Trong bài này, chúng tôi xin được giới thiệu
trước hết quan điểm chính thức của Hội Thánh
về “Con Đường Đối Thoại”,
đối thoại nội hướng với anh em trong nhà,
và đối thoại ngoại hướng với bà con láng giềng hàng xóm.
Kế đến, chúng tôi xin trình bày những mục tiêu, những tiêu chí do Hội Thánh quy
định … để một đàng bảo vệ tính chính danh và thành quả chắc chắn của việc đối
thoại,
đàng khác ngừa tránh những hệ lụy tiêu cực …
Tu
sĩ P.X. Nguyễn Văn Nhứt, OP.
Một trong những nét đặc trưng của Hội Thánh vào giai đoạn sau Công Đồng Vatican II là “đối thoại” - không những chỉ là tinh thần dối thoại, chính sách đối thoại, nỗ lực đối thoại, hành động đối thoại, mà còn thiết yếu là lựa chọn đối thoại như con đường “một đi không trở lại”[1] để đến với mọi người, bất chấp vẫn còn ngổn ngang bao thứ chướng ngại, vật cản trên từng bước đi.
Trong bài nầy, chúng tôi xin được giới thiệu trước hết quan điểm chính
thức của Hội Thánh về “Con Đường Đối Thoại”, đối thoại nội hướng với anh em
trong nhà, và đối thoại ngoại hướng với bà con láng giềng hàng xóm. Kế đến, chúng tôi xin trình bày những mục
tiêu quan yếu được Hội Thánh nhắm đến trong công cuộc đôi thoại. Sau cùng, chúng tôi sẽ nêu ra những tiêu chí
do Hội Thánh quy định - vừa chỉ ra những hình thức hoặc mức độ đối thoại, vừa mời
gọi những ai muốn dấn thân cho sứ vụ đối thoại phải được chuẩn bị thích đáng - để
một đàng bảo vệ tính chính danh và thành quả chắc chắn của việc đối thoại, đàng
khác ngừa tránh những hệ lụy tiêu cực - nhứt là trong lãnh vực đạo lý - do ngộ
nhận, thậm chí lạm dụng, ý nghĩa và mục đích cao quý của sứ vụ đối thoại.
I.
Đối
Thoại theo Quan Điểm của Hội Thánh
1)
Ý
Nghĩa
Lẽ thường tình, đối thoại – dialogue
- giả thiết có 2 phía để luân phiên phát biểu và lắng nghe.[3] Nếu chỉ có nói mà không có nghe - hoặc do cả
2 cùng tranh nhau nói, hoặc một bên nói át đi hoặc bịt mồm cả bên kia, hoặc
không được phát biểu một cách trung thực điều mình muốn phát biểu - thì một bên
chỉ còn hiện diện cho có hình thức, vì thực chất đối thoại đã biến thành độc
thoại.
Trong Sứ Điệp về Ngày Truyền Thông Thế Giới dịp Lễ Chúa Thăng Thiên năm
2012, Đức Thánh Cha Biển Đức thứ 16 nhấn mạnh đến yếu tố “tương kính lắng nghe trong thinh lặng” như điều kiện thiết yếu để đạt
được công cuộc truyền thông chính danh.
Tôi
xin chia sẻ cùng anh chị em vài cảm nghĩ về một góc độ trong trong tiến trình
trao đổi thong tin giữa con người với nhau.
Góc độ này, dù rất hệ trọng, thường bị coi nhẹ. Tuy vậy, hình như đã đến lúc mọi người phải
quan tâm đến yếu tố đó: mối tương quan giữa
thinh lặng và lời nói. Đây là hai
khía cạnh trong động tác thông tin cần phải đượ c gioncilu cho quân bình, có thể
hoán chuyển và tháp nhập vào nhau, nếu chúng ta muốn đạt đến một cuộc đối thoại
đích thực.[4]
2)
Nền
Tảng
Con người là sinh vật có khả năng sử dụng ngôn từ - lời nói - bên cạnh
chữ viết, hoặc các hình thức diễn đạt khác, để giao tiếp. Tương quan giữa 2 con người, 2 nhân vị, do
đó, được thiết lập, phát triển, củng cố, qua việc trao đổi ngôn từ. Thánh Kinh dạy rằng con người được sáng tạo
theo hình ảnh của Thiên Chúa[5] Chính Thiên Chúa đã khởi đầu công cuộc đối
thoại với thụ tạo khi nhờ Lời của Người mà dựng nên vũ trụ càn khôn.[6] Thiên Chúa - tuy là Đấng Toàn Năng nắm quyền
quyết định vận số của muôn vật muôn loài - kiên trì theo đuổi công cuộc đối thoại
với con người cho đến chung cuộc khi phát biểu qua Ngôi Lời trường cửu nay mặc
lấy xác phàm.[7]
Vào
thời điểm có Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phao-lô VI, Tiền Nhiệm của
tôi, tuyên bố trong Thông Điệp Hội Thánh
Của Chúa là vấn đề tương quan giữa Hội Thánh và thế giới hiện nay là một
trong những nỗi bận tâm trọng yếu nhứt của thời đại chúng ta. Người viết: “mối tương quan nầy xuất hiện như một tình trạng cấp bách khiến chúng ta
phải nặng lòng, bị thôi thúc, bị giục giã.”
Từ đó về sau, Hội Thánh luôn trước sau như một bày tỏ mong muốn theo
đuổi mối tương quan ấy trong một tinh thần đối thoại. Dầu vậy, ước nguyện đối thoại không phải đơn
thuần là một chiến thuật để mọi người được chung sống thuận thảo với nhau, song
đây là một thành phần chủ yếu trong sứ vụ của Hội Thánh, bởi lẽ đối thoại được
khơi nguồn từ chính công cuộc đối thoại đầy yêu thương về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha với
nhân loại thông qua Chúa Con, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh chỉ có thể chu toàn sứ vụ của mình
theo một đường hướng phù hợp với cách thức Thiên Chúa đã hành động trong Chúa
Giê-su Ki-tô: Người trở thành con người, chia sẻ cuộc sống phàm nhân, và sử dụng
ngôn ngữ của chúng ta để truyền đạt thông điệp cứu nhân độ thế của Người. Mầu nhiệm Nhập Thể là nền tảng của công cuộc
đối thoại do Hội Thánh khởi xướng.[8]
Thừa ủy nhiệm của Chúa Ki-tô, Hội Thánh đảm nhận sứ vụ truyền giảng Tin
Mừng Cứu Độ thông qua công cuộc đối thoại.[9]
3)
Đối
Tượng
Công cuộc đối thoại được tiến hành song song, vừa đối thoại với anh chị
em trong nhà - Đối Thoại Đại Kết—, vừa đối thoại với bạn bè hàng xóm - Đối Thoại
Liên Tín, hoặc cũng thường gọi là Đối Thoại Liên Tôn.
a. Đối
Thoại Đại Kết
Công cuộc “Đối Thoại Đại Kết” (ecumenical
dialogue) diễn ra giữa và trong bối cảnh những nhóm Ki-tô hữu tuy còn nhiều
dị biệt về phương cách nhận thức và diễn đạt niềm tin vào huyền nhiệm Hội
Thánh, nhưng đã thật sự thông hiệp vững chắc trong cùng một đức tin và một Bí
Tích Thánh Tẩy trong Chúa Giê-su Ki-tô.
b. Đối
Thoại Liên Tín
Thiết nghĩ cần phân biệt hàm ý khác biệt giữa hai danh xưng “Đối Thoại
Liên Tôn” (inter-religious dialogue)
và “Đối Thoại Liên Tín”.(inter-faith
dialogue). “Liên Tôn” gợi ý cuộc gặp gỡ giữa hai tôn giáo mang tính chất cơ
chế, tổ chức, phẩm trật, nghi thức và, tất yếu, luật pháp. “Liên Tín” vượt qua các giới hạn cấu trúc nói
trên để giản đơn và thiết yếu chỉ là cuộc hội ngộ giữa hai niềm tin, hai xác
tín - bất kỳ là niềm tin hay xác tín đó mang tính chất tôn giáo, xã hội, văn
hóa, hoặc ngay cả chính trị.[10] Sứ vụ truyền giảng Tin Mừng của Hội Thánh, một
khi được Chúa Ki-tô Phục sinh ủy thác “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”[11] chẳng những mang tính
toàn cầu (tứ phương thiên hạ) mà còn
có tầm mức hoàn vũ nữa (cho mọi loài thọ
tạo).
Trong bài viết này, chúng tôi chủ ý chọn cụm từ “đối thoại liên tín” khi
nói về nỗ lực của Hội Thánh để tiếp cận với anh chị em không phải là Ki-tô hữu.
4)
Tiến Trình
Lấy cột mốc đối chiếu là thời điểm Công Đồng
Vatican II công bố văn kiện “Nostra Aetate” về mối tương quan giữa Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, tiến trình đối thoại
của Hội Thánh đã trải qua nhiều chặng đường sôi nổi, dũng cảm, và vẻ vang.
a)
Biện
Giáo và Độc Thoại
Lịch sử Hội
Thánh còn ghi lại nhiều chứng cứ về nỗ lực giới thiệu Tin Mừng Chúa Ki-tô Phục
Sinh cho một thề giới hãy còn xa lạ, thậm chí thù nghịch, với tôn giáo mới xuất
hiện. Mặc chống đối, đàn áp và hủy diệt,
có lúc ác liệt và dai dẳng - như thời kỳ 300 năm bách hại dưới đế chế Rô-ma - Hội Thánh vẫn khiên trì, nhẫn
nhục, và không mệt mỏi, bằng mọi giá -đôi khi là giá sin
h mạng của Ki-tô hữu - tìm mọi cách tiếp cận với thế
giới, chỉ để nói cho mọi người biết Chúa Giê-su Ki-tô, đặc biệt nhấn mạnh sự thật
vĩ đại nầy là chính vì
yêu thương họ và muốn cứu họ khỏi ác tà, mà
Chúa đã hy sinh tính mạng trên
Thánh Giá.[12]
Lời giảng của Hội Thánh, vẫn trước sau như một,
chuyển tải cùng một thông điệp, cùng một nội dung là chính Lời Tin Mừng, tàng ẩn quyền năng cứu thoát và ban sức sống.[13] Tuy nhiên,
tùy hoàn cảnh, đối tượng, và phương hướng,
việc truyền giảng có thể đặt trọng tâm ở một hoặc nhiều điểm nhấn sau: “biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ”.[14] Không phải đợi đến Thời Trung Cổ, mà ngay từ
thủa khai sáng, Hội Thánh phải đối đầu với các khuynh hướng sai lạc về đức tin
và luân lý Ki-tô giáo.[15] Hành vi chống đối rất nhiều lần không còn dừng
lại trong khung cảnh hàn lâm, học thuật, diễn
ra giữa những huynh đệ cùng chia sẻ nỗi khao khát tìm kiếm chân lý cứu độ, mà bùng nổ thành bạo lực
- lôi kéo hoặc bị lôi kéo theo quyền lực thế
tục khiến nguy cơ một Hội Thánh bị chia năm xẻ bảy chỉ còn là vấn đề “khi nào?” mà thôi.[16] Do đó, mọi biện pháp cần thiết phải được vận
dụng để bảo vệ bình an của Dân Chúa và thánh đức của Hội Thánh. Một mặt, mối bận tâm phòng vệ được đẩy tới cực
điểm với các quy định cấm đoán nghiêm ngặt không để con cái trong nhà tiếp xúc
với mọi hình thức độc hại về phương diện đạo lý đến từ bên ngoài, song hành với
biện pháp trừng phạt nặng nề - thí dụ hình phạt khai trừ khỏi Hội Thánh.[17] Mặt khác, các mũi tiến công được phát động tối
đa nhắm công phá mọi mục tiêu ác tà - kể
cả thực chất là thế hay bị suy diễn là như thế.
Trong bối cảnh nói trên, “đối thoại” hầu như biến mất khỏi bảng từ vựng
giáo lý đến mức tiếng nói của Hội Thánh chỉ còn là lời độc thoại.
b)
Đối
Thoại và Kiên Định
Thật ra, cánh cửa đối thoại chưa bao giờ minh nhiên hoặc mặc nhiên đóng
lại trong nỗ lực không mệt mỏi của Hội Thánh để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng
Cứu Độ.
Nối tiếp bước chân của Thánh Phao-lô, Vị Đại Tông Đồ Lương Dân, nhiều
nhà truyền giáo vượt qua biên cương địa lý, văn hóa và tôn giáo vẫn được quy ước
thời bấy giờ, để thi hành nghiêm lịnh công bố Tin Mừng. Các vị ấy ngẫu nhiên trở thành những sứ giả mở
đầu cho một giai đoạn mới của cuộc gặp gỡ giữa Hội Thánh với các dân tộc bên
ngoài lãnh địa truyền thống Ki-tô giáo.
Đáng kính nể hơn hết là công trình của Cha Matteo Ricci, thuộc Dòng Chúa
Giê-su (Dòng Tên), Đấng Sáng Lập Miền Truyền Giáo Trung Quốc.[18] Tài đức kiệt xuất của Cha chẳng những giúp
cho Tin Mừng Chúa Ki-tô được con cháu Đức Khổng Tử lắng nghe, mà còn xây nên nhịp
cầu văn hóa và tâm linh nối liền hai châu lục Âu-Á.
Trong lãnh vực học thuật - như triết lý và thần học
chẳng hạn - cũng có những bước đột phá ngoạn mục để khai thông kênh liên lạc giữa
Hội Thánh và thế giới bên ngoài. Đơn cử
đóng góp vĩ đại của Thánh Tô-ma A-qui-nô, thuộc Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Dòng
Đa Minh), trong việc vận dụng triết học Hy Lạp của Đại Sư A-rít-tốt, và triết
lý Ả-rập của Đại Sư Averroes - vốn nằm trong tầm ngắm đầy nghi kỵ của giáo quyền
thời bấy giờ - để kiến tạo một thần học kinh viện, cống hiến một chỗ dựa uy tín
cho giáo thuyết của Hội Thánh.[19]
Những đóng góp kiên định như trên, dầu nhìn thấy được hoặc âm thầm,
khiêm tốn, vẫn diễn đạt ước muốn mãnh liệt của Hội Thánh là chọn con đường đối thoại để chu toàn sứ vụ Phúc
Âm Hóa Các Dân Tộc. Công Đồng
Vatican II chính là thành quả của công trình gieo trồng trong mồ hôi, nước mắt,
và cả máu đào, của mọi thành phần Dân Chúa.[20]
Nhiều vị anh hùng tiên phong trong sứ vụ đối thoại đã không kịp nhìn thấy
giây phút những nỗ lực và hy sinh của mình đươm bông kết trái. Song chắc chắn Hội Thánh sẽ mãi ghi nhớ công
trạng của họ, và chính Đấng họ tận trung phụng sự sẽ ban thưởng cân xứng cho họ.
II.
Mục
Tiêu của Sứ Vụ Đối Thoại
1)
Đối
Thoại Đại Kết
Mục tiêu trước mắt là nhắm tái lập hình ảnh hiệp nhứt nguyên thủy của Hội
Thánh. Tình trạng chia rẽ, thậm chí thù
nghịch và triệt tiêu lẫn nhau, quả là một chướng kỳ không thể biện minh do những
người tự xưng là tín hữu Chúa Ki-tô gây ra trước mặt thế giới. Gương xấu đó rõ ràng là một phản chứng, làm
thương tổn uy tín và thánh đức của Hội Thánh, vốn là “bí tích hiệp nhứt”,[21] và khiến cho nỗ lực truyền
giảng Tin Mừng bị suy yếu, nếu không muốn nói là ít tác dụng.[22]
Nhưng không thể có hiệp nhứt thực sự nếu chỉ cố
khiên cưỡng tạo được một cơ chế đồng phục, đồng bộ mà lại thiếu một cuộc hoán cải,
hòa giải, và đổi mới từ bên trong Hội Thánh, từ nơi sâu thẳm của cõi lòng mỗi
Ki-tô hữu. Đối Thoại Đại Kết phải đảm nhận
thách đố nặng nề song cao quý nầy.[23]
2)
Đối
Thoại Liên Tín
Trong nỗ lực tiếp cận các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, Hội Thánh không dừng
lại ở mức độ mối giao hảo tương kính tương thân. Thành tâm nhìn nhận và kính trọng những yếu tố
chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo ấy[24] không hề làm suy giảm nhiệm
vụ của Hội Thánh phải công bố cho nhân loại biết Chúa Ki-tô là “Đường, Chân Lý,
và Sức Sống”,[25]
là Đấng Cứu Thế duy nhứt, và Hội Thánh do Người sáng lập là bí tích cứu độ.[26] Tóm lại, giảng
Tin Mừng trong cung cách đối thoại, và đối
thoại vì sứ vụ truyền giảng Tin Mừng.[27]
Trừ phi những mục tiêu
vừa nêu được triệt để nhắm đến, công cuộc đối thoại liên tín dễ gặp phải nguy
cơ “dĩ hòa vi quý”, “cào bằng” theo kiểu “đạo nào cũng tốt”.[28]
III. Tiêu Chí của Sứ Vụ Đối Thoại
Trước tiên là những hình thức gặp gỡ, nơi diễn ra công cuộc đối thoại. Kế đến là một số yêu cầu đối với những ai thực
tâm dấn thân vào sứ vụ đối thoại.
1)
Những
Hình Thức Đối Thoại
Có 4 hình thức hoặc tầm mức đối thoại:[29]
a) Đối
Thoại Trong Cuộc Sống
Sống gần gũi, hòa mình vào những vui buồn, sướng khổ của kiếp người sẽ
rút ngắn khoảng cách, gỡ bỏ rào chắn do ngộ nhận, thành kiến dựng lên.
b) Đối
Thoại Trong Hành Động
Tìm những đồng điểm, chung sức hợp tác hành động vì công ích, bảo vệ con
người, bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa, tâm
linh.[30]
c) Đối
Thoại Trong Trao Đổi Thần Học
Nghiên cứu, học hỏi, thảo luận, trao đổi về giáo lý, nghi lễ, luật lệ,
truyền thống giữa các học giả uy tín, theo và trên những “kênh” chính thức và
chính thống.[31]
d) Đối
Thoại Trong Trao Đổi Kinh Nghiệm Tôn Giáo
Đây là cuộc hội ngộ của những cõi lòng khát vọng
chiều kích siêu việt về Đấng Tối Cao, Cội Nguồn Chân, Thiện, Mỹ Tuyệt Đối. Cảm nghiệm rất sống, rất thực phần nào bù đắp
được nỗ lực diễn tả, biểu thị vô cùng vụng về, khiếm khuyết, qua ngôn ngữ bất
toàn, bất tương xứng của loài người.[32]
2)
Những
Phẩm Chất Của Người Đối Thoại
Hội Thánh một mặt thiết tha mời gọi mọi người thiện tâm tham gia vào
công cuộc đối thoại, song mặt khác ân cần nhắn nhủ những tín hữu dấn thân cho sứ
vụ nầy phải được chuẩn bị thích đáng.
Chỉ những ai trưởng thành và xác tín trong đức tin Ki-tô
giáo mới đủ phẩm chất để dấn thân vào một cuộc đối thoại liên tôn chân
chính. Chỉ những Ki-tô hữu đã đính kết
sâu xa trong huyền nhiệm Chúa Ki-tô, và sống hạnh phúc với cộng đoàn đức tin của
mình, mới có thể tham gia vào sứ vụ đối thoại liên tôn.mà không lo xảy ra rủi
ro bất tiện, để hy vọng đạt được hoa trái tích cực.[33]
Do tính chất gần gũi hữu cơ giữa sứ vụ đối thoại với
sứ vụ truyền giảng Tin Mừng, điều Hội Thánh căn dặn nhà truyền giáo cũng có ý
nghĩa quan trọng đối với người dấn thân trong công cuộc đối thoại: phải là con
người đối thoại trước lúc bắt đầu sứ vụ đối thoại.
Hội
Thánh là người truyền giảng Tin Mừng, song Hội Thánh bắt đầu công cuộc ấy bằng
việc truyền giảng Tin Mừng cho chính mình.
Hội Thánh là một cộng đoàn tín hữu, cộng đoàn của một niềm hy vọng đã được
trải nghiệm và truyền đạt, cộng đoàn tình yêu huynh
đệ. Hội Thánh cần liên tục lắng nghe điều
mình phải tin, lắng nghe lý do vì sao mình hy vọng, lắng nghe giới luật mới về
yêu thương. Hội Thánh là Dân
Thiên Chúa
hòa mình vào trần thế, và thường bị các thần tượng
cám dỗ,
nên luôn cần nghe công bố “những công trình vĩ đại của Thiên
Chúa nhờ đó mà được dẫn dắt trở về cùng Đức Chúa. Hội Thánh luôn cần được Chúa tái kêu gọi và
tái hiệp nhứt. Tắt một lời, nếu muốn giữ vững mãi nét tươi trẻ, sức sung mãn, và nghị lực để truyền giảng
Tin Mừng, Hội Thánh cần phải được Tin Mừng hóa liên tục. Công Đồng
Vatican II nhắc nhở, và Thương Hội Đồng 1974 chọn lại chủ đề nầy, xác quyết rằng:
Hội Thánh được Tin Mừng hóa qua tiến trình liên tục hoán cải và canh tân để có
đủ tư cách khả tín mà giảng Tin Mừng cho thề giới.[34]
[1] “At the Second Vatican Council, the
Catholic Church committed herself irrevocably to following the path of the
ecumenical venture” (Xin Cho Họ Được Hiệp
Nhứt, số 3).
[2] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn, Đối Thoại Và Công Bố, số 54.
[3] Xc Gerald O’Collins, S.J., A Concise Dictionary of Theology, 63-64.
[4] Thông Điệp
Ngày Truyền Thông Thế Giới Lần Thứ 46. “Thinh Lặng Và
Lời Nói: Đường Hướng Phúc Âm Hóa, 20 tháng 5, 2012.
[5] Xc St 1:27.
[6] Xc Kn 9:1-2; Tv 33:6. 9.
[7] Xc Dt 1:1-2.
[8] Hội Thánh Tại Á
Châu, số 29.
[9] Xc Đối Thoại Và Công Bố, các số 2 và 3,
[10] Xc Nguyễn Văn Nhứt, O.P., Reconciliation in Christ: Theological Ground
for Interfaith Dialogue, Manila: University of Santo Tomas, 2011, Chap. I.
[11] Mc 16:15.
[12] Xc Cv 4:10-12;
17:22-32; 1 Cr 2:1-2.
[13] Xc Ga 6:68.
[14] Xc 2 Tm 4:2.
[15] Xc 1 Ga 2:19.
[16] Xc The New Advent Catholic
Encyclopedia The Eastern Schism; Western Schism; The Reformation; Gerald O’Collins, S.J., A Concise Dictionary of Theology, 236.
[17] Xc Mt
18:17; 1 Cr 16:22; Gl 1:9; A Concise Dictionary of Theology, 9, 84.
[18] Xc New Advent Catholic
Encyclopedia, Matteo Ricci.
[19] Xc New Advent
Catholic Encyclopedia, Saint Thomas
Aquinas; Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc đến 2 sự
kiện: 1) Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, trong Thông Điệp “Đức Tin và Lý Trí”, ủng hộ việc tôn
phong Thánh Tô-ma là Tôn Sư Tư Duy,
và Mẫu Mực của đường hướng đúng đắn để
làm thần học; 2) Sách Giáo Lý Của Hội
Thánh Công Giáo trích dẫn Thánh Tô-ma 61 lần, đứng thứ nhì sau Thánh
Âu-gu-ti-nô. (“After several Catecheses on the priesthood and on my latest Journeys,
today we return to our main theme: meditation on some of the great thinkers of
the Middle Ages. We recently looked at the great figure of St Bonaventure, a
Franciscan, and today I wish to speak of the one whom the Church calls the Doctor communis namely, St Thomas Aquinas. In
his Encyclical Fides et
Ratio my
venerable Predecessor, Pope John Paul II, recalled that "the Church has
been justified in consistently proposing St Thomas as a master of thought and a
model of the right way to do theology" (n. 43). It is not surprising that, after St Augustine, among the
ecclesiastical writers mentioned in the Catechism of
the Catholic Church St Thomas is cited more than any other, at least 61 times!”
- Trích Giáo Huấn trong buổi “Tiếp Kiến Công Chúng Ngày Thứ Tư”, 2 tháng 4, năm
2010.)
[20] Chỉ vì quá thiết tha đẩy mạnh và nhanh sứ vụ đối thoại với anh chị
em không Công Giáo, hoặc không Ki-tô Giáo, nhiều học giả Công Giáo gánh chịu
bao nỗi oan khiên, đau khổ. Đơn cử trường hợp Thánh
Tô-ma Tiến Sĩ: người tiếp tục bị truy
sát về phưong diện đạo lý ngay cả sau khi đã qua đời (xc Standford Encyclopedia
of Philosophy, Albert the Great.) Các hậu duệ của thánh nhân, như 2 tu sĩ
Marie-Joseph Lagrange và Ives Congar, chỉ được phục hồi danh dự sau bao năm trời
bị đối xử như kẻ lạc giáo. (xc website của
EBAF, Father Marie-Joseph Lagrange;
Britannica Online Encyclopedia, Ives
Congar.
[21] Xc Xin Cho Họ Được Hiệt Nhứt, số 5.
[22] “Believers in Christ (…) cannot
remain divided. If they wish truly and
effectively to oppose the world’s tendency to reduce to powerlessness the
Mystery of Redemption, they must profess together the same truth about the
Cross” (Xin Cho Họ Được
Hiệt Nhứt, số 1).
[23] Xc Hội Thánh Tại Á
Châu, số 30.
[24] Xc Hiến Chế Tín Lý Về
Hội Thánh Ánh Sáng Muôn Dân, số 16.
[25] Xc Ga 14:6.
[26] Xc Hội Thánh Tại Á
Châu, số 31; “It must therefore be firmly believed as a truth of Catholic
faith that the universal salvific will of the One and Triune God is offered and
accomplished once for all in the mystery of the incarnation, death, and
resurrection of the Son of God” (Chúa
Giê-su, số 14) “The Lord Jesus
Christ, the only Svior, did not only establish a simple community of disciples,
but constituted the Church as a salvific
mystery” (Chúa Giê-su, số 16).
[27] Xc Hội Thánh tại
Châu Á, số 31.
[28] Xc Chúa Giê-su, số 4.
[29] Xc Đối Thoại Và Công Bố, số 42.
[30] Xc Hội Thánh Tại
Châu Á, số 31.
[31] Xc Ibid.
[32] Xc Hội Thánh Tại
Châu Á, số 31.
[33] Ibid.
[34] Hãy Truyền Giảng
Tin Mừng, số 15.
Đăng nhận xét