Đối thoại Ki-tô giáo - Hồi giáo: Những mục tiêu và những thách đố

 

Ki-tô giáo và Hồi giáo là đạo phổ quát,
khẳng định này không chỉ dành riêng cho một dân tộc
hay sắc tộc đặc thù nào, nhưng cho cả nhân loại.
Nguyên tắc quan trọng này thâu tóm các mục tiêu và cơ hội
cho việc đối thoại mang tính cách xây dựng
cũng như những chướng ngại gây cản trở.

Ninh Tú Toàn, OP.

 Tháng bảy vưa qua, người viết có dịp tham dự khóa 4th Common Study 2012 dành cho các anh em Đa Minh thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, được tổ chức tại Bangkok, Thailand, với chủ đề: Sứ vụ Đối thoại, được chia nhỏ thành các đề tài: Đối thoại với chính mình; đối thoại với người nghèo; đối thoại với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, trong bài viết này người viết chỉ dừng lại khía cạnh: đối thoại với các tôn giáo khác, cụ thể là giữa Ki-tô giáo - Hồi giáo qua những gì người viết đã lĩnh hội được qua khóa học này.

 1.      Nền tảng

Hẳn Ki-tô giáo đã xuất hiện ở vùng Ả-rập khi thánh Phao-lô lánh vào vùng sa mạc phía tây của sông Gio-đan trong vài ba năm. Từ sa mạc Syrian, có lẽ do các tu sĩ đi truyền giáo, Ki-tô giáo được loan giảng ở phía Nam Ả-rập, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một nền văn minh phong phú. Từ đó, Ki-tô giáo được loan truyền tiếp sang phía Bắc Ả-rập, nơi đặt để cho những nền tảng luân lý và linh đạo cho đạo Hồi.

Từ sự khởi đầu này, đạo Hồi đã triển nở trong một môi trường được thấm nhuần những giá trị luân lý và tâm linh Ki-tô giáo Đông phương. Rất có thể đạo Hồi gần gũi với gia sản tâm linh của Ki-tô giáo Đông phương điều mà tiên tri Muhammad đã quy chiếu khi ngài công bố: “Ta cảm được hơi thở của Đấng Từ Bi (nafas al-rahman) từ dân tộc Yaman”. Hơi thở của Đấng Từ Bi chính là hồn thánh thiêng của Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã tỏ lộ như là một đấng cứu độ vinh thắng trên mọi thế lực sự ác. Vì vậy, Ki-tô giáo mà kinh Koran tán dương không chỉ là Ki-tô giáo chính thức của Rô-ma và Bysantium cùng với thần học sắc sảo của nó, mà còn cả phụng tự phổ biến của các ẩn sĩ vốn đã làm những việc chữa lành và thanh tẩy, điều mà Đức Ki-tô đã bắt đầu trong suốt thời gian tại thế.

Kinh Koran đề cập một cách tế nhị về linh đạo của các ẩn sĩ và những mục tử thông thái của các Ki-tô hữu, “…vì trong số họ, có các ẩn sĩ và các mục tử thông thái, và họ không lấy làm kiêu ngạo”. (Q. 5,82). Đoạn kinh Koran vừa được trích dẫn tiếp tục đưa ra hai khẳng định quan trọng, vốn có thể dùng như là một động lực tốt đẹp cho việc đối thoại mang tính xây dựng giữa hai bên. Thứ nhất, các Ki-tô hữu là những người gần gũi nhất trong mối quan hệ hữu nghị với các tín đồ Hồi giáo. Thứ hai, các vị ẩn sĩ Ki-tô giáo và các mục tử thông thái chân nhận một chân lý khi họ đã nghe nói và cảm động bảy tỏ lòng biết ơn khiêm nhường trước sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Hơn nữa, giống như các tín hữu giữa các tín đồ Hồi giáo, những vị ẩn sĩ khiêm nhường và những vị mục tử thông thái khát khao ân sủng của Thiên Chúa và cầu xin trở thành những chứng nhân cho sự duy nhất của Thiên Chúa và hướng dẫn tới chân lý này. Vì thế, cuộc đối thoại giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo nên là một cuộc gặp gỡ sáng tạo và năng động giữa những người bạn, chứ không phải là kẻ thù, theo như Kinh Koran (3,64) mời gọi dân trong Sách Thánh[1].

2.      Những mục tiêu cấp bách và lâu dài

Ki-tô giáo và Hồi giáo là đạo phổ quát, khẳng định này không chỉ dành riêng cho một dân tộc hay sắc tộc đặc thù nào, nhưng cho cả nhân loại. Nguyên tắc quan trọng này thâu tóm các mục tiêu và cơ hội cho việc đối thoại mang tính cách xây dựng cũng như những chướng ngại gây cản trở. Cả hai truyền thống đều nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả nhân loại, và những tác động tiền định của Người nơi lịch sử nhân loại, nhưng cả hai đều khẳng định mình là người cuối cùng mang sứ điệp chung cuộc và sự chúc phúc trường tồn của Thiên Chúa cho thế gian. Vì thế, mặc dù kêu gọi sự bao dung và sự tôn trọng đối với các dân trong Sách Thánh, điều mà Kinh Koran thường nhắc đến, nhưng chung chung Hồi giáo đã chỉ trích Ki-tô giáo như là những tín đồ đa thần. Bởi vì Hồi giáo xuất hiện sau Ki-tô giáo và thách thức một vài những đạo lý nền tảng của Ki-tô giáo, nên Ki-tô giáo cũng thường hay chỉ trích đạo Hồi như là một thứ tà đạo, và các tín hữu Hồi giáo như là những kẻ dã man không có bất kỳ các giá trị luân lý hay tâm linh nào.

Vì thế, mục tiêu cấp bách nhất mà cả hai cộng đồng này cần nỗ lực hướng đến là cùng đón nhận tính hợp pháp và tính xác thực của truyền thống tôn giáo của nhau xét như là một tôn giáo do Thiên Chúa linh hứng. Nguyên tắc nền tảng cho việc đối thoại mang tính xây dựng và chân thật vẫn còn là một hy vọng lý tưởng, chứ chưa trở thành một thực tại. Quả vậy, phần lớn cuộc đối thoại giữa Hồi giáo - Ki-tô giáo cho đến giờ chỉ có thể đạt được là sự công nhận chính thức hai tôn giáo này có chung một tổ phụ Ab-ra-ham; và vì vậy, có liên hệ về thần học và lịch sử của nhau. Sự công nhận này có tầm quan trọng to lớn xét như là một bước tích cực hướng tới việc đón nhận sự hiện hữu đích thực của tôn giáo này đối với phía bên kia, nhưng cần thiết hơn nữa phải đẩy mạnh việc đối thoại tiến triển vượt ra khỏi tầm mức xã giao.

Đành rằng đối thoại như là một công việc cấp bách, nhưng trong tiến trình đối thoại, việc công nhận và đón nhận lẫn nhau lại có mục tiêu lâu dài vốn luôn luôn hướng dẫn những nỗ lực của chúng ta hướng đến cuộc đối thoại có tính cách xã hội, thần học, luân lý, tâm linh, và gặt được nhiều hoa trái. Việc đón nhận lẫn nhau không phải dừng lại ở sự nhận thức, ngay cả việc đón nhận, sự hiện hữu của nhau xét như là một người thân cận, thân hữu. Đúng hơn, các tín hữu Hồi giáo và Ki-tô giáo phải đón nhận lẫn nhau như những người bạn, như những người cùng theo đuổi công lý cho con người, tính hòa hợp về thần học, và tiến trình tâm linh trên cùng con đường gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là mục đích tối hậu của họ.

Nỗ lực đáng quý này đòi hỏi sự tôn trọng đích thực và thành thật về đạo của nhau, kể cả niềm tin, những nguyên tắc luân lý, giá trị xã hội, và những khát vọng có tính cách chính trị. Điều này nên trở thành mục tiêu thứ hai cho việc đối thoại giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo. Trong khung cảnh của sự tôn trọng và đón nhận nhau, việc đối thoại liên tôn có thể tiến triển thành cuộc đối thoại giao lưu văn hóa đích thực và sáng tạo. Thực vậy, nếu không có cuộc đối thoại giao lưu văn hóa đích thực, thì việc hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là điều không thể.

Mục tiêu thứ ba là sự đón nhận bởi cả tín hữu Ki-tô lẫn Hồi giáo xét như là những người cộng tác bình đẳng - chứ không phải là kẻ đối lập - trong đối thoại. Tính bình đẳng này phải là sự bình đẳng giữa người với người, và sự bình đẳng khi đòi hỏi tính chân thực của tôn giáo. Trong mọi khía cạnh, điều này ám chỉ quyền cho các tín hữu của hai cộng đồng này rằng cả Ki-tô giáo và Hồi giáo có những nguồn tâm linh và đạo lý riêng để hướng dẫn tín hữu của mình tới con đường cứu độ.

Đức Ki-tô đã dạy chúng ta tìm kiếm sự thật, và sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Kinh Koran dạy rằng sự thật chính là Thiên Chúa. Vì thế, sự tự do nơi sự thật chính là sự tự do nơi Thiên Chúa, vốn là sự tự do của đức tin. Trong sự tự do nơi Thiên Chúa, các tín hữu Hồi giáo và Ki-tô giáo có thể và nên tự do chia sẻ những cảm nghiệm về đức tin của mình cho nhau.

Một mục tiêu quan trọng khác là phải để cho hai tôn giáo này nói về chính mình, tức là phải tỏ lộ chính mình khi đối thoại. Điều này ám chỉ đến các Ki-tô hữu và tín đồ Hồi giáo không tham gia vào các hoạt động đối thoại dựa trên điều họ nghĩ họ biết hoặc hiểu về điều mà tôn giáo của phía bên kia là. Nói cách khác, họ không nên làm cho phía bên kia khác đi theo hình ảnh của riêng mình, xét như là điều kiện đầu tiên để đón nhận nhau. Đúng hơn, họ nên lắng nghe và học hỏi trước khi “mạo muội” đi vào “khu vực thánh thất” về niềm tin của nhau.

Nói cách cụ thể hơn, Hồi giáo không phải tìm cách để giải thích cho Ki-tô giáo chỉ có dựa trên điều mà Kinh Koran và truyền thống tiếp hậu của Đạo Hồi đã đề cập tới, nhưng nên tìm hiểu Ki-tô giáo từ chính những nguồn của tôn giáo này, và trên những thuật ngữ của riêng của Ki-tô giáo. Cũng thế, các Ki-tô hữu không phải giải thích cho các tín hữu Hồi giáo, đặc biệt về Kinh Thánh, theo lối hiểu riêng của mình về kế hoạch cứu độ, nhưng nên nhìn nhận một cách nghiêm túc thế giới quan và kế hoạch thần thiêng của Hồi giáo để đạt tới sự tha thứ, cứu độ và sự chúc phúc mai sau.

Mục tiêu cuối cùng là khát vọng sự công bằng tuyệt đối và tính khách quan khi đưa ra bất kỳ sự so sánh nào giữa hai tôn giáo này. Một vài nguyên tắc chủ đạo phải được giữ một cách nghiêm ngặt liên quan đến việc này. Trước hết là những tư tưởng của hai tôn giáo này nên được đối chiếu với các tư tưởng khác và các thực tại này với các thực tại khác. Thứ hai, mọi cố gắng để “lấy điểm” cho đạo của mình trên đạo của người khác bằng việc tương phản những điều tốt nơi mình với những điều xấu nơi đạo của người khác phải tuyệt đối tránh. Đúng hơn, điều tốt nên được đối chiếu với điều tốt và điều xấu với điều xấu. Ngược lại, hành vi sai lạc của các tín hữu nơi tôn giáo này ở bất kỳ khía cạnh nào cũng không được phép bao che hay đáp trả bằng việc hành xử sai lạc tương tự đối với các tín hữu của tôn giáo bạn. Hành vi sai lạc như thế cũng không nên được bàn qua cho xong chuyện hay viện cớ là do tội lỗi hay tính yếu đuối của con người. Thứ ba, Kinh Thánh hay truyền thống của bên này không nên được dùng như là một tiêu chí để đánh giá tính chân thật hay sai lạc của phía bên kia. Hồi giáo và Ki-tô giáo có thế giới quan hoàn toàn khác biệt vốn phải hướng dẫn và thông tri việc đối thoại giữa Hồi giáo - Ki-tô giáo ở mọi cấp độ.

3.      Các dạng thức đối thoại

Ki-tô giáo và Hồi giáo là hai tôn giáo có số tín hữu chiếm hơn năm mươi phần trăm dân số thế giới. Trong khi về mặt lịch sử, đại kết (oikomene) hoặc khu vực của Ki-tô giáo và khu vực Hồi giáo (dar al-islam), bị giới hạn nơi những vùng địa lý riêng biệt của thế giới, thì cả đoàn thể tôn giáo có độ dài về mặt địa lý và về mặt chính trị đã biến mất. Bây giờ, tầm ảnh hưởng của đạo Hồi chính là những con tim và nơi ở của cộng đồng Hồi giáo. Cũng thế, ngôi nhà của Ki-tô giáo là Giáo hội, con tim và tinh thần của các tín hữu.

Ngày nay, hàng triệu các tín hữu Hồi giáo là những công dân của các quốc gia Ki-tô giáo Tây Phương, và nhiều quốc gia Hồi giáo cũng có số tín hữu Ki-tô tương tự như vậy. Đặc biệt ở Phương Tây, Hồi giáo không còn là tôn giáo xa lạ. Các tín hữu Hồi giáo chia sẻ với các tín hữu Ki-tô tình làng nghĩa xóm, trường học, công sở, bệnh viện, và thậm chí trên cùng mảnh đất nghĩa trang. Họ chia sẻ mọi vấn đề luân lý và xã hội cũng như những tiện nghi của đời sống hiện đại. Họ cũng chia sẻ nơi linh thiêng, thờ tự của họ - các nhà thờ và đền thờ, vốn là nơi đối thoại đầy ý nghĩa và luôn cần duy trì được ủng hộ.

Dạng đối thoại cụ thể, phổ biến và cơ bản nhất là đời sống. Chính cuộc đối thoại của những người láng giềng gắn liền với những nhà thờ và đền thờ gần sát bên họ, vốn cùng làm việc với nhau và sống chung một ngõ. Dạng đối thoại này liên hệ tới những vấn đề công lý xã hội, vấn đề ô nhiễm, trẻ vị thành niên với các vấn đề về giới tính, nghiện ngập, và vô số các vấn đề khác nữa. Ở đây, gia sản tâm tinh và luân lý, cùng chung một tổ phụ Ap-ra-ham có thể giúp con cái của cả ba dòng tộc Áp-ra-ham (Do Thái - Hồi Giáo - Ki-tô giáo) cùng đối diện với những vấn đề hiện đại của thế giới. Qua các hội đường, nhà thờ, và đền thờ, họ sẽ cùng nhau nỗ lực để có được điều thiện ích chung cho xã hội.

Đối thoại bằng đời sống là mối quan tâm thực sự của những công dân với những vấn đề về cuộc sống chung với nhau trong một quốc gia dân chủ và tự do. Một trong những thay đổi quan trọng nhất nơi cộng đồng Hồi giáo là phát triển thành một nhà nước độc lập. Nhà nước này không chỉ củng cố mối dây ràng buộc đức tin mà còn phân nhánh thành cộng đồng Hồi giáo. Nhờ kiểu mẫu này, cộng đồng này bây giờ có thể, còn hơn cả lúc trước, vượt ra khỏi các biên cương về luân lý, văn hóa, địa lý và quốc gia. Hơn nữa, nơi các tín hữu Hồi giáo sinh sống xét như là những thành phần thiểu số ở các quốc gia đã phát triển Phương Tây, thì họ có nhiều tự do hơn để thử nghiệm những ý tưởng và những hành động mới hơn so với những thân hữu của họ ở các đất nước khai sinh ra Hồi giáo. Chính vì thế, họ có thể giúp cộng đồng Hồi giáo này tìm được nơi chính đáng trong thế giới hiện đại.

Dạng đối thoại thứ hai là đức tin, các đạo lý thần học, và những tư tưởng triết học. Dạng thức này có khuynh hướng bị giới hạn ở lĩnh vực học thuật. Việc đối thoại này thường có tính chuyên môn và trừu tượng. Vì lý do này, lý do khác, việc đối thoại thường bị tránh né. Tuy nhiên, việc đối thoại thực sự quan trọng, xét vì nó thu hút tâm trí, sức lực của những tín hữu cả hai phía trong việc cùng truy tầm chân lý.

Một dạng thức đối thoại khác có thể được gọi một cách hoa mỹ là chứng nhân cho niềm tin của mình. Tuy nhiên, dạng thức này thường trở thành một lời mời gọi trở về thông qua phương thức  thuyết giáo và sứ vụ. Ở đây, tên gọi đối thoại này được dùng để che đậy vấn đề không mang tính cách đối thoại. Tuy nhiên, những người tham dự trong cuộc đối thoại như thế có thể có ý hướng tốt, vì mục đích sau cùng của họ không chỉ để hiểu và đón nhận phía bên kia, mà còn để hấp thụ và tiêu hóa chúng.

Dạng thức cuối cùng của việc đối thoại là đối thoại về đức tin. Dạng thức này sử dụng những ý tưởng và những phương pháp của dạng thứ hai, nhưng ở một cấp độ sâu hơn, và cá nhân hơn. Mục đích của nó là đào sâu đức tin của chính những tín hữu Hồi giáo và Ki-tô giáo bằng việc chia sẻ đức tin cá nhân của họ cho nhau. Mục đích cuối cùng của dạng thức này là để tạo ra một mối tương giao đức tin giữa những tín hữu Hồi giáo và Ki-tô giáo. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách chia sẻ đức tin với nhau thông qua thờ phượng, thực hành tâm linh, và bảo vệ cho sự hiện hữu của Thiên Chúa. Kinh Koran hứa ban cho những ai khát khao Thiên Chúa, Đấng sẽ hướng dẫn họ tới những con đường của Người. Những con đường của Người là “những con đường hòa bình” (Q 29,69 và Q 5,16)

4.      Những thách đố không thể vượt qua?

Như đã trình bày ở trên, mọi cuộc đối thoại giữa Hồi giáo và Ki-tô giáo đã đạt được cho tới nay mới chỉ dừng lại ở việc chân nhận có chung một gốc tổ Ap-ra-ham. Sự chân nhận này, kể từ một phần tư thế kỷ 20, đã đưa tới sự hiểu biết thực sự về việc dấn thân của các tín hữu Hồi giáo đối với đức tin của họ cùng với sự phóng khoáng của nhiều Ki-tô hữu và sự ngưỡng mộ tương tự về tính bác ái và cởi mở của Ki-tô hữu cùng với sự phóng khoáng của những tín hữu Hồi giáo. Chính vì thế, người ta có thể đưa ra lập luận rằng các Ki-tô hữu đã bắt đầu đón nhận các tín hữu Hồi giáo xét như là những người có đạo, nhưng cho đến này vẫn chưa thể đón nhận Hồi giáo xét như là một truyền thống tôn giáo hậu Ki-tô đích thực. Ngược lại, các tín hữu Hồi giáo cũng chấp nhận Ki-tô giáo như là một đạo được mạc khải, nhưng vẫn chưa thể chấp nhận các tín hữu Ki-tô giáo và đức tin của họ vào Chúa Ba Ngôi, Giáo hội như là nguồn mạch hướng dẫn, và các sách trong Tân Ước như là Sách Thánh thực sự.

Ở đây, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không thể chấp nhận đức tin của nhau theo cách thức riêng của mình. Các tín hữu Hồi giáo đã Hồi giáo hóa Ki-tô giáo và các Ki-tô hữu đã Ki-tô hóa Hồi giáo. Chính vì vậy, với tất cả ý hướng ngay lành, cả hai tôn giáo này đã tìm cách phủ nhận, hoặc ít là vô hiệu tính đặc trưng và uyên nguyên của đức tin phía bên kia để tìm chỗ cho mình theo truyền thống và nhãn quan của riêng mình.

Thách đố chính đối với cuộc đối thoại Hồi giáo - Ki-tô giáo ở cả hai phía là chưa sẵn sàng thực sự thừa nhận tình yêu và sự tiền định của Thiên Chúa trải rộng đồng đều với tất cả nhân loại, bất kể là căn tính tôn giáo nào. Điều này tương ứng với sự phủ nhận rằng Thiên Chúa có thể và thực vậy, đã bày tỏ thánh ý của Người nơi Do-thái, Hy-lạp, Ả-rập, và nơi chính những ngôn ngữ thánh thiêng của thế giới. Vì vậy, mục tiêu tối hậu của tất cả cuộc đối thoại liên tôn nằm ở chỗ mọi phần tử tín hữu phải có khả năng lắng nghe và vâng phục tiếng nói của Thiên Chúa xét vì tiếng nói ấy đang nói với cả hai tôn giáo thông qua những truyền thống đức tin riêng biệt và khiêm nhường lắng nghe cùng một tiếng nói đang nói với mỗi cá nhân thông qua truyền thông đức tin của chính mình.



[1] Dân trong Sách Thánh (the people of The Book or people of Scripture) là thuật ngữ ám chỉ đến những tín hữu không phải là Hồi giáo. Có ba hạng  tín hữu mà Kinh Koran đề cập đến như là dân của Sách Thánh: Do Thái giáo, Các giáo phái không phải đạo Hồi, và Ki-tô giáo.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn