Tính hiệp thông trong Phụng vụ

 Phanxicô X. Cao Văn Long, SSS[1]

Dẫn nhập

Đối với mọi tín hữu Công giáo, việc cử hành Phụng vụ không chỉ giúp sống và giữ vững niềm tin mà còn gia tăng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ. Nhưng việc tham dự vào cử hành Phụng vụ đòi hỏi chiều kích đức tin. Chỉ trong đức tin, người ta mới hiểu được tính sinh động, phong phú của nghi thức cử hành; chỉ trong đức tin, người ta mới sống thực tại mầu nhiệm của những cử hành Phụng vụ.[2] Và cũng chính khi tham gia cử hành Phụng vụ, người tín hữu cùng nhau thi hành một sứ vụ đặc thù của chính ơn gọi kitô hữu là : “Loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”[3].  Họ trở thành những chứng nhân sống động của một đức tin sống động trước các anh chị em khác.

Phụng vụ là hành vi của Giáo hội, thuộc về một Dân được quy tụ nhân danh Chúa Kitô. Chính vì thế, mọi cử hành liên quan đến Phụng vụ đều mang tính cộng đoàn: “Các nghi lễ theo bản chất phải được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và tích cực của giáo dân, vì thế nên nhớ rằng, mỗi khi có thể, phải dành ưu tiên cho việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành một mình hoặc gần như riêng tư. Điều này phải áp dụng đặc biệt cho việc cử hành thánh lễ và các bí tích, cho dù mỗi thánh lễ tự bản chất vẫn luôn mang tính công cộng và cộng đoàn” (HCPV, số 27). Bài viết dưới đây muốn trình bày về chiều kích hiệp thông trong Phụng vụ.

Chiều kích hiệp thông ấy được biểu lộ cách cụ thể qua:

1.      Khởi đi từ Bí tích Rửa tội

Trước tiên, cần phải xác định rằng, việc biểu lộ hiệp thông Giáo hội nơi cộng đoàn Phụng vụ không phải chỉ bởi từ những người được tuyển chọn, những người có thế giá, nhưng đó là một dân không phân biệt giai cấp, ngôn ngữ màu da…. Những người đó có thể là: những người quê mùa, dốt nát; những người tàn tật; những người tầm thường cũng như những người thông thái hay những người đạo đức,[4] nhưng tất cả họ đã cùng lãnh nhận một phép rửa nhân Danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

Quả thực, nhờ Bí tích Rửa tội, người tín hữu trở nên là những người thuộc về một cộng đoàn, là Giáo hội của Chúa, thân thể mầu nhiệm “Corpus mysticum” của Đức Kitô. Và vì thế, họ có bổn phận và quyền lợi tham dự vào các cử hành Phụng vụ của Giáo hội, nhờ đó, đức tin được nuôi dưỡng và phát triền. Bí tích Rửa tội là cửa ngõ dẫn đưa kẻ tin vào trong mối hiệp thông với những nguồn mạch ân sủng khác của Giáo hội, nhất là trong khi cử hành Phụng vụ nói chung và đỉnh cao là mầu nhiệm Thánh lễ.[5] Cũng nhờ Bí tích Rửa tội, mặc dù đa dạng khác biệt về ngon ngữ, tri thức, quan điểm, nhưng họ trở thành một dân tư tế và cùng tuyên xưng một đức tin trong cùng một hành vi Phụng thờ duy nhất này hướng về Chúa.

Thánh Phaolô đã nhắc nhở cho dân Chúa về tính hiệp thông này trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người” (Ep 4,6). Ở một chỗ khác trong thử thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, vị Tông đồ nhắn nhủ: “… chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).Như thế, cộng đoàn qui tụ để cử hành Phụng vụ là cộng đoàn đức tin, cộng đoàn của sự hiệp nhất, chia sẻ.

 Dựa trên những giáo lý căn bản của mình, Giáo hội mời gọi người Kitô hữu tham dự vào Phụng vụ cách sống động, để kết hợp và kín múc sự phong phú nguồn ân sủng nơi mầu nhiệm mà họ cử hành :

“Giáo Hội hằng quan tâm giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng là những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào thánh lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được Lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, và khi không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô là trung gian, họ được nên hoàn hảo trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người”.[6]

2.      Đức Kitô chủ sự Cộng đoàn Phụng vụ

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1071 định nghĩa rằng: “Phụng vụ là công trình của Đức Kitô, cùng là hành động của Hội Thánh Người. Phụng vụ thực hiện và biểu thị Hội Thánh như dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người nhờ Đức Kitô. Phụng vụ dẫn các tín hữu vào sự sống mới của cộng đoàn. Phụng vụ đòi buộc mọi người phải tham dự một cách ý thức, tích cực và có kết quả”.[7]

Trong Phụng vụ Kitô giáo, Mầu nhiệm Nhập Thể có vị trí rất quan trọng. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, nên Người thực hiện cách hoàn hảo việc nối kết giữa Thiên Chúa và con người. Ngôi Lời Nhập Thể là Giao Ước Mới và vĩnh cửu, không gì có thể phá hủy được. Nơi Đức Giêsu, thiên tính và nhân tính hoàn toàn liên kết với nhau. Do vậy, Đức Giêsu Kitô chính là cầu nối Thiên Chúa với con người, tức là Người thi hành vai trò trung gian. Nếu như Phụng vụ được định nghĩa là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giao Ước, thì vai trò trung gian của Đức Giêsu Kitô giữ vị trí trọng tâm trong Phụng vụ (x. HCPV, số 7). Người vừa là hy tế trên đồi Canvê luôn được hiện tại hoá trong Thánh lễ, vừa chính là vị Tư Tế Tối Cao, đã đi vào Cung Thánh để dâng Lễ Tế một lần duy nhất thay cho muôn lần (x. Hr 10), và nhờ đó nối kết muôn kẻ tin về một đàn, và cũng không ngừng tìm kiếm để đưa về đàn những con chiên còn xa lạc. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật nên hy lễ của Người là Giao Ước Mới và vĩnh cửu. Người thực thi vai trò trung gian và cứu độ, để nối kết Giáo hội với cuộc sống của Ngôi Lời Thiên Chúa.[8]

3.     Lời Chúa qui tụ Dân Chúa

Trong sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy ngay từ thời Hội Thánh sơ khai, các Kitô hữu thường qui tụ lại với nhau để lắng nghe các Tông đồ giảng dạy, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện chung với nhau (x. Cv 2, 42). Như thế, việc qui tụ lại để cùng nhau cử hành Phụng vụ nói lên sự hiệp thông trong Dân Thánh.

Trong Phụng vụ, Lời Chúa được công bố thành Lời “ban sự sống” và trở nên Bánh “trường sinh” liên kết mật thiết với nhau, cùng làm nên một hành vi thờ phượng duy nhất. Nếu như ngôn ngữ và lời nói ra, theo đúng nghĩa, không chỉ đơn thuần mang chức năng thông đạt thông tin, mà còn là phương tiện chuyên chở mối tương quan giữa người với người, đưa đến cuộc đối thoại tìm kiếm chân lý của tình yêu và sự sống ; thì Lời của Đức Kitô, là Ngôi Lời (Logos) của Thiên Chúa, biểu lộ rằng, chẳng phải chính Thiên Chúa đang hiện diện và nói với Dân Người ; chính Người hiện diện là một Ngôi Vị sống động, chân thực và dẫn dắt khai mở cuộc đàm đạo với Cộng Đoàn Dân Thánh đang quây quần xung quanh Bàn Tiệc Thánh Thể đó sao?.[9] Và những Lời được công bố trong Phụng vụ Thánh Thể, đã chẳng xây đắp mối hiệp thông giữa chúng ta với Đức Kitô và với nhau như thế sao ? Rõ ràng, đây là một cuộc gặp gỡ liên ngôi vị với chủ vị, một « diakonia » phong phú và hiệu quả diễn ra trong quyền năng thánh hóa của Thần Khí Thiên Chúa, làm cho chúng ta được hiệp nhất nên một « communio » khi thông phần vào Mình và Máu Thánh Đức Kitô.

Như vũ trụ được tạo thành nhờ Lời Chúa thế nào, và Lời Chúa sẽ không trở về nếu không hoàn thành điều mà Lời được sai đến để thực hiện (Is 55,10), thì chẳng lẽ Lời Chúa trong cuộc cử hành Thánh Thể lại không phải là chính Chúa tự thông truyền chính mình cho chúng ta, để chính chúng ta có thể thuận tình đáp lời Người một cách thiết thực, đến mức cảm thức như bị thúc bách muốn thực thi điều Người truyền dạy ? (Gc 1,22). Đó là lý do tại sao cuộc đàm đạo, đối thoại với Đức Kitô nơi bàn tiệc Lời Chúa trở thành sự hiệp thông và kiến tạo mối hiệp thông trong Giáo hội.[10]

4.      Bàn Tiệc Thánh Thể - bàn tiệc hiệp thông

Bàn tiệc Thánh Thể là tái diễn lại hy tế thập giá của Chúa Giêsu năm xưa. « Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm ta Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ bánh, đó chẳng phải là dự phần thân thể Người sao ? Bởi chỉ một tấm bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể » (1Cr 10,16-17). Nước Thiên Chúa là một bữa tiệc tập họp chung quanh Đức Giêsu, để cùng nhau chia sẻ trong sự hiệp thông với hiến lễ vượt qua của Người. Sự hiện diện của Đức Giêsu tạo nên sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo hội, trong đó Đức Giêsu vừa là phòng tiệc, vừa là lượng thực. Điều đặc biệt trong bữa tiệc thánh này, không có sự phân biệt giàu nghèo, thông thái hay dốt nát, đàn ông hay đàn bà; bữa tiệc thánh này chỉ đơn thuần đòi hỏi những kẻ tham dự một đức tin vẹn toàn và lòng khao khát đón nhận lấy Đức Giêsu : « Bánh trường sinh ». Vì thế, Cộng đoàn các tín hữu, khi họp nhau cử hành Thánh Thể, tạo nên một cộng đoàn hiệp thông đức tin, được nuỗi dưỡng bằng Tình yêu tự hiến, và trở thành một “Thân Thể Đức Kitô” và là “Thân Mình Giáo hội”.

Đặc biệt, qua các nghi thức Phụng vụ nhịp nhàng hòa điệu, đan dệt nên cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta có thể tìm thấy yếu tố cốt lõi làm nảy sinh căn tính và chân tính của Giáo hội, cũng như bản chất bí tích của Thánh Thể và của Phụng vụ, đó chính là hiệp thông. Vì trước nỗi khát vọng được sum vầy bên nhau, gắn bó với nhau, thì Lời Chúa được công bố, chúng ta gặp gỡ chính Đức Kitô, Đấng mời gọi chúng ta gặp gỡ Người, để sự hiện diện đích thân, thật sự và tự hiến đích thực của Người lấp đầy mọi hố sâu ngăn cách.

Rồi cũng chính Người đưa chúng ta vào trong Bàn Tiệc Thánh Thể. Trên Bàn thờ, Bánh và Rượu được dâng tiến để thánh hiến với lời chúc tụng tạ ơn, nhờ đó, mọi người tham dự có thể lãnh nhận và chia sẻ cùng một sự sống, cảm nếm cùng một tình yêu thánh thiêng, hiệp nhất vào một Thân Mình huyền nhiệm. Với cấu trúc Phụng vụ thể hiện như thế trong cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta còn có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông nguyên thủy tỏ hiện như một không gian mặc khải tỏa lan, ôm lấy tất cả mọi người ‘thân cận’ gần xa, liên kết các tín hữu với nhau, giữa những ai còn sống cũng như đã qua đời, và nới rộng tới toàn thể vũ trụ tạo thành. Tất cả được quy tụ trong chân trời hiệp thông hoàn vũ của Nước Thiên Chúa, nơi Đấng là Cội Nguồn Sự Sống hiển trị và Tình Yêu siêu vượt tiếp đón tất cả để “vĩnh viễn ở cùng tất cả mọi người” (Kh 4, 21).[11]

Kết luận

Phụng vụ là nơi giao hòa trời với đất; nơi con người gặp gỡ với Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận chính Thân Mình Đức Kitô. Vậy, khi cử hành Phụng vụ, chúng ta bước vào tương giao với Đấng đã mời gọi chúng ta đến với Người ; chúng ta tương giao với Hội Thánh Thiên Quốc, và liên kết với Hội Thánh thanh luyện. Phụng vụ còn nơi giao hòa vũ trụ vạn vật, vì mọi loài mọi vật đều là thụ tạo Chúa dựng nên và muôn loài phải ca tụng Chúa. Thật là ý nghĩa khi cộng đoàn tín hữu cùng nhau ca tụng Chúa, cùng nhau thiết lập mối tương giao nghĩa thiết với nhau trong cùng đức tin. Quả vậy, nơi vị Trung gian là Đức Giêsu Kitô Tư tế, không còn phân biệt người giàu kẻ nghèo, không còn người thông thái người dốt nát, không còn người tàn tật người lành lặn; nhưng tất cả đều được đối xử như nhau, vì tất cả đều được mời gọi chia sẻ cùng một niềm tin, cùng ăn một tấm bánh, cùng uống chung một chén trong cùng một phòng tiệc. Tất cả nên một với nhau trong Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta.



[1] Sinh viên thần học tại TT. HVĐM.

[2] X. Nguyễn Văn Hiển, O.P, Dẫn vào Phụng vụ của Giáo hội, Phần II: Mầu Nhiệm Cử Hành, Tài liệu cho sinh viên, tr.7.

[3] Lời tung hô sau phần Truyền phép.

[4] X. Trần Đình Tứ, Phụng vụ nhập môn, ĐCV. Giuse, Sài Gòn, 1996, tr. 119.

[5] X. Phạm Đình Ái, SSS, Toàn thân con ca tụng Chúa, Nxb. Phương Đông, 2014, tr.4-5.

[6]Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 95.

[7]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), bản dịch của HĐGMVN, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2011, số 1071.

[8]X. Dom Robert le Gall, Phụng vụ của Giáo hội. Bd, Nguyễn Cao Luật, OP, 2019, tr. 26.

[9] Vũ Chí Hỷ, SSS, Trích Tập san Thần học và Mục vụ - Logos 02 (2019). https://giaolyductin.net/cu-hanh-thanh-the-hiep-thong-voi-duc-kito-va-voi-nhau.html.

[10]Vũ Chí Hỷ, SSS, Trích Tập san Thần học và Mục vụ - Logos 02 (2019). https://giaolyductin.net/cu-hanh-thanh-the-hiep-thong-voi-duc-kito-va-voi-nhau.html.

[11]Ibid.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn