Tình yêu hôn nhân



Hôn nhân không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên 
hay của các năng lực tự nhiên, 
vô ý thức tạo thành.
Nhưng đó là một tổ chức khôn ngoan của Tạo Hóa
để thực hiện ý định tình yêu của Ngài trong nhân loại.
Nét Bút Chì, MTG Bà Rịa

Tình yêu đích thực là con đường dẫn đôi bạn bước vào đời sống hôn nhân, và là yếu tố quan trọng để xây dựng xã hội lành mạnh. Một gia đình thuận thảo, êm ấm là ước mơ của nhiều người. Hạnh phúc và sự ấm êm của gia đình tùy thuộc vào sự chuẩn bị của đôi bạn trước khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình; và sự đồng hành của cả cộng đoàn.
Đức Giáo Phanxicô khẳng định rằng:
Thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện đòi hỏi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu dấn thân hơn nữa trong công việc chuẩn bị cho các đôi bạn sắp kết hôn. Tôi mời gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng, việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ.[1]
Các Giám mục Việt Nam cũng theo hướng Mục vụ chung, quan tâm đến các gia đình, nhấn mạnh sự quan trọng của công tác chuẩn bị đời sống hôn nhân cho những người trẻ, đặc biệt trong năm 2017 này. Các ngài khẳng định: 
Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào.[2]
Các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân cần chuẩn bị cho mình có những hành trang cần thiết để sống hạnh phúc. Nên việc chuẩn bị là yếu tố rất quan trọng. Judith Tate OBrien nói: “Nếu bạn tính làm bác sĩ hay kỹ sư, giáo sư hay kí giả… hay bất cứ nghề nghiệp nào bạn thích, bạn phải mất nhiều năm học hỏi, chuẩn bị. Thành vợ chồng chắc chắn quan trọng hơn các nghề nghiệp khác.”
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô khẳng định rằng:
Trong thời đại chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ sống đời Hôn nhân, dấn thân vào đời sống gia đình cần thiết hơn bao giờ hết. Các thay đổi phát sinh hầu hết các xã hội mới đòi hỏi không những gia đình mà cả xã hội và Giáo hội nỗ lực tham gia vào việc chuẩn bị thích đáng cho các bạn trẻ về các trách nhiệm trước tương lai của chính họ.[3]
Vậy, kết hôn là một quyết định rất quan trọng. Vì thế, các bạn trẻ cần hiểu rõ ý nghĩa cao cả của tình yêu Hôn nhân để có thể đáp ứng những đòi hỏi của đời sống này. Tình yêu Hôn nhân không phải là một sự ngẫu nhiên như truyền thuyết ông tơ - bà nguyệt se duyên, nhưng chính Thiên Chúa đã tác hợp và chúc phúc cho tình yêu hôn nhân để đôi bạn được tham dự vào chính khả năng yêu thương của Người.[4]
Trước thực trạng của xã hội với chủ nghĩa tôn thờ tự do và hưởng thụ, con người đang dần đánh mất ý nghĩa cao cả của tình yêu. Trước thực trang đó, Giáo hội hướng dẫn con cái mình trung thành với ý định của Thiên Chúa để bảo vệ tình yêu hôn nhân.

1. Ý nghĩa Tình yêu Hôn nhân
Tình yêu là một thực tại rất quen thuộc đối với con người. Nó diễn tả những kinh nghiện tôn giáo cao cả nhất, những dâng hiến quảng đại nhất hay những kinh nghiệm kỳ diệu nhất. Do đó, không chỉ có một loại tình yêu duy nhất: có tình yêu bạn bè, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu hôn nhân…
Đặc tính của tình yêu hôn nhân là: sự trao hiến một cách tự do với tất cả tấm lòng cho người mình yêu một cách trọn vẹn,[5] duy nhất và độc hữu (không chấp nhận những bạn tình khác); ổn định và bền vững (bất khả phân ly); phong nhiêu (mở ra với sự sống và gắn liền với tính dục hướng tới sinh sản không trước và không ngoài hôn nhân); cam kết luôn tìm phúc lợi cho người phối ngẫu.[6]
Vì tình yêu hôn nhân mang ý nghĩa và giá giá trị cao đẹp như thế, nên việc giúp các bạn trẻ hiểu để biết trân trọng tình yêu quả là cần thiết và cấp bách.
Khi nói đến tình yêu hôn nhân là ta ý thức mình không chỉ yêu một cái gì đó đáng yêu và làm ta thỏa lòng, nhưng là yêu một con người có thể đáp lại tình yêu của ta với một tình yêu mãnh liệt như thế. Đó là tình yêu hỗ tương: cho và nhận. Để thực hiện được điều này, nó đòi hỏi các đôi hôn nhân phải loại bỏ sự ích kỷ: chỉ nhìn người phối ngẫu là người phải trao hiến cho mình, tệ hơn nữa là chỉ nhìn người phối ngẫu như là cơ hội đem lại cho mình cảm giác thỏa mãn.
Suy tư về tình yêu hôn nhân, trong Tông huấn Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành nguyên Chương IV để hướng dẫn các bạn trẻ và mọi người xây dựng, phát triển bền vững trong tình yêu hôn nhân như sau:
Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là; tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể; tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác; tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác; tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi; tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán; tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói; tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ; tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu; tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác; tình yêu hi vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong; tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực”.[7]
2. Tình yêu hôn nhân trong ý định của Thiên Chúa
Lật lại những chương đầu của sách Sáng Thế, ta thấy hôn nhân xuất hiện từ đầu của buổi bình minh sáng tạo. Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ theo hình ảnh của Người, cho họ được tham dự vào khả năng yêu thương của Người[8].
Chính Người đã tác hợp để họ trở nên một.
Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: ‘Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.’ Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.[9]
Như vậy, chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân.[10] Thế nên, hôn nhân không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên hay của các năng lực tự nhiên, vô ý thức tạo thành. Nhưng đó là một tổ chức khôn ngoan của Tạo Hóa để thực hiện ý định tình yêu của Ngài trong nhân loại.[11]
Quả thế, Hôn nhân là ý định của Thiên Chúa nên trước lời chất vấn của nhóm Pharisêu về vấn đề ly dị thì Đức Giêsu đã khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”.[12]
Như vậy, hôn nhân là một ơn gọi,[13] là lời mời gọi của Chúa dành cho các đôi bạn sống đời Hôn nhân gia đình. Nó được ghi khắc trong ơn gọi bẩm sinh và nền tảng của mỗi người hướng đến tình yêu. Đó là ơn gọi bởi vì ở nguồn cội của nó là một hành động vĩnh cửu tiền định cho ta nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần hoạt động trong mầu nhiệm ơn gọi hôn nhân này nhằm giúp hai người được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô theo đặc sủng tình yêu phu thê.[14]
3. Quan điểm của Giáo hội trước thực trạng xã hội ngày nay
Gia đình là môi trường thuận tiện để vun đắp và làm tăng trưởng tình yêu, là ngôi trường dạy yêu thương. Thế nhưng, xã hội tục hóa ngày nay đang dần đánh mất ý nghĩa cao đẹp của tình yêu hôn nhân. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định rằng: “Tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe dọa bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần dần.”
Vâng, một xã hội mà người ta tôn thờ chủ nghĩa tự do và hưởng thụ, sẽ đưa đến một thảm kịch thật đau thương: tự do yêu đương, tự do luyến ái, khiến các bạn trẻ dễ dàng “sống thử” trước hôn nhân; và rồi họ trốn tránh trách nhiệm bằng phương thế nạo phá thai. Tệ hơn nữa, người ta đồng hóa tình dục với tình yêu, hoặc tách biệt tình dục ra khỏi tình yêu, dẫn đến tình trạng mại dâm,…


Thực trạng về việc sống thử
Nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng, sống thử như là một nhu cầu của cuộc sống, nhu cầu về tình dục khi xã hội đã thoáng hơn trong quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nhiều bạn trẻ thích được sống hết mình vì tình yêu tạm bợ, muốn có được sự trải nghiệm cuộc sống trước hôn nhân. Họ dám nghĩ, dám làm, thể hiện phong cách cá nhân để theo kịp trào lưu xã hội hôm nay. Một số cho rằng, sống thử là cơ hội tốt để hiểu thêm về đối phương, để biết được có phù hợp hay không, có thể thích nghi được với cuộc sống hôn nhân sau này hay không? Một số theo quan niệm truyền thống thì không ủng hộ ý kiến này, tuy nhiên số này là khá ít. Xét về mặt khách quan thì cái gì cũng có hai mặt của nó. Vấn đề sống thử hiện nay cũng ít gây tranh cãi hơn trước tuy nhiên nó cũng là vấn đề để ngỏ.
Giáo hội không đồng tình với quan điểm của các bạn trẻ sống thử trước Hôn nhân vì Giáo hội muốn bảo vệ tình yêu. Người ta không thể cho ai món quà nào cao quý hơn là chính bản thân mình. “Tôi yêu anh, tôi yêu em” có nghĩa là: “Tôi chỉ muốn anh, tôi chỉ muốn em. Tôi muốn tất cả anh, tôi muốn tất cả em. Tôi muốn anh, tôi muốn em mãi mãi”. Vì thế ta không thể nói: tôi chỉ yêu tạm thời, tôi chỉ yêu thử, tôi chỉ yêu thân xác thôi.[15]
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng: “Người ta không thể sống thử hoặc chết thử. Người ta không thể yêu thử hoặc lấy một người khác để thử trong một thời gian”.[16] Ngài còn cho biết:
Kinh nghiệm cho thấy rằng, quan hệ tình dục trước hôn nhân, làm cho sự lựa chọn được một bạn đời tốt đẹp càng thêm phức tạp và không dễ dàng. Muốn chuẩn bị để có một cuộc hôn phối tốt, phải huấn luyện và củng cố tư cách của bạn. Cũng nên chứng tỏ nghĩa cử yêu thương âu yếm dịu dàng phù hợp với thời gian tập sự để nối kết tình bạn. Nếu bạn biết chờ đợi và đừng vội quan hệ tình dục lúc này, thì về sau sẽ dễ dàng hơn cho bạn để có những quan tâm đối xử và âu yếm tốt đẹp đối với người bạn đời của mình.[17]
Vấn nạn nạo phá thai
Giữa một xã hội tôn thờ chủ nghĩa hưởng thụ và lạc thú, nhiều bạn trẻ chỉ nghĩ đến mình. Điều này khiến con người đánh mất ý nghĩa cao đẹp của tình yêu, họ chỉ tìm thỏa mãn chính mình mà không mở ra sự sống mới, như thế là người ta đang đi ngược với bản chất của tình yêu và mục đích của hôn nhân. Theo C. S. Lewis, “Niềm vui sướng trong tình yêu không phải tự nó là cùng đích. Khi sự vui sướng của lứa đôi khép kín nơi chính mình mà không mở ra cho một sự sống mới phải xuất phát tự nó thì vui sướng đó không phù hợp với bản chất của tình yêu”.
Chủ nghĩa hưởng thụ và trào lưu xã hội đã làm cho người ta dễ dàng thoái thác trách nhiệm, thế nên tỷ lệ nạo phá thai ngày càng cao mà lý do là người ta thường quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân.
Giáo hội dạy rằng con cái là thụ tạo, là quà tặng của Thiên Chúa, chúng ra đời qua tình yêu của ba mẹ chúng. Mà tình yêu chân thật không phải đôi bạn khép kín vào chính mình[18]. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: Tình yêu bao giờ cũng đem lại sự sống. Tình yêu vợ chồng “không kết thúc với đôi bạn… Đôi bạn trong việc trao hiến mình cho nhau, không chỉ hiến mình mà còn đem lại thực tại của con cái, là những phản ánh sống động của tình yêu.[19]
Trong tình yêu đôi bạn, tình dục chiếm một vị trí quan trọng. Quả vậy, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ để họ giúp nhau và yêu thương nhau. Chúa đặt trong họ ước muốn tính dục và khả năng hưởng thú vui thể xác.[20] Như vậy, tình dục không phải là điều xấu, bởi tình dục có chỗ đứng rất ý nghĩa trong tình yêu. Thế nên, Giáo hội mời gọi con người không được tách rời tình dục với tình yêu. Bởi lẽ, tình dục đòi một tình yêu chân thành và đáng tin cậy.[21]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích rằng:
Nhờ tình dục, người nam người nữ trao hiến cho nhau qua những hành vi riêng biệt, độc quyền trong hôn nhân, không chỉ coi đó chỉ thuần túy là sinh lý, nhưng liên quan đến cái gì sâu xa nhất của con người. Điều đó phải được hiểu như là thành phần toàn vẹn của tình yêu mà hai người trao nhau đến chết. Những hành vi thể lý được coi như là lừa dối nhau, nếu nó không phải là kết quả của hoàn toàn tận hiến cho nhau. Cho nên khi tách biệt tình yêu khỏi tình dục để chỉ tìm thỏa mãn thú vui là phá hủy ý nghĩa của việc kết hợp giữa nam và nữ. Một khi chỉ tìm thỏa mãn tình dục là lừa dối, vì như thế sự kết hợp thân xác không đi đôi với việc kết hợp tâm hồn. Không coi trọng ngôn ngữ của thân xác là gây thiệt hại cho cả xác lẫn hồn; tình dục mất đi giá trị của con người, và thoái hóa thành phương tiện chơi bời khiến người kia chỉ còn là đồ vật. Chỉ khi dấn thân vào một tình yêu trọn đời thì tình dục mới mang lại hạnh phúc đời đời.[22]
KẾT
Gia đình là tế bào của xã hội. Thân thể chỉ khỏe mạnh khi từng tế bào khỏe mạnh. Để có những gia đình ấm êm, hạnh phúc thì việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân là điều rất quan trọng và cấp bách. Vì thế, các bạn trẻ cần chuẩn bị chu đáo để bước vào đời sống hôn nhân.[23] Việc chuẩn bị chu đáo không những đem lại ích lợi cho chính đôi bạn mà còn đem lại ích lợi cho cả xã hội và Giáo hội nữa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi:
Các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ. Đối với cộng đoàn Kitô hữu: những người kết hôn là “một nguồn tài nguyên quý giá vì, trong khi chân thành dấn thân lớn lên trong tình yêu và tự hiến cho nhau, họ có thể góp phần đổi mới chính tấm áo dệt nên toàn bộ thân thể Hội thánh.[24]
Vì thế, để chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình, điều đầu tiên là giúp họ hiểu ý nghĩa của tình yêu Hôn nhân; kế đến là giúp các bạn hiểu ý định của Thiên Chúa đối với tình yêu hôn nhân, để họ thấy hôn nhân là một ơn gọi và nỗ lực hết mình chu toàn sứ mạng trong ơn gọi của mình.
Những trào lưu của xã hội tục hóa ngày nay đã làm cho các bạn trẻ có cái nhìn lệch lạc về tình yêu và tình dục, đưa đến những quan niệm và cách sống phóng túng của nhiều bạn trẻ. Trước bối cảnh đó, đồng hành với các bạn trẻ là điều khẩn thiết và cấp bách. Sự hướng dẫn chỉ bảo của các vị hữu trách cũng như mỗi chúng ta, giúp các bạn trẻ bước đi trong đường lối của Chúa và đạt tới cuộc sống an bình, hạnh phúc trong tình Chúa, tình người.



[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình Yêu, số 206.
[2] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa, năm 2016, số 5.
[3] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio - Nhiệm vụ gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay, số 66.
[4] Xc. St 1, 18-25.
[5]Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2346.
[6] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 2360-2361, 2397-2398; Youcat, số 416.
[7] Trích lại trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tâm Thư gửi các gia đình Công giáo, năm 2016, số 08.
[8] Xc. St 1, 26-28
[9] St 2, 18-25.
[10] Xc. Vat II., Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 48.
[11] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae - Sự sống con người, số 9.
[12] Mt 19, 6.
[13] Xc. 1Cr 7,7.17.
[14] http://hdgmvietnam.org/goi-y-muc-vu-nam-2017-chuan-bi-cho-nguoi-tre-buoc-vao-doi-song-hon-nhan/8320.36.17.aspx.
[15] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 2350-2391, Youcat, số 407.
[16] Trích lại từ Youcat, trang 292.
[17] Ibid, trang 296.
[18] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 368 và số 372.
[19] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, số 165.
[20] Xc. GLHTCG, các số 2331-2335, 2392. Youcat, số 400
[21] Ibid, số 2337
[22] Youcat, trang 292-293
[23] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa, năm 2016, số 5.
[24] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình Yêu, số 207.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn