Bảy Mối Tội Đầu

 Fr. Hieronymus Bùi Thiện Thảo, op.

        Khái niệm tội lỗi nói chung và danh mục những thói hư tật xấu tồn tại trong nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau, riêng danh mục bảy mối tội đầu (bảy tội lỗi đứng đầu mọi tội lỗi) chỉ có trong Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo đối với văn hoá phương Tây nên khái niệm này cũng ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực từ đời sống cho đến suy tư triết học, từ văn hoá bình dân cho đến văn chương nghệ thuật, từ giao tiếp thường nhật cho đến những nghiên cứu tâm lý và nhiều lãnh vực khác nữa.

Các tội đầu này, hay nói khác đi là những khiếm khuyết của tinh thần làm cho con người hướng chiều về điều xấu, được thể hiện qua những hành vi cử chỉ có nguy cơ thúc đẩy chủ nhân của chúng phạm tội hoặc gây nguy hại cho những người xung quanh. Nhiều người cho rằng, chính những thói hư tật xấu này gây ra tội lỗi do đó nhiều lúc chúng gần như được đồng nhất với các tội đầu mặc dù tội lỗi là hậu quả của thói xấu. Theo truyền thống Công giáo, cứ mỗi tội đầu này có một nhân đức để chữa trị vốn rất quen thuộc trong kinh Cải tội bảy mối có bảy đức.

Người đầu tiên trong Giáo hội giới thiệu danh mục các tội đầu này là đan sĩ Evagrius xứ Pontus (345–399) nhưng trong danh sách của người có đến 8 tội gồm: mê ăn uống, tà dâm, hà tiện, hờn giận, phiền muộn, lười biếng, tự phụ và kiêu ngạo. Dần dần phiền muộn (sở dĩ nó bị coi là tội vì phiền muộn làm cho người ta không nhận ra vẻ huy hoàng trong công trình của Thiên Chúa) biến mất để hoà nhập với ham muốn được thêm vào danh mục, trong khi đó tự phụ cũng được hợp chung với kiêu ngạo. Chính thánh Gregorius I (~540–604) đã ấn định danh mục bảy mối tội đầu mà chúng ta thường gặp phải. Danh mục này được đón nhận và quảng bá rộng rãi trong thần học cũng như trong đời sống của người tín hữu.

Sở dĩ có bảy tội đầu vì trong Thánh kinh, con số bảy mang nhiều ý nghĩa tượng trưng và gắn liền với sự hoàn thiện của Thiên Chúa. Chẳng hạn trong sách Sáng thế, Thiên Chúa sáng tạo trời đất và muôn vật muôn loài trong sáu ngày, ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Trong sách Khải huyền, thánh Gio-an nói đến bảy dấu ấn, bảy hồi kèn, bảy tai ương tượng trưng cho ngày phán xét của Thiên Chúa. Trong truyền thống Giáo hội, con số bảy thường gắn liền với sự toàn vẹn của ơn thánh Chúa ban giúp con người vượt thắng mọi tội lỗi như bảy ơn Chúa Thánh Thần, bảy bí tích và bảy nhân đức quan trọng nhất (ba nhân đức đối thần và bốn nhân đức trụ cột). Vì vậy, việc ấn định bảy mối tội đầu có thể được coi là cách thức mang ý nghĩa tượng trưng nhằm nhấn mạnh tính nghiêm trọng của các tội đầu này cũng như của các nhân đức đối nghịch nhằm chữa trị chúng.

Kiêu ngạo

Trong số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu “thủ lãnh” của bảy mối tội đầu là kiêu ngạo.

               Kiêu ngạo là kẻ thù của Thiên Chúa
nhưng là bạn hữu của tội lỗi;
chính kiêu ngạo đã đuổi các thiên thần
ra khỏi thiên đàng và xô đẩy con người xuống hoả ngục.

(Thánh Augustinus)

Nhân vật nữ trong cuốn Hoàng tử bé của nhà văn phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry (1900–1944) là một bông hồng đầy kiêu sa. Cô nàng khiến hoàng tử béphải đau khổ, và vì lý do đó, chàng đã rời khỏi thế giới bé nhỏ của mình để làm một chuyến du hành dài đến nhiều hành tinh khác nhau. Khi đến sa mạc Sahara, hoàng tử bé mới phát hiện mình đã bị chính đoá hồng mà chàng hết lòng yêu thương lừa dối chỉ vì cô nàng này quá kiêu căng và ích kỷ, hay đòi hỏi và dễ bị chạm tự ái nên đã tìm cách làm cho cậu chủ tin rằng mình là sinh vật duy nhất trên cõi đời này, không ai có thể tìm thấy một phiên bản thứ hai.

Kiêu ngạo được coi như cội rễ của mọi tội lỗi. Thực vậy, kiêu ngạo thường làm người ta dễ nổi giận và nổi tự ái, nó còn khiến người ta đâm ra thèm muốn hay ghen tị vì, như bông hồng của hoàng tử bé, tính kiêu ngạo làm cho chủ nhân của nó không chấp nhận người khác xinh đẹp, giỏi giang, tốt lành hay thánh thiện hơn mình. Ngoài ra, tính kiêu ngạo còn khiến người ta khinh miệt kẻ khác và cũng chẳng biết kính sợ Chúa… Chính vì vậy, truyền thống Giáo hội coi kiêu ngạo như là “thủ lãnh” của các tội đầu[1].

1. Kiêu ngạo là gì?

Quan niệm về kiêu ngạo
             trong một số truyền thống tâm linh

Các truyền thống tôn giáo lớn đều lên án thói kiêu căng. Đối với Phật giáo, kiêu ngạo là một trong “tam độc” (cùng với tham và si) vốn là cội nguồn của đau khổ và vô minh. Ấn giáo coi kiêu ngạo là một trở ngại cho cho việc thực hành Atman (giúp con người đạt đến vĩnh cửu). Còn ba tôn giáo độc thần (Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo) đều coi kiêu ngạo như giềng mối của mọi tội lỗi. Thế nhưng nhiều triết gia ngoại giáo lại coi kiêu ngạo như một điều tích cực, thậm chí là một nhân đức. Trước khi trở thành tội, tính tích cực của kiêu ngạo, theo như một số người quan niệm, nằm ở chỗ nó thúc đẩy hay tạo động lực khiến người người ta cố gắng vươn lên. Tuy nhiên, trong thần học Ki-tô giáo, kiêu ngạo không được coi như một nhân đức nhưng đúng hơn là một thói xấu.

Trong truyền thống văn hoá của người Hy Lạp, kiêu ngạo được coi như một thói xấu đáng lên án một cách nghiêm khắc vì nó huỷ hoại các nhân đức trụ cột như lòng can đảm, tiết độ, công bằng, khôn ngoan... Những tác giả cổ xưa như thi hào Homer (thế kỷ thứ VIII TCN), sử gia Herodotus (qua đời khoảng năm 425 TCN) hay triết gia Plato (qua đời năm 348/347 TCN) đều coi kiêu ngạo như thói xấu lớn nhất của con người và là cội rễ của mọi phán đoán sai lầm về luân lý cũng như gây nguy hại cho đời sống chính trị[2]. Thế nhưng, khác với các bậc tiền bối, triết gia Aristotle (qua đời năm 322 TCN) lại coi kiêu ngạo như “vương miện của mọi nhân đức” vì theo ông, kiêu ngạo mạnh mẽ hơn mọi thói tật của con người. Ông khẳng định rằng, kẻ kiêu căng (thường được đồng nhất với người cao thượng) là người tin rằng mình xứng đáng với điều cao cả và kẻ ấy xứng đáng được như vậy. Do đó, người kiêu căng không bao giờ ngần ngại đòi cho mình được những gì mà họ coi là xứng đáng. Hơn nữa, vị triết gia này còn cho rằng, đòi hỏi ít hơn những gì mình xứng đáng được hưởng là một thói xấu. Về mặt luân lý, những kẻ xứng đáng được coi là cao thượng phải nhận biết điều đó và mong chờ người khác cũng nhìn nhận mình như vậy[3].

Trong Do Thái giáo và Ki-tô giáo

Thánh kinh cảnh báo những nguy hiểm mà thói kiêu căng có thể gây ra cho con người đồng thời khích lệ tính khiêm nhường, một biểu hiện của lòng vâng phục và biết ơn đối với muôn vàn hồng phúc Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Sở dĩ Thánh kinh lên án thói kiêu căng vì nó khiến người ta trở nên ích kỷ, hợm hĩnh, hay ghen tuông, hờn giận dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, trái ngược với người khiêm hạ luôn sống quảng đại, tìm kiếm bình an và xử sự hoà nhã với mọi người. Sách Châm ngôn coi kiêu ngạo như nguyên nhân dẫn đến hư mất: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 16, 18) còn kẻ kiêu ngạo “làm Đức Chúa ghê tởm, hẳn nó không thoát khỏi án phạt đâu” (Cn 16, 5). Sau này, thánh Phao-lô cũng từng nhắc nhở các tín hữu đừng cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình hay nói khác đi đừng tự cao tự đại để khỏi chuốc hoạ vào thân “vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng” (1 Cr 3, 19).

Trong Giáo hội, kiêu ngạo được coi như mẹ của mọi tội lỗi vì chính nó đã thúc đẩy bà Eva bỏ qua mọi giới hạn, mạnh dạn ăn trái cây biết lành biết dữ mặc dù Thiên Chúa đã cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng do việc này gây ra. Chính bà Eva, qua việc ăn trái cấm, đã mở cánh cửa để tính kiêu căng xâm nhập vào giữa lòng thế giới, vì vậy kiêu ngạo bị coi như kẻ thù của đức tin. Hơn nữa, tính kiêu ngạo còn thúc đẩy chủ nhân của nó đến chỗ tự coi mình cao hơn Thiên Chúa như các thiên thần sa ngã thành ma quỷ hay ít ra được ngang bằng Thiên Chúa như mong muốn của ông bà nguyên tổ.

Thánh Hieronymus (347–420) viết nhiều về tính kiêu ngạo. Thánh nhân coi nó như tội lỗi nguy hiểm nhất vì nó có thể làm cho người ta xa rời Thiên Chúa và anh em. Một người đương thời của thánh nhân là thánh Augustinus (354–430) cũng coi kiêu ngạo như tội lỗi nguy hiểm nhất có thể huỷ hoại tâm hồn con người. Theo thánh Augustinus, kiêu ngạo là một hình thức tự cao quá đáng được thể hiện qua tính háo danh và khao khát tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác, cội nguồn của mọi tội lỗi, nó khiến người ta tự coi mình trọng hơn kẻ khác và tự cho mình đã dư đầy rồi nên chẳng cần ơn thánh Chúa nâng đỡ. Vì vậy, đối với thánh nhân, khiêm nhường là nhân đức đối nghịch với tính kiêu ngạo. Nhân đức này giúp chúng ta nhận ra mình chỉ là phàm nhân “phận mỏng cánh chuồn” cần phải vâng phục Thiên Chúa để được Người dẫn đưa và làm cho lớn lên về mặt tâm linh[4].

Thánh Gregorius I († 604) coi kiêu ngạo như thói xấu đáng sợ nhất của con người vì nó thúc đẩy người ta phạm nhiều tội khác. Thánh nhân cho rằng, kiêu ngạo thúc đẩy con người tìm kiếm danh vọng, sự ngưỡng mộ của kẻ khác và vì vậy khiến họ tự cho rằng mình cao trọng hơn người. Do đó, kiêu ngạo là một trở ngại lớn cho sự thăng tiến tâm linh và ngăn cản tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Và để chiến thắng tính kiêu ngạo, thánh nhân coi tính khiêm nhường như nhân đức chìa khoá giúp chúng ta chiến thắng tính kiêu ngạo (Moralia XXXI, 87).

Thánh Tommaso Aquino († 1274), trong bộ Tổng luận thần học thời danh của mình, đã nhắc lại lập luận của thánh Augustinus và của thánh Gregorius I về vấn đề này14. Thánh nhân coi tính kiêu ngạo như ước muốn hỗn loạn của con người đề cao mình quá đáng đến độ coi thường Thiên Chúa được thể hiện qua sự bất tuân mệnh lệnh của Người. Đối với thánh Tommaso kiêu ngạo vừa là tội lỗi đáng ghê tởm nhất vừa là mẹ của mọi thói hư tật xấu. Hơn nữa, thánh nhân còn coi kiêu ngạo như một hình thức chống lại luật Thiên Chúa[5]. Cũng giống như nhiều bậc tiền bối của mình, thánh Tommaso cho rằng sự khiêm hạ chính là nhân đức chữa trị tính kiêu ngạo vì nhân đức này mời gọi chúng ta vâng phục Thiên Chúa và lắng nghe tha nhân.

Giáo lý Giáo hội Công giáo (1992) khẳng định kiêu ngạo là tội đề cao mình quá đáng, điều đó dẫn kẻ kiêu căng đến chỗ coi thường Thiên Chúa lẫn người khác như viên quan toà trong chuyện dụ ngôn bà goá đi kiện (Lc 18, 1-8). Giáo hội coi kiêu ngạo như một tội trọng vì nó cản trở tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân, đồng thời khích lệ các tín hữu thực hành nhân đức khiêm nhường vốn là nhân đức làm thăng tiến đời sống tâm linh[6].

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 10/4/2019, ĐTC Franciscus coi kiêu ngạo “là thái độ nguy hiểm nhất trong đời sống của các Ki-tô hữu” vì kẻ kiêu ngạo luôn nghĩ rằng trước mặt Chúa mình chẳng mình có gì sai trái. Đó cũng chính là thái độ của ông Pha-ri-sêu lên Đền thờ cầu nguyện đã lớn tiếng tạ ơn Chúa vì cảm thấy mình hoàn hảo đến độ khinh bỉ người thu thuế ra mặt (Lc 18, 11). Đức thánh cha nhắc nhở, không ai là người hoàn hảo, để mời gọi các tín hữu biết khiêm tốn “đấm ngực cúi đầu than khóc tội” như người thu thuế (Lc 18, 13)[7].

2. Những biểu hiện của tính kiêu ngạo

Theo thánh Gregorius I, kiêu ngạo là cội rễ của mọi điều ác hại và được ví như một thân cây mà mỗi nhánh của nó là một thói xấu. Trong khi đó, khiêm hại chính là bộ rễ của một thân cây khác chỉ sản sinh toàn các nhân đức. Suy tư của thánh nhân nhanh chóng vượt khỏi các bức tường của đan viện nơi ngài sinh sống trước khi được bầu làm người đứng đầu Giáo hội năm 690. Sau đó, nhờ ảnh hưởng của người, tư tưởng này được truyền bá và áp dụng rộng rãi vì được coi là những cách thức hữu hiệu để chống trả cám dỗ.

Trong cuốn Luân lý trong sách Ông Gióp (Moralia XXXI, 6), thánh Gregorius I liệt kê bốn loại kiêu ngạo:

Thứ nhất là cho rằng tất cả những gì mình có được đều do chính mình làm nên.

Thứ hai là nghĩ rằng những gì mình đạt được là do Chúa ban nhưng sở dĩ mình được như vậy là do xứng được Chúa ân thưởng.

Thứ ba là khoe khoang những thứ không thuộc về mình (nói nôm na là bệnh nổ).

Thứ tư là khinh bỉ người khác và luôn chứng tỏ mình là kẻ duy nhất nắm giữ một điều gì đó (sở hữu vật chất, danh tước hay hiểu biết…) như bông hồng của hoàng tử bé luôn tự cho mình là bông hoa độc nhất trên trần gian. Hình thức kiêu ngạo này thường gắn liền với tính hay ghen tị.

Ngoài ra, tuỳ thuộc vào cách nhìn vấn đề dưới góc độ nào mà người ta có thể đưa ra nhiều hình thức kiêu ngạo khác nữa. Chẳng hạn cha James McElhone (1890–1963), trong cuốn Rooting Out Hidden Faults. How the Particular Examen Conquers Sin (tạm dịch: Loại trừ mọi tội lỗi đang ẩn núp. Làm thế nào để chiến thắng tội lỗi bằng việc xét mình) cũng nói về bốn hình thức kiêu ngạo phổ biến nhưng lại rất khó để nhận ra khi chúng ta xét mình[8].

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu bảy biểu hiện của tính kiêu ngạo thường gặp.

1. Khoe khoang: Những người kiêu ngạo thường bị ám ảnh vì rất nhiều thứ như dáng vẻ bên ngoài của mình, danh tiếng, địa vị xã hội hay bất kỳ thứ gì khác mà họ nghĩ nhờ những điều đó mình trở nên cao trọng hơn những người khác. Chúa Giê-su từng nhiều lần lên án những người Pha-ri-sêu là giả hình giả bộ vì tất cả mọi việc họ làm đều chỉ để khoe khoang chứ không phát xuất từ lòng yêu mến Chúa hay yêu thương con người.

2. Ngạo nghễ: Người kiêu ngạo luôn tìm cách để được dư luận đánh giá cao về tài năng, nghiệp vụ, hiểu biết… của mình và họ luôn tỏ ra tự tin đến độ ngạo nghễ, thậm chí khinh bỉ người khác ra mặt vì cho rằng không ai xứng tầm với mình.

Sách Sáng thế nói về cư dân thành Babel như những kẻ ngạo nghễ và đầy tham vọng. Dù chỉ là phàm nhân tro bụi, thế mà họ đã quyết định xây tháp lên tận trời để sánh vai cùng Thiên Chúa. Gã khổng lồ Goliath (1 Sm 17) cũng được mô tả như một kẻ đầy cao ngạo, khinh thường tất cả mọi con cái Israel vì cho rằng không ai trong họ có thể trở thành đối thủ của y. Những người Pha-ri-sêu tự coi như những kẻ am tường Thánh kinh và truyền thống, họ hùng hồn thuyết giảng về Lề luật của ông Mô-sê thế nhưng không hay biết (hoặc cố tình quên lãng) luật yêu thương và bao dung đối với người khác.

3. Ích kỷ: Kiêu ngạo cũng đồng nghĩa với ích kỷ vì người ta chỉ nghĩ đến mình, không bận tâm đến người khác vì họ nghĩ rằng tất cả mọi người phải quy hướng về mình. Vì tự cho mình là đệ nhất thiên hạ nên họ chỉ tìm cách thoả mãn cái tôi của mình như bông hồng của hoàng tử bé.

Kẻ nổi tiếng ích kỷ nhất trong Tin mừng có lẽ là ông phú hộ trong chuyện dụ ngôn về anh Lazaros nghèo khổ (Lc 16, 19-31). Phú ông này chỉ biết “ngày ngày yến tiệc linh đình” nhưng không hề mảy may động lòng trắc ẩn trước người hành khất đói khát trước cửa nhà. Những người Pha-ri-sêu cũng được mô tả như những kẻ ích kỷ vì họ chỉ bận tâm trau chuốt hình ảnh của mình (làm sao để được thiên hạ nể trọng, ngưỡng mộ, đề cao) trong khi đó lại không thèm để ý đến đời sống của người bần cùng (sẵn sàng nuốt tài sản của các bà goá). Các tín hữu thành Corinth cũng từng bị thánh Phao-lô khiển trách nặng nề vì họ chỉ tìm cách tỏ ra hơn thua nhau trong việc đạo đức (mặc dù điều này rất cần thiết), trong khi lẽ ra họ nên dành thời gian và năng lực để tập trung vào việc sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau (xc. 1 Cr).

4. Cố chấp: Người kiêu ngạo có thể là kẻ rất cứng đầu cứng cổ, từ chối thay đổi ý kiến vì cho rằng mình luôn luôn đúng ngay cả khi người khác đưa ra những lập luận xác đáng hay bằng chứng thuyết phục.

Pharao (vua Ai Cập) được sách Xuất hành mô tả như một kẻ cố chấp, ông ta nhất quyết từ chối không để cho người Do Thái ra khỏi xứ sở mặc dù Chúa đã giáng nhiều dấu lạ xuống vương quốc của ông ta. Người Do Thái, dân tộc được Chúa tuyển chọn, cũng được Cựu ước mô tả như một dân cứng đầu cứng cổ. Họ vẫn cứ theo đường lối mình mà đi bất chấp mọi cảnh báo và nhắc nhở của các ngôn sứ cũng như những ơn lành mà Thiên Chúa đã tặng ban cho họ để chứng tỏ rằng Người luôn yêu thương và săn sóc họ. Còn những người Pha-ri-sêu cũng không khác cha ông họ bao nhiêu vì luôn tìm cách từ chối nhìn nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa mặc dù họ đã tận mắt chứng kiến nhiều phép lạ của Người.

5. Thích thống trị: Người kiêu ngạo cũng có thể là kẻ ưa thích thống trị người khác hoặc kiểm soát người khác về đủ mọi phương diện.

Sách Ngôn sứ Samuel (1 Sm 18-22) mô tả ông Sa-un, vị vua đầu tiên của dân Do Thái, giống như một kẻ chuyên quyền muốn thống trị toàn dân Israel đến độ sẵn sàng bất tuân lệnh Chúa để duy trì quyền bính. Trong khi đó, vua Nabuchodonosor thì tìm cách thống trị nhiều dân nước, bắt thiên hạ phải thờ pho tượng do ông ta dựng lên. Còn những người Pha-ri-sêu lại tìm cách thống trị người khác bằng cách áp đặt lên họ đủ mọi lề luật để duy trì quyền bính của mình đối với dân chúng.

6. Vô ơn: Kẻ kiêu ngạo thường không muốn nhìn nhận sự đóng góp của người khác, vì vậy họ cũng không muốn bày tỏ lòng biết ơn cho dù đã được người khác giúp đỡ.

Người Do Thái còn được Thánh kinh mô tả như những kẻ vô ơn đối với Thiên Chúa. Họ thường lãng quên những dấu lạ điềm thiêng mà Chúa đã thực hiện vì yêu thương họ. Họ thường nghĩ rằng mình xứng đáng được những điều đó nên không nhận ra đó là ơn thiêng Chúa tặng ban để cảm tạ tri ân Người. Trong Tin mừng, chín người Do Thái bị bệnh phong được Chúa Giê-su chữa lành cũng tỏ ra vô ơn đối với Chúa. Trong Thư thứ hai gởi thánh Ti-mô-thê, thánh Phao-lô liệt kê nhiều thói xấu có thể làm cho người ta xa rời Thiên Chúa, trong đó có “vô ân bạc nghĩa” (2 Tm 3, 2). Thói vô ơn phát xuất từ tính kiêu ngạo khiến người ta không muốn nhìn nhận mình là kẻ mang ơn cho dù đó là ơn Chúa ban hay sự trợ giúp của anh em đồng loại.

7. So/phân bì: Người kiêu ngạo còn được thể hiện qua việc thường xuyên phân bì (hay so sánh) với người khác hoặc tự cân đong đo đếm, kể lể công trạng để chứng tỏ mình là người tuyệt vời hay cao trọng hơn bất kỳ ai khác.

Trong sách Sáng thế, các anh em của ông Giu-se thường xuyên phân bì với ông. Họ ghen tị đến điên cuồng vì ông Gia-cóp yêu thương Giu-se nhiều hơn. Vì vậy, họ quyết định thủ tiêu người anh em máu mủ của mình. Vua Sa-un cũng vậy, vì so sánh thành tích của mình với thành công của Đa-vít thấy kém xa nên sinh ra thù hận đứa con rể do lòng ghen tị. Các môn đệ của Chúa Giê-su cũng so bì vị trí của người này với người kia trong vương quốc mà họ tưởng tượng là Chúa sẽ thiết lập. Thế rồi từ so sánh người này với kẻ nọ, họ đâm ra cãi cọ với nhau khiến Chúa phải nhắc nhở bằng bài học về quyền bính.

3. Làm thế nào để chữa trị kiêu ngạo?

Nhiều người cho rằng, chữa trị tính kiêu ngạo là điều quá khăn vì tội đầu hoàn hảo này ẩn náu trong từng hành vi cử chỉ lẫn lời ăn tiếng nói, hay nói khác đi trong tất cả mọi hoạt động của con người. Để viết mục này, chúng tôi dựa vào các “phương dược” chữa trị kiêu ngạo được đề cập trong bài báo của hai tác giả là ông Luc Adrian và cha Pascal Ide đăng trên tuần báo Pháp ngữ Famille chrétienne[9].

1. Ý thức về tính nghiêm trọng của kiêu ngạo

Thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4, 6). Nhiều vị Giáo phụ, tu sĩ, thần học gia và cả những vị hữu trách trong Giáo hội cũng từng lên tiếng cảnh báo các tín hữu về những nguy hiểm mà tính kiêu ngạo có thể gây ra cho đời sống tâm linh. Vì vậy, muốn chữa trị kiêu ngạo, trước hết đừng quên rằng nó là một trọng tội để khỏi mắc phải.

2. Giữ lòng khiêm hạ

Khiêm hạ hay khiêm nhường là nhân đức đối nghịch quan trọng nhất để chữa trị tính kiêu ngạo. Thế nhưng, một nhân đức chỉ được hình thành từ những hành động nhỏ bé trong cuộc sống. Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso (sinh năm 1935) từng nói rằng: “Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận.” Thánh nữ Bernadette Soubirous (1844–1879) nói rằng cần phải hạ mình rất nhiều mới có được một chút khiêm nhường. Nhưng cái khó là người ta không muốn hạ mình. Ai biết giữ lòng khiêm nhường, nơi người ấy không có chỗ kiêu ngạo sinh sôi nảy nở.

3. Trở thành bạn hữu của Thiên Chúa

Trong cuốn Thành đô Thiên Chúa, thánh Augustinus từng nói đại ý rằng: Kiêu ngạo là kẻ thù của Thiên Chúa nhưng là bạn hữu của tội lỗi; chính kiêu ngạo đã đuổi các thiên thần ra khỏi thiên đàng và xô đẩy con người xuống hoả ngục.Vì vậy, trở thành bạn thân của Thiên Chúa cũng chính là đứng về phía bên kia chiến tuyến của tính kiêu ngạo. Chúng ta làm bạn với Thiên Chúa bằng cách “nhẫm đi nhắc lại lời Chúa suốt đêm ngày” hoặc thường xuyên viếng thánh thể, chầu Mình thánh Chúa hay đơn giản chỉ cầu nguyện trong thinh lặng.

4. Trau dồi tính kín đáo

Những kẻ kiêu căng thường hay tìm cách làm cho người ta chú ý đến mình. Chúa Giê-su từng lên án những người Pha-ri-sêu khi bố thí thì khua chiêng gõ mõ, khi ăn chay thì làm mộ thiểu não, còn khi cầu nguyện thì đứng ở ngã ba ngã tư đường cho thiên hạ nhìn thấy mà ngưỡng mộ. Tính kiêu ngạo làm cho người ta trở nên hợm hĩnh, dù làm gì hay nói gì thì những kẻ này cũng tìm cách thu hút sự chú ý người khác. Vì vậy, thực hành lời Chúa dạy, học cách trao tặng một cách kín đáo (“đừng để tay trái biết việc tay phải làm” Mt 6, 3), nuôi dưỡng tính kín đáo, cứ để “hữu xạ tự nhiên hương”… là những cách thức tốt nhất để chống lại tính khoe khoang, một hình thức của kiêu ngạo.

5. Sống cảm xúc thật của mình

Cười, khóc, kêu la… vốn là những phản ứng tự nhiên của cơ thể. Những cảm xúc này không làm cho người ta ra xấu hay trở nên tốt hơn. Thế nhưng nhiều người khi gặp đau khổ vẫn tỏ ra bình thản, mạnh mẽ mặc dù trong lòng đang đau đớn tột cùng và toàn thân như muốn ngã quỵ. Họ làm như vậy cốt để tỏ ra mình khác người. Đó là một biểu hiện của tính kiêu ngạo. Vì vậy, khi gặp thử thách, tốt nhất cứ để cơ thể diễn tả cảm xúc thật của mình, không cần phải cố kìm nén theo kiểu anh hùng cách mạng. Chính Chúa Giê-su, khi đứng trước mộ thánh Lazaros cũng thổn thức.

Người khiêm hạ là người sống cảm xúc thật của mình: phiền muộn vì hối tiếc, vui sướng khi gặp điều may lành, khóc than khi gặp đau khổ. Vua Đa-vít, mặc dù đã làm nhiều điều sai trái và gây ra tội ác, nhưng vẫn được gọi là thánh vương và được mọi người yêu mến vì ông là người sống thật lòng mình, và hơn nữa, ông là người có đức tin vững mạnh cùng một tấm lòng khiêm hạ luôn biết khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa mỗi khi phạm phải sai lầm.

6. Nhìn nhận mình là người mang ơn

Tất cả chúng ta ai cũng phải mang ơn Thiên Chúa và người khác. Vì vậy, nhận ra điều đó giúp chúng ta thoát khỏi tính cao ngạo của kẻ luôn “tự hào tự đắc: mình làm nên, thiên hạ tán dương mình” (Tv 49, 19). Nhìn nhận mình là người chịu ơn để khỏi bị coi như “kẻ gian ác vay mà không trả” (Tv 37, 21). Vua Đa-vít là một trong những người luôn sống tâm tình tạ ơn như lời Thánh vịnh 103 do chính nhà vua sáng tác khẳng định điều đó: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103, 2). Trong thư tín, thánh Phao-lô luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa cũng như với các tín hữu đã cộng tác và giúp đỡ người trong sứ vụ.

7. Biết tự cười mình

Khi xem hài kịch, khi nghe chuyện tiếu lâm hay khi thiên hạ đàm tiếu về người khác, chúng ta dễ dàng phì cười. Thế nhưng khi chính mình rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, ít ai có thể tự cười được mình. Phải có đủ khiêm tốn nhìn nhận mình cũng có thể phạm sai lầm mới dễ dàng cười mình một cách chân thật. Hồi còn đi học, một hôm trời mưa, đến cửa lớp Hồ Xuân Hương vô ý nên bị té ngã lăn quay. Đám con trai thấy vậy cười ồ lên khoá trá. Nữ thi sĩ đã ứng khẩu liền hai câu thơ chữa thẹn: “Giơ tay với thử trời cao thấp. Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.” Phải là người có óc hài hước, coi té ngã là chuyện thường tình mới có thể phản ứng được như bà. Trong đời sống tâm linh cũng vậy, phải nhìn nhận mình yếu đuối và có thể sa ngã, biết nhận ra mình không phải là kẻ hoàn hảo, nhận ra mình cũng có nhiều điều đáng chê cười mới có thể sám hối và trở về cùng Chúa như thánh vương Đa-vít.

Kết luận

Trong thần học tâm linh, kiêu ngạo được coi như một rào cản gây nguy hại cho tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Ngoài ra, nó làm cho người ta tránh né không muốn nhìn thẳng vào chính mình, không nhận ra mình là kẻ yếu đuối và tội lỗi để khẩn cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa hay hoà giải với anh chị em. Và cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng, tất cả mọi người đều có thể là nạn nhân của tính kiêu ngạo vì nó là một cạm bẫy được ma quỷ giăng mắc khắp nơi và chúng ta dễ dàng vướng phải. Dù vậy, chỉ khi nào được biểu lộ một cách quá đáng thì biểu hiện đó mới trở thành một triệu chứng của kiêu ngạo.

Tuy nhiên, khi chúng ta biết khiêm tốn nhận ra mình chỉ là phàm nhân đầy thiếu sót và tội lỗi để luôn khẩn cầu Thiên Chúa “giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu này thống trị con” (Tv 19, 14), chúng ta có thể vượt qua chính mình để trở nên những người bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa và là anh chị em thực sự với tha nhân.



[1] Alain Houziaux, Ces péchés capitaux... si capiteux, Paris, DDB-Lethielleux, 2011, tr. 51.

[3]Stephen HOLMES, “Orgueil”, trong GLORIA Origgi (dir.), Passions sociales, Paris, Presses Universitaires de France, 2019, tr. 423.

[4] Michael Eric DYSON, op. cit., 2006, tr. 10-12.

[5] Eileen SWEENEY, “Vice and Sin (Ia IIae, qq. 71–89)”, trong Stephen J. POPE (ed.), The Ethics of Aquinas, Washington, Georgetown University Press, 2002, tr. 162.

[6] Xc. Giáo lý Giáo hội Công giáo (1992) các số 1866, 1869, 2094 và 2559.

[7] Xin coi bài “Dans la vie chrétienne, ‘l’attitude la plus dangereuse c’est l’orgueil’ affirme le pape François lors de l’audience générale” trên nhật báo La Croix ngày 10/4/2019, tại https://doc-catho.la-croix.com, tham khảo ngày 28/2/2023.

[8] Xc. Kristen Van Uden, “The Four Types of Pride and How to Root Them Out”, Catholic Exchange, 11/4/2022, tham khảo ngày 28/2/2023.

[9] Xin coi Luc ADRIAN & Pascal IDE, “Huit remèdes pour chasser votre orgueil”, Famille chrétienne, ngày 16/11/2020, tại https://www. famillechretienne.fr,  tham khảo ngày 28/2/2023.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn