Mầu nhiệm Nhập Thể và con người “nhập thế”

 Phong Trần

 

MỞ ĐẦU

Dương trần đã vang lên bài thánh ca. Mùa đông năm ấy Chúa sinh vì ta. Năm ấy không xa bây giờ. Vào một mùa Giáng Sinh xưa…” (Bài hát Lời con xin Chúa, nhạc sĩ Tuấn Hải).

Trong bầu khí thánh thiêng của Giáo Hội mừng đại lễ Giáng Sinh, chúng ta cùng suy gẫm và chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, mầu nhiệm phản ảnh rõ nét nhất về tình yêu bao la và lòng thương xót vô biên Thiên Chúa dành cho nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Thiên Chúa muốn trao ban cho trần gian chính Người Con duy nhất của Người. Vì yêu tình yêu cao cả, Con Thiên Chúa đã: “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.”(Pl 2,7)Vì lòng thương xót vô biên, Con Thiên Chúa đã làm người và đi vào giữa lòng nhân loại, để thông ban sự sống thần linh cho con người, để làm nhịp cầu nối kết con người với Thiên Chúa, và con người với nhau.

Thật vậy, Thiên Chúa muốn bày tỏ tình yêu diệu kỳ và lòng thương xót đến cùng của Người cho con người qua mầu nhiệm Nhập thể và nhập thế của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Lòng thương xót của Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Giêsu mặc khải khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, Người đã “dùng các kiểu so sánh và các dụ ngôn để nói và cắt nghĩa về lòng thương xót, nhưng trên hết chính Người làm cho lòng thương xót trở thành nhập thể và nhân cách hoá[1].

Trước tình yêu nhiệm mầu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu để có thể hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể trong đời sống chúng ta; để rồi cùng với Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng ta cùng “nhập thế” vào giữa lòng đời, trở nên chứng nhân Tin Mừng cứu độ, trở thành sứ giả Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong môi trường sống của mình.

1.   “Nhập Thể” là gì?

Nhập thể là một mầu nhiệm và là tín điều về Ngôi Lời trở thành xác phàm. Trong ý nghĩa của thuật ngữ này, hạn từ “incarnation” đã được ghi lại từ thế kỷ XII, ở miền Normandi nước Pháp, xuất phát từ tiếng Latin “incarnatio”. Các Giáo Phụ Latin như thánh Giêrônimô, Ambrôxiô, Hilariô,… từ thế kỷ XIV, đã sử dụng phổ biến từ ngữ này. Tiếng Latin “incarnatio” (caro: xác phàm) tương ứng với tiếng Hy Lạp là “sarkosis”, hay “ensarkosis”, những từ này dựa theo Tin Mừng Gioan: “kai ho Logos sarx egeneto”, nghĩa là: “và Ngôi Lời đã trở thành xác phàm” (Ga 1, 14). Theo thần học gia Harnack, hai từ ngữ này được các Giáo Phụ Hy Lạp sử dụng từ thời thánh Irênê, tức là khoảng những năm 181 -189. Động từ “sarkousthai”, trở thành xác phàm, xuất hiện trong kinh Tin Kính của Công Đồng Nicaea[2]. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, theo phép đề dụ, xác phàm có nghĩa là nhân tính hay con người (Lc 3,6; Rm 3,20). Suarez cho rằng việc chọn từ ngữ “incarnation” thật là thích hợp. Manis đã nhắc lại từ ngữ xác phàm để nhấn mạnh đến sự yếu hèn của bản tính xác thịt. Khi Ngôi Lời được nói là nhập thể, trở thành xác phàm, thì sự tốt lành của Thiên Chúa được diễn tả rõ nhất qua việc Thiên Chúa “đã trút bỏ vinh quang chính mình và nên giống như người trần thế” (Pl 2,7); chính Người đã không chỉ mang lấy bản tính con người, một bản tính có khả năng đau khổ, yếu đuối và chết chóc, mà Người còn trở nên giống như một con người trọn vẹn, ngoại trừ tội lỗi. Các Giáo Phụ đôi khi dùng từ “henanthropesis”, hành động trở thành con người, tương tự như các hạn từ “inhumanatio”, được các Giáo Phụ Latin dùng, và từ “Menschwerdung” thịnh hành trong tiếng Đức. Mầu nhiệm Nhập Thể còn được diễn tả trong Thánh Kinh bằng các hạn từ khác: “epilepsis”, hành động mặc lấy một bản tính (Dt 2,16); “epiphaneia”, dáng vẻ bên ngoài (2Tm 1,10); “phanerosis hen sarki”, sự tỏ hiện trong xác phàm (1Tm 3,16); “somatos katartismos”, sự hòa hợp với một thân xác mà một vài Giáo Phụ Latin gọi là “incorporatio” (Dt 10,5); “kenosis”, hành động làm cho mình trở nên trống rỗng (Pl 2,7).

2.  Nền tảng Kinh Thánh

Tân Ước nói về việc nhập thể bằng nhiều cách khác nhau tương ứng với những suy tư về Kitô học và những hình ảnh được sử dụng đến. Thánh Phaolô nhìn nhận Đức Kitô Giêsu như là Con hằng cửu của Thiên Chúa. Người được Chúa Cha sai xuống trần gian, và được sinh bởi một người phụ nữ, và sống dưới lề luật. Dù Người không hề có tội, nhưng Người lại mang lấy lời nguyền của tội luỵ. Người chấp nhận cái nghèo của chúng ta bằng việc tự hạ chính mình, vâng phục với sứ mệnh của mình. Người đã được siêu tôn, và Người cho chúng ta chia sẻ vào vương quốc của Người. Vì thế, Người chính là hình ảnh sống động của Thiên Chúa mặc lấy thân xác thụ tạo, gánh lấy tội luỵ, và  chịu sự cám dỗ (Rm 1,3; 2 Cr 5,21; Gl 3,13; Pl 2,6-11). Cuối cùng, Người đã mang chúng ta vào trong chính tương quan nghĩa tử của Người với Chúa Cha nhờ Thánh Thần (Rm 8,29; Gl 4,6).

Các thư Phaolô cũng trình bày về mặc khải của Đức Kitô trong thân xác người phàm, chính vì vậy đã sử dụng chủ đề “hiển linh” (epiphany) để giải thích cho việc nhập thể của Đức Kitô (2 Tm 1,10; Tt 2,11). Các thư này mô tả sự hiện hữu của Người với Thiên Chúa theo nghĩa Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa và nơi Người biểu lộ tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa (Cl 1,12; Hr 13,8; 1Cr 8,6).

Hạn từ “nhập thể” được dựa trên Tin Mừng của thánh Gioan. Đức Kitô là Ngôi Lời hằng hữu, hướng về Thiên Chúa, và là Thiên Chúa (Ga 1,1). Người đã làm người (sarx) và là người ở giữa muôn người, nhưng không gạt bỏ thiên tính của mình (Ga 1,14; 1Ga 1,1). Chính vì thế mọi người phải tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa đã đến thế gian bằng thân xác người phàm (1 Ga 4,2; 2 Ga 7).

Ngôi Lời là Thiên Chúa trở thành xác phàm

Phúc Âm Gioan cho chúng ta lời tuyên xưng rõ ràng nhất về Thiên tính của Đức Giêsu. Chúng ta có thể xem thấy ở đầu sách: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Thánh Gioan đã tỏ lộ mầu nhiệm tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con: “Ngôi Lời luôn kết hiệp với Chúa Cha” ngay từ khởi đầu và lời khẳng định sau đó: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Ý nghĩa này rất sâu xa, trong tính hợp lý hết sức thuyết phục của Thánh Gioan, bởi câu sau đây: “Nhờ người mà muôn vật được tạo thành”. Ngôi Lời là Đấng Tạo Dựng muôn vật và là Thiên Chúa thật. Vậy Ngôi Lời đó là ai? Đó là Đấng đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14); và là Ngôi Lời mà ông Gioan Tẩy Giả đã làm chứng (Ga 1,15). Chắc chắn đó là Đức Giêsu, theo Thánh sử Gioan, Đấng đã cư ngụ giữa chúng ta trong xác phàm mà Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Đức Giêsu: “Đây chính là Đấng mà tôi đã bảo rằng: ‘Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi’” (Ga 1,30).

Ngôi Lời là Thiên Chúa trở thành xác phàm và cắm lều giữa chúng ta là một khẳng định dựa vào mặc khải Thánh Kinh. Một chân lý được định vị vì Ngôi Lời đã trở thành phàm nhân và đi vào trong lịch sử nhân lọai. Tuy nhiên, chân lý này cần được suy tư trong chiều kích thần học nhằm đào sâu thêm cơ sở lý luận và tạo thêm nền tảng đức tin vững vàng. 

Ngôi Lời là Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân, nghĩa là Ngôi Lời Con Thiên Chúa chính là Đức Giêsu lịch sử: người Nazareth, và cũng là Đức Kitô của lòng tin; nói đúng hơn là Đức Giêsu xuất hiện trong thời gian để sống trọn vẹn phận vị là con người. Về điểm này, Giáo hội minh xét theo quan điểm thần học: chính nhân tính tức con người thật của Đức Giêsu gồm hồn và xác được tạo dựng trong chính Ngôi Lời, và được Ngôi Lời nhận lấy nhân tính Đức Giêsu cùng một trật không tách rời trước sau. 

Ngôi Lời trở thành xác phàm còn hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn nữa là nhân tính Đức Giêsu được tạo dựng trực tiếp trong Ngôi Lời mà không làm mất đi tính duy nhất của Ngôi vị. Nói chính xác hơn là Ngôi Lời trở thành xác phàm thì không thêm bớt sự hoàn hảo nào cho Ngôi Lời, vì Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha. Tính bất khả biến nơi Thiên Chúa hay của chính Ngôi Lời tác động làm cho nhân tính Đức Giêsu hiện hữu trong thực tế, nghĩa là Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và hiện hữu trong thời gian. 

Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian 

Trước hết, Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian, xét trong chiều kích tiền hữu của Ngôi Lời, đã được thánh Gioan Tông đồ xác tín: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa... Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 1 – 3). Tuy nhiên, trong Cựu ước, Ngôi Lời – Logos – thường được hiểu là sự Khôn Ngoan và là Lời Hằng Hữu thông minh thượng trí của Thiên Chúa. Lời Hằng Hữu cùng với sự Khôn Ngoan ấy luôn tương quan nội tại và hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, Khôn Ngoan được nhân cách hoá (x. Cn 8, 1 – 9, 6), được phát xuất từ Thiên Chúa (x. Hc 24, 3), từ nguyên thủy đã hiện hữu đời đời, trước khi có mặt đất (x. Cn 8, 22-26; Hc 24, 9), được linh hoạt ứng xử như Lời Chúa (x. Kn 9, 1 – 2), và được sai xuống trần gian để nên nghĩa thiết với con người (x. Cn 8, 31; Br 3, 37-38). 

Thứ đến, Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian còn được hiểu là những phương cách sáng tạo và hoạt động của Thiên Chúa được thực hiện hay được biểu hiện qua Lời, qua sự Khôn ngoan (Sophia), và qua Thần trí (Pneuma: Spiritus) của Người. Vậy có thể nói bộ ba gồm Lời, Khôn ngoan và Thần trí của Thiên Chúa được hiểu như là những phương cách hoạt động và sự hiện diện của Người, nghĩa là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Quả thật, Lời và Thần trí được Mặc khải như là: “Một Lời Chúa phán làm ra chính tầng trời; một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 32,6) hay “Chúa dùng Lời Chúa mà tác thành vạn vật; dùng sự Khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người” (Kn 9, 1-2). Hơn thế nữa, chỉ cần Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng, và liền có ánh sáng…” (x. St 1, 3. 6.11. 20. 24. 26. 28). 

Sau hết, Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước mọi thời gian cũng có thể diễn tả là cuộc sinh hạ thần linh trong vĩnh cửu. Nói cách khác, từ nơi Thiên Chúa là Cha phát xuất thành Lời, và Lời này cùng một trật phẩm tính ưu việt với Chúa Cha. Lời của Thiên Chúa cũng được biểu hiện bằng sự Khôn Ngoan của Người, vì “Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa” (x. Cn 8, 22 – 36). Vì thế, Ngôi Lời hiện hữu đời đời như quyền năng của chính Thiên Chúa, nhưng được nhiệm xuất trước công trình tạo dựng, và nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (Ga 1, 3). 

Ngôi Lời ngang bằng với Chúa Cha 

Khi nhìn nhận Ngôi Lời ngang bằng với Chúa Cha nghĩa là Ngôi Lời và Chúa Cha đồng bản thể. Chúa Cha và Ngôi Lời có chung một bản thể thần linh (Esse divinum), cùng một phẩm tính thần linh và quyền năng như nhau, nhất là bất khả chia lìa nhau. Điều đó đã được thánh sử Gioan xác tín trong phần tự ngôn: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời; Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (x. Ga 1, 1 – 3). Đây là đoạn Kinh thánh đặc biệt trong Tân ước khẳng định cách minh nhiên “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. 

Lời khẳng định Ngôi Lời là Thiên Chúa được thánh Gioan khởi đi từ nền tảng Cựu ước. Nhờ Lời mà Thiên Chúa dựng nên vũ trụ và Lời là Thiên Chúa có từ trước muôn đời, nghĩa là Lời tồn tại ngoài thời gian. Lời ở ngoài vũ trụ vật chất và ngài siêu việt do thiên tính. Từ ý niệm Logos trong triết học Hy Lạp đến ý niệm Logos trong Cựu ước, thánh nhân đã cho thấy Logos mà ngài đã từng sống với thì thật là cụ thể nhưng lại siêu phàm. Trong phần tự ngôn, thánh nhân dùng thì quá khứ “đã có” để diễn tả thực tại thần linh cho Ngôi Lời là sự hiện hữu đời đời, nghĩa là nơi Chúa Cha và Ngôi Lời đồng bản thể, cùng ưu phẩm thần linh, và cùng quyền năng như nhau. 

Đức Giêsu KitôThiên Chúa thật và là người thật

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật – một khẳng định thuộc chân lý đức tin dựa trên mặc khải Thánh kinh mà Công đồng Calcedonia (năm 451) đã tuyên tín. Đức Giêsu Kitô xét trong thiên tính thì Người là Thiên Chúa thật vì đồng bản thể với Chúa Cha và nơi phát xuất của Người có nguồn gốc thần linh (x. Lc 1, 35). Nếu xét trong nhân tính thì Người là con người thật có hồn xác vì Người đã “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 8), cùng thân phận với kiếp người lữ hành, biết cảm thụ thật sự những nỗi thống khổ của con người. Vì thế, công đồng Vaticanô tái khẳng định: “Người đã làm việc với bàn tay con người, với suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta mọi sự (x. Dt 2, 17), ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4, 15)[3].

Tuy nhiên, khi khẳng định cùng một trật Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật nghĩa là nơi Người: duy nhất một ngôi vị Ngôi Lời – nhưng có hai bản tính. Xét cho cùng, duy nhất ngôi vị thần linh đảm nhiệm mọi hoạt động nhân loại của Đức Giêsu chính là Ngôi Lời Con Thiên Chúa làm chủ thể. Nghĩa là nhân tính Đức Giêsu không lập hữu tự thân nên không có ngôi vị nhân loại riêng, là vì nhân tính Đức Giêsu không có một tác động hiện hữu tương ứng làm cho nhân tính ấy hiện hữu trong thời gian. Nhưng nhân tính của Người hiện hữu là nhờ vào tác động hiện hữu thần linh của Ngôi Lời. Nói đúng hơn, nhân tính của Đức Giêsu hiện hữu là nhờ sự hữu của Ngôi Lời và hiện hữu trong chính Ngôi Lời, nghĩa là nhân tính Đức Giêsu được ngã vị hoá trong ngôi vị của Ngôi Lời. Vì Ngôi Lời cũng chính là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì hiện hữu do bản tính thần linh – Đấng tự hữu.

Vậy có thể nói, nhờ mầu nhiệm Ngôi hiệp nên chân lý Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người là không mâu thuẫn. Trong lời xác quyết trên của Công đồng, Đức Giêsu duy nhất trong ngôi vị thần linh là Ngôi Lời Con Thiên Chúa làm chủ tất cả hành động nhân loại của Đức Giêsu. Người vừa là Chúa vừa là người vì trong mối dây Ngôi hiệp; nhưng mặt khác, nơi Người cũng cho thấy vừa có sự vĩnh cửu của Thiên Chúa vừa có sự bất toàn xét về con người lữ hành, nghĩa là Đức Giêsu được nhìn trong chiều kích là Đấng Thần – Nhân. 

2.   Những hiệu quả của sự “nhập thể

Về thân xác Đức Kitô

Sự kết hiệp với Thiên tính có làm mất đi những hoàn hảo nơi thân xác không? Phái Nhất Tính có hai cách trả lời về câu hỏi này: một số nghĩ rằng hai bản tính hoà lẫn thành một; những kẻ khác nói là thực hiện phần nào sự hoán chuyển từ nhân tính sang thiên tính. Tất cả đều bị Công Đồng Calcedonia kết án. Công Đồng chung thứ tư của Giáo Hội khẳng định rằng, Đức Giêsu Kitô, sau khi Nhập thể, vẫn ở trong Thiên Chúa và trong nhân tính trọn vẹn… đồng bản thể với Chúa Cha theo thiên tính, đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính… là một Đức Kitô duy nhất, là Con Một, là Thiên Chúa, là Đấng duy nhất được sinh ra, được nhận biết trong hai bản tính không bị hoà trộn, không bị thay đổi, không bị phân chia, không bị tách biệt. Trước cuộc Phục sinh, thân xác Đức Kitô lệ thuộc vào tất cả những yếu đuối của thân xác mà nhân tính không được thừa nhận nói chung tuỳ thuộc vào; đó là đói khát, đau đớn và chết chóc. Đức Kitô đã đói (x. Mt 4,2), đã khát (x. Ga 19,28), đã mỏi mệt (x. Ga 4,6), đã chịu đau khổ và chịu chết. 

Điều này được thể hiện trong thư Do Thái:“Chúng ta không có một vị thượng tế không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Đó là bởi: “Vì bản thân Người đã trải qua mọi thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai chịu thử thách” (Dt 2,18). Tất cả những yếu đuối của thân xác không phải do Đức Giêsu gây ra cách kỳ lạ; chúng là những hệ quả tự nhiên của nhân tính mà Người đã mang lấy. Chắc chắn, Đức Kitô có thể ngăn cản chúng và tự do làm theo ý mình. Chúng là một phần của lễ vật tự hiến đã bắt đầu ngay từ giây phút Nhập thể. “Vì vậy, khi vào trần gian Người nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể’” (Dt 10,5).

Các Giáo Phụ cho rằng Đức Kitô đã không mặc lấy sự ốm đau; Thánh Kinh không có đề cập đến sự ốm đau nào của Đức Giêsu. Ốm đau không phải là một yếu đuối cần thiết thuộc nhân tính. Đúng ra, hầu như tất cả mọi người đều chịu sự ốm đau, nhưng bất cứ sự ốm đau đặc biệt nào mà tất cả mọi người phải chịu thì lại không đúng. Cũng vậy, không phải tất cả mọi người đều bị bệnh sởi. Không ai chắc chắn sự ốm đau nói chung là thuộc nhân tính; nên cũng không ai xác định được sự ốm đau mà Đức Kitô đã mang lấy. Thánh Athanasiô đưa ra lý do: thật là không thích hợp khi cho rằng Người đã chữa lành những kẻ khác mà chính Người lại không được chữa lành. Những yếu đau do tuổi già là phổ biến cho mọi người. Nếu Đức Kitô sống đến tuổi già, thì Người đã chịu những yếu đau ấy y như Người đã chịu những yếu đau phổ biến dành cho trẻ thơ. Nếu cái chết do tuổi già mà đến với Đức Giêsu, thì Người không bị giết chết cách dã man[4].

Tính hợp lý về những bất toàn của thân xác nơi Đức Kitô là rõ ràng qua sự kiện Người đã mang lấy nhân tính để chuộc lại tội lỗi của bản tính ấy. Bây giờ, chúng ta thấy rằng, để chuộc lại tội lỗi cho một kẻ nào đó thì phải chấp nhận hình phạt mà kẻ ấy phải chịu vì tội đó gây ra. Do vậy, thật hợp lý khi chính Đức Kitô đã gánh lấy tất cả mọi hình phạt của tội Adam là tội chung cho mọi người và là điều xứng hợp hoặc ít ra là xứng hợp với sự Kết hiệp Ngôi vị[5]. Vì chính Đức Kitô không mang lấy sự ốm đau, nên những bất toàn khác, tựa như những tình trạng xấu xa, vốn không chung có cho mọi người, cũng không có nơi Người. Các thần học gia ngày nay đều nhất trí cho rằng Đức Kitô tao nhã khi được sinh ra và có một hình hài đẹp đẽ, như một người hoàn hảo; vì vậy Đức Kitô, qua sự nhập thể của Người, cũng là một người toàn vẹn[6].

Về linh hồn con người của Đức Kitô

* Sự vô tội

Hiệu quả của Nhập thể trên ý chí con người của Đức Kitô là để nó tự nguyện trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Tuyệt đối không thể có vết dơ tội lỗi nào làm vẩn đục linh hồn Đức Kitô. Không có một hành vi tội lỗi của ý chí hay tập tính tội lỗi của linh hồn hòa hợp với sự Kết hiệp Ngôi vị. Sự kiện Đức Kitô không bao giờ phạm tội là một tín khoản được nhắc đến rõ ràng từ Thánh Kinh. “Nơi Người không có tội lỗi” (1Ga 3,5). “Đấng chẳng hề biết tội là gì, Người đã trở thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”, tức là một nạn nhân của tội lỗi (2Cr 5,21).

Việc Đức Kitô không thể có một hành vi tội lỗi được tất cả các thần học gia giảng dạy, nhưng lại được giải thích khác nhau. Guther đã bảo vệ tính bất khả chỉ có nơi sự tiền tri của Thiên Chúa, nói rằng Đức Kitô vô tội. Đây hoàn toàn không phải là sự bất khả. Đức Kitô là Thiên Chúa. Trước sự tiên tri của Thiên Chúa, Người hoàn toàn không thể cho phép xác phàm của Người phạm tội. Nếu Thiên Chúa cho phép xác phàm của Người phạm tội, thì Người có thể phạm tội, tức là Người có thể đi ra khỏi chính mình; mà Thiên Chúa hoàn toàn không thể đi ra khỏi mình, là điều không đúng với những thuộc tính Thiên Chúa của Người. Những người thuộc phái Scotus dạy rằng sự bất khả phạm tội này, trước sự tiên tri của Thiên Chúa, không do sự Kết hiệp Ngôi vị, nhưng giống với sự bất khả phạm tội của các phúc nhân, và do một sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa. Thánh Thomas và tất cả những người phái Thomas như Suarez, Vasquez de Lugo, và tất cả các thần học gia dòng Tên đều dạy cách giải thích ngày nay được hầu hết mọi người thừa nhận: sự bất khả tuyệt đối của hành vi tội lỗi nơi Đức Kitô là do sự Kết hiệp Ngôi vị của nhân tính với thiên tính.

* Sự tự do

Ý chí của Đức Kitô vẫn còn tự do sau khi Nhập thể. Đây là một tín khoản. Thánh Kinh nói rất rõ về điểm này. “Khi Người nếm rồi, thì không uống” (Mt 27,34). “Tôi muốn, anh sạch đi” (Mt 8,3). Sự tự do của Đức Kitô là sự tự do mà Người xứng đáng được. “Người đã tự hạ mình, vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người” (Pl 2,8). “Đấng đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá” (Dt 12,2). Đức Kitô đã tự do trong cái chết là giáo huấn của Giáo Hội Công giáo; nếu không thì Người không xứng đáng hay không thể chuộc tội cho chúng ta bằn gcái chết của Người. Làm sao để hài hoà sự tự do của Đức Kitô với sự bất khả phạm tội nơi Người, đã từng là một vấn đề nan giải đối với các thần học gia. Có khoảng 17 lời giải thích đã được đưa ra[7].

*Sự thánh thiện của Đức Kitô

Nhân tính của Đức Kitô thánh thiện do sự thánh thiện kép: ơn hiệp nhất và ơn thánh hoá. Ơn hiệp nhất, nghĩa là sự Kết hiệp Bản thể và Ngôi vị hai bản tính nơi Ngôi lời Thiên Chúa, được gọi là sự thánh thiện bản thể của Đức Kitô. Thánh Augustinô nói: “Tunc ergo sanctificavitse in se, hoc est hominem se in Verbo se, quia unus est Christus,Verbum et homo, sanctificans hominem in Verbo” (Khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, thì Người thực sự đã tự thánh hoá trong chính mình, nghĩa là chính Người xét như là con người và trong chính Người xét như là Ngôi lời; vì thế Đức Kitô là một Ngôi vị, vừa là Ngôi Lời vừa là Con Người, và đưa nhân tính thánh thiện của người vào trong sự thánh thiện của Thiên tính)[8].

Ngoài sự thánh thiện bản thể của ân sủng kết hiệp Ngôi vị, còn có sự thánh thiện phụ thể gọi là ơn thánh hoá trong linh hồn Đức Kitô. Đây là giáo huấn của thánh Augustinô, Thánh Athanasiô, Thánh John Chrysostom (Gioan Kim Khẩu), Thánh Cyrilô thành Alexandria, và của các Giáo Phụ nói chung. Ngôi Lời luôn “đầy ân sủng” (Ga 1,14), và “nhờ sự sung mãn của Người, chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Tất cả các thần học gia đều dạy rằng ơn thánh hoá là một sự hoàn thiện hợp với nhân tính của Đức Kitô. Thân thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội, trong đó Đức Kitô là Đầu (Rm 12,4; 1Cr 12,11; Ep 1,20; 4,4; Cl 1,18; 2,10).

Trong ý nghĩa này, chúng ta đặc biệt nói đến ân sủng của Đầu chảy qua nguồn các bí tích của Giáo Hội – qua các mạch thân thể Đức Kitô. Các thần học gia nói chung đều dạy rằng ngay từ khởi đầu hiện hữu, Người đã lãnh nhận sự sung mãn ơn thánh hoá và những ơn siêu nhiên khác (trừ đức tin, đức cậy, và nhân đức luân lý về sám hối); Người không tăng triển trong những ân sủng và ơn thánh hoá này. Vì tăng triển sẽ là ngày càng trở nên hòa hợp hơn với sự cao cả của Thiên Chúa; mà điều này thì không thể có nơi Đức Kitô. Do vậy, câu tường thuật của thánh Luca (Lc 2,52) có ý nói rằng Đức Kitô càng ngày càng có thêm hiệu quả ân sủng trong tương quan bề ngoài của Người.

 

3.   Sứ mạng của Ngôi Lời nhập thể

Cứu độ con người tội lỗi

Khi loại trừ Thiên Chúa trong vườn địa đàng xưa, loài người đã phạm trọng tội với Đấng vô cùng. Điều này cũng hàm chứa con người không thể tự sức mình có thể đền bù cân xứng. Con người hoàn toàn bế tắc và thất vọng trước lỗi phạm của mình, và không biết làm cách nào để được tha thứ. Trong kiếp tội lụy, không chỉ con người mà muôn loài thụ tạo “cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22)  và họ luôn “ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19). Trong lúc bế tắc ấy, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến. Việc nhập thể của Người là vì yêu thương và khao khát cứu độ con người khỏi tội lỗi. Con đường cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu từ câu chuyện Con Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa làm người để kéo mọi người lên với Thiên Chúa (x.Ga 12,32). Thiên Chúa không đứng trên núi để động viên khuyến khích con người lội suối trèo non để được cứu độ, nhưng đã sai phái:

Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Người Con ấy đã từ bỏ ngôi cao xuống thế, mang lấy thân phận yếu hèn mỏng dòn để cứu vớt loài người đau khổ. Thiên Chúa làm thế vì yêu thương con người, Người đi bước trước và đến với con người. Khi con người còn là hạng vô đạo thì Người đã chết vì con người hầu dẫn họ trở về chính đạo. Khi con người còn là phường tội lỗi, thù nghịch của Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết hầu cho con người được hoà giải với Chúa (x.Rm 5,6-10).

Tại sao Thiên Chúa lại để cho Ngôi Hai nhập thể và phải chết thì con người mới được hoà giải cùng Người? Thiên Chúa có thể dễ dàng tha thứ tội lỗi cho con người, mà không cần Con của Người phải chết, nhưng Người đã không làm thế bởi vì điều đó chưa đủ để chứng thực cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương con người đến mức như thế nào. Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi tặng ban cả Con Một để “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 26, 28), bởi vì “không còn tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương con người. Không những thế, Đức Giêsu còn muốn lấy cái chết của mình để tiêu diệt tội lỗi và sự chết, hầu ban cho con người ơn tái sinh vào đời sống mới: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2, 24) và nhờ Người mang lấy những vết thương để chữa lành tội lỗi của mỗi người chúng ta.

Giúp con người nhận ra tình yêu Thiên Chúa

Thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai thấy được và do đó con người cũng khó nhận ra tình yêu của Người. Vì thế thánh nhân viết tiếp: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). 

Nếu tội tổ tông gây tác hại là làm mất tình trạng ân phúc, để cho tội lỗi lẻn vào trần gian, từ đó đau khổ và sự chết mặc sức hoành hành thì Hài Nhi Giêsu sinh đến trong xác phàm lại là khởi đầu cho một mùa giải thoát. Đêm tối nhân loại đã qua rồi vì Hài Nhi là ánh sáng; tội lỗi đã hết rồi vì Hài Nhi là thánh ân. Chết chóc đau thương đã không còn vì Hài Nhi là nguồn sự sống; sầu muộn đã tiêu tan bởi Hài Nhi là niềm vui vĩnh cửu. Như vậy, khi xuống thế, Thiên Chúa đã đem thiên đàng vào cõi trần gian, để mối tình trời đất bị cắt đứt từ bao đời lại được kết nối một cách mầu nhiệm cho vinh danh trời cao và cho an bình dưới thế.

Tình yêu Thiên Chúa được Đức Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô biên của Người. Lời nói, việc làm của Người chính là lời nói việc làm của Chúa Cha, bởi vì “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11). Trong ba năm rao giảng công khai, Ngài đã luôn gần gũi với những kẻ nghèo hèn trong xã hội, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của họ và ưu tiên rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho những người hèn mọn, những kẻ bị bỏ rơi. Điều kỳ diệu và tuyệt vời là chính Đấng Tuyệt Đối, Đấng Toàn Năng, Cao Cả, Chí Thánh Chí Tôn và Hằng Hữu đã trở thành tương đối, thấp hèn, làm bạn hữu với quân thu thuế với phường tội lỗi, cuối cùng phải chết treo thập hình. Nơi Đức Giêsu, sự uy nghi của Thiên Chúa tỏ hiện trong khiêm tốn và yếu đuối cách lạ thường. Điều đó, sự khôn ngoan của bậc hiền triết không lý giải được, nhưng trái tim lại có thể hiểu thấu vì nó có lý lẽ riêng của nó. Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Đức Giêsu không phải là một Thiên Chúa ngự trên toà cao cho người khác sấp mình thờ lạy, sợ hãi trước tôn nhan nhưng mà là một vì Thiên Chúa dễ gần, dễ thấy, quen thuộc và có thể chạm đến con người. Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giêsu thật khiêm hạ: Người đã chọn máng cỏ làm mái ấm lúc chào đời; đã chọn xóm nghèo Nadarét làm nơi sinh sống; đã chọn những kẻ thấp hèn trong xã hội làm bầu bạn; Người đã quỳ gối rửa chân cho các môn đệ; chọn cây thập giá làm nơi để chịu đóng đinh và chịu chết cùng hai kẻ gian phi. Thiên Chúa làm người đã chọn nhà ông Giakêu để tạm trú; chọn người thiếu phụ Samari để gặp gỡ đối thoại; Chúa đón nhận người phụ nữ tội lỗi Mađalêna; đã chọn kẻ trộm lành làm người đầu tiên được vào Thiên Đàng; đã chọn ông Simon Phêrô nhát đảm chối Thầy ba lần làm người đứng đầu Hội Thánh và chọn Phaolô, kẻ bắt bớ Giáo Hội, làm Tông Đồ để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân… Tất cả điều này thể hiện Người thật sự là cội nguồn của tình yêu.

Trở thành mẫu gương cho con người

“Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, Đấng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai trông thấy bao giờ. Chính Chúa Con tỏ cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa  vì “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha nhân hậu giàu lòng xót thương.

Thiên Chúa là Đấng thánh, Chúa Giêsu đã dạy con người phải sống “thánh thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chúa Giêsu, một con người thánh thiện không một dấu vết tội lỗi nào, Người là Con Thiên Chúa hằng sống đã làm người, “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Ngài dạy cho nhân loại con đường thánh thiện, và nêu gương thánh thiện. Khuôn mẫu thánh thiện mà Người để lại cho chúng ta được biểu lộ một cách rõ ràng qua tình yêu của Người đối với chúng ta, vì tình yêu là cốt lõi của lề luật. Chính Người dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Nơi Thiên Chúa, tình yêu và sự thánh thiện là một, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và cũng là Đấng Thánh.

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lặp lại ý tưởng đó: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người”[9] Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ được nên thánh, trở nên giống Chúa Giêsu, được trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu.

Để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa

Thánh Iréné đã nói về Đức Kitô rằng: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người”. Đó không phải là một sự thần hóa thật sự và trọn vẹn trong Con Thiên Chúa nhập thể sao? Về sau, thánh Clêmentê thành Alexandria và thánh Grêgoria thành Nazianxê đã làm biến đổi suy tư ấy một cách sâu xa khi quả quyết : “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa” hay như thánh Phêrô Tông Đồ nói: “Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” ( 2Pr 1,4).

Trước máng cỏ Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Lời Chúa hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đích thân đến ở giữa chúng ta để đối thoại với chúng ta, để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và dẫn chúng ta vào gia đình thánh thiêng của Người. “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8, 29). Đó là sợi dây dẫn cho cả chương trình cứu độ, là:

“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Ap-ba, Cha ơi!” (Gl 4, 4-6).

Bản văn nền tảng trên này của thánh Phaolô soi sáng toàn bộ mầu nhiệm Thiên Chúa mạc khải. Thiên Chúa tự biểu lộ cho chúng ta, Thiên Chúa làm người để con người trở nên Thiên Chúa. Người Con đã nhập thể để con người, đến lượt mình, lại trở nên con Thiên Chúa, không phải chỉ trên danh nghĩa mà thôi, “mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3, 1), được kêu gọi để một ngày kia kết hợp với Chúa Ba Ngôi, “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”  (Ga 17, 21). Từ đây, phẩm giá của con người được nhìn nhận không chỉ vì họ là con người vượt trên mọi loài, nhưng còn vì họ là con Thiên Chúa.

4.   Mầu nhiệm Nhập Thể là đường, lời mời gọi dành cho Giáo Hội

Là Hiền Thê, là bí tích và là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giêsu, Giáo Hội được mời gọi bước theo con đường Nhập Thể để đến với muôn dân muôn nước. Theo Công Đồng Vatican II: “Nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống động để tăng triển thân thể”[10].

Con đường Nhập Thể của Đức Giêsu tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội cho đến tận thế, bởi Giáo Hội là thực tại được Đức Giê-su thiết lập để tiếp tục chương trình lịch sử của Người. Nhờ quy chiếu về Đức Giêsu, Giáo Hội trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho mọi dân, mọi nước về Người. Trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục loan báo và diễn tả đường Nhập Thể của Đức Giêsu cho mọi người khắp cùng cõi địa cầu cho đến tận thế.

Những ai được tháp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí Tích Thanh Tẩy được mời gọi bước đi theo đường Nhập Thể của Đức Giêsu và trở nên khí cụ tình yêu của Người đối với anh chị em mình. Nói cách khác, các thành phần trong Giáo Hội được mời gọi ‘nhập thế’ để làm cho những giá trị từ Đường Nhập Thể của Đức Giêsu thẩm thấu mọi chiều kích của cuộc sống con người cũng như các tương quan giữa con người với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Nhờ vậy, các hình thái xã hội loài người và tất cả những gì liên quan đến con người trong thế giới thụ tạo đều được biến đổi và ngày càng hoàn thiện hơn trong chương trình của Thiên Chúa. Cách thức tốt nhất để con người hướng về trời trong khi vẫn còn đang ở dưới đất là hãy sống theo những giá trị mà Đường Nhập Thể của Đức Giêsu diễn tả. Có như thế, mỗi người mới xứng đáng được gọi là môn đệ và là những tông đồ của Đức Giêsu giữa dòng đời.

Theo lời của Công Đồng Vatican II, chúng ta có thể hiểu được rằng: “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”[11]Vì con người và cho con người, Đức Giêsu đã đi Đường Nhập Thể để đến với gia đình nhân loại. Nhờ Đường Nhập Thể của Người, chúng ta nhận ra những điều chính yếu như sau: (1) Phẩm giá cao quý của con người trong chương trình Thiên Chúa sáng tạo, (2) tội lỗi con người và hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi là sự chết, (3) tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa đối với con người trong tiến trình lịch sử, (4) đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa được diễn tả nơi Đường Nhập Thể của Đức Giêsu, (5) hiệu quả của Đường này đối với con người và muôn vật muôn loài, (6) sự tiếp tục Đường Nhập Thể của Đức Giêsu qua trung gian Giáo Hội mà Người thiết lập và (7) sự quy tụ của con người và muôn vật muôn loài nhờ Đường Nhập Thể của Đức Giêsu trong thời cánh chung. Quả thực, nhờ Đường Nhập Thể của Đức Giêsu, con người được biến đổi tận căn từ nô lệ tội lỗi và sự chết trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa để được chung hưởng sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu với Người. Đường Nhập Thể của Đức Giêsu mãi mãi là Đường của mỗi người, của Giáo Hội, của gia đình nhân loại cũng như của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

5.   Sống mầu nhiệm nhập thể giữa dòng đời

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã đi vào giữa lòng nhân loại, sống giữa dòng đời trong thân phận một con người. Người nhận lấy tất cả mọi ưu tư, muộn phiền, cùng với bao niềm vui, nỗi buồn của kiếp người, để  tỏ bày tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người, để cảm thông, chia sẻ, cứu độ và giải thoát con người khỏi mọi hệ lụy của tội lỗi, nhằm dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa trong hạnh phúc viên mãn. Theo cách diễn giải của thánh Irênê thì “Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.”

Hai ngàn năm trước, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế để cho con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người đã chạnh lòng trắc ẩn trước mọi khổ đau của con người, đã thi ân giáng phúc, cứu giúp mọi người, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng (x.Mt 14,14).  Trong suốt hai ngàn năm nay, Ngôi Lời Thiên Chúa vẫn tiếp tục “nhập thể” trong trần gian để thi ân giáng phúc cho nhân loại. Ngày hôm nay, mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở những thành “cánh tay nối dài” của Chúa Giêsu, để có thể chăm sóc, chữa lành, xoa dịu phần nào nỗi khổ đau thể xác lẫn tinh thần của nhân thế, của anh chị em đồng loại.

Tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại… Điều này lại càng cần thiết khi chúng ta nghĩ đến biết bao cảnh bất công, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo vẫn còn đang cần được giải quyết. Từ kinh nghiệm, các nhà truyền giáo biết rằng Tin Mừng của sự tha thứ và lòng thương xót có thể đem lại niềm vui và sự hoà giải, công lý và hoà bình.

Vì lẽ đó, mỗi chúng ta, dù ở vai trò, địa vị nào, tất cả đều được mời gọi “lên đường” vâng theo tiếng gọi của Chúa, đi ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần được ánh sáng Tin Mừng chiếu rọi[12]. Theo lời mời gọi của Chúa qua sự hướng dẫn và thúc bách của vị Cha Chung của Giáo hội, mỗi Kitô hữu cách riêng hãy hăng hái “lên đường”, đến với mọi môi trường chúng ta “được sai đi” thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, để ánh sáng Tin Mừng và  Lòng Chúa Thương Xót được chiếu tỏa vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, trên mọi miền đất nước và trên khắp thế giới.

6.   Sống mầu nhiệm Nhập Thể trên đất Việt hôm nay

Mỗi chúng ta được sinh và lớn lên trên mảnh đất quê hương mình. Với việc trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi phải gắn bó với quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước, cùng chia sẻ một sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa[13].

Là những người con sống trong dải đất mang hình chữ S, trước những dao động của đất nước ngày nay, chúng ta được mời gọi dấn thân phục vụ, cảm thông, chia sẻ “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” với người dân Việt chúng ta trong bối cảnh xã hội hiện tại. Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta không khỏi băn khoăn, lo lắng trước những biến động xã hội của nước nhà. Ấy là tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng; các giá trị luân lý bị coi thường; tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, vấn nạn phá thai, nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ…

Không những thế, sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm. Hơn nữa, tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại Tây Nguyên đã đến mức báo động khẩn thiết; thảm hoạ môi trường thiên tai, lũ lụt đã và đang gây ra biết bao tang tóc, đau thương mà đồng bào miền Trung chúng ta đang phải oằn mình gánh chịu…

Bên cạnh đó là mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể có ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chúng ta[14]. Đó chính là bức tranh chung về những khó khăn trên quê hương thân yêu của chúng ta.

Trước bối cảnh xã hội như thế, chúng ta được mời gọi “nhập thế” vào trong lòng dân tộc Việt Nam, góp phần vào việc lành mạnh hoá xã hội bằng những chọn lựa và hành động nhỏ bé trong công việc và trách nhiệm hằng ngày của mình, cá nhân cũng như gia đình và cộng đoàn. Trong tình yêu của Chúa, chúng ta được mời gọi hãy can đảm sống theo lương tâm ngay thẳng giữa những cám dỗ và thách đố thời đại; trở thành khí cụ bình an của Chúa trong mọi hoàn cảnh sống, trở nên men muối ướp mặn cho đời, làm cho nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống thay cho lối sống mang nặng hận thù và chết chóc; hầu góp xây dựng quê hương được công bằng, dân chủ trong công lý và hòa bình, trên nền tảng văn minh và tình thương.

Đó cũng là cách cụ thể để chúng ta thực hành lời gọi mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, hãy: “can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng của Lòng Chúa Thương xót”[15].

 TẠM KẾT

Đã bao mùa Giáng sinh đến rồi đi, đã bao lần chúng ta long trọng cử hành đại lễ Giáng sinh, nhưng đã khi nào chúng ta để cho mầu nhiệm Giáng sinh, mầu nhiệm của Lòng Thương Xót “nhập thể” một cách trọn vẹn và đích thực trong tâm hồn, trong cuộc sống chúng ta chưa? Chúng ta đã chiếu tỏa và làm cho mầu nhiệm Giáng sinh của Ngôi Lời lan tỏa trong tâm hồn người thế, giữa dòng đời, trong môi trường sống của chúng ta đến mức nào? Hơn bao giờ hết, Giáng sinh năm nay, là thời gian thuận tiện để mỗi người, mỗi cộng đoàn và toàn thể chúng ta suy gẫm và chiêm ngắm mầu nhiệm Lòng Thương Xót một cách sâu xa và sống mầu nhiệm Nhập Thể một cách cụ thể trong đời sống mỗi người. Để qua đó, chúng ta trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, trở nên sứ giả lòng thương xót của Chúa cho con người thời đại, để niềm vui, sự bình an và ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan tỏa tới mọi người, trên toàn thế giới. Như thế, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Người[16].

Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm để sống thật tốt mầu nhiệm Nhập Thể trong mùa hồng phúc năm nay để cho niềm vui Giáng Sinh không chỉ trong tâm hồn mỗi người, giai điệu hạnh phúc không chỉ vang lên trong nhà thờ nhưng là khắp mọi nơi từ thành phố hoa lệ đến miền quê hẻo lánh xa xôi, tất cả cùng chung tiếng ca mừng và ngân vang câu hát:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
Amen.


[1] Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Dives In Misericordia), số 2.

[2] Xc. Denzinger, Enchiridion, 86.

[3] Sách GLHTCG, số 470.

[4] Xc. St. Augustine, De Peccat., II, 29; P. L., XLIV, 180.

[5] Xc. Thomas Aquinas, Summa Theologica III:14 for the reasons.

[6] Xc. Stentrup, Christologia, các luận đề 60 và 61.

[7]  Xc. Thomas Aquinas, Summa Theologica III:47:3, ad 3; Molina, Concordia, d. 53, membr. 4

[8] Augustine, In Johan. tract. 108, n. 5, in P. L., XXXV, l916.

[9] Hiến chế Lumen Gentium, s11.

[10] Hiến chế Lumen Gentium, số 8.

[11] Hiến chế Gaudium et Spes, số 22.

[12] Xc. Tông huấn Evangelii Gaudium, số 21.

[13] Thư chung của HĐGMVN năm 1980, số 9.

[14] Thư chung của HĐGMVN năm 2016, số 2.

[15] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 20.

[16] Xc. Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Thương xót), số 3.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn