Phẩm giá con người và ơn gọi làm Kitô hữu

 Bạch Minh Đức, OP


Phẩm giá con người dù mang tính vĩnh cửu, nhưng nó phải được bộc lộ trong đời sống để tôn vinh Đấng là nguồn mạch của phẩm giá đó. Quả thật, Thiên Chúa ban cho con người nhiều cách thức để làm triển nở phẩm giá của họ và một trong những con đường để nhân phẩm ấy được bày tỏ cách tuyệt vời nhất đó là bước theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Người để “phẩm giá của một nhân vị được hoàn thành trong ơn gọi đến hưởng vinh phúc thần linh”[1]. Đức Kitô, qua việc mạc khải cho con người biết về mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Người, đã tỏ lộ cách đầy đủ cho con người biết về căn tính, phẩm giá và ơn gọi cao cả của họ khi được tạo dựng nên trong thế giới này.[2] Thực tế, con người mang trong mình hình ảnh thần linh và “hình ảnh đó rực sáng trong sự hiệp thông của các nhân vị, giống như sự duy nhất giữa các Ngôi Vị thần linh với nhau”[3]. Đó là lý do tại sao con người là thụ tạo duy nhất nơi trần thế được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó và con người chỉ có thể gặp thấy bản thân mình cách đích thực nhờ thực hành hiến dâng bản thân.[4]

Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả một vài suy tư và chiêm niệm về hai mẫu gương, đó là Đức Maria và thánh Giuse. Quả thật, cuộc đời của các ngài đã được làm cho trở nên trọn vẹn là đạt tới sự trọn hảo của đức mến, là sự thánh thiện, nhờ thực hành đời sống đức tin trong vâng phục.

1. Đức Maria trong phận làm Kitô hữu

1.1.   Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng

Trước hết, người ta phải cảm thấy hạnh phúc vì được làm người, vì con người “là trung tâm và là tột đỉnh của mọi sinh vật trên địa cầu” (Gaudium et Spes, 12) và “được Thiên Chúa dựng nên để làm đối tượng tình yêu của Người” (Splendor Veritatis, 13). Con người mang trên mình phẩm giá quý trọng trổi vượt muôn loài vật, vì chỉ có con người mới “giống Thiên Chúa”, mang hình ảnh Thiên Chúa. Dù xét về thân phận của mình, con người chỉ là thân cát bụi đớn hèn nay sống mai chết, nhưng lại được “Người đoái thương nhìn tới”. Tuy nhiên, điều này không phải chúng ta luôn biết, luôn ý thức để mà vui sướng và vui sống. Những người nhận ra và có được sự tỉnh thức luôn luôn để sống trong tâm tình biết ơn và tạ ơn vì được hiện hữu là người, trước hết, đó là Đức Maria.

Cuộc đời của Đức Maria là một hành trình sống thực hành và đón nhận các mối phúc. Thật vậy, trung tâm lời rao giảng của Đức Giêsu là các mối phúc. Chúng diễn tả ơn gọi, con đường và lối sống của người Kitô hữu “chúng là những lời hứa nghịch lý, nâng đỡ niềm hy vọng trong những lúc gian truân […]; chúng đã được khởi đầu trong đời sống của Đức Trinh Nữ Maria và của tất cả các thánh”[5].

Quả thật, Đức Maria nhờ “suy đi ngẫm lại trong lòng” mà biết được rằng “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao trọng”. Càng ngẫm nghĩ, ngài càng thấy hớn hở mừng vui và đó là niềm vui đích thực. Niềm vui này có sức tỏa lan lớn lao “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1,41). Niềm vui vượt quá những gì thuộc con người, đó là niềm vui Thánh Thần. Hay nói đúng hơn, niềm vui mang Thần Khí. Do đó, người mang niềm vui Thần Khí cũng sẽ làm cho rung động, làm cho vui sướng những ai mà họ gặp gỡ. Có thể nói, đây là niềm vui của sự sống. Niềm vui này đụng chạm đến tất cả những gì là sâu kín nhất nơi con người để thánh hóa, chữa lành, và kiện toàn “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên”. Đức Maria không tự nhận mình là người “đầy ân sủng”, nhưng được Sứ thần cho biết điều đó“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).

Khi con người biết mình thực sự là ai, căn tính của mình là gì, họ sẽ cố gắng sống thế nào cho xứng hợp. Như thế, nhận biết Thiên Chúa, trước hết, mang lại con người một định nghĩa đích thực về mình. Định nghĩa này định hình nên lối sống, hay nói cách khác, làm cho con người nhận ra ý nghĩa đích thực của kiếp người là gì. Người ta sống không chỉ để mà sống, nhưng là sống để làm gì, vì cái gì và cho cái gì. Trái ngược với loài người, con vật sống chỉ để sống theo bản năng và nó cũng không biết nó đang sống. Nó sống theo bản năng, do đó, hễ ai đụng đến sự sống của nó, thì tức khắc nó sẽ phản ứng chống trả cách quyết liệt. Trong khi đó, con người nhận biết sự sống là quý giá nhất cần phải bảo vệ, tuy nhiên, họ không phải lúc nào cũng tìm cách chống trả quyết liệt để giành lấy sự sống. Thật vậy, có nhiều người đã tự nguyện hy sinh mạng sống - thứ quý giá nhất của kiếp người - để cho/ vì một ý nghĩa nào đó. Chỉ có con người mới dám hy sinh, dám cho đi thứ quý giá nhất của mình để bảo toàn hoặc làm chứng cho một giá trị, một kho tàng nào đó.

Trước mọi vấn đề, con người luôn chấn vấn “Lời chào như vậy có nghĩa gì?” hay điều đó nghĩa là gì? Cho nên chỉ con người trong thế giới vật chất này mới nhận ra ý nghĩa sự sống thì còn quan trọng hơn cả sự sống, nhờ nhận biết về sự thật nơi chính mình. Đức Maria khi được biết sự thật nơi chính mình “Thiên Chúa ở cùng Bà” thì ngài vừa vui sướng vừa xao xuyến. Thật vậy, nhận ra một điều lớn lao nơi chính mình và nhận ra một kế hoạch cao vời vượt cả trí tưởng tượng của mình, con người ta vừa thấy vinh dự vui sướng, vừa sợ hãi, lại vừa nao lòng

Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (Lc 1, 30-33).

Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Đức Maria vượt quá trí tưởng tượng của Bà, vì Bà chưa một lần nghĩ tới điều đó. Quả thật, nếu Thiên Chúa ban cho Bà một người con “được gọi là Con Đấng Tối Cao”“triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” thì chắc chắn Bà cũng sẽ nên cao trọng và cũng hiển trị với Người Con của mình tới vô cùng vô tận, vì Thiên Chúa không thể nào ban một điều cao trọng cho một người bất xứng và càng không thể nào để cho người con hiển trị vô cùng tận, trong khi, mẹ của người lại phải chết đi và tan biến vào hư không. Cho nên, sau khi nhận biết được ý nghĩa cuộc đời, nhận biết được sứ mạng làm người của mình, Bà đã vui sướng cất lên “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48). Niềm vui này đến từ Đấng Toàn Năng, Người mới là Đấng khởi sự và kết thúc kế hoạch nơi cuộc đời con người, “đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,49).

1.2.   Đức Chúa ở cùng bà

“Ở đâu có người Kitô hữu ở đó có niềm vui” đây chắc chắn không phải là một lời khẳng định về sự tự mãn, tự kiêu về việc mình hơn người khác vì mình là người Kitô hữu [nên tốt lành hơn, thánh thiện hơn, cao trọng hơn người…]. Nhiều người, trong thực tế, nghĩ rằng mình là người Kitô hữu nên mình vui vì “hơn người”. Lối nghĩ như vậy, tất nhiên, là sai lầm. Vậy phải hiểu câu “ở đâu có người Kitô hữu ở đó có niềm vui” như thế nào?

Có lẽ, điều trên chỉ đúng khi ta đặt câu này trong bối cảnh về niềm hy vọng và niềm tin. Chắc hẳn, một mặt, càng là người Kitô hữu, người ta càng thấy sự bất lực của mình trước những vấn nạn của cuộc đời, trước ngay cả yếu đuối của bản thân mình. Thế nhưng mặt khác, càng là Kitô hữu, người ta lại càng cảm thấy sự khẩn thiết và quan trọng của sự phó thác.

Thực tế, khi biết được giới hạn của mình, khi chấp nhận về một thực tế “kẻ mọn hèn” nơi mình, thì “Chúa đoái thương nhìn đến”. Khi chấp nhận sự thật về mình thì cũng đồng thời người ta dễ dàng nương tựa vào Đấng Toàn năng. Khi biết rằng mình không thể làm hơn được nữa, thì người ta cũng dễ dàng để “Chúa nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”, nghĩa là để Chúa thực hiện những gì tốt đẹp Người muốn. Nghĩa là tất cả những gì người Kitô hữu có được là do Chúa ban nhưng không. Vì thế, “diễm phúc” của người Kitô hữu, chắc chắn không phải là ảo tưởng về bản thân mình, nhưng là nhận biết và tin tưởng rằng “được Chúa đoái thương nhìn tới”“làm cho tôi biết bao điều cao trọng”, vì Thiên Chúa “hằng thương xót những ai kính sợ Người”[6]. Như vậy, khi để Thiên Chúa hành động thì đồng thời người ta cũng được “sinh ra” cách mới mẻ nhờ thần khí. Người ta vui sướng vì biết mình được yêu, được chấp nhận và được cứu độ, dù bản thân còn nhiều khiếm khuyết và hoàn toàn bất xứng.

Như thế, nếu có một lý do để mà tự hào thì chắc chắn người ta không thể tự hào về “công trạng” của mình, vì thực tế mình chẳng làm được gì; nhưng là tự hào về công trạng của Đấng đã chết và phục sinh vì yêu thương mỗi một người chúng ta. Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui nhận ra mình được yêu thương và được cứu độ trong khi mình hoàn toàn bất xứng. Niềm vui này, do đó, thôi thúc người ta sống ngày càng quyết liệt hơn, muốn vươn lên hơn nữa trong đời sống thường ngày. Đó là lý do người ta vui sướng khi thấy mình thật có phúc “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45) và người ta cũng là người có phúc muôn đời, cái phúc đời đời chứ không phải chỉ là tạm thời “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48).

Khi suy niệm về lời chúc tụng Manificat, người ta cũng đồng thời được mời gọi noi gương Đức Maria để sống tinh thần phó thác và vâng phục Thiên Chúa. Sống niềm vui của ơn gọi làm người Kitô hữu, như Đức Maria thể hiện, không phải là thực hiện những gì Bà muốn, nhưng thật ra, đó là đảm nhận lấy một chuỗi cuộc đời đầy đòi hỏi đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, Đức Maria đã sống ơn gọi có Chúa ở cùng bằng cách trở nên người nhà của Thiên Chúa để Người cậy nhờ và để Người “làm phiền” đến đau đớn tột cùng khi đứng dưới cậy thập giá chứng kiến người con yêu dấu của Bà chết cách nhục nhã.

Ơn gọi của người Kitô hữu, như thế, là một lời đáp trả sâu xa mang lại sức mạnh cho người ta để họ đi vào cuộc khổ giá cùng với Đức Giêsu qua việc đánh mất hết những gì thuộc về mình hầu có thể sống liên lụy với con người trần thế đặc biệt với những người cùng khổ để rồi cùng nhau được hưởng ơn cứu độ. Không có niềm vui tin tưởng và hy vọng, người ta không thể làm được. Với niềm vui sống là người Kitô hữu, người ta sẽ cảm thấy không có gì trở nên nặng nề, cực nhọc. Hay nói cách khác, càng cảm nếm được niềm vui ấy lớn lao bao nhiêu, người ta càng phải đi vào một cuộc “đảo ngược” bấy nhiêu - chịu nhiều phiền toái, bách hại - để trở nên lớn mạnh và vĩnh cửu.

Cuộc đời con người vẫn cứ luôn còn đó những đau khổ, nhọc nhằn, vất vả; vẫn cứ còn đó bao vấn nạn về sự dữ, bạo lực và bế tắc. Do đó, người Kitô hữu không phải lúc nào cũng có thể “tươi như hoa”, “vui như tết” được, nhưng rõ ràng những con người ấy luôn sẵn lòng mở ra với niềm hy vọng. Khổ đau có thể cứ “dội” xuống trên cuộc đời họ, nhưng tự thâm tâm, họ vẫn luôn tín thác vào Đấng đã chết và phục sinh đã mang niềm vui đến cho con người. Đó là niềm vui sâu xa, ý nghĩa và chân thực nhất của kẻ bước theo Đức Kitô.

1.3.   Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ

Trong một thế giới mà người ta muốn đem cái tôi ra để trấn áp thiên hạ, để thiên hạ sợ hãi mà nghe theo, thì Đức Maria lại chọn con người chịu thua. Chịu thua để làm gì?

Trước hết, chịu thua để đón nhận “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Chịu thua ở đây không hiểu theo nghĩa sự hơn thua, nhưng là sự chấp nhận và tin tưởng về một sự “mịt mờ” vượt quá trí hiểu để trong đức tin tôi bước đi. Thật ra, tôi bước đi không phải do kém hiểu biết, nhưng do tôi chắc tâm về Đấng đã lên kế hoạch cho tôi. Cho nên tôi bước đi với thâm tâm “tôi đây là nữ tỳ của Chúa” vậy thì “xin Chúa cứ làm”. Quả là một sự liều lĩnh xét về mặt con người khi nói “xin Chúa cứ làm”. Nhưng sự liều lĩnh này có cơ sở bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể đem đến cho cuộc đời tôi một ý nghĩa bất ngờ “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao trọng”. Quả thật, chỉ có Thiên Chúa mới có thể tiêu diệt những gì là hỗn loạn, những chi là đảo điên và hư vô mà có thể làm cho tôi mất sự hiện hữu “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”, “hạ bệ những ai quyền thế” để làm một cuộc đảo ngược “nâng cao kẻ khiêm nhường”; “kẻ đói nghèo được ban dư đầy”. Chính Thiên Chúa ra tay làm cho đời sống con người trở nên phong phú, đáng sống và viên mãn “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Niềm vui tràn đầy nơi cung lòng kẻ yếu hèn khi người đó đặt sự “thèm muốn” của mình đúng nơi chốn của nó. Thay vì thèm muốn chứng tỏ cái tôi, phải ăn thua với tha nhân mà thể hiện ra là “phường lòng trí kiêu căng” cho mình là hơn người, là tuyệt đối, là nhất; thì Thiên Chúa lại muốn con người “thèm muốn” - Một Đấng Khác - nghe theo lời Người để trở thành kẻ yếu, kẻ thua trước chính mình, đó là chấp nhận trên tôi còn có một ai khác tuyệt đối - toàn năng. Nếu tôi chấp nhận phụ thuộc vào Một-Ai- Khác-Toàn-Năng đó thì tôi sẽ được “nâng cao”. Cũng vậy, nếu tôi chỉ thèm muốn sự vật “quyền thế” thì sẽ bị hạ xuống, thèm muốn “giàu sang” thì sẽ bị “đuổi về tay trắng”; nhưng nếu đặt sự thèm muốn vào Một-Đấng-Khác thì sẽ được “ban của đầy dư”. Sự “dư đầy” ở đây chính là niềm vui được hiện hữu là người đích thực. Ngay khi bà Êlisabét nghe tiếng chào thì niềm vui đã trào vọt lên trong lòng bà “tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1,44).

Sự thèm muốn được diễn tả nơi bà Êlisabét chính là khát vọng làm người nơi mỗi chúng ta. Chúng ta khát vọng được đầy tràn thần khí Chúa. Chúng ta khát mong thần khí làm đầy tràn khoảng trống bao la trong tầm hồn. Chính khoảng không trống rỗng mà ai cũng kinh nghiệm ấy nhiều khi làm chúng ta sợ hãi, hoang mang và lo lắng. Vì thế, không ít người đã lấp đầy nó bằng quyền bính và tiền của. Thế nhưng, thực tế thật trớ trêu, càng tìm cách lấp đầy nó bằng vật chất, người ta càng đi vào hụt hẫng, lo sợ và khủng hoảng. Điều này dẫn con người đến sự hỗn loạn và ôm lấy sự hỗn độn.

Vì thế, ngay từ câu mở đầu Thiên sứ đã nói “Mừng vui lên”, nghĩa là vui sướng lên, hân hoan lên, sướng vui lên vì bà được trở nên là “Đấng đầy ân sủng” khi “thèm khát” Đức Chúa luôn luôn và điều này đã được làm cho hiện thực “Đức Chúa ở cùng Bà”.

Đức Maria đã chịu thua "toàn tập" trước Đấng Toàn Năng, nghĩa là buông bỏ triệt để cái tôi muốn, cái tôi sẽ, để đón nhận cái Người muốn và Người sẽ làm; do đó, Bà được làm cho tràn đầy ân sủng và trở nên “có phúc lạ hơn mọi người nữ”, nghĩa là, trở nên Một-Thụ-Tạo-Kiều-Diễm, mà Vô-Nhiễm-Nguyên-Tội là thể hiện ra cái vẻ huy hoàng lộng lẫy ấy. Cái phúc mà Đức Maria có được chung quy lại là vì có Đức Chúa ở cùng.

2. Thánh Giuse và “giấc mộng” của người Kitô hữu

Nếu Đức Maria thường được gọi là “kẻ tin” hay “đấng đầy ân sủng”, thì thánh Giuse được biết đến là “đấng công chính”, là “miêu duệ vinh hiển của dòng dõi Đavít” và là “ánh sáng của các tổ phụ”. Đặc biệt vào ngày 8/12/2020, Nhân dịp kỷ niệm 150 năm công bố Thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư Patris Corde – Trái Tim Của Người Cha để chiêm ngắm “dung mạo phi thường của thánh nhân, rất gần với kinh nghiệm nhân sinh của chúng ta”. Quả thật, “sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không có vị Thánh nào có thể chiếm vị thế trong Huấn Quyền Giáo Hoàng nhiều như Thánh Giuse”, điều này cho thấy vai trò của thánh Giuse trong lịch sử cứu độ thật lớn lao. Trong bài tiếp nối về thánh Giuse này, chúng tôi muốn cùng độc giả tiếp tục hành trình suy ngẫm về Phẩm Giá Và Ơn Gọi Làm Người Kitô Hữu nơi cuộc đời thánh Giuse, qua những cách thức mà ngài đã thực hiện để cho vinh quang “hình ảnh Thiên Chúa” được tỏ lộ ra cách tuyệt đẹp nhất trong đời sống hàng ngày.

2.1.   Hành trình từ những giấc mộng

Trong thân phận làm người, Thánh Giuse đã có một giấc mơ rất riêng tư và đáng được người đời chúc phúc, đó là kết hôn với bà Maria. Thật vậy, ông có một giấc mơ rất đỗi bình thường như bao người khác về một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc bên người vợ và những đứa trẻ. Thế nhưng, trong lúc đang chuẩn bị thực hiện giấc mơ của mình, thì điều bất ngờ xảy đến, đó là Bà Maria đã có thai. Sự việc kỳ lạ này làm cho ông bối rối và đau khổ.

Ông toan tính hành động để đem đến một sự bình an cho tất cả "là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo" (Mt 1,19). Nhưng rồi trong giấc mộng, Ông đã có giải pháp khác. Giải pháp không đến từ loài người mà đến từ Thiên Chúa "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần". Hơn nữa, người con mà Đức Maria đang mang thai đó không phải là một con người bình thường, nhưng là người con của lời hứa “chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.

Từ một giấc mộng đời thường và rất người là được chung sống một cuộc đời bình thường với người mình yêu thương, thánh Giuse đã vâng theo ý muốn của Thiên Chúa qua bốn giấc mơ[7]. Thật vậy, ngài gạt bỏ những gì là riêng tư để đón lấy một giấc mộng định mệnh là “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”, rồi đến những giấc mộng báo phải chạy trốn vua Hêrôđê “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”.

Thánh Giuse, khi chấp nhận làm theo những lời trong giấc mộng, cũng đồng thời chấp nhận mọi bi kịch có thể xảy đến với cuộc đời của mình. Ôm lấy giấc mộng cũng có nghĩa là ôm lấy tất cả những biến cố và biến động của thời cuộc để quyết hiện thực lời trong mộng nơi đời sống con người. Như thế, giấc mộng, trong cuộc đời của thánh Giuse, không phải là một thứ hão huyền, mơ mộng nhưng là một thực tế khao khát vươn lên tới Chúa bằng những hành động cụ thể trong đời thường. Quả thật, thánh nhân đã làm như thế cho đến kỳ cùng của kiếp nhân sinh. Khi biết vua Hêrôđê đang tìm giết con trẻ, sứ thần lại hiện ra trong giấc mơ và yêu cầu thánh nhân đưa con trẻ sang Aicập để lánh nạn và “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập”.

Đây không hề là kế hoạch hay ý định của ông mà là “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Aicập” (Mt 2,15). Bất cứ khi nào nhận được lời báo, dù chỉ là trong giấc mộng, thánh Giuse vẫn luôn im lặng và mau mắn thi hành mà không hề thắc mắc hay hoài nghi.

Thánh nhân cho thấy rằng ngài đã mơ thấy lời hứa về một đời sống “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” và “chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” cho nên ngài quyết sống một cuộc đời như mơ đó. Khác với Bà Maria sứ thần hiện ra với Bà và báo tin, ông Giuse lại nhận được lời loan báo trong mộng. Thật vậy, sứ thần không hiện ra ban ngày và yêu cầu ngài làm một việc gì đó, nhưng là trong giấc mơ. Tất cả đều khởi đi từ giấc mơ.

2.2.   Giấc mộng quyền bính

Khi thực thi mệnh lệnh của Thiên Chúa, thánh Giuse được trao cho quyền bính trước hết qua việc đặt tên “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Thật vậy, từ thuở khai sinh lập địa, Thiên Chúa đã trao quyền đặt tên cho con người trên vạn vật. Quyền đặt tên hàm nghĩa rằng con người thống trị vạn vật. Như thế, vạn vật trong vũ trụ vật chất này có được ý nghĩa trong tương quan với con người qua việc con người gọi nó là gì, vì chúng tồn tại để phục vụ cho sự sống con người.

Trong trường hợp thánh Giuse, Thiên Chúa cũng ban cho ông quyền đặt tên cho con trẻ “ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Tuy nhiên, khác với việc con người được đặt tên vạn vật bằng cái tên do họ nghĩ ra để đưa chúng vào trong tương quan với con người, ban cho chúng một ý nghĩa để chúng trở nên hữu ích cho đời sống con người; thánh Giuse thì ngược lại, ông được yêu cầu đặt tên do chính Thiên Chúa chỉ định cho ông, chứ không phải do ông nghĩ ra.

Như thế, khi gọi con trẻ là Giêsu, thánh nhân thay vì ban cho con trẻ một ý nghĩa và kéo con trẻ vào tương quan với mình, thì ngược lại, ông được đưa vào một tương quan mới, được ban cho một ý nghĩa sâu xa, đó là bước vào tương quan sống mật thiết với Ngôi Lời Thiên Chúa (qua tình phụ-tử. Hơn thế nữa, thánh nhân cũng là người đầu tiên được kêu Danh Giêsu, danh mà khi vừa nghe đến “cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10). Đây là ân phúc mà Thiên Chúa dành cho ông. Hơn nữa, “khi đặt tên cho con trẻ là Giêsu, thánh Giuse công bố sứ vụ cứu độ của Hài Nhi”[8].

Ngoài ra, khi tuyên xưng Danh Giêsu, người ta cũng được cứu độ “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ” (Cv 16,31). Đời sống mới của ông Giuse không phải là một đời sống mơ mộng vì là cha nuôi của Đấng Cứu Thế nên ông sẽ có được những đặc quyền, đặc lợi theo kiểu thế gian, nhưng ngược lại, ông sẽ phải khốn đốn, lao tâm khổ tứ để cho lời sấm “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” được tỏ hiện ra. Nếu sống mơ mộng viễn vông, thánh Giuse đã không thể chấp nhận thinh lặng trước những khó khăn của cuộc đời như: không thể tìm nhà trọ cho Bà Maria hạ sinh Con Trẻ, phải đưa con trẻ chạy trốn sang Ai cập, hay phải sống một cuộc đời thiếu thốn vất vả trong thinh lặng.

2.3.   Giấc mộng về lời hứa

Kể từ khi làm theo lời sứ thần báo mộng, cuộc đời ông Giuse cũng bước sang một trang mới đầy cam go và thách thức. Ông hành động trong niềm tin về một lời hứa “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Thiên Chúa, qua giấc mơ, “đã trao phó cho ông kho tàng quý giá nhất của Người”(Redemptoris Custos, 1). Nhiệm vụ của ông là cộng tác để người ta nhận biết và gọi con trẻ là “là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. ông Giuse không đáp lại “lời truyền tin” của sứ thần như đức Maria, nhưng ông đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Ông đã hành động trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Khi chiêm niệm về đời sống thánh Giuse, ta có cảm tưởng ngài có dáng dấp một nghệ sĩ - người mong muốn đưa những gì là cao siêu vào trong đời thực và sống chết với nó. Tuy nhiên, điều khác biệt với các nghệ sĩ đó là thánh nhân không mang những gì mình nghĩ, mình tưởng tượng, không phải là cao vọng của thánh nhân, không phải là lý tưởng mà thánh nhân đưa ra để đưa nó vào đời sống; nhưng thánh nhân hành động theo những gì được chỉ dẫn với niềm tin là đến từ Thiên Chúa. Cái tính nghệ sĩ giúp cho thánh nhân dám mơ, dám liều và dám sống.

Tuy nhiên, thánh Giuse không sống trong mơ mộng, ảo tưởng hão huyền, nhưng ông đã “tỉnh thức và làm” hoặc “liền trỗi dậy” và thi hành. “Tỉnh thức” và “trỗi dậy” như là một sự thôi thúc tha thiết với lời kêu gọi của Thiên Chúa. “Tỉnh thức” và “trỗi dậy” chính là thái độ của kẻ khôn ngoan khi dấn thân vào đời thực, là ra khỏi những giới hạn của bản thân, vượt lên trên mọi nỗi sợ hãi, lo lắng, băn khoăn về khiếm khuyết của chính mình cũng như không còn những thắc mắc về những điều khó hiểu chưa được bày tỏ về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. “Tỉnh thức” và “trỗi dậy” do đó, đơn giản là lên đường với sự ghi nhớ về những Lời đã được sứ thần báo mộng. Nếu như câu nói “Đức Maria hằng ghi nhớ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”, thì câu nói ấy cũng dành cho Ông Giuse và đã được diễn tả rất đúng trong cuộc đời ông.

2.4.   Giấc mộng hủy mình ra không

Có lẽ điều đặc biệt mà ai cũng nhận thấy nơi thánh Cả Giuse đó là sự im lặng hầu như tuyệt đối trong tất cả các sách Tin Mừng. Ngoài việc gọi tên con trẻ là Giêsu như lời sứ thần báo mộng, ta không thấy thánh nhân thốt lên một tiếng nào nữa.

Trước hết, sự im lặng của thánh nhân vừa gợi cho ta thấy giới hạn tột độ của trí hiểu con người trước mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể; vừa thể hiện sự khôn ngoan khôn cùng của Thiên Chúa trong cách thức cứu độ nhân loại. Thật vậy, đứng trước Đấng Emmanuel, người ta chỉ có thể câm nín mà cung kính; nhưng đồng thời, người ta cũng buộc phải mở ra với thực tại của thần linh. Khi sống trong thinh lặng trước những điều Thiên Chúa thực hiện, thánh Giuse cũng đồng thời để cho Chúa tự do sử dụng ngài như một khí cụ hữu ích để từ đó mà ban phát muôn ân lành cho trần gian. Do vậy, thánh nhân muốn "hủy mình ra không" bằng cách lui vào thực tại thinh lặng. Thinh lặng như một nơi chốn mà thánh nhân có thể lui vào đó để trú ẩn và làm cho mình lu mờ đi trước sự xuất hiện của Đức Giêsu “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

Nhờ đó, thinh lặng của Giuse không phải là một sự thinh lặng thụ động, bất động, vô cảm và bị triệt tiêu, nhưng là một thinh lặng chiêm niệm thánh, nhờ đó, hoa trái của lòng yêu mến Lời Chúa được trào tràn ra với đời sống và có sức cứu độ thế giới. Thật vậy, chỉ trong thinh lặng chiêm niệm sâu xa mới giúp cho thánh nhân hiểu rõ và sống ơn gọi của mình cách tuyệt vời, đó là nhiệm vụ được giao cho ngài không phải là một nhiệm vụ riêng tư nhưng là một nhiệm vụ mang tính hiệp thông với dân Chúa qua việc sống và thi hành Lời. Thánh nhân không còn phải hành động cho mình mà là phục vụ cho ơn cứu độ của toàn dân “ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Chỉ trong ý nghĩa đó, cuộc đời của thánh nhân được “nhào nắn”, “khắc tạo” và định hình trong thực tại thinh lặng bằng cách “tỉnh giấc và làm theo” và “liền trỗi dậy” và đi. Sự mau mắn của thánh nhân, một mặt, thể hiện một sự bế tắc bất lực cùng cực của lý trí và khả năng nơi con người trước những đòi hỏi của Thiên Chúa, nhưng mặt khác, nó cũng thể hiện sự mở toang với chính mình qua việc tín thác và hành động.

Bên cạnh đó, sự thinh lặng diễn tả sự khốn nạn của kiếp người và nỗi cô đơn tột độ của phận người. Đó là “đêm tối đức tin” đúng nghĩa mà các thánh đã đụng chạm và trải qua. Cũng trong tình trạng đó, thánh Giuse đã được chia sẻ sự thinh lặng của Đức Giêu, điều mà Người đã chịu suốt cuộc khổ nạn và đặc biệt là sự thinh lặng của Thiên Chúa khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá. Nỗi cô đơn trong thân phận phàm nhân khủng khiếp đến nỗi Đức Giêsu phải thốt lên “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”, nhưng rồi Thiên Chúa vẫn im lặng và Đức Giêsu vẫn tiếp tục lủi thủi nhận lấy tất cả những gì Thiên Chúa muốn.

Tuy nhiên, sự thinh lặng như thế không bao giờ là một sự hủy diệt và chết chóc, mà là một thực tại thinh lặng tràn đầy sự sống và hy vọng. Tất cả những gì là xao động bên ngoài được Thiên Chúa đưa vào trong thực tại thinh lặng hầu đưa nó vào trật tự của riêng Người và làm cho nó nên bình an, sống động và bất diệt.

Kết luận

Sự nghiệp rao giảng Lời bằng đời sống của Đức Maria và thánh Giuse cũng chính là sự nghiệp của tất cả chúng ta – những người Kitô hữu. Thật vậy, để phẩm giá con người nơi mình được trở nên trọn vẹn và bộc lộ vinh quang của Thiên Chúa, con người được mời gọi tháp nhập đời mình vào đời sống của Ngôi Lời để cho Lời có cơ hội bày tỏ ra trên cuộc sống của họ như Đức Maria và thánh Giuse đã làm.

Như thánh Giuse đã không ngủ quên trong giấc mộng nhưng đã tỉnh thức và thực hiện ý định của Thiên Chúa, người Kitô hữu cũng được mời gọi luôn sẵn sàng lên đường với giấc mộng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đó là giấc mộng đã được các nhà truyền giáo thực hiện; là giấc mộng của thánh Phanxicô, thánh Đa Minh, mẹ Têrêxa Calcutta… Các ngài hằng muốn mọi người đối xử với nhau như là anh em có cùng một Cha trên trời và có thể “đồng bàn” với nhau. Đồng bàn với nhau trong bàn tiệc Mình và Máu Đức Giêsu Kitô.

Thật vậy, tất cả mọi người được mời gọi đến đồng bàn với Đức Giêsu “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15). Để rồi trong khi đồng bàn với Người, chúng ta được ăn uống lương thực thần linh là chính thịt và máu của Người “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51-52). Nhưng đồng bàn với Đức Giêsu không phải để mà say xỉn rồi ngủ quên, nhưng là để “ôm giấc mộng vào đời” như thánh Giuse và các thánh đã làm.

Trong chữ “làm người Kitô hữu”, ta thấy có hai yếu tố “làm người” và “người Kitô hữu”. Quả thật, trước khi là Kitô hữu, người ta đã là người, một con người trọn vẹn với phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ khi mới tượng thai trong lòng mẹ. Tuy nhiên, để cho hình ảnh thần linh được mang lấy vẻ đẹp nguyên thủy của nó và được nên cao trọng nhờ ân sủng của Thiên Chúa, người ta được mời gọi chọn lấy hành trình “làm người” trong Đức Kitô, nghĩa là sống làm người trong ơn gọi Kitô hữu theo mẫu gương Đức Maria và thánh Giuse, những người đã chấp nhận bước vào tương quan mật thiết với Chúa nhờ ân sủng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong ý hướng đó, người ta mới “trở nên thụ tạo mới” - được ban ơn thánh hóa, ơn công chính hóa - “làm cho có khả năng sống và hành động theo sự tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân của Chúa Thánh Thần”[9] trong các hoạt động nơi môi trường sống và làm việc của mình. Điều này nghĩa là sống làm người Kitô hữu ngay tại nơi người ta sinh ra, ngay trong công việc mà họ chọn lựa và với những con người cụ thể xung quanh. Đó là ôm giấc mộng đem lời vào trần thế, là hy sinh và phục vụ tha nhân, can đảm làm chứng và yêu thương đến cùng.

Quả thật, khi đáp trả lời Thiên Chúa, chúng ta luôn được mời gọi sống tinh thần sẵn sàng và vui tươi như thánh Giuse “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” và Đức Maria “tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Cả thánh Giuse và Đức Maria đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng lòng tin và sự vâng phục lớn mạnh hơn nỗi sợ hãi và lo lắng, vì chính Thiên Chúa hoạt động nơi cuộc đời các ngài. Thật vậy, cuộc đời của các ngài là một chuỗi ngày làm triển nở nhân phẩm trong ơn gọi Kitô hữu của mình. Các ngài là những người đã đạt tới sự trọn hảo của đức mến, là sự thánh thiện, đã được hoàn thiện trong ân sủng và đã được tham phần vào sự sống vĩnh cửu trong vinh quang Nước Trời. Đó cũng chính là con đường của mỗi người Kitô hữu chúng ta - ôm giấc mộng đem Lời Chúa vào đời sống bằng việc trở nên người phục vụ Lời nơi tha nhân; là sống ơn gọi làm chứng cho niềm vui có Chúa ở cùng.




[1] GLHTCG, 1700.

[2] X. CĐ Vaticanô II, Gaudium et Spes, 22.

[3] GLHTCG, 1702.

[4] X. CĐ Vaticanô II, Gaudium et Spes, 24.

[5] GLHTCG, 1717.

[6] Về vấn đề Kính Sợ Thiên Chúa, xin đọc bài đã viết: Khôn Ngoan và Khờ dại theo sách Châm Ngôn.

[7] X. Mt 1,20; 2,13.19.22.

[8] Redemptoris Custos, 12.

[9] GLHTCG, 1266.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn