Ts. Gioan Baotixita Văn Ninh, OP
Karl Marx cho rằng trong sự phát triển chung của xã hội con người, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng,[1] tức là các vấn đề về kinh tế, các giá trị vật chất là yếu tố nền tảng để các giá trị về văn hóa, tôn giáo được hình thành và phát triển. Trong khi đó, Max Weber lại có một góc nhìn phong phú khác, ông không phủ nhận vai trò của cơ sở hạ tầng nhưng cho rằng, kiến trúc thượng tầng cũng là cái tác động ngược lại cơ sở hạ tầng.[2] Xuất phát từ đời sống tôn giáo mà các hình thức tương quan xã hội, đời sống vật chất lẫn tinh thần được hình thành và phát triển.
Câu chuyện giữa hai
luồng tư tưởng đó cho đến ngày nay vẫn là vấn đề đang được tranh luận. Tuy
nhiên, trong một thời đại mà đời sống vật chất, kinh tế phát triển hơn bao giờ
hết, chúng ta không thể phủ nhận tầm mức ảnh hưởng của những giá trị vật chất,
kinh tế tác động lên cách nghĩ, lối sống của con người hiện đại. Ngày nay,
ngay cả triết học cũng tập trung vào các vấn đề kinh tế hơn thời đại
trước đây, vốn tập trung vào những lãnh vực siêu hình và đức tin.
Kinh tế đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Người ta quan
niệm, “có thực mới vực được đạo.”
Thế nhưng, đời sống con người không chỉ thuần vật chất.
Đó còn là đời sống tương quan, đời sống tinh thần, đức tin. Chính Chúa
Giêsu đã dạy, đời sống con người “không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi
lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4) Trước một hiện sinh là cuộc sống
cơm áo gạo tiền và một hiện hữu là nhân phẩm, là ngôi vị, con người
và nhất là một Kitô hữu cần phải sống như thế nào cho phù hợp, hài
hòa hai giá trị trên đây? Một Kitô hữu với đời sống đức tin của
mình, phải thực hành đời sống về mặt vật chất, kinh tế như thế
nào? Giáo huấn xã hội Công giáo chỉ dẫn cho chúng ta câu trả lời.
1. Nền kinh tế toàn cầu hóa
Nói về toàn cầu hóa,
nhiều người nghĩ ngay đến thế giới hiện đại hóa ngày nay. Tuy nhiên, theo một
số tác giả thì vấn đề toàn cầu hóa đã manh nha từ thế kỷ XVI, khi chủ nghĩa tư
bản bắt đầu hình thành, gặp nhiều biến động trong thế kỷ XVIII và XIX, phát
triển mạnh trong thế kỷ XX và nhất là bùng nổ trong thế kỷ XXI.
Nền kinh tế toàn cầu
hóa hiện nay gắn liền với một hình thức tư bản mới mà Beaud gọi là tư bản khoa
học kỹ thuật, sau khi đi qua chủ nghĩa tư bản buôn bán, (thế kỷ XIV – thế kỷ
XVI), chủ nghĩa tư bản công trường thủ công (thế kỷ XVII – thế kỷ XVIII), chủ
nghĩa tư bản công nghiệp (thế kỷ XIX – XX) và thế kỷ XXI như là thế kỷ của chủ
nghĩa tư bản khoa học kỹ thuật.[3]
Nền kinh tế toàn cầu bùng nổ ở vào thời mà các nhà tư bản lớn, nắm hết mọi công
nghệ, kiểm soát phần lớn năng lực công nghệ, nên đã nắm sức mạnh định hướng chủ
yếu đối với xã hội và thế giới.
Có thể nói rằng xu
hướng toàn cầu hóa cũng đi theo một lộ trình khá tương đồng với sự phát triển
của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, bản chất của toàn cầu hóa bao quát, phong phú
và đa dạng hơn cách vận hành của chủ nghĩa tư bản truyền thống rất nhiều. Trong
đó, ta thấy sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản nhà nước hay còn gọi là chủ nghĩa
tư bản chuyên chế. Nền kinh tế mà bản chất là tư bản thị trường nhưng vẫn do
nhà nước độc đảng kiểm soát, chẳng hạn ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Lào.
Trước
hết ta thấy rằng, toàn cầu hóa tác động mạnh đến vấn đề kinh tế và tài chính.
Đồng thời, toàn cầu hóa cũng kéo theo sự biến động, thay đổi các hoạt động khác
của con người trong văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, môi trường ... Về mặt kinh tế tài chính, toàn
cầu hóa được hiểu như một quá trình vận hành và hoạt động của nền kinh tế không
còn bị giới hạn trong một vùng lãnh thổ quốc gia, nhưng vượt ra khỏi biên giới,
vươn đến phạm vi toàn cầu, bao gồm nhiều vùng lãnh thổ, nhiều quốc gia. Trong
cách vận hành đó, hoạt động kinh tế trở nên thông thoáng, thị trường mở rộng,
hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoặc nới lỏng, sự phân công lao động có tầm mức quốc
tế. Các hoạt động kinh tế bao gồm sản xuất, dịch vụ, nhất là các lĩnh vực tài
chính, công nghệ thông tin của các quốc gia phát triển một cách đa dạng, mạnh
mẽ và giao thoa, chi phối, tác động, phụ thuộc lẫn nhau.
Toàn cầu hóa và những lợi ích
Toàn cầu hóa là một
tiến trình tất yếu của sự phát triển kinh tế. Trong đó, nó được thúc đẩy mạnh
mẽ bởi sự phát triển thần tốc của công nghệ khoa học kỹ thuật. Sân chơi toàn
cầu hóa, đã giúp cho các nền kinh tế nhỏ lẻ từng quốc gia có nhiều cơ hội tham
gia, chia sẻ, liên kết với nhau.
Các quốc gia nếu biết
tận dụng được những mặt mạnh mà sự phong phú, đa dạng của toàn cầu hóa mang
lại, sẽ có thể phát huy được những khả năng, những mặt mạnh của chính mình,
nhất là nguồn lao động dồi dào để tạo ra lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế
quốc gia phát triển, đem lại lợi ích cho công dân, cũng như góp vào cái môi
trường toàn cầu đó một lợi ích thiết thực cho các bên tham gia. Nguồn vốn đầu
tư tăng mạnh, gia tăng cơ hội khai thác và phân bổ các nguồn lực hiệu quả hơn.
Mạng lưới thông tin và giao thông toàn cầu góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ
giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế.
Ngoài việc gia tăng
năng suất vật chất về kinh tế, toàn cầu hóa còn mở ra cơ hội để phát triển giá
trị của nền công nghiệp tri thức. Quả vậy, với nền kinh tế chuyên sản xuất hàng
hóa trước đây, những quốc gia có nguồn tài nguyên nghèo nàn chịu nhiều thiệt
thòi so với các nước giàu tài nguyên. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu hóa, với
sự phát triển công nghệ thông tin, các nền thương mại tài chính, ngân hàng điện
tử.v.v. các quốc gia này vẫn có nhiều cơ hội để tham gia hoạt động trong nền
công nghiệp tri thức đó, vốn hứa hẹn sẽ là cơ sở để phát triển xã hội hiện đại.
Toàn cầu hóa là một sân chơi chung, cởi mở, do đó nó cũng giúp gia
tăng nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường và hòa bình toàn nhân loại.
Toàn cầu hóa và tác động tiêu
cực
Toàn
cầu hóa mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống nhân loại nói chung,
tuy nhiên, nó vẫn gây ra cho con người không ít những hệ lụy tiêu cực. Một
trong những tác động tiêu cực lớn nhất của toàn cầu hóa chính là tạo ra một nền
kinh tế với khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia tiến bộ và các quốc gia
kém phát triển ngày càng gia tăng. Hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo
ngày càng nới rộng, do đó mà sự bất bình đẳng và mâu thuẫn ngày càng nghiêm
trọng. Sự phân cách giàu nghèo, bất bình đẳng sâu sắc không chỉ xảy ra giữa các
quốc gia phát triển và kém phát triển, mà nó còn diễn ra ngay trong lòng các
nước công nghiệp phát triển. Thế giới phân cực giàu nghèo sâu sắc giữa hai miền
Bắc bán cầu gồm các nước phát triển và miền Nam bán cầu, là những nước bị bỏ
quên trong túng nghèo.
Theo báo cáo ngày
21/1/2019 của tổ chức Oxfam[4]
về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới, cho thấy khảng cách giàu nghèo đã
tăng lên mức kỷ lục. Theo đó, năm 2018, thế giới có 26 tỉ phú giàu nhất sở hữu
khối tài sản tương đương tổng khối tài sản của 3,8 tỉ người nghèo nhất thế
giới. Riêng tại Việt Nam, thu nhập một ngày của người giàu nhất nhiều hơn số
tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm.
Tình trạng bất bình
đẳng càng sâu sắc hơn ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Inđônêsia… Điều đáng nói
là sự gia tăng tài sản chóng mặt của các tỉ phú không có nghĩa là nó đóng góp
vào sự phát triển kinh tế nhân loại hay không ảnh hưởng đến tình trạng ngày
càng nghèo đi của tầng lớp người nghèo. Báo cáo cho biết, trong giai đoạn
2017-2018, trung bình cứ sau hai ngày lại có thêm một tỷ phú mới. Trong khi đó,
3,8 tỷ người thuộc nhóm nghèo nhất của nhân loại phải chứng kiến tài sản của họ
sụt mất 11%.
Xảy ra nghịch lý này là
vì mặc dù tài sản của những người giàu gia tăng, nhưng bản chất của nền kinh tế
lại không phát triển. Bởi vì tài sản gia tăng chỉ vì nguồn của cải ưu đãi của
họ, các nguồn lực xã hội, hoặc dựa vào những tài sản cố định như đất đai, tài
nguyên thiên nhiên. Điều đó gây ra không chỉ là bất bình đẳng mà còn là bất
công và bóc lột.
Khởi đi từ những chênh
lệch giàu nghèo ngày càng sâu rộng đó mà đã xảy ra những cuộc phản ứng và bạo
loạn tỏ thái độ bất bình, đấu tranh. Gần đây nhất có cuộc biểu tình của nhóm
Gilê áo vàng ở Pháp (bắt đầu từ tháng 11 năm 2018) sau đó lan rộng ra nhiều
quốc gia khác như Ý, Bỉ, Hà Lan. Xa hơn là cuộc biểu tình ở phố Wall năm 2011,
hay cuộc biểu tình ở Ả Rập năm 2010, và một số cuộc bạo loạn khác phản đối sự
giàu có tham lam của một nhóm thiểu số, đòi công bằng xã hội hơn cho tầng lớp
lao động.
Thêm vào đó, kinh tế
toàn cầu hóa chịu tác động mạnh của nền kinh tế tri thức, các phương tiện công
nghệ kỹ thuật. Các nước giàu nắm trong tay công nghệ tri thức, có cơ hội tiếp
cận các tư liệu sản xuất công nghệ nên ngày càng giàu hơn. Các nước nghèo không
sở hữu công nghệ bị các nước giàu lợi dụng để khai thác nguyên liệu thô và sức
lao động, nên càng nghèo hơn. Học thuyết xã hội đã nhận định:
Rõ ràng là vì
có sự chênh lệnh rất lớn giữa các quốc gia với nhau liên quan tới việc tiếp cận
kiến thức kỹ thuật - khoa học và tiếp cận các sản phẩm công nghệ mới mẻ nhất,
nên tiến trình toàn cầu hoá cuối cùng đã làm tăng, hơn là làm giảm, sự bất bình
đẳng giữa các quốc gia về sự phát triển kinh tế và xã hội.[5]
Kofi Annan, Tổng thư ký
Liên hiệp Quốc, đã rất tinh tế khi nhận định về mặt tiêu cực của nền kinh tế
toàn cầu nơi tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo:
Toàn cầu hoá
đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn theo nghĩa tất cả chúng ta đều phải
chịu ảnh hưởng từ những hành động của nhau, chứ không phải theo nghĩa tất cả
chúng ta đều sử dụng những lợi thế của nó và cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Trái
lại, chúng ta đã để toàn cầu hoá làm cho chúng ta tách xa nhau ra hơn do hố
ngăn cách ngày càng lớn về mức độ của cải và quyền lực giữa các nước khác nhau
và ngay trong từng nước.[6]
Mặt khác, hoạt động
kinh tế toàn cầu đã khiến chính phủ các quốc gia không thể kiểm soát nền kinh
tế của họ như một nền kinh tế riêng biệt, độc lập. Do đó, sẽ không có một chính
phủ nào có toàn quyền đối với một thể chế kinh tế hoạt động toàn cầu. Điều này
có thể làm cho các tổ chức kinh tế toàn cầu không bị giới hạn ở một mức độ nào
đó các hoạt động kinh tế về mặt pháp lý, dẫn đến những nguy cơ xâm phạm đến
công ích xã hội.
Hệ thống tài chính,
tiền tệ, chứng khoán, dịch vụ phát triển đã tăng cường nguốn vốn lưu
thông nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà tài phiệt, các
tay đầu cơ lợi dụng tích lũy của cải tài sản cách bất chính, tham
nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn tránh trách nhiệm cộng đồng.
Toàn cầu hóa tạo ra một
lực lượng lao động tri thức mới. Điều đó dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động
đối với một số lĩnh vực sử dụng công nghệ cao và thất nghiệp gia tăng đối với
những lao động không có trình độ chuyên môn. Từ đó, cùng với tương tác toàn
cầu, tình trạng thiếu việc làm, sự phân hóa giàu nghèo lại là một trong những
nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự như buôn người, mại
dâm, đánh bạc, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.v.v.
Ngoài ra, nền kinh tế
toàn cầu có tính chất lưu thông, liên kết chặt chẽ với nhau. Do vậy, một khâu
trong thị trường hay một nền kinh tế bị sụp đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ dây chuyền
đối với các nền kinh tế khác, thậm chí là toàn cầu. Chẳng hạn cuộc khủng hoảng
kinh tế bất động sản năm 2008 ở Mỹ đã ảnh hưởng đến hầu như mọi nền kinh tế của
các quốc gia trên thế giới. Gần đây nhất là cuộc chiến tranh thương mại giữa
hai nước Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến các nền kinh tế ở các quốc
gia yếu thế lệ thuộc vào hai nước lớn này.
Ngoài thách thức về
kinh tế và xã hội, toàn cầu hóa còn phải đối mặt với thách thức không nhỏ về
văn hóa, đó là sự lo ngại về việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và các giá
trị truyền thống. Chẳng hạn, những mặt trái của văn minh phương Tây đang ngày
càng tác động tiêu cực đến những giá trị nền tảng văn hóa ở nước ta hiện nay.
Cũng
chính vì những mặt trái của hiện tượng toàn cầu hóa mà hiện nay một số quốc gia
đã tỏ ra khép kín và giới hạn các mối tương quan với các quốc gia khác. Chẳng
hạn, Mỹ đã rút khỏi hiệp định TTTP (tháng 1 năm 2017), Anh với kế hoạch Brexit,
nhằm đưa nước Anh ra khỏi Châu Âu, và một loạt những chính trị gia với chủ trương
dân túy, bảo vệ quyền lợi cho quốc gia mình, dân tộc hay thậm chí là quyền lợi
gia tộc mình, đã từ chối những mối tương quan mang lại lợi ích cho cộng đồng
quốc tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây tác hại đối với
nhân quyền của con người, quyền được di cư, nhập cư, sinh sống, tị nạn ...
Thêm
vào đó, một trong những hiện tượng tiêu cực đáng báo động đi kèm với toàn cầu
hóa là tình trạng biến đổi môi trường sống. Quả vậy, công nghệ kỹ thuật là yếu
tố quan trọng xây dựng cuộc sống con người hiện đại. Nó mang lại những lợi ích
to lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, con người đã lạm dụng những công nghệ hiện
đại đó để khai thác và vắt kiệt thiên nhiên một cách thái quá, khiến thiên
nhiên ngày càng cạn kiệt. Các ngành công nghiệp thải ra những chất gây ô nhiễm
môi trường nặng nề, hủy hoại môi trường sống con người khắp nơi trên địa cầu.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay gắn liền với hoạt động sản
xuất kinh tế của con người.
2. Đường hướng của Giáo hội Công giáo
Phản ứng lại những bất
cập của hiện tượng toàn cầu hóa, một số quốc gia đã rút lui và cô lập chính
mình, hạn chế giao thương quốc tế, theo chủ trương dân túy, trở lại những giá
trị truyền thống của dân tộc, với lý do đưa ra là nhằm bảo vệ các giá trị lợi
ích của dân tộc mình. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong số các lý lẽ để biện
minh cho chủ trương của họ mà thôi. Các quốc gia này, thực ra với chủ trương
tân tự do kinh tế (néoliberalisme) muốn khép kín, thao túng thị trường, bất
chấp cộng đồng, chỉ tìm lợi ích trước mắt cho chính mình, quay lưng với cộng
đồng quốc tế, với nhân loại.
Giáo hội nhận thức được
những mặt tích cực và tiêu cực của hệ thống toàn cầu hóa. Tuy nhiên, phản ứng
như các nguyên thủ quốc gia trên đây là điều Giáo hội không thể chấp nhận, Đức
Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chia sẻ:
Chúng ta không
nên trở thành nạn nhân của toàn cầu hóa, nhưng phải là những người giữ vai trò
chủ động, tiến tới định hướng tốt, với sự hướng dẫn của bác ái và sự thật.
Chống lại toàn cầu hóa một cách mù quáng là thái độ sai lầm và thiên kiến, dẫn
đến chỗ chối từ một tiến trình hàm chứa khía cạnh tích cực và có nguy cơ đánh
mất một cơ hội lớn lao để nắm bắt nhiều khả năng phát triển. Tiến trình toàn
cầu hóa, nếu biết đón nhận và điều tiết một cách hợp lý, sẽ tạo cơ hội cho việc
tái phân phối tài sản trên bình diện toàn cầu, mà tự cổ chí kim chưa từng thấy”[7].
Về vấn đề toàn cầu hóa, Đức Gioan Phaolô II
nhận định cách sâu sắc: “toàn cầu hóa, tự
bản chất không tốt cũng chẳng xấu. Nó trở thành cái mà con người làm về nó.”[8] Toàn cầu
hóa là một tiến trình tất yếu, và nó mang lại những giá trị tốt đẹp hay hệ lụy
tiêu cực là tùy ở cách thức con người vận hành nó. Điều quan trọng là con người
phải phát triển cái tích cực và hạn chế cái tiêu cực trong hệ thống kinh tế
toàn cầu. Chẳng hạn, việc lắp ghép phụ kiện điện tử ở các nước có lao động giá
rẻ sẽ hoạt động hiệu quả khi tạo thêm việc làm cho các nước nghèo, còn nếu chỉ
biết mưu cầu lợi nhuận bất chấp nhân phẩm thì dễ gây ra bóc lột, tàn nhẫn hơn.
Tình trạng phân cách giàu nghèo
Kinh tế toàn cầu hóa
làm gia tăng tổng tài sản nhân loại. Tuy nhiên tình trạng bất bình đẳng, khoảng
cách giàu nghèo cũng theo đó mà nới rộng ra hơn bao giờ hết. Đó là thực trạng
nghịch lý mà Đức Biển Đức XVI đã khuyến cáo: “Xã hội càng toàn cầu hóa càng làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn,
nhưng không làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, bởi vì của cải trên
thế giới càng gia tăng thì hố phân cách giàu nghèo cũng sâu rộng thêm.[9]”
Trước nền kinh tế toàn
cầu vẫn còn quá nhiều bất cập, Giáo hội luôn yêu cầu một nền kinh tế phải được
đặt trên nền tảng nhân phẩm, công ích.
Giáo Hội đã
phải gấp rút nói lên tầm quan trọng của các tiêu chuẩn đạo đức, kêu gọi lấy đó
làm nền tảng cho các quan hệ kinh tế thế giới như: theo đuổi công ích và mục
tiêu phổ quát của của cải; công bằng trong các quan hệ thương mại; quan tâm tới
quyền lợi và nhu cầu của người nghèo mỗi khi đưa ra chính sách có liên quan tới
thương mại và sự hợp tác quốc tế.[10]
Những chính sách kinh
tế đặt trên nền tảng nhân phẩm đó, theo Đức Gioan Phaolô II, phải ưu tiên đến
quyền lợi và nhu cầu của người nghèo. “Làm
sao để những người kém may mắn được hưởng lợi, những người mà cho đến nay vẫn
bị loại trừ hay bị đẩy ra bên lề những tiến bộ xã hội và kinh tế?”[11]
Như vậy, cần tạo cơ hội
nhiều hơn để người nghèo có thể tiếp cận được các nguồn lực sản xuất, các cơ
hội nghề nghiệp, các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, bảo hiểm, giáo dục.v.v. Để
thực hiện được điều đó, phải khởi đi từ việc xây dựng một môi trường kinh tế
phát triển lành mạnh, kiểm soát tốt các rủi ro tài chính, đảm bảo môi trường
bền vững, tạo điều kiện tham gia và xây dựng bởi nhiều thành phần xã hội khác
nhau. Nhà nước cần thực hiện chính sách thu thuế công bằng hơn, sao cho những
người nghèo được hưởng lợi nhiều hơn từ sự giàu có của các cá nhân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, nền kinh tế
toàn cầu chịu sự chi phối lớn lao của các nguồn lực khoa học kỹ thuật công
nghệ, các nguồn lực tri thức hơn là chỉ phụ thuộc vào những nguồn tài nguyên
thiên nhiên như trước đây. Do vậy, để có thể thiết lập một nền kinh tế toàn cầu
công bằng hơn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và bất công thì việc phân phối
công nghệ kỹ thuật cho tất cả mọi người, cho các quốc gia kém phát triển, là
yếu tố hết sức cần thiết.
Rõ ràng là vì có sự chênh lệnh rất lớn giữa các quốc gia với nhau
liên quan tới việc tiếp cận kiến thức kỹ thuật - khoa học và tiếp cận các sản
phẩm công nghệ mới mẻ nhất, nên tiến trình toàn cầu hoá cuối cùng đã làm tăng,
hơn là làm giảm, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia về sự phát triển kinh tế và
xã hội.[12]
Hệ thống pháp lý toàn cầu
Hệ thống kinh tế toàn
cầu mang các đặc tính của một nền kinh tế công nghệ khoa học, phát sinh ra
những hình thức thương mại mới, không chỉ dựa trên thị trường sản xuất hàng hóa
như trước đây, nhưng nó còn hoạt động độc lập và tách rời với thị trường sản
xuất truyền thống. Sự nổi lên của các thị trường tài chính, thị trường chứng
khoán, các loại tiền điện tử, hệ thống tiền mã hóa (chẳng hạn đồng Bitcoin).
Tất cả những loại hình kinh tế mới này, đã tạo nên một nền kinh tế nhiều cơ hội
nhưng cũng đầy những đột biến, nguy cơ rủi ro cao, hoạt động tinh vi, phức tạp
khó kiểm soát. Do vậy, Giáo hội yêu cầu:
Phải nhanh
chóng tìm ra những giải pháp mang tính định chế, có thể hỗ trợ cách hữu hiệu sự
ổn định của hệ thống, mà không cần phải làm giảm tiềm năng và hiệu năng của hệ
thống. Bởi đó, cần phải đưa vào một khuôn khổ quy phạm và có khả năng điều phối
để bảo vệ sự ổn định của hệ thống trong mọi biểu hiện phức tạp của nó, đồng
thời cổ vũ sự cạnh tranh giữa các đoàn thể trung gian, bảo đảm tính minh bạch
cao nhất để các nhà đầu tư có lợi.”[13]
Do sự phức tạp và đa
dạng của hệ thống kinh tế toàn cầu, hệ thống luật pháp của một quốc gia không
thể đáp ứng được nhu cầu quản lý một hệ thống kinh tế toàn cầu, vì vậy, điều
thiết yếu là phải thiết lập một hệ thống luật pháp có thẩm quyền quốc tế, có
hiệu lực chung cho mọi thị trường trên toàn lãnh thổ thế giới. Thông điệp Phát triển các dân tộc (1967) tiếp tục
đề cập đến sự khẩn thiết phải xây dựng một thẩm quyền quốc tế:
Việc cộng tác ở tầm mức quốc tế đòi hỏi phải có những cơ cấu chuẩn bị,
phối hợp và điều hành cho tới khi xây dựng một cơ chế pháp lý quốc tế được mọi
người công nhận. Chúng tôi hết lòng khuyến khích những tổ chức đang cộng tác
với nhau để phục vụ công cuộc phát triển và chúng tôi cầu mong uy tín của các
tổ chức này gia tăng.[14]
Hiện
nay, chúng ta có một số tổ chức quốc tế nổi bật, như tổ chức Liên hiệp quốc, tổ
chức Nhân quyền thế giới, tổ chức WTO, tổ chức Asean ... Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn hoạt động chưa thực sự
hiệu quả. Bằng chứng là tình trạng trốn thuế, đầu cơ, buôn lậu vẫn đầy rẫy do
báo chí phanh phui. Cụ thể vụ trốn thuế và rửa tiền lớn nhất gần đây (năm 2016)
ở đảo quốc Panama. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần đây càng chứng tỏ
sự lạm dụng quyền lực và sức mạnh của những cường quốc để đấu đá, bất chấp
thiệt hại các quốc gia khác. Đặc biệt, các hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực
công nghệ càng khó kiểm soát hơn. Mới đây, trong một cuộc điều trần tại Mỹ, trả
lời chất vấn về tình trạng rò rỉ thông tin người dùng, đăng tải những sự kiện
tiêu cực, nhà sáng lập Facebook đã phải thú nhận là công ty ông không thể kiểm
soát được tất cả mọi chuyện xảy ra trên nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, ông cũng yêu cầu
cần thiết lập một hệ thống luật về công nghệ toàn cầu, áp dụng chung cho mọi quốc
gia.
Với những diễn tiến phức tạp trong một hệ thống kinh tế toàn cầu
như vậy, “càng khẩn thiết hơn khi kiếm
tìm một trật tự chính trị, pháp lý và kinh tế, phù hợp cho việc tăng trưởng và
hướng đến việc hợp tác quốc tế nhằm phát triển tất cả các dân tộc trong tình
liên đới”[15]
Vấn đề giáo dục
Nền kinh tế toàn cầu
mang đặc điểm của nền kinh tế tri thức, công nghệ. Tri thức là một khía cạnh
then chốt, có vai trò quyết định đối với hiệu quả kinh tế, là nhân tố chủ động
trong công cuộc phát triển xã hội con người trong thế giới hiện đại. Đây là một
đặc điểm thuận lợi đối với con người trong việc tạo lập các giá trị kinh tế và
xã hội. Thực vậy, các yếu tố thiên về vật chất chẳng hạn như nguyên liệu thiên
nhiên, năng lượng, thiết bị máy móc, các loại tài sản vật chất khác, ngày càng
kiệt quệ, sức khỏe cơ bắp của con người cũng có giới hạn. Trong khi đó, tri
thức thì bất kể người giàu hay người nghèo đều có thể đạt được thông qua giáo
dục. Do vậy, có thể nói, tri thức không những là phương thức gia tăng hiệu quả kinh
tế mà còn là chìa khóa giảm sự bất công, là một phương tiện để giúp xóa bớt
khoảng cách giàu nghèo, từ đó phát triển toàn diện con người. Do vậy, phát
triển giáo dục, đào tạo tri thức nơi mỗi người là một yếu tố hết sức quan
trọng.
Giáo hội ý thức được
tầm quan trọng của công cuộc giáo dục con người, do đó ra sức cổ võ và khuyến
khích sự nghiệp giáo dục đào tạo. Trong công đồng Vaticanô II, Giáo hội đã dành
hẳn một tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo nói riêng và giáo dục đào tạo con
người cách chung. Ở đây xin chỉ
đề cập về giáo dục đào tạo nói chung.
Giáo hội đảm nhận trách nhiệm chăm lo cho đời sống toàn diện của con
người, kể cả cuộc sống trần thế trong những điều liên quan đến ơn gọi siêu
nhiên, và vì thế cũng góp phần vào việc phát triển và mở rộng nền giáo dục.[16]
Đối tượng của giáo dục
là cho tất cả mọi người, dựa trên phẩm giá nhân vị, và tùy vào khả năng của
từng người, chứ không dựa vào thanh thế hay địa vị giàu sang. Trên thực tế thì
chúng ta vẫn thấy một hiện trạng giáo dục ưu đãi đặc biệt cho những người giàu
có và quyền lực. Chẳng hạn, vào tháng 3 năm 2019, báo chí đã phanh phui vụ việc
những người giàu có ở Mỹ hối lộ cho con họ vào các trường danh tiếng, hay gần
đây nhất (8/2018) ở Việt Nam là vụ việc cán bộ giáo dục nâng điểm thi vào đại học
cho nhiều học sinh ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình. Khi giáo dục bị thao
túng bởi những người giàu thì những người nghèo càng ít cơ hội hơn. Đây rõ ràng
là một sự bất công không thể chấp nhận được dựa trên đặc tính của tri thức.
Mục đích của giáo dục
không chỉ là đào tạo về kiến thức, văn hóa, nhưng còn về nhân bản và đạo đức,
để phát triển chính mình và hướng đến tha nhân. Nhiệm vụ giáo dục trước tiên
thuộc về cha mẹ, rồi đến trường học và nhà nước. Trong đó, vai trò của cha mẹ
có tính cách quyết định nền giáo dục phù hợp đối với con cái của họ. Chính
quyền cũng phải quan tâm đặc biệt đến hệ thống giáo dục khi đưa ra các chính
sách liên quan.
Chính quyền phải bảo đảm cho trẻ em quyền được hưởng một nền giáo dục
học đường thích hợp, phải quan tâm đến khả năng làm việc và trình độ học thức
của các giáo viên, phải chăm sóc sức khỏe của học sinh, và cách chung phải phát
triển toàn diện sinh hoạt học đường.[17]
Nền tảng của việc đào
tạo là giáo dục học đường. Các trường tiểu học và trung học như là cơ sở nền
tảng của chương trình giáo dục, tiếp đến là các trường cao đẳng và đại học,
ngoài ra:
Cần phải chú trọng đến việc thành lập những trường học đặc biệt do
yêu cầu thực tế, chẳng hạn những trường chuyên nghiệp và kỹ thuật, những khóa
học dành cho người lớn tuổi, và cả những cơ sở do chương trình cứu trợ xã hội
dành cho những người khuyết tật cần được chăm sóc đặc biệt, cũng như những
trường đào tạo giáo viên phụ trách việc dạy giáo lý hoặc những chương trình
giáo dục khác.[18]
Các giá trị văn hóa và tôn giáo
Trước những thay đổi
nhanh chóng về kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, Giáo hội cũng nhấn mạnh đến đời
sống văn hóa tôn giáo.
Trong lúc chọn
lựa ra những nhu cầu mới và những phương thế mới để đáp ứng các nhu cầu ấy,
người ta phải luôn luôn để cho mình được hướng dẫn bởi một hình ảnh toàn diện
về con người, trong đó mọi chiều hướng của hữu thể con người đều được tôn
trọng, các chiều hướng vật chất và tự nhiên phải tuỳ thuộc các chiều hướng nội
tâm và tinh thần.[19]
Toàn cầu hóa mở ra việc
hội nhập, giao lưu văn hóa giữa các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, tiến
trình đó cũng bao gồm những mặt tiêu cực làm xung đột hoặc biến mất những nền
văn hóa bản địa, do vậy, phải đặc biệt chú ý tới những nét riêng của mỗi địa
phương và những sự khác biệt về văn hoá, có thể bị đe doạ bởi tiến trình kinh
tế và tài chính đang diễn ra. Trước những căng thẳng và nguy cơ đó, Đức Gioan
Phaolô II tha thiết kêu gọi nhân loại cố gắng kiếm tìm giải pháp mới, để:
Toàn cầu hóa không trở thành một phiên bản mới của chế độ thực
dân. Toàn cầu hóa phải tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa. Chính các
nền văn hóa này là chìa khóa để giải thích cuộc sống trong sự hài hòa phổ quát
giữa các dân tộc. Đặc biệt, toàn cầu hóa không được tước đoạt khỏi người nghèo
những gì đối với họ là quý giá nhất, kể cả niềm tin và những thực hành tôn
giáo, bởi vì niềm tin tôn giáo chân chính là biểu lộ rõ rệt nhất sự tự do của
con người[20].
Vấn đề môi trường
Bàn về vấn đề môi
trường, Giáo hội có Thông điệp Laudato
Si’, được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào năm 2015, như là bản hướng
dẫn trung tâm cho các vấn đề về môi trường sinh thái. Qua đó, Đức Thánh Cha
Phanxicô bàn về trái đất như một ngôi nhà chung mà tất cả nhân loại, từng
người, là thành viên trong ngôi nhà đó và có trách nhiệm phải bảo vệ xây dựng
ngôi nhà chung phát triển bền vững và toàn diện. Thông điệp cũng đưa ra những
phân tích về các mối đe dọa sinh thái, và nguyên nhân sâu xa là do sự thất bại
của các thể chế chính trị trước sự lấn át của công nghệ và tài chính, cùng sự
khai thác trái đất cách mù quáng về kinh tế.
Vì lợi nhuận kinh tế
trước mắt, ngắn hạn và ích kỷ, nhiều người đã xem thiên nhiên như một nguồn lợi
có thể khai thác cách vô tội vạ, bất chấp những hệ lụy tiêu cực, thảm trạng môi
trường xảy ra cho nhân loại. Tuy nhiên, Giáo hội không bao giờ chấp nhận một
tình trạng kinh tế bất chấp ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Con người
không được sử dụng trái đất cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một
cách không giới hạn, như thể nó không có những yêu cầu riêng và không có một
mục tiêu mà Chúa đã ban cho từ trước, một mục tiêu mà con người thật sự có thể
triển khai ra nhưng không được phép phản bội.[21]
Đức
Phanxicô trong thông điệp về môi trường cũng đã đưa ra một số phương thức then
chốt cho vấn đề bảo vệ môi trường. Ngài đề cập đến trách nhiệm chung của từng
người trong việc xây dựng và bảo vệ môi sinh mà mình đang sống, cũng như môi
trường sinh thái cho các thế hệ tương lai.
Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất đã có trước chúng ta và đã
được ban tặng cho chúng ta (…) mỗi cộng đồng có thể lấy từ trái đất những gì
cần thiết để sống còn, nhưng cũng có bổn phận bảo vệ và bảo đảm trái đất
sản sinh hoa trái dồi dào cho những thế hệ tương lai.[22]
Đức Biển Đức XVI cũng
đã nêu lên sáng kiến của mình trong việc khai thác năng lượng bền vững:
Các xã hội tiên tiến về kỹ thuật cần tỏ ra sẵn sàng cổ vũ những lối sống
lành mạnh hơn, trong khi giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ và cải thiện hiệu
quả việc sử dụng năng lượng đó. Đồng thời, cần khích lệ việc nghiên cứu và khai
thác các dạng năng lượng ít ảnh hưởng hơn tới môi trường, và cần tái phân phối
các nguồn năng lượng trên trái đất để các nước thiếu những nguồn năng lượng này
cũng có thể tiếp cận được.[23]
Tuy nhiên, việc quan
tâm đến hệ sinh thái không phải là mục đích tự thân, mục đích sau cùng phải là
vì nhân phẩm cao quý của con người.
Con người là
trung tâm của thế giới, chứ không phải thiên nhiên hay động vật, mặc dù ta biết
rằng việc gìn giữ thiên nhiên nguyên vẹn cũng như nơi sinh sống phù hợp cho các
loài động vật mang lại nhiều lợi ích cho con người. Bảo vệ thiên nhiên và bảo
vệ nhân loại là hai mặt của nền đạo đức Kitô giáo, như hai mặt của đồng tiền (Docat, tr. 264).
Tóm lại, trong thời đại
kinh tế toàn cầu, con người đề cao chủ nghĩa cá nhân, tính hưởng thụ vật chất,
đề cao giá trị thành công về mặt vật chất, danh tiếng và quyền lực, điều đó
đã khiến con người thường coi kinh tế như là thước đo duy nhất cho sự phát
triển của một cá nhân hay một quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các
chuyên gia về phát triển đã cố gắng định hướng một nền kinh tế phát triển toàn
diện. Do vậy, không chỉ kinh tế là tiêu chí duy nhất cần phát triển, nhưng nó
cần được phát triển cùng với các yếu tố xã hội, giáo dục và môi trường.
Trước một nền kinh tế
toàn cầu hóa mang nhiều đặc tính phức tạp, Giáo hội cũng đã yêu cầu thiết lập
một nền kinh tế phát triển được những giá trị kinh tế, song hành cùng những giá
trị khác. Chẳng hạn, xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội, hệ thống giáo dục
đào tạo, các giá trị văn hóa, tôn giáo; thiết lập và bảo vệ môi sinh bền
vững.v.v. Ngoài ra, Giáo hội tiếp tục nhấn mạnh hơn về công bằng kinh tế, trách
nhiệm liên đới và giúp đỡ. Nói chung, đó là nền kinh tế được thiết lập và phát
triển dựa trên nền tảng công ích, nhân phẩm.
Đặc biệt, thách thức mà toàn cầu hóa mang lại cho Giáo hội là tìm
ra con đường đồng hành và hỗ trợ cho người nghèo, những người bị xếp ngoài rìa,
và những người dường như không nhận được những lợi ích của toàn cầu hóa. Bên
cạnh đó, cũng phải quan tâm đến các vấn đề mới phát sinh đối với công nhân cùng
những người di dân, tị nạn.
TẠM KẾT
Trước ảnh hưởng lớn
mạnh của lối sống hiện đại, xem ra các giá trị kinh tế ngày càng có một vị thế
quan trọng và Giáo hội luôn khuyến khích phát triển các giá trị kinh tế như là
một phương tiện để phát triển đời sống con người. Tuy nhiên, Giáo hội luôn cảnh
báo con người phải tỉnh thức và tránh sa vào lối nhìn duy kinh tế, tức phát
triển kinh tế chỉ vì kinh tế, chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân vị kỷ. Trong khi
đáng ra, kinh tế, sau vai trò đảm bảo một mức sống vật chất tương đối, thì con
người còn phải biết chia sẻ với những người thiếu thốn, nghèo đói khác, trong
một mối tương quan nhân vị. Hơn nữa, ngoài việc xây dựng đời sống kinh tế phát
triển, con người phải ý thức các giá trị vật chất như là phương tiện để giúp
nhau xây dựng đời sống nhân bản, đạo đức xứng với nhân phẩm.
Và trên hết, đời sống
con người không chỉ là một đời sống mang những đặc tính bị giản lược vào những
giá trị tâm lý hay tinh thần đơn thuần, càng không phải là một đời sống thuần
túy vật chất, được quy vào những hoạt động sản xuất và tiêu thụ như một điểm
chính yếu mà không chịu sự chi phối của các giá trị khác. Trái lại, đời sống
con người bao hàm trong một ý nghĩa toàn diện phổ quát. Trong ý nghĩa đó, con
người không chỉ cần đến vật chất để mưu sinh, nhưng sâu xa hơn, con người khao
khát một hạnh phúc trọn vẹn của một nhân phẩm, qua đời sống tinh thần và đức
tin, đạo đức và tôn giáo. Ý thức về những giá trị nhân phẩm và niềm tin đó,
chính là cơ sở nền tảng để xây dựng và phát triển đời sống xã hội nhân loại
hạnh phúc.
[1] X. C.Mác và
Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 21, Dg.
Nguyễn Đức Bình và tgk., (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 1995), tr. 11.
[2] X. Max Weber, Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ
nghĩa Tư Bản, Dg. Bùi Văn Nam Sơn
và tgk., (Hà Nội: Tri Thức, 2008), tr. 14.
[3] X. Michel Beaud,
sđd, tr. 441.
[4] Thể Trần, “Sáng
kiến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo,” Truy cập ngày 12-01-2019,http://nhandan.com.vn/thegioi/item/39242702-sangkien- thu-hep-khoang-cach-giau-ngheo.html.
[5] Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo,
số 363.
[6] Phạm Văn Đức,
“Toàn cầu hóa và sự tác động của nó đối với Việt Nam hiện nay,” Truy cập
ngày 15-01-2019, http://philosophy.vass.gov.vn/ nghien-cuu-theo-chuyen-de/Chinh-tri-Xa-hoi/Toan-cau-hoa-va-su-tac-dong-cua-no-doi-voi-Viet-Nam-hien-nay-277.html.
[7] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 42.
[8] Nguyễn Thái Hợp,
sđd, tr. 383.
[9] Nguyễn Thái Hợp,
sđd, tr. 404.
[10] Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo,
số 364.
[11] Sđd., số 363.
[12] Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo,
số 363.
[13] Sđd., số 369.
[14] Phaolô VI, Thông
điệp Phát triển các Dân tộc, số 78.
[15] Biển Đức XVI,
Thông điệp Tình yêu trong chân lý, số
67.
[16] Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, lời mở
đầu.
[17] Vatican II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 6.
[18] Sđd., số 8.
[19] Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo,
số 376.
[20] Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo,
số 266.
[21] Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo,
số 460.
[22] Docat, tr. 238.
[23] Sđd., tr. 248
Đăng nhận xét