Phêrô Nguyễn Văn Hà, MIC[1]
Dẫn nhập
Phụng vụ giữ một vai trò chính yếu trong đời sống đức tin và sứ vụ của Giáo hội. Vì thế, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo hội[2]”. Ứng với tầm quan trọng ấy, Phụng vụ cũng mang những đặc tính chuyên biệt. Một trong những đặc tính ấy là tính cộng đoàncủa Phụng vụ. Điều này được diễn tả rõ trong Hiến chế về Phụng vụ, số 26:
Các hoạt động Phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là
những cử hành của Giáo hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là dân thánh được qui
tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám Mục. Vì vậy, các hoạt động đó thuộc về Thân
Thể phổ quát của Giáo hội, diễn tả và ảnh hưởng trên Giáo hội; tuy nhiên Phụng vụ
còn có liên quan đến từng chi thế riêng biệt theo từng cách thức khác nhau, tùy
theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ, và công tác khi tham dự.
1. Tính cộng đoàn của Phụng vụ được thể hiện trong ý định của
Thiên Chúa
Ngay từ thuở ban
đầu, Thiên Chúa đã có ý định triệu tập một dân và lập giao ước với dân này. Đây
chính là dân thánh của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa và là cộng đoàn Giáo hội
mà trong đó mọi tín hữu được mời gọi để hưởng ơn cứu độ[3]. Giáo hội[4] chính là Dân thánh của Thiên Chúa và duy chỉ có Người mời có quyền quy tụ.
Thời Cựu ước,
Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Ngài và triệu tập họ thành một cộng đoàn tại Núi
Xinai (Xh 19, 5-7). Thiên Chúa đã ký kết giao ước với họ và họ trở thành dân
riêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói chuyện với dân qua vị trung gian là Môsê.
Qua thời Tân ước, chính Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, là Ngôi Lời của Thiên
Chúa, là Tư Tế đã thiết lập một dân mới. Đó chính là Giáo hội của Ngài. Cộng
đoàn Giáo hội thực sự được hình thành trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ và
Thân Mẫu của Đức Kitô quy tụ lại thành một cộng đoàn để cầu nguyện và họ được tràn
đầy Thánh Thần (Cv 2, 1-4). Kể từ đó, một cộng đoàn Giáo hội sơ khởi chuyên cần
lắng nghe các tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ
bánh và cầu nguyện không ngừng, họ “chỉ
có một trái tim và một tâm hồn” (Cv 2, 42-46).
Giáo hội ngày nay
cũng thế. Cộng đoàn được hợp nhất và quy tụ trước hết không phải do sự nỗ lực
cá nhân của mỗi tín hữu, mà là do Lời Thiên Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần [5]quy tụ qua thừa tác viên thánh là các giám mục, linh mục và phó tế. Các
ngài nói và hành động nhân danh Đức Giêsu Kitô, hợp với toàn thể cộng đoàn, được
thánh hóa nhờ Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Cha lời ca tụng và tôn thờ[6]. Thật vậy, cộng đoàn Phụng vụ như là một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt
muôn dân, nhờ đó con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được quy tụ nên một
cho tới khi thành một đàn chiên với một chủ chăn[7].
2. Tính cộng đoàn thể hiện
sự hiệp nhất trong đức tin, đức cậy và đức mến
“Các hoạt động Phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng
là những cử hành của Giáo hội, là “bí tích hiệp nhất”[8]. Một
trong những giá trị căn bản của Phụng vụ là sự tụ họp thành một cộng đoàn để
tạo nên sự hiệp thông huynh đệ. Trong Phụng vụ, con cái của Giáo hội thể hiện
mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội và nói lên sự hiệp nhất của dân Giao Ước.
Trước
hết, các Kitô hữu tham dự vào việc cử hành Phụng vụ trong tinh thần hiệp nhất
của đức tin[9].
Đức tin là sợi dây liên kết các tín hữu lại với nhau thành một cộng đoàn. Nhờ
bí tích Rửa tội, các tín hữu đã trở nên “dòng dõi ưu tuyển, hàng tư tế vương
giả, dân tộc thánh thiện, đoàn dân được tuyển chọn” (1Pr 2, 9). Nhờ bí tích Rửa
tội, toàn dân được quy tụ thành một cộng đoàn để cùng thờ phượng Thiên Chúa và
lắng nghe Lời Chúa[10][11].
Tác giả J. Gélineau khẳng định:
Cộng đoàn Phụng vụ được mở ra cho tất cả những ai đã tin Chúa, đã lãnh
nhận bí tích Rửa tội, hoặc đang chuẩn bị để lãnh nhận bí tích này. Vì thế, cộng
đoàn này gồm một số người què tay cụt chân, nhưng họ có sứ mạng cao cả là phải
vươn tới tình trạng toàn hảo với sự sung mãn trong Đức Kitô[12].
Vì thế, Giáo hội luôn
cổ võ sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần trong Giáo hội trong việc
cử hành Phụng vụ. Phụng vụ không chỉ diễn tả đức tin của các tín hữu mà còn làm
gia tăng đức tin của họ. Mặt khác, cộng đoàn Phụng vụ luôn có được sự hiệp nhất
vì có sự hướng dẫn và liên kết từ Chúa Thánh Thần. Ngài chính là nguyên lý qui
tụ và hợp nhất mọi con cái của Thiên Chúa trong thân thể duy nhất là Đức Kitô.
Hơn thế nữa, tham dự
vào Phụng vụ trần gian, chúng ta cảm mến trước Phụng vụ trên trời[13]. Đó là việc cử hành
Phụng vụ trong đức cậy. Trong Phụng
vụ, chúng ta hợp nhau cùng toàn thể đạo binh thiên quốc thành một cộng đoàn
đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa cùng với niềm hy vọng[14], cậy trông một ngày
nào đó cũng được chung hưởng hạnh phúc vinh quang với các ngài trên nước Thiên
đàng.
Tiếp đến, cộng đoàn
Phụng vụ được hình thành và nuôi dưỡng nhờ đức
mến. Chính vì tình yêu mà Đức Giêsu đã thiết lập các bí tích. Cử hành Phụng
vụ cũng có nghĩa là cử hành “bí tích Tình Yêu”. Trong cử hành Phụng vụ, tất cả
các tín hữu đều cùng nhau tuyên xưng một niềm tin duy nhất vào mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi và “thiên ý nhiệm mầu là kế hoạch yêu thương” của Ngài đối với tất
cả thụ tạo. Phụng vụ không chỉ đem con người lại gần với Thiên Chúa, mà còn gắn
kết con người với con người. Cộng đoàn Phụng vụ chia sẻ với nhau trong tinh
thần bác ái huynh đệ và đặc biệt là đón nhận hồng ân tình yêu đích thực do Đức
Kitô ban cho chúng ta qua Giáo hội, Bí tích cứu độ phổ quát (x. LG, số 48, cũng
xem số 9). Bên cạnh đó, cộng đoàn này còn có trách nhiệm dẫn đưa những anh em
còn ở xa hay đã bỏ Giáo hội trở về với tình thương của Chúa.
3. Tính cộng đoàn thể hiện qua cơ cấu phẩm trật trong việc cử hành
Phụng vụ
Giáo hội vừa có đặc
tính nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình nhưng cũng vừa chứa đựng những thực
tại vô hình[15]. Do đó, cử hành Phụng vụ vừa
mang tính vô hình, thần linh nhưng đồng thời cũng mang tính hữu hình, nhân
loại. Điều này được thể hiện rõ trong các thành phần tham gia vào cử hành Phụng
vụ. Đức Kitô là Đấng sẽ triệu tập dân Ngài theo từng phẩm trật để hoạt động. Do
đó, khi cử hành Phụng vụ, các thành phần dân Chúa khác nhau, tùy theo chức vụ
và phận vụ của mỗi người chỉ làm và làm
trọn vẹn những gì thuộc phận vụ của mình theo bản chất của sự việc và các
quy tắc Phụng vụ[16], góp phần tạo thành một cộng
đoàn Phụng vụ hài hòa, tốt đẹp. Mọi thành phần đó phải có trách nhiệm thi hành
chức năng của mình. Toàn thể cộng đoàn đều là “người cử hành Phụng vụ”, mỗi
người tùy theo phận vụ của mình, nhưng “trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần”,
Đấng hoạt động trong mọi người[17]. Thừa tác viên thánh có trách
nhiệm qui tụ mọi thành phần trong cộng đoàn mình, đồng thời hiệp thông với toàn
thể Giáo hội.
Trong Phụng vụ, mỗi
người có phận việc riêng, nhưng tất cả chỉ phục vụ lợi ích chung của toàn thể
Giáo hội. Vì thế, các hoạt động Phụng vụ không phải là những hoạt động riêng
tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội[18]. Mặt khác, cử hành Phụng vụ
cũng có nghĩa là cử hành các nghi lễ của Kitô giáo. Các nghi lễ không thể nào
chỉ cử hành cách riêng lẻ, nhưng phải có sự hiệp thông của người khác. Do đó,
Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh:
Các nghi lễ theo bản chất phải được cử hành chung với sự tham
dự đông đảo và tích cực của giáo dân, vì thế nên nhớ rằng, mỗi khi
có thể, phải dành ưu tiên cho việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành
một mình hoặc gần như riêng tư. Điều này phải áp dụng đặc biệt cho
việc cử hành thánh lễ và các bí tích, cho dù mỗi thánh lễ tự bản
chất vẫn luôn mang tính công cộng và cộng đoàn.[19]
4. Cộng đoàn Phụng vụ là thân thể của Đức Kitô
Theo
Thông điệp Mediator Dei của Đức Piô XII:
Phụng vụ là việc phụng thờ công cộng mà Đấng
Cứu Độ chúng ta là đầu của Hội Thánh dâng lên Chúa Cha, cũng là việc phụng thờ
mà cộng đoàn tín hữu dành cho Đấng Sáng Lập của mình, và nhờ Người lên đến Cha
trên trời. Tóm lại, đây là công việc phụng thờ nơi Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức
Kitô trong tính toàn thể của đầu và các chi thể.[20]
Đức Kitô trên thập giá,
đã lấy Giáo hội làm Hiền thê của mình và gắn kết Giáo hội với hành động phụng
thờ của Người. Thần học gia nổi tiếng Odon Casel đã viết trong cuốn sách “The
Mystery of Christian Worship”: “Cô dâu và chú rể, đầu và các chi thể hành động
như một[21].” Thật vậy, Đức Kitô là Đầu,
còn Giáo hội là các chi thể kết hợp với nhau thành một thân thể duy nhất, nghĩa
là một cộng đoàn duy nhất để phụng thờ Thiên Chúa. Đây cũng chính là trọng tâm
suy tư của Dom Lambert Beauduin khi ông nhìn nhận rằng Giáo hội là Thân Thể của
Đức Kitô và mọi hành vi Phụng vụ phải mang đặc tính công cộng hay rõ hơn là
mang tính Giáo hội (quy Giáo hội)[22]. Nếu Thân thể không toàn vẹn
thì cộng đoàn Phụng vụ cũng không toàn vẹn. Hơn thế nữa, chính các thừa tác
viên và cộng đoàn mang đến cho công việc của Đức Kitô một hình dáng có thể nhận
thức được với các giác quan[23]. Vì thế, trong Phụng vụ, việc Phụng vụ công
cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là bởi đầu cùng
với các chi thể[24].
Để khuyến khích cho vấn
đề này, Công đồng Vatican II, nhắc lại việc tham dự tích cực của các chi thể
vào Phụng vụ của Giáo hội. Lời mời gọi này được trình bày trong Hiến chế Phụng
vụ vừa trên bình diện trình bày tổng quát vừa trên bình diện áp dụng cụ thể
trong nhiều phận vụ khác nhau trong cử hành Phụng vụ (x. HCPV số 11, 19, 21,
26-31, 48, 50, 114, 124)[25]. Mẹ Giáo hội tha thiết ước
mong toàn thể các tín hữu tham gia vào Phụng vụ một cách tích cực, trọn vẹn và
ý thức, đây là quyền và cũng là bổn phận của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo[26].
Sự tham dự
linh động, đầy đủ và sự ý thức thực sự chỉ có thể có khi nối kết sự hoà hợp
giữa tâm hồn và thể xác, vì sự cộng tác của tất cả quan năng tinh thần và thể
chất vào nghi lễ thánh, nghi lễ được cử hành không chỉ do mình thừa tác viên
với Thiên Chúa, nhưng do cả cộng đoàn Phụng vụ.[27]
Kết luận
Vậy, Phụng vụ là việc
tôn thờ công cộng của Giáo hội, việc tôn thờ này được thực hiện một cách tập
thể và nhân danh toàn thể. Cộng đoàn Phụng vụ phải là cuộc tập họp của tất cả
mọi thành phần, với tất cả giới hạn của con người : nghèo nàn, thô lệch, chậm
chạp, …thậm chí, đó cũng là cả những con người tội lỗi đang mong đợi Thiên Chúa
dủ lòng thương xót thứ tha lỗi lầm, vì Hội Thánh thánh thiện trong đám người
tội lỗi[28].
[1] Thuộc Dòng
Linh mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, sinh viên thần học tại TT. Học Vấn Đa
Minh.
[2] Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ, số 10.
[3] X. Ngô Văn Hà, SVD, “Phụng vụ là một hành vi mang
tính cộng đoàn”. Truy cập ngày 7-12-2022,
http://gioitrebaonham.blogspot.com/2013/09/
phung-vu-la- mot-hanh- vi-mang-tinh-cong.html
[4]Giáo hội trong tiếng Hylạp là “Ekklesia” có nghĩa
là “triệu tập”. Ekklesia mang ý niệm về một cộng đồng công cộng thường
được triệu tập để bàn thảo các công việc của quốc gia. Vì thế, Giáo hội là một
cộng đoàn được triệu tập để phụng thờ. (Xem Anscar J. Chupungco, OSB, Dg. Giuse
Nguyễn Thế Lân, OP, Phụng vụ là gì? (Gò
Vấp: Học Viện Đa Minh, 2019), tr. 254.)
[5] GLCG 1097.
[6]X. Vinhsơn
Nguyễn Xuân Tuấn, Phụng vụ nhập môn
(Thủ Đức: không rõ, 2021), tr. 12.
[7] Vaticanô II,
Hiến chế Phụng vụ, số 2.
[8] Ibid. số 26.
[9] GLCG 1123.
[10] Anscar J. Chupungco, OSB, Phụng vụ
là gì?, Dg. Giuse Nguyễn Thế Lân, OP (Gò Vấp: Học Viện Đa Minh, 2019), tr. 256.
[11] Vinhsơn Nguyễn
Xuân Tuấn, Sđd., tr. 12.
[12] J.
Gélineau, Họp nhau cử hành Phụng vụ, tập II, 1992, tr. 17.
[13] Vaticanô II,
Hiến chế Phụng vụ, số 8.
[14] Ibid.
[15] Vaticanô II,
Hiến chế Phụng vụ, số 2.
[16] GLCG 1144.
[17] GLCG, số
1144.
[18] Vaticanô II,
Hiến chế Phụng vụ, số 26.
[19] Vaticanô II,
Hiến chế Phụng vụ, số 27.
[20] Anscar J. Chupungco, OSB., op.cit., tr.
258.
[21] Sđd., tr. 263.
[22] Nguyễn Văn Hiển, OP, Đời sống Phụng vụ của Giáo hội theo nghi thức Rôma – Phần Lịch sử Phụng
vụ (Gò Vấp: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2017), tr. 169.
[23] Sđd., tr. 264.
[24] Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ, số 7.
[25] Anscar J. Chupungco,
OSB., op.cit., tr.
507.
[26] Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ, số 14.
[27]Trích trong Vinh sơn Nguyễn Phước Thiện,
OP, “Phụng vụ là diễn tả trọn vẹn sự hiệp thông Dân Thánh”. Truy cập ngày 09-12-2022,
http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/phung-vu-la-dien-ta-tron-ven-su-hiep-thong-dan-thanh-6394.html
[28]Martimort, Các
nguyên tắc của Phụng vụ, tập 1, 1984, tr.46.
Đăng nhận xét