Pet. Võ Tá Đương, OP
Tôi là ai trong cuộc đời này, tôi sống trên đời để làm gì và đâu là ý nghĩa cuộc đời? Đó là những câu hỏi lớn, là những vấn nạn, những băn khoăn thao thức khôn nguôi của con người trong mọi thời đại. Và quả thật là không đơn giản chút nào khi đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn đó; bởi lẽ, cuộc sống không do con người tạo ra, và sự hiện hữu của con người mang đậm sự huyền nhiệm mà trí khôn con người cảm thấy như bất lực khi đi tìm một giải đáp nhằm thoả mãn cho vấn nạn cốt lõi liên quan đến vận mệnh con người như đã vừa nêu trên. Thật thế,
Con người đã và đang đưa ra nhiều
quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau, đôi khi trái ngược nhau,
theo đó, thường khi, hoặc con người tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối
hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng.”[1]
Qua dòng lịch sử Giáo hội, cách riêng
là qua Công Đồng Vatican II, “Giáo hội muốn
đem lại câu trả lời đích thật về thân phận con người, giãi bày những yếu hèn
cũng như nhìn nhận phẩm giá và thiên chức của con người.”[2]
Mầu nhiệm con người được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể; nơi Người,
bản tính nhân loại đã được mặc lấy và được nâng cao tới một phẩm giá siêu việt.[3]
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy
Trước sự hùng vĩ bao la của vũ trụ, con
người cảm thấy mình quá nhỏ bé, mong manh và yếu ớt. Thế nên, Pascal, một nhà
triết học - khoa học người Pháp đã phải thốt lên rằng: “Cái thinh lặng của
những khoảng không vô tận làm tôi sợ”; và trong cảm nhận sâu xa trước sự huyền nhiệm về con người,
ông đã đưa ra nhận xét rằng: “Con người
chỉ là một cây sậy yếu ớt nhất trong vũ trụ; nhưng lại là một cây sậy biết suy
tư… Khi vũ trụ đè ụp xuống con người, con người vẫn cao cả hơn bởi vì nó biết rằng
mình chết, trong khi vũ trụ chẳng biết gì cả.”
Trong kế hoạch tạo dựng và cứu độ của
Thiên Chúa, con người giữ một địa vị cao cả và quan trọng hơn tất cả mọi loài
mà Thiên Chúa dựng nên. Bởi vì con người là đối tượng Thiên Chúa không ngừng
quan tâm yêu thương và chăm sóc. Những trang đầu Sách Sáng Thế đã ghi lại rằng:
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người
theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển,
chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.’ Thiên
Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo
hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.”[4]
Sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho con
người thì khác hẳn và tách biệt với sự sống của bất cứ sinh vật nào; dầu cho
con người bởi đất mà ra và sẽ trở về với bụi đất[5], nhưng con người sống trên
trần gian là sự biểu lộ vinh quang Thiên Chúa, một dấu chỉ cho sự hiện diện
của Người và một vết tích của vinh quang Người.[6] Vì thế mà thánh giáo phụ
Irênê đã thốt lên rằng: “Vinh quang của Thiên Chúa, là con người sống”, nghĩa
là vinh quang của Thiên Chúa tương hợp với sự triển nở sự sống và phẩm giá của
con người. Bởi lẽ, “Con người, tạo vật
duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ.”[7]
Con người có vị trí ưu việt trong công trình sáng tạo và được tham dự vào đời sống
thân mật với Thiên Chúa. Đó chính là những ân huệ khởi đầu mà Thiên Chúa giàu
lòng yêu thương ban tặng cho con người.
Trước tình thương bao la mà Thiên Chúa
dành cho con người và trước sự cao cả của con người trong vũ trụ, tác giả Thánh
Vịnh đã phải thưa lên rằng:
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần
nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận
tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém
thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều
thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa
sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân.[8]
Thế đó, con người có một địa vị lớn lao
và phẩm giá vô cùng cao cả. Địa vị và phẩm giá đó bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự
cao cả của con người không nằm ở sức mạnh thể lý, nhưng là ở bản tính thiêng
liêng, có linh hồn bất tử và trí tuệ thông minh. Quả thế, con người cao hơn và có giá trị
hơn cả vũ trụ vì con người có lý trí. Nhờ lý trí, con người có thể suy luận,
như quay về nội tại của đời mình để tìm trong đó ý nghĩa của mọi sự và tìm cách
chỉ huy không những chính đời mình mà còn các thực tại khác nữa.[9]
Chỉ mình
con người mới có khả năng đặc biệt, đó là khả năng nhận biết và yêu mến; nhờ đó
con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu
thương với Thiên Chúa. Giáo lý Hội Thánh giải thích: “Chỉ con người được kêu gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, bằng sự
nhận biết và tình yêu.”[10] Và cùng đích của phẩm
giá của con người là được kết hợp với Thiên Chúa:
Tận đáy lòng, con người khao khát
Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên
Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người
mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm.[11]
Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con
người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc sinh
ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa. Thật thế, sở dĩ con người
hiện hữu là do Thiên Chúa đã vì yêu thương mà tạo dựng con người, và cũng vì
yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; và con người chỉ sống hoàn toàn theo
chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác đời mình cho Đấng tạo dựng
mình.[12]
Chính Thiên Chúa
đã mặc khải về phẩm giá con người. Phẩm giá cao quý ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Đấng
Thiên Chúa làm người[13],
và đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính vì thế,
con người trở thành con của Thiên Chúa, và người Kitô hữu phải biết trân
trọng con người, những con người cụ thể ta gặp trong cuộc sống, dù là trẻ thơ
hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay yếu đau, bạn hay thù… vì tất cả
đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đang hiện diện trong họ.[14]
Vì phát xuất từ Thiên Chúa, do Thiên
Chúa và cho Thiên Chúa, nên phẩm giá con người rất cao cả và siêu việt. Chính
vì vậy, chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ, và thăng tiến phẩm giá con người trong mọi
hoàn cảnh. Giáo hội cũng lên án mọi hành vi chà đạp, xúc phạm đến phẩm giá con
người. Thế mà, ngày nay phẩm giá con người ngày nay đang bị xúc phạm nặng nề, đến
mức báo động.
Người người đã lìa xa chính lộ
chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi
Hơn
bao giờ hết, trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay do ảnh hưởng bởi chủ
nghĩa tục hoá, với những trào lưu hưởng thụ, duy khoái lạc và vô thần, khiến người
ta cỗ võ những lối sống vô luân, nghịch lại sự sống và phẩm giá con người như
cho phép “sống chung, sống thử”, tự do luyên ái, hôn nhân đồng tính, ly dị,
phá thai, hủy hoại sự sống con người,… không màng đến các giá trị luân lý,
xúc phạm nặng nền đến phẩm giá con người, tạo nên một nền “văn hóa sự chết” thật
là khủng khiếp. Đó là nền văn hoá vắng bóng ý thức về Thiên Chúa - Đấng
ban sự sống và cứu độ, và vắng bóng ý thức về con người - phẩm giá và sự sống của
con người, đi tới chỗ phát minh và củng cố nhiều ‘cơ chế tội lỗi’ thực sự chống
lại sự sống và phẩm giá con người.[15]
Theo
đó, con người say mê theo những cuộc chinh phục của khoa học, công nghệ, kỹ thuật
hiện đại, buông theo những dục vọng xác thịt, “lâng lâng” theo những cơn cám dỗ
ngọt ngào của thời đại, một chước cám dỗ vừa rất cũ nhưng vẫn mới là Thiên Chúa
không còn hiện hữu, hay nói cách khác là họ khước từ Thiên Chúa ra khỏi thế giới,
khỏi cuộc đời của họ; họ cho rằng, Thiên Chúa không có một ý nghĩa gì đối với
cuộc sống của họ. Họ chối bỏ Thiên Chúa để chạy theo, sấp mình thờ lạy đủ mọi
thứ “tà thần”.
Một
khi đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, con người có thể “tự do” làm bất cứ
những gì họ muốn, nhằm thỏa mãn những khoái lạc dục vọng thấp hèn và vô luân
theo bản năng con người của họ, được tích cực khích lệ bởi những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị mang
quan niệm thực dụng của xã hội.[16] Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích về điều này như sau:
Sự khuất bóng ý thức về Thiên Chúa và ý thức về con người là đặc điểm của
tình hình xã hội và văn hoá mà chủ nghĩa tục hoá đang thao túng, chủ nghĩa này
với những cái vòi vươn dài đôi khi đã thử thách cả những cộng đồng Kitô giáo.
Những ai tự để mình lây nhiễm tâm trạng ấy, sẽ dễ bị lôi cuốn vào cơn lốc của một
vòng xoáy đồi bại kinh khủng; bỏ mất ý thức về Thiên Chúa, người ta lao tới chỗ
đánh mất cả ý thức về con người, về phẩm giá và sự sống của con người; và đến
lượt mình, sự vi phạm có hệ thống luật luân lý, đặc biệt trong vấn đề quan trọng
là tôn quí sự sống và phẩm giá của sự sống con người, sẽ tạo ra một bóng tối
ngày càng mù mịt che lấp khả năng nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng ban
sự sống và cứu độ.[17]
Thật
là nguy hiểm khi con người suy nghĩ rằng, họ chỉ muốn có tự do để làm bất cứ điều
gì họ muốn. Họ chỉ muốn tìm kiếm những điều mới lạ để thỏa mãn sự khoái lạc và
sự tò mò của họ. Ý niệm về sự tự do lựa chọn của họ, không gì khác, là sự khước
từ sự sống và chà đạp đến phẩm giá con người. Vì thế, các vấn đề như triệt sản,
ngừa thai nhân tạo, phá thai, chọn chết êm dịu, thụ tinh nhân tạo, nhân bản vô
tính, hôn nhân đồng tính, được họ chấp nhận và trở thành những chọn lựa hợp
pháp. Họ chọn lựa theo cảm giác và theo cảm tính, chứ không phải theo lý trí. Sự
chọn lựa đó là con đường dẫn đến sự chết.[18]
Hậu quả của chính nền văn hóa sự chết này là:
Xâm phạm phẩm giá con người, đồng thời người ta hình thành và sắp xếp một
mẫu văn hoá mới, làm cho những tội phạm chống sự sống có thêm một bộ mặt chưa từng
có và – nếu có thể – nó còn bất chính hơn nữa; nó gây nên nhiều chuyện nghiêm
trọng; nhiều tầng lớp rộng lớn trong dư luận quần chúng biện minh cho một số tội
ác chống lại sự sống, nhân danh những quyền tự do cá nhân, và, khởi đi từ giả định
trước, họ cho rằng không những họ được miễn tố, mà còn được nhà nước cho phép,
để thực hiện những việc ấy, trong sự tự do tuyệt đối và, hơn thế, còn được các
dịch vụ y tế can thiệp miễn phí nữa.[19]
Một
trong những hành vi xúc phạm đến phẩm giá con người phổ biến nhất đối với
con người ngày nay là vấn đề phá thai. Hai vợ chồng muốn có con nhưng một trong
hai người lại là người phá thai. Những người cổ võ cho vấn đề phá thai biện
minh cho sự chọn lựa của họ bằng cách cướp đi sự chọn lựa sự sống của những
thai nhi.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mỗi năm trên thế giới này có
khoảng chừng 40 – 50 triệu ca phá thai. Điều này tương xứng với khoảng 125.000
ca phá thai mỗi ngày. Riêng tại Hoa Kỳ, gần một nửa trong số những người mang
thai là ngoài ý muốn, và bốn trong mười những người mang thai ngoài ý muốn đó
giải quyết hậu quả bằng việc phá thai, nghĩa là có trên 3.000
ca phá thai mỗi ngày, tương đương 22% trong tổng số những người mang thai tại
Hoa Kỳ phá thai.
Tính đến ngày 24/02/2021, trang web thống kê số ca phá
thai của Hoa Kỳ cho thấy có đến hơn 62 triệu ca tại Mỹ kể từ sau khi việc này
được hợp pháp hóa vào năm 1973, nổi tiếng với vụ Roe kiện Wade. Số vụ phá
thai được ghi nhận trên thế giới từ năm 1980 đến hôm nay là hơn 1,6 tỉ. Con số
thực tế có thể còn cao hơn nữa, cao hơn số người chết do thiên tai, dịch bệnh,
chiến tranh và các nạn diệt chủng cộng lại.
Còn
tại Việt Nam chúng ta, mỗi năm có khoảng từ 250.000 đến 300.000 ca nạo phá
thai, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Nga. Vị trí thứ tư là Mỹ.[20]
Chỉ
với một hành vi đơn cử vừa nêu trong số vô vàn những hành vi mà con người chạy
theo những khoái cảm và sự tự do của mình để thỏa mãn dục vọng vô luôn, chúng
ta thấy nhân phẩm và sự sống con người ngày nay đang bị xâm hại và xúc phạm rất
nặng nề và đến mức báo động.
Bên
cạnh việc phá thai, một trong những hành vi xúc phạm nặng đến phẩm giá và sự sống
con người, Thánh Công đồng còn nêu rõ những hành vi xúc phạm sau đây:
Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ
hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết người cách êm dịu, hoặc trợ tử trực
tiếp; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của nhân vị con người, như cắt bỏ một
phần thân xác, hành hạ thân xác hoặc tâm trí, làm áp lực tâm lý; tất cả những
gì xúc phạm đến nhân phẩm, như những cảnh sống thấp hèn dưới mức độ phải có của
con người, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ con;
kể cả những tình trạng làm việc nhục nhã khiến cho công nhân hoàn toàn trở
thành dụng cụ cho lợi lộc, chứ không được coi như con người tự do và có trách
nhiệm: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục. Và
trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, tất cả những điều trên lại càng
bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng
thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hóa.[21]
Trước những khủng hoảng luân lý của con người trong thế giới
hôm nay, gây nên những hậu quả đau lòng,
hay nói đúng hơn, trước cảnh sự sống con người và tương lai nhân loại bị đe dọa
trầm trọng, Giáo hội mời gọi mọi Kitô hữu, cách riêng là giới tu sĩ chúng
ta tiếp nối sứ mạng của Thầy Giêsu, can đảm đứng lên “Ra đi từ vùng đất tiện
nghi của mình”, đến với mọi vùng “ngoại biên” đang cần ánh sáng Tin Mừng,[22] để loan
báo Tin Mừng Sự Sống, bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá con người, cùng nhau đẩy
lui “nền văn hóa sự chết”, xây dựng “nền văn hóa sự sống” và bồi đắp “nền
văn minh tình thương” cho con người trong thế giới hôm nay.
Tôi đến cho đoàn chiên được sống và sống
dồi dào
Vì
được dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người có địa vị và phẩm
giá cao cả trổi vượt hơn mọi loài. Thế nhưng, hình ảnh nguyên tuyền thuở ban sơ
của con người đã bị tội lỗi làm hoen úa, phẩm giá bị chà đạp, sự chết rình rập
con người. Thiên Chúa là Cha đầy lòng Thương xót, Người không nỡ để con
người phải hủy diệt vì tội lỗi, nên đã ban Con Một là Ngôi Lời Nhập thể, đến với
loài người trong thân phận con người, để phục hồi sự sống cho con người và trả lại cho họ phẩm
vị siêu việt của hình ảnh Thiên Chúa, ngỏ hầu làm cho con người được
sống và sống dồi dào,[23]
mời gọi con người trở thành “nhịp cầu” nối kết đất với trời, con người với
Thiên Chúa, “làm cho cho con người trở thành môn đệ.”[24]
Tiếp
nối sứ vụ của Thầy Chí Thánh Giêsu, suốt hơn hai ngàn năm nay, mặc dầu gặp phải
không ít khó khăn, thử thách, Giáo hội vẫn luôn trung thành và tìm mọi phương
thế để bảo vệ, gìn giữ, và thăng tiến phẩm giá con người trong mọi hoàn cảnh. Bởi
vậy, Giáo Hội cương quyết mạnh mẽ bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá con người
và “phải lên án và thay đổi những gì chống lại phẩm giá con người”, đảm bảo phẩm giá riêng cho mỗi người được
tôn trọng xứng đáng: bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ phổ quát bất khả xâm
phạm trong đời sống công cộng, trong đời sống kinh tế và xã hội, trong sự tùy
thuộc hỗ tương giữa sự phát triển con người và phát triển xã hội, và cổ võ cho
mọi người nhận thức được sự bình đẳng căn bản giữa mọi người với nhau.[25]
Vì lẽ đó, Giáo Hội kêu gọi con cái mình là các
Kitô hữu và cộng đồng nhân loại hãy sống bác ái, yêu thương, hiệp nhất, công bằng,
bình đẳng, liên đới, hòa bình, xây dựng công ích xã hội, có trách nhiệm trên
nhau và cộng tác với nhau.[26]
Đứng trước thực trạng thế giới hiện nay, với
những sự hủy hoại của sự sống và phẩm giá con người bị chà đạp, Giáo hội đã nhận
ra nhiệm vụ cấp bách của mình, thông qua vai trò tích cực của các Kitô hữu, phải
thực hiện để trở nên muối men ướp đời cho mặn lại:
Khám phá và
giúp khám phá ra phẩm giá không thể bị xúc phạm của mọi nhân vị, đó là nhiệm vụ
chủ yếu và, theo một nghĩa nào đó, là nhiệm vụ trung tâm và liên kết công việc
phục vụ mà Hội Thánh và Ki-tô hữu giáo dân được mời gọi để phục vụ gia đình
nhân loại ngày nay.[27]
Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp
kiến chung vào ngày 12/8/2020 đã chia sẻ rằng, đức tin Kitô giáo đòi hỏi sự
hoán cải khỏi chủ nghĩa cá nhân và cam kết bảo vệ phẩm giá vốn có của
mỗi người. Người giải thích thêm rằng:
Trong khi
chúng ta đang phải nỗ lực làm việc để chữa trị một loại vi-rút ảnh hưởng đến tất
cả mọi người mà không có sự phân biệt, đức tin thúc giục chúng ta phải làm việc
nghiêm túc và tích cực để chống lại sự thờ ơ trước những hành vi vi phạm phẩm
giá con người. Chúng ta muốn công nhận phẩm giá con người nơi mỗi người, bất kể
chủng tộc, ngôn ngữ hoặc tình trạng của họ có thể là gì.
Qua những lời giáo huấn của mình, vị Cha Chung Giáo hội tái khẳng định
cách rõ ràng và mạnh mẽ giá trị của sự sống con người và tính bất khả xâm phạm
của nó; đồng thời, nhân danh Thiên Chúa, thiết tha kêu gọi mọi người và mỗi
người: hãy tôn trọng, bảo vệ, yêu mến và phục vụ sự sống, thăng tiến phẩm
giá con người trong mọi hoàn cảnh.
Vì thế, để thực hiện sứ vụ bảo vệ sự sống
và thăng tiến con người trong thế giới hôm nay, Mẹ Giáo hội mời gọi con cái
mình phải “cấp bách đi vào cuộc động viên
toàn bộ các lương tâm và một cố gắng chung thuộc lãnh vực đạo đức, để phát triển
một chiến lược lớn hơn cho việc phục vụ sự sống.”[28]
Tính cấp bách này phát xuất “từ hoàn cảnh lịch sử chúng ta đang trải qua” và nhất
là phát xuất từ sứ vụ “Phúc Âm hóa” của Giáo hội. Bởi vì, đối với Giáo Hội, Tin
Mừng được chỉ định nhuần thấm mọi nền văn hóa và làm cho chúng sinh động từ bên
trong, để chúng bày tỏ toàn thể chân lý về con người và sự sống con người”[29] Đó
chính là việc giáo dục con người trong mọi môi trường sống.
Như thế, việc đề giáo dục đóng một vai
trò quan trọng trong việc bảo vệ sự sống và thăng tiến phẩm giá con người trong
thế giới hôm nay. “Giáo dục lương tâm luân
lý về giá trị bất khả đo lường và bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người”,
giúp “tái khám phá mối dây liên hệ không thể tách rời giữa sự sống và tự do” và
“mối dây cấu thành kết hợp tự do với chân lý.”[30]
Bên cạnh đó, việc giáo dục giúp con người “duy
trì những tương quan đúng đắn với các nhân vị”, giúp họ “hiểu và sống giới
tính, tình yêu”, bao hàm cả việc giáo dục “đức khiết tịnh” giúp mọi người
tôn trọng “ý nghĩa ‘hôn ước’ của thân xác” và “việc sinh sản có trách nhiệm.”[31] Điều đó có nghĩa rằng,
Giáo Hội không ngừng lưu tâm đến vấn đề thăng tiến việc mục vụ gia đình.
Là những người sống đời thánh hiến, hơn
bao giờ hết, ngày nay trước viễn cảnh bóng tối dày đặc bởi những trào lưu tục
hóa của thế giới này, chúng ta được mời gọi dấn thân vào cuộc chiến đấu giữa “nền
văn hóa sự chết” và “nền văn hóa sự sống”, ngang qua đời sống chứng tá quyết liệt
của mình, khi sống đúng với căn tính của mình, thông qua đặc sủng và linh đạo của
Hội dòng. Điều đó đồng nghĩa với việc “Nhìn lại quá khứ với tấm lòng biết ơn, sống
hiện tại với một niềm say mê và ôm ấp tương lai với niềm hy vọng” để mang hơi
thở của Phúc Âm vào trong các nền văn hóa và trong các môi trường xã hội rất
khác nhau,[32] góp
phần và sứ vụ bảo vệ sự sống và thăng tiến phẩm giá con người trong thế giới
hôm nay. Bởi lẽ:
Bảo vệ
và thăng tiến sự sống, tôn trọng và yêu mến sự sống, đó là nhiệm vụ Thiên Chúa
trao cho mọi người, khi kêu gọi họ, vốn là hình ảnh sống động của Chúa,
tham dự vào quyền làm chủ mà Ngài đang thực hiện trên thế giới. Con người có
trách nhiệm riêng đối với môi trường sự sống, nghĩa là đối với thiên nhiên mà
Chúa đã dựng và sắp đặt để phục vụ phẩm giá cá vị của con người, phục vụ sự sống
con người, và Ngài làm như vậy không những cho hiện tại, mà cho các thế hệ
tương lai nữa.[33]
Thay lời
kết
Xin được trích lại lời Giáo huấn của
Giáo hội trong Công đồng Vaticanô II như một lời kết của bài viết như sau:
Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá
con người là con người được kêu gọi tớì kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới
sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người
hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng nên con người, và
cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống
hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng
tạo dựng mình. Tuy nhiên có nhiều người đương thời với chúng ta không nhận ra
hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với
Thiên Chúa. Vì thế thuyết vô thần phải được kể là một trong những sự kiện quan
trọng nhất trong thời đại này và cần phải được nghiên cứu kỹ càng hơn.[34]
Ước mong sao, mỗi chúng ta luôn ý thức
được phẩm giá cao quý vô song của mình, vì đó là hình ảnh của Thiên Chúa, được
Thiên Chúa yêu thương, cứu chuộc bằng giá Máu của Người, vì chưng, “Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta
thành Thiên Chúa”,[35] cho ta được sống và
sống dồi dào, ngõ hầu giúp ta góp phần vào sứ vụ bảo vệ sự sống và thăng tiến
phẩm giá con người trong thế giới hôm nay.
[1] Công đồng Vatiano II, Gaudium et spes, số 12.
[2] Sđd, số 12b.
[3] Sđd, số 22.
[4] St 1, 26-27.
[5] Xc. St 2, 7; 3, 19; G 34, 15; Tv
29; 103; 104.
[6] Xc. Lm Nguyễn Văn Tâm, Tính Luân
Lý Của Việc Tạo Sinh, https://vntaiwan.catholic.org.tw/thutinh/thutinh03.htm
[7] Công đồng Vatiano II, Gaudium et spes, số 24.
[8] Tv 8, 4-7.
[9] Xc. Phần chú thích 19 số 14 của Hiến
chế Gaudium
et spes.
[10] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 256.
[11] Ibid.,, số 27.
[12] Xc. Công đồng Vatiano II, Gaudium et spes, số 19.
[13] Xc. Ga 1,14.
[14] Xc. Mt 25,40.
[15] Xc. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Evangelium
Vitae, số 24.
[16] Xc. Ibid., số 12.
[17] Ibid., số 22.
[18] Hà Vi, Gia đình và nền văn hóa sự chết, https://www.giaophanbaria.org/cac-gioi/hon-nhan-gia-dinh/2014/05/25/gia-dinh-va-nen-van-hoa-su-chet.html.
[19] Gioan Phaolô II, Thông Điệp ‘Evangelium
Vitae, số 04.
[20] Xc. http://giesuchanhlongthuong.net/bao-ve-su-song/thong-ke-so-lieu-pha-thai-toan-the-gioi; và https://eva.vn/tin-tuc/viet-nam-chi-sau-2-cuong-quoc-dan-so-ve-nao -pha-thai-c73a362296.html.
[21] Công đồng Vatiano II, Gaudium et spes, số 27.
[22] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 20.
[23] Xc. Ga 10, 10.
[24] Xc. Mt 28, 19.
[25] Xc. Công đồng Vatiano II, Gaudium et spes, số 29; 51; 63; 71.
[26] Xc. Ibid., số 24; 26; 28; 29; 32; 71; 77.
[27] Gioan Phaolô II,
Tông huấn Ơn gọi và sứ mạng của giáo dân
trong Giáo hội và thế giới, số 37.
[28] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Evangelium
Vitae, số 95.
[29] Xc. Sđd, số 95b.
[30] Sđd số 97.
[31] Sđd số 97b.
[32] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư gửi tất cả các người Thánh hiến Dịp
cử hành Năm của Đời sống Thánh hiến, 2014, các số 1, 2, 3 mục I.
[33] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Evangelium
Vitae, số 42.
[34] Công đồng Vatiano II, Gaudium et spe’, số
[35] Thánh
Athanasio, trích lại trong sách Giáo lý Hội
Thánh Công giáo, số 460.
Đăng nhận xét