
Văn kiện này nhắm đến việc canh tân nội tâm về đức tin và đời sống Kitô giáo –
một mô hình thần học sứ vụ nhấn mạnh vai trò trung tâm của Đức Giêsu và tầm
quan trọng của việc chia sẽ sự thật của Thiên Chúa cho nhân loại.
[21] Ngài muốn nói đến những nguyên tắc đã được
đưa ra trong tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng.
[22] Cho đến nay, một kiểu mẫu vẫn luôn được
xem là xứng hợp nhất là mẹ Têrêsa Cancutta.
[23] Edgar G. Javier, “Đối thoại liên tôn tại Á
châu: những vấn đề và thách đố hiện nay” ( Quezon City: Claretian Publications,
2006 ), Sứ vụ truyền giáo tại Á châu hôm
nay, Nguyễn Văn Chữ biên tập, Trung tâm Học vấn Đaminh, 2007.
[24] Ecclesia
in Asia, số 7.
[25] Ecclesia
in Asia, số 6.
[26] “Chúng ta phải viết lên
những chương mới về chứng từ Kitô giáo trong mọi lãnh thổ của thế giới và tại Á
châu, từ Ấn Độ tới Indonesia, từ Nhật Bản tới Liban, từ Hàn Quốc tới
Kazakhstan, từ Việt Nam tới Phillippines, và từ Serbia tới Trung Quốc”.
[27] Ga 10, 10. X. James H. Kroeger, ibid., tr.
9.
[28] James H. Kroeger, ibid., tr. 18.
[29] James H. Kroeger, ibid., tr. 19.
[30] Ibid., tr. 16.
[31] Ibid., tr. 17.
[32] Cha Edward F. Malone, trợ lý tổng thư ký
Thượng Hội đồng Giám mục Á châu ghi nhận: đã có sáu tu hội nam xuất hiện ở Châu
Á. Đó là (1 ) Hội Thừa sai Philippines, (2 ) Hội Thừa sai thánh Toma tông đồ ở Ấn
Độ, (3 ) Hội Thừa sai Công giáo Hàn Quốc, Hội Thừa sai Thái Lan, Hội Thừa sai Lorenzo
Ruiz ở Philippines, và hội Các Sứ giả Tin Mừng ở Ấn độ. Các nhóm này có đặc sủng
truyền giáo ad gentes (đến với những ai chưa hề được nghe Tin Mừng giải thoát
và cứu độ của Đức Giêsu ), ad exteros ( đến với những người ở ngoài nhóm văn
hóa, ngôn ngữ và dân tộc mình ), và ad vitam ( tự nguyện hiến dâng đời sống dấn
thân suốt đời cho mô hính truyền giáo này.
[33] Ông Nicholas Somchai Tharaphan, Thái Lan,
trong suốt khóa họp của Thượng Hội đồng, ông cứ nhắc đi nhắc lai “Khi Giáo hội
cố gắng tìm kiếm một lối hiện hữu mới tại Á châu, Giáo hội phải học cách đồng
hành với giới trẻ.
[34] Ecclesia
in Asia, số 7.
[35] Evangelii
Nuntiandi, số 30.
[36] Ibid., số 36.
[37] 1Tm 2, 4.
[38] Lumen
Gentium, số 2.
[39] Victorino Ginardi Stellin, ibid., tr. 96.
[40] Ecclesia
in Asia, số 18.
[41] James H. Kroeger, ibid., tr., 13.
[42] Ecclesia
in Asia, số 20.
[43] Ecclesia
in Asia, số 23.
[44] Evangelii
Nuntiandi, số 32.
[45]Gaudium
et Spes, số 31.
[46] Redemptoris
Missio, số 28.
[47]Evangelii
Nuntiandi, số 34.
[48] Victorino Ginardi Stellin, ibid., tr. 96.
[49] Arij a. Roest Crollius, James H. Kroeger
& Peter Phan Đình Cho, eds., ibid., tr.111
[50] James H. Kroeger, ibid., tr., 19.
[51] Ibid., tr. 13.
Đăng nhận xét