Cho dù mang
những danh hiệu gì khác nhau,
thần học Á Châu vẫn cảm nghiệm thấy
một Thực Thể Tối Cao siêu hình
là cội nguồn cho cuộc đại hóa vũ trụ vạn vật,
đồng thời có một thực thể siêu hình tiềm tại trong con người;
do đó con người đứng trên chóp đỉnh của vạn vật, chỉ huy vạn vật
Lý Minh Tuấn
Dẫn nhập
Á Châu là một khu vực địa lý trải dài từ Ấn-Độ tới Trung Hoa; trong đó có 4 nền tư tưởng lớn: Nho Giáo, Lão Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo. Cả 4 nền tư tưởng này là những hệ thống triết học đầy tính minh triết, đã chi phối đời sống văn hóa của nhiều dân tộc. Nếu chỉ chú trọng về phần hướng về con người và sự vật, những hệ tư tưởng này được gọi là triết học (triết học Đông Phương); nhưng chúng ta có thể coi đó là những tư tưởng có tính thần học, nếu chú trọng tới những điều bàn về Thực thể siêu việt ở bên trên thế giới hiện tượng. Khái niệm về Thực thể siêu việt thường đưa đến niềm tin và chính niềm tin đó đã hướng dẫn sinh hoạt của con người.
I.
Khái niệm về Thần
Hiểu theo nghĩa tinh túy của minh
triết, chứ không hiểu theo nghĩa phổ thông bình dân, thì Thần là một thực tại
vượt trên và ở ngoài sự chi phối của không gian và thời gian; hoặc Thần là một
thực tại chi phối vũ trụ mà trí khôn loài người không hiểu thấu, kỹ năng khoa
học không thể đo lường được.
Kinh Dịch của Nho Giáo nói: “Thần vô phương nhi dịch vô thể”: Thần (Thực thể siêu việt, nguồn lực siêu
nhiên) không lệ thuộc vào không gian mà dịch (chất liệu biến hóa) không có hình
thể nhất định (Hệ từ thượng: 4, 4). Kinh Dịch lại nói: “Âm Dương bất trắc chi vị Thần”: Âm Dương không đo lường được gọi là Thần
(Hệ từ thượng: 5, 9). Câu này có ý nói rằng cái thực tại tạo nên hai luồng khí năng
đối đãi với nhau (Âm Dương) mà con người không thể đo lường được (bất trắc)
được gọi là Thần. Thế mà do Thần, hai luồng khí năng Âm Dương đó lại triển khai
ra vũ trụ vạn vật.
Như vậy, sự suy tư, sự cảm nghiệm về
thực tại “Thần” có thể được gọi là
Thần học. Tuy nhiên, ở Á Châu, các hiền triết không có thói quen tách bạch tư
duy thành hai phần riêng rẽ gọi là Triết học và Thần học. Vì thế, ở Á Châu, không
có chuyện cho Triết học là con sen của Thần học, hay cho Thần học là một sự suy
tưởng vô bằng. Bởi tách bạch ra sẽ có nguy cơ đưa đến tình trạng Triết học phủ
nhận Thần học hay Thần học phủ nhận Triết học, hay hai môn học coi nhẹ lẫn
nhau! Ở Á Châu, Triết học và Thần học liên kết với nhau và được gọi một tên
chung là đạo học. Những người sống trong đạo học được gọi là đạo sĩ. Trong quá
trình thực nghiệm, các hiền triết (đạo sĩ) thường suy tư và sống trong trình tự
tiến từ triết học sang thần học. Suy tư ở trình độ thấp về thế giới hiện tượng
và sinh hoạt của con người được gọi là Hình nhi hạ học (triết học); suy tư ở
trình độ cao sâu hơn được gọi là Hình nhi thượng học (Siêu hình học). Nếu sự
suy tư ấy liên hệ tới Thực thể siêu việt (Thần) có thể được mang tên là Thần
học.
II. Thần học Á Châu
1.
Thần học trong Nho Giáo
Khái niệm về Thần đã có từ lâu ở
Trung Hoa trong các cổ kinh như Kinh Thư, Kinh Thi v.v… Trong Kinh Thư đã có
nói đến mệnh lệnh được mặc khải cho con người, ban từ Trời (Thượng Đế). Kinh
Thư cũng nói đến Thượng Đế (Thực Thể siêu việt) như một ngôi vị và được gọi là
Thiên (Thần tối cao): “Duy Thiên vô
thân, khắc kính duy thân”: Trời không
thân với ai, chỉ thân với người hay kính (Thái Giáp hạ). Kinh Thi thì nói:
“Hoàng hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách…”:
Lớn lao thay Đức Thượng Đế, soi xuống rõ
ràng… Hoặc nói: “Thiên sinh chưng
dân, hữu vật hữu tắc”: Trời sinh dân
chúng, có vật là có phép tắc. Tuy nhiên trình bày rõ ràng nhất về Thần
(Thực Thể siêu việt) thì có triết gia Chu Liêm Khê đời Tống. Ông cho rằng Vô
Cực (Thực Thể siêu việt không đầu mối) là một thực tại vô thủy, vô chung, bất
sinh, bất diệt, vô thanh, vô khứu, vô phương sở, vô hình trạng… ở ngoài tất cả
những gì con người có thể ý hội, nhưng vẫn làm căn cội cho vạn vật. Thực tại ấy
không phát ra là Vô Cực, mà phát ra thành động tác (sáng tạo) là Thái Cực (đầu
mối lớn lao). Năng lực Thái Cực thì tiềm tàng ở khắp nơi, nhưng Vô Cực thì
chẳng ở đâu hết, bởi vì không lệ thuộc không – thời – gian.
Nho Giáo còn nói đến một thực thể siêu hình tiềm tại trong mỗi con người do Thượng Đế trao ban cho. Sách Trung Dung nói: “Thiên mệnh chi vị tính”: phần Trời trao cho gọi là Tính (chương I). Cũng chỉ thị thực thể ấy, sách Đại Học gọi là Minh Đức: “Đại học chi đạo tại minh Minh Đức”: đường lối của bậc đại học ở tại làm sáng lên Minh Đức (năng lực sáng láng).
Minh Đức hay Thiên Mệnh chính là phần tinh túy của con người được Trời ban. Khái niệm này có thể coi như tương đương với “linh hồn” mà Kitô Giáo quan niệm là “hơi thở” của Thiên Chúa, được trao ban cho con người.
Lý tưởng của con người thành tựu
trong Nho Giáo là nên Thánh. Thánh là một hiền nhân thành khẩn theo mẫu mực của
Trời; do đó được kết hợp với Trời (phối Thiên).
Nho Giáo còn nói tới Mệnh như là
chức vụ Trời trao cho con người trong cuộc đời. Mỗi người có bổn phận thực hiện
chức vụ (Mệnh) của mình. Vì thế, sách Trung Dung nói người quân tử cần phải ăn
ở giản dị để chờ đợi mệnh Trời (Cư dị dĩ sĩ mệnh).
Người nào phát
huy được Minh Đức, thành tựu Mệnh, sau khi giã từ thế gian sẽ được lên trời
hưởng phúc với Thượng Đế. Dân Trung Hoa thời cổ tin rằng Văn Vương đã được lên
trời: “Văn Vương trắc giáng tại Đế tả
hữu”: Văn Vương được lên xuống ở bên
trái, bên phải Thượng Đế (Kinh Thi).
2.
Thần học trong Lão Giáo
Lão Tử gọi Thực Thể siêu việt, nguồn cội của vũ trụ vạn vật là Đạo và năng lực thoát thai từ Đạo, có công năng nuôi nấng vạn vật là Đức. Lão Tử nói về Đạo như sau:
Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa
sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập bất cải, chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ
mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại: Có một
thực thể tự thành không phân chia, có trước trời đất, yên lặng trống không
thay, đứng riêng không đổi, đi khắp mà không mỏi. Có thể là Mẹ thiên hạ. Ta
không biết tên thực thể ấy, gọi đó là Đạo, gượng lấy tên là Đại (Đạo
Đức Kinh: chương 25).
Đạo là một thực thể siêu hình, cho
nên Lão Tử nói:
Thị chi bất
kiến, danh viết Di; thính chi bất văn, danh viết Hi; bác chi bất đắc danh viết
Vi. Thử tam giả bất khả trí cật; cố hỗn nhi vi nhất: Nhìn mà không thấy, tên là Di; lắng tai mà
không nghe, tên là Hi; bắt mà không nắm được, tên là Vi. Ba cái đó không thể
tra vấn đến nơi được; vì vốn kết hợp làm một (Đạo Đức Kinh: chương 14).
Đạo tuy có vẻ trống không nhưng Đạo
không phải là hư vô (le néant). Ai có sự chiêm niệm tinh tế thì được mặc khải
để có thể thấy thấp thoáng được dáng vẻ của Đạo nhiệm mầu để có một niềm tin
chắc thực. Lão Tử nói:
Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt.
Hốt hề hoảng hề, kỳ trung hữu tượng. Hoảng hề hốt hề, kỳ trung hữu vật. Yểu hề
minh hề, kỳ trung hữu tinh. Kỳ tinh thận chân, kỳ trung hữu tín: Đạo
làm nên thực thể, chỉ thấy thấp thoáng, mơ hồ. Thấp thoáng mơ hồ, trong đó có
dáng mạo. Mơ hồ thấp thoáng, trong đó có thực thể. Thân u, mờ mịt, trong đó có tinh túy. Tinh túy rất thực,
trong đó có điều đáng tin (Đạo Đức
Kinh: chương 21).
Lý tưởng của thánh nhân trong Lão
Giáo là trở nên anh nhi (đứa trẻ thơ), giữ được Đạo nơi mình và được Đức (năng
lực của Đạo) nuôi nấng, hỗ trợ. Trở nên trẻ thơ là trở về với gốc rễ (Đạo):
Qui căn viết tịnh, thị vị viết phục
Mệnh. Phục Mệnh viết thường. Tri thường viết minh. Bất tri thường, vọng tác
hung”: Trở về gốc rễ là tịnh, gọi là phục Mệnh.
Phục mệnh là vĩnh hằng. Biết vĩnh hằng là sáng. Không biết vĩnh hằng, hành động
sai thì tai họa (Đạo Đức Kinh:
chương 16).
3. Thần học trong Ấn Giáo
Tuy nhiên, khi Brahman triển khai
cuộc đại hóa, không – thời – gian được xác lập thành vũ trụ vạn vật, thì
Brahman được quan niệm thành Ba Ngôi Vị: Brahmâ, Vishnu và Shiva. Brahmâ giữ
ngôi một là Đấng Sáng Tạo; Vishnu giữ ngôi hai là Đấng Bảo Tồn; và Shiva giữ
ngôi ba là Đấng Hủy Diệt. Ba Ngôi vị không tách rời nhau mà liên kết với nhau.
Bởi vì đã có sáng tạo thì phải có bảo tồn. Sáng tạo biểu hiện sự phong phú và
vinh quang của Thực Thể Tối Cao; bảo tồn để duy trì vinh quang ấy được trường
cửu, huy hoàng mãi mãi. Do đó, bảo tồn còn mang ý nghĩa cứu độ và phục hồi
những gì đã hư hao. Trong ý nghĩa này, Vishnu (Đấng Bảo Tồn) được quan niệm là
con đường dẫn đến Chân lý, là chính chân lý (sự thật tối thượng), là Đấng Từ
phụ (cha nhân lành), là Đấng Thân hữu (bạn tốt lành) của nhân loại. Ngôi vị Shiva
(Đấng Hủy diệt) thật ra mang ý nghĩa rất tốt lành, nghĩa là hủy diệt để tân
tạo, hủy diệt cái xấu để có cái tốt.
Chính trong quan niệm thần học cơ
bản này mà nẩy sinh ra quan niệm về các thần (đa thần) là những linh lực siêu
nhiên thoát thai từ Brahman để thiết lập thế quân bình trong vũ trụ vạn vật:
thần mặt trời ban ánh sáng, thần gió đem khí mát, thần mưa đem nước tưới nhuần,
thần bão tàn phá những gì mất quân bình v.v…
Ngoài Brahman, thần học Ấn Giáo còn
nói đến Atman là thực thể siêu hình trong con người. Atman (linh hồn con người)
là phần tiềm tại của Brahman trong con người. Người nào bỏ quên hay chôn vùi
Atman, người đó tự tách lìa khỏi Brahman (đánh mất linh hồn) và phải chịu đọa
đầy khổ sở, khắc khoải khôn nguôi. Do đó lý tưởng của minh triết Ấn Giáo là
Atman phải được duy trì để đồng nhất với Brahman. Được vậy, con người thoát ra
khỏi thân phận hèn mọn, không còn lệ thuộc vào các sự vật tương đối của trần
gian. Đồng nhất được Atman- Brahman, con người nên một với Brahman, được giải
thoát khỏi cõi đời tục lụy và tìm thấy chân hạnh phúc.
Đặc biệt trong tác phẩm
Bhagavad-Gita (Chí Tôn Ca), Brahman được quan niệm là một Thượng Đế ngôi vị,
nhân từ đáng được sùng kính. Sùng kính là tình yêu, lòng tin cậy và kính phục
mà con người đặt vào một Đấng Thượng Đế có ngôi vị. Sùng kính Đấng Chí Tôn là
con đường giải thoát dễ dàng và phổ thông nhất dành cho tất cả mọi người với
mọi trình độ. Đây là lời Đấng Chí Tôn: “Tất
cả những kẻ đã tìm đến Ta, dù thuộc đẳng cấp hạ tiện, thương nhân hay phụ nữ
cũng đều đạt tới mục đích tối cao.” (Bhagavad Gita: X).
4.
Thần học trong Phật Giáo
Các học giả Tây phương cũng như một số nhà nghiên cứu Phật Giáo ngày nay đều cho rằng Phật Giáo là một nền tư tưởng vô thần thì làm gì có thần học trong Phật Giáo. Tuy nhiên, xét cho kỹ, triết học và thần học Tây phương quen thượng tôn lý trí và quen dùng “ngôn ngữ khẳng định”, cho nên không nhìn ra cái gọi là thần học trong Phật Giáo.
Ai đã làm quen với tư tưởng Đông
Phương, nhất là với tư tưởng Phật Giáo đều biết rằng Đông Phương nói chung và
Phật Giáo nói riêng coi nhẹ khả năng của lý trí và khả năng của “ngôn ngữ khẳng định”; vì thế Phật Giáo
đã dùng “ngôn ngữ phủ định” để nói.
Sở dĩ như vậy, bởi vì người Đông Phương rất khiêm nhượng, biết rằng không thể
nào vận dụng lý trí và ngôn ngữ khẳng định để nói về “Thần” được, chỉ có thể dùng ngôn ngữ phủ định để cho ai đó có tâm
tư thì liệu mà cảm nghiệm lấy. Do đó, vì sợ người ta hiểu lầm gây nên tai hại,
cho nên tương truyền Đức Phật Thích Ca đã từng nói trong Kinh Lăng Già rằng: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín
năm, nhưng thực ra chưa từng nói một lời nào!” Vì vậy đem cách nhìn của Tây
Phương mà tìm thần học trong Phật Giáo sẽ không thể nào đạt được!
Tây Phương khi
nói về Đông Phương thường đem ra những khái niệm như: độc thần, đa thần, phiếm
thần, vô thần; để rồi căn cứ vào đó mà xét xem tư tưởng Đông Phương thuộc loại
nào. Độc thần nghĩa là chỉ có một thần duy nhất làm chủ vũ trụ. Đa thần là có
nhiều thần làm chủ. Phiếm thần là thần lưu xuất trong vạn vật. Vô thần là chẳng
có thần nào hết; vũ trụ vạn vật là do vật chất triển khai, tương thuộc với
nhau; do triển khai tương thuộc thì có tiến hóa.
Thực ra, đem những khái niệm đó mà
áp đặt để rồi xét tư tưởng Đông Phương đều không đúng. Đức Phật Thích Ca không
công khai chủ trương vô thần; trong thời Tiểu Thừa, ngài chỉ gác sang một bên
vấn đề siêu hình (Thần), không bàn đến vì không thể nói đến, không thể nói thấu
hết, nói đến sợ người ta hiểu lầm sinh ra mê tín dị đoan như thực tại đời sống
trong Ấn Giáo lúc bấy giờ. Ngài giới hạn giáo lý của mình trong chức năng diệt
khổ cho con người như một lương y chữa bệnh cho người đau.
Sau khi Đức Phật Thích Ca viên tịch khoảng
500 năm, đại sư Mã Minh (Asvaghosa) vốn gốc ở Ấn Giáo đã căn cứ vào tác phẩm “Bát Nhã Ba la mật đa kinh” (Prajnà
Paramita Sutra) mà mở ra giáo lý Đại Thừa. Sách ấy bao gồm những lời tương
truyền là của Đức Phật dạy cho một đệ tử là Tu-Bồ-Đề. Giáo lý của Mã Minh là
giáo lý mang tính thần học (bàn về thực thể siêu hình) được viết trong tác phẩm
“Đại Thừa khởi tín luận”. Trong đó,
ông nói về A-lại-da-thức (Alayavijnàna) tiềm tàng trong con người và thực thể
Chân Như (Bhuta-Tathata). Chân như là bản thể của vũ trụ vạn vật, vô thủy, vô
chung, không tăng, không giảm, không sinh, không diệt; do đó Chân Như còn có
tên là Chân Không (một thực thể không thể diễn tả được). Nhưng Chân Như hay
Chân Không là một thực thể diệu hữu (Sunyata). Cái phần Chân Như tiềm tại trong
con người là A-lại-da-thức. Vì ở trong con người, A-lại-da-thức có tính tùy
duyên, nghĩa là có thể tốt hoặc xấu tùy theo khuynh hướng hay hoàn cảnh. Duyên
xấu là những tính Tham, Sân, Si của con người. Nếu giải trừ được Tham, Sân, Si,
không lệ thuộc vào hiện tượng giới, con người tìm được Phật tính hay Tánh không
(Sunyata), là bản tính tốt lành đồng thể với Chân Như. Thế là con người được
giác ngộ và giải thoát. Đó là Chân hạnh phúc dành cho người tu, không còn lăn
lộn trong cõi đời luân hồi khổ sở nữa.
Các học giả Tây
Phương đã cho rằng khái niệm về Chân Như của Mã Minh cũng tương tự như khái
niệm về Brahman của Ấn Giáo. Sau Mã Minh, đại sư Long Thọ (Nagarjuna), triết
gia số một của Phật Giáo, đã phát triển thêm giáo lý Trung Quán để hóa giải hai
quan niệm đối nghịch trong Phật Giáo lúc bấy giờ là Hữu luận và Không luận. Hữu
luận (Thượng tọa bộ phái) chủ trương thế gian tuy vô thường nhưng vẫn có. Không
luận (Đại chúng bộ phái) chủ trương vì vô thường cho nên thế gian không thật có.
Đại sư Long Thọ đưa ra cái nhìn (Quán) đứng giữa (Trung) cho rằng thực thể siêu
hình khi triển khai ra thế gian thì vô thường, nhưng trong bản thể thì vốn có
thật. Ông diễn tả thực thể Chân Như bằng tám chữ “bất”, gọi là “Bát Bất Trung
Quán luận”:
Bất sinh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất nhị,
Bất lai diệc bất khứ.
(Không
sinh cũng không chết, không tiếp nối cũng không gián đoạn, không một cũng không
hai, không đến cũng không đi).
Đó là Long Thọ dùng “ngôn ngữ phủ định” để nói về thực thể
siêu hình (Thần) là thực thể không dùng “ngôn
ngữ khẳng định” mà nói được. Vì nói về thực thể siêu hình bao trùm vạn vật
và thực thể siêu hình tiềm tại trong con người, cho nên giáo lý Phật Giáo Đại
Thừa mang tính thần học.
Các Thiền sư Viễn Đông về sau cũng
tiếp thu giáo lý này khi người tu “kiến
tính” (tìm thấy Phật tính), tức là thấy Chân Như trong tra, thấy ta trong
Chân Như; chẳng những thế còn thấy Phật tính trong vũ trụ vạn vật. Thấy thế thì
nên một với tất cả, không còn thấy ta khác với người, không thấy người và vạn
vật cản trở ta, cho nên người tu được giác ngộ và giải thoát, tức là đạt hạnh phúc
viên mãn.
5.
Thần học Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có văn hóa, văn hiến kéo dài suốt 4000 năm lịch sử. Nền văn hóa của người Việt đã tiềm tàng tính thần học sâu xa, nếu chúng ta gác sang một bên những thói tục mê tín dị đoan của người bình dân. Tính thần học trong nếp sống Việt Nam tiềm tàng trong đạo thờ phụng tổ tiên và đạo thờ Thần.
Trong quan niệm này, Trời là Đấng
linh thiêng tối cao được thượng tôn trên hết; tổ tiên là những người đã truyền
dòng sống từ Trời đến cho các thế hệ con cháu; Thần là những linh lực siêu nhiên
thuộc về Trời chi phối đời sống con người và vạn vật. Thần là trung gian giữa
Trời (Đấng Tối Cao) và con người. Những linh lực siêu nhiên ấy (Thần) bao trùm
tất cả như không khí, gió, mưa, sông, núi… Linh lực ở trong đất đai nâng đỡ con
người được gọi là thần Xã; linh lực ở trong thóc lúa nuôi nấng con người được
gọi là Thần Tắc. Những linh lực siêu nhiên của Trời cũng tiềm tàng trong những
nhân vật tài đức đã từng đem ơn phúc cho dân làng, nước non. Những nhân vật tài
đức có thể là những anh hùng hào kiệt, liệt nữ, những nhà đạo đức… khi còn tại
thế. Đến khi mất đi, linh lực của những nhân vật ấy vẫn tồn tại và tác động
trên dòng dõi con cháu. Người ta tin rằng những ơn phúc, những sự nâng đỡ hoặc
trừng phạt của Trời đến với con người thường qua trung gian của các linh lực
ấy, tức là qua các Thần.
Đạo thờ Thần rất gần gũi với đạo thờ
phụng tổ tiên; bởi vì người Việt quan niệm tổ tiên là một phần tử trong các
Thần. Từ đó, đạo thờ phụng tổ tiên và đạo thờ Thần gắn liền với đạo thờ Trời. Trong
“nguồn gốc văn hóa Việt Nam”, linh
mục Kim Định cho rằng “đến năm 1945 có
nơi đến 80% gia đình có bàn thờ ông Thiên.” (Đấng Tối Cao). Trong các làng
xã, người ta thờ Thần trong đình chùa, miếu đền. Các Thần ở làng xã Việt Nam
được tôn trọng như các vị thánh ở Tây Phương và được gọi là Thành Hoàng. Đó là
những vị có công với đất nước, với làng xã, đáng nêu gương cho các thế hệ con
cháu. Ngoài ra, trong các đình chùa, đền miếu, người ta còn đặt tượng Tứ Linh
(Long, Ly, Qui, Phượng) để tôn trọng. Tứ Linh thể hiện những đặc tính đáng quí
của Trời ban cho vạn vật, đáng làm mẫu mực cho con người. Tôn trọng là đề cao
những đặc tính đáng quí đó:
-
Long tượng
trưng cho năng lực tạo tác, đặc biệt là làm mưa khiến mùa màng tươi tốt.
-
Ly (con kỳ
lân) tượng trưng cho sự khôn ngoan của bậc hiền triết.
-
Qui (con
rùa) tượng trưng cho sự trường thọ.
-
Phượng
trượng trưng cho đức tính thanh cao.
Á Châu là cái nôi của các tôn giáo
và các nền tư tưởng lớn trên thế giới. Đa số người Á Châu sống về nông nghiệp,
gần gũi với thiên nhiên, cho nên dễ phát triển lòng nhân ái do sự yêu mến thiên
nhiên và liên kết với tha nhân. Vì vậy, người Á Châu có đời sống tinh thần
phong phú, có sự suy tư thâm trầm. Đó là điều kiện thuận tiện giúp người Á Châu
có những ý niệm siêu hình về cội nguồn vũ trụ vạn vật và con người. Những ý
niệm siêu hình dẫn đến những tư tưởng mang tính thần học là điều chắc chắn. Tự
nguyên của chữ Thần trong Nho Giáo là sự bày tỏ, sự triển khai của thực thể
siêu hình trong tâm thức con người qua các hiện tượng thiên nhiên. Cũng vì tha
thiết với tư tưởng mang tính thần học mà trí khôn con người hướng về một thực
thể siêu hình, siêu việt không – thời – gian (Đấng Tối Cao) chi phối tất cả.
Khi đạo Nho cho rằng “Nhân linh ư vạn vật” (con người thiêng
liêng hơn vạn vật), đó là đạo Nho tin rằng trong con người có một thực thể được
chia sẻ tính thiêng liêng của Đấng Tối Cao. Ngay chữ Linh của đạo Nho đã mang ý
nghĩa rằng con người được Đấng Tối Cao mặc khải (mở ra trong trí khôn một cách
kín đáo). Chữ Linh kết bởi:
Cho dù mang những danh hiệu gì khác
nhau, thần học Á Châu vẫn cảm nghiệm thấy một Thực Thể Tối Cao siêu hình là cội
nguồn cho cuộc đại hóa vũ trụ vạn vật, đồng thời có một thực thể siêu hình tiềm
tại trong con người; do đó con người đứng trên chóp đỉnh của vạn vật, chỉ huy
vạn vật. Thần học Á Châu cho rằng sự chết không phải là hết. Sự chết chỉ là sự
thay đổi tình trạng của con người từ hiện tượng giới bước sang siêu nhiên giới.
Lý tưởng của con người Á Châu là “sinh
ký tử qui” (sống gửi thác về), trở về đồng nhất hóa với Đấng Tối Cao trong
cảnh giới phúc lạc vĩnh hằng. Riêng đối với Phật Giáo, cảnh giới phúc lạc vĩnh
hằng được gọi là Niết-Bàn; trong đó Phật tính (Chân Tâm) của con người hòa đồng
vào bản thể Chân Như của vũ trụ./.
Đăng nhận xét