Tư tưởng “phục quy ư anh nhi” của Lão Tử & “con đường thơ ấu” của thánh nữ Têrêsa thành Lisieux

 

… chúng ta cố gắng đối chiếu tư tưởng
phục qui ư anh nhi” (trở lại với trẻ thơ) của Lão Tử
và “con đường thơ ấu” của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux
để tìm ra một số điểm tương đồng,
mong làm phong phú thêm và sâu sắc hơn hạnh tu tập…

Lý Minh Tuấn

Ngày nay, nhân loại đã qua cái thời tự cô lập, đóng kín, kỳ thị. Mọi người đều cảm thấy cần có sự cởi mở, đối thoại và đón nhận. Công đồng Vatican II của giáo hội Công giáo, trong tuyên ngôn “Thời đại của chúng ta” (Nostra Aetate) đã công nhận nhiều giá trị cao cả trong các nền tư tưởng Đông phương. Sự chính thức công nhận ấy đã mở ra kỷ nguyên nghiên cứu nền minh triết Đông phương dưới nhiều chiều kích, nhiều khía cạnh trong nửa thế kỷ qua.

Ở đây, chúng ta cố gắng đối chiếu tư tưởng “phục qui ư anh nhi” (trở lại với trẻ thơ) của Lão Tử và “con đường thơ ấu” của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux để tìm ra một số điểm tương đồng, mong làm phong phú thêm và sâu sắc hơn hạnh tu tập, sống đạo.

Con người lý tưởng qua học thuyết Lão Tử 

Tư tưởng của Lão Tử lấy Đạo và Đức làm nòng cốt. Con người lý tưởng theo Lão Tử là người liên kết với Đạo và sống với hoạt lực của Đức.

Nhưng Đạo là gì? Đức là gì?

Lão Tử không dùng chữ Đạo theo nghĩa là con đường, là phương thế. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử dùng chữ Đạo với cái nghĩa đặc biệt: Đạo là Thực tại tối Cao, cội nguồn của vũ trụ vạn vật. Ông nói:

Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo, cưỡng chi vi danh viết Đại: Có thực thể tự thành không phân chia, sống trước trời đất. Im lặng thay, trống vắng thay, đứng một mình mà không thay đổi, đi khắp mà không mỏi mệt, có thể là Mẹ thiên hạ. Ta không biết tên của thực thể đó, đặt tên cho là Đạo, gắng gượng gọi tên là Lớn (Đạo Đức Kinh, chương 25).

Như vậy, theo Lão Tử, Thực tại tối cao vốn không tên vì ở ngoài tầm kiến thức của loài người. Để chỉ thị, ông tạm đặt tên cho thực thể ấy là Đạo mà thôi.

Lão Tử cũng không dùng chữ Đức theo nghĩa là đức hạnh, là năng lực hành động tốt lành của con người. Ông dùng chữ Đức với cái nghĩa khác thường: Đức là hoạt lực của Đạo. Chúng ta có thể hiểu: Đức là quyền năng của Thực tại tối cao. Ông nói: “Khổng Đức chi dung, duy Đạo thị tòng: Dáng mạo của Đức lớn, chỉ đi theo Đạo.” (Đạo Đức Kinh, chương 21). Ông lại nói:

Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi. Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị Huyền Đức: Đạo sinh ra, Đức nuôi nấng, làm cho lớn, chăm chút, làm cho đẹp, đùm bọc, đỡ đần, che chở. Sinh mà không chiếm hữu, làm mà không cậy công, bậc trên mà không làm chủ, đó gọi là Đức huyền diệu (Đạo Đức Kinh, chương 51).

Lão Tử đã nêu ra một hình ảnh mẫu mực cho con người lý tưởng liên kết với Đạo, duy trì được Đức là “anh nhi” (trẻ thơ).

Trong chương 10 của Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói:

Tải doanh phách bão nhất, năng vô ly hồ? Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ?: Giữ hồn phách liên kết với Một (Đạo), có thể không lìa chăng? Chăm chú cho hơi thở đạt tới hòa dịu, có thể như trẻ thơ chăng?

Trẻ thơ không có tâm thức phóng ngoại, ngũ quan không bám vào ngoại vật, không có dục vọng như người lớn, vì thế tâm hồn được an nhiên, hơi thở mới hòa dịu. Đó là dấu chỉ cho thấy trẻ thơ ôm giữ được Đạo, gìn giữ được Đức nơi mình.

Trong chương 28 của Đạo Đức Kinh, ông lại nói:

Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên hạ khê. Vi thiên hạ khê, thường Đức bất ly, phục qui ư anh nhi: Biết con trống, giữ con mái, làm khe nước cho thiên hạ. Làm khe nước cho thiên hạ, không lìa Đức vĩnh hằng, quay trở lại với trẻ thơ.

Con trống thì mạnh mẽ, hăng hái, lỗ mãng. Con mái thì mềm yếu, từ tốn, hòa hoãn. Lão Tử bảo “biết con trống, giữ con mái” là có ý khuyên ai đó dù có biết nhiều, có giỏi giang, hùng mạnh, nhưng hãy nên xử sự khiêm hạ, mềm dẻo, ôn hòa. Xử sự khiêm hạ, mềm dẻo, ôn hòa mới không lìa Đức, mới có thể trở nên nguồn sống nuôi nấng thiên hạ (làm khe nước cho thiên hạ). Con người có thể trở nên nguồn sống nuôi nấng thiên hạ chính là bậc thánh nhân, xứng đáng lãnh đạo thiên hạ. Bậc thánh nhân ấy hẳn là con người biết “quay trở lại với trẻ thơ” (phục qui ư anh nhi).

Dĩ nhiên, con người, trong cuộc tiến hóa từ trẻ đến già, không thể trở lại với thân xác như trẻ thơ; tuy nhiên người ta vẫn có thể mang tâm thức trẻ thơ và có nếp sống trẻ thơ. Con người mang tâm thức trẻ thơ và sống giản dị như trẻ thơ là mẫu người lý tưởng của Lão Tử.

Người mang tâm thức trẻ thơ

Người mang tâm thức trẻ thơ là người không lệ thuộc vào hiện tượng phù du. Thế gian là hiện tượng phù du. Sự vật trên thế gian là những thực tại chóng qua, nay còn mai mất; tất cả chỉ có giá trị tương đối.


Người mang tâm thức trẻ thơ hiểu được chân lý này, cho nên ngũ quan không bám chặt vào những thực tại chóng qua, không lo lắng, bon chen, tranh thủ. Người ấy sống mà như trẻ thơ chơi đùa, không ham hố những sự vật ở xa tầm tay mình, không tranh đoạt những gì thuộc về người khác, không tiếc xót những gì đã qua, không hoài niệm, thao thức về chuyện quá khứ. Người ấy không quan trọng hóa sự thành công, không phiền muộn vì thất bại, không hãnh diện về những gì mình có, không khinh bỉ những người thua kém mình.

Vì không lệ thuộc ngoại vật, cho nên người mang tâm thức trẻ thơ có tấm lòng trong trắng, tinh tuyền; vì thế được liên kết với Đạo và không lìa Đức vĩnh hằng. Nhờ được liên kết với Đạo và Đức, người mang tâm thức trẻ thơ không bị “Trùng độc cắn, thú dữ bắt, chim ác quắp”. Lão Tử nói: “Hàm Đức chi hậu, tỷ ư xích tử. Độc trùng bất thích, mãnh thú bất cứ, cược điểu bất bác: Người hàm chứa Đức dầy dặn, giống như đứa trẻ thơ (con đỏ). Trùng độc không chích, thú dữ không bắt, chim ác không quắp.” (Đạo Đức Kinh, chương 55). “Trùng độc, thú dữ, chim ác” là những biểu tượng chỉ thị cho những tật xấu, tội ác của loài người. Trẻ thơ không bị những cám dỗ của thế giới ngoại vật lôi cuốn như người lớn. Trái lại, người trưởng thành, một khi trí khôn phóng ngoại, lòng tham dục nổi lên, người ta thường bị những thói xấu tai hại lôi cuốn như sóng trào. Những thói xấu trong thế gian thường gây tai hại cho con người chẳng khác gì trùng độc chích cho đau đớn, thú dữ cắn xé da thịt, chim ác dùng móng vuốt quắp vào thân thể cho tàn hoại.

Theo Lão Tử, trở về với trẻ thơ, mang tâm thức trẻ thơ, người ta mới trở về được với cội nguồn. Ông viết: “Qui căn viết tĩnh, thị vị viết phục mệnh: Về với cội nguồn là yên lặng, gọi đó là trở lại Mệnh.” (Đạo Đức Kinh, chương 16). Cội nguồn của con người là Đạo. Đạo thì yên lặng, vô danh. Con người cần phải biết yên lặng mới trở lại Mệnh được (phục Mệnh). Mệnh là cái phần siêu hình tinh túy mà con người nhận được từ Đạo; nói khác đi, Mệnh là cái phần Đạo hiện diện trong nội tâm con người. Yên lặng ở đây không có nghĩa là thân xác không vận động gì, mà yên lặng là sự thinh lặng nội tâm, là tình trạng tâm thức không bị xao động bởi ngoại vật. Tôn giáo nào cũng đề cao sự thinh lặng nội tâm; bởi vì có như thế, người ta mới đạt tới sự bình an tâm linh, mới tìm thấy hạnh phúc chân thật.

Lão Tử giải thích rõ hơn: “Phục mệnh viết thường; tri thường viết minh; bất tri thường vọng tác hung: Trở lại Mệnh đó là thường hằng; biết thường hằng là sáng; không biết thường hằng, hành động sai trái thì tai họa.” (Đạo Đức Kinh, chương 16). Mệnh thuộc về Đạo; thế mà Đạo thì thường hằng; biết thường hằng tức là biết Đạo. Ai biết Đạo mới gọi được là người thật sáng suốt (tri thường viết minh). Ai không biết Đạo, không sáng suốt, ắt sẽ hành động sai trái và sẽ nhận lấy những hậu quả tai hại.

Con người lý tưởng trong Kitô giáo

Giáo lý Kitô giáo được trình bày trong Cựu Ước, nêu lên mẫu người lý tưởng là người hiện thực trọn vẹn hai giới răn: “Mến Chúa và yêu người.” Trong Tân Ước, mẫu người lý tưởng ấy là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người. Với Đức Giêsu Kitô, giáo lý mến Chúa thể hiện trong sự tín thác hoàn toàn vào Chúa Cha, giáo lý yêu người thể hiện trong sự yêu thương vô bờ và tha thứ không phân biệt người thân, kẻ thù.

Để tóm gọn cả hai giáo lý này nên một, Đức Giêsu Kitô dùng một hình tượng đơn giản nhất; đó là “Trẻ thơ”. Trẻ thơ hoàn toàn tín thác vào cha mẹ, không biết có mình. Trẻ thơ không biết phân biệt thân thù. Dĩ nhên, người lớn không thể trở nên như trẻ thơ về phương diện thân xác, nhưng có thể trở nên như trẻ thơ về phương diện tinh thần. Trở nên như trẻ thơ về phương diện tinh thần là điều kiện cần và đủ để được vào nước Thiên Chúa. Đó là lý do mà Đức Giêsu đã nói với Nicodêmo, một trí thức Do Thái, vào một đêm kia ở Giêrusalem: “Thật, tôi bảo thật ông: Không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga: 3, 3). “Sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên” có nghĩa là con người cần phải “lột xác” để trở nên như một trẻ thơ, một người bé mọn. Bởi vì chỉ có người bé mọn mới nhận được ơn mạc khải chân lý của Thiên Chúa (Mt: 11, 25). Bởi vì chỉ có người bé mọn mới được vào nước Thiên Chúa. Đức Giêsu đã từng nói với các môn đệ rằng:

Cứ để trẻ thơ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với một tâm hồn trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào (Lc: 18, 16).

Ngoài ra, để trả lời cho các môn đệ về câu hỏi: Ai là kẻ lớn nhất trong nước Trời, Đức Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất nước Trời.” (Mt: 18, 3 – 4).

Trẻ nhỏ chưa phát triển nhiều về lý trí phân biệt cho nên không có những tham vọng danh lợi, quyền bính, dục tình, không có những tranh giành quyết liệt, không có những nhu cầu quá đáng, không có những âm mưu hiểm độc… Vì thế, trẻ nhỏ không có tội lỗi. Hơn nữa, trẻ nhỏ không có tính kiêu ngạo, cậy mình, tự cao, tự đại, tâm hồn đơn sơ, thánh thiện. Như vậy, mẫu người trẻ thơ, khiêm hạ, tín thác vào Thiên Chúa trong Kinh Thánh Tân Ước cũng là mẫu người trẻ thơ (anh nhi hay xích tử) của Lão Tử, luôn luôn ôm giữ lấy Đạo (Thực tại tối cao). Trong cách trình bày của Lão Tử, mẫu người ấy “phục Mệnh”, tức là trở về với Đạo ở trong nội tâm của mình.

Cuối thế kỷ 19, thánh nữ Têrêxa thành Lisieux, nước Pháp, tức là Têrêxa Hài đồng Giêsu đã chọn con đường tu theo hạnh “trẻ thơ” này.

Con đường thơ ấu của Thánh nữ Têrêxa

*      Bản chất “trẻ thơ
 Qua tác phẩm tự thuật “Một tâm hồn” (Histoire d’une Âme), được viết theo sự yêu cầu của Mẹ bề trên, thánh nữ Têrêxa đã bộc lộ ra một bản chất “trẻ thơ” trong từng lời văn. Cũng vì bản chất trẻ thơ, thánh nữ Têrêxa đã được Chúa Giêsu mạc khải về lẽ sâu nhiệm của công trình sáng tạo vạn vật:


Người mở ra trước mắt con quyển sách thiên nhiên là phong cảnh trời đất. Ngắm cảnh thiên nhiên, con nhận thấy rằng tất cả những hoa Chúa dựng nên đều xinh đẹp hết: Mầu hồng hoa mân côi và sắc trắng phau phau hoa huệ, cũng không át được mùi thơm hoa má tía, cũng không làm mất vẻ đơn sơ xinh tươi hoa cúc tây. Phải rồi, nếu tất cả những hoa ty tý ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ.

Ấy cảnh trời thiêng của giới linh hồn cũng thế. Trong vườn sống này, Chúa dựng nên những vị đại thánh để sánh với hoa huệ, hoa hồng. Chúa lại dựng nên những thánh nhỏ, giống như hoa cúc đơn, hoa má tía để Chúa vui lòng lúc nhìn xuống chân thấy cảnh trời đất tưng bừng đẹp đẽ… (Một tâm hồn, bản dịch của Kim Thiều, NXB Minh đức thiện bản, năm 1960, tr. 12).

Từ cảm nghiệm đơn sơ này, thánh nữ Têrêxa đã nhận thấy được giá trị đáng trân trọng của trẻ thơ, của những người kém cõi, dốt nát (mọi rợ) chưa biết Chúa. Ngài viết:


Nếu linh hồn nào cũng cả thể như linh hồn các thánh tiến sĩ làm thơm danh Hội Thánh, và Chúa chỉ nhún mình xuống tới những linh hồn ấy thôi, thì chưa kể là đã nhún đến cùng. Song Chúa đã dựng nên trẻ thơ con nít, chẳng biết gì, chỉ biết khóc oe oe, Chúa đã dựng nên người rợ mọi, chỉ biết sống theo luật tự nhiên và Chúa đã nhún mình xuống tận những linh hồn ngây thơ ấy.

Những linh hồn ngây thơ chất phác này chính là những hoa nở ngoài đồng, mà vẻ đơn sơ mộc mạc làm say lòng Chúa, và bởi sự tự nhún dường ấy, Chúa đã tỏ ra quyền cả vô cùng của Chúa (Sđd: tr. 13).

Cũng bởi bản chất trẻ thơ, thánh nữ Têrêxa đã có một lối lý giải đặc biệt về sự công thẳng của Thiên Chúa mà ít người trí thức nặng suy tư có thể nghĩ ra:

Khi ta suy Chúa công thẳng vô cùng, lòng ta hứng vui khoan khoái dịu dàng biết bao! Chúa có công bình, mới xét ta là loài mong manh hèn sức yếu đuối, mới thấu tỏ tính loài người giòn mỏng suy nhược! Như thế thì sợ chi mà sợ? (Sđd: tr. 146).

Đa số tín hữu đều sợ sự công thẳng của Thiên Chúa, coi Chúa như một vị quan án nghiêm khắc, sẵn sàng oán phạt nặng nề. Khi thấy mình tội lỗi thì thất vọng, chẳng dám chạy đến cùng Chúa; đến nỗi tâm hồn trở nên chai đá, khô cằn, mất lòng trông cậy; có thể lún sâu thêm vào tội lỗi. Thánh nữ Têrêxa, với quan niệm “Thần học trẻ thơ” về Thiên Chúa như trên, quả đã mở lối, khích lệ người ta ăn năn trở lại cùng Chúa rất nhiều. Thánh nữ Têrêxa lập luận tuy ngây thơ nhưng rất hợp tình, hợp lý. Bởi vì Chúa công thẳng cho nên Chúa đoán xét chính xác, biết bản chất loài người rất yếu hèn; do đó, Chúa sẵn sàng khoan thứ cho kẻ tội lỗi.

*      Đơn sơ

Thánh nữ Têrêxa rất yêu cha mẹ. Tình yêu đơn sơ đến nỗi đã có lần, vào lúc thơ ấu còn quấn quít bên mẹ, trẻ Têrêxa đã chúc cho mẹ chết: “A mẹ ơi, con ước ao mẹ chết lắm!” Có ai đó trách mắng, Têrêxa trả lời: “Con chúc thế để mẹ lên Trời, vì mẹ đã bảo có chết mới lên trời được!” Chị Pauline của thánh nữ, sau này là Mẹ bề trên Dòng Kín đã từng viết: “hễ khi nó yêu cha quá, nó cũng chúc cha chết như thế.” (Sđd: tr. 15 – 16). Khi đã trở thành một nữ tu, Mẹ bề trên cũng nhận xét thế này: “Mẹ thấy con đơn sơ lắm mà sau này nên trọn lành, con càng sẽ đơn sơ hơn nữa! Người ta càng gần Chúa, càng hóa đơn sơ.” (Sđd. tr. 120).

*      Khiêm hạ

Trong tâm tình của thánh nữ Têrêxa luôn luôn có bản chất đơn sơ, nhưng ngài lại ôm ấp một hoài bão rất to lớn. Trước ngày lễ Khấn Dòng, ngài đã thể hiện lập trường quyết chí với lời cung khai trong bản dự án đại thể rằng: “Tôi vào Dòng để lo cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại, nhất là cầu nguyện nhiều cho hàng Giáo sĩ nên trọn lành thánh thiện.” (Sđd: tr. 118).

Tuy hoài bão to lớn như thế, nhưng thánh nữ Têrêxa lại rất khiêm hạ. Ngài đã được Chúa Giêsu soi cho biết phương thế cứu vãn các linh hồn là Thánh giá (sự đau khổ). Ngài trần thuật:

Cho nên càng gặp nhiều Thánh giá, lòng ái mộ chịu đau khổ của con càng thêm nồng nàn hăng hái. Trong 5 năm vừa qua, con đã bước đi đường ấy, con đi thì con biết, chớ chẳng ai biết con đi. Ấy chính là một hoa mọn mọc nơi xó xỉnh chẳng ai thèm để ý mà con muốn dâng tiến Chúa đấy. Hoa mọn này có chút hương thơm nào, chỉ bốc theo đường thẳng lên trời thôi.” (Sđd: tr. 118).

*      Tín thác

Một nhân đức đáng trân trọng nữa của thánh nữ Têrêxa là tấm lòng tín thác, tín thác đến nỗi tự coi mình như quả bóng nhỏ rẻ tiền, Chúa muốn quăng đi đâu cũng được, không hề phàn nàn. Ngài đã tường thuật cho Mẹ bề trên nghe:

Trước đây, con đã tự dâng mình làm đồ chơi nhỏ của Chúa Hài đồng Giêsu. Con đã xin Chúa đừng xem con như một đồ chơi quí mà trẻ chỉ được nhìn thôi, chớ chẳng được mó đến; một coi con như quả bóng nhỏ rẻ tiền, vất đâu cũng được, đấm hay đá cũng chẳng sao, có chọc thủng rồi đem bỏ xó hay muốn ôm ghì vào lòng cũng tùy sở thích. Tắt một lời, con chỉ muốn làm Chúa vui, và muốn Chúa nô đùa con cho thỏa thích.” (Sđd: tr. 108).

Với bản chất trẻ thơ, với tấm lòng đơn sơ, khiêm hạ và tín thác, thánh nữ Têrêxa đã được một ơn trọng đặc biệt. Trong một lần xưng tội với Cha linh hướng Pichon Dòng Tên, thánh nữ Têrêxa đã được bảo cho biết rằng: “Cha xin nói trước mặt Chúa, trước mặt Đức Mẹ Đồng Trinh, các Thiên thần và các Thánh Nam Nữ rằng: Con chưa phạm tội trọng nào bao giờ, con hãy đội ơn Chúa vì ơn rất trọng ấy, thật chẳng phải bởi công lênh con.” (Sđd: tr. 119).

*      Thang máy thiêng

Ở tuổi 15, từ khi mới bước vào Dòng Kín, thánh nữ Têrêxa đã có ước nguyện nên thánh. Đọc truyện các thánh trong Giáo hội, thánh nữ Têrêxa nhận thấy có 2 loại thánh:

-     Loại thánh thứ nhất: Có nhiều thánh, sau khi từ trần, các ngài chẳng để lại cho thế gian chút gì, một quyển sách nhỏ, một kỷ niệm tầm thường cũng không.

-     Loại thánh thứ hai: Các ngài đã để lại biết bao tác phẩm giá trị, làm giầu cho nền văn hóa thiêng và giáo lý Hội Thánh. Các ngài đã đem ra ánh sáng những học thuyết bí nhiệm về Thiên Chúa, khiến cho nhiều người công nhận và yêu mến Chúa hơn.

Sau khi suy nghĩ, thánh nữ Têrêxa, với thân phận một bông hoa mọn, không dám sánh mình cùng các thánh; ngài thấy mình xa cách quá, “tựa hồ trong cảnh thiên nhiên, hòn núi ngất ngọn trên mây sánh cùng hạt cát đen nằm lịm dưới chân khách bộ hành qua lại.” (Sđd: trang 155).

Nhưng chẳng ngã lòng, thánh nữ Têrêxa tự nhủ:

Không khi nào Chúa mở lòng tôi ước ao những điều không thể thực hiện, cho nên dù là thân phận hèn mọn, tôi ước ao làm thánh lắm. Ước ao làm lớn, dĩ nhiên không có thể rồi; tôi nay có thể nào, khuyết điểm làm sao cũng xin đành chịu; nhưng tôi muốn tìm cách về Thiên đàng bằng lối đi nhỏ thẳng tắp và vắn tắt, một lối đi hoàn toàn mới.

Hiện ta đang sống trong thời kỳ phát minh mạnh mẽ của khoa học, người ta chẳng còn khó nhọc phải trèo từng bậc thang mới lên được nhà tầng: Những nhà phú hộ đã đặt máy lên xuống rất tiện lợi, không phải bước một bước mà lên cũng tới. Vậy tôi cũng muốn phát minh một thang máy để cất mình lên cùng Chúa vì tôi bé bủn leo trèo từng bậc sù sì gồ ghề của thang trọn lành không nổi.” (Sđd. trang 155 – 156)

Thánh nữ Têrêxa đã tâm sự cùng Mẹ bề trên về chiếc thang máy của mình như sau:

Nghĩ xong, thưa Mẹ, con liền mở Kinh Thánh ra tầm xem có tia sáng gì về máy muốn phát minh kia chăng. Con đã đọc tới lời Đấng Khôn Ngoan vô cùng nói: Nếu ai bé nhỏ nhất hãy đến cùng Ta” (Cách ngôn: 9, 4). Con nghe vậy liền chạy đến cùng Chúa, nghĩ bụng đã khám phá được điều muốn tra cứu; song lại muốn biết Chúa yêu kẻ bé nhỏ nhất nào, con tiếp tục tìm và tìm đã thấy lời này: Như người mẹ mơn trớn con mình thể nào, Ta cũng sẽ an ủi các ngươi, ẵm bế trong lòng và ru ngồi trên gối Ta thể ấy.” (Isaia: 66, 13). Ôi, linh hồn con chưa khi nào được vui sướng nghe lời ân ái dịu dàng dường ấy! Lạy Đức Chúa Giêsu, thang máy cất tôi lên Thiên đàng là chính hai cánh tay Chúa! Bởi vậy con chẳng cần phải lớn nữa, trái lại cứ nhỏ bé là hơn và càng ngày càng phải nhỏ bé hơn mãi.” (Sđd: trang 156).

Phục qui ư anh nhi” là “con đường thơ ấu

Anh nhi” (trẻ thơ) hay “xích tử” (con đỏ) của Lão Tử là biểu tượng của con người biết ôm giữ lấy Đạo. Con người ấy là bậc “thượng thiện” (người rất tốt lành). Lão Tử ví người ấy giống như nước:

Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo: Người rất tốt lành giống như nước, nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở cái nơi mà mọi người ghét, cho nên gần với Đạo (Đạo Đức Kinh: chương 8).

Người ấy chính là bậc “thánh nhân”: “Thánh nhân bão nhất, vi thiên hạ thức: Thánh nhân ôm giữ Một (Đạo) làm khuôn mẫu cho thiên hạ.” (Đạo Đức Kinh: chương 22). Thánh nhân làm khuôn mẫu cho thiên hạ vì biết ôm giữ Đạo. Lão Tử khẳng định: “Bất Đạo tảo dĩ: Chẳng có Đạo thì mất sớm.” (Đạo Đức Kinh: chương 30).

Trong ngôn ngữ của Lão Tử, Đạo là Thực tại tối cao, căn nguyên của vũ trụ vạn vật. Suốt 81 chương sách Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói đến nhiều vấn đề, nhưng tư tưởng chủ đạo của ông luôn luôn nhắc nhở người ta hãy giữ lấy Đạo, sống theo Đạo. Khái niệm về Đạo của Lão Tử chính là Thiên Chúa của thánh nữ Têrêxa.

Khi viết Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã là người trưởng thành, còn có thể là một ông già, chẳng phải là “anh nhi” nữa, nhưng ông vẫn thấy “phục qui ư anh nhi” (trở về với trẻ thơ), mang tâm thức trẻ thơ là mẫu mực lý tưởng cho mọi người, bởi vì “trẻ thơ” gần gũi với Đạo. Xã hội có những con người mang tâm thức trẻ thơ là xã hội lý tưởng cho muôn thế hệ.

Thánh nữ Têrêxa khi viết “Một tâm hồn” không còn là trẻ thơ nữa, nhưng ngài vẫn muốn trở nên như trẻ thơ và muốn “càng ngày càng nhỏ bé hơn nữa”, vì ngài biết trẻ thơ gần gũi với Thiên Chúa, trẻ thơ có giá trị đối với Thiên Chúa; “con đường thơ ấu” là “thang máy thiêng” đem con người lên với Thiên Chúa.

Thánh nữ Têrêxa qua việc nghiền ngẫm kỹ Kinh Thánh từ Cựu Ước sang Tân Ước, đã nhận thấy Thiên ý muốn mọi người trở nên như trẻ thơ, bởi vì trẻ thơ vô tội, trẻ thơ chỉ biết tín thác. Như thế, thánh nữ Têrêxa đã nắm bắt được đạo thống Công giáo xuyên suốt chiều dài lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Lão Tử sống ở Đông Phương vào khoảng trên 500 năm trước Công Nguyên. Thánh nữ Têrêxa sống ở Tây phương vào cuối thế kỷ 19. Với khoảng không gian cách xa nhau gần nửa trái đất, với khoảng thời gian cách nhau chừng 2.500 năm, thế mà hai ngài đã có chung một đạo lý; đó là cần phải “trở nên như trẻ thơ” mới đạt tới hạnh phúc chân thật./.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn