Làm sao đối thoại và cộng tác một
cách tích cực
trong khi mà tôn giáo nào cũng, mặc nhiên hoặc minh nhiên, khẳng định xác tín
căn bản về tính tuyệt đối
trong niềm tin tôn giáo của mình ?
Nguyễn Trọng Viễn, OP.
Những vấn đề hội nhập văn hoá và đối thoại liên tôn đã được khởi sự nhiều lần trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nhưng rồi những bước khởi đầu ấy đã, một cách nào đó, vẫn cứ luôn mãi là những bước khởi đầu. Những nỗ lực ấy cứ vòng vo mãi, khởi đầu rồi lại khởi đầu, bị lãng quên rồi bắt đầu lại,… Người ta có thể nhận ra nguyên nhân của tình trạng vòng vo ấy là vận nước nổi trôi của dân tộc Việt Nam. Điều đó dĩ nhiên là đúng, nhưng cũng phải nhận ra trách nhiệm của chính Giáo Hội Việt Nam, trách nhiệm về một tinh thần nửa vời, thái độ cục bộ, nhận thức hời hợt về thế đứng của mình…
Một cách nào
đó, nếu chuyện đối thoại liên tôn chỉ được đón nhận như một vấn đề phụ thuộc, một
thứ sinh hoạt dị vật trong quỹ đạo sống của Giáo Hội Việt Nam, thì những nỗ lực
đây đó của ai đó sẽ bị thải loại trong dòng lịch sử, khi mà nhu cầu phải tồn tại,
nỗi lo phải chiến đấu trong cuộc chiến thảm hại để sống còn, những thúc bách phải
củng cố nội bộ… vẫn chưa một lần được tạm giải quyết. Giờ đây, số báo này lại
như một sự thức tỉnh trong cơn mê dài của Giáo Hội Việt Nam, thức tỉnh để khỏi
chìm đắm trong giấc ngủ mê, mặc dù biết rằng mình vẫn chưa đủ sức trỗi dậy để
thực sự lên đường.
Với tình hình
Giáo hội hiện nay, vấn đề đối thoại và cộng tác giữa các tôn giáo lại có thêm một
“chướng ngại” khác, đó là sự phát triển của thuyết tương đối cùng với những cảnh
giác của giáo quyền về chủ thuyết này[1]. Làm sao
tìm được một thế đứng đúng đắn và thanh thản trong cuộc đối thoại và cộng tác
này? Làm sao đối thoại và cộng tác một cách tích cực trong khi mà tôn giáo nào
cũng, mặc nhiên hoặc minh nhiên, khẳng định xác tín căn bản về tính tuyệt đối
trong niềm tin tôn giáo của mình?
1. Quả lắc đa chiều
Tư tưởng con
người, đặc biệt là dòng tư tưởng Tây phương, giống như một quả lắc, một quả lắc
đa chiều, khi thì quá nghiêng về bên này, khi thì quá nghiêng về bên kia. Khác
với con vật vốn bị chi phối “độc chiều” trong những tương tác của cuộc sống,
con người lại là một loại sinh vật có khả năng phản tỉnh. Trong con người vẫn
có một lời mời gọi sâu kín thúc bách con người tìm lại căn tính của mình. Do
đó, cứ mỗi khi xã hội nghiêng chiều thái quá về một phía nào, thì liền đó, xuất hiện những phản ứng ngược lại để
tái lập thế quân bình của tâm hồn con người. Trong một xã hội đề cao kim tiền
thì sẽ có những người biết chê chán giá trị đồng tiền. Trong một xã hội bị tha
hóa vì ích kỷ, sẽ xuất hiện những con người quảng đại biết hy sinh cho tha
nhân. Trong xã hội quá đề cao tính cách cá nhân hẹp hòi, luôn có những trào lưu
đi tìm lại giá trị của cộng động… Con người luôn biết dừng bước để đặt lại vấn
đề.
Trong nền tảng
sâu xa của những biến động quả lắc ấy chính là một lòng khao khát chân lý mà
các chủ thuyết, tuyệt đối hay tương đối, tuyệt đối này hay tuyệt đối kia, tương
đối này hoặc tương đối nọ, vẫn chưa đáp ứng được.
Nói chung, từ
thế kỷ XIX trở về trước, người ta luôn thấy có sự hiện diện của một "cái
tuyệt đối" nào đó, cho dù có khác nhau trong cách xác định tuyệt đối đó là
gì. Với người này, cái tuyệt đối đó là vật chất, người khác lại cho là Thiên Chúa,
người khác thì gắn phẩm chất tuyệt đối vào một giá trị nhân bản nào đó. Thứ tuyệt
đối “duy tâm” thì tự hào với ý nghĩa cao quý của tinh thần con người, của phẩm
giá con người, nhưng lại quên đi thực tế chua cay vẫn cứ đè nặng trên thân phận
cụ thể của những con người cụ thể. Rồi thứ
tuyệt đối “duy vật” thì tự hào về tính cách khoa học, tính thực tiễn của mình để
rồi lại dẫn dắt con người vào ngõ cụt của những đánh giá thực nghiệm trên huyền
nhiệm con người … Quả lắc đong đưa từ “đất” lên tới “trời” và ngược lại.
Thế kỷ XX, có thể nói được, là thế kỷ lật đổ ngai vàng của tuyệt đối; người
ta thay thế tuyệt đối bằng cái tương đối: tự do chính trị thay vì một chủ thuyết
cứng nhắc; tự do tôn giáo thay vì một thứ khư khư khẳng định tôn giáo của mình
với bất gì giá nào; người ta chối bỏ mọi thứ "duy", vì nó mang tính
tuyệt đối. Chiều hướng đó khởi đi từ một nhận thức mới ngay trong lãnh vực trước
đây vốn là lãnh địa của tuyệt đối, lãnh vực khoa học, và có khuynh hướng lan rộng
đến cả lãnh vực của tôn giáo nói chung và niềm tin Kitô giáo nói riêng. Quả lắc
này lại đong đưa từ phải qua trái và ngược lại.
Trong cuộc chiến
giữa các khuynh hướng tuyệt đối, chính chủ thuyết tương đối là “ngư ông đắc lợi”.
Nhưng trong thế lửng lơ của tương đối, các khuynh hướng tuyệt đối lại tìm ra được
con đường sống của mình một cách rõ rệt hơn…
2. Con người tương đối mang dấu ấn của tuyệt đối
Bầu khí tương đối
là một phản ứng đối với thái độ bất khoan dung, với thái độ cuồng tín của những
chủ trương tuyệt đối và bầu khí tương đối ra như mở cửa cho việc đối thoại và hợp
tác. Phải chăng thái độ chấp nhận tương đối phản ảnh đúng thực trạng của bản chất
người hơn và thúc đẩy sự tiến bộ nhiều hơn ?
Quả thật, đời sống
con người là bất tất, nghĩa là nó có thể thế này, có thể thế khác, không đương
nhiên phải như thế nào cả. Như thế cũng có nghĩa là đời sống con người đầy dẫy
những tương đối, chẳng có gì hoàn toàn tốt, hoàn toàn đẹp, hoàn toàn đúng, hoàn hảo; chẳng có gì, theo lý lẽ, là
điều đòi buộc con người cách tuyệt đối, chẳng có gì là không có không được.
Không đương nhiên tôi phải có mặt trên đời...; không đương nhiên tôi là con
trai hay con gái; không đương nhiên tôi phải sinh ra trong gia đình này; không
đương nhiên tôi phải sống thế này hay thế khác; trước cái chết, con người buộc
phải chấp nhận sự thực là ta không thể làm chủ được ngay cả chính hiện hữu của
ta; và nhiều khi vận mạng một con người, được ca tụng với tất cả ngôn từ và những
ý niệm cao quí nhất, lại như bị qui định bởi một hạt cát tình cờ trong gót giầy... Tất cả mọi sự của con người đều tương đối; tất
cả mọi sự vây quanh con người đều bất tất; tất cả mọi kết quả từ những công
trình vĩ đại nhất của con người đều mấp mé trên bờ vực của hư vô.
Tuy vậy, cái
tương đối cũng để lại những khoảng trống trong hành trình đời người. Trong thế
giới tương đối, làm sao người ta có thể chấp nhận một mệnh lệnh luân lý là tuyệt
đối ? Thế mà một mệnh lệnh luân lý tương đối luôn mở đường cho những lạm dụng
và dẫn đến sự hoài nghi, có nguy cơ phá huỷ hết mọi giá trị vững bền của bản chất
người. Trong thế giới tương đối, làm sao con người có thể dấn thân hết mình với
một lý tưởng, làm sao có được những nét đẹp của một sự hy sinh trọn bản thân
mình vì ai khác ? Thế giới tương đối có nguy cơ chặn đứng chân trời ước vọng
sâu xa của con người và biến cuộc sống thành những kỹ thật ứng xử, những qui tắc
tương giao vụn vặt.
Do đó, mặc dù
biết mọi sự của đời người là tương đối, con người lại có một niềm kiêu hãnh đặc
biệt. Chính nhờ tình trạng mọi-sự-là-bất-tất, con người lại có khả năng thể hiện
một thứ "tự do căn bản", khả năng chịu trách nhiệm trong sự chọn lựa
của mình; chính khi cảm nhận mình chỉ có những điều tương đối, con người lại
luôn muốn biến một trong số những thực tại tương đối của mình trở thành tuyệt đối;
chính khi con người bị trôi dạt như thể tình cờ trong thế giới bao la, thì con
người lại có thể gắn đời mình vào một giá trị làm nên ý nghĩa "vĩnh cửu"
của cuộc đời. Cung cách xử sự của con người như thế bộc lộ một thứ "khẩu
khí" như một quân vương đang đội lốt thần dân; và ở đây, chúng ta thấy được
tính chất sâu xa của con người: con người là một sinh vật hướng về tuyệt đối.
Nhìn ra đằng sau khuynh hướng ưa thích cái
tương đối hiện nay, người ta vẫn không thể gạt bỏ được nhu cầu về cái tuyệt đối.
Chẳng hạn khi thời đại này muốn chối bỏ một mục đích vững chãi của cuộc sống,
người ta lại nhận thấy con người trở nên đầy âu lo, xao xuyến; và hơn lúc nào hết,
cần phải đi tìm lại ý nghĩa đời mình. Paul Tillich, một nhà thần học, Tin Lành
đã nhìn thấy trong chủ nghĩa Mác, chủ thuyết hiện sinh, trong ngành phân tâm,
trong hội họa... đâu đâu cũng có những mối bận tâm muốn tìm ra một nguyên động
lực có thể mang tải tất cả những sinh hoạt của con người; ông nói:
Đời sống tinh thần của con người, sự sáng tạo nghệ thuật, việc
nghiên cứu khoa học, hành động đạo đức hay chính trị đều là - một cách có ý
thức hay vô ý thức – những biểu thị của một mối bận tâm cuối cùng, chính mối
bận tâm này mang lại cho chúng niềm đam mê và năng lực sáng tạo, cũng như chiều
sâu vô tận và tính thống nhất trong hành động.[2]
Với khát vọng
tuyệt đối, con người mới có thể mở rộng chân trời của khát vọng vô biên. Sống với
yêu sách tuyệt đối, con người mới có thể đạt tới đẳng cấp cao nhất trong tiến
trình trưởng thành, tình trạng sung mãn nhất của tâm hồn con người. Sống với yếu
sách tuyệt đối, con người như được lặn sâu nhất vào trong nguồn cội hiện hữu của
mình, buông cuộc đời theo một tiếng gọi "thiêng liêng", hình thành cuộc
đời mình theo một sứ vụ. Chính ý nghĩa của ơn gọi và sứ vụ như một yêu sách tuyệt
đối mới có thể cung cấp nhịp cầu đưa hiện hữu người vào tầm mức siêu việt.
Tất cả những điều đó giúp ta hiểu được ấn dấu
của tuyệt đối đã ghi tạc sâu xa trong con người, và chúng ta hiểu tại sao, dù
mang thân phận tương đối, bất tất, con người lại luôn mang vác một yêu sách tuyệt
đối, khát vọng tự mình chọn lựa ý nghĩa cho mình và chọn lựa một cách dứt
khoát, không hạn chế hay từ nhượng.
3. Tuyệt đối nào ?
Như thế, trong khuynh hướng ngày nay, ta thấy
con người không phải không muốn tìm tuyệt đối, nhưng đúng hơn là muốn tìm một
thứ tuyệt đối nào thực sự có khả năng mang lại giải thoát cho thân phận con người.
Nhưng đó là tuyệt đối nào ?
Duy vật cũng là
một quan niệm tuyệt đối và tuyệt đối duy vật, hoặc nói chung là các quan niệm
triết học lấy vũ trụ quan làm nền tảng, đưa vận hành cuộc sống con người chìm
vào những quy luật “ngàn đời”, nhưng phẩm chất ngã vị của con người chắc chắn bị
suy giảm. Nền tảng thế giới duy vật - dù là duy vật biện chứng, biện chứng giữa
vật chất và ý thức, biện chứng giữa tương tác xã hội ở đây/lúc này với dòng lịch
sử của cá nhân hay của toàn thể xã hội - vẫn chỉ có thể “hứa hẹn” con đường một
chiều của tất định thuyết. Tuyệt đối duy vật thực sự khó lòng mở ra những chân
trời mới, mời gọi sự đối thoại và hợp tác với các tuyệt đối khác hơn hết.
Quan sát lịch sử
nhân loại, người ta có thể thấy rằng con người không phải chỉ là “tổng hoà những
tương quan xã hội”, và nền tảng của mọi tương quan xã hội ấy lại là thế giới
quan duy vật. Khó ai có thể chối bỏ cảm nhận rằng vận hành của lịch sử con người
như bị cuốn hút vào một chiều hướng đi lên, chiều hướng vượt quá, vượt quá
chính mình và vượt quá thế giới của những tương tác tương đối trong vũ trụ và
thế giới này. Vận hành quả lắc căn bản trong vận mạng của con người không phải
là cuộc đánh đu giữa những cột mốc lơ lửng trên vực thẳm của hư vô, nhưng là những
bước tiến-lùi, hoặc nghiêng ngả giữa hư vô và niềm tin gắn vào một cột mốc vững
chắc của một tuyệt đối ẩn hiện nào đó.
Một thứ tuyệt đối
ẩn hiện của những khuynh hướng duy linh dĩ nhiên cũng dễ tiêu diệt khả năng đối
thoại, như người ta thường thấy được nơi đó một thái độ cuồng tín. Nếu chủ thuyết
tuyệt đối nào cũng đặt cái “tuyệt đối khách quan” của mình ra trước và buộc người
khác phải công nhận, thì chẳng những không có đối thoại đích thực, mà thế giới
này còn trở nên một chiến cuộc bất khoan nhượng giữa các tôn giáo. Chiến tranh
tôn giáo là thứ chiến tranh sâu xa và dữ dội nhất, vì khả năng đối thoại và
khoan nhượng không thể có được trong thế giới những tuyệt đối như vậy. Tuy
nhiên, một khi đã kinh qua niềm phấn khởi chóng tàn của thuyết tương đối, người
ta hiểu ra một ý nghĩa mới trong niềm tin vào một tuyệt đối. Dĩ nhiên con người
chỉ có thể sống phong phú và sung mãn khi gắn cuộc đời mình vào một tuyệt đối,
nhưng đây, trước tiên, là một thứ tuyệt đối mang tính chủ thể. Quả thật, trong
thế kỷ XX, những khái niệm căn bản của xã hội không còn là “khoa học”, “khách
quan”, “hợp lý”…, nhưng long lanh giá trị sống động của chủ thể, lương tâm, của
nhân vị tự do… Thế giới tinh thần con người được khám phá như một châu lục mới,
mênh mông và phong phú hơn tất cả các châu lục của trái đất này.
Thật ra, khi lật
đổ ngai vàng của tuyệt đối, có lẽ người ta chỉ không muốn xác định một thứ tuyệt
đối thuần túy khách quan nào đó; người ta từ chối một sự áp đặt tuyệt đối từ
bên ngoài. Trong thế giới chủ thể tính, người ta nhận ra khao khát tìm tuyệt đối
cần được thể hiện trong lãnh vực hiện sinh; một tuyệt đối được tìm kiếm như ý
nghĩa quan trọng nhất của đời mình; gắn liền với những ưu tư, lo lắng, với niềm
vui, hạnh phúc về chính vận mạng của con người.
Như thế, chúng
ta có thể thấy chân trời của đối thoại và hợp tác mở ra. Đối thoại và hợp tác
chỉ có thể chân chính trong thế giới của những chủ thể. Đối thoại và hợp tác chỉ
có thể mang lại hoa trái tốt đẹp khi người ta biết thực sự trân trọng xác tín của
người khác; đồng thời cũng thanh thản, chân thật sống xác tín tuyệt đối của
chính mình. Đối thoại và hợp tác chỉ có thể sống được trong thế giới liên chủ
thể tính đích thực. Trong đối thoại này, yếu tố căn bản không còn phải là sự
khôn khéo, tế nhị, hoặc lèo lái ngấm ngầm, nhưng là một sự chân thật hồn nhiên
với chính mình và tôn trọng chân thật với người khác.
Bản tuyên ngôn
về Tự Do Tôn Giáo của Công đồng
Vatican II đã phải trải qua một cuộc tranh luận sôi nổi trong nội bộ và lôi kéo
sự quan tâm của toàn thế giới. Nhiều người bên ngoài Giáo hội đã theo dõi cuộc
tranh luận này để xem Giáo hội thành thực với mình và với thế giới đến mức nào,
vì người ta có lý để nghi ngờ một thái độ giả hiệu, theo đó, Giáo hội Công giáo
chỉ đòi hỏi quyền tự do tôn giáo khi người công giáo là thiểu số; còn khi lực
lượng công giáo chiếm đa số và có ưu thế về quyền bính, thì Giáo hội lại dễ
dàng coi thường hoặc từ chối quyền tự do tôn giáo của người khác… Bản Tuyên
ngôn ấy đã khẳng định :
Xét
theo phẩm giá, mọi người, vì là những nhân vị, nghĩa là có trí khôn và ý chí tự
do, nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình. Vì thế, do bản tính tự nhiên
thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc, con người phải tìm kiếm chân
lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng phải tin theo chân lý đã nhận
biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý. Tuy
nhiên, con người không thể chu toàn bổn phận đó một cách thích hợp nếu không được
hưởng dụng sự tự do tâm lý đồng thời được đặc miễn đối với sức cưỡng bách bên
ngoài. Vậy quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính con người, chứ
không phải trên thái độ chủ quan của con người. Vì ngay cả những người không
chu toàn nhiệm vụ tìm kiếm và tuân theo chân lý, vẫn còn quyền đặc miễn này, và
không ai được ngăn cản việc hành xử quyền ấy nếu trật tự công cộng chính đáng vẫn được bảo đảm (TG 2 b).
Tạm kết
Mảnh đất nhân bản
đích thực thiết yếu phải được đặt dưới bầu trời tâm linh. Đó là xác tín chung của
các tôn giáo; đó cũng là quãng hành trình dài mời gọi sự đối thoại và hợp tác
liên tôn.
Đối với Kitô
giáo, hình như mảnh đất nhân bản – tâm linh ấy còn khá chật hẹp và chưa được
khai thác. Người Kitô hữu có nhiều nỗ lực làm việc bác ái và công tác xã hội để
có thể hợp tác với các tôn giáo khác, nhưng để đối thoại về những giá trị nhân
bản xuất phát từ nền tảng lịch sử ơn cứu độ và tín lý thì có lẽ còn rất hiếm
hoi. Những giáo trình nhân bản trong Giáo hội hầu như cứ phải lấy lại của nho
giáo mà ít nhận ra được sự phân biệt nền tảng trong hệ thống tư tưởng. Sự lập lờ
trong khác biệt không phải là điều hay trong đối thoại, nhưng chính sự xác tín
minh bạch cùng một thái độ tôn trọng chân thật mới có thể làm cho cuộc đối thoại
trổ sinh hoa trái.
Đăng nhận xét