Nhìn lại thực trạng phẩm giá con người trong thế giới hôm nay

 Inhaxiô Nguyễn Thanh Xuân, Tu Đoàn Nhà Chúa

DẪN NHẬP

             Khi tiếp cận với những lớp người khác nhau và với những phương tiện thông tin đại chúng, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta thấy và cảm nhận được điều này: không ai có thể sống cô độc, không cần đến những người khác. Con người được sinh ra trong tương quan, liên đới với người khác, con người sống cho, sống với người khác. Anh (chị) có giá trị trước mặt tôi và người khác và tôi cũng có giá trước trịn mặt anh (chị) và người khác. Mỗi người mang trong mình giá trị vô song. Mỗi người đều có nhân vị, phẩm vị hay phẩm giá, nếu không nói là mỗi người mang trong mình tính thiêng liêng và huyền nhiệm như chính triết gia Gabriel Marcel đã phải thốt lên trước sự cao cả của con người: “Con người là một huyền nhiệm”. Phẩm giá con người ấy mang tính bất khả xâm phạm.


            Thực trạng của thế giới hôm nay cho thấy, một đàng có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc xây dựng nền văn minh tình thương, xây dựng hòa bình, bảo vệ người cô thế cô thân, người nghèo hèn... Đàng khác, những cảnh tượng bất công đang dần lộ ra, đi ngược lại với những giá trị đạo đức luân lý; xúc phạm đến phẩm giá con người như: lạm dụng tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bóc lột sức lao động, phá thai, gây chết êm dịu, khủng bố. Bên cạnh đó, có một số thành phần chủ trương “giết người” nhưng họ vẫn nại vào “lòng trắc ẩn” hay còn được hiểu là “giết vì xót thương” (mercy killing)[1]. Chính những viễn cảnh đó đã đem đến nhiều nỗi bức xúc cho những ai đang thành tâm thiện chí muốn bảo vệ và đề cao phẩm giá con người, cũng như những ai đang khao khát xây dựng yêu thương công bằng và thăng tiến đời sống con người.

            Từ những thực trạng trên, trong giới hạn của mình, người viết chỉ mong muốn đi tìm những lời giải đáp cho những vấn nạn đang được đặt ra như: Phẩm giá con người là gì? Có còn phẩm giá con người trong thế giới hôm nay nữa không? Đâu là sự cao quý của con người? Phải tôn trọng phẩm giá con người như thế nào? Chúng ta phải làm gì để phẩm giá con người luôn được tôn trọng? Những ai, thành phần nào có trách nhiệm trong việc tôn trọng bảo vệ phẩm giá cao quý ấy? Giáo huấn của Hội Thánh dạy như thế nào về việc tôn trong phẩm giá con người?

I. Khái niệm về phẩm giá của con người

1. “Phẩm giá con người” là gì ?

Theo Immanuel Kant, phẩm giá con người là tiền đề cho bất cứ điều gì có giá trị. Về lôgíc, sự sống và phẩm giá con người là có giá trị. Phẩm giá chẳng phải là một giá trị trong số những giá trị khác, mà đúng ra nó là “nguồn” giá trị.[2]

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới (1-1-2012), đã dạy rằng:

Phẩm giá siêu việt của con người là một giá trị cốt lõi của nền minh triết Do Thái Kitô giáo, mà nhờ lý trí, đã được mọi người nhận ra. Phẩm giá này, được hiểu như một năng lực vượt khỏi tính vật chất của bản thân và đi tìm chân lí, phải được nhìn nhận là sự Thiện.[3]

            Vì lẽ đó, theo Helmut Thielicke[4], phẩm giá đồng thời cũng là một phần thiết yếu của toàn bộ con người tôi. Vì phẩm giá được ban cho tôi ngay từ lúc Thiên Chúa tạo dựng nên tôi, do lòng thương yêu, nên nó luôn luôn ở với tôi. Nó thực sự là của tôi và gắn bó với tôi. Tuy nhiên, vượt trên mọi đặc tính khác, phẩm giá luôn mang tính bền vững và không thể thay đổi.

Tác giả Jean Louis Brugues, OP. Thành viên của Ủy ban thần học quốc tế định nghĩa:

Phẩm giá con người là nét đặc thù của bản tính con người, phẩm giá không tự chia cắt, nó vẫn bộc lộ tính sung mãn vào mọi lứa tuổi của cuộc sống, từ bào thai đến tuổi cao niên […], vinh dự có được là nhờ công trạng, còn phẩm giá thì không; tội lỗi hay phạm tội tệ hại nhất cũng không làm mất đi phẩm giá.[5]

            Một cách tổng quát, nơi mọi người và mỗi người đều có phẩm giá, bởi con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (vì có tự do, lý trí, tình yêu và mỗi người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, Đấng là Tạo Hóa và vĩnh cửu, trường tồn). Phẩm giá ấy mang tính thiêng liêng, siêu việt, bất khả xâm phạm. Nó gắn liền với con người suốt đời và mang tính nội tại, không thể mai một hay mất đi. Nếu người nào xúc phạm đến người khác thì trở thành kẻ phi đạo đức, phi luân lý. Điều quan trọng là mọi người và mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ, tôn trọng phẩm giá con người.

            Tác giả Trần Mạnh Hùng nhận định: “Nhân phẩm đòi hỏi mỗi con người phải đối xử với lòng tôn trọng chứ không như một đồ vật hay một phương tiện. Phẩm giá con người có giá trị vô hạn.[6] Phẩm giá con người không nằm ở bất cứ phẩm chất nội tại nào của con người, nhưng tựu trung ở điều này là chúng ta được Thiên Chúa tạo tác và cứu chuộc. Giá trị của chúng ta là do tình yêu thương của Thiên Chúa ban cho. Vậy giá trị hay phẩm giá của con người là “alien dignity[7] được ban cho trong mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Chính hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta đã đem lại cho chúng ta phẩm giá chuyển nhượng “alien dignity”. Phẩm giá từ Thiên Chúa đến với chúng ta. Như Helmut Thielicke nhận định, nói đến phẩm giá chuyển nhượng của con người là nói đến giá trị vô hạn của con người, là nói đến mối quan hệ của con người với Thiên Chúa và nói đến tình yêu thương của Thiên Chúa luôn ấp của con người.

            Con người có giá trị, lý do đơn giản, vì người ấy là một nhân vị.[8] Khẳng định của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mang tính tích cực về phẩm giá con người đã hoàn toàn vượt qua những đánh giá của con người chúng ta về phẩm giá ấy. Nhân phẩm cũng chính là khái niệm được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong thông điệp đầu tiên của ngài, Redemptoris Hominis (Đấng cứu chuộc con người) và được nhắc lại trong Tông huấn Christifideles Laici (Người tín hữu giáo dân), số 38 và trong thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên), số 39, vì thế trong suốt cả thông điệp Evangelium Vitae, ngài nại vào phẩm giá con người như những hạn chế kìm hãm khi con người đối xử với tha nhân và với chính bản thân mình.

Vậy sự sống được ban cho tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm, phản ánh sự bất khả xâm phạm của chính Đấng Tạo Hóa (EV 53). Chính sự tự hiến của Thiên Chúa cho mỗi con người là nền tảng để họ có phẩm giá và được tôn trọng.[9]

2. Giá trị sự sống con người

            Nhận định về giá trị sự sống con người trong thời đại hôm nay, Đức thánh Cha Gioan Phaolô II với thông điệp Tin Mừng Về Sự Sống (25-03-1995) đã nêu rất rõ tầm mức quan sự sống con người, trong thông điệp nêu rõ:

Tin Mừng về sự sống không chỉ dành riêng cho những người có tín ngưỡng, nó được dành cho tất cả mọi người. Vấn đề sự sống, vấn đề bảo vệ và thăng tiến sự sống, không phải chỉ là đặc quyền của người Kitô hữu. Dầu vấn đề này tiếp nhận từ đức tin một ánh sáng và một sức mạnh khác thường, thì nó vẫn thuộc về mọi lương tâm con người khát vọng chân lý và chăm chú ưu tư với vận mệnh nhân loại. Chắc chắn là trong sự sống có một giá trị thánh thiêng và tôn giáo, nhưng bằng bất cứ cách nào người ta không thể bảo rằng việc ấy chỉ liên quan đến những người có tín ngưỡng: quả vậy, đây là một giá trị mà bất cứ con người nào cũng có thể hiểu được dưới ánh sáng lý trí và nó nhất thiết liên hệ tới mọi người[10].

Sự sống con người là nền tảng của mọi sự thiện hảo và là điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động xã hội. Sự sống là thánh thiêng và không ai có quyền tự hủy hay gây hại đến sự sống cao quý ấy, người có niềm tin nhận ra trong sự sống có một điều gì đó rất cao quý, một quà tặng của Thiên Chúa ban cho, điều mà Thiên Chúa luôn mời gọi con người giữ gìn và sinh hoa kết quả. Đó còn là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc cho chúng ta biết, không một xã hội thật sự dân chủ nào có thể tồn tại “nếu phẩm giá của mỗi con người không được nhìn nhận và nếu quyền của mỗi con người không được tôn trọng”[11].

Tuyên ngôn về an tử của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh đến giá trị sự sống con người như sau:

Không ai được xâm phạm sự sống của người vô tội mà lại chẳng đi ngược lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người ấy, mà không phạm đến quyền lợi căn bản, và vì lẽ đó họ đã phạm tội ác nặng nề nhất. Mọi người có bổn phận sống hòa hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Sự sống được trao phó cho con người như một điều tốt lành phải sinh hoa kết quả ngay ở đời này, nhưng chỉ đạt đến mức viên mãn ở cuộc sống vĩnh cửu[12].

Cần phải xác định lại rằng không ai vì bất cứ điều gì, hoặc bất cứ hình thức nào có thể cho phép xâm phạm đến sự sống con người.

2.1. Con người phải được tôn trọng

Giá trị của con người là “bất khả nhượng”[13], điều đó có nghĩa là phẩm giá con người đến từ bên ngoài chứ không phải bên trong con người. Vì phẩm giá con người và danh dự con người là do chính Thiên Chúa ban tặng (x. Tv 8.6-8). Con người hết sức cao cả và được chính Đấng Tạo Hóa ban ân phúc dư đầy (x. Rm 8,28-30), vượt trên muôn loài (x. Tv 183). Mọi người đều có phẩm giá và danh dự cao quý của mình. Chính vì thế, con người phải được tôn trọng, yêu mến anh chị em đồng loại như chính mình (x. Lc 10, 25-28). Chỉ khi con người biết tôn trọng phẩm giá và danh dự của nhau, khi đó, con người mới có thể tôn trọng chính mình, có khả năng sống huynh đệ, yêu mến người khác và cũng là yêu mến chính Đấng Tạo Hóa.

Như vậy, dù được đặt trên nền tảng Kinh Thánh hay không, thì tôn trọng phẩm giá, danh dự con người là bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người hầu làm cho nhân loại càng ngày càng hoàn thiện hơn, và thành toàn hơn trong chính Đấng Tạo Hóa.

2.2. Con người phải được bảo vệ

Giá trị ở nơi mỗi người là một nhân phẩm cao quý, cho nên phẩm giá con người càng được bảo vệ và tôn trọng thì nhân phẩm con người càng được nâng cao với địa vị là con cái của Thiên Chúa. 

Những hành vi làm tổn thương tâm hồn và thể xác người khác như: coi con người như đồ vật, như công cụ lao động, như món hàng để mua bán, tạo ra những cảnh sống thấp hèn... Chính khi phẩm giá con người được tôn trọng và bảo vệ thì con người không chỉ được sống đúng tư cách làm con cái Thiên Chúa, mà còn được mở ra trước những giá trị siêu việt, thiêng liêng, hiểu biết chân lý, hiểu biết Thiên Chúa thật, Đấng Siêu Việt có ngôi vị, sống trong mối tương quan nền tảng giữa Thiên Chúa và con người [...].[14] Để phẩm giá con người có được sự tôn trọng như thế, tất nhiên đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có sự quyết tâm mạnh mẽ và có những hành động cụ thể, dấn thân cho công cuộc bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người.

3. Con người là một hữu thể của xã hội

Theo Aristote, con người là “Con vật biết sử dụng ngôn ngữ”. Đặc biệt, con người còn sử dụng lời nói để diễn tả, chuyn tải những thông tin đúng đắn cũng như sai sự thật. Ông cũng diễn giải về sự cấu tạo của con người: “Con người được cấu tạo nên nhờ chất thể là thân xác và mô thể là linh hồn. Thân xác không phải là mồ chôn linh hồn và linh hồn không có một cuộc sống ở tiền kiếp nào cả”.[15]

            Aristote còn đề cao tính xã hội của con người, theo ông con người là một hữu thể xã hội, một hữu thể sống trong một cộng đồng chính trị có tổ chức. Xét theo tư cách hữu thể xã hội, con người cần cộng đồng để phát triển. Theo Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp nhận định: “Một người hoàn toàn tách rời khỏi cộng đoàn, sống bất chấp xã hội thì hoặc là thần thánh (idion), hoặc là súc vật (idiota)”.[16] Từ khi con người được hiện hữu cho đến trưởng thành, qua quá trình nuôi dưỡng, giáo dục, xây dựng mối tương quan với người khác thì nhân cách con người sẽ được hình thành. Từ thực tế cho thấy, bản chất con người là tổng hòa các mối tương quan với xã hội, do đó, tiến trình hình thành nhân cách cũng diễn ra một cách tiệm tiến, phức tạp. Nếu môi trường giáo dục tốt, thì sẽ tạo dạng nên con người tốt cho xã hội. Ngược lại, sự quan tâm giáo dục không đúng mức, môi trường sống đầy những cạm bẫy, thì nhân cách con người sẽ bị khiếm khuyết và lệch lạc.

Xét đến một hữu thể xã hội, con người không thể sống khép kín với chính mình, mà phải sống trọn vẹn theo chiều kích xã hội và mở ra tương quan với cộng đồng. Cùng quan điểm với Aristote, Thánh Tôma cũng đã diễn tả con người như một hữu thể xã hội, sống với người khác và có trách nhiệm cho những lợi ích chung của cộng đồng. Theo Thánh nhân, tính xã hội nằm ngay trong bản chất con người, chứ không phải là cái tùy tiện hay phụ thuộc, cho nên khuynh hướng tự nhiên của con người là hướng về cộng đoàn và xã hội.

Nhờ sống trong môi trường cộng đoàn và xã hội, con người có thể vượt qua những khiếm khuyết của tự nhiên để chế ngự tự nhiên, và cũng để thực hiện những điều mà mỗi cá nhân riêng lẻ không thể thực hiện được. Bộ Giáo Dục Công Giáo, trong văn kiện về đào tạo Linh mục cũng nhấn mạnh đến chiều kích xã hội nơi bản tính con người:

Con người là một hữu thể xã hội tự bản tính; nghĩa là do sự nghèo nàn từ bẩm sinh và do khuynh hướng tự nhiên đòi hỏi phải có tương giao với người khác. Xã hội tính nơi con người là nguồn gốc của mọi hình thức xã hội và của những đòi hỏi đạo đức được khắc ghi trong đó. Do đó, để đạt tới sự phát triển viên mãn, con người không thể tự mãn với chính mình, mà cần đến người khác và xã hội[17].

Đặc biệt hơn, Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đến chiều kích sâu thẳm của xã hội trong lãnh vực cứu độ. Hiến chế Ánh sáng muôn dân tuyên bố:

Như Thiên Chúa đã sáng tạo con người không phải để sống riêng lẻ, mà để tạo nên những liên kết với xã hội, cũng thế “Thiên Chúa thánh hóa và cứu rỗi con người cách riêng lẻ, ở ngoài mọi tương quan, mà muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”[18].

Như thế, các mối tương quan với xã hội là cần thiết, nhờ những mối tương quan mà chính mỗi người sẽ đáp ứng được bản tính sâu xa của con người và cách trực tiếp hơn là làm gia tăng giá trị, phẩm chất con người.

Bộ Giáo Dục Công Giáo, một lần nữa nhắc lại vai trò tối thượng của nhân vị trong truyền thống Kitô giáo:

Phẩm giá của nhân vị được xây trên sự kiện con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được nâng lên tới mục đích siêu nhiên, vượt trên cuộc sống trần thế. Do đó, con người xét như một hữu thể thông minh và tự do, chủ thể của các quyền lợi và nghĩa vụ, là nguyên tắc thứ nhất và có thể nói là trái tim và linh hồn của Giáo huấn xã hội Công giáo[19].

Như vậy, nhân vị phải gắn liền với tự do, đó còn là quyền căn bản của con người, như thế mỗi thành viên có bổn phận trong khả năng của mình, tạo nên tình yêu thương với đồng loại, và mối tương quan thân hữu với mọi người.

4. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa

            Sự sống con người là quà tặng cao quý Thiên Chúa đã ban. Con người (Adam)[20] được chia sẻ sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Hai trình thuật về tạo dựng trong sách Sáng Thế (x. St 1-2) cho ta biết rằng chóp đỉnh của công cuộc sáng tạo vũ trụ là một người nam và một người nữ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Trong sự sống con người, hình ảnh Thiên Chúa sáng chói và biểu lộ trong tất cả sự viên mãn, khi Con Thiên Chúa là Ngôi Hai mặc lấy xác phàm: “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15), “Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Thật cao quý khi con người được mang hình ảnh giống như Thiên Chúa. Thần học gia Bonhoeffer cho rằng: “Mỗi Thou nhân bản là hình ảnh cái Thou Thiên Chúa, và chính Thiên Chúa đến làm cho tha nhân trở thành một Thou cho tôi”[21]. Thật vậy, con người là chóp đỉnh sáng tạo của Thiên Chúa, và còn là những hữu thể nhân linh của Ngài.

            Qua mô-típ hình ảnh Thiên Chúa, Kinh Thánh khẳng định mạnh mẽ tính thánh thiêng của con người, đó chính là nhân phẩm. Trình thuật loan báo rằng chúng ta được hưởng phẩm giá bất khả nhượng này là nhờ tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu này hình thành nên chúng ta, vượt trên mọi công trạng cá nhân và mọi phẩm chất xã hội (Kn 4-11)[22]. Lẽ đó, sự sống của con người có một giá trị cao cả trên hết các loài thụ tạo và mang tính bất khả nhượng.

 

II. Phẩm giá con người trong thế giới hôm nay

Xã hội ngày càng văn minh, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển không ngừng đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế thêm lớn mạnh, từ đó phúc lợi xã hội ngày càng thêm tốt hơn, đặc biệt dịch vụ chăm sóc y tế được chú trọng. Những hình thức giải trí, giao lưu văn hóa ngày càng được đề cao, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, nữ quyền ngày càng được nhiều người quan tâm. Tất cả những nỗ lực trên nhằm giúp mọi thành phần trong xã hội có được sự tôn trọng và sống đúng căn tính của mình hơn. Tuy nhiên, cơn đại dịch COVID-19 trong năm vừa qua, đã cho chúng ta thấy phẩm giá con người rất cần phải được xét lại. Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung (12-08-2020) đã nhấn mạnh và lặp lại quan điểm của Công đồng Vatican II về phẩm giá con người là bất khả xâm phạm, ngài nói:

Trận đại dịch lần này đã cho thấy tất cả chúng ta dễ bị tổn thương và có liên đới với nhau như thế nào. Nếu chúng ta không chăm sóc nhau, khởi đi từ những người rốt hết, tức là từ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm các thụ tạo khác; chúng ta không thể chữa lành được thế giới này. Tuy nhiên Vi-rut Corona không chỉ là một căn bệnh mà chúng ta phải chiến đấu; nhưng ngang qua cơn đại dịch, nhiều bệnh lý xã hội được phơi bày ra ánh sáng. Một trong số đó là cái nhìn méo mó về con người, tức là một cái nhìn phớt lờ đi phẩm giá và đặc tính tương quan của con người. Đôi khi chúng ta nhìn tha nhân giống như một đồ vật, tức là để sử dụng hoặc bị vứt bỏ. Nhưng thực tế, chính cách nhìn này khiến ta ra mù lòa và tạo nên một thứ văn hóa bài trừ mang tính cá nhân và gây hấn, biến con người thành một thứ hàng hóa tiêu dùng. [23]

            Đây chính là một trong vô số thách đố của thời đại đối với phẩm giá con người. Chúng ta có thể kể ra những thách đố ấy: tước quyền tự do người khác, chiến tranh, giết chóc, bóc lột, buôn bán người, phá thai, gây chết êm dịu, mại dâm, khủng bố, biến con người thành dụng cụ cho lợi lộc ... Nhân loại đang đứng trước những vấn nạn, những thách đố đã, đang đe dọa và xúc phạm phẩm giá con người, con người có những suy nghĩ gì và phải làm gì?[24]

1.   Tôn trọng phẩm giá con người

Đứng trước những thách đố của thời đại trong việc tôn trọng phẩm giá con người, Giáo hội Công giáo đã ra nhiều thông điệp để bên vực phẩm giá con người và đặc biệt Công đồng Vatican II đã lên tiếng như sau:

Sự hủy diệt sự sống con người, nạn diệt chủng len lỏi trong các cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, buôn bán người, nô lệ, mãi dâm, phá thai, chết êm dịu, coi con người như vật thí nghiệm, thụ tinh nhân tạo, nhân bản vô tính... Những vấn nạn này được gióng lên những hồi chuông báo động về sự xúc phạm phẩm giá con người và “tác động xấu đến danh dự và nhân phẩm, đồng thời gây ra bao điều xấu xa, tệ hại và ô nhục[25].

            Trong thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống, EV), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II coi sự phát triển của những suy tư chín chắn về các vấn đề đạo đức hiện nay, liên quan đến sự sống như là một dấu hiệu của niềm hy vọng (EV 27). Nhưng đồng thời, ngài cũng nhận ra mối nguy hiểm của những luận cứ luân lý sai lầm hay méo mó khi chúng biện minh cho những hành vi đi ngược lại với những nền tảng của luân lý có trong Thánh Kinh và luật tự nhiên.

Vì thế, Evangelium Vitae là một đáp ứng mãnh liệt và phủ định trước chủ trương ngày càng phổ biến và được ủng hộ, rằng trong một số hoàn cảnh, người ta có thể chấm dứt mạng sống của những người mắc phải những căn bệnh vô phương chữa trị hay trầm trọng, thể theo lời yêu cầu tự nguyện, rằng bệnh nhân có thể được “trợ giúp” bằng cách cung cấp phương tiện để họ tự gây ra cái chết cho mình hay tự kết liễu mạng sống của họ.

            Lập luận của Evangelium Vitae đặt nền tảng căn cứ vào Thánh Kinh và luật tự nhiên. Evangelium Vitae cho rằng hành vi kết liễu mạng sống con người là sự giữ nội tại, vì nó đối nghịch với quyền chủ thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa dựng nên sự sống con người và ban cho con người quyền quản lý sự sống chứ không phải quyền làm chủ tuyệt đối[26]. Sự sống con người có một phẩm giá đặc biệt vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Vậy con người nhận được một cái gì đó thuộc về sự độc đáo của chính Thiên Chúa và có một phẩm giá bất khả xâm phạm.

            Như vậy, các hành vi đem lại hư vô thì không tương thích với hành vi phục vụ con người trong toàn thể: bác sĩ không thể chữa trị hay xoa dịu bằng cách hư vô hóa bệnh nhân, nghĩa là giết chết bệnh nhân. Người chữa trị không thể hủy hoại hoặc giết chết nếu thật lòng chữa trị. Người thầy thuốc kiêm luôn vai trò người thi hành an tử là cả một sự tự mâu thuẫn chết người.

2. Những chọn lựa về quyền được an tử

Ngày nay ai nấy đều nhìn nhận rằng an tử và trợ tử là những vấn đề ngày càng được quan tâm và tranh luận. Có những người vận động rất mạnh mẽ hầu mong pháp luật thừa nhận hành vi an tử chủ động tự nguyện và trợ tử. Một số người tin rằng những hành xử ấy là hợp luân lý cho dù là bất hợp pháp. Số khác cho rằng làm như thế chẳng những là bất hợp pháp mà còn trái luân lý và chắc chắn gây tác hại sâu sắc cho y học[27].

Hiện nay, cuộc tranh luận về an tử và trợ tử đang diễn ra tại một số quốc gia trên thế giới, cụ thể là tại Hà Lan, Bỉ, Mỹ Quốc, Anh Quốc, Âu Châu và gần đây nhất là tại nước Ý Đại Lợi, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi và cả nước Việt Nam.[28] Chúng ta cùng tìm hiểu những quan điểm ủng hộ an tử và trợ tử, cùng những luận cứ phản biện của huấn quyền Giáo hội và của thần học luân lý Công giáo. Chẳng hạn, phải quyết định thế nào giữa một bên là duy trì sự sống, một bên là chấm dứt đau khổ, cán cân luân lý nghiêng về bên nào? Có nên duy trì sự sống bằng bất cứ giá nào, bất kể hoàn cảnh ra sao? Những bệnh nhân như thế có được phép chết cách tự nhiên, không dùng đến những thủ thuật can thiệp hay những thiết bị hỗ trợ nhằm kéo dài sự sống?

Quyền được chết luôn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều bác sĩ chia sẻ không ít trường hợp bệnh nhân van nài được chết, một số có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục điều trị, chỉ chờ đợi cái chết đau đớn đến gần. Nhiều người đưa ra đề xuất vấn đề an tử với những nguyên nhân sau:

 Quyền lựa chọn: Những người tán thành an tử nhấn mạnh rằng, quyền lựa chọn là quy tắc nền tảng cho tự do dân chủ và những hệ thống thị trường tự do. Họ lập luận:

Con người phải được quyết định về cái chết, liên quan đến thời gian và theo cách thức họ muốn, cho dù cái chết sắp xảy ra, hay cái chết còn ở xa; các bác sỹ, với tư cách chăm lo cho lợi ích tối ưu của bệnh nhân, phải trợ giúp hoặc bằng cách trực tiếp giết chết bệnh nhân hoặc giúp bệnh nhân tự tử.[29]

Dựa trên nguyên tắc “tự do” họ biện luận rằng: “Cái chết được gây ra có thể do tự nguyện hoặc không tự nguyện”[30]“bệnh nhân phải có quyền kết liễu mạng sống của mình, nếu họ muốn như thế và có quyền được thầy thuốc giết cho cách êm ái”[31]. Những người ủng hộ an tử phân chia an tử thành các loại như sau: An tử tự nguyện, an tử không tự nguyện, an tử phi tự nguyện, an tử thụ động, an tử chủ động và trợ tử.

- An tử tự nguyện: là tự tử có trợ giúp trong khi đang được chăm sóc y tế. Đây đúng là tự nguyện vì việc giết chết được thực hiện theo yêu cầu của bệnh nhân. Và bác sỹ tin rằng bệnh nhân có lý do đúng đắn để được kết liễu mạng sống do tình trạng tâm lý và sức khỏe hiện nay hay ở tương lai mà họ tiên liệu được[32]. An tử tự nguyện có thể là chủ động, tức là can thiệp trực tiếp, như tiêm thuốc tử vong cho bệnh nhân, và cũng có thể là thụ động, tức là ngưng điều trị cho bệnh nhân.

- An tử không tự nguyện: là việc kết liễu mạng sống của bệnh nhân vô phương cứu chữa mà không có sự ưng thuận của bệnh nhân ấy. Điều này xảy ra khi bệnh nhân không bày tỏ ước muốn cũng không hề đưa ra bất cứ bằng chứng vững chắc nào cho thấy mạng sống của họ cần phải được kết liễu. Những người ủng hộ cho rằng “hành vi kết liễu mạng sống của bệnh nhân là do lòng trắc ẩn (giết vì lòng thương xót), dù có hay không có sự ưng thuận của người được ủy quyền (đại diện cho bệnh nhân)”[33].

-  An tử thụ động: là không điều trị hoặc ngừng điều trị với ý định để bệnh nhân chết, vì căn bệnh vô phương cứu chữa. Ở đây, bệnh nhân là tác nhân chính gây nên cái chết.

-  An tử phi tự nguyện: nói đến việc giết chết những bệnh nhân không có khả năng hiểu được những gì đang xảy ra cho mình. Ví dụ, trẻ sơ sinh thiểu năng trầm trọng, bệnh nhân trong tình trạng thực vật vĩnh viễn.

- Trợ tử: là hành vi cuối cùng của bệnh nhân, trong đó bác sỹ cung cấp các kiến thức y khoa; kê toa thuốc: gồm các loại thuốc có khả năng gây chết người để bệnh nhân có thể cân nhắc dùng để tư tử; các liều lượng thuốc hoặc chính thuốc độc, cũng có thể bác sỹ được nhờ tiêm thuốc hoặc giúp bệnh nhân uống thuốc.

- An tử chủ động: là việc dùng những chất làm chết người hoặc dùng những phương pháp trợ giúp cho các bệnh nhân tự giết mình. Trong an tử chủ động, bác sỹ vừa cung cấp phương tiện vừa thực hiện hành vi cuối cùng, hoặc tạo sức ép rất nặng về phía bệnh nhân, làm cho bệnh nhân mất kiểm soát hành vi, cũng có khi bác sỹ lạm dụng thuốc quá liều.

Như trường hợp bác sỹ Timothy Quill[34] người đã từng trợ giúp một bệnh nhân chết bằng cách tự tử tin rằng, có thể vạch ra ranh giới an tử có chủ động và tự tử có trợ giúp, thế nhưng ông cũng thấy khó mà xác định ranh giới này, tuy nhiên, việc trợ tử cũng đang gây nhiều tranh cãi cũng như nhiều lập trường cho vấn đề trợ tử. Ông có kể lại một câu chuyện gây xúc động về một bác sỹ kê toa thuốc cho một bệnh nhân mắc bệnh AIDS ở giai đoạn cuối, và đã giúp bệnh nhân thực hiện cái chết, ông thuật lại như sau: “Bệnh nhân này muốn uống những viên thuốc mà ông ta đã tích góp thành một liều lớn, nhưng ông ta kiệt sức không tự uống thuốc được. Đối diện với giây phút sự thật này, vị bác sỹ đã giúp bệnh nhân của mình nuốt những viên thuốc kia”[35].

Những người ủng hộ việc hợp pháp hóa trợ từ nhưng chống đối việc hợp pháp hóa an tử chủ động, vì họ lo ngại có sự lạm dụng. Họ lập luận rằng:

Việc trợ tử cung cấp cho bệnh nhân tư liệu hay các kiến thức khác về y khoa; việc kê toa thuốc hay bàn bạc về liều lượng thuốc cần thiết chứ không có việc theo dõi bệnh nhân tự tử hay có ý cung cấp phương tiện y tế để bệnh nhân dùng mà tự tử. Mức độ tham gia của bác sỹ năm ở sự khác biệt giữa trợ tử và an tử chủ động: Một là cung cấp toa thuốc và thuốc này gây tử vong nếu bệnh nhân dùng liều lượng lớn. Hai là bác sỹ tiêm thuốc tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân[36].

            Nhiều người không đồng ý với lập trường này cho rằng, việc cung cấp kiến thức y khoa không thể được coi là tự tử có trợ giúp (trợ tử), vì kiến thức về y tế thì mọi người đều có nhu cầu được biết, quan trọng là dụng ý của người sử dụng và quyền kiểm soát là ở trong tay của bệnh nhân. Mặt khác, khi các bệnh nhân là tác nhân thực hiện “hành vi cuối cùng để kết liễu mạng sống mình, thì việc làm của họ có tính tự quyết chứ không bị ảnh hưởng bởi áp lực bên ngoài”.

Những người ủng hộ trợ tử còn đưa ra một lý do thực tiễn để đề cao trợ tử hơn là an tử chủ động, ấy là trợ tử giải thoát cho thầy thuốc khỏi trở thành nguyên nhân trực tiếp cho cái chết của bệnh nhân, nói khác đi, cái chết bệnh của bệnh nhân là do chính hành động của bệnh nhân, tức bệnh nhân tự giết mình chứ không phải thầy thuốc. Như vậy, sự phân biệt giữa trợ tử và an tử chủ động là sự khác biệt về nguyên nhân. Trong an tử chủ động thầy thuốc là nguyên nhân trực tiếp cho cái chết, còn trong trợ tử thì chính bệnh nhân thực hiện hành vi giết chết mình.

3. Quyền quyết định được chết êm dịu

Quan điểm xót thương đi đôi với quan điểm mạnh mẽ về quyền tự quyết cá nhân. Tự quyết là trung tâm điểm của lý chứng luân lý bênh vực cho hành vi an tử. Cách diễn giải phổ biến hiện nay mang tính cách chủ nghĩa tự do luân lý vốn hết mực đề do và quyền của mỗi cá nhân. Khi những người bênh vực an tử kêu gọi sự tự quyết, họ muốn nói lên rằng mỗi người có quyền định đoạt thân xác và mạng sống của mình, kể cả việc kết liễu nó, và do đó mỗi người phải được trao cho sự tự do để thực hiện quyền tự quyết này.[37]

Những người ủng hộ quyền được chết viện dẫn tự do để định đoạt mạng sống cho chính mình trong những giờ phút cuối cùng, ngõ hầu có được một sự tự quyết viên mãn. Theo quan điểm này:

Thầy thuốc phải tuân theo yêu cầu của bệnh nhân, không những đình chi việc điều tri theo như bệnh nhân đòi hỏi, mà thậm chí còn phải giết chết bệnh nhân, bởi lẽ quyền lựa chọn phải được tôn trọng. Trên cơ sở quyền tự quyết, con người phải có quyền làm chủ cuộc sống và cái chết của mình, do đó họ phải được kết kiểu mạng sống mình vào thời điểm họ muốn, ngõ hầuchấm dứt đau khổ không cần thiết. Thầy thuốc, với tư cách là người chăm lo cho lợi ích tốt đẹp của bệnh nhân, phải ra tay trợ giúp bằng cách trực tiếp giết chết bệnh nhân hoặc giúp bệnh nhân tự tử. Có như vậy an tử và trợ tử là những hành vi “nhân ái” nhằm giải tỏa đau khổ cho con người[38].

Trên cơ sở quyền tự do, người ta còn viện dẫn thuyết tự do luân lý. Thuyết này cho rằng, con người có quyền kiểm soát thân xác và sinh mạng của mình, kể cả việc kết liễu mạng sống, vì thế con người phải được trao cho sự tự do để thực hiện quyền này. Nguyên tắc của quyền tự quyết là mỗi cá nhân có quyền đưa ra những quyết định riêng tư mà không bị chính phủ can thiệp vào. Con người có quyền định đoạt cách sống của mình thế nào, thì họ cũng có quyền tự quyết định về cái chết như thế. Bởi lẽ pháp luật công nhận con người được tự do tín ngưỡng, hôn nhân... và được pháp luật bảo vệ. Chính vì lẽ đó mà những người ủng hộ an tử viện dẫn:  

Những quyết định riêng tư được pháp luật bảo vệ, phải bao gồm những quyết định về thời điểm và cách thức từ giã cõi đời. Nếu bệnh nhân vô phương cứu chữa muốn được thầy thuốc trợ giúp mình tự tử, thì thầy thuốc phải giúp đỡ, miễn là yêu cầu của bệnh nhân có tính cách tự do và được suy xét kỹ[39].

Thoạt đầu quyền tự quyết được áp dụng trong vấn đề phá thai, nhưng nay được mở rộng một cách hợp lý dựa trên những phán quyết của tòa án về kết liễu mạng sống. Một tòa án ở tiểu bang Hoa Kỳ phán xử rằng:

Điều quan ngại nào thúc đẩy tiểu bang can thiệp vào quyền của bệnh nhân lúc họ còn sáng suốt, nhằm định rõ cho họ về những quan niệm có tính chất riêng tư... khi họ muốn được bác sỹ kê toa thuốc để kết liễu mạng sống, trong giai đoạn cuối cùng của bệnh nan y, vô phương cứu chữa... Trợ tử quả là một trường hợp về quyền tự quyết đã trở thành cơn điên cuồng. Quyền của con người và quyền tự do được điều khoản thủ tục pháp lý công bằng bảo vệ và được thiết lập trên cơ sở quyền tự quyết riêng tư[40].

Tuy nhiên, Tòa Án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phát biểu như sau:

Quyền được trợ giúp để tự tử không phát xuất từ quyền phá thai hợp pháp, bởi lẽ truyền thống không hề gợi ý cho việc hợp pháp hóa hành vi tự tử ở Hoa Kỳ mà trái lại còn giữ khoảng cách rất xa. Tiểu bang nào cũng có những luật lệ cho biết tự tử và trợ giúp tự tử là bất hợp pháp[41].

Ngoài ra, Tòa Án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ còn phán quyết thêm rằng: “Quyền tự quyết cá nhân không hề được mở rộng thành quyền để trợ giúp tự tử”[42]. Ngày 4-12-1973 Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đưa ra nhận định như sau:

Có thể được phép ít ra trong một số trường hợp, không thực hiện việc điều trị và để cho bệnh nhân chết, nhưng không bao giờ được phép có hành động trực tiếp nhằm giết chết bệnh nhân. Người nào cố ý kết liễu mạng sống của người khác cho dẫu là kết liễu vì lòng thương xót, là trái với đường lối của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Chi khi có bằng chứng không thể chỗi cái về cái chết sinh học, thì việc đình chỉ các phương tiện y khoa đang kéo dài mạng sống là quyết định của bệnh nhân hoặc người gia đình của bệnh nhân, thì bác sỹ phải cung cấp lời khuyên cho bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân[43].

Về vấn đề an tử như trên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố trong Thông điệp Tin Mừng về sự sống, về việc được quyền từ chối sự chăm sóc bệnh nhân như sau:

Phải phân biệt gây chết êm dịu với quyết định khước từ điều mà người ta gọi là “sự bám riết điều trị”, nghĩa là một số can thiệp y học không còn hợp với tình trạng thực tế của người bệnh, bởi vì từ nay chúng không cân xứng so với những kết quả mà người ta có thể hy vọng, hoặc ít ra là bởi vì chúng gây thêm gánh nặng quá lớn cho bệnh nhân hay cho gia đình của người ấy. Trong những trường hợp này, khi cái chết được báo trước là sắp xảy ra và không tránh được, người ta có thể hết sức trung thực “khước từ những cách chữa trị chỉ mang lại cho sự sống một sự trì hoãn mong manh và cực nhọc, nhưng không gián đoạn công việc chăm sóc mà thông thường phải làm cho người bệnh trong trường hợp tương tự”.[44]

            Một nét đặc trưng của những người chủ trương an tử và trợ tử là họ thường hay nói đến “quyền được chết”, đôi khi mệnh danh là “quyền được người khác giết”. Họ biện luận rằng: vì mọi người đều có quyền ấy nên pháp luật không thể cấm chế để ngăn cản an tử chủ động hay thụ động. Theo họ, những cấm chế này xâm phạm trực tiếp đến quyền được chết của mỗi con người. Vì thế, cái biện minh cho việc hợp pháp hóa hành vi an tử chính là một nhân quyền căn bản mà mỗi con người đều có và quả là đang bị pháp luật hiện hành xâm phạm.

III.  Các quan điểm chống lại quyền được an tử

Hiện nay việc làm chết êm dịu đang là đề tài nóng bỏng, các quốc gia, các tổ chức vì quyền sống con người đã phản đối mạnh về an tử. Germain Grisez, Joseph. M. Boyle, và nhà thần học luận lý William. E. May cho rằng: “Sự sống thể xác con người là một điều tốt nội tại, góp phần trực tiếp vào sự hoàn thiện nhân bản”, bởi theo họ, “sự sống con người là sự sống của một hữu thể có nhân vị, nó đáng được tôn trọng và tôn kính”[45].

Quan điểm chung của các tôn giáo cũng bác bỏ tính chất vô luân của an tử và coi an tử là hành vi chống lại sự sống con người, Giáo hội Công giáo cũng mạnh mẽ lên án việc an tử và trợ tử cũng như các lập luận và các cách thức của nó. Giết chết người vô tội là trái luân lý một cách tuyệt đối[46].

1.   Giáo huấn Giáo hội Công Giáo
  chống lại các trào lưu an tử

            Quan điểm của Giáo hội là luôn bên vực cho sự sống và cổ võ quyền được sống của con người cho đến phút giây cuối cùng, đặc biệt mạnh mẽ phản đối trào lưu an tử. Trên hết Giáo hội dựa vào Thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Tin Mừng và sự sống, đã tuyên bố:

Do thẩm quyền mà Đức Kitô đã ban cho Thánh Phêrô và các Đấng kế vị Ngài, trong sự hiệp thông với các Giám mục của Hội Thánh Công Giáo, tôi xác định răng hành vi an tử là sự lỗi phạm nặng nề luật của Thiên Chúa, vì chưng đây là hành vi giết chết người cách cố ý và trái luân lý. Giáo lý này dựa trên luật tự nhiên và Lời được ghi chép của Thiên Chúa, nay được truyền thống Giáo hội công bố và được truyền dạy bởi Huấn quyền thông thường và phổ quát.[47]

Tuyên bố trên đã đáp ứng thõa mãn về quyền bất khả ngộ do Công đồng Vatican II đưa ra trong Hiến chế Ánh sáng muôn dân. Công đồng lên án hành vi vô luân như: Giết người, giệt chủng, phá thai, những tội đi ngược lại với sự sống, an tử và tự tử trực tiếp.

Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng nhấn mạnh bổn phận của Giáo hội đối với sự sống nhân loại: “Giáo hội có bổn phận phải biện minh, giải thích, bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền không chi bằng lời nói, nhưng là bằng hành động và cuộc sống của mình”[48]. Bên cạnh đó, những giải thích về bảo vệ cho sự sống và phẩm giá của con người Giáo hội cũng có những lập trường cứng rắn như sau:

Giáo hội đem lại ánh sáng chính yếu để con người tự biết mình và bảo vệ nhân phẩm. Nếu không biết Thiên Chúa, con người làm sao biết sự thật thâm sâu về mình được. Không biết mình, con người không thể nào tra. lời cho những vấn nạn căn bản về ý nghĩa cuộc sống, sinh hoạt và chết. Khi nào tự biết mình và phẩm giá đích thực của mình, con người mới có thể lên tiếng đòi cho mình các quyền lợi nhân bản một cách đầy đủ và hợp lý cũng như xứng hợp với đức tin[49].

            Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng dạy rằng:

Sự sống là tặng vật của Thiên Chúa, và chúng ta là người quản lý nó, tự tử là đi ngược lại khuynh hướng tự nhiên, tự tử là lỗi phạm đức bác ái bằng hành vi cắt đứt với các mối dây liên hệ với gia đình, quốc gia, tự nguyện cng tác vào việc tự tử là trái với luật luân lý[50].

2. Tính thánh thiêng nơi sự sống con người

Sự sống thánh thiêng của con người là do Thiên Chúa ban tặng chứ không phải do con người. Một số người đã làm giảm sự thánh thiêng của con người khi diễn tả sự thánh thiêng như là “sự tôn trọng, kính trọng sự sống của nhau” hay chỉ dừng lại ở sự tôn trọng phẩm giá mà người ta chưa tìm ra đâu là giá trị, đâu là nguyên tắc luân lý, đâu là nguyên nhân sâu xa cho sự thánh thiêng của sự sống, Thiên Chúa là nguồn gốc là Chủ Thể của muôn loài, trong đó con người là công trình kỳ công nhất của Thiên Chúa, được ban cho ân huệ giống hình ảnh Ngài, một bản sao nguyên mẫu của Thiên Chúa, một ngôi vị sống động và sống đích thực, Thiên Chúa là nguyên lý của sự sống, nên Ngài duy trì sự sống và muốn cho sự sống được những điều thiện hảo.

Quan điểm Hội thánh luôn khẳng định tính thánh thiêng của sự sống nơi con người do Thiên Chúa ban tặng. Nó cũng không tùy thuộc vào sự đánh giá của người này đối với người kia, hay dựa vào một thành tích nào đó để đánh giá. Nhưng xét cho cùng, đó là tình thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nhà đạo đức học người Mỹ Richard Gula diễn tả một cách súc tích và cao đẹp như sau:

Phẩm giá con người là phẩm giá nội tại, không thể chuyển nhượng, không thể thương lượng, không bắt nguồn từ thành tựu cá nhân hay phẩm chất xã hội, nhưng chính tình yêu Thiên Chúa, Đấng tạo tác chúng ta theo hình ảnh Ngài”[51].

3. Tính bất khả xâm phạm của sự sống

Con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, nên xâm phạm mạng sống con người cũng là xâm phạm chính Thiên Chúa. Cùng với nhận định này, Đức Gioan Phaolô II đã viết: Vậy sự sống con người được ban cho tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm, phản ảnh tính bất khả xâm phạm của chính Đấng Tạo Hóa.” (EV 53). Nếu sự sống nơi con người có điều gì đó xuất phát từ nội tại làm cho chính nó trở nên bất khả xâm phạm, thì điều cốt lõi ấy lại không xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng Chủ Tể của sự sống sao? Luận cứ về việc giữ gìn sự sống, dựa trên giá trị nội tại của con người, được sử dụng để tăng cường cho luận cứ Chủ Tể sự sống, chính nó khẳng định đặc quyền của Thiên Chúa về sự sống con người.

Ngoài luận cứ Thiên Chúa là Đấng Chủ Tể của sự sống, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn cho chúng ta một cách xem xét khác về việc bảo vệ sự sống. Trong diễn từ “Tôn vinh sự sống” đọc tại Ba Lan, ngài đã phát biểu như sau: “Giáo hội bảo vệ quyền được sống, không những vì có liên quan đến việc Tạo Hóa, Đấng ban sự sống này, mà còn tôn vinh sự thiện hảo thiết yếu vì nhân vị con người”[52]. Sự thiện hảo thiết yếu của nhân vị có ý nói đến tính thánh thiêng của sự sống, điều đó không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác. Đây cũng là quan điểm của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin được khẳng định trong Huấn thị Donum Vitae (Tặng Phẩm Sự Sống) năm 1987:

Từ lúc tượng thai, sự sống của mỗi con người phải được tôn trọng một cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian mà Thiên Chúa đã “muốn cho chính Ngài” và tâm linh của mỗi con người được Thiên Chúa “tác tạo tức thời” ; toàn hữu thể mang hình ảnh Đấng Tạo Hóa. Sự sống con người là thánh thiêng vì ngay từ đầu nó đã chứa đựng “hành động sáng tạo của Thiên Chúa”, và nó mãi muôn đời có liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó. Duy một mình Thiên Chúa là Chủ Tể sự sống từ khi nó khởi đầu đến khi nó chấm dứt; không ai trong bất cứ hoàn cảnh nào được cho mình cái quyền hủy hoại trực tiếp một con người vô tội.[53]

            Các xác quyết trên đây của Giáo hội Công giáo[54] cũng đã được khoa di truyền học hiện đại xác nhận và cho thấy rằng, ngay từ giây phút đầu tiên, tiến trình phát triển của một sinh thể[55] đã được định đoạt, một con người cá biệt, độc nhất vô nhị (hay còn gọi là một hữu thể cá biệt) với những đặc tính riêng biệt đã được xác định rất tỏ tường. Trong các bác sĩ chuyên ngành hoặc các chuyên gia cũng như thần học gia luân lý,[56] nổi bật nhất là y sĩ bác học Jerome Lejeune (Pháp) đã đưa ra những dữ kiện khoa học mới nhất nhằm chứng minh rằng, ngay từ giây phút trứng thụ tinh đã xuất hiện sự sống độc nhất vô nhị của con người theo mã số di truyền.

IV. Những đề xuất bảo vệ phẩm giá con người

            Công đồng Vatican II nhận định rằng phẩm giá con người là bất khả xâm phạm, bởi vì “con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gaudium et spes, 12). Như thế, phẩm giá con người là nền tảng của mọi đời sống xã hội và quyết định những nguyên tắc hoạt động của xã hội đó. Trong thế giới hiện đại, tham chiếu gần nhất với nguyên tắc phẩm giá con người bất khả xâm phạm là Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã định nghĩa là “một cột mốc quan trọng trong hành trình dài và cam go của nhân loại”[57], và là “một trong những diễn đạt đỉnh cao của ý thức con người”[58]. Quyền lợi không chỉ mang tính cá nhân mà còn có tính xã hội, thuộc về mọi dân tộc và quốc gia[59]. Thực vậy, con người với phẩm giá của mình là một thực thể xã hội, được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi.

Sau khi đã tìm hiểu phẩm giá con người trong thực trạng thế giới hôm nay, sự xúc phạm nghiêm trọng nặng nề đến phẩm giá con người, thậm chí là tự cho mình đặc quyền lấy đi mạng sống của người đồng loại, hơn lúc nào hết nhiệm vụ và bổn phận của mọi người là không ngừng bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người, để con người có được môi trường và điều kiện tốt nhất sống xứng hợp với nhân phẩm và sống xứng đáng là con Thiên Chúa.

1.     Những người
có trách nhiệm bảo vệ phẩm giá con người

Phải nói rằng, đối tượng có trách nhiệm bảo vệ phẩm giá con người là chính mỗi người trong nhân loại này. Vì mỗi người được sinh ra và lớn lên cùng với chính phẩm giá cao quý của mình, do chính Thiên Chúa trao ban, phẩm giá ấy nơi mỗi người như nhau, không ai hơn ai cũng chẳng ai kém ai. Tuyên ngôn về an tử của Bộ Giáo Lý Đức Tin có nhấn mạnh đến bổn phận của mỗi người:

Mọi người có bổn phận chăm sóc sức khỏe của chính mình hoặc tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe ấy nơi người khác. Những ai có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện việc chăm sóc này một cách có lương tâm và cung cấp các phương tiện trị liệu xét thấy cần thiết và hữu ích[60].

Tuy nhiên, dù trách nhiệm bảo vệ phẩm giá con người là của tất cả mọi người nói chung, nhưng trên hết vẫn là sự quyết định của Chính quyền và Giáo hội.

1.1.   Đối với Chính quyền

Cộng đồng và các tổ chức, phải thực thi trách nhiệm của mình khi được ủy nhiệm, vì tiếng nói của tổ chức và cộng đồng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông báo chí luôn có giá trị ảnh hưởng trực tiếp lên xã hội và gây được sự chú ý đến dư luận của quần chúng. Các cộng đồng, tổ chức quốc tế phải tận diệt những nguyên nhân gây bất hòa giữa con người với nhau, vì chính những nguyên nhân đó nuôi dưỡng chiến tranh, hận thù [...][61] chỉ khi xây dựng thế giới dựa trên công bằng nền tảng với văn minh tình thương thì phẩm giá con người mới có tôn trọng.

1.2.   Đối với Giáo Hội

Đức Gioan Phaolô II không ngừng nhấn mạnh sự độc đáo và phẩm giá của nhân vị trong các văn phẩm của ngài.[62] Xã luận báo America nhận định: Ngài nhấn mạnh bằng cách nhắc đi nhắc lại rằng lợi ích nhân vị phải là thước đo tối hậu cho mọi mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới, cho mọi hệ thống kinh tế, chính trị và cho mọi cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ hay về quyền ưu tiên quân sự.[63]

Trong diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phát biểu về sự mưu cầu hòa bình:

Mọi phân tích phải nhất thiết khởi đi từ tiền đề rằng tuy mỗi con người sống trong một cảnh vực lịch sử, xã hội cụ thể nhưng ai nấy đều được phú cho một phẩm giá mà không bao giờ được phép hạ thấp, gây phương hại hay hủy hoại, trái lại phải tôn trọng và bảo vệ nếu muốn xây dựng hòa bình thực sự.[64]

 

Cùng một ý tưởng như thế, thông điệp này cũng được nhắc lại trong Tin Mừng Sự Sống: Không một xã hội dân chủ đích thực nào có thể tồn tại “nếu không công nhận phẩm giá của mỗi con người và không tôn trọng các quyền của người ấy.” Hoà bình đích thực cũng không thể có được trừ khi “sự sống được bảo vệ và thăng tiến” (số 101).[65]

Cũng trong Thộng điệp này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tập trung cách đặc biệt vào những vấn đề thực tiễn liên quan đến tính thánh thiêng của sự sống con người như phá thai, an tử, án tử hình. Khi gửi thông điệp của mình đến với “tất cả mọi người thiện chí,”[66] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi người đọc hãy có suy tư luân lý sâu sắc hơn nữa. Ngài còn thúc giục mọi người hãy thẩm định “văn hóa sự chết” đang lớn mạnh và để chống lại nó, hãy ủng hộ cho “văn hóa sự sống.”[67]

2.  Hướng tới một xã hội công bằng và bác ái

Thực hiện công bằng và bác ái luôn là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho hết mọi người, đó còn là sống điều răn “mến Chúa yêu người” của Ngài trong đời sống hằng ngày giữa ta với tha nhân. Chúng ta đều có một nhân vị như nhau mà Thiên Chúa đã ban cho, bình đẳng với nhau trong cùng một phẩm giá. Như Thánh Gioan Tông đồ đã sánh ví tình yêu của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), và “Bác ái là trung tâm học thuyết xã hội của Giáo Hội” (Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 2). Khi nói về sự bình đẳng là nói đến phẩm giá con người cũng như về quyền căn bản của con người. Bất cứ ai gây nên sự bất bình đẳng thì một cách nào đó đã chà đạp, xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Vì vậy, sách Giáo lý Công giáo đã nói rõ: “Sự bình đẳng giữa mọi người có nghĩa là bình đẳng về phẩm giá con người và về những quyền lợi xuất phát từ phẩm giá này”[68].

Công bằng luôn đi đôi với bác ái yêu thương, hòa bình và liên đới. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã viết: “Hòa bình trên trái đất này chỉ có được khi có sự bảo toàn tài sản của mọi người, có tự do liên lạc giữa mọi người, có tôn trọng phẩm giá con người và phẩm giá các dân tộc, có sự thực hành thường xuyên tình huynh đệ”[69]. Sách Giáo lý Công giáo các số 1938; 2317 cũng chỉ rõ: Sự bình đẳng về phẩm giá con người buộc phải tiến tới những điều kiện sinh hoạt công bằng và nhân đạo hơn. Những bất công, thiếu liên đới, thiếu bác ái yêu thương sẽ gây cản trở cho đức công bằng xã hội, cho công bằng, cho phẩm giá con người, cũng như cho hòa bình thế giới.

Trong Thông điệp Tin Mừng về sự sống Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố:

Không thể nào có thể thực hiện công ích mà không nhìn nhận và bảo vệ quyền sống, trên đó được thiết lập và phát triển mọi quyền bất khả nhượng khác của con người. Và một xã hội không thể có nền tảng vững chắc, nếu như, khi khẳng định các giá trị như phẩm giá con người, công lý và hoà bình, xã hội ấy lại tự mâu thuẫn triệt để bằng cách chấp thuận hay miễn trách những hình thức khác nhau của việc khinh dễ hay xâm phạm chính sự sống con người, nhất là khi sự sống ấy thật non yếu hay bị gạt ra bên lề. Chỉ có lòng tôn trọng sự sống mới có thể thiết lập và bảo đảm những thiện hảo quý báu nhất, và cần thiết nhất của xã hội, như nền dân chủ và hoà bình[70].

            Ngoài những tuyên bố chung của Giáo hội về tôn trọng nhân phẩm và công bằng bác ái với nhau thì Giáo hội cũng có những Giáo huấn để chỉ dẫn đời sống luân lý cho Kitô hữu.

3.     Sống theo Giáo huấn của Hội thánh Công giáo

Hội thánh Công giáo được chính Đức Giêsu thiết lập và trao cho năng quyền loan báo Tin Mừng, giảng dạy và giáo huấn, nhằm đưa Lời Chúa và đạo lý của Chúa đến cho muôn người, và để nâng cao địa vị làm con cái Thiên Chúa. Giáo huấn của Hội thánh hoàn toàn dựa trên Lời Chúa dạy. Giáo huấn ấy luôn nhằm nâng cao phẩm giá con người, bảo vệ phẩm giá và làm thăng tiến phẩm giá đến mức thành toàn trong ân sủng và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì vậy, sống theo Giáo huấn của Hội thánh là hành động của người khôn ngoan đang đi đúng hướng con đường dẫn đến sự sống đời đời.

            Người sống theo Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo hẳn phải là người luôn tôn trọng, bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá con người, họ không bao giờ tiếp tay hay ủng hộ những hành vi giết người, diệt chủng, phá thai, hành hạ, buôn bán hoặc lạm dụng người khác; không bao giờ có những hành vi xúc phạm đến nhân phẩm người khác (x. GS 27), nhưng luôn ra sức bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá dưới nhiều hình thức khác nhau như sống bác ái, yêu thương, chia sẻ, cảm thông, sống công bằng.[71]

Giáo huấn của Hội Thánh mãi thúc giục, vang lên trong mỗi người chúng ta qua thông điệp Tin Mừng về Sự sống của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II:

Một tiếng gọi tha thiết nhân danh Thiên Chúa gửi đến tất cả và đến mỗi người, là hãy tôn trọng, hãy bảo vệ, hãy yêu mến và phục vụ sự sống, mỗi một sự sống con người, phẩm giá con người.. Hãy can đảm bảo vệ những người nghèo khổ[72].

            Vậy bất cứ ai sống theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo một cách triệt để, tích cực là góp phần mình vào việc bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá con người trong thời đại hôm nay.

 KẾT KUẬN

            Người viết xin được mượn lại lời nguyện trong giờ Kinh Sáng thứ hai của tuần IV để tóm kết bài viết “nhìn lại thực trạng phẩm giá con người trong thế giới hôm nay”, từ nguồn cảm hứng đó để thấy rõ nỗi niềm, nỗi thao thức của Giáo hội về phẩm giá của con người và trách nhiệm của mọi người trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại hôm nay:

Lạy Chúa là Đấng Tạo Thành vũ trụ, Chúa đã muốn cho con người mỗi ngày một trở nên hoàn hảo và hoàn thành công trình tao dựng của Chúa. Xin giúp chúng con biết tích cực lo cho mọi người có điều kiện làm việc xứng hợp với nhân phẩm, xin dạy chúng con, khi gắng sức làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp, biết hoạt động trong tinh thần liên đới với anh chị em và phục vụ hết thảy mọi người...[73]

            Con người vốn có phẩm giá vô cùng cao quý do chính Thiên Chúa ban cho.

Chúng ta có thể tìm được ở đây một lời mời gọi mới, là hãy cùng nhau làm chứng cho những xác tín chung của chúng ta về phẩm giá con người được Thiên Chúa tạo dựng, được Chúa Kitô cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần thánh hóa và được mời gọi sống trong thế giới này, được sống phù hợp với phẩm giá đó.[74]

Chính vì vậy, cúng ta cần phải và buộc phải tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người. Nhưng làm sao có thể tôn trọng và bảo vệ phẩm giá ấy nếu không phải là sự nỗ lực không ngừng để thực hành công bằng, sống bác ái, sống yêu thương, sống hiệp nhất huynh đệ; đồng thời không ngừng dấn thân để đẩy lui và loại trừ những thực trạng, những vấn nạn, tệ nạn của việc coi thường, xúc phạm đến phẩm giá con người như: những hành vi tước quyền tự do con người, gây chiến tranh, giết chóc, gây chết êm dịu, đánh đập, khinh thường người khác, buôn bán người, nạo phá thai, dùng con người làm vật thí nghiệm, ma túy, mại dâm, coi thường thân xác, khủng bố, tử hình, gây bất công, gây ô nhiễm môi trường, gây nên những cảnh sống thấp hèn...

Do vậy, bổn phận và trách nhiệm của chúng ta là những con người có lương tri và là những tín hữu, chúng ta được mời gọi để lên tiếng bảo vệ cho sự sống, và đấu tranh cho những đối xử bất công của xã hội hiện đại, đối với sự sống con người trong bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển. Sự sống và quyền được sống cũng như quyền bất khả xâm phạm của tất cả mọi sinh linh là một trong những quyền cơ bản nhất của con người đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận ở điều 3 trong bản tuyên ngôn nhân quyền năm 1948, đó chính là: “Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể”.



[1] Luận cứ “giết chết vì lòng thương xót” (mercy Killing) hay lòng trắc ẩn. Thuật ngữ này được những người ủng hộ an tử nêu lên, nhằm thu hút sự chú ý và giành sự ủng hộ cho cuộc vận động hợp pháp hóa an tử. Luận cứ nêu lên lòng trắc ẩn dành cho người bệnh và người hấp hối, giúp họ thoát khỏi cảnh đau đớn về thể xác và được đan kết với sợi chỉ khác trong tấm vải tình thương Kitô giáo[...]. (Trần Mạnh Hùng, STD. An tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý, Nxb TG. 2004, tr. 190)

 

[2] X. Hadley V. Arkes, “The Rights to Die - Again,” trong Michael M. Uhlmann, chủ biên, Last Rights? Assisted Suicide and Euthanasia Debated. (Washington. D.C.: Ethics and Public Policy Center, 1998), tr. 97-104. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG. 2020, tr.77)

[3] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Hòa bình Thế giới. Tự do tôn giáo, đường dẫn đến hòa bình, số 2.

[4] Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG. 2020, tr.16.

[5] X. Jean Louis Brugues. Từ điển luân lý Công Giáo, cuốn hạ (M-X), C.L.D, 1991, tr. 503- 505.

[6] X. Helmut Thielicke, The doctor as Judge of who shall live and who shall die trong Kenneth Vans, chủ biên, Who shall live? Medcine, Technology, Ethics. (Philadelphia: Fortress Press, 1970). tr. 170. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG. 2020, tr.78)

[7] Khi bàn về giá trị con người là “alien dignity” (tạm dịch là phẩm giá bất khả nhượng), điều đó có ý là nó đến từ bên ngoài tôi chứ không phát khởi từ trong tôi. Nhưng theo Thielicke, nó đồng thời cũng là một phần thiết yếu của toàn bộ con người của tôi... Về nguồn gốc và ý nghĩa của “phẩm giá bất khả nhượng” trong tư tưởng của Thielicke, xin xem một tiểu luận lý thu của Karen Lebacqz, “Alien Dignity: The Legacy of Helmut Thielicke for Bioethics,” trong Neil Messer, chủ biên, Theological Issues in Bioethics. (London: Longman, Darton & Todd, 2002), tr. 50-62. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG. 2020, tr.78)

[8] X. John Paul II, Crossing the Threhold of Hope (Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng) (New York: Alfred Knopf, 1994, tr 202, Vittorio Missore chủ biên. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG. 2020, tr.80)

[9] Trần Mạnh Hùng, STD. An tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 2004, tr. 256; 264-269; 556; 576.

[10] Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng Về Sự Sống, số 101.

[11] Sđd., số 101.

[12] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tuyên ngôn về an tử, Phần I.

[13] Quan điểm triết học Kitô giáo chủ trương trả lại cho con người “dignitas humana” – nhân phẩm bất khả nhượng, mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng cho mỗi người khi Người dựng nên họ và cho họ được mang trên mình hình ảnh của Người (x. St 1,27). 

[14] Thông điệp Hòa bình trên trái đất, số 45.

[15] Nguyễn Trọng Viễn. Lịch sử triết học phương tây. Tập 1. Học Viện Đa-minh, 1995, tr. 216.

[16] Nguyễn Thái Hợp. Đạo đức học. CLB. Phaolô. Nguyễn Văn Bình. Sài Gòn, 2009, tr. 167.

[17] Bộ Giáo Dục Công Giáo. Giáo huấn xã hội của Giáo hội trong việc đào tạo Linh mục, số 34.

[18] Sđd., Số 25.

[19] Bộ Giáo dục Công giáo. Giáo huấn xã hội Công giáo trong việc đào tạo Linh mục, số 31.

[20] Ngài sáng tạo họ có nam có nữ, Ngài chúc phúc cho họ và đặt tên cho họ là “Adam” (St 5,2). Sự kiện Đức Chúa gọi tên người nam và người nữ là “Adam”, nghĩa là con người, là sự kiện đặt nền tảng cho tính bình đẳng giữa người nam và người nữ xét như những con người.

[21] Dietrich Bonhoeffer. Triết học hiện sinh siêu nghiệm. Nguyễn Hữu Quang, FSC. Tổng hợp, tr. 60.

[22] Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 16.

[24] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 27.

[25] Công Đồng Vatican II. Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, số 27.

[26] Điểm nền tảng về quyền quản lý như sau: con người được giao phó cho việc chăm sóc và tôn trọng những tặng vật của Thiên Chúa. Tặng vật này có thể dưới hình thức là sự sống và thân xác của ta. Tặng vật cũng có thể là ở nơi sự hiện diện của tha nhân. Ta xây dựng những mối quan hệ và những giao ước với tha nhân từ sự bình đăng và độc lập đối với nhau. Như vậy, trách nhiệm của quyền quản lý buộc ta phải trả lẽ, không những trước mặt Thiên Chúa mà còn trước mặt tha nhân nữa. Xem Courtney S. Campbell, “Religious Ethics and Active Euthanasia in a Pluralistic Society,” Kennedy Institute of Ethics Journal 2 (1992), 268. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 74).

[27] Sách báo viết về an tử cho chúng ta thấy rằng khắp nơi đều có những luận cứ ủng hộ và chống đối nó. Các luận cứ này ra sức trả lời hai vẫn nạn cơ bản: (1) Trong những điều kiện nào, nếu có, thì an tử là hành vi hợp luân lý? (2) Có nên hợp pháp hóa an tử ngõ hầu con người có quyền chết một “cái chết phẩm giá?” Xem Tom L. Beauchamp và Seymour Perlin, chủ biên, “Euthanasia and Natural Death”. trong Ethical Issues in Death and Dying. (New Jersey: Prentice-Hall, Inc., 1978), tr. 216-220, ở tr. 217. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 159).

[28] Xem bài viết, “Cái chết nhân đạo gây nhiều tranh cãi ở các nước.” VN-Express, Thứ tư, 22/4/2015. http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/cai-chet-nhan-dao-gay-nhieu-tranh-cai-o-cac-nuoc-3204264.html (Truy cập, ngày 10.12.2020).

[29] Trần Mạnh Hùng, STD. An tử và trợ tử dưới nhãn quan thân học luận lý. Nxb Tôn giáo. Hà nội, 2004. tr. 89.

[30] Sđd., tr. 63.

[31] Sđd., tr. 71.

[32] Sđd., tr. 63.

[33] Sđd., tr. 345.

[34] Bác sỹ timothy Quill ở New York là một trong những người ủng hộ trợ tự mạnh mẽ nhất. Một trong những tác phẩm gần đây của ông là Death and Dignity: Making choices and Taking charge, 1993. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 193).

[35] Trần Mạnh Hùng, STD. An tử và trợ tử dưới nhãn quan thân học luân lý. Nxb Tôn giáo, Hà nội 2004, tr.76.

[36] Sđd., tr. 77.       

[37] Lập trường này đối lập trực tiếp với quan điểm tôn giáo truyền thống rằng mạng sống con người là ân huệ của Thiên Chúa nên cần phải được tôn trọng và chăm sóc một cách thích đáng. Xem David C. Thomasma, “An Analysis of Arguments For and Against Euthanasia and Assisted Suicide: Part One.” Cambridge Quarterly of Healthcare Ethics 5 (1996): 62-76, ở tr. 69. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 162).

[38] Nguyễn Mạnh Hùng. An tử và trợ tử dưới nhãn quan thân học luân lý. Nxb Tôn giáo, Hà nội 2004, tr. 97.

[39] Sđd., tr. 95.

[40] Sđd., tr. 155.

[41] Sđd., tr. 155.

[42] Sđd., tr. 158.

[43] Sđd., tr. 98-99.

[44] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Thông điệp Tin Mừng và sự sống, số 65.

[45] Nguyễn Mạnh Hùng. An tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2004, tr. 289.

[46] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Thông điệp Tin Mừng và sự sống, số 57.

[47] Sđd., số 65.       

[48] Đức Thánh Cha Phaolô VI. Thông điệp Ánh rạng ngời Chân lý. số 84-85.

[49] Công Đồng Vatican II. Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, số 41.

[50] SGLHTCG, số 2280-2283.

[51] Trần Mạnh Hùng, STD. An tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2004, tr. 109.

[52] X. John Paul II, “Celebrate Life.” The Pope Speaks 24 (1979): 371-374, ở tr. 372. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 81).

[53] Thánh Bộ Đức Tin. Huấn thị Tặng phẩm sự sống. Phần 5, số 16-20.

[54] “Ngay từ khi trứng thụ tinh đã khởi đầu một sự sống mới vốn không phải là sự sống của người cha cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, nó có thể tự mình phát triển. Nó sẽ không bao giờ trở thành người, nếu nó không là người từ lúc ấy...” Xem Huấn thị Donum Vitae (Tặng Phẩm Sự Sống) do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, 1987.

[55] Nghĩa là bao gồm linh hồn và thể xác.

[56] William Bueche, C.Ss.R., “Destroying Human Embryos Destroying Human Lifes: A Moral Issue,” Studia Moralia 29 (1991): 85-115;

Kevin D. O'Rourke, “The Embryo as Person” National Catholic Bioethics Quarterly (2006);

Robert P. George, “Embryo Ethics: On the Biological and Moral Status of Nascent Human Life,” (part 1) 14.04.2008. http://www.firstprinciples journal.com/articles. aspx?article=583&theme= home&loc=b (Accessed 11 August 2012);

Anthony Fisher, O.P., Catholic Bioethics for a New Millennium. (United Kingdom: Cambridge University Press, 2012), tr. 104. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 21).

[57] Diễn văn trước Đại hội Liên Hợp Quốc (ngày 2 tháng 10 năm 1979), 7.

[58] Diễn văn trước Đại hội Liên Hợp Quốc (ngày 5 tháng 10 năm 1995), 2.

[59] X. Bản tóm tắt Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 157.

[60] Thánh Bộ Đức Tin. Tuyên ngôn về an tử. Phần IV.

[61] Công Đồng Vatican II. Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, số 82.

[62] X. Ví dụ, John Paul II, Crossing the Threshold of Hope - Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng(New York: Alfred Knopf, 1994);

------------ Redemptoris Hominis [Đấng Cứu Chuộc Con Người],số 10, thông điệp, ngày 4.3.1979, trong The Pope Speaks 24 (1979): 97-147;

------------ Christifideles Laici [Người Tin Hữu Giáo Dân], số 38, Tông Huấn, ngày 30.12.1988, trong The Pop Speaks 34 (1989): 1103-1168;

------------ Centesimus Annus (Đệ Bách Niên), số 39, thông điệp - Hội, ngày 2.5.1991, trong The Pope Speaks 36 (1991): 273-310. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 68).

[63] X. America 141 (1979): 185. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 68).

[64] X. Origins 9 (1979): 262. Tham chiếu Richard A. McCormick, S.J., “Notes on Moral Theology: 1979”.

Theological Studies 41 (tháng 3/1980): 98-99. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 68).          

[65] Quan điểm này rất phủ hợp với Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố theo Nghị Quyết 217 A (III) ngày 10.12.1948. Đại Hội Đồng kiên quyết chủ trương rằng “sự thừa nhận nhân phẩm vốn có, các quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới.” Xem Lời Nói Đầu của Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền. Có thể tải xuống Tuyên Ngôn này ở địa chi http://www.un.org/Overview/rights.html. Và bản văn bằng tiếng Việt có ở http:// www.unhchr.ch/udhr/lang/vie.pdf. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 69).

[66] Evangelium Vitae, số 5, 74, 91. (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 70).

[67] Kevin Wm. Wildes và Alan C. Mitchell, chủ biên, Choosing Life: A Dialogue on Evangelium Vitae.  (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1997). (Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG, 2020. tr. 70).

[68] SGLHTCG, số 1945.

[69] Sđd., số 2304.  

[70] Gioan Phaolô II. Thông điệp Tin Mừng và sự sống, số 101.

[71] X. GLHTCG số 2213;2235.

[72] Gioan Phaolô II. Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 60.

[73] Sách các giờ Kinh Phụng vụ. Nhóm CGKPV, Nxb Tp.HCM, 1999, tr. 1061.

[74] Thông điệp Quan tâm tới vấn đề xã hội, số 47.

                                                                                                               

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn