Thiên Phú, OP.
Ngày nay, người Công giáo đang tích cực tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, tôn sùng Thánh Tâm, lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Maria và các thánh. Họ cũng thể hiện tình cảm hiếu kính với tổ tiên khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, chăm sóc mộ phần và tổ chức nghi lễ cho người qua cố. Tuy nhiên, trong các sinh hoạt đức tin ấy,chúng ta lại nhận thấy có sự gia tăng các tập tục mê tín dị đoan, truyền bá những tư tưởng sai lệch, lạm dụng Lòng thương xót của Thiên Chúa và quyền năng chữa lành nhằm lôi cuốn người Công giáo. Trong thực tế, kỷ luật phụng vụ không được tôn trọng đúng mức ở một số nơi. Các hình thức lạm dụng của lòng đạo đức gây lo lắng cho tín hữu và rối loạn trong cộng đoàn đức tin.
Mặc dù, đời sống đức tin của Kitô
hữu đã được định hướng và soi dẫn nhờ các văn kiện Giáo hội, đặc biệt làcác văn
kiện khởi đi từ Công đồng Vaticanô II đến nay, nhưng thiết nghĩ tư tưởng thờphượng
của thánh Tôma Aquinô vẫn còn nguyên giá trị và có thể trả lời chocácvấn đề của
thời hiện đại. Thế nên, trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tư tưởng
này của Vị thánh Tiến sĩ và từ đó áp dụng cho đời sống đức tin của người Kitô
hữu Việt Nam ngày nay.
Khái quát về thần học thờ phượng
theo thánh Tôma Aquinô
Hầu hết chúng ta nghĩ
thánh Tôma Aquinô là người say mê học thuật,
con người của sách vở vốn đặt cảm xúc của mình sang một bên để làm theo những
yêu cầu của một logic bất dịch. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn, chúng
ta sẽ thấy một bức tranh rất khác. Thiếu thời, thụ huấn theo truyền thống Dòng
Biển Đức, cậu bé Tôma đã thấm nhuần một tình yêu cháy bỏng đối với phụng vụ. Là
một tu sĩ Đa Minh, ngài cử hành thánh lễ hàng ngày và thường tham dự thánh lễ
thứ hai vì lòng sùng kính. Ngài không chỉ viết các summa mang
tính học thuật và các tác phẩm bình luận uyên bác, mà còn sáng tác thánh thi,
những lời cầu nguyện và bài giảng. Chúng ta vẫn đọc một số tác phẩm của ngài trong
kinh thần vụ của thánh lễ Corpus Christi. Thần học hệ thống
của ngài sẽ bị hiểu lầm nghiêm trọng nếu người ta không nhận thấy đằng
sau đó là một tác giả đã thực hành một đời sống thờ phượng mãnh liệt và liên
lỷ.[1]
Thánh Tôma chưa bao
giờ soạn một khảo luận riêng biệt về sự thờ phượng, nhưng ngài đã bàn luận chủ
đề này ở nhiều điểm khác nhau trong Tổng luận thần học của mình. Trong Summa Theologiae, sự thờ phượng được
chính thức xem xét theo tiêu chuẩn tôn giáo[2] và cũng
được thảo luận trong các phần về luật nghi lễ,[3] vềchức
tư tế của Đức Kitô[4] và các
bí tích.[5]
Là
một nhà thần học hệ thống, Tôma cẩn thận xác định các thuật ngữ của mình. Theo
ngài, thờ phượng là hành động phù hợp với nhân đức tôn giáo - nhân đức mà theo đó chúng ta dâng mọi sự
(kể cả bản thân) lên Thiên Chúa như những dấu hiệu để thừa nhận tình yêu và
quyền thống trị của Người. Bởi vì chúng ta tôn vinh Thiên Chúa bằng tất cả các
hành động nhân đức của mình, đặc biệt là những việc làm do sự tuân phục mệnh lệnh của Người, nên mọi hành
động tốt đều có thể được gọi là tôn giáo theo nghĩa rộng của từ này, nhưng tôn
giáo theo nghĩa chặt chỉ những hành vi đặc biệt hướng đến tôn thờ và vinh danh
Thiên Chúa[6]
Trên
cơ sở cho rằng thờ phượng là món nợ của chúng ta đối với Thiên Chúa xét vì tính siêu việt của Người, Tôma đã lần theo tôn giáo dưới tiêu chuẩn của nhân
đức công bằng. Tuy nhiên, ngài nhận ra rằng tôn giáo không nằm gọn trong phạm
trù đó, vì yếu tố bình đẳng là thiếu sót và hạn chế. Mặc dù chúng ta không bao
giờ có thể dành cho Thiên Chúa nhiều sự tôn vinh như đức công bằng đòi hỏi,
nhưng chúng ta có nghĩa vụ phải tôn vinh Người tùy theo khả năng của mình và
cách thức mà Thiên Chúa sẵn sàng chấp nhận.[7]
Thần học thờ phượng
của thánh Tôma có thể được tóm tắt dưới ba chiều kích chính: tôn giáo, tính thánh
thiêng và Giáo hội.
Chiều kích tôn giáo
Khi đặt chân đến Việt
Nam, có lẽ nhiều Kitô hữu ngoại quốc sẽ trầm trồ khen ngợi khi chứng kiến nét
sinh hoạt đầy sức sống của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Thật vậy, người ta
nhận thấy có rất đông các Kitô hữu tham dự thánh lễ trong các nhà thờ và các nghi
thức phụng vụ khác. Các phong trào đạo đức bình dân cũng diễn ra một
cách sôi nổi với sự hiện diện của rất nhiều giới khác nhau. Nhiều giáo xứ còn
tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất: làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ
xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện... Thế nhưng, trong lòng những
tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống đức tin có tính chất cá vị hình như lại khá
yếu kém. Đôi khi, người ta quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, mà quên đi
tâm tình tôn thờ bên trong. Chúng ta thấy rất ít những người đến với Chúa một
cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức tin trong cuộc đời.[8] Người ta
đến với Chúa vì đơn thuần tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ mà thôi. Thái độ
ấy vô hình chung biến tôn giáo thành một thứ lễ hội đơn thuần.
Với thánh Tôma, chiều
kích tôn giáo luôn luôn rõ ràng trong tư tưởng của ngài. Toàn bộ hệ thống thần
học của thánh Tôma đều tập trung vào Thiên Chúa - Thiên Chúa trong
chính Người, Thiên Chúa sáng tạo và cai quản, và Thiên Chúa là cùng đích mà mọi
thụ tạo phải hướng tới. Ơn cứu độ con người bao gồm sự kết hiệp với Thiên Chúa - một sự kết hiệp được
thực hiện qua các nhân đức hướng Chúa: đức tin, đức cậy và đức mến. Các nhân
đức này có Chúa là đối tượng trực tiếp của chúng, chúng ta tin Chúa, hy vọng và
yêu mến Chúa.
Nhiều lần, Tôma nhấn
mạnh rằng việc chúng ta thờ phượng của không đem lại gì cho
Thiên Chúa, Đấng có mọi sự hoàn hảo vĩnh cửu nơi chính mình.[9] Theo
nghĩa chặt, thờ phượng (latria, tôn thờ) chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.
Dựa theo thánh Gioan Damascenô, thánh Tôma cho rằng các hình ảnh của
Chúa Kitô có thể được tôn thờ, miễn là chúng không được xem là vật thể theo
đúng nghĩa mà hoàn toàn là thực thể đại diện. Theo Tôma, sự xuất hiện của các
hình ảnh trong Cựu ước là đúng đắn vì Biến cố Nhập thể chưa xảy ra. người ta
không thể tạo ra một hình ảnh của Thiên Chúa trong bản tính thần linh của Người.[10]
Tôma thừa nhận rằng
sự tôn kính (dulia) có thể được dành cho cả người và sự vật có liên hệ
mật thiết với Thiên Chúa. Xét vì lý do liên kết đó, điều này khiến họ đáng
được chúng ta tôn kính. Vì vậy, chúng ta tôn vinh các thánh là chi thể của Đức
Kitô, là con cái và bạn hữu của Thiên Chúa, và như những người cầu thay nguyện
giúp với Thiên Chúa thay cho chúng ta.[11]
Chân nhận sự trội
vượt của Đức Maria trên tất cả các thụ tạo khác, thánh Tôma cho rằng Mẹ được
tôn kính với một loại suy tôn cao cấp, được gọi là hyperdulia.[12] Thánh
tích và hình ảnh của các vị thánh, những con người xứng đáng được yêu mến khi
chúng nhắc nhở chúng ta về Thiên Chúa và hướng sự chú ý của chúng ta đến Người.[13]
Lòng sùng kính, có
thể được coi là trung tâm của tôn giáo, là một hành động nội tâm bao gồm thái
độ sẵn sàng hiến thân để phụng sự Thiên Chúa[14]. Bằng
cách suy ngẫm và chiêm nghiệm, chúng ta có thể khơi dậy trong mình một tình yêu
lớn lao hơn đối với Thiên Chúa, Đấng đáng được yêu mến nhất trong mọi sự.[15]
Lòng sùng kính và
chiêm niệm tràn vào trong lời cầu nguyện tha thiết. Trong cầu nguyện, chúng ta
quy phục Thiên Chúa và thừa nhận Người là nguồn ban phúc lành cho chúng ta.[16] Lời
cầu nguyện chỉ hướng về một mình Thiên Chúa, Đấng ban mọi ân sủng và vinh
quang, nhưng theo một nghĩa đủ điều kiện, chúng ta có thể được cho là cầu
nguyện với các thiên thần và các thánh khi chúng ta nàixin các vị chuyển cầu
cho chúng ta.[17]
Đối
với thánh Tôma, hiệu quả của lời cầu nguyện không mang lại cho Thiên Chúa những kiến thức mới hoặc khiến Người thay đổi ý định của mình. Đúng hơn,
cầu nguyện bao gồm việc tạo ra những điều kiện mà theo đó Thiên Chúa có thể trao ban một cách thích hợp những
tặng ân mà Người hằng mong muốn ban tặng, miễn là các điều kiện cần thiết đã
được đáp ứng. Sự thay đổi do lời cầu nguyện mang lại không phải là sự thay đổi
trong Thiên Chúamà là nơi thế giới được tạo thành.[18]Chúng
ta không chỉ cầu nguyện cho chính mình, mà còn cho người khác, vì chúng ta nhất
định phải yêu thương họ dù đó là kẻ thù.[19]
Tình yêu bác ái đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện cho người khác. Thánh Tôma so
sánh những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta dành cho tội nhân với hành
động của một người trả nợ cho kẻ khác.
Thánh Tôma kết
thúc khảo luận về tôn giáo của mình bằng cách xem thói xấu trái ngược với sự
thờ phượng đúng đắn. Một số người đã sai lầm thái quá — không phải theo nghĩa
là họ tôn vinh Chúa mà theo nghĩa là sự tôn kính của họ bị lệch hướng. Mê tín
dị đoan là sự thờ phượng bị méo mó; nó vi phạm các tiêu chuẩn làm đẹp lòng
Thiên Chúavà có lợi cho sự sùng kính. Trong việc thờ ngẫu tượng, chúng ta dâng
cho các thụ tạo sự tôn thờ mà chỉ dành một mình Thiên Chúamà thôi. Trong bói
toán và ma thuật, chúng ta yêu sáchchochính mình những quyền năng chỉ phù hợp
với Thiên Chúa mà thôi.[20] Chúng
ta có thể phạm sai lầm khi không tôn trọng người và sự vật thánh thiện hoặc
bằng cách phạm thánh khi xúc phạm những gì là thánh thiêng. Những tội lỗi này
là chống lại Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi sự thánh thiện.[21]
Chiều kích thánh
thiêng
Trải
dài đất nước từ Bắc chí Nam, chúng ta nhận thấy có biết bao lễ hội truyền
thống được tổ chức, từ miền núi cho tới đồng bằng, từ thành thị
cho tới thôn quê. Tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội, những
lễ hội càng ngày càng được tổ chức ở quy mô lớn hơn. Những năm trở
lại đây, hầu như năm nào báo chí cũng đề cập tới cách tổ chức lễ
hội với những nhận định và phê phán về tình trạng lễ hội bị lợi
dụng và biến dạng. Tín ngưỡng dân gian đang bị mất đi tính chất
thiêng liêng nhường chỗ cho một thứ lễ hội bát nháo, vô tổ chức,
nhuốm màu mê tín dị đoan và tính chất trần tục. Chúng ta tôn trọng các
truyền thống tín ngưỡng dân gian, nhưng chắc chắn những người có
thiện chí đều không chấp thuận và ủng hộ một thứ tín ngưỡng bị
lạm dụng biến dạng như đang tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay. Là
tín hữu Công giáo, chúng ta nhận thấy tình trạng này cũng đang xảy ra trong
đời sống đức tin.[22] Người ta tự sáng chế hoặc
dung nạp những cách thức phụng tự tục hóa đi ngược lại với truyền thống của
Giáo hội. Ý nghĩa thánh thiêng cũng vì đó màtrở nên méo mó và biến dạng.
Với thánh Tôma, yếu tố quan trọng trong thờ phượng là tâm
tình tôn kính, một loại cảm giác kính sợ khi có sự hiện diện thánh thiêng. Xét
một cách siêu việt,tâm tình tôn kính có được là nhờThiên Chúa, xét vì sự trội
vượt và quyền năng của Người.[23] Lòngkính
sợ như vậy được đem lại và thể hiện bằng các dấu hiệu thiêng liêng, thường
xuyên đi kèm với sự thờ phượng. Thánh
thiêng (sacrum) không hoàn toàn giống với thánh thiện (sanctum).
Sự thánh thiện thường biểu thị một phẩm chất nội tại vốn có nơi một người, đặc biệt là một vị
thánh, người thông phần bởi ân huệ vào đời sống của Thiên Chúa. Thánh thiêng
không phải là một thực tại cố hữu mà là một thực tại có tương quan: nó thuộc về
bất cứ thứ gì có liên hệ với Thiên Chúa. Nguyên mẫu của sự thánh thiêng là mầu
nhiệm Ngôi hiệp - mối tương quan kết hiệp giữa nhân tính của Đức Kitô và Ngôi
Lời Thiên Chúa.
Sự thánh thiêng thờ
phượng, chính là điều cần thiết để tôn thờ, thuộc về trật tự của các dấu chỉ.
Các dụng cụ thờ phượng phải hướng đến thần linh, nhưng không được thần thánh
hóa về bản chất. Thánh Tôma rút ra một sự tương tự từ các nghi lễ trong
các buổi triều yết hoàng gia. Cũng giống như các vị vua và hoàng tử được bao
quanh bởi một vẻ lộng lẫy, thể hiện sự uy nghiêm của họ, thì việc thờ phượng Thiên Chúa được
tiến hành một cách thích hợp vào những thời điểm và địa điểm đặc biệt.
Nhằm tạo nên sự tôn nghiêm và phục tùng
thần linh, chúng ta cần có những nghi thức tôn giáo đặc biệt[24].
Thánh
Tôma công nhận ba thực tại phụng tự thánh thiêng: hy tế, bí tích và thánh hiến.
Trong số này, cơ bản nhất là hy tế, là nguồn gốc của hai cách thức kia. Hy tế,
theo từ nguyên của từ sacrumfacere, là làm điều gì đó đối với một vật
được dâng lên cho Thiên
Chúa với lòng
tôn kính[25]. Hy tế có hai chiều kích,
nội tại và ngoại tại. Chiều kích nội tại là chính yếu, bao gồm các hành vi tôn
giáo như tôn thờ, sùng kính và cầu nguyện, qua đó chúng ta dâng mình cho Thiên
Chúa. Chiều kích ngoại tại, là một dấu hiệu của bên trong, bao gồm việc tách
riêng một vật thể khỏi cách sử dụng thế tục thông thường, rồi thánh hiến nó cho Thiên Chúa. Trên nền tảng Cựu ước, thánh Tôma phân biệt
nhiều loại hy tế khác nhau, cần thiết để xóa tội, hòa giải với Thiên Chúa và
kết hợp hoàn hảo với Người.[26]
Sự đau khổ và cái chết của một nạn nhân không phải là điều cốt yếu đối với khái
niệm hy tế, nhưng nó phù hợp với những lễ vật đền tội. Trong đau khổ và cái
chết, Đức Giêsu Kitô đã dâng một sự hy tế đích thực để thừa nhận sự uy nghiêm
của Thiên Chúavà tính cần thiết của sự chuộc tội. Bằng cách yêu thương hiến
dâng chính mình, Người đền bù vô cùng vì tội lỗi của toàn thế giới và giành
được những ân sủng vượt xa những gì đã mất do tội lỗi. Tình yêu của Đức Kitô là
yếu tố chính trong hy tế của Người.[27]
Các
bí tích - thực
tại thánh thiêng thứ hai -
là những dấu chỉ thiêng liêng được thiết lập nhằm mục đích thánh hoá con người[28].
Các bí tích của Luật cũ không chứa đựng hay truyền trao ân sủng, nhưng chúng
biểu thị ân sủng sẽ được ban trong hy tế của Đức Kitô. Chúng có hiệu quả như
một những bằng chứng biện minh cho đức tin.[29] Trong các bí tích của Luật Mới, quyền năng
hy tế của Đức Kitô được áp dụng cho những người lãnh nhận chúng.[30]
Các bí tích này được cho là chứa đựng và trao ban ân sủng mà chúng biểu thị.Với
tư cách là thừa tác viên chính, Chúa Kitô hoạt động trong và qua các bí tích.
Vì các bí tích là những dấu chỉ thiêng liêng, nên điều cốt yếu là chúng phải
mang một ý nghĩa. Ý nghĩa này được chuyển tải ở một mức độ nào đó bằng các yếu
tố vật chất và cử chỉ, nhưng rõ ràng hơn bằng các từ kèm theo
Thực tại thứ ba của
sự thánh thiêng bao gồm sự thánh hiến, thể hiện các mục đích tôn giáo mà một số
người hoặc vật thể được dành riêng. Thánh Tôma nói, mặc dù các bí tích có thể
được cử hành một cách hợp lệ với các thủ tục tối thiểu, nhưng thật phù hợp nếu
việc thờ phượng bí tích được tiến hành ở một nơi thiêng liêng với các bình
thánh, và bởi các thừa tác viên, những người đặc biệt dành riêng cho các chức
năng thờ phượng.[31]
Người cũng như mọi
vật đều có thể được thánh hiến. Một số bí tích ban cho những người nhận một
loại thánh hiến nội tại, về mặt kỹ thuật được gọi là một “ấn tín”, mà chúng ta
sẽ thảo luận ở điểm sau. Việc thánh hiến một người cũng xảy ra khi Giáo hội
nhận được các lời khấn thánh hiến mà một người nào đó cam kết tuân theo những
lời khuyên Tin Mừng về sự nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục. Giáo hội chính
thức chứng thực những hành vi thánh hiến ấy bằng những nghi lễ long trọng, để
người được tuyên khấn có một địa vị đặc biệt trong Giáo hội.[32]
Với lòng kính trọng
đối với sự thánh thiêng, bao gồm cả sự thánh hiến, thánh Tôma thể hiện chiều
kích thiêng liêng của Công giáo, vốn nổi bật vào thời Trung Cổ. Nhưng ngài
tránh chủ nghĩa thánh hiến cực đoan bởi vì ngài hiểu thánh hiến không phải là
một thực tại bản thể học vốn có trong sự vật được thánh hiến, nhưng như một
hành động tượng trưng mang lại một mối tương quan mới và kêu gọi lưu giữ thực
tại thánh hiến để thờ phượng. Chức năng chính của sự thánh hiến là làm cho mọi
người ý thức về tính bất khả xâm phạm trong các nghĩa vụ tôn giáo.
Chiều kích Giáo hội
Một trong những
nguyên nhân khiến cho hạt giống Tin Mừng chưa đến được với mọi người dân Việt
là những khó khăn trong vấn đề hội nhập văn hóa trong một giáo hội địa phương.
Khó khăn này luôn xuất hiện trong tiến trình rao giảng Tin mừng ở bất kỳ nơi
đâu và thời điểm nào. Hội nhập văn hóa là cách diễn đạt đức tin Kitô giáo trong
bối cảnh văn hóa và khuyến khích con người từ nền văn hóa này đón nhận, thực
hành niềm tin theo nền văn hóa của mình. Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết thấu
đáo về nền văn hóa nơi đức tin được hình thành, nên sứ điệp đức tin có thể bị
‘can thiệp’ và làm cho nó trở nên phức tạp hoặc bị méo mó. Mặt khác, khi đức
tin được diễn đạt qua một môi trường văn hóa trung gian, dễ dẫn đến hiện tượng
‘tam sao thất bản’, vì thế người lĩnh hội sẽ không đón nhận được như nội dung đức
tin muốn diễn tả trong bối cảnh văn hóa gốc của nó. Bên cạnh
đó, chính đức tin chi phối việc cử hành phụng vụ, như câu châm ngôn ngàn đời
của Giáo Hội: “Luật cầu nguyện là luật đức tin” (Lex orandi
lex credendi). Khi đức tin bị hiểu biết một cách sai lệch dựa theo não
trạng văn hóa địa phương, hậu quả kéo theolàđời sống đức tin bị pha tạp, nhiều
yếu tố phụ làm lu mờ hoặc biến tấu các cử hành phụng vụ chính của Giáo hội, từ
đó, xảy ra nhiều lạm dụng và mê tín dị đoan.
Theo lời của một nhà
chú giải hiện đại, thánh Tôma Aquinô không viết khảo luận nào về Giáo hội,
nhưng ý thức về Giáo hội hiện diện trong tất cả những gì ngài đã viết. Khía
cạnh ngoại tại của việc thánh hiến được liên kết với khía cạnh xã hội của sự
thờ phượng và của cộng đoàn phụng tự. Chính Giáo hội làm
nên Bí
tích Thánh Thể xét vì các việc thánh hiến thừa tác viên và tín hữu khác nhau.
Giáo hội hiện hữu trên thế giới như một xã hội thiêng liêng, khác biệt và
vĩnh cửu theo một cách có ý nghĩa, để xuất hiện trước mọi thụ tạo như một bằng
chứng cho quyền năng tối cao của Thiên Chúa và quyền được thờ phượng của Người. Vì
thế, đối với Tôma, mặc khải của Thiên Chúa được trao phó chủ yếu cho Giáo hội,
nơi đáp trả trong đức tin và làm chứng cho chân lý.Theo đó, sự thờ phượng đích
thực phải được chính Giáo hội và chỉ các cá nhân trong Giáo hội dâng
lên như là hành động của tất cả các chi thể.
Ngài tin chắc rằng
Giáo hội không phải là một khối vô định mà là một cơ quan có tổ chức xã hội —
và điều này là do ý chí và thể chế của Chúa Kitô, Đấng sáng lập Giáo hội. Từ đó
dẫn đến việc có các mệnh lệnh và chức vụ khác nhau trong Giáo hội, với những
đặc sủng và quyền năng. Cấu trúc cơ bản của Giáo hội được ban cho qua ba bí
tích truyền đạt điều mà Tôma nói đến trong một thuật ngữ truyền thống là “ấn
tín”. Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh tạo nên sự đồng hình đồng
dạng với Đức Kitô Tư Tế và do đó có khả năng tiếp diễn để tham gia vào các hành
động liên quan đến sự thờ phượng công khai của Giáo hội.
Đối
với thánh Tôma, việc thờ phượng phải dựa trên hoạt động nền tảng của Đức Kitô,
Đấng đã ban các bí tích và chức vụ thừa tác cho Giáo hội.[33] Trong khi các thừa tác viên và tín hữu tham
gia tùy theo các vị trí đặc biệt của mình vào đời sống Giáo hội, phụng vụ bí
tích của Giáo hội là trọng tâm của sự thờ phượng Kitô giáo. Các bí tích có thể
được xem xét theo một trong hai khía cạnh: Theo quan điểm của hoạt động Thiên
Chúa, chúng là phương tiện của ân sủng, nhưng theo quan điểm của sự đáp trảtừ
phía con người, chúng là phương tiện thờ phượng, được hướng đến Chúa bởi sự quy
tụ.
Lời
Chúa đòi hỏi một sự đáp trả của đức tin và vâng phục. Thánh Tôma nói, khi đã
tin, chúng ta nên suy ngẫm lời Chúa như Đức Maria; chúng ta nên hân hoan loan
truyền lời của Thiên Chúa cho
người khác và làm cho lời ấy sinh hoa kết trái trong hành động. Thánh Tôma
không bỏ qua vai trò của việc ngợi khen và ca hát trong phụng vụ. Ngài cho rằng
những lời đáp trả bằng giọng nói như vậy không thêm gì cho Thiên Chúa nhưng khơi dậy lòng yêu mến của Hội thánh.[34] Ngài cho biết thêm, âm nhạc có sức mạnh đặc
biệt, hầu thúc đẩy tâm hồn thích thú với những điều của Thiên Chúa, miễn là nó
được thực hiện với lòng sùng kính và không chỉ đơn thuần khơi dậy niềm vui.[35]
Vì những lý do tương tự,thánh Tôma chấp thuận những cử chỉ như quỳ gối và cúi
đầu, và khuyến nghị sử dụng hội họa và điêu khắc như những dụng cụ hỗ trợ cho
việc thờ phượng, nhưng không được trái nghịch với đức tin.[36]
Tuy
nhiên, các yếu tố nghi thức trong thờ phượng không được che khuất đi những điều cốt lõi. Giống như mọi hoạt động của con
người, thờ phượng phải
hướng đến sự vinh hiển của Thiên Chúa, điều mà Tôma định nghĩa là “sự hiểu biết
rõ ràng đi kèm với lời ngợi khen” (clara
cum laude notitia).[37] Ngài cho rằng, để Thiên Chúa được tôn vinh,
điều cốt yếu là các nghi thức tôn giáo phải truyền đạt chân lý về Thiên Chúa.
Chỉ bằng cách này, việc thờ phượng ở đây và lúc này mới có thể là một sự chuẩn
bị thích hợp cho phụng vụ thiên quốc.
Kết luận
Công
lao của thánh Tôma là đã xây dựng một nền thần
học thờ phượng có hệ thống đầy đủ, với những định nghĩa và sự phân biệt rõ
ràng. Trong
đó, mọi sự xuất phát từ Thiên Chúa và tìm thấy sự thành toàn khi trở về với
Thiên Chúa. Rõ ràng, trọng tâm thần học thờ phượng của thánh Tôma là Bí tích
Thánh Thể. Đây là hy tế và là bí tích, hiệp nhất các tín hữu với Chúa và với
nhau trong Người. Thần học cao cả của Tôma về Bí tích Thánh Thể, không chỉ được
thể hiện trong các tác phẩm có hệ thống của ngài, mà trong thơ ca, thánh thi và
bài giảng, đã là nguồn cảm hứng bất diệt cho Giáo hội trong hơn bảy thế kỷ và
tiếp tục âm vang trong các văn kiện của CĐ
Vatican II và giáo huấn của các vị giáo hoàng gần đây.
[1] David Berger, Thomas
Aquinas and the Liturgy, 2nd ed.
(Ann Arbor, Ml:
Sapientia Press, 2005), p. 2.
[2]Summa Theologiae, II-II, q. 81-100.
[3] I- II, q. 101-108,
[4] III, q. 22.
[5] III, q. 60-90.
[6] II-II, q. 81, a. 1.
[7] II-II, q. 81, a. 5.
[8] Xc. Nguyễn Trọng Viễn O.P. Những căn bệnh trầm kha trong đời sống
đức Tin Công
giáo tại Việt Nam (Chân lý, 2003), tr. 10-11.
[9] II-II, q. 81, a. 7.
[10]
III, q. 25, a. 3, ad 1; xem II-II, q. 81, a. 3, ad 3).
[11] III, q. 25, a. 6.
[12] III, q. 25, a. 5.
[13] III, q. 25, a. 6.
[14] II-II, q. 82, a. 1.
[15] II-II, q. 83, a. 3.
[16] II-II, q. 83, a. 3.
[17] II-II, q. 83, a. 4.
[18] II-II, q. 83, a. 2.
[19] II-II, q. 83, aa. 7-8.
[20]
II-II, qq. 92-96.
[21] II-II, q. 97-100.
[22]ĐGM Giuse Vũ
Văn Thiên, Văn hóa trong phụng vụ. Trích từ: https://gpbanmethuot.vn/giao-ly/van-hoa-trong-phung-vu-4538.html. Trụy cập
ngày 21 tháng 09 năm 2022.
[23] II-II, q. 81, a. 2, ad 1.
[24] I-II, q. 102, à. 4.
[25] II-II, q. 85, a. 3
[26] III, q. 22, a. 2.
[27] III, q. 48, aa. 3-4.
[28] III, q. 61, aa. 1-2.
[29] III, q. 62, a. 6.
[30] III, q. 62, a. 5.
[31] III, q. 83, a. 3.
[32] II-II, q. 184, aa. 2 và 5.
[33] I- II, q. 108, a. 2.
[34] II-II, q. 91, a. 1.
[35] II-II, q. 91, a. 2.
[36] II-II, q. 103, a. 1.
[37] I-II, q. 2, a, 3; II-II, q.
103, a. 1, ad. 3.
Đăng nhận xét