Giuse Trần Quang Phúc, OP.
Nhập thể là một trong những mầu nhiệm đức tin sâu thẳm và huyền nhiệm nhất. Với biến cố Nhập thể, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”[1]. Biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa trở thành xác phàm không chỉ biểu thị tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhưng còn mở ra nhiều biến cố khác dẫn đến mầu nhiệm Vượt Qua, mà nhờ đó con người được giải phóng khỏi sự chết nhờ vào Đấng, dù là Thiên Chúa, nhưng đã nên giống con người mọi sự hầu đền tội cho muôn người.
Trong các ý
nghĩa đó, thì ý nghĩa tạ ơn đặc biệt nổi bật trong Thánh lễ, bởi Thánh lễ được
xem như một hy lễ tạ ơn mà nơi đó mầu nhiệm Nhập thể được tỏ lộ. Đặc biệt với
phong trào canh tân phụng vụ khởi phát ít lâu trước Công Đồng Vaticanô II
(1962-1965), người ta ngày càng ý thức sâu sắc hơn về ý nghĩa đích thật của
Thánh lễ như là hành vi cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa về lời hứa ban Đấng Cứu
Thế thông qua mầu nhiệm Nhập thể. Bởi đó có thể
nói rằng Thánh lễ chính là một cuộc tạ ơn, như Hiến chế phụng vụ Thánh của công
đồng Vaticanô II đã khẳng định:
“Trong khi cử hành Thánh lễ, các tín
hữu hợp thành dân thánh, dân được cứu chuộc làm dân riêng của Thiên Chúa, hoàng
tộc chuyên lo tế tự, để tạ ơn Thiên Chúa, dâng lên Chúa lễ vật tinh tuyền,
không những nhờ tay linh mục, nhưng còn cùng dâng với ngài, và để học cho biết
dâng chính mình nữa”[2].
I. TỪ NGỮ NGUỒN GỐC
Theo nguyên
ngữ La Tinh, mà gốc là Hy Lạp, Eucharistia có nghĩa là tạ ơn hoặc cảm tạ,
cách riêng khi nói đến yếu tố căn bản là kinh nguyện Tạ ơn (Prex Eucharistica). Danh từ này cũng được dùng để ám chỉ việc bánh
và rượu được biến đổi do công hiệu của kinh nguyện ấy, tức là Mình và Máu Thánh
Chúa. Vì thế Eucharistia/ Prex
Eucharistica cũng được dịch là Thánh Thể. Như vậy, các từ ngữ Phụng vụ Tạ
ơn và Phụng vụ Thánh Thể hoặc Kinh nguyện Tạ ơn và Kinh nguyện Thánh Thể đều là
tương đương[3].
Nhập thể là một
mầu nhiệm và là tín điều về Ngôi Lời trở thành xác phàm. Trong ý nghĩa của
thuật ngữ này, từ “incarnation” đã được thích ghi suốt thế kỷ
XII, từ miền Norman (Pháp quốc), xuất phát từ tiếng Latin “incarnatio”. Tiếng La Tinh “incarnatio” (caro: xác
phàm) tương ứng với tiếng Hy Lạp là “sarkosis”, hay “ensarkosis”,
những từ này dựa theo Gioan (1,14): “kai ho Logos sarx
egeneto”, “và Ngôi Lời đã trở thành xác phàm”. Theo thần học
gia Harnack, hai từ ngữ này được các Giáo Phụ Hy Lạp sử dụng từ thời thánh
Irênê,
tức là khoảng những năm 181-189. Động
từ “sarkousthai”,
trở thành xác phàm, xuất hiện trong kinh Tin Kính của Công Đồng Nicêa[4].
II. THÁNH LỄ LÀ MỘT CUỘC TẠ ƠN
1. Thánh lễ là cuộc tạ ơn vì đã
sinh ra Giáo hội nguyên khởi từ mầu nhiệm Nhập thể
Công Đồng
Vaticanô II khẳng định rằng Giáo hội được chính thức khai sinh từ cuộc Vượt Qua
của Chúa Kitô nguyên khởi từ mầu nhiệm Nhập thể [5].
Chân lý đức tin căn bản này cũng được diễn tả trong Thánh lễ bằng một Lời Tiền
Tụng phổ thông như sau: “Để chu toàn
thánh ý Cha và để gầy dựng cho Cha một dân tộc Thánh Thiện, Người đã dang tay
chịu khổ hình, tiêu diệt sự chết và biểu hiện sự sống lại” (trích Lời Tiền
Tụng từ Kinh Tạ Ơn II)
Nếu biến cố
vượt qua Biển Đỏ của con cái Israel trong Cựu Ước đánh dấu sự hình thành một
dân tộc tự do, thì biến cố Vượt Qua vĩ đại của Đức Kitô cũng ghi mốc sự hình
thành của một Dân Mới là Giáo hội, được giải thoát khỏi bóng tối tội lỗi và sự
chết, bước đi trong ánh sáng tự do của con cái Thiên Chúa[6].
Trong Thánh Lễ mỗi ngày, Giáo hội không những tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức
Kitô để hiện tại hoá biến cố ấy, mà còn tưởng niệm đến mầu nhiệm Nhập thể nhằm
nhớ lại nguồn cội phát sinh ra mình, không ngừng canh tân trong sự sống mới của
Thiên Chúa. Một lời Tiền Tụng đặc biệt trong Mùa Phục Sinh nhắc lại tư tưởng
này như sau: “Nhờ Người, con cái sự sáng
được sinh ra để sống muôn đời, và các cửa Nước Trời mở ra để đón các tín hữu; vì
nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của
Người, chúng con được phục sinh” (trích Lời Tiền Tụng Phục Sinh II)
Như vậy, có thể nói cử hành Thánh
lễ cũng là cử hành biến cố khai sinh ra Giáo hội và mỗi khi dâng Thánh lễ là Giáo
hội lại bước vào một cuộc tái sinh cùng với Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua
của Người. Điều đó nhắc nhớ các tín hữu về ân huệ sự sống mới trong Thiên Chúa,
đồng thời mời gọi mỗi người hãy biết tạ ơn vì được gia nhập đoàn Dân tự do,
sống trong Vương quốc của Thiên Chúa
2. Thánh lễ là cuộc tạ ơn có nguồn gốc từ lễ
tạ ơn của người Do Thái loan báo Đấng Cứu Tinh sẽ đến
Thánh lễ không phải là sáng kiến vĩ đại của lý trí
con người, nhưng là cuộc hiến tế của Đức Kitô, do chính Người thực hiện. Thánh lễ bắt nguồn từ một nghi thức của Do Thái, nghi thức vọng lễ Vượt
Qua: trong đó mỗi gia đình người Do Thái dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã
thương giải phóng dân tộc của họ thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập, cảm tạ Người
vì những cuộc giải cứu khác về mặt thiêng liêng mà cuộc giải phóng đầu tiên là
dấu chỉ. Nghi thức Vượt Qua cũng loan báo Đấng Cứu Tinh sẽ đến, là Đấng Thiên
Sai sẽ chiến thắng sự chết và tội lỗi, và sẽ đưa Lịch Sử thánh đến sự hoàn tất[7]. Diễn tiến của nghi
thức này cũng chính là diễn tiến mà chúng ta gặp trong Thánh lễ hôm nay, nhắc
lại những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Người, tiếng hát và lời tạ
ơn, chúc tụng và chia sẻ bánh, rượu.
Hơn
nữa ta cũng thấy có những điểm giống nhau giữa Thánh lễ với nghi thức Vượt Qua
của người Do Thái. Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ trước khi chịu khổ
nạn, Đức Giêsu đã thiết lập nhiệm tích Thánh Thể, trao ban chính sự sống của
Người cho nhân loại. Qua hai ngàn năm, Giáo hội vẫn cử hành Thánh Thể và đón
hưởng Thần Lương Sự Sống này: Thân Mình Chúa Kitô là của ăn và Máu Thánh Chúa
Kitô là của uống. Giáo hội lặp lại cử chỉ và lời nói của Thầy Chí Thánh mỗi khi
dâng Thánh lễ: “Tất cả các con hãy nhận
lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con… Tất cả các con hãy nhận
lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra
cho các con và nhiều người được tha tội.” (Lời Truyền Phép)
Như
vậy, chúng ta thấy rõ bữa Tiệc Ly bắt nguồn từ một nghi thức tạ ơn của người Do
Thái được cử hành để tưởng nhớ cuộc giải phóng của dân riêng Thiên Chúa[8]. Nhưng
dù vẫn giữ lại ý nghĩa của nghi thức này, Đức Kitô lại làm phong phú thêm bằng
một ý nghĩa mới mang tầm vóc hoàn vũ. Chính Người, là Đấng Cứu Tinh mà mọi
người mong đợi, đang thực hiện cuộc giải phóng Dân mới của Chúa, tức là Giáo
hội, được cứu độ bởi Thánh Giá và sự phục sinh của Người. Từ bữa Tiệc Ly đó,
các Kitô hữu dâng lên Chúa Cha, mỗi ngày và mọi nơi, của lễ hy sinh và tạ ơn
của chính Đức Kitô.
3.
Thánh lễ là lời tạ ơn của Hội thánh dâng lên Thiên Chúa
để hiệp thông với nhau trong cùng một đức tin
Không một
nơi nào khác biểu hiện rõ nét sự hiệp thông của Giáo hội cho bằng mầu nhiệm
Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha Sáng Tạo - Ngôi Con Cứu Chuộc (khởi nguyên từ mầu nhiệm
Nhập Thể) - Ngôi Thánh Thần Thánh Hóa.
Ngôi Con vâng phục cách vô điều kiện trước thánh ý của Ngôi Cha: “Của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy
và hoàn tất công trình của Người”. Và vì thế, khi cử hành Thánh lễ, Giáo hội
bày tỏ sự hiệp thông trong mọi tương quan: với
tha nhân, với chính mình và với Thiên Chúa.
Với tha nhân: Giáo hội xác
định mình là thành phần của gia đình nhân loại, có bổn phận với những vấn đề
chung của toàn thế giới và có sứ mạng dẫn đưa các dân tộc về với Thiên Chúa. Thế
nên, Giáo hội không ngừng chuyển cầu cho mọi người trên khắp hoàn cầu mỗi khi
dâng hiến lễ lên Chúa Cha: “Xin Chúa mở mắt
chúng con, để chúng con nhận biết những nhu cầu của anh chị em, xin Chúa khơi gợi
cho chúng con những lời nói và việc làm, để chúng con giúp sức cho những người
làm lụng vất vả và gồng gánh nặng nề, xin cho chúng con biết chân thành phục vụ
họ theo gương mẫu và lệnh truyền của Đức Kitô. Xin cho Hội thánh hiện diện như
một bằng chứng sống động về chân lý và tự do, về hoà bình và công lý, để mọi
người được vươn lên trong niềm hy vọng mới”. (Trích Kinh Tạ Ơn, dùng cho những
nhu cầu khác nhau, mẫu 1, Hội thánh Trên Đường Hiệp Nhất)
Với chính mình: Hội thánh nhớ đến mọi thành phần dân Chúa, những người
còn sống cũng như đã qua đời, những người đã được diện kiến nhan thánh Chúa hay
còn phải trải qua cuộc thanh luyện. Mọi lời cầu nguyện sau Truyền Phép trong
các Kinh Tạ Ơn đều liệt kê đầy đủ ba thành phần của Giáo hội Đức Kitô: trước hết
là các phẩm trật Hội thánh (Giáo hội lữ hành trên trần thế), tiếp đến là các
tín hữu đã ly trần (Giáo hội thanh luyện), và cuối cùng là chư thánh hiển vinh
(Giáo hội chiến thắng). (x. Kinh Tạ Ơn II)
Với Thiên Chúa: Hội thánh
hiệp thông một cách đặc biệt trong hai cách thức. Một là sự hiệp thông trong
cùng một thân thể nhiệm mầu khi các tín hữu đón rước Mình và Máu Chúa vào lòng
. Hai là sự hiệp thông trong lời cầu nguyện. Sau khi bày tỏ tất cả các ước nguyện
của mình trong Kinh Tạ Ơn, Giáo hội tuyên tín, cậy nhờ và thông phần với Đức
Kitô mà dâng lên Chúa Cha: “Chính nhờ Người,
với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha
toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
4.
Thánh lễ là lời tạ ơn của
Hội thánh dâng lên Thiên Chúa vì lời hứa ban Đấng Cứu Tinh
Giáo
hội không tự ý dâng Thánh Lễ, nhưng vì ghi nhớ lệnh truyền của Thầy Chí Thánh
và theo thể thức Người làm mà cử hành mỗi ngày để thực sự bước vào mầu nhiệm.
Trong mầu nhiệm này, Hội
thánh tỏ lòng biết ơn vì tất cả những phúc lành Thiên Chúa ban, tất cả những gì
Người đã thực hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc, thánh hoá con người và lời hứa
ban Đấng Cứu Tinh. Có thể nói chúng ta không thể tìm một phương thế nào tốt hơn
hy tế Thánh lễ để tạ ơn Thiên Chúa. Không có hành động ngợi khen cảm tạ nào cao
quí cho bằng siêng năng tham dự Thánh lễ, và dâng Thánh lễ lên cho Thiên Chúa
để đền đáp mọi ơn lành do lòng thương xót của Người.
Trong Thánh lễ, Hội thánh dâng
Thánh lễ là để cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha vì Đấng Cứu Tinh đươc ban cho loài
người, Đấng đến để đền bù tội lỗi nhân loại, đồng thời xin Thiên Chúa ban cho
ta những ơn lành hồn xác, là để các tín hữu được hiệp nhất với nhau trong Đức
Kitô.
II. CÁC NGHI THỨC VÀ LỜI ĐỌC
CHO
THẤY THÁNH LỄ LÀ MỘT “CUỘC TẠ ƠN”
Tâm tình tạ ơn Thiên Chúa không chỉ
được thể hiện nơi các nghi thức và hành động của dân Chúa khi cử hành Thánh lễ,
nhưng còn được tỏ bày nơi các lời đọc xuyên suốt buổi cử hành. Thật vậy, có rất
nhiều phần trong Thánh lễ nói lên tâm tình tạ ơn, ở đây, người viết chỉ nêu lên
một số trường hợp nổi bật. Chẳng hạn như, trong Kinh Vinh Danh, trong câu đáp
sau bài đọc Sách Thánh, Lời Tiền Tụng trong Kinh nguyện Tạ ơn và trong phần
Truyền phép.
1. Kinh Vinh Danh “Chúng con
cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”
Câu trên đây đích thực là một sự tạ
ơn chân thành của dân Chúa khi được đọc hoặc hát trong Kinh Vinh Danh: “Chúng
con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con
tôn vinh Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa…”. Theo tác
giả Eward Sri, điều thú vị nhất nằm ở câu cuối cùng. Câu này cho biết rằng sở
dĩ chúng ta ca tụng Thiên Chúa là vì vinh quang cao cả Người. Đây là cách diễn tả một lời chúc tụng thuần túy, chúng ta yêu mến
Thiên Chúa không chỉ vì những điều Người làm cho chúng ta, nhưng vì chính
Người, tức là vì tình yêu và sự tốt lành rực rỡ của Người[9].
Đây là một nét đẹp của Kitô giáo, chúng ta đến với Chúa không phải vì Người làm
điều này điều kia cho chúng ta, nhưng là vì chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng
tốt lành dường bao. Người là Cha yêu thương, mặc dù Người là Đấng toàn năng
nhưng lại tự do chọn cách chia sẻ sự tốt lành của Người với chúng ta. Do đó, chúng
ta không thể không thờ phượng, tạ ơn và ca tụng Người.
2. Tạ ơn Chúa sau bài đọc
Sách Thánh: “Đó là Lời Chúa – Tạ ơn Chúa”
Kết thúc bài
đọc thứ nhất, người đọc sách xướng: “Đó là Lời Chúa”. Có nhà Thần học lưu ý
rằng lời công bố này giống như một tiếng kêu lớn hoặc tiếng kèn lệnh, nhắc nhở
rằng, thật kỳ diệu cho chúng ta là những phàm nhân được nghe Thiên Chúa nói qua
sách Thánh: “Lời tuyên bố phải được nghe với sự kinh ngạc tuyệt đối. Thật phi
lý khi xem thường những điều Thiên Chúa phán giữa chúng ta. Chúng ta đang biểu
lộ sự kinh ngạc và nói rằng chúng ta không coi thường lời ấy khi lên từ nơi sâu
thẳm của cõi lòng, Tạ ơn Chúa”
Tạ ơn là tri ân Thiên Chúa vì sự
tốt lành và hoạt động của Người trong lịch sử. Đây là một hành động thờ phượng
phổ biến trong Kinh Thánh Cựu Ước (1Sb 16,4; Tv 42,4; 95,2) và trong Tân Ước
(Cl 2,7; 4,2). Những lời “Tạ ơn Chúa” được thánh Phaolô sử dụng để tạ ơn Chúa
vì Người đã giải thoát thánh nhân khỏi tội lỗi sự chết (Rm 7,25; 1Cr 15,27).
Thật vậy, toàn bộ Kinh Thánh rốt cuộc quy vào công trình cứu chuộc của Chúa
Kitô, nên thật thích hợp khi chúng ta đáp lại các bài đọc Sách Thánh được công
bố trong phụng vụ bằng cùng lối diễn tả lòng biết ơn mà thánh Phaolô đã sử dụng
khi thánh nhân vui mừng tạ ơn vì chiến thắng của Chúa Kitô trên thập giá: Tạ ơn
Chúa[10].
3. Lời Tiền Tụng trong một số
Kinh Nguyện Tạ ơn: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”
Kinh
Tạ ơn II: Kinh Tạ
ơn II có một lời tiền tụng riêng. Một đặc trưng của lời tiền tụng riêng là ôn
lại toàn thể lịch sử cứu độ một cách vắn
gọn, với những chặng chính là: tạo dựng, cuộc nhập thể, sự cứu chuộc và hoa
trái là Hội thánh. Tất cả các kế hoạch xoay quanh bản thân Đức Kitô. Thật vậy,
lời tạ ơn được mở đầu với việc tuyên xưng các tước hiệu của Đức Kitô: Con yêu
quý của Chúa Cha, Lời nhờ đó Cha đã tạo dựng muôn loài, Đấng Cứu Độ và Chuộc
Tội, Đấng Cứu Độ (Salvator) theo nghĩa là dẫn đưa chúng ta vào đời sống thiêng
linh. Đấng chuộc tội vì đã giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và ma
quỷ[11].
Kinh Tạ ơn III: Kinh nguyện này không có tiền tụng riêng
khác với Kinh số II và số IV có tiền tụng thuật lại lịch sử cứu độ. Sau lời
tung hô “Thánh, Thánh, Thánh” Kinh Tạ ơn III mở đầu với lời tung hô: “Lạy Chúa,
Chúa thật là Đấng Thánh”, không những nối tiếp các lời tung hô vừa kết thúc mà
còn tóm lược lịch sử cứu độ của Tiền tụng, khi dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì
công trình tạo dựng , muôn vật Chúa tạo thành đều phải ca ngợi Chúa: Thiên Chúa
là Đấng Tạo Hóa, đồng thời cũng là Đấng Thánh Hóa. Như vậy, trong đoạn mở đầu,
Kinh Tạ ơn đã chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi vì công trình tạo dựng và cứu độ,
chương trình này bao trùm toàn thể các thụ tạo. Đối lại, tất cả muôn loài đều
được mời gọi hãy ca tụng Chúa, hãy tạ ơn Chúa, và toàn thể nhân loại hãy đón
nhận ý định của Người muốn quy tụ thành một đoàn dân.
Kinh
Tạ ơn IV: Kinh Tạ
ơn IV có Tiền tụng riêng và không thay đổi, lời chúc tụng còn kéo dài cả sau
lời tung hô. Trong phần thứ nhất đối tượng của lời chúc tụng là Thiên Chúa với
những ưu phẩm lần lượt được triển khai như Đấng Siêu Việt và Đấng Tạo Hóa,
trong phần thứ hai sau lời tung hô, đối tượng chuyển sang lịch sử cứu độ loài
người. Trong phần mở đầu, Kinh Tiện tụng ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha Chí
Thánh. Cách xưng hô Thiên Chúa là Cha còn được lặp lại 6 lần trong đó có 4 lần:
Cha Chí Thánh, tạo nên một đặc trưng của Kinh nguyện Tạ ơn IV, mang một giọng
điệu thân thương của tình con cái. Các ưu phẩm của Thiên Chúa được diễn tả bằng
những thuật ngữ trích từ Cựu Ước và Tân Ước. Lời tuyên xưng về Thiên Chúa siêu
việt được tiếp nối ngay với lời tuyên xưng về việc tạo dựng: Thiên Chúa hằng
sống cũng là nguồn mạch ban sự sống cho muôn vật.
4. Kinh nguyện Tạ ơn theo mùa
Phụng vụ: “Chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và
đem lại ơn cứu độ cho chúng con”
Kinh nguyện Tạ ơn theo mùa Phụng vụ nhấn mạnh đến khía
cạnh đặc biệt trong công trình cứu độ của Đức Kitô.
Mùa
Vọng: Lời tiền
tụng trong mùa Vọng I nói đến việc hai lần Đức Kitô đến: Lạy Cha Chí Thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng và phải đạo và sinh ơn
cứu độ cho chúng con, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Khi Người đến lần thứ nhất
mang lấy bản tính nhân loại yếu hèn, Người thực hiện lời Cha hứa thuở xưa và mờ
đường cứu độ đời đời cho nhân loại. Nhờ đó khi Người ngự đến lần thứ hai đầy uy
nghi vinh hiển, bấy giờ ơn cứu độ đã hiển nhiên, chúng con sẽ lãnh nhận hạnh
phúc Cha hứa ban, mà ngày nay chúng con đang tỉnh thức và vững dạ đợi chờ.
Mùa
Giáng Sinh: Lời
tiền tụng tạ ơn Chúa vì đã trở nên người phàm. Trong mầu nhiệm Nhập Thể vạn vật
được phục hồi. Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Người vốn là Đấng vô hình, đã xuất
hiện hữu hình giữa nhân loại, được sinh ra trước thời gian, nay Người bắt đầu
hữu trong thời gian. Khi nhận lấy nơi mình mọi loài thụ tạo, Người nâng vạn vật
suy đồi lên, cho phục hồi tình trạng nguyên thủy, và đưa con người lầm lạc trở
về Quê Trời.
Mùa
Chay: Là mùa sám hối đền tội, mùa của việc hãm mình. Lời tiền tụng trong
mùa Chay nói lên hiệu quả của việc hãm mình. Cha muốn chúng con dùng việc hãm
mình để cảm tạ Cha, nhờ đó chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính
kiêu căng. Và khi giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, chúng con biết noi
theo lòng nhân hậu của Cha.
Mùa
Phục Sinh: Lời
tiền tụng đề cập đến việc tạ ơn Chúa vì sự sống vĩnh cửu Đức Kitô dành được cho
chúng ta. Lạy Cha, chúng con tuyên xưng Cha mọi lúc và hân hoan ca tụng Cha
vinh hiển, nhất là trong mùa này, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ
cho chúng con, khi Đức Kitô tự hiến tế làm chiên Vượt Qua của chúng con. Nhờ
Người chúng con được tái sinh làm con cái ánh sáng để sống muôn đời, và cửa
Nước Trời rộng mở để đón nhận các tín hữu. Người đã chết để giải thoát chúng
con khỏi tử thần, và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
5. Lời Truyền Phép: “Người cầm
bánh trong tay thánh thiện, khả kính, ngước mắt lên trời, hướng về Chúa là Cha
toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn
đệ”
Khi đến phần Truyền Phép, linh mục
đọc: “Người cầm lấy bánh trong tay thánh thiện khả kính, ngước mắt lên trời,
nhìn Chúa là Chúa Cha Toàn Năng, tạ ơn Chúa.” Hành động Đức Kitô tạ ơn Chúa Cha có sức mạnh
toàn năng vượt xa mọi lời tạ ơn của tất cả các thiên thần và loài người. Nếu
chúng ta có khả năng tạ ơn Thiên Chúa cho xứng đáng, thì Đức Kitô đã chẳng cần
phải đến giúp chúng ta. Điều Người đã làm trong Bữa Tiệc Ly thì được lập lại
hằng ngày trên Bàn Thờ, ở đó Người ngước mắt lên nhìn Cha, hết lòng tạ ơn Cha
vì mọi ơn lành Cha ban. Và vì việc tạ ơn này phát xuất từ miệng của chính Đấng
là Thiên Chúa, nên chỉ có thể là một sự tạ ơn vô hạn, và vì là vô hạn, Thiên
Chúa không thể đòi hỏi gì hơn nữa. Người phải được thỏa lòng vô hạn.
Vậy mà việc tạ ơn của mọi vật trên
trời dưới đất đều mang tính chất hữu hạn, nên nó cũng hữu hạn về khả năng và
đức tin. Còn việc tạ ơn của Con Thiên Chúa dâng lên Chúa Cha trongThánh lễ thì
vô hạn. Nhờ Thần Tính của Người nên cũng có giá trị và khả năng vô hạn. Do đó
việc tạ ơn này làm đẹp lòng Thiên Chúa vô hạn so với việc tạ ơn hữu hạn của các
loài thụ tạo. Đức Kitô dâng lời tạ ơn vô hạn này lên Cha Người cho chúng ta,
khi chúng ta tham dự Thánh lễ sốt sắng.
Như vậy, mỗi Thánh lễ là để quy tụ muôn dân
về trong Chúa. Chúng ta Tạ ơn Chúa vì đã quy tụ cộng đoàn tín hữu để cùng nhau
tạ ơn Chúa. Qua Thánh lễ, Giáo hội được dưỡng nuôi và sống bởi Lời Chúa và
Thánh Thể. Vì thế Giáo hội mời gọi tất cả chúng ta cố gắng tìm hiểu, khám phá
ra hoặc khám phá lại Thánh lễ, là hành vi trung tâm của đời sống Kitô giáo
chúng ta. Đặc biệt vì thánh lễ là một hy tế tạ ơn, đồng thời là hành động để
Hội thánh dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa. Vì vậy khi dự Thánh lễ, chúng ta tạ
ơn Thiên Chúa vì kế hoạch cứu độ Người thực hiện cho chúng ta: Đó là sự chết và
phục sinh của Đức Kitô nguyên khởi từ mầu nhiệm Nhập thể để mang lại sự sống
cho mỗi người chúng ta.
[1] Ga 1,14.
[2] CĐ Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium,
số 48.
[3] Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh: Cử hành Bí Tích Tình Yêu, tập X (Tp. HCM: Học viện
Đa Minh 2012), tr 177.
[4] Website: http://
catechesis.net/mau-nhiem-nhap-the/
[5] X. CĐ Vaticanô II, Lumen Gentium, số
3.
[6] X. CĐ Vaticanô II, Lumen Gentium, số 9.
[7] Lm.
Giuse Vũ Thái Hòa, 40 Câu Hỏi Về Thánh Lễ, không rõ nxb, 1996, tr 3.
[8] X. Lm Vinh
Sơn Nguyễn Thế Thủ. Phụng Vụ Thánh Thể. Tp. HCM: Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2001, tr 8-12.
[9] Dr. Edward Sri, Tìm
Hiểu Thánh Lễ, Dg Trần Công Thượng, Tp HCM: Học viện
Đa Minh, 2015, tr 60.
[10] Dr. Edward Sri, Tìm Hiểu
Thánh Lễ, Dg Trần Công Thượng, Tp HCM: Học
viện Đa Minh, 2015, tr 78-79.
[11] Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh: Cử hành Bí Tích Tình Yêu, tập X (Tp. HCM: Học viện
Đa Minh 2012), tr 220.
Đăng nhận xét