Phẩm giá con người đáng giá bao nhiêu?

 

Bạch Thành Duy, OP.


Ngày 3 tháng 10 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Fratelli Tutti - “Về Tình Huynh Đệ và Tình Thân Hữu Xã Hội”. Nội dung thông điệp miêu tả khát vọng thâm sâu của con người về việc nhìn nhận phẩm giá của nhau “trong thời đại hiện nay của chúng ta, nhờ thừa nhận phẩm giá của mỗi con người nhân bản, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ”[1]. Tuy nhiên, thực tế, con người vẫn không ngừng tìm cách kiểm soát và thống trị lẫn nhau bằng cách “gieo rắc sự tuyệt vọng và chán nản, ngay cả dưới chiêu bài bảo vệ những giá trị nào đó” hoặc “sử dụng chiến lược chế giễu, nghi ngờ và không ngừng chỉ trích, theo nhiều cách khác nhau, người ta phủ nhận quyền hiện hữu hoặc có ý kiến của người khác”[2].

Do đó, tư tưởng về nhân phẩm, nhân quyền, nhân vị vẫn chỉ là một bộ môn để học cho biết ở trường học và là một thứ “nghệ thuật giao tiếp” trong đời sống giữa các tổ chức chính trị với nhau. Đặc biệt trong ngoại giao giữa các nước độc tài và dân chủ, nó trở thành món hàng để đổi chác hay thỏa thuận lấy những hợp đồng kinh tế. Tư tưởng về phẩm giá con người hay các cuộc đấu tranh cho nhân phẩm cuối cùng hoặc chỉ là thứ mỵ dân - làm thỏa mãn ước muốn đám đông - hoặc bị bóp nghẹt làm cho cá nhân thoái lui trước vận mệnh cộng đồng. Đó là lý do tại sao “Chúng ta đang ngày càng xa nhau hơn, trong khi cuộc hành trình từ từ và nhiều đòi hỏi hướng tới một thế giới ngày càng thống nhất và công bằng hơn đang phải chịu một bước lùi mới và đầy bi đát”[3].

1. Thực trạng phẩm giá con người
             
trong thế giới hôm nay

Trong xã hội dân chủ cũng như trong xã hội độc tài, thường chỉ một nhóm người chi phối toàn bộ các quy định và các điều luật, do đó nguy cơ lạm dụng quyền hạn để ảnh tác động lên các luật lệ phục vụ cho “lợi ích nhóm” của họ là rất cao. Họ quyết định những gì có ý nghĩa và những gì cần vứt bỏ theo đường hướng chính trị của mình, chứ không phải theo lương tâm phải phụng sự “luật tối thượng” (buộc mọi người phải theo). Người ta đã dùng các khái niệm, ngôn từ hàm hồ để đánh tráo ý nghĩa theo ý muốn của mình và do đó nó cũng tàn phá luôn tư tưởng dẫn đến hành vi của con người. Sự tàn phá, do vậy, đe dọa đến “tính Chúa” trong con người, nghĩa là con người có nguy cơ đánh mất nhận thức “con người thần thánh”, con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, luôn có tiếng gọi tự thâm tâm trở về với và trở nên như Thiên Chúa. Phẩm giá con người, do vậy, không còn là một điều tất yếu, bất di bất dịch, được cộng đồng nhân loại nhận thức và cùng đồng thuận của hết mọi người qua mọi thời, mà lại bị bóp méo thành thứ theo ý muốn của kẻ cầm quyền trong xã hội.

Tiếng gọi độc nhất vang vọng từ thuở khai sinh lập địa cho đến muôn đời sau: Con người là hữu thể vượt không-thời-gian, là hiện thể của Thiên Chúa, do đó, phải hoàn thành ơn gọi làm người để trở nên thần thánh. Con người chỉ có thể hiện hữu là người khi thể hiện tính người, không phải con người vật tính, hay con người dã man.

Vậy phẩm giá con người không chỉ “cốt yếu là: suy tư và canh giữ sao cho con người có nhân tính chứ không phải phi-nhân-tính, “dã man”, nghĩa là ở ngoài tính thể của con người. Nhân tính của con người nằm trong thể tính của con người”[4]; nhưng nó còn là cả một đời sống tương quan với Thiên Chúa trong tư cách là “hình ảnh” của Người. Nghĩa là, con người “phải được đối xử như một nhân vị từ lúc tượng thai” (GLHTCG, 2323), đặc biệt, thể hiện trong tương quan với Đức Kitô qua việc đáp lại lời mời gọi của Người để sống chiều kích lịch sử cứu độ. Con người là con người là?; con người huyền nhiệm; huyền nhiệm dựa trên và “ăn theo” huyền nhiệm của Thượng Đế chí tôn.

Phẩm giá con người không phải là thứ được quy định bởi xã hội, hay nói đúng hơn nó không phải là thứ mà xã hội ban cho tùy vào việc anh ta có những đóng góp cho xã hội đến mức nào theo kiểu “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Karl Marx). Thật vậy, phẩm giá con người, trước hết, là một Món Quà, là Tặng Phẩm mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ. Trong ý nghĩa đó, phẩm giá không phải là thứ có được dựa trên những “quy chuẩn” của xã hội, mà phẩm giá phải là nền tảng là thước đo cho mọi hoạt động trong xã hội “Chỉ có được công bằng xã hội khi phẩm giá siêu việt của con người được tôn trọng. Con người là mục đích tối hậu của xã hội, vì xã hội nhằm phục vụ con người”[5]. Trong ý nghĩa này, con người đòi buộc nhìn nhận sự hiện hữu của nhau, tiên vàn, phải là một thụ tạo thần linh “Mỗi người đều phải xem người đồng loại, không trừ một ai, như "cái tôi thứ hai", nên phải quan tâm đến sự sống của họ và những phương tiện cần thiết giúp họ sống xứng đáng nhân phẩm" (x. GS 27,1 )”.

2. Khi phẩm giá con người là một thứ xin cho

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta dường như chỉ đánh giá nhau qua vị trí xã hội, qua thành công thất bại, qua sự cao sang hay nghèo hèn. Quả thật, khi người ta nhìn người khác bằng những chức năng, khả năng thì nguy cơ khinh chê cũng được đẩy lên cao. Trong một tổ chức kinh doanh, kẻ nào bán được nhiều hàng, kẻ đó làm vua, đáng kính trọng, kẻ đó có mọi phẩm giá cao quý và những sai lầm của kẻ đó có nặng đến mấy cũng được cảm thông hết mình. Kẻ càng làm được ít việc càng trở nên mờ nhạt, đáng khinh, đáng đuổi cổ ra khỏi công ty. Hơn thế nữa, nếu một quốc gia dân tộc được đặt nền trên triết lý con người chức năng thì càng nguy hại, bởi vì khi đó người ta chỉ trọng những ai làm được việc cho tổ chức của mình, còn những người chống đối hoặc có ý kiến trái chiều chắc chắn sẽ bị loại trừ và thậm chí bị loại bỏ bằng mọi cách, mọi giá.

Thật vậy, trong một quốc gia như vậy, kẻ cô thế cô thân, người nghèo khổ, bé mọn chắc chắn sẽ bị đàn áp chà đạp. Phẩm giá con người trong bối cảnh đó sẽ là thứ nhảm nhí, viễn vông, không bao giờ được xem trọng. Một khi chỉ coi trọng những tầng lớp chức năng phục vụ mục đích cho “lợi ích nhóm” của mình, thì chắc chắn sẽ sinh ra một tầng lớp ưu tuyển, chuyên quyền; sáng tạo và tư duy là đồ vất bỏ; “trí thức chỉ là cục phân” (Lênin trong thư gửi Gorky 1919). Con người do đó phải là con Công ráng trau chuốt bộ “lông” bộ “cánh” sao cho hợp với những con mắt trong hoàn cảnh của mình. Con người thành ra bị giản lược thành “vật tính” cách rõ rệt nhất nơi những tổ chức và quốc gia như vậy.

Khi nhìn nhau bằng những giản lược vào “vật tính”, người ta cũng bị đánh lừa bởi những ảo tưởng[6] và do đó khi những giản lược ấy theo thời gian nó phải qua đi, thì cuộc đời quả thật thê thảm và đáng nôn mửa. Rõ ràng với dòng lịch sử trôi qua, không ai là trẻ đẹp mãi, không ai là tài giỏi mãi, không ai là dốt mãi, cũng chẳng ai là hiền hậu hoài được. Tất cả đều có lúc này lúc kia “mọi sự chỉ là phù vân”, như ông Côhêlét nói “một thời lượm đá, một thời ném đá; một thời xây cất, một thời phá đổ” (x.Gv 3). Có biết bao công trình nghiên cứu tưởng chừng như vững chắc vĩnh viễn, nhưng rõ ràng thế hệ sau đã đạp nó xuống để xây cái khác đè lên đó. Con người với tư tưởng sai lầm về sự hữu và vô hữu, do đó đi đến tình trạng “nôn mửa” liên miên là tất yếu. Đó cũng chính là sự “phi lý của cuộc đời” mà Albert Camus cảm thấy. Thật vậy, cuộc sống và lịch sử theo Albert Camus vô lý đến nỗi chỉ có tự sát và nổi loạn làm cách mạng mới có thể giải thoát và đem lại ý nghĩa cho đời sống con người.[7]

Đời đáng buồn nôn, vì những gì tôi có đều do tha nhân “ban cho” và “gán cho”. Tha nhân chính là thượng đế ban phát nhân phẩm giả tạo mà tôi lại tưởng là thật. Rồi đến lượt mình, tôi cũng ban phát cho tha nhân chính cái hư vô mà tôi tưởng là cái hiện hữu thật. Ai cũng muốn trở thành “bậc đáng kính”. Thế nên, tôi vô tình “hư vô hóa” tha nhân thành ra cái họ không là và không là cái đáng lý ra họ là[8] và do đó đóng khung họ trong ý thức của tôi “Tôi là hữu thể mà nhờ đó mới có hữu thể. Đó là sự vùng trỗi dậy của các vị nhân – nghĩa là ý thức, làm nảy sinh một vũ trụ”[9] (Hữu thể và vô thể - Jean Paul Sartre).

Con người là hữu nhưng bị gán vào cái vô hữu. Con người thường nhìn nhau như người anh nhìn người em trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32). Họ chỉ nhìn nhau “còn nó đã tiêu hết số tiền với bọ đĩ điếm”. Người anh đã giản lược người em như một sự vật – số tiền – và do đó người anh đã tuyệt vọng, không thể nhận ra trước mắt mình là một người anh em hay một thụ tạo huyền nhiệm. Và người anh chính là đại diện cho những người vô thần thực thụ, vì một khi tôi không nhận ra tha nhân là một huyền nhiệm mà chỉ giản lược vào “vật tính”, vô tình tôi đã “ban” cho tha nhân một loại hiện hữu què quoặt. Tôi khi đó là thượng đế của vũ trụ “vũ trụ vị tôi” – “chính khi trở thành ‘vị tôi’ mà vũ trụ nhận được một ý nghĩa và trở nên có thể hiểu được […] Tôi là nguồn tuyệt đối”[10].

Do đó, khi sống trong nhận thức sai lầm về tha nhân, người ta không những “ăn cắp”, “ăn gian” sự hữu đích thực của tha nhân, mà người ta còn “chặn đứng” dự định về một thực thể mà người khác sẽ trở thành.[11] Con người khi đó đóng khung lẫn nhau, do vậy, cuộc đời thật phi lý và đáng nôn mửa. Cuộc sống ra như một sân khấu hài, trong đó, ta toàn gặp những anh hề làm hết trò này đến trò kia, chẳng có thứ nào là thực và cũng chẳng ai thực sự là người như họ là. Tất cả trở nên trống rỗng, vô nghĩa, khốn nạn và vô vị, vì “ta không hiểu được tha nhân cũng như không thể làm cho họ hiểu ta. Do đó mới sinh ra hiểu lầm, những phán đoán bất công mà tất cả chỉ có nguyên nhân độc nhất là vô phúc phải làm tha nhân”[12].

3. Những người nghèo hèn trong ánh mắt Thiên Chúa

Hơn thế nữa, trong một thế giới đề cao sự thành công, coi trọng kẻ sang, người giàu, thì đồng thời những kẻ thấp cổ bé họng cũng dường như là những kẻ “vô hình”, “vô tiếng”. Họ khó để được thiên hạ đối xử như một ai đó. Quả thật, tự bản tính, ai cũng thích những gì là cao sang, uy nghi, nhưng Thiên Chúa lại tỏ lộ nơi những gì đơn giản nhất, đời thường nhất. Đặc biệt, Thiên Chúa luôn ưu ái những kẻ nghèo hèn, bé mọn, những kẻ bị bỏ rơi. Thiên Chúa đến với họ, ở lại và ban cho họ niềm vui sống.

Nơi mỗi con người, dù hèn hạ nhất, vẫn có căn nguyên của sự sống thánh thiêng. Do đó, tất cả mọi dự tính có ẩn chứa nguy cơ đe dọa con người đều phải bị lên án. Bởi vì giết chết hay nhục mạ một con người đều có nghĩa là giết chết và nhục mạ toàn thể nhân loại.[13]

Những người bé mọn thường ít được để ý nhất trong xã hội, nhưng những con người này lại được Thiên Chúa quan tâm nhất. Dù là những người bé mọn nhất, nhưng tâm hồn họ lại được Thiên Chúa cho nhạy cảm nhất về sự thiện, sự lành thánh “Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 25-26). Họ có thể thực hiện nó một cách rất dễ dàng, tự nhiên trong cuộc sống mà không hề đòi hỏi được đền đáp lại một thứ gì đó. Cảm thức về điều thiện, điều phải làm trong lòng họ thật lớn lao. Họ hiện diện, sống đơn sơ, hiền hòa, yêu thương và rồi qua đi chẳng mấy ai quan tâm, ít khi được biết đến, nhưng Thiên Chúa lại viếng thăm, ưu ái và đồng hành với họ. Thật vậy, khi trở về nơi tầng sâu của xã hội, ta mới có thể gặp thấy những gương mặt đơn sơ nhất, chất phác nhất, hiền lành nhất; mới có cơ may gặp được Chúa và ánh sáng đích thực sẽ soi dẫn:

Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành (Is 58,7-8).

Kẻ nghèo hèn thường chẳng có tài cán, thông minh, khôn ngoan, không tự tin vào bản thân. Tuy nhiên, họ lại đặt niềm tin vào tay Thiên Chúa và được Người bệnh vực, làm cho giàu có và luôn được Người nhớ đến khi lâm cảnh khốn cùng tuyệt vọng người túng thiếu không mãi bị bỏ quên, kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ(Tv 9, 19); vì đối với những ai trở nên nghèo hèn, kém cỏi trước mặt Thiên Chúa, thì Người luôn bênh vực để cứu họ khi Chúa Trời đứng lên xét xử, cứu mọi kẻ nghèo hèn chốn dương gian (Tv 76,9); và làm cho họ an lòng vì ước vọng của họ luôn được Người ưu ái Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn; Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ” (Tv 10,17); chỉ những người nghèo mới được Thiên Chúa dạy bảo và chỉ cho con đường của Người “dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25,9); tất cả để nhắm đến hỗ trợ người nghèo và làm cho họ rực rỡ vẻ đẹp của Thiên Chúa với ơn cứu độ “ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng” (Tv 149,4). Người nghèo cuối cùng sẽ là người chiến thắng và do đó họ sẽ được sở hữu lời hứa của Thiên Chúa về một miền đất “Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hoà” (Tv 37,11) và cuộc đời của người nghèo sẽ ngập tràn niềm vui, hạnh phúc.

Quả thật, dưới đáy sâu thẳm của Xã hội ấy, bất kể sự nghèo nàn về vật chất hay tri thức, một đời sống tôn giáo chân chính rạng ngời được toát ra và hiển lộ. Nơi ấy phẩm cách uyên nguyên của con người luôn được gìn giữ và bảo mật. Chân trời Sự Thật chắc hẳn đã được những bộ óc vĩ đại “ngộ ra” và họ lấy làm vui sướng sau bao năm mòn mỏi khổ công suy tư tìm tòi, nhưng họ có biết đâu rằng chân trời ấy đã ló dạng từ lâu và hằng ngày vẫn vui đùa với những kẻ khốn khổ dưới đáy sâu xã hội.

4. Con người là con đường của Giáo hội

Con người là trung tâm và tột điểm của mọi sinh vật trên địa cầu (x. LG, 12). Do đó, đường hướng Kitô giáo không làm gì khác hơn là loan truyền và bảo vệ phẩm giá con người “Mối quan tâm của Giáo Hội là con người, con người “cụ thể”, mỗi con người được Đức Kitô kết hợp với. Con người là con đường đầu tiên Giáo Hội phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình”. Quả thật, phẩm giá của con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Vì là “hình ảnh” của Thiên Chúa nên nó mang tính bất diệt, vĩnh cửu. Hơn nữa, vì chính phẩm giá cao trọng đó mà Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc con người. Trong ý nghĩa đó, không có một lý do nào để biện minh cho sự loại bỏ hiện hữu con người – con người phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc và mọi nơi.

Thiên Chúa hành động vì mỗi một con người và cứu độ họ như họ là. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa là Đấng bảo đảm cho phẩm giá của con người, dù họ có phạm những tội hệ trọng hay nặng nhất. Mỗi con người là một ngôi vị, được dựng nên cách độc đáo và duy nhất “Con người hiện hữu như một hữu thể độc đáo và không thể sao chép, con người hiện hữu như một cái ‘tôi’ có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình”[14]. Tuy nhiên, các chức năng và các phẩm tính về lý trí và ý chí không phải là những thứ để xác định con người là, đúng hơn “con người là nền tảng cho những hành vi của trí khôn, ý thức và tự do”[15]. Trong lịch sử, đã có lúc người ta nhân danh lợi ích cộng đoàn để chà đạp cá nhân, nhân danh lợi ích dân tộc mà đưa người “thấp cổ bé họng” ra làm con tốt thí mạng. Tất cả đều sai trái và vô nghĩa nếu phẩm giá con người bị lãng quên hay bị bức hại.

Con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm […]. Bởi vậy trật tự xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích lợi của các nhân vị chứ không ngược lại (GS, 26).

Người Kitô hữu luôn được mời gọi tôn trọng nhân vị, coi trọng con người, không loại trừ một ai như Thầy Giêsu đã sống bao dung, yêu thương và đón nhận tất cả mọi người:

Chúng ta có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc có thể là một  người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc một công nhân ngoại quốc bị khinh khi một cách bất công, hoặc một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp chịu đau khổ cách bất công vì tội lỗi mình không phạm, hoặc một người đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta (Gs, 27).

Ngoài ra, tôn trọng nhân vị cũng có nghĩa là chống lại mọi hình thức xúc phạm sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai…Tư tưởng Kitô giáo, do vậy, phù hợp với tất cả mọi con người thuộc mọi màu da, giai cấp, chủng tộc. Dù có những người có thể không thích hay không tin theo Chúa Kitô, nhưng rõ ràng tự trong lương tâm, họ luôn bị đánh động bởi những gì là của Chúa Kitô. Chẳng hạn Lưu Á Châu, một ông tướng của Trung Quốc, khi bài Bàn Về Văn Hóa Trung Quốc, khi so sánh đối chiếu Kitô giáo với tôn giáo của Trung Quốc, đã nói rằng:

Thánh thần (trong Kitô giáo) xuất hiện với hình ảnh đầm đìa máu, chịu khổ chịu nạn. Đức Giêsu bị đóng đinh trên giá chữ thập. Đức Mẹ không đổ máu nhưng rơi lệ. Đấy thực sự là hóa thân của con người, là hóa thân của sự khổ nạn và tư tưởng của con người. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây nhìn vào tựa như thần thánh, thực ra là con người. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây luôn luôn chịu khổ còn nhân dân thì không chịu khổ. Thần thánh trong tôn giáo phương Đông thì hưởng thụ, còn dân chúng thì chịu khổ.[16]

Rõ ràng, giá trị về nhân phẩm trong tư tưởng Kitô giáo vượt mọi biên giới, thoát khỏi mọi ý thức hệ để đến với con người. Tuy nhiên, để những giá trị căn bản và cốt lõi đó được đi vào đời sống nhân loại, thì cần phải để cho lời Đức Kitô thấm nhập trong tâm hồn và thể hiện nơi hành động, con người mới có cơ may “ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,10). Do đó, không phải tài năng hay sự khôn ngoan làm cho con người trở nên đặc biệt và độc đáo, nhưng chính là tình yêu Đức Kitô (x. 2Cr 5,14) đã định hình và khắc tạo nên dáng vẻ độc đáo, tạo nên thế đứng rất riêng của những ai đã bước theo Đức Kitô cách quyết liệt.

Thật vậy, con người vừa được mời gọi trở về với Đức Kitô để kín múc nơi Người sức sống mới, tình yêu đích thực, họ cũng vừa được mời gọi ra đi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa để đem hạt giống Nước trời gieo vãi khắp muôn nơi vì “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (GS, 26). Tư tưởng Kitô giáo, vì thế, dù bàn về nhiều chủ đề, nhiều sự, nhưng quả thật, luôn xoay quanh hai trục căn bản, đó là trở về với Đức Kitô và khởi đi từ sự tôn trọng phẩm giá người.

Thực tế, việc đề cao phẩm giá con người không phải chỉ được thể hiện nơi Kitô hữu mà thật ra đó là “mệnh lệnh tuyệt đối” phải được thể hiện khắp mọi nơi, ở mọi người, những người lắng nghe được tiếng nói lương tri, tiếng nói sự thiện trong tâm hồn họ, bởi vì Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa cuộc đời, trong lòng mọi người. Ở đâu sự thiện, tình yêu thương được thực thi, ở đó có môn đệ Chúa và sự hiện diện của Chúa “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”(Ga 13,34). Quả vậy, ơn cứu độ đến từ một Đấng duy nhất, nhưng không phải trong một cơ cấu tổ chức duy nhất, vì Hội Thánh của Đức Giêsu trải rộng vô biên và hết mọi thời, bao trùm cả không-thời-gian.

5. Phẩm giá con người và không gian sống

Ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người tự do hoàn toàn để sống như Thiên Chúa muốn, vì con người là hình ảnh Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người đã phá hỏng tự do của mình bằng cách xâm phạm lời hứa.

Thật vậy, Thiên Chúa “kéo” mọi sự từ trong hỗn độn thuộc về hư vô để làm cho chúng hiện hữu. Nghĩa là Thiên Chúa sắp xếp mọi thứ trong một trật tự có sự sống và viên mãn. Mọi thứ thật tuyệt vời. Trong thế giới đó, con người cũng được vui sướng với cuộc sống viên mãn. Và để duy trì thế giới tốt đẹp đó, con người - loài sinh vật duy nhất có thể đối thoại được với Thiên Chúa - phải giữ trật tự bằng cách không xâm phạm ranh giới [được thiết lập bằng cây trái cấm] giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Tuy nhiên, với tự do ý chí và lý trí của mình, con người lại muốn trở thành giống Thiên Chúa và họ đã “ra tay” bằng cách phá vỡ giao ước [ăn trái cấm]. Khi phá vỡ giao ước này, con người đã tự hại mình, họ làm cho thế giới vốn được Thiên Chúa đặt trong trật tự tốt đẹp, nay bị xáo trộn “các loài vật không còn nghe lời con người”, “ông bà Ađam không còn nghe lời nhau thay vào đó là đổ lỗi cho nhau”.

Mọi thứ xáo trộn dù không bị trở lại tình trạng hư vô ban đầu, nhưng mọi thứ không còn nguyên vẹn trong trật tự. Ngay từ trong bản thân con người, họ cũng bị xáo trộn bởi những sự “thèm muốn - dục vọng”. Mọi thứ trở nên xáo trộn khiến cho con người đứng trước nguy cơ đánh mất chính mình, thậm chí có nguy cơ làm cho họ trở về tình trạng hư vô, hỗn độn như tình trạng trước khi được tạo thành - đó là hư mất đời đời. Thực tế, trong đời sống, con người luôn phải phản tỉnh về mình - một thụ tạo thần linh (Bonino OP) - để có thể phân định trước những xáo trộn (từ trong tâm hồn ra bên ngoài thực tại cuộc sống) do chính mình gây ra.

“Không gian” để cho phẩm giá con người được tỏ lộ và triển nở cách viên mãn, trước hết, đó là Lời. Con người cần đến Lời để không trở thành đối tượng sợ hãi của nhau, để không tấn công nhau và nhất là Lời có sức mạnh để duy trì sự hữu cho con người.

Quả thật, vũ trụ được Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời của Người. Do vậy, Lời chính là căn nguyên của vạn vật. Lời hoạt động âm thầm và nuôi dưỡng mọi loài thọ tạo, nhưng Lời luôn ở trong Cha. Lời bắt đầu mờ nhạt nếu Lời bị đặt trong bối cảnh xa rời với Thiên Chúa Cha. Bởi vì Lời xuất phát từ Cha và chỉ trong Cha “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”. Lời luôn ôm siết lấy Cha có nghĩa là Lời không ngớt yêu thương và khao khát Cha và sự khao khát ấy là uyên nguyên có nghĩa là hiến tặng chính mình cho Cha và theo ý Cha. Một sự khao khát như thế là bản chất rất riêng tư của Lời và nó làm cho khai mở một cái gì đó trong nguyên lai chân thực của nó, nghĩa là làm cho bản tính Thiên Chúa được hiện thể. Chính là khả năng của sự yêu thương khao khát mà qua đó “tính Chúa” được hiển lộ. “Tính Chúa” này là cái có thực đã được cài đặt vào trong con người từ thuở ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng và thổi hơi vào lỗ mũi; đặc biệt rõ ràng hơn trong “Ta sẽ khắc vào tim chúng lề luật của Ta”. Trong ý nghĩa đó, chỉ khi quy hướng về Lời và trong Lời, con người mới thực sự là người - hình ảnh Thiên Chúa.

6. Phẩm giá con người đáng giá bao nhiêu?

Trong khi để làm cho mình trở thành những người vĩ đại, con người rất dễ rơi vào tình thế sẵn sàng “giẫm đạp” lên nhau để thực hiện “cơ đồ”. Họ thậm chí sẵn lòng “bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày” hay “đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ.” (Am 2,6-7). Những tình thế như vậy không phải là chuyện trong sách vở, nhưng có thật trong mọi thời đại. Chúng ta có thể đọc thấy hoặc gặp thấy trong đời sống hàng ngày. Phẩm giá con người thật rẻ mạt chỉ bằng một “đôi giày” hay thậm chí là không có giá trị “đạp xuống bùn đen”. Đó là trong các cuộc chiến tranh vô nghĩa, trong các cuộc buôn người, trong các hành động chống lại sự sống như phá thai, trong các thể chế chính trị độc tài bóp nghẹt tiếng nói cũng như mọi hoạt động giao lưu với thế giới bên ngoài của người dân… Trong những hoàn cảnh đó, con người chỉ là công cụ cho quyền lực chính trị, tiền bạc và thú vui. Do đó, con người trở thành mục tiêu xa lạ với sự phát triển của mình[17].

Chỉ khi trở về với cội nguồn - Thiên Chúa - con người mới có thể “định nghĩa” một cách chính xác về chính mình. Quả thật, con người cao trọng đến độ Thiên Chúa phải hy sinh tính mạng của Người để phục hồi phẩm giá cho họ. Và cũng chỉ trong Kitô giáo, người ta mới thấy giá trị đích thực của con người “được tạo dựng nên vì chính nó” và là một thụ tạo thần linh được tạo dựng nên để được thông dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa. Thiên Chúa thực hiện lời giao ước của Người với nhân loại bằng cách nhập thể làm người “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,7) để mang lấy tất cả khổ đau, tội lụy của con người mà đóng đinh chúng vào thập giá.

Tuy nhiên, Đức Kitô hạ mình không có nghĩa là buộc phải đảm nhận thân phận tôi tớ trong tương quan với lệnh truyền của chủ, nhưng Người sẵn sàng nhận lấy thân phận này trong địa vị là người Con vâng lời ý Cha, không phải ở địa vị hàng tôi tớ. Đức Kitô bày tỏ lòng kính trọng Chúa Cha trên hết mọi sự; và không ai có lòng tôn kính Chúa Cha bằng Chúa Con và Người đã bày tỏ điều này qua việc hạ mình.[18]

Hơn nữa, Đức Giêsu “vâng lời cho đến chết” không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, như sách Isaia[19] đã nói (Is 53, 8.12). Quả thật, khi mang lấy thân phận nô lệ, Đức Kitô không những đón nhận lấy tất cả những giới hạn nơi xác phàm và cả cái chết, nhưng Người đón nhận cái chết để có thể kết liễu cái chết nơi xác phàm .[20] Người không những đã chủ động chọn con đường có thể dẫn đến cái chết, mà ngay cả sẵn sàng đón lấy cái chết nhục nhã và kinh khiếp trên thập giá. Thập giá là hình phạt dành cho những kẻ phạm tội nguy hiểm và chỉ có những người không thuộc công dân Rôma mới bị hành hình cho đến chết theo cách này. Hình phạt đóng đinh vào thập giá là hình phạt tệ hại nhất trong xã hội và thường chỉ dành cho những kẻ nô lệ,[21] hoặc dành cho những người đã bị tước mất quyền dân sự khiến phẩm giá con người của họ bị chà đạp.[22]

Điều đặc biệt và tuyệt vời nhất nơi cuộc đời Đức Giêsu là hạ mình, vâng lời, và sự từ bỏ chính mình. Người không muốn thống trị con người nhưng chỉ muốn phục vụ họ; Người không muốn theo ý riêng của mình nhưng là theo ý Thiên Chúa; Người không muốn tỏ lộ vinh quang của mình nhưng muốn bỏ đi tất cả vì con người. Tuy nhiên, Người càng từ bỏ, càng hạ mình, càng vâng phục Chúa Cha, thì Người lại càng được tôn vinh.[23] Bên cạnh đó, trong tư tưởng của những người Do Thái, sự hạ mình xuống thường được dùng để chỉ về con người phải hạ mình trước Đức Chúa (Gv 3,8)[24], (1 Pr 5,6)[25], nhưng họ hầu như không bao giờ đề cập đến một Thiên Chúa tự hạ mình xuống trước con người.[26]

Thiên Chúa hành động hoàn toàn khác lối suy nghĩ của con người. Thay vì cứ theo sự thường khi muốn thâu tóm quyền lực, vinh quang, danh vọng, người ta phải tìm cách đi lên bằng con đường tiền bạc hoặc thể hiện tài năng, khôn ngoan để cho mọi người kính phục mà ủng hộ; Thiên Chúa lại chọn con đường “đi xuống” đến tận cùng của kiếp nghèo, tận đáy của xã hội “làm thân nô lệ”, chịu để cho người đời xỉ vả, rồi ôm lấy cái khổ đau, yêu lấy cái chết thảm bại trên thập giá. Thay vì ôm vào người cho đủ thứ vinh quang, Người lại trút bỏ cho đến cùng “hóa ra không” tất cả những gì thuộc về vinh quang. Cuối cùng, khi chịu chết trên cây thập giá, Đức Giêsu đã làm cho cây thập giá – biểu tượng cho sự tối tăm, ô nhục, thất bại – thành con đường ánh sáng cứu độ trần gian.

Con đường phục hồi phẩm giá và cứu độ con người của Chúa, do đó, là con đường của tình yêu. Thiên Chúa yêu con người vì muốn họ được tự do, trở nên cao trọng và sống dồi dào:

Tình yêu của Người là một tình yêu không áp đảo hay áp bức,… không hạ nhục hay thống trị …tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu dịu dàng, sâu kín và tôn trọng; một tình yêu tự do và giải phóng, một tình yêu chữa lành và nâng cao. Tình yêu của Chúa liên quan nhiều tới việc nâng cao hơn là hạ nhục, hòa giải hơn là cấm đoán, đề nghị đổi mới hơn là lên án, hướng về tương lai hơn là trách móc quá khứ[27].

Kết luận

Nhân phẩm đi đôi với nhân quyền. Thật vậy, cuộc cách mạng Pháp 1789 nổ ra đã bãi bỏ mọi đặc quyền của giới quý tộc để tuyên bố mọi công dân phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Đến năm 1948, bản Tuyên ngôn nhân quyền cho thế giới được Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua và công bố. Từ đó đến nay, rất nhiều thỏa ước, quy ước ra đời như thỏa ước liên quan đến quyền lợi công dân và chính trị (1966), kinh tế - xã hội - văn hóa (1966); quy ước ngăn ngừa và bài trừ diệt chủng (1948), bài trừ nạn buôn người và khai thác mãi dâm (1949), quy ước người di cư (1951), bài trừ kỳ thị chủng tộc (1965), bài trừ kỳ thị phụ nữ (1979), bài trừ tra tấn (1984), quyền của các nhi đồng (1989).[28] Dù con người ngày càng tuyên truyền và đề cao về nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, nhưng tình trạng xúc phạm nhân phẩm và chà đạp nhân quyền vẫn không hề giảm đi khắp nơi trên thế giới mà thậm chí ngày càng tăng và trở nên thô bạo hơn. Thật vậy, xã hội chỉ có thể phát triển và lớn mạnh khi các giá trị của nó phải đặt trên nền tảng tôn trọng nhân phẩm và nhân vị, vì “Con người là mục tiêu của xã hội, xã hội được tổ chức là nhắm tới con người”[29]. Con người không bao giờ là phương tiện của chính trị, kinh tế và xã hội mà mỗi một con người là một công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Họ được Thiên Chúa tạo dựng để cho hưởng sự sống bất diệt của Người.

Con người tự bản tính hướng về Thiên Chúa, nên luôn trong tư thế truy tầm chân lý và mong muốn gắn bó với sự thánh thiện. Trong hành trình đó, con người luôn được mời gọi vượt lên thế giới vật chất để mở ra và gặp gỡ tha nhân, tương quan giúp đỡ, yêu mến; rồi từ tương quan với tha nhân, con người lại bị thôi thúc để chân nhận và gặp gỡ nhau như là những ngôi vị, tương quan tôn trọng - con người nhận thấy mình sống trong một cộng đồng ngôi vị; vượt lên cộng đồng liên ngôi vị đó, họ gặp gỡ Thiên Chúa - Đấng là nguồn mạch cho mọi mối tương quan, cho đời sống hiện tại và đời sống vĩnh cửu.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy thương tích, bạo lực, tuyệt vọng, đau khổ và mất phương hướng. Điều gì khiến thế giới luôn bị xáo trộn và có nguy cơ rơi vào tình trạng hỗn độn? Chắc hẳn một trong những nguyên nhân chính đó là con người tranh giành nhau quyền bá chủ. Họ muốn bản thân mình, đất nước mình bá chủ thế giới, điều khiển và bắt các nước nhỏ hơn phải thuần phục về mọi mặt như văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo. Mặt khác, sau bao nhiêu cay đắng phải hứng chịu do tính ích kỷ, óc phân biệt chủng tộc gây ra, con người cũng nhận ra cần phải biết tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng các giá trị riêng biệt của nhau; cần xây dựng một thế giới yêu thương và bác ai, trong đó, mọi người, mọi dân tộc phải là bằng hữu của nhau.

Thật vậy, ngày 21/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã quyết định thiết lập Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại vào ngày 4/2 hàng năm. Mục tiêu của ngày này, trước hết, là cổ võ sự tôn trọng lẫn nhau bằng cách tìm hiểu và đối thoại “cổ võ đối thoại liên tôn và liên văn hóa” hầu tìm kiếm “một câu trả lời toàn cầu dựa trên sự hiệp nhất, liên đới và cộng tác đa phương”.[30]

Những giá trị tốt đẹp mang tính bền vững mà nhân loại hướng đến không có gì xa lạ so với các giá trị đã được Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn lấy mạng sống của Người để bảo đảm cho sự thánh thiêng của mạng sống con người (xc. Ed 18,3-4). Trong ý nghĩa đó, Thiên Chúa luôn mời gọi con người phải đổi mới tâm hồn bằng cách trở về với Người để được thanh luyện, để được múc lấy thần khí mới mà ngày càng trở nên người - hình ảnh của Thiên Chúa hơn (xc. Ed 18, 31-32). Quả thật, như thánh Irênê đã khẳng định “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người là nhận biết Thiên Chúa”, con người được Thiên Chúa ban cho phẩm giá của chính Người để cho họ được sống và sống dồi dào, chứ không phải để bị triệt tiêu như các thọ tạo vật chất khác. Đó cũng chính là ơn gọi thông dự vào sự sống đời đời mà Thiên Chúa hứa ban cho con người.



[1] Đức Phanxicô, Fratelli tutti, 8.

[2] Đức Phanxicô, sđd., 15.

[3] Đức Phanxicô, sđd., 16.

[4] Martin Heidegger, Tác Phẩm Triết Học: Thư về nhân bản chủ nghĩa, nxb Đh Sư Phạm 2004, tr 112.

[5] GLHTCG, 1929.

[6] X. Michael D. Moga, Những Câu Hỏi Khôn Cùng, Lm Lê Đình Trị dg, (Đồng Nai: Đông Phương, 2018), 53.

[7] X. P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, Thụ Nhân dg, (Sài Gòn: Thế Sự, 1968), 79.

[8] X.Sđd., 111.

[9] Trích lại trong P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, 100.

[10] P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, 99.

[11] X.Sđd., 103.

[12] Sđd., 106.

[13] M. Gray. Le nouveau livre, Laffont, Paris 1980, 44.

[14] Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, 131.

[15] Sđd.

[16] Bàn Về Văn Hóa Trung Quốc/ nghiencuuquocte.org.

[17] Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, 133.

[18] X. Mark J. Edward, Ancient Christian Commentary On Scripture New Testament VIII: Galatians, Ephesians, Philippians, 254.

[19] “Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53, 8.12).

[20] X. Mark J. Edward, Ancient Christian Commentary On Scripture New Testament VIII: Galatians, Ephesians, Philippians, 255.

[21] X. Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan (Sacra Pagina), Philippians & Philemon, 83.

[22] X. Raymond E. Brown, The New Jerome Biblical Commentary, “The Letter to the Philippians”, 795.

[23] X. William Barclay, The Daily Study Bible, The letters to the Philippians, 38.

[24]Càng hạ mình, con càng trở nên cao trọng, và con sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa.”

[25] “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.”

[26] X.  Michael F. Bird, The New Cambridge Bible Commentary University Printing House: Philippians, 82.

[27] Chritus Vivit, 116

[28] X. Bình Hòa, Nhân Phẩm và Nhân Quyền, https://catechesis.net/nhan-pham-va-nhan-quyen.

[29] Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, 132.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn