Ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể trong đời sống người Kitô hữu

        Phù Vân

DẪN NHẬP

Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa say mê con người và thế giới; lịch sử loài người cũng được Thiên Chúa đảm nhận nơi sử tính của con người Giêsu”[1].

Mỗi năm, vào đêm 24 và rạng ngày 25 tháng 12, Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, và không ngừng bày tỏ niềm vui sướng đã được thánh Phaolô mời gọi chuẩn bị từ trước: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa, tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4). Một biến cố đầy mầu nhiệm đã đến với nhân loại, đến bằng một cách thật lạ kỳ, như lời Thánh Romano Melodo đã từng nói: “Hôm nay Đức Trinh Nữ sinh hạ Đấng Hằng Hữu, và thế gian dâng tặng hang đá cho Đấng Chí Tôn. Các thiên thần cùng với các mục đồng tôn vinh Người, các đạo sĩ tiến bước theo ánh sao: bởi vì một Hài Nhi bé nhỏ, là Thiên Chúa vĩnh cửu, đã được sinh ra cho chúng ta”[2]. Con Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, đã thực sự làm một con người. Vậy điều đó có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội, đối với mỗi người chúng ta trên thế giới này?

1.   sao Ngôi Lời làm người?       

Chúng ta trả lời câu hỏi này bằng cách tuyên xưng cùng với tín biểu Nicea - Constantinople: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”.

Như vậy, Ngôi Lời đã trở thành xác phàm để cứu rỗi chúng ta và tái hòa giải chúng ta với Thiên Chúa: “Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10); “Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14) và “Đức Giê su đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi” (1 Ga 3,5). Đó cũng là lời Giáo Hội xác tín:    

Bản tính chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần với sự thiện nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đày nên mong được người cứu chuộc, bị thua trận nên cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm Thiên Chúa động lòng hay sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại, trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”3.     

Ngôi Lời trở thành xác phàm để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: “Nơi điều này đã hiện tỏ giữa ta lòng mến của Thiên Chúa: là Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến trong thế gian, ngõ hầu ta được sống nhờ Ngài” (1 Ga 4,9); bởi vì: “Thiên Chúa yêu mến thế gian như thế đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu ai tin vào Ngài khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời” (Ga 3,16).     

Ngôi Lời đã trở thành xác phàm để nên gương mẫu thánh thiện: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Bởi vì, Người khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).         

Và trên đỉnh núi, trong ngày lễ Hiển Dung, Chúa Cha đã có lệnh truyền: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Ngôi Lời Nhập Thể thực sự là mẫu mực tám mối phúc và là tiêu chuẩn cho Lề Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tình yêu ấy đòi hỏi phải có sự tự hiến giống như Người[3].       

Ngôi Lời đã trở thành xác phàm để cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Đây là lý do khiến Ngôi Lời làm người, và Con Thiên Chúa trở nên con loài người: để cho con người được hiệp thông với Ngôi Lời và nhận lãnh tương quan làm Con Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa.        

Con Thiên Chúa làm người là để làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Con Duy Nhất của Thiên Chúa, muốn chúng ta thông phần thần tính của Người, Người đảm nhận bản tính của chúng ta, để chính Thiên Chúa, khi đã làm người, làm cho con người trở nên thần linh[4].  

Tin vào mầu nhiệm Nhập Thể đích thực là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên xác phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (1 Ga 4,2). Đó cũng là niềm xác tín đầy hân hoan của Giáo Hội ngay từ lúc ban đầu, khi Giáo Hội ca vang mầu nhiệm lớn lao của đạo thánh: “Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm” (1 Tm 3,16).

2.   Đức Kitô Thiên Chúa thật và là người thật   

Những lạc giáo ban đầu chối nhân tính đích thực của Đức Kitô (ảo thân thuyết gốc ngộ đạo) thường xuyên hơn là chối thần tính của Người. Từ thời các thánh Tông Đồ, đức tin Kitô giáo nhấn mạnh sự Nhập Thể đích thực của Con Thiên Chúa đến trong xác phàm. Nhưng từ thế kỷ III, trong Công Đồng họp tại Antiokia, để chống lại Phaolô Samosatênô, Giáo Hội đã phải khẳng định: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính, chứ không do được nhận làm nghĩa tử. Công Đồng chung đầu tiên họp tại Nicea năm 325, tuyên xưng trong tín biểu là: “Con Thiên Chúa được sinh ra, mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha (homousion)” và đã kết án Ariô với chủ trương “Con Thiên Chúa có từ hư vô” và “từ một bản thể khác Chúa Cha”[5].       

Lạc giáo Nestôriô lại cho rằng trong Đức Kitô một ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc giáo ấy, thánh Cyrillo thành Alexandria và Công Đồng chung thứ III họp tại Êphêsô đã tuyên xưng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[6]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Vì lý do đó, Công Đồng Êphêsô đã tuyên bố năm 431 rằng: “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[7].        

Những người chủ trương thuyết Nhất Tính khẳng định rằng bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công Đồng chung thứ IV họp tại Chalcédoine, đã tuyên xưng năm 451:      

Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con duy nhất là Đức Giê su Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn và có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15); sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt. Sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất (une seule personne  et un seul hypostase)[8].      

Sau công đồng Chalcédoine, có người biến nhân tính của Đức Kitô thành như một chủ thể có ngôi vị riêng. Công Đồng chung thứ năm họp tại Constantinople năm 553, đã tuyên xưng để chống lại  họ: “Chỉ có một ngôi vị duy nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, là Một Ngôi Vị trong Ba Ngôi chí thánh”. Tất cả những gì thuộc về nhân tính Đức Kitô phải được gán cho ngôi vị thần linh như là chủ thể, không những các phép lạ, mà cả những đau khổ và sự chết nữa: “Đức Giê su Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá về phần xác, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang, và là một Ngôi trong Ba Ngôi chí thánh”[9].        

Giáo Hội tuyên xưng rằng Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật một cách không thể tách biệt, Người thực sự là Con Thiên Chúa đã làm người, người anh em của chúng ta, mà vẫn là Thiên Chúa, Chúa chúng ta.        

Phụng vụ Rôma hát kính:

“Ngài vẫn là Ngài như trước (Ngài là Thiên Chúa), và Ngài đã đảm nhận lấy điều mà trước đó Ngài không là (Ngài làm người)”. Còn phụng vụ của thánh Gioan Kim Khẩu công bố và hát kính: “Lạy Con duy nhất và Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Chúa đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh. Chúa đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá mà không hề biến đổi. Lạy Đức Kitô, là Thiên Chúa, Chúa đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Chúa là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con!”[10]

3.   Mầu nhiệm Nhập Thể - Món quà độc nhất vô nhị và vô giá từ Chúa Cha

Biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa là biểu hiện tình yêu sống động Chúa Cha dành cho toàn thể thụ tạo của Người. Nơi Đức Giêsu, con người được kề sát Thiên Chúa, lòng kề lòng (cor ad cor), và con người được cảm nếm một Thiên Chúa hiện hữu thật sự với những hơi ấm và những cung bậc của kiếp người hơn bao giờ hết. Thiên Chúa sáng tạo muôn loài và Người đã sáng tạo trong cách thức trao ban: tặng phẩm Người Con. Trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô nói: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9). Đối với nhân loại, món quà Giêsu không chỉ là vô giá, độc nhất vô nhị, nhưng thẳm sâu là cả một chương trình tình yêu được Chúa Cha ấm ủ từ lâu dành cho nhân loại. Thư Do Thái cho chúng ta lời xác quyết:“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Không ai trên trần gian này lại được tiên báo về cuộc hạ sinh, và cũng không ai lại được biết đến về nguồn cội và phẩm tính khi chưa được sinh ra, ngoại trừ Đức Giêsu.

Theo lẽ thường, con người thường chuẩn bị món quà để trao tặng cho người mình yêu thương, và món quà càng giá trị thì biểu lộ tình yêu càng lớn. Quà tặng lớn nhỏ, sang hèn còn tùy vào người được tặng. Người Con là quà tặng của Chúa Cha dành cho nhân loại lại là một nghịch lý của cõi nhân sinh: Đấng Tạo Thành lại quá trân quý thụ tạo khi món quà là chính Đấng “nhiệm sinh” từ Người. Thiên Chúa chuẩn bị món quà đó từ thuở ban đầu, đã ấp ủ và công bố, tỏ lộ bằng nhiều cách cho con người, cho thấy một tình yêu của Đấng Tạo Thành luôn hướng về con người, như người cha không ngừng ngóng trông người con đi hoang trở về.

Thiên Chúa không chỉ chuẩn bị cho nhân loại một món quà vô giá, nhưng qua các ngôn sứ và các dấu hiệu, Người còn chuẩn bị lòng người đón nhận; Người đã cho sứ giả đi trước chuẩn bị. Quả thật, con người được yêu thương vì luôn được Thiên Chúa quan phòng, chăm chút từng li từng tí.

Mầu nhiệm nhập thể của Người Con là một món quà vô giá bởi vì đã xuất phát từ “cung lòng Chúa Cha”. Vô giá còn ở tính nội tại của món quà. Đức Giêsu mang nơi Người sự phong nhiêu của tình yêu, ân sủng và ơn cứu độ.

Đó là tặng phẩm chất chứa tình yêu thương

Chúa Cha bày tỏ mầu nhiệm tình yêu của Người nơi Đức Giêsu, do đó, ai “phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu Kitô là phủ nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, phủ nhận tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa”[11]. Tác động của yêu thương nơi Chúa Cha khiến cho “Lời của Thiên Chúa đã trở thành lời của con người, mà Lời của Thiên Chúa là một chủ vị thần học gọi là Ngôi Lời, nên khi đi vào thế giới con người, Lời đã trở thành một nhân vị”[12], chỉ có như vậy, con người mới cảm nếm dễ dàng và thực sự hơi ấm của yêu thương, mới có đủ khả năng đụng chạm vào con tim của Thiên Chúa.

Thiên Chúa nay không còn xa lạ, cao vời, cũng không truyền phán, nhưng đã nên người thật, sống kiếp cùng đinh, mặc lấy kiếp nghèo để “nhường chỗ” vinh quang cho kẻ Người yêu thương: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Tình yêu đó là sự chủ động “tỏ tình” của Chúa Cha với nhân gian qua biến cố nhập thể của Ngôi Lời, để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: ‘Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống’ (1Ga 4,9) và: ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’ (Ga 3,16)”.

Đó là tặng phẩm chất chứa ân sủng

Đức Giêsu là ân sủng hiển hiện trong nhân loại, là “Ân sủng đã được biểu lộ”[13]. Ân sủng để trợ lực, vực con người dậy khỏi bùn lầy tội lỗi và sự xa cách Thiên Chúa:“Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,11-12). Chỉ có ân sủng từ Thiên Chúa, sức mạnh của Thiên Chúa mới đủ sức vực dậy con người, mới có thể làm cho con người trở nên vẹn toàn. Do đó, sự xuất hiện của Đức Giêsu nơi trần gian là một hành động từ Thiên Chúa để “kiện toàn” Lề Luật, như lời thánh Phaolô xác quyết:“Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3-4).

Nơi Đức Giêsu, con người được mời gọi, được sáp nhập, được thánh hóa để đối với “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Ân sủng đã cải biến địa vị con người và đặt con người vào tương quan mới mẻ với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.

Và là tặng phẩm chất chứa ơn cứu độ

Thiên Chúa ban Đức Giêsu là để cứu độ con người. Thiên Chúa khởi động chương trình cứu độ của Người bằng sự kiện nhập thể “…Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Đó là cột trụ đầu tiên của sự cứu chuộc….”[14].

Thiên Chúa không nhất thiết nhập thể mà vẫn có thể cứu độ con người. Song qua việc nhập thể của Người Con Chí Ái, Thiên Chúa thông dự vào sự khổ đau của nhân sinh, đi đến mức sâu nhất của phận người, để cứu vớt hết thảy con người cùng khốn. Ơn cứu độ giờ đây không là điều thuộc trí nhưng cụ thể đến “rất người”, con người giờ đây có thể đụng chạm vào ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi thân xác của Đức Giêsu. Đức Giêsu, là Thiên Chúa và là người, đã là trung gian sống động duy nhất, có đủ năng lực để đưa con người về với Chúa Cha và làm đầy trang cuộc sống cho nhân loại“Con Thiên Chúa đến mang lại cho chúng ta ơn cứu độ và cuộc sống sung mãn”[15].

4.   Mầu nhiệm Nhập Thể bày tỏ khuôn mặt đích thật của Chúa Cha

Khuôn mặt trìu mến

Khao khát được nhìn thấy Thiên Chúa là khao khát của dân Israel, của những ai tin vào Ngài. Và nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ dung nhan của Ngài “… mầu nhiệm về một vị Thiên Chúa nói với con người như nói với một bạn hữu, một vị Thiên Chúa tự mạc khải mình cho Môisen qua Lề Luật, cho các bậc hiền triết và cho các vị tiên tri, đã được ứng nghiệm”[16]. Nếu khi xưa việc nhìn thấy Thiên Chúa thì sẽ chết, thì nay, con người nhìn thấy Thiên Chúa cách tỏ tường nơi Đức Giêsu, nhưng không phải chết, mà chính Thiên Chúa chết thay cho con người, do đó, Thiên Chúa vừa tỏ bày vừa dạy cho con người biết “tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3,16).

Khuôn mặt tương giao

Không chỉ tỏ lộ một tình yêu cụ thể cho con người, mà qua Đức Giêsu, Chúa Cha thiết lập tương giao với nhân loại bởi Ngài là “… Đấng hiểu biết con người, Đấng có tương giao với con người và con người có thể đến được với Ngài qua Đức Kitô và là Đấng cùng với con người làm nên lịch sử”[17]. Cảnh Thiên đàng năm xưa được tái hiện khi Đức Giêsu và con người “tay trong tay” cùng kiến tạo nên lịch sử cho bản thân và cho nhân loại. Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình, vô hạn nên hữu hạn, cao sang nên thấp hèn…là để gần con người, để khả năng con người vươn tới được sự vô biên, và cũng là để mở cho con người một lối đường mới.

Khuôn mặt từ nhân

Nơi Đức Giêsu, nhân loại còn thấy một Chúa Cha “yếu đuối”, “thỏa hiệp” trước con người, nhưng như lời Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, thì đó lại là điều cốt lõi “Thần học về sự bé nhỏ là một khái niệm nền tảng trong đạo Công giáo….Thiên Chúa đã cố tình cho chúng ta thấy Ngài là ai, một đứa trẻ yếu đuối ở Nadarét và một tù nhân bất lực trên đồi Gôngôtha”[18]. Thiên Chúa không thể hiện như các vị thần của dân ngoại đầy mạnh mẽ, sức mạnh là sự chiến thắng, không sai lầm, nhưng Thiên Chúa là một “người mẹ ấp ủ con thơ dưới cánh”, là một “người cha ngày ngày ngóng trông con”, là một “trẻ thơ được bọc tã”.

5.   Mầu nhiệm Nhập Thể đưa con người đến gần Thiên Chúa

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1, 1-3).

Khi chúng ta đọc những lời đầu tiên viết trong thư gởi tín hữu Do Thái, tác giả cho biết sơ qua về lịch sử của mầu nhiệm ơn cứu độ do Thiên Chúa thực hiện. Nó chính là một sự mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa đối với  nhân loại về chương trình cứu độ của Người dành cho chúng ta, kể từ khi tổ tông của loài người (Adam và Eva) phạm tội vì bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa, và bị tống ra khỏi khu vườn điạ đàng. Mặc dù Adam và Eva phạm tội và cắt đứt mối tâm giao với Thiên Chúa (x. St 3, 8), thì Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc loài người trong vũng lầy của tội lỗi và bản án khắc nghiệt là cái chết trầm luân, đời đời kiếp kiếp trong hỏa ngục.

Ngay sau khi ông bà nguyên tổ của chúng ta phạm tội, thì Thiên Chúa tuyên phán sẽ cứu độ và giải thoát loài người ra khỏi án phạt của sự chết và quyền lực của bóng tối. Đó chính là quyền lực của ma quỷ và các bầy tôi của chúng, đại diện cho sự dữ, là kẻ thù của Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa hứa rằng: chính Người sẽ giải thoát và cứu rỗi chúng ta khỏi thần chết và cho con người được thông phần vinh quang và hưởng hạnh phúc với Người trên quê trời. Những điều này đã được ghi lại rõ ràng trong sách Sáng Thế:

“Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.  Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 14-15).

 Khi đọc được những lời này, chúng ta thấy hé mở một tin mừng lớn lao tiên khởi, đến từ sự tuyên chiến của Thiên Chúa đối với Satan và bầy tôi của chúng và đối với miêu duệ của “người Nữ”. Theo một số các nhà chú giải Kinh Thánh thì họ giải thích câu 15 này có những ý nghĩa như sau:

-Thiên Chúa công khai tuyên chiến với Satan và người phụ nữ. Người phụ nữ này ám chỉ về Đức Trinh Nữ Maria.

-Thiên Chúa đồng thời cũng chính thức tuyên chiến giữa bầy tôi của ma quỷ và miêu duệ của người nữ, là những người sẽ được tái sinh trong Đức Giêsu Kitô, qua bí tích thanh tẩy. Lời tuyên chiến này cũng ngụ ý và đồng thời tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai (Messiah), sẽ được sinh ra từ nơi một người nữ (ám chỉ Đức Trinh Nữ Maria).

-Chính Đức Giêsu Kitô, con một của Thiên Chúa, sanh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, do quyền năng và sự tác động của Chúa Thánh Thần sẽ đạp nát đầu con rắn (Satan) và tiêu diệt nó, còn con rắn thì chỉ có thể cắn vào gót của Người Nữ ấy mà thôi. Kết quả cuối cùng là Đức Giêsu Kitô sẽ toàn thắng và dẹp tan bè lũ ma quỷ, giải thoát con người khỏi tội lỗi và án phạt đời đời kiếp kiếp trong sự chết.

Và để thực hiện lời hứa ấy, Thiên Chúa đã dùng các Tiên Tri trong thời Cựu Ước để loan báo về chương trình cứu độ mà Ngài sẽ thực hiện cho con người (x. Dt 1, 1). Người muốn nói cho họ biết là đừng có thất vọng nhưng hãy kiên nhẫn và đặt niềm cậy trông ở nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, ngay cả khi con người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa và quay lưng chống đối Người.

Cũng trong nội dung của bức thư gởi cho các tín hữu Do Thái, Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết là khi đến thời đã định, chính Người sẽ sai người con chí ái của mình là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, qua mầu nhiệm nhập thể. Vì vậy, Đức Giêsu Kitô đã được cưu mang và sanh hạ bởi Đức trinh nữ Maria, do quyền năng và sự tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Người sẽ mặc khải cho chúng ta biết về bản chất đích thực của Ba Ngôi Thiên Chúa và về chương trình cũng như ý định cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, là hiện thân đích thực của Chúa Cha, vì Người chính là Con Thiên Chúa, Đấng đã được mặc khải bằng những lời sau đây:“Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1, 3).

Đức Giêsu Kitô, chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, và nhờ Người mà vạn vật và vũ trụ này đã được tạo thành và duy trì, như phúc âm của Thánh Gioan đã ghi lại:

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” Nhưng nay Ngôi Lời ấy đã hoá thành nhục thể và đã làm người giữa chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1, 1-3).

Đức Giêsu Kitô đến trần gian để loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này là một tin vui thật lớn lao: đó chính là Thiên Chúa luôn yêu thương con người, ngay cả khi con người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa và sống ngụp lặn trong tội lỗi, cho dầu là vậy thì Thiên Chúa vẫn muốn cứu vớt con người khỏi sự chết đời đời, bằng cách ân xá cho họ và xoá bỏ tất cả mọi lỗi lầm mà con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa qua sự thương khó và cái chết ô nhục của Đức Giêsu Kitô trên thập tự giá, bằng chính mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Cái chết của Con Một Thiên Chúa trên cây thánh giá đã mang lại nguồn ơn cứu độ cho con người và vũ trụ và ban cho họ một sự sống trường sinh và vĩnh cửu. Con người từ nay trở đi cho đến tận thế, nhờ vào công cuộc cứu rỗi do Đức Giêsu Kitô thực hiện, đã mang lại sự giao hoà với Thiên Chúa và trao ban cho họ cái tước vị là con cái của Thiên Chúa, mà trước đây đã bị đánh mất do sự bất phục tùng bởi Adam và Eva, tổ tông của loài người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cũng cho chúng ta thấy được cái ý định của Thiên Chúa. Người muốn trở nên một con người và sống giữa chúng ta, ngõ hầu có thể chia sẻ và cảm thông với thân phận làm người, với những sự mỏng dòn, sự yếu đuối và tính dễ sa ngã của kiếp làm người… Ngang qua mầu nhiệm nhập thể, Con Một Thiên Chúa sẽ sống đầy đủ và trọn vẹn với tư cách là thân phận của con người, nhờ đó Thiên Chúa sẽ đồng cảm với cái suy nghĩ và những khiếm khuyết trong cuộc sống con người. Nhưng đồng thời cũng qua đó, bằng việc xuống thế làm người, Con Một Thiên Chúa đã nâng địa vị và tư cách của con người lên thêm một bậc cấp cao sang, có lẽ chỉ thua các thiên thần một ít, là được trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Nhờ vào mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác loài người, ngõ hầu biến đổi thân xác mỏng dòn ấy, trở thành đền thờ sống động và là cung điện của Ba Ngôi cực thánh, như Thánh Phalolô đã khẳng định: “anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1 Cr 6,19).

6.   Mầu nhiệm Nhập Thể - Thách đố về đức tin cho nhân loại

Những cuộc tranh luận về Đức Giêsu đã diễn ra hết sức căng thẳng vào thời gian đầu trong lòng Giáo Hội. Nội dung tranh luận xoay quanh việc Đức Giêsu có thực sự là Con Thiên Chúa hay chỉ là một nghĩa tử được Chúa Cha nhận làm con khi Người chịu phép rửa và được Ngôi Lời cư ngụ (xuất hiện nghĩa tử thuyết); liệu rằng Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa hay chỉ là một thụ tạo trổi vượt của Chúa Cha mà thôi (xuất hiện thuyết Ario); liệu rằng nơi Người Con nhập thể có thực sự là một Thiên Chúa trọn vẹn và một con người trọn vẹn (xuất hiện thuyết nhất tính của Eutikes, thuyết nhất chí của Sergius, thuyết Nestorio)[19]. Những lạc thuyết nảy sinh không phải do thiếu lòng nhiệt thành với Thiên Chúa nhưng do những cách hiểu sai về chính mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, những nỗ lực đến từ lý trí muốn vượt “biển mầu nhiệm”.

Sẽ chẳng có gì làm lạ kỳ và gây xáo động khi một con người nào đó được sinh ra trên cõi đời này, bởi đó là định luật sinh tồn của vạn vật, là chiều hướng phát triển tiềm ẩn nơi muôn loài. Chẳng có gì lạ khi mà những “con chim xây tổ lại được ấp nở trong cái tổ mình xây”, nhưng sẽ thật sự khó tin khi mà“Đấng dựng lên thế giới” lại “đến ở giữa thế gian” được sinh ra trong thế giới do Người đã làm nên, nhưng thế gian “lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Trong tâm tưởng con người, óc phân biệt không cho phép có sự nhập nhằng giữa Đấng Tạo Thành và vật được tạo thành, giữa siêu nhiên và tự nhiên…

Với kẻ không tin

Nếu như có những con người nhiệt tâm tìm kiếm chân lý nơi mầu nhiệp nhập thể của Đức Giêsu, thì cũng lại có vô số người muốn “làm giảm nhẹ tính phức tạp khi nói về Đức Giêsu” bằng việc thỏa hiệp về một nhân vật Giêsu lỗi lạc như bao vị sáng lập tôn giáo khác, hay như những người xuất chúng của bao thời. Và cũng có không ít người coi mầu nhiệp Nhập Thể là một câu chuyện của “trí tưởng tượng” tuyệt vời, hay một “mánh lới” của trò chơi tôn giáo.

Với những người tin

 Với những người tin vào Đức Giêsu, mầu nhiệm nhập thể là một biến cố của lòng tin. Niềm tin được thành hình và cải biến nơi mầu nhiệm Chúa Con làm người. Chẳng ai muốn Thiên Chúa của mình yếu đuối, bé nhỏ và làm những điều thấp hèn cả nhưng Thiên Chúa đã làm qua việc nhập thể: “Dấu hiệu của Thiên Chúa là sự kiện Người trở nên bé nhỏ; trở nên con trẻ; để chúng ta có thể chạm đến và yêu mến. Ôi chúng ta thích một dấu hiệu khác hơn, một dấu hiệu vĩ đại…Nhưng dấu hiệu của Người mời gọi chúng ta tin tưởng và yêu mến, và do đó, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng: Thiên Chúa là như thế đó”[20].

Thiên Chúa đã tỏ lộ đường lối của Người theo một lối mà không tư tưởng loài người nào có thể nghĩ tới, và chính điều này khiến cho lòng tin vào Thiên Chúa nơi mỗi con người được thử luyện, nhờ đó trở nên vững mạnh và tinh tuyền hơn. Đức cha Fulton Sheen đã nói rất hay trong cuốn sách “Con đường về trời” của ngài như sau: “Đấng được sinh ra không mẹ trên trời nay sinh làm người không bố dưới trần gian. Đấng dựng nên đàn bà lại sinh ra bởi đàn bà, dựng nên xác thịt lại sinh hạ bởi xác thịt.”[21]. Thiên Chúa đã làm một điều “phi lý” đối với con người trở nên “hợp lý”. Và rõ ràng, cuộc xuất hiện của Đức Giêsu nơi trần gian là một sự phân rẽ sâu xa, một thách đố đức tin mà Chúa Cha muốn dành cho nhân loại, như chính Đức Giêsu đã tự nhận về sự hiện hữu của Người: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng” (Mt 10,34-35).

Rõ ràng, niềm tin công giáo không phải là lý thuyết, một sự no thỏa của lý trí trước những bí nhiệm được gởi tới, nhưng là đến từ biến cố. Trở thành Kitô hữu khi mỗi người tin vào biến cố Chúa đã đi vào thế gian và Người đã ở lại để hành động như một con người đích thực; “bởi thế đây là một hành động, một thực tế chứ chẳng phải là chuyện chỉ có trong tâm tưởng”[22].

7.   Mầu nhiệm Nhập Thể - Mô thức nhân sinh cho cuộc lữ hành về Thiên quốc

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định “Đức Giêsu Kitô là khuôn vàng thước ngọc của nền nhân bản đích thật”[23]. Thiên Chúa biết con người nghĩ gì và cần gì. Những lời của thánh Phaolo quả thực xác đáng biết bao: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15). Đức Giêsu chính là nhà rao giảng đầu tiên về Chúa Cha, là Đấng cho nhân loại biết về điều khiến Chúa Cha yêu thích. Qua lời rao giảng và đời sống của mình, Đức Giêsu trở nên gương mẫu tuyệt hảo nhất để con người noi theo, bởi “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”(Mc 9,7).

Con người sẽ chẳng thể có được một khuôn mẫu hoàn hảo nếu cứ mãi ngước nhìn trời cao trong kỳ vọng, nhưng chính trong biến cố làm người của Đức Giêsu, “…mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đến viếng thăm và đong đầy tâm hồn mình…Chúng ta cần một Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa sưởi ấm con tim và đáp ứng lại những mong đợi sâu xa của chúng ta. Vị Thiên Chúa này đã biểu lộ chính mình trong Đức Giêsu, được sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria”[24]. Không còn phải ngước mắt trông ngóng nữa nhưng chỉ cần nhìn ngang, nhìn xuống, nhân loại đã có thể bắt gặp khuôn mẫu cho đời sống của mình, một khuôn mẫu “cho thấy sự dấn thân trọn vẹn của Con Thiên Chúa, dấn thân đến mức cuối cùng của kiếp sống con người là phải đau khổ và chết”[25].

Sẽ chẳng có khuôn mẫu nào là chắc chắn và uy tín ngoại trừ nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Ngoài mô thức Đức Giêsu Kitô, nhân loại không thể làm no thỏa Thiên Chúa, và cũng không thể sống một đời sống nhân bản đích thực, không thể sống yêu thương và phục vụ anh em thế nào cho phải. Do đó, khi cậy dựa vào Đức Giêsu, “khi chúng ta thấy Người, vị Thiên Chúa đã trở thành con trẻ, thì con tim chúng ta mở rộng”[26].

TẠM KẾT

Với người tín hữu, mầu nhiệp nhập thể của Con Thiên Chúa là một “bước đi đầy sáng tạo”, một cuộc “sáng tạo mới” của Thiên Chúa. Thiên Chúa minh chứng tình yêu và hướng về nhân loại, ở bên nhân loại, sống cùng – sống với – sống cho nhân loại nơi Người Con, để từ đó trở thành mô phạm cho đời sống con người. Thiên Chúa đưa Người Con Yêu Dấu vào trần gian để làm ngập tràn cõi lòng mọi người thứ tình yêu diệu vợi của Người, củng cố lòng tin vào Đấng lòng người phải hướng về, cũng như trở nên chỗ dựa vững chãi cho những ai đang mệt nhoài, đánh mất niềm tin và hy vọng trên hành trình lữ khách.

Lời của Đức Giêsu“Ta là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” chính là điều mà biến cố nhập thể hướng đến. Chúa Cha đã thả “Mỏ Neo Cứu Độ” vào nhân gian, để con người bám vào. Thiên Chúa đã gieo vào nhân gian “Hạt Giống Vĩnh Cửu” để làm trổ sinh hoa công chính và ơn cứu độ. Thiên Chúa đã thắp lên “Ánh Sáng” soi đường cho lữ khách, phủ “Áng Mây” che mát lối về Trời. Tình yêu, và chỉ vì tình yêu, Thiên Chúa đã làm tất cả cho nhân loại. Tình yêu mang tên Giêsu chính là bản giao ước muôn đời Chúa Cha đã kết giao với nhân loại. Và nơi con người Giêsu, nhân loại được sống bên Chúa Cha, đến với Chúa Cha.

Đã bao mùa Giáng sinh đến rồi đi, đã bao lần chúng ta long trọng cử hành đại lễ Giáng sinh, nhưng đã khi nào chúng ta để cho mầu nhiệm Giáng sinh, mầu nhiệm của Lòng Thương Xót “nhập thể” một cách trọn vẹn và đích thực trong tâm hồn, trong cuộc sống chúng ta chưa? Chúng ta đã chiếu tỏa và làm cho mầu nhiệm Giáng sinh của Ngôi Lời lan tỏa trong tâm hồn người thế, giữa dòng đời, trong môi trường sống của chúng ta đến mức nào? Hơn bao giờ hết, Giáng sinh năm nay, là thời gian thuận tiện để mỗi người, mỗi cộng đoàn và toàn thể chúng ta suy gẫm và chiêm ngắm mầu nhiệm Lòng Thương Xót một cách sâu xa và sống mầu nhiệm Nhập Thể một cách cụ thể trong đời sống mỗi người. Để qua đó, chúng ta trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, trở nên sứ giả lòng thương xót của Chúa cho con người thời đại, để niềm vui, sự bình an và ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan tỏa tới mọi người, trên toàn thế giới. Như thế, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Người[27].

Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm để sống thật tốt mầu nhiệm Nhập Thể trong mùa hồng phúc năm nay ngõ hầu niềm vui Giáng Sinh không chỉ trong tâm hồn mỗi người, giai điệu hạnh phúc không chỉ vang lên trong nhà thờ nhưng là khắp mọi nơi từ thành phố hoa lệ đến miền quê hẻo lánh xa xôi

 



[1] Bùi Văn Đọc và Võ Đức Minh, Đức Giêsu Kitô hôm qua hôm nay và mãi mãi, Tủ sách Đại Kết, 1997, trang 257-258.

[2] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 525, Ủy ban Giáo lý Đức tin chuyển dịch, nxb. Tôn Giáo, 2012.

3d, số 457.

[3] Sách GLHTCG, số 459.

[4]d, số 460.

[5]d, số 465.

[6] Tín biểu Nicea, DS 126.

[7] Sách GLHTCG, số 466.

[8]d, số 467.

[9]d, số 468.

[10]d, số 469.

[11] Bùi Văn Đọc và Võ Đức Minh, sđd, tr. 257.

[12] Sđd, tr. 251.

[13] Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Năm B, Lưu Văn Lộc chuyển dịch, nxb. Tôn Giáo, 2011, tr. 53.

[14] Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sđd, tr. 41.

[15] Sđd, tr. 235.

[16] Sđd, tr. 80.

[17] Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và trần thế, dg. Phạm Hồng Lam, tr. 20.

[18] Sđd, tr. 21.

[19] Adalbert và Hamman,G., Pour lire Les Pères de l’Église: Để đọc các Giáo phụ, Minh Thanh Thủy và Trần Ngọc Anh chuyển dịch, nxb. Tôn Giáo, 2017, tr. 294-297.

[20] Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Năm C, Lưu Văn Lộc chuyển dịch, nxb. Tôn Giáo, 2012, tr. 62.

[21] Fulton Sheen, Con đường về Trời - chương 2: Đức Giêsu trợ giúp trí lòng chúng ta, dg. Toma Trần Ngọc Túy, O.P, trang 44.

[22] Joseph Ratzinger, sđd,  tr. 21.

[23] Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Năm B, tr. 202.

[24] Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Năm C, tr. 43.

[25] Bùi Văn Đọc và Võ Đức Minh, sđd, tr. 254.

[26] Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Năm C, tr. 63.

[27] Xc. Tông sắc Dung mạo Thương xót, số 3.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn