Không
có gì gần gũi con người
hơn
sự sống của chính mình,
đụng
đến sự sống là đụng đến chính con người.
Tôn
trọng sự sống là khởi nguồn của mọi tôn trọng
các
quyền căn bản của con người.
Ts. Nguyễn Năng, OP.
“Bản thân còn chưa lo được thì sinh con ra lấy gì để lo”! Đó là câu trả lời của một bản trẻ tại một Hội thảo khi được Bác sĩ đặt câu hỏi: “Nếu như có thai ngoài ý muốn thì các bạn sẽ làm gì?” Thật may, phần đông cử tọa đều “say NO” với việc Phá thai và chỉ lác đác những cánh tay giơ lên khi chấp nhận “say YES”.[1] Có lẽ, vấn nạn Phá thai đã trở nên “hot” hơn nhiều độ chừng mười đến mười lăm năm trở lại đây. Cũng tại cuộc Hội thảo trên, thuyết trình viên đã đưa ra những thống kê cho thấy đất nước hình chữ S này đang vươn lên đứng thứ nhất trong khu vực Châu Á và đứng thứ năm trên thế giới về tỷ lệ nạo phá thai. Do đó, việc giáo dục giới tính và đồng hành có lẽ là bước đi càng sớm càng tốt và là cách thức hữu hiệu cho người trẻ hôm nay khi họ bước vào tuổi dậy thì và ngưỡng cửa trưởng thành. Đặc biệt là đối với người trẻ Công giáo, họ cần tiếp cận với một lối giáo dục toàn diện cả về tâm sinh lý lẫn luân lý Kitô giáo.
Nền tảng luân lý Kitô
giáo
Trước
vấn nạn Phá thai, lập trường của Giáo hội là không được phép nạo phá thai. Giáo
huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi hành vi phá thai là một trọng tội. Công đồng Vaticanô II khẳng
định rằng:
Tất cả những gì chống
lại sự sống như giết người, diệt chủng, phá
thai, an tử; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn con người cả về thể
xác và tinh thần; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người, biến con người
trở thành ngang hàng như dụng cụ thuần túy để thu lợi: Tất cả những hành động
đó là hành vi xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hóa.[2]
Giáo lý HTCG dạy:
Ngay từ thế kỷ thứ nhất,
Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó
không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực
tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều
trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý.[3]
Giáo
Luật 1983 ghi rõ rằng: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá
thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết - nghĩa là không cần ai phải
ra vạ, mà khi mình phá là mình tự động bị vạ tuyệt thông.[4]
Bên cạnh đó, Bộ
Giáo Lý Đức Tin khẳng định:
Sự sống của con người
là thánh thiêng, bởi vì ngay từ nguồn gốc nó bao hàm ‘hành động sáng tạo của
Thiên Chúa’ và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu
cánh duy nhất của nó.[5]
Cần phải tôn trọng sự
sống con người ngay từ khi bắt đầu quá trình sinh sản. Từ khi trứng thụ tinh,
đã có một sự sống mới bắt đầu, không phải của cha, cũng không phải của mẹ. Đúng
hơn đó là sự sống của một con người mới sẽ được phát triển riêng. Sự sống ấy sẽ
không bao giờ trở thành người được nếu đã không là người.”[6]
Tựu trung, hành vi
phá thai được Giáo hội kết luận là tội ác ghê tởm chống lại sự sống: “Sự sống
ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận: phá thai và giết trẻ
sơ sinh là những tội ác ghê tởm.”[7]
Từ
những giáo huấn nền tảng vững chắc của Giáo hội trên đây, chúng ta có thể thấy
giá trị của sự sống cao quý biết chừng nào, vì đó là một hồng ân vô giá mà Thiên
Chúa ban tặng, và vì con người là một nhân vị được tạo dựng giống hình ảnh
Thiên Chúa, là một cái gì có tính cách linh thánh vì sự sống phát xuất từ Thiên
Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Do đó, Giáo hội luôn nhắc nhớ con cái mình cần phải
tôn trọng sự sống vì không có gì gần gũi con người hơn sự sống của chính mình,
đụng đến sự sống là đụng đến chính con người. Tôn trọng sự sống là khởi nguồn của
mọi tôn trọng các quyền căn bản của con người. Bởi đó, việc bảo vệ sự sống của
con người ngay từ giai đoạn thụ thai cho tới lúc sinh hạ và mãi trong tương lai
là việc làm hết sức quan trọng, vì “con người được gọi tới sự sống sung mãn
vượt xa những chiều kích của cuộc sinh tồn trên trái đất này, bởi vì đó là sự
tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.”[8]
Cần một lối đi
Quả
là cần thiết và cấp bách cho giới trẻ ngày nay khi họ đang đối diện với “cơn lốc
xoáy” của cuộc sống. Bao nhiêu điều đang thu hút và lôi kéo họ vào lối sống hưởng
thụ từ vật chất đến tinh thần, mà trong đó, chuyện hưởng thụ tình dục là không
thể tránh khỏi. Quả là một thế giới đầy khủng hoảng phản ảnh một lối văn hóa
đang khai thác người trẻ trên nhiều khía cạnh. Trong Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, Christus Vivit, Đức Phanxicô đã trình bày sự ảnh hưởng nghiêm trọng
của nền văn hóa “lợi dụng” rằng, người trẻ sẽ bị khai thác vào tất cả các mục
đích chính trị, kinh tế, giải trí,… khiến đức tin của người
trẻ bị lung lay và họ trở nên đau khổ gấp bội.[9]
Hơn hết, vấn đề các thanh niên thiếu nữ đang trong thảm cảnh nô lệ tình dục cần
một sự quan tâm và một lối thoát. Vậy, là những nhà đào tạo, những người có thẩm
quyền và tất cả những ai quan tâm tới người trẻ trong vấn đề phá thai, chúng ta
sẽ nghĩ như thế nào và cần một hướng đi thực tế và cấp thiết?
Phổ
cập giáo dục giới tính
Đứng
trước tình cảnh của những người trẻ là tương lai cho xã hội nói chung và Giáo hội
nói riêng, Công Đồng Vaticanô II đề cập đến sự cần thiết phải có về “một nền
giáo dục giới tính tích cực và khôn ngoan”, dành cho thanh thiếu niên “dần theo
năm tháng khi chúng lớn lên” và “phải lưu tâm đến những tiến bộ của tâm lí học,
sư phạm và giáo dục, để có thể phát triển hài hòa những khả năng thể lý, luân
lý và tinh thần…
Hơn nữa, Công đồng cũng tuyên bố rằng, các em
thiếu nhi và thanh thiếu niên có quyền được hướng dẫn để biết lượng định những
giá trị luân lý với một lương tâm ngay thẳng, biết quý trọng những giá trị ấy hầu
tin nhận và yêu mến Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn.[10]
Quả
vậy, với sự phát triển thượng tầng cũng như hạ tầng của thời đại này, những nhà
đào tạo và nhà chức trách của Giáo hội địa phương sẵn có những phương tiện hữu
ích về số lượng cũng như chất lượng để đưa ra một sự phổ cập giáo dục giới tính
toàn diện, nhanh chóng và thực tế để những người trẻ nắm bắt được những kiến thức
hữu ích và chính xác. Đó cũng chính là trách nhiệm cao cả mà Giáo hội luôn chú
trọng tới việc bảo vệ và thăng tiến sự sống, tôn trọng và yêu mến sự sống, đó
là nhiệm vụ Thiên Chúa trao cho mọi người, khi kêu gọi họ tham dự vào (x. St
1,28).[11] Để
thuận tiện và có hiệu quả, có lẽ sự hợp tác giữa các trường học xã hội và Giáo
hội là điều cần thiết vì sự đào tạo toàn diện tâm sinh lý và luân lý Kitô giáo
sẽ làm nên sự phát triển sâu – rộng – cao cho người trẻ.
Điều
may mắn cho con người ngày hôm nay khi nhiều nhà hoạt động, những người thành
tâm thiện chí với việc cố võ và bảo vệ sự sống, đang ngày càng “nở rộ” qua nhiều
hình thức khác nhau. Đó là “tiếng nói” cấp bách và khẳng định giá trị của sự sống
nơi con người. Tại các trường học và các cơ quan của xã hội cũng như các đoàn
thể của Giáo xứ, sự phối hợp giữa Công giáo và xã hội ngày càng có bước tiến
sâu xa nhằm phổ cập các thông tin quan trọng cho cả giới trẻ, gia đình trẻ và
các học viên Dự tòng – Hôn nhân. Qua các buổi thuyết trình hội thảo, diễn đàn
và khóa học ngắn hạn, có lẽ người trẻ hôm nay không thiếu phương thức tiếp cận
sự hiểu biết về phát triển giới tính, cũng như những thông tin về vấn nạn phá thai ngày nay. Điều
quan trọng là những người trẻ nắm bắt được gì và phản ứng ra sao trước bối cảnh
của cuộc sống hiện đại.
Đối
với vấn đề giáo dục giới tính của người trẻ, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, nên
giúp đỡ để họ nhận ra và đi tìm các ảnh hưởng tích cực, trong khi xa tránh những
điều có thể làm tê liệt khả năng yêu thương của họ. Cần “một ngôn ngữ mới và
thích đáng hơn để dẫn nhập trẻ em và các thiếu niên vào chủ đề tính dục.”[12] Ngài nói tiếp:
Nền giáo dục tính dục
nào cổ vũ được cảm thức thùy mị nết na
lành mạnh là nền giáo dục rất có giá trị,
bất kể một số người ngày nay coi thùy mị nết na như phế tích của một thời xa
xưa. Thùy mị nết na là một phương thế tự nhiên để ta bảo vệ sự tư riêng bản
thân và ngăn ngừa ta khỏi trở thành những đối tượng bị lợi dụng. Không có cảm
thức thùy mị nết na này, lòng âu yếm và tính dục có thể bị giản lược chỉ còn là
một ám ảnh đối với dục quan và các tác phong không lành mạnh vốn làm méo mó khả
năng yêu thương của ta, và đối với các hình thức bạo lực tính dục có thể dẫn tới
việc đối xử vô nhân đạo hoặc gây thương tích cho người khác.[13]
Và
Đức Phanxicô khẳng định: “Điều quan trọng là phải dạy họ biết nhạy cảm đối với các cách diễn tả
khác nhau của lòng yêu thương, biết quan
tâm và săn sóc lẫn nhau, biết tôn trọng
cách yêu thương và thông đạt có ý nghĩa sâu xa.”[14]
Ngoài
ra, ngài cũng nhắc nhở rằng:
Giáo dục tính dục
cũng bao gồm việc tôn trọng và đánh giá
cao các dị biệt, như một cách giúp giới trẻ thắng vượt tính chỉ biết có mình,
ngõ hầu có thể cởi mở và chấp nhận người khác…Chỉ khi nào hết sợ khác biệt, ta
mới thoát khỏi não trạng lấy mình làm
trung tâm, chỉ lưu tâm tới mình. Giáo dục tính dục nên giúp giới trẻ biết chấp nhận thân xác họ và tránh cái cao vọng muốn triệt tiêu sự dị biệt
giới tính vì không còn biết phải xử lý với nó ra sao.[15]
Như
vậy, việc phổ cập giáo dục giới tính theo như tinh thần của Công Đồng Vaticanô
II, thì đó là một nền giáo dục tích cực
và khôn ngoan, cộng thêm cảm thức cá
nhân mà Đức Phanxicô nhấn mạnh, trong đó, giới trẻ biết học cái toàn diện
cho vấn đề giới tính của mình, thoát đi khỏi những việc làm theo bản năng hoặc
thiếu hiểu biết.
Đồng
hành với người trẻ
Có
lẽ, việc đồng hành với người trẻ đang là mối bận tâm lớn của Giáo hội. Trong
tông huấn Christus Vivit,
Đức Phanxicô đã sử dụng ba mươi sáu lần hạn từ “đồng hành - accompaniment”. Chỉ riêng trong số 242, hạn từ ấy được
lặp lại ba lần và bảy lần trong số 246. Điều đó dấy lên vấn đề cấp thiết của việc
đồng hành với người trẻ trong mọi chiều kích, đặc biệt là trước vấn nạn phá
thai.
Lẽ
tự nhiên, con người lớn lên cần có sự hướng dẫn của người khác về mọi mặt. Do
đó, người trẻ tiến bước trên con đường cần có sự đồng hành của những bậc cha mẹ,
thầy cô giáo, bạn bè, các vị linh hướng,… Họ là những người truyền cảm hứng với
những kỹ năng sống cùng kiến thức đa ngành. Cũng vậy, đứng trước vấn nạn phá
thai, việc đồng hành với người trẻ là điều hết sức cần thiết cả về mặt thiêng
liêng lẫn bên ngoài, cả về phương diện tinh thần lẫn kiến thức chuyên môn để
làm sao họ có thể “vượt qua bản năng để sống một tình yêu; vượt qua hiểu biết
giác quan để đạt tới một sự hiểu biết bằng lý trí; và vượt qua sự lệ thuộc để sống
tự do”[16]
nhằm thăng tiến và trưởng thành trong nhân cách làm người và tôn trọng sự sống
của chính họ và nơi người khác. Cách đặc biệt, theo Thư Chung 2019[17] của
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chủ đề năm 2021 là “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”. Vậy, trọng tâm của
việc đồng hành là những người trẻ ưu tiên hơn trong môi trường gia đình.
Đức
Phanxicô nhấn mạnh:
Người trẻ cần được
tôn trọng tự do, nhưng họ cũng cần được đồng hành. Gia đình phải là nơi thứ nhất của sự đồng hành này. Sứ vụ giới trẻ
có thể giới thiệu lý tưởng của sự sống trong Đức Kitô như tiến trình xây dựng một
ngôi nhà trên đá (x. Mt 7,24-25). Đối với đa số người trẻ, ngôi nhà ấy, cuộc sống
của họ, sẽ được xây dựng trên hôn nhân và tình yêu vợ chồng. Vì thế sứ vụ giới
trẻ và việc săn sóc mục vụ gia đình cần phải được hội nhập và phối kết, nhằm bảo
đảm một sự đồng hành liên tục và thích hợp cho tiến trình ơn gọi.[18]
Quả
vậy, gia đình là trường học đầu tiên của người trẻ. Nơi đó, những bậc làm cha mẹ
phải ý thức đầy đủ vai trò giáo dục và đồng hành với con cái. Sự trưởng thành
nhân cách của người trẻ chịu ảnh hưởng sớm nhất và trước nhất là nơi gia đình,
“cộng đoàn tiên khởi” của người trẻ. Chính vì vậy, theo tinh thần của Thư chung 2019, Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ “hãy đồng hành để giúp các
thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định
ơn gọi.”[19]
Đó là bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ, là những người đồng hành đầu tiên của
người trẻ. Theo truyền thống Việt Nam, các gia đình Công giáo có một đời sống đạo
chuẩn mực trong cách sống và có sự quan tâm sâu sát trong việc giáo dục con cái
của mình về đời sống đức tin và xã hội. Đây được xem là thế mạnh trong việc tiếp
cận với “thế giới” của người trẻ, nơi mà họ dùng những ngôn ngữ và thể hiện
phong cách sống khác hẳn so với các thế hệ của ông bà và cha mẹ lẫn những vị đồng
hành khác.
Thật
vậy, Đức Phanxicô khẳng định: Đời sống gia đình như một khung cảnh giáo dục.
Nơi đó, người trẻ tiếp cận trước nhất với các giá trị nhân bản, những giá trị sống
cốt lõi được thấm thấu qua dòng thời gian thuở ban đầu. Nơi gia đình, người trẻ
sẽ được học cách phê phán, nhận định và tập phán đoán từ những kinh nghiệm quý
giá của cha mẹ và các thế hệ đi trước. Và hơn hết, người trẻ sẽ được thụ huấn một
nền giáo dục hy vọng. Nghĩa là, chúng sẽ được học hỏi và biết suy nghĩ về những
trách nhiệm đối với bản thân và tránh lối suy nghĩ “muốn gì có nấy” ở độ tuổi
đang muốn thỏa mãn theo sở thích của mình. Và như vậy, những lúc khó khăn và bối
rối trong đời sống gia đình có thể dạy người trẻ nhiều bài học quan trọng, vì
biết sống tương quan với người khác.[20]
Những nền tảng đó nói lên tầm quan trọng của việc giáo dục con cái thuộc về
trách nhiệm của cha mẹ. Thật là cao cả và cấp bách!
Kế
đến, sự đồng hành thuộc về những nhà đào
tạo và những người mục vụ giới trẻ. Đức Phanxicô nói: “Chúng ta cũng tin
rằng, các chủng sinh và tu sĩ cần có khả năng lớn hơn nữa để đồng hành với các
người lãnh đạo trẻ”.[21]
Đây cũng là trách nhiệm thuộc về các mục tử và những người chuyên về công
tác mục vụ giới trẻ theo tinh thần Thư
chung 2019 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngày nay, việc đồng hành với giới
trẻ tại Giáo hội Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc khi các Dòng tu ngày càng
quan tâm dấn thân vào lãnh vực mục vụ này, và một số Giáo xứ đang đẩy mạnh
phong trào Giới trẻ. Cách riêng, đối với các tu sĩ, những người đang dấn thân
trên con đường giúp giới trẻ thiết lập và xây dựng “nguyên lý và nền tảng” cho
cuộc đời[22],
hướng đến huấn luyện một con người toàn diện nơi bản thân họ, thì càng phải đồng
hành với giới trẻ hơn nữa trước vấn nạn phá thai.
Trước
hết, các vị đào tạo và các tu sĩ cần có chuyên môn về các ngành liên quan đến
giới trẻ: tâm lý, sinh lý, luân lý Kitô giáo,… Những nền tảng vững chắc đó sẽ
trở nên “cánh tay” đắc lực cho việc đồng hành với các bạn trẻ. Và chính trong
lúc khó khăn nhất, sự hiện diện đúng lúc của các vị đồng hành và linh hướng sẽ
trở nên “cái phao” cứu thoát họ khỏi tình cảnh nghiêm trọng của việc phá thai.
Ngày nay, có rất nhiều ngôi nhà tình thương đang “mọc lên” và trở thành những
trung tâm dành cho các bà mẹ và các thiếu nữ “quá độ”. Đây được xem là thành quả
của rất nhiều nam nữ tu sĩ và các thiện nguyện viên đã hi sinh cho công cuộc bảo
vệ sự sống. Đó là bằng chứng của việc đồng hành với giới trẻ ngay khi họ đã “lầm
lỡ” từ việc thiếu hụt kiến thức giáo dục giới tính và sự thỏa mãn đam mê dục vọng.
Để bạn trẻ thấy…
Rốt
cuộc, việc đẩy mạnh công tác mục vụ giáo dục giới tính cho giới trẻ và việc đồng
hành với họ cho thấy những giá trị bền vững và thiêng liêng của sự sống cũng
như những khía cạnh liên quan. Dù trong môi trường nào đi chăng nữa, gia đình
hay trường học, xã hội hay Giáo xứ, những người đặc trách làm công tác giáo dục
hay đồng hành đều phải giúp các bạn trẻ nhận ra những giá trị cốt lõi và tầm
quan trọng trong việc chung tay bảo vệ sự sống trước vấn nạn phá thai đang báo
động và đáng lo ngại.
Vẻ
đẹp và giá trị thánh thiêng của sự sống
Sự sống của con người từ Thiên Chúa mà đến, đó là ân huệ,
là hình ảnh và dấu ấn của Người. Thiên Chúa là Chủ Tể duy nhất của sự sống này:
con người không thể định đoạt về nó. Sự sống là giá trị thánh thiêng bất khả
xâm phạm được khắc ghi từ thưở ban đầu trong lương tâm mỗi người. Do đó, các bản
trẻ phải nhận ra vẻ đẹp và giá trị của sự sống nơi chính mình là “một sự thiện
hảo mà tình yêu của Chúa Cha phú ban cho một ý nghĩa và một giá trị.”[23] Từ đó, các bạn trẻ
hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống và chọn cho mình một quyết định
đúng đắn trong các mối tương quan của cuộc sống, nhất là trong tình yêu đôi lứa.
Trong tình yêu, các bạn sẽ cảm nếm được niềm vui của đôi bên. Thánh Tôma Aquinô
nói rằng, chữ “vui” có ý nói tới việc mở rộng tâm hồn.[24]
Niềm vui này giúp người trẻ nhận biết và trân trọng vẻ đẹp đích thực - là “giá
trị cao cả” của người kia. Vẻ đẹp ấy - khác với dáng vẻ thể lí hay tâm lí - giúp
họ cảm nếm, chiêm ngắm và đánh giá tính thánh thiêng của một nhân vị, với thái
độ dịu dàng, quan tâm và kính trọng, không cảm thấy nhu cầu bức bách phải chiếm
hữu bạn đời.[25] Và như vậy, bạn trẻ sẽ cảm
thấy niềm vui trọn vẹn trong tình yêu là lúc mở rộng tâm hồn mình, trân quý cái
đẹp và sự thánh thiêng của sự sống và nhân vị nơi người khác mà không bị thôi
thúc của dục tình chiếm hữu lấy mình mà hành động sai trái dẫn đến những kết quả
đáng buồn.
Lương
tâm và Dục vọng
Lương
tâm “là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ
thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu [...]. Nhờ phán quyết của
lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.”[26] Dựa
trên nền tảng này, người trẻ biết chọn lựa thái độ hay phản ứng phù hợp với
tiêu chuẩn luân lý Kitô giáo nhờ được thụ hưởng nền giáo lý đức tin vững chắc.
Thế nhưng, trước một cuộc sống hiện đại đầy cám dỗ và đam mê, lương tâm của người
trẻ sẽ có lúc rơi vào tình trạng tối tăm, mịt
mờ, như thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolô II nhận định: “Một khi lương tâm, là con mắt
sáng của tâm hồn (x. Mt 22-23), lại gọi “dữ là lành và lành là dữ” (Is 5,20)
thì lương tâm ấy đã đi vào con đường sa đoạ làm ta phải lo ngại và cũng là con
đường đui mù về tinh thần tối tăm nhất”[27]
Đó chính là nguy cơ người trẻ rơi vào tình trạng để dục vọng điều khiển chính
mình và đưa ra những chọn lựa ngược với luân lý Kitô giáo. Trong tác phẩm Thần học về thân xác, ngài đã so sánh dục vọng xác
thịt như lửa đốt:
Lửa dục vọng cháy bừng
trong con người, nó xâm nhập các giác quan, kích thích thân xác, lôi cuốn các
thứ tình cảm và theo nghĩa nào đó chiếm lấy tâm hồn con người. Đam mê phát sinh
từ dục vọng xác thịt ấy bót nghẹt trong lòng tiếng nói sâu thẳm của lương tâm,
ý thức trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa.[28]
Do
đó, căn nguyên của nạn phá thai đang gia tăng khủng khiếp trên đất nước hình chữ
S này là xuất phát từ việc ảnh hưởng của nền văn hóa hưởng thụ, một xã hội ủng
hộ những cách ăn ở nghịch lại sự sống, và nuôi dưỡng cái “văn hoá sự chết”. Bởi
vậy, có nhiều đôi bạn trẻ đam mê đi tìm sự thỏa mãn thân xác do dục vọng chi phối.
Họ đã để cho đam mê dục vọng bóp nghẹt các sức lực sâu thẳm nhất của lương tâm
và của tâm hồn. Họ bỏ quên những lề luật và đạo lý nền tảng của luân lý Kitô
giáo. Kết cục là những hậu quả khôn lường cho bản thân và gia đình. Và một khi
tình trạng này kéo dài, xã hội lại tạo ra nhiều “cơ chế tội lỗi” thực sự chống
lại sự sống như những bệnh viện hay trung tâm nạo phá thai mọc lên rầm rộ.
Hỡi các bạn
trẻ
Các
bạn hãy biết rằng, nạo phá thai đã không những không giải quyết được khó khăn của cá nhân thiếu nữ và gia đình, mà còn
mở ra một vết thương khác trong lòng xã hội của chúng ta vốn đã phải và đang
gánh chịu nhiều điều đau khổ. Các bạn hãy nhận thức rõ những sai lầm của việc
thỏa mãn dục vọng, để từ đó lánh xa những dịp tội nghịch lại lề luật của Thiên
Chúa và vi phạm luân lý Kitô giáo. Hãy nhớ rằng, cuộc đời tuổi trẻ của các bạn
đáng sống để cống hiến cho gia đình, xã hội và Giáo hội nữa, chứ không chỉ tìm
đến những trào lưu hưởng thụ của nền “văn hóa sự chết”. Các bạn hãy mạnh dạn tiếp
cận nền giáo dục giới tính và sự đồng hành của các nhà đào tạo và hữu trách từ
gia đình cho đến xã hội và Giáo hội, họ luôn sẵn lòng và hỗ trợ các bạn. Đừng
chần chừ trước những cơ hội các bạn đang có và hãy chuẩn bị cho mình hành trang
kiến thức vững vàng và đầy đủ.
Thay
lời kết
Thay cho lời kết luận, xin
dừng lại với những lời tâm đắc từ Thông điệp của Đức Phanxicô gửi các bạn trẻ:
Các con cần ý thức một sự thật căn bản: tuổi trẻ,
đó không có nghĩa là chạy theo những thú vui nhất thời và những thành công hời
hợt. Nếu muốn cho những năm tháng tuổi trẻ của các con đạt được ý nghĩa của nó
trong đời, thì đó phải là một thời gian của quảng đại dấn thân, hết lòng cống
hiến, một thời gian của những hy sinh không hề dễ dàng nhưng đem lại đầy hoa quả.”[29]
[1] Hoa Nữ, “Nếu lỡ có thai ngoài
ý muốn em sẽ chọn phá thai!,” Truy cập ngày 17-06-2021,
https://thanhnien.vn/gioi-tre/neu-lo-co-thai-ngoai-y-muon-em-se-chon-pha-thai-1133790.html.
[2] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế
mục vụ Vui mừng và Hy vọng, số 27.
[3] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2271.
[4] Giáo Luật, điều 1398.
[5] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Ơn ban sự sống (22-2-1987), nhập đề, số
5.
[6] Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn
Về việc phá thai, III. 12.
[7] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế
mục vụ Vui mừng và Hy vọng, số51.
[8] Thánh Giáo hoang Gioan Phaolô
II, Thông Điệp Evangelium Vitae, số
2.
[9] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 72-80.
[10] X. CĐ
Vat. II, Tuyên Ngôn về Giáo Dục Công Giáo
- Gravissimum Educationis, 1.
[11] Thánh Giáo hoang Gioan Phaolô
II, Thông Điệp Evangelium Vitae, 42.
[12] X. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui tình yêu – Amoris Laetitia, 281.
[13] Ibid., 282.
[14] Nt., 283.
[15] Ibid., 285.
[16] Giuse Lê Văn Phượng, FSC., “Đồng
hành giúp người trẻ phát triển nhân cách trong thực trạng các vấn đề xã hội Việt
Nam hôm nay như là một thách đố trong việc giáo dục đức tin,” Hiệp Thông, số 122 (tháng 1 & 2 năm
2021): tr. 104.
[17] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ban
hành tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, ngày 4 tháng 10 năm 2019, số 6.
[18] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, 242.
[19] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ban
hành tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng,ngày 4 tháng 10 năm 2019, số 7.
[20] X. Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, 274-277.
[21] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, 245.
[22] Xem thêm Lê Hoàng Nam, SJ., “Giúp
người trẻ thiết lập ‘nguyên lý và nền tảng’ cho cuộc đời”, Hiệp Thông, số 122 (tháng 1 & 2 năm 2021). tr.
166-182.
[23] Thánh Giáo hoàng. Gioan Phaolô
II, Thông Điệp Evangelium Vitae, 32.
[24] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae I-II, q. 31, art. 3.,
ad 3.
[25] X. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, 126-127.
[26] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1778.
[27] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II, Thông Điệp Evangelium Vitae, 24.
[28] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II, Thần học về thân xác, Dg. Gm.
Lu-y Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội: Tôn giáo, 2016), tr. 292.
[29] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, 108.
Đăng nhận xét