Đức Tuân Phục Trong Đời Sống Tu Trì

    Vâng phục cũng là cách diễn tả tự do;
     không có tự do,
     sẽ không có vâng phục, cũng chẳng có tình yêu.

Phêrô Nguyễn Hữu Trường,
Tu Hội Gioan Tiền Sứ


DẪN NHẬP
Nhìn lại dòng lịch sử, ta thấy đời sống tu trì đã có từ rất lâu, mang nhiều sắc thái độc đáo và phong phú. Người sống đời thánh hiến chấp nhận từ bỏ cái tôi từng ngày để khuôn đúc mình giống Thầy chí Thánh bằng việc lắng nghe, tuân phục tự nguyện quyền bính hay qui chế.

Công đồng Vatican II, trong sắc lệnh Perfectae caritatis cho rằng: “Nhờ giữ lời khấn vâng phục, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn” .[1] Quả thật, Công đồng đã nhìn nhận đức vâng phục có một chỗ đứng quan trọng, nhất là được đồng hóa và kết hợp với ý muốn cứu độ của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, lời khấn vâng phục ngày nay đang đặt ra cho người tu sĩ rất nhiều khó khăn. Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ III, con người thời nay đề cao hết sức chủ nghĩa tự do, tự do phóng khoáng quá mức. Họ cho rằng lời khấn vâng phục là cổ hủ, áp đặt, bóp nghẹt óc sáng tạo và thăng tiến của con người. Với tư cách là các tu sĩ trẻ, chúng ta nghĩ sao? Sẽ làm gì để cho thế giới hôm nay nhận ra rằng khi đề cao quá đáng chủ nghĩa tự do hay không nhìn nhận các lời khuyên Phúc âm là bị vong thân? Đứng trước những vấn nạn ấy, chúng ta hãy nhìn lại ý nghĩa đích thật của đời tu và những lời khuyên nhất là đức vâng phục trong đời tu hôm nay.
I.   Quan niệm về vâng phục trong dòng lịch sử đời tu
 Theo dòng lịch sử của đời tu ta thấy có nhiều quan điểm khác nhau theo từng thời kỳ của lịch sử. Thời khai sinh dòng tu các ẩn sĩ tiên khởi chủ tâm đến việc vâng phục Thiên ý: "Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?". Tuy nhiên, trong tiến trình tu hành, mỗi ẩn sĩ thường xin thọ giáo với một tôn sư nào đó. Dần dần vâng lời mang dáng vẻ tu đức: Người môn sinh không chỉ tiếp thu kiến thức trìu tượng, mà còn phải thực hành lời giảng dạy và mô phỏng nếp sống của thầy. Chính trong viễn tượng tu luyện này, một vài tôn sư không ngại ra những bài tập "khác thường" để rèn luyện thái độ khiêm tốn, tự hạ và vâng phục của môn sinh.
Khi các cộng đoàn đan sĩ xuất hiện thì vâng phục không phải chỉ được nhìn dưới khía cạnh tu đức mà còn mang theo chiều kích tổ chức xã hội. Thật vậy, mỗi cộng đoàn đòi hỏi một cơ cấu tổ chức và trận tự tối thiểu nào đó. Chính vì vậy vai trò người phụ trách được đề cao. Tuy nhiên, mỗi truyền thống tu trì đã giải thích vai trò này theo quan niệm và cái nhìn rất khác biệt.
Thánh Pacômiô, đề cao chiều kích cộng đoàn của đức vâng phục và sứ vụ cùng kiếm tìm ý định của Thiên Chúa. Theo Thánh nhân, chính Thiên Chúa là vị lãnh đạo cộng đoàn, chữ không phải là đan viện phụ. Vâng phục được quan niệm như cố gắng chung để tìm và thực hiện chương trình của Chúa[2].
Bên cạnh đó vâng phục còn có mối tương quan với bác ái. Khía cạnh này đã được khai triển đặc biệt với các Thánh Basile, Augustinô, Phanxicô, và Thánh Đaminh. Trong những cộng đoàn đó, các nhóm nhỏ được tụ tập lại – cho nên có từ Conventus – để cùng nhau sống đời sống Tin Mừng. Họ bắt đầu nói về tình anh em. Họ nhấn mạnh đến tuân phục “Hỗ tương giữa những con người bình đẳng” điều này liên quan mật thiết với sự liên đới và đức ái. Trong bối cảnh này, thì quyền bính coi như việc phục vụ. Còn trong truyền thống Biển Đức thì tuân phục được trình bày như một thái độ đức tin, tức là lắng nghe lời Chúa. Sau cùng, đức tuân phục được liên kết với sứ vụ tông đồ khải niệm mới mẻ này đặc biệt được Thánh Inhaxiô áp dụng cho dòng Tên[3].
1. Vâng phục là lắng nghe
“Con hỡi, hãy lắng nghe” (Cn 1,8). Vâng phục là thái độ một người con lắng nghe cha mẹ mình. Đây là một cách lắng nghe đầy tin tưởng. Cũng vậy khi chúng ta đặt mình vào niềm tin tưởng trong kể hoạch mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta bằng một tình thương của người Cha. Thì vâng phục là cách duy nhất mà con người, hữu thể tư do có thể có khuynh hưởng phát huy hết năng lực bản thân. Khi con người nói “không” với Thiên Chúa, con người đó làm tôn thương kế hoạch của Người. Vâng phục là con đường tăng trưởng và là con đường tự do cho con người; tự do tự nó cũng là một con đường vâng phục, bởi vì đó là vâng phục kể hoạch của Cha, theo cách giống trẻ thơ, mà người tín hữu hoàn thành sự tự do của mình. Vâng phục như thế đòi hỏi con người nhìn nhận chính mình như con cái và vui thích được như vậy, vì chỉ như người con mới có thể tư do đặt mình trong bày tay của Cha; giống hệt như Đức Giêsu, Người Con, Đấng đã phó mình cho Chúa Cha.[4]
Vâng phục là lắng nghe Đấng mà người ta phải lắng nghe, trong đức tuân phục thánh hiến, là chính Thiên Chúa, Đấng nói với con người qua trung gian của thứ quyền bính nội tâm mà mỗi người đều có, song cũng qua cộng đoàn và qua đặc sủng, tầm nhìn và những quyết định của mỗi hội dòng.[5]
Sự vâng phục của tu sĩ hơn hẳn việc vâng phục một bề trên, hơn hẳn việc giữ luật hoặc hiến pháp hoặc làm những gì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó đòi hỏi ta. Nghĩa là vâng phục là sự lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn kêu gọi ta, khi để mình nghe được tiếng của Ngài trong hoàn cảnh của ta. Thánh Phanxicô quyết trở nên một đầy tớ vâng phục của mọi thụ tạo. Khi nói thế, ngài cho thấy cách ngài trông thấy Thiên Chúa trong mọi thụ tạo: các sinh vật, con người và cả vị bề trên tồi tệ phục vụ vị Thiên Chúa ấy. Một khả năng đòi hỏi việc bỏ mình cách triệt để và một sự tập trung mạnh vào Đấng hiện diện trong mọi sự. Khi ấy, vâng phục không chỉ ám chỉ đến những bề dưới mà còn và nhất là ám chỉ tới các bề trên, là những người buộc phải vâng phục nhất, lắng nghe Thiên Chúa Đấng cũng có thể tỏ mình trong cuộc sống, trong những ước vọng, khát vọng và tài năng của bề dưới. Vâng phục cũng là cách diễn tả tự do; không có tự do, sẽ không có vâng phục cũng chẳng có tình yêu. Tôi không vâng phục chỉ vì luật đòi hỏi hay vì bạn muốn tôi vâng phục mà vì tự tôi, tôi chọn vâng phục: “Vì tôi chọn, nên tôi vâng phục mệnh lệnh của bạn”. Tôi quyết định vâng phục như thế vì tôi hiểu rằng không gì có thể tách tôi ra khỏi Thiên Chúa Đấng đang được thể hiện trong mọi sự.[6]
Vâng phục nằm trong tự do khiến tôi sẵn sàng thực hiện ý của người khác và tự mình quyết định vâng phục như thế vì Thiên Chúa chứ không phải vì bề trên. Như thế, vâng phục đồng nghĩa với sự tư do thuần túy được hiểu như việc làm chủ mình cách trọn vẹn. Và như thế, vâng phục là quyết định tư do lớn nhất người ta làm vì Thiên Chúa và không ngừng tìm kiếm lắng nghe Thiên Chúa trong những bổn phận có tính cộng đoàn của cuộc sống tôi.
2. Vâng phục là sự từ bỏ
Thánh Gioan Climacus nêu lên đòi hỏi từ bỏ hoàn toàn. Ngoài hai việc từ bỏ mọi sự và tất cả những người thân, Ngài thêm từ bỏ chính quyền định đoạt của mình. Ở Ai-cập khi đời sống ẩn dật bắt đầu vào khuôn khổ, đòi hỏi đầu tiên nơi một người muốn nhập tu, là sự tòng phục dưới sự dạy bảo của một vị linh hướng. Dần dần lối sống từ bỏ ý mình để vâng theo lời linh hướng được ca ngợi.[7]
Còn Thánh Basiliô, cũng đề cao tính cộng đoàn của đức vâng phục. Mục đích của đức vâng phục là sự từ bỏ con người cũ và những kể hoạch của riêng mình ngõ hầu thanh thán bước theo Đức Kitô. Thánh nhân quan niệm bề trên như “con mắt” chứ không phải là “đầu” của cộng đoàn. Chính Đức Kitô mới đích thực là đầu của cộng đoàn. Các bề trên chỉ có nhiệm vụ giúp cộng đoàn nhận định đúng đắn chương trình của Thiên Chúa và hướng dẫn cộng đoàn thực hiện chương trình đó. Nói khác đi, linh đạo Basiliô đặt vâng lời trong chiều hướng kiến tạo hiệp thông trong cộng đoàn và viện phụ được quan niệm như nhân tố quan trọng để xây dựng sự hiệp thông đó.[8]
Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu Perfectae Caritatis nhắc tu sĩ ghi nhớ rằng nhờ khấn giữ đức vâng phục, các tu sĩ tận hiến dâng lên Thiên Chúa việc từ bỏ ý riêng mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa[9]. Chính Đức Kitô cũng đề nghị những ai muốn theo Người thì hãy từ bỏ ý riêng: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo.” (Xc. Mt 16,24). Đây là một sự từ bỏ triệt để, gắn liền với thập giá cho đến chết.
Đức tuân phục của các môn đệ là con đường đi tới thập giá và cái chết cứu độ. Từ bỏ không phải là mục tiêu sau cùng của đức tuân phục, nhưng là một điều kiện để làm môn đệ, là con đường dẫn tới giải phóng chung cuộc. Khía cạnh này của tuân phục Tin Mừng đã được diễn tả trong nghịch lý: “Ai muốn cứu mạng sồng mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Xc. Mt 26, 25-26). Từ bỏ không thể có ý nghĩa trừ phi nó liên quan đến sự sống. Đằng sau những nghịch lý này, có hai cấp độ đánh dấu con đường hoán cải Kitô giáo: Từ vương quốc tội lỗi đi vào vương quốc Thiên Chúa. Một sự sống tự khép kín là đường dẫn tới cái chết, nhưng việc chết cho tội lỗi con người lại là đường dẫn tới sự sống trong Nước Trời.
Từ bỏ trong ánh sáng ơn gọi thì rõ ràng qui chiếu đến việc từ bỏ chung của các môn đệ về sở hữu, nghề nghiệp, gia đình (Xc. Mt 4, 22). Đời sống trần thế đầy những sở hữu, những quyền lợi, mà chúng ta mải miết đi tìm, và chúng khép kín, giam hãm trong chân trời thế gian. Đó là lý do những ai coi lời khấn tuân phục như một lời khấn tổng hợp, vốn bao gồm hai lời khấn kia và các điều kiện khác để đi theo Đức Giêsu[10].
3. Vâng phục được hiểu như liên hệ đến đức ái
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8), và đạo của Ngài là Đạo Tình Yêu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau (Ga 13,35). Tất cả mọi lề luật, mọi nhân đức, mọi nghi thức, hay tiếng lương tâm… đều chỉ qui về một mối là Tình Yêu. Cốt tủy của Đức Vâng Phục là thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Mà Thánh Ý của Thiên Chúa cuối cùng cũng chỉ là làm sao để Tình Yêu được thể hiện nơi con người, trong bản thân mỗi người, trong gia đình, trong xã hội, trong Giáo hội. Vì thế, cái làm cho hành vi vâng phục trở thành nhân đức cũng là Đức Ái, là tình yêu thương thực sự. Hành vi vâng lời nào phản lại yêu thương thì không phải là nhân đức.
Cũng trong tinh thần ấy, Thánh Âu Tinh nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Nghĩa là: hễ hành động do tình yêu sáng suốt thúc đẩy, thì sẽ luôn luôn hợp với Thánh Ý Thiên Chúa, cho dù hành động đó đôi khi không phù hợp với lề luật hay lệnh truyền của bề trên. Do đó, không phải cứ tuân hành lề luật cho tốt, cứ nhắm mắt làm theo lệnh bề trên là luôn luôn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Tình Yêu vẫn là yếu tố tối quan trọng để làm cho một hành động có giá trị trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Cho dù tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có Tình Yêu, thì chẳng ích lợi gì cho tôi (Xc.1 Cr 13,3). Tương tự như vậy, cho dù tôi có giữ luật từng ly từng chút như các kinh sư Dothái xưa, có luôn luôn tuân hành bề trên một cách tuyệt đối đi nữa, nếu không có Tình Yêu, thì những hành động ấy chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa. Như Đức Giêsu đã trưng dẫn lời của ngôn sứ Hôsê: “Ta muốn Tình Yêu chứ đâu muốn lễ tế (Xc. Mt 12,7/ Hs 6,6). Do đó, vâng phục chỉ thực sự là nhân đức khi có tình yêu bên trong.
II. Đức vâng phục trước và sau Công đồng vaticanô II
1. Trước Vaticanô II
Kiểu mẫu đời tu truyền thống, quyền bính từ trên xuống nghĩa là theo chiều dọc Thiên Chúa phán bề trên nghe, bề trên phán bề dưới nghe.[11] Người ta hầu như chỉ chủ trọng đến đấng bề trên. Chỉ có đấng bề trên là được ơn Thánh Linh soi sáng. Do đó, chỉ có đấng bề trên có quyền ra những quyết định, chẳng cần nghe ai, chẳng cần hỏi ý kiến hay bàn hỏi ai. Những quyết định ấy của bề trên phải được coi là biểu lộ ý Chúa. Nói cách khác “Đấng bề trên muốn gì là Chúa muốn nấy”. Do đó, bề dưới chỉ còn biết thi hành quyết định của bề trên, bởi vì “đó là ý Chúa muốn”.
Lối hiểu ấy ngầm dựa trên một giả thiết mặc nhiên là: những quyết định của bề trên vì trùng với ý Chúa, cho nên phải luôn luôn đúng, không bao giờ sai lầm. Từ đó người ta đòi hỏi bề dưới phải tuyệt đối vâng phục, một thứ vâng phục có thể nói là mù quáng.[12]
Kỷ luật là khía cạnh đặc biệt của hầu hết những cộng đoàn tu. Động lực thiêng liêng và thần bí không hoàn toàn vắng bóng, những quyền lực pháp lý và kỷ luật lại là những nguồn cội rõ ràng buộc người ta phải tuân phục.
Kiểu mẫu truyền thống cũng nhấn mạnh đến chiều kích cá nhân vâng lời. Cá nhân của vị bề trên có được nét cao cả uy nghiêm nhờ tình trạng pháp lý là làm bề trên. Tất cả chúng ta từng nghe sự nổi bật cá nhân như vậy đã dẫn đến việc lạm dụng trong khi thi hành quyền bính.
Tuân phục được đặt vào tương quan cá nhân của bề trên và thuộc nhân. Vì thế tính trung thực định chế có một tầm quan trọng đặc biệt. Những điều này là tiêu chuẩn sau cùng cho việc thực thi quyền bính và thực hành tuân phục. Còn sự hiệp nhất hội dòng và cộng đoàn được đặt trên nền tảng một số qui tắc kỷ luật tác động qua lại, được áp đặt như chuẩn mực và được chấp nhận không tranh cãi. Việc huấn luyện theo kiểu mẫu tuân phục như vậy đã là một trong những mục tiêu cơ bản trong chương trình đào tạo. Không có yêu cầu đối thoại, vấn đề nhân quyền cũng chẳng đi vào đời tu. Việc thực thi quyền bính và thực hành tuân phục được duy trì trong một môi trường có trật tự, an bình và hài hòa.[13]
2. Sau Vaticanô II
Việc cải tổ hậu Công đồng đã làm giảm nhẹ những khía cạnh pháp lý và kỷ luật, và cố nhấn mạnh đến chiều kích thần học; mở rộng những chân trời tuân phục theo hướng cá nhân và định chế đó, như vậy đã đưa đức tuân phục trở về chiều kích sứ vụ và cộng đoàn.[14] Nhắc lại những qui chiếu Thánh Kinh cổ điển về ơn gọi, thần học đời tu đã xác định lại đức tuân phục trong mối tương quan với sứ vụ và cũng nhấn mạnh đức ái trong cộng đoàn (GS. Số 23),[15] Đức Giêsu đã xuống thế để trở nên người phục vụ, và làm giá chuộc cho muôn người. Vì thế, mọi người đều nhận ra ý Chúa bề trên và bề dưới cũng lãnh nhận cùng một nguồn ơn.
Thánh Linh nói với mọi người và qua mọi người; mọi người đều liên đới và đồng trách nhiệm về sứ mạng, theo mức độ riêng của mỗi người. Do đó mọi người cùng liên đới và đồng trách nhiệm về những suy nghĩ và quyết định có ảnh hưởng chung. Vì thế trong một dòng tu cũng cần có một số người được trao cho quyền bính để phục vụ, và số người này có quyền có tiếng nói cuối cùng về những quyết định. Khi vị bề trên truyền nhân danh đức vâng lời, thì đòi hỏi vị bền trên phải có sự biện phân chín chắn; nghĩa là phải để cho Thánh Linh soi sáng, chứ không phải hướng ý người khác chấp nhận những quyết định có sẵn của mình.
Trong kiểu mẫu đời tu tự do nhấn mạnh hai yếu tố trong việc thi hành quyền bính và tuân phục. Thứ nhất, nó tôn trọng nhân quyền những cá nhân. Tuân phục không thể trở thành một cách phủ nhận hay xóa bỏ con người. Cảm nghiệm Kitô giáo và đời tu đã được kêu gọi để trở thành cơ hội giúp con người tự thể hiện và được lớn lên. Các tu sĩ nam nữ không phải là đồ vật thuần túy để đem ra sử dụng theo lợi ích của định chế hay theo ý của bề trên. Mỗi thuộc nhân là một chủ thể có lý luận, có thể đối thoại và tự quyết định. Lương tâm là một tiêu chuẩn không thể chối cãi cho hành động cá nhân. Và đức tuân phục đời tu cũng không miễn chuẩn cho con người khỏi phải hoạt động theo lương tâm. Thứ hai, kiểu mẫu tư do đã duy nhập việc đối thoại và phân biệt tập thể. Văn hóa dân chủ đã có âm vang trong đời tu. Đối ngược lại “Tuân phục mù quáng”, giờ đây chúng ta ủng hộ “tuân phục đối thoại”.[16]

III. Chiều kích Thánh kinh
         & ý nghĩa thần học của đức vâng phục
1.   Chiều kích Thánh Kinh
Những lời khuyên Phúc âm đều đặt nền tảng trên lời nói cùng gương lành của Chúa đã được các Tông đồ và các Giáo phụ các tiến sĩ và các chủ chăn Giáo hội khuyên giữ. Các lời khuyên ấy là ân huệ Thần Linh mà Giáo hội đã nhận lãnh bởi Chúa mình và trung thành gìn giữ nhờ ơn Người. Theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, chính Giáo quyền ân cần giải thích các lời khuyên của Phúc âm, hướng dẫn cách thực hành, cũng thiết lập những lối sống cố định dự trên những lời khuyên ấy (GE. số 43).[17]
Các lời khuyên Phúc âm còn được đặt trong tương quan với Ba Ngôi cực thánh. Quả thật các lời khuyên này biểu lộ tình yêu dành cho Chúa Cha nhờ Chúa Con trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Trong khi thực hành những lời khuyên này, người được thánh hiến sống một cách hết sức tích cực đặc tính Ba Ngôi và đặc tính Ki-tô là dấu ấn của cả đời sống Kitô giáo.
Đức vâng phục, thực thi theo gương Chúa Giêsu, Đấng lấy việc thi hành ý muốn của Chúa Cha làm lương thực cho mình (Xc. Ga 4, 34), biểu lộ vẻ đẹp thanh thoát của sự lệ thuộc đầy tình con thảo chứ không phải nô lệ, đầy ý thức trách nhiệm và được lòng tin cậy lẫn nhau thúc đẩy, phản ánh cho mọi người về mối dây liên hệ trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.
Vì vậy, đời thánh hiến được mời gọi sống những lời khuyên Phúc âm bằng một tình yêu ngày càng chân thành hơn, mãnh liệt hơn trong chiều kích Ba Ngôi: Tình yêu của Chúa Kitô mời gọi ta sống thân mật với Người; tình yêu của Chúa Thánh Thần giúp ta chuẩn bị đón nhận những linh hứng của Người; tình yêu của Chúa Cha nguyên ủy và mục tiêu tối thượng của đời thánh hiến. Như thế đời sống thánh hiến trở nên lời tuyên xưng và dấu chỉ về Ba Ngôi, mà mầu nhiệm được bày tỏ cho Giáo hội như gương mẫu và nguồn mạch của mọi hình thức đời sống Kitô giáo.
Đời sống huynh đệ, đời sống của những người được thánh hiến cũng cố gắng sống trong Chúa Kitô với “Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn” (Xc. Cv 4, 32), biểu hiện như một sự tuyên xưng Chúa Cha, Đấng muốn làm cho mọi người nên một gia đình duy nhất; đời sống huynh đệ tuy xưng Chúa Con nhập thể, Đấng quy tụ trong mọi sự duy nhất những kẻ được cứu chuộc, chỉ dẫn những đường ngay nẻo chính bằng gương lành, kinh nguyện, giáo huấn và nhất là bằng cái chết của Người, là nguồn mạch của sự hòa giải những người chia rẻ và tản mác; đời sống huynh đệ tuyên xưng Chúa Thánh Thần như nguyên lý duy nhất trong Giáo hội, nơi Người không ngừng khơi dậy nhiều gia đình đạo đức và nhiều cộng đoàn huynh đệ[18].
1.1. Cựu Ước
Ở trong Thánh kinh, đạo đức là tùng phục, là kết hợp nhân vị con người vào trong Thiên Chúa, là vâng phục Thiên Chúa đã mặc khải ý chí của Người ra. Lý tưởng không phải là anh hùng, nhưng là thánh thiện, tức là vâng phục ý Chúa cho đến chết; và ý Chúa lại không luôn luôn như đòi hỏi của con người và như định đề của lý trí ở nơi họ, đến nỗi khôn ngoan theo Thánh Kinh có thể là ngu dại theo các tư tưởng khác (Xc. Gv 7,1-29; 1Cr 3, 16-23).
Luật pháp mà Israel vâng phục không phải là luật của lý trí như Hylạp, như là lời Chúa. Người Dothái cũng phải giữ luật thiên nhiên, nhưng ở nơi họ, chính Chúa đã tuyên bố những luật ấy; đó là những mệnh lệnh của Chúa chứ không phải của loài người.
Tất cả bộ luật Dothái, chẳng kỳ là luật đạo đức hay luật phụng vụ, đều bởi Chúa. Trong Thánh kinh, luật tự nhiên là luật ở Sinai, đến nỗi người Dothái không phân biệt luật tự nhiên và luật kiết định. Hết thảy đều là luật Chúa; nguyên khởi và tột đỉnh của sự toàn hảo là lòng kính sợ Thiên Chúa, là sự vâng phục luật Ngài.
Sách Macabê quyển thứ II kể lại một thí dụ điển hình về nền đạo đức này. Cụ già Eléazar cùng bảy anh em đã chết, không phải trung thành với luật tự nhiên nhưng vì trung thành với luật Chúa, vì một điều cấm kỵ, thuần túy chỉ có tính cách phụng vụ: họ không chịu ăn thịt heo. Nhà vua Hy-lạp bỡ ngỡ thấy họ cố chấp từ chối một hành vi mà lý trí thấy chẳng có gì đáng trách. Nhưng họ đã chết vì trung thành với ý Chúa.
Lịch sử Dothái trình bày những kiểu mẫu tuân phục độc đáo. Abraham, cha của những người tin, đã nên công chính nhờ đức tin. Sự tuân phục của ông bảo đảm việc chúc phúc: “Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi ngươi đã vâng lời Ta.” (St 22,18).
1.2. Tân Ước
Trong Cựu Ước dân Chúa đã vâng phục Thiên Chúa nhờ những lề luật và giao ước; còn Tân Ước Thiên Chúa đã tuyên bố luật mới ở trong sự chết và vinh hiến của Con Ngài, xưa kia Thiên Chúa đã ký giao ước cũ ở núi Sinai với dân Người. Qua Tân Ước Thiên Chúa cũng ký giao ước đó trong cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Ngài là bia mà Thiên Chúa đã viết ý muốn của mình lên trên “Các ngươi hãy nghe lời Người”, đây chính là luật của Tân Ước[19].
Đức Giêsu thường được Thánh Gioan giới thiệu như kiểu mẫu của vâng phục. Ngài đến trần gian thi hành thánh ý của Chúa Cha. Chính Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4, 34).
Thánh Phaolô cũng giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của một Đức Giêsu “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên ây thập tự” (Pl 2,8). Thư gởi tín hữu Dothái cũng chung quan điểm:“Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Dt 6, 8-9).[20] Người cũng sống vâng phục khi phải đối diện với chén khó uống. Trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại ba lần những lời sau đây: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.” (Lc 22,42/ Ga 12, 27-28/ Mt 6,10).
Đây là khía cạnh gây ấn tượng sâu sắc của sự vâng phục của Người Con được bao trùm trong một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ có thể thấu hiểu hoàn toàn được, nhưng đối với chúng ta thì lại rất thích đáng, vì nó mở ra cho chúng ta hơn cả tính chất làm con của sự vâng phục Kitô giáo: Chỉ người con mới cảm được mình được Cha yêu và yêu Cha bằng toàn thể con người, chỉ người con mới có thể đạt tới loại vâng phục triệt để này.
Về điểm này Sắc Lệnh Về Đời Sống Linh Mục viết: Nhờ tự ý khiêm nhường và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm mà các linh mục nên giống Chúa Kitô, Đấng “Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết” (Pl 2, 7-9). Nhờ sự vâng phục này, Người đã chiến thắng và chuộc lại sự bất phục tùng của Ađam, như Thánh Phaolô đã minh chứng: “Vì một người không vâng phục mà muôn người hóa thành tội nhân, thì cũng thế, vì một Đấng phục tùng mà nhiều người được trở nên công chính.” (Rm 5, 19).[21]
Đức tuân phục cũng được thể hiện rõ nơi Đức Maria; chính lời đáp trả “Xin vâng” đã khẳng định vai trò của Đức Maria đối với Giáo hội và toàn thể loài người rất quan trọng. Mẹ biết lắng nghe, suy tư và lưu tâm đến hạnh phúc của tha nhân, tìm ra lời thích hợp cho từng cảnh huống (tiệc cưới Cana). “Mẹ đã cộng tác một cách hoàn toàn độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Thế, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diên ân sủng, Mẹ là mẹ chúng ta” [22].
Vì thế, người tu sĩ phải luôn ý thức vâng phục không phải là sự sỉ nhục nhưng là sự thật trên đó sự tròn đầy của con người được xây dựng và thể hiện. Vì thế, người tu sĩ ước mong một cách mãnh liệt hoàn thành ý muốn của Chúa Cha như một khát vọng tối thượng của bản thân. Trong việc nơi gương Đức Kitô và học nơi Người, bằng một cử chỉ của sự tư do tuyệt đối và của niềm tín thác vô điều kiện, người thánh hiến đặt ý muốn của mình trong tay Chúa Cha để làm một hy tế hoàn hảo đẹp lòng Người (Xc.Rm 12,1).[23] Chính trong ý nghĩa đó Ngài trở thành kiểu mẫu cho tất cả các Kitô hữu ở mọi thời mọi nơi. Tất cả các môn đệ của Đức Giêsu phải tuyệt đối vâng phục chương trình cứu độ của Thiên Chúa và phải sống theo Tin Mừng (Xc. Rm 10,16).
2. Ý nghĩa thn hc
2.1.  Chiều kích hướng Chúa
“Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài”(Tv 27,8) câu thánh vịnh gợi lên một khẳng định trong Cựu ước chúng ta thấy dân luôn đi tìm thánh ý của Thiên Chúa trong những biến cố họ luôn lắng nghe và thực hành ý của Thiên Chúa. Thật vậy, con người, ngay cả khi vô thức, cũng tìm kiểm thánh nhan Chúa. “Lạy Chúa, xin cho con biết đường lối của Chúa, xin dạy con lối đi của Ngài” (Tv 25,4); không ai có thể cất khỏi trái tim con người sự tìm kiếm Đấng mà Thánh Kinh nói “Ngài là tất cả” (Xc. Hc 43,27) và tìm mọi nẻo đường tiến đến Ngài[24].
Trong truyền thống Israel, Thiên Chúa chính là thần linh của dân tộc họ, Đấng đã cùng đồng hành với chi tộc hoặc dân tộc họ. Đây là kinh nghiệm căn bản của Israel về Thiên Chúa. Họ đã coi Thiên Chúa là một Đấng gần gũi, Giavê như một vị vua cai trị dân; như một Thiên Chúa Đấng tạo dựng. Các Thánh vịnh mô tả Thiên Chúa như Đấng thi hành quyền vương đế của Người trên tất cả tạo thành nhờ công việc của Người với tư cách là Đấng tạo dựng (Xc. Tv 74, 12; 93, 95-99)[25]. Vì thế, Israel luôn quy hưởng về vị Thiên Chúa gần gũi và là Đấng tạo hóa của mình. Họ luôn tưởng nhớ những gì Thiên Chúa đã làm từ việc tạo dựng đến những cuộc xuất hành từ Aicập, Babylon, ngay cả những lời hứa và vì thế Thiên Chúa của giao ước cũng là Thiên Chúa sáng tạo, vì vậy cũng là Đấng có quyền trên vũ trụ, trên Babylon và các thần của nó[26].
Thiên Chúa là tất cả, nên thụ tạo đã từ cái hư vô của mình mà được tạo nên trong hiện hữu. Con người từ hư vô mà đến, phải nhìn nhận nền tảng hư vô của mình, cái nền tảng mà từ đó Chúa đã tạo thành con người. Chính vì thế mọi tạo vật phải quy hưởng về thiên Chúa và tùy thuộc vào Đấng đã cho nó hiện hữu.[27]
Theo Israel, Thiên Chúa có dung mạo một người cha: trong sách Hôsê Thiên Chúa được ví như Người cha, Ngài dạy chúng ta biết đi, bồng chúng ta dậy khi chúng ta té ngã và áp chúng ta vào má Ngài (Xc. Hs 11, 1-4). Hình ảnh của một người cha nhân từ nâng niu con mình trong vòng tay và che chở nó trong yêu thương.
Thiên Chúa trung tín trong những lời hứa của Ngài (giao ước). Đức Chúa trung tín với lời Của Ngài. Nói cách khác, Thiên Chúa trung tín vì Ngài yêu: nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaô, vua Aicập (Đnl 7,8); song song với lời hứa là lời ban đất hứa. Đất hứa chính là diễn tả hữu hình sự phong phú của cách thế Thiên Chúa yêu con người: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sắp đưa anh em vào một miền đất tươi tốt, miền đất có những dòng nước, những mạch suối, (...) miền đất có lúa mì, lúa mạch, cây nho, cây vả (...) miền đất không thiếu thốn gì.” (Đnl 8,7-10).
Nét đặc trưng của tình yêu Thiên Chúa chính là sự nhưng không, nghĩa là không phải chúng ta tốt lành mà Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương chỉ vì Ngài muốn yêu thương. Tình yêu của Ngài không hề bị chi phối bởi bất cứ tác động nào ngoại trừ Ngài. Ngài yêu thì Ngài ban ơn. Không gì có thể mua được ân sủng của Ngài. Và cũng không có gì có thể ép được Ngài ban ơn. Tuy nhiên tính nhưng không không có nghĩa là ban vô tội vạ và không có mục đích. Sự chọn lựa dân riêng có mục đích là giao ước. Nghĩa là nhằm hưởng đến tương quan; Đấng trao ban tình thương, người đón nhận ứng đáp với tạ ơn tình yêu của Thiên Chúa mong đợi và tìm kiểm tương quan trao nhận và sự kết hợp nên một giữa Đấng tạo hóa và thụ tạo của mình. Mục đích của Thiên Chúa không gì khác hơn là đưa con người vào tương quan với Thiên Chúa và thuộc trọn về Ngài. “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữa giao ước của ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của ta” (Xc. Xh 19,6)
2.2. Chiều kích Kitô
Trong Tân Ước người ta đã tóm cuộc đời của Đức Giêsu trong hai tiếng vâng phục. suốt cuộc đời sống ở trần gian, Chúa Giêsu đã dần dần đi hết mọi cấp bậc của sự vâng phục; trọn cuộc đời của Ngài hoàn toàn vâng phục Thánh Ý của Thiên Chúa Cha.
Ngài ý thức trách nhiệm của mình có mặt trong trần gian là tìm Thánh Ý trong tinh thần vâng phục “Bấy giờ con nói này con đến... để thực thi hành ý Ngài” (Dt 10,7). Ngay từ thơ bé khi Cha Mẹ Người đem Người lên đền thờ và hai ông bà đã để lạc mất Người và khi tìm lại được Đức Giê -su đã khẳng định với Mẹ mình “Con phải ở nơi nhà Cha con” (Lc 2, 49).
Cử chỉ đầu tiên trong cuộc đời công khai của ngài cũng là một tiên báo, một biểu tượng về đức vâng phục khi bước xuống dòng sông Giođan để loan báo phép rửa bằng sự chết, Ngài đã đáp lại thái độ từ khước của vị tiền hô “Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15), ở đây, Chúa Giêsu muốn chịu phép rửa của Gioan để nhìn nhận công việc này là do Thiên Chúa như là sự chuẩn bị cuối cùng đưa vào thời đại Mêsia, và thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha.[28]
Chính Chúa Giêsu đã tóm tắt cuộc đời trần gian cùng tất cả sứ mệnh của Ngài “Vì Ta đã từ trời xuống, không phải làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 6, 38). Và hơn bằng lời nói, chính Ngài đã thực hiện việc tuân phục bằng chính cuộc tử nạn, cái chết nhục nhã trên cây thập giá để minh chứng rằng cái chết chính là một hành vi vâng lời toàn diện theo thánh ý Chúa Cha. Tặng phẩm Ngài ban chính là phục sinh Con yêu dấu.
Chính sự sống phục sinh là con dấu đã vĩnh viễn đến đóng vào sự phục sinh hoàn toàn của Đức Kitô. Ngài vĩnh viễn hóa và phong phú hóa sự vâng phục kia. Nó hiến thánh sự vâng phục ấy. Đây là sự Thiên Chúa đến đổ đầy con người đã từ bỏ bản thân, để từ nay ở nơi con người này chỉ còn có vinh quang của Thiên Chúa.
2.3. Chiều kích tu đức
Khi đời tu xuất hiện thì khía cạnh tu đức đã được bàn đến, theo sự tiến triển của Thần học. Thần học thánh hiến nhắm tới ý nghĩa đối thần; cuộc sống bắt nguồn từ Thiên Chúa như một lời mời gọi và hồng ân, hiện thực hóa Tin Mừng cách triệt để và có khả năng dẫn con người tới đỉnh cao của đức ái (Xc. Ep 4,14). Đọc lại dòng lịch sử ta thấy các Ki-tô hữu luôn nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa trên đường đạt tới thánh thiện, mặc dù mỗi tâm hồn có một quả trình riêng.[29]
Thánh Thomas giải thích thánh hiến bản thân trong đời tu là:
Nếu một người hành thiện không phải do lý trí mình thúc đẩy nhưng vì lời khuyên của kẻ khác, người đó đã làm việc thiện thật sự, nhưng làm một cách không hoàn toàn. Bởi vì tác động nhân tính chỉ hoàn toàn khi mà nó được hướng dẫn bởi chính phản đoán khôn ngoan của mình...” Thánh thomas nói thêm: “Ai cũng cần sự hướng dẫn và phải biết nghe lời vì lý trí loài người hữu hạn và bất toàn; tuy nhiên, sống theo lý trí của mình thì hoàn hảo hơn là làm theo những lời khuyên của người khác một cách máy móc”[30].
Chiều kích nhân bản: Sự trưởng thành nhân bản là điều cần thiết. Thánh Gióa hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Pastores Dabo Vobis đã khẳng định:
Sự cần thiết phải có một nền giáo dục về lòng yêu mến chân lý, sự chân thành, thái độ tôn trọng mọi người, ý thức về công bình, trung tín với lời mình nói, sự cảm thông đích thực, tính nhất quán và nhất là quân bình trong phán đoán và thái độ cư xử.[31]
Điều này cũng phù hợp với người tu sĩ trẻ. Thật vậy, nhân bản là một trong những khía cạnh huấn luyện của tiến trình huấn luyện toàn diện con người.[32] Việc đào luyện trưởng thành nhân bản trong đời tu không phải chỉ nhờ vào việc huấn luyện dựa trên chiều kích thể lý, tri thức, luân lý, tâm linh cách lý thuyết, nhưng là sự tự thân tập luyện cách trách nhiệm của từng tu sĩ, là sự tư do đáp lại lời mời gọi của lương tâm bước theo Chúa cũng như đặt giá trị đời tu trong mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Người tu sĩ trưởng thành không phải chỉ vun đắp những kiến thức lý thiết về triết học, thần học, khoa học, ngành nghề chuyên môn mà còn thực hành theo lời mời gọi của Giáo hội:
Phân định khả năng chấp nhận một đời sống có thể giúp trưởng thành nhờ di sản thiên liêng và nhờ quy tắc của một Hội dòng nhất định, và đồng hành với đời sống đó trong quá trình tiến triển cá nhân mỗi thành viên trong cộng đoàn.[33]
 Một nền huấn luyện không gượng ép hay áp đặt nhưng mở ra cho người tu sĩ một sự dấn thân tự nguyện; tự nguyện cam kết sống trung thành đặc sủng Hội dòng, tự nguyện tuân giữ những bổn phận phải nghiêm chính thực thi hằng ngày, tự nguyện tuân thủ kỷ luật, đồng thời cần mở rộng lòng để nhạy cảm và lẵng nghe những lời giáo huấn: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8). Bên cạnh đó, mối tu sĩ ý thức rèn luyện nhằm biến đối con người ở chiều sâu, để được Phúc Âm hóa và thấm nhuần các giá trị tinh thần thay vì giá trị giả tạo.[34]
Tương quan thuộc trọn về Chúa tự biến thành một cuộc sống hướng thần, tức là một cuộc sống mật thiết với Chúa được thể hiện qua việc thực hành các nhân đức tin, cậy, mến. Các nhân đức đối thần là căn bản của sự từ bỏ thiết yếu đối với đời tu; các nhân đức ấy hướng dẫn cách sống của người tu sĩ giúp họ phán đoán mọi sự dưới ánh sáng đức tin (Xc. PC 2).[35] Như vậy, vâng phục là một cách thể hiện lòng tin, cậy, mến.
Tin ở Thiên Chúa và tin ở kể hoạch tình yêu của Ngài. Bởi vì chúng ta chấp nhận kể hoạch đó và thi hành.
Trông cậy ở quyền năng của Thiên Chúa là Đấng làm cho kẻ chết sống lại, làm cho chúng ta được phục sinh với Con của Ngài. Chứ không phải là Đấng lừa dối để đưa chúng ta vào cõi chết và bỏ chúng ta ở đó.
Yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nên muốn thi hành ý Ngài: Chúng ta yêu mến anh chị em, nên muốn hiến mạng sống mình để vâng phục anh chị em trong kể hoạch của Thiên Chúa.
2.4. Chiều kích Hội thánh
Quyền bính trước tiên là một đòi hỏi của Phúc Âm (Mt 28,20;23,11; Mc 10,45; Lc 10, 16) và là một trong những yếu tính đặc trưng của Giáo hội như một xã hội phẩm trật được Chúa Kitô thiết lập (Xc. LG 3).[36]
Quyền bính trong đời tu có được sức mạnh từ Giáo hội vì Giáo hội được ban các năng quyền và phương tiện cần thiết để dẫn đưa con người đến với sự thánh thiện, giáo huấn họ trong đức tin, giúp họ sống theo đức tin, và hướng dẫn họ tiến đến chỗ hiệp nhất với Thiên Chúa (Xc. Mt 28,19). quyền bính được thông ban qua tác vụ của Giáo hội (GL điều 681)[37]. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã đóng  góp rất nhiều trong việc đánh giá  lại “Đời sống huynh đệ cộng đoàn”  và trong việc canh tân quan điểm về cộng  đoàn tu trì. Chính sự phát triển Giáo hội  học đã ảnh hưởng đến sự  tiến triển trong hiểu biết của chúng  ta về cộng đoàn tu trì hơn bất cứ  một yếu tố nào khác. Va-ti-ca-nô II  xác quyết rằng không thể nào chối  cãi được là đời tu thuộc  về sự sống và sự thánh thiện  của Giáo hội, đồng thời Công  Đồng đặt đời tu vào vị trí  trung tâm của mầu nhiệm hiệp thông và  thánh thiện của Giáo hội
Như thế, cộng đoàn tu trì tham dự  vào hình ảnh về Giáo hội được  đổi mới và đào sâu, từ  đó dẫn đến một số kết quả:
a. Từ Giáo hội - Mầu nhiệm  đến chiều kích mầu nhiệm của cộng  đoàn tu trì. Cộng đoàn tu trì không đơn thuần  là một tập hợp các Ki-tô hữu  để tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân. Sâu xa hơn nhiều, đó là sự  thông phần và là chứng tá đặc  biệt của Giáo hội mầu nhiệm, bởi vì nó là biểu hiện sống động  và là sự hoàn thành ưu việt  của “sự hiệp thông” đặc biệt,  koinonia, của Ba Ngôi cao cả ; Chúa Cha  muốn những người nam và người  nữ được dự phần vào sự  sống thông hiệp đó, trong Chúa Con và  Chúa Thánh Thần.
b. Từ Giáo hội-hiệp thông đến  chiều kích hiệp thông huynh đệ của  cộng đoàn tu trì. Cộng đoàn tu trì, trong cơ cấu, trong những  động lực, trong những giá trị  riêng biệt của mình, làm cho hồng ân  tình huynh đệ mà Đức Kitô đã  ban tặng cho toàn thể Hội Thánh trở  nên hữu hình cách công khai và không  ngừng được mọi người nhận  biết. Chính vì lý do này, cộng đoàn  tu trì có bổn phận và sứ vụ  hiệp thông huynh đệ sâu sắc, dấu  chỉ và sự khích lệ cho tất cả  các Kitô hữu.
c. Từ Giáo hội được  linh hoạt bởi các đoàn sủng đến  chiều kích đoàn sủng của cộng đoàn  tu trì. Cộng đoàn tu trì là một cơ thể  sống động của tình hiệp thông huynh  đệ, được mời gọi sống  trong sự hoạt động của đoàn sủng  nguyên thuỷ. Cộng đoàn tu trì là  một phần trong mối hiệp thông hữu  cơ của toàn thể Giáo hội, không  ngừng được Chúa Thánh Thần  làm cho phong phú với nhiều tác vụ  và đoàn sủng. Những người gia nhập các cộng  đoàn như thế phải có ơn gọi đặc  biệt. Trong thực tế, các phần tử của một cộng đoàn tu trì được  liên kết với nhau do một ơn gọi  chung của Thiên Chúa phù hợp với  đoàn sủng nguyên thuỷ, do việc  cùng được Giáo hội thánh hiến  cách đặc biệt, do việc chung nhau đáp  lại ơn gọi nhờ tham dự vào “kinh  nghiệm của Thánh Thần” mà đấng sáng  lập đã sống và trao lại, cũng như trong sứ vụ của đấng sáng lập  trong lòng Giáo hội. Giáo hội cũng mong muốn tiếp nhận với  lòng biết ơn những đoàn sủng  ”tầm thường nhất và được phú ban rộng rãi” mà Thiên Chúa  đã phân phát nơi các phần tử  của Giáo hội vì lợi ích của toàn Thân Thể. Cộng đoàn tu trì hiện hữu  vì Giáo hội, biểu lộ Giáo hội và  làm phong phú Giáo hội, giúp cho  Giáo hội thực hiện tốt hơn sứ  mệnh của mình.
d. Từ Giáo hội xét như là  bí tích hiệp nhất đến chiều kích  tông đồ của cộng đoàn tu trì. Mục đích việc tông đồ là đưa  nhân loại trở lại hiệp nhất với  Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau  qua đức ái thần linh. Đời sống  huynh đệ cộng đoàn, một biểu lộ  của sự hiệp nhất hình thành bởi  tình yêu Thiên Chúa, ngoài việc là  một chứng từ cốt yếu của việc  loan báo Phúc Âm, còn có ý nghĩa  lớn lao đối với hoạt động  tông đồ cũng như đối với  mục đích tối hậu của nó. Chính  từ điểm này mà sự hiệp thông huynh đệ của cộng đoàn tu trì rút  ra được sức mạnh như là dấu  chỉ và phương tiện. Thực vậy,  sự hiệp thông huynh đệ vừa là  khởi điểm vừa là đích điểm  của sứ vụ tông đồ.[38]
IV. Đức vâng phục trong đời sống tu trì
Trong phạm vi quyền bính và tùng phục, chân lý chính là thần học của ý muốn Thiên Chúa như chúng ta đã trình bày trên đây. Trong phần này chúng ta sẽ đem những nguyên tắc đó áp dụng cho từng trường hợp trong đời sống cá nhân và cộng đoàn tu trì.
1.   Đức vâng phục của bề trên
Với lời khấn, tu sĩ vâng phục các bề trên hợp pháp là những vị thay quyền Thiên Chúa (Xc.GL đ 601),[39] với tất cả hiệu quả của một tính chất thần học và pháp lý. Vị bề trên thực thi một tác vụ trung gian. Từ đó, quyền bính có được năng lực, sự vâng phục tối hậu phải được quy về một mình Thiên Chúa. Vì thế, Giáo luật điều 208 viết: “Giữa các tín hữu, như sự tái sinh trong Đức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động”.[40]
Các bề trên là những vị sẽ phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho các vị (Xc. Hc 13,17), trong việc chu toàn nhiệm vụ, các vị hãy ngoan ngoãn với Thánh Ý Chúa mà thi hành quyền bính với tinh thần phục vụ anh em, làm sao tỏ được Thiên Chúa yêu thương họ. Các vị hãy điều kiến những người dưới quyền như điều kiển các con Thiên Chúa, và với sự tôn trọng nhân vị, bằng cách cổ võ một sự vâng phục tình nguyện. Bởi vậy, các vị hãy để cho họ hưởng một tự do chính đáng, nhất là điều liên quan đến nhiệm tích giải tội và việc thụ hưởng thiêng liêng[41].
Không một chức phận nào trong cộng đồng tu trì được miễn hoặc chuẩn chước bổn phận tùng phục Thiên Chúa. trái lại, chức vụ càng cao, càng phải tuân theo ý muốn của Thiên Chúa hơn“Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1 Pr 5, 3).
Mọi người đều bình đẳng, nhưng xã hội là một cơ cấu tổ chức có nhiều phần vụ khác nhau. Vì thế, mỗi người đóng một vai trò. Ai chịu trách nhiệm nặng hơn thì được coi là có quyền hơn và được gọi là người trên. Nhưng có quyền hơn không đương nhiên là tốt hơn, đức độ hơn, có giá trị hơn.
Quyền bính là bởi Thiên Chúa (Xc. Ga 19,11). Bất cứ ai gia nhập vào một hội dòng đều tuyên thệ một giao ước với Thiên Chúa và với cộng đoàn là đối tượng đã được mời gọi để thực hiện một sứ mệnh chung trong chương trình của Thiên Chúa. Bên cạnh những điều khác, chương trình ấy còn bao gồm việc chấp nhận sự hướng dẫn của vị đứng đầu hội dòng và từ bỏ các quan điểm và sở thích cá nhân, cho dù chúng có vẻ tốt đẹp hơn đi nữa, nhưng lại không phù hợp với ý muốn của bề trên. Đây là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu và không thể sai lầm trong việc đào luyện một lương tâm ngay thật.[42]
Quyền bính là phương thế phục vụ: ai nắm giữ quyền bính phải hành quyền nhân danh Thiên Chúa. Không được đòi hỏi gì nghịch với Thiên Chúa. phải dùng quyền bính làm phương thế phục vụ. “Vì ai muốn cầm đầu giữa các ngươi, thì hãy làm tôi tớ cho các ngươi. Cũng như Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mt 20,27-32).
Người ta không được dùng quyền để làm lợi cho mình, nhưng để làm lợi cho người khác. Người cầm quyền có trách nhiệm đặt quyền lợi của người thuộc quyền lên trên tư lợi. Người có quyền không đòi hỏi ai điều gì mà lại không đòi chính mình trước. Công bình và chính trực là đặc tính của người cầm quyền có đức. Muốn sống tận tụy như vậy phải yêu mến thuộc quyền như Đức Giêsu yêu mến những người thuộc quyền của Ngài. Phải cầu nguyện theo gương Đức Giêsu. Hành quyền chính là thực hành lòng mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.  
2.      Đức vâng phục của bề dưới
Yêu mến Thiên Chúa nơi người cầm quyền là thái độ của người thuộc quyền đối với người cầm quyền và thực hành vâng phục trong lòng mến. Động lực thúc đẩy người Kitô hữu vâng phục người cầm quyền không phải là lòng quý mến tự nhiên, nhưng là lòng yêu mến Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trao quyền cho người ấy.“Vì không quyền bính nào mà lại không do từ Thiên Chúa... cho nên ai chống lại quyền bính là đối địch với điều Thiên Chúa quy định” (Rm 13,1-2).
Người cầm quyền có thể có khuyết điểm cá nhân, tuy nhiên nhiên trong những việc tốt và hợp lý ta phải vâng phục vị đại diện của Thiên Chúa.“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khức từ Thầy” (Xc. Lc 10,16). Khi thực hành đức vâng phục người Kitô hữu hay người tu sĩ không vâng phục cách máy móc, miễn cưỡng, nhưng vâng phục vì phục tùng chính Thiên Chúa. Chẳng những vâng phục mà còn hỗ trợ và cộng tác chân thành. Không phải chỉ than trách, phê bình mà còn phải cầu nguyện cho người cầm quyền nữa.
2.1.  Điều Bề Trên quyết định
Với tất cả niềm hân hoan và hãnh diện, bề dưới sẽ cặn kẽ vâng phục bề trên không những đúng với luật buộc, mà trong bất cứ sự gì, khi vừa biết ý của ngài, không cần để ngài ra lệnh tỏ tường. Khi tuân phục, dầu tuân phục mù quáng, bề dưới cố gắng tìm hiểu nguyện vọng của bề trên, không cần đợi đến lúc ra lệnh mới thực hiện. Khi thực hiện thì thực hiện trong tâm tình của người con hiểu thảo với cha mẹ; chính Chúa Giêsu trong gia đình Nazareth Ngài cũng luôn tuân phục cha nuôi và Mẹ mình. Vì thế, đối với đời sống tu trì, cơ quan chuyển cầu thánh ý Thiên Chúa chính là vị bề trên hợp pháp được Giáo hội công  nhận.
Trong tinh thần đức ái, chúng ta cũng giúp bề trên chu toàn nhiệm vụ đã được trao phó một cách êm thấm vui tươi và đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta.“Nâng đỡ gánh nặng cho nhau, như thế sẽ chu toàn lề luật của Đức Ki-tô.” (Gal 6,2). Thánh Phaolô muốn nói với mọi người bề trên cũng như bề dưới đừng trút gánh nặng cho nhau vì đó là thái độ của những kẻ giả hình (Xc. Lc 11,46), hành động trái hẳn với tinh thần Đức Kitô.
2.2.  Điều qui luật chỉ định
Sắc lệnh Perfectae Caritatis số 14 và giáo luật 601 có đề cập đến phạm vi và tầm mức của đức vâng phục tu trì như đã được quy định trong hiến luật của các hội dòng. Các bề trên và các tu sĩ thuộc quyền liên kết nên một trong chương trình của Thiên Chúa, trong cùng một đoàn sủng, tức là ơn soi sáng thành lập dòng, cùng tuân giữ một hiến pháp đã được Tòa Thánh và các thẩm quyền khác chuẩn y.[43]
Việc trung thành với chương trình của Thiên Chúa được củng cố bằng sự đối thoại giữa bề trên và bề dưới, cùng nhau nỗ lực kiếm tìm ý Thiên Chúa muốn gì cho hội dòng cũng như cho từng phần tử.
Tu sĩ hoạt động ngài tu viện hoặc trong các tổ chức có nội quy riêng vẫn không được chuẩn chước trách vụ phải vâng phục các bề trên (Xc. GL. 671)[44]. Trong bất cứ trường hợp nào, các tu sĩ chỉ được nhận những công tác bên ngoài phù hợp với mục đích của hội dòng; hai phạm vi hoạt động phải được xác định rõ ràng, để có thể chuyển từ hoạt động bên ngoài về lại với những yêu sách của đời sống chung (ET. Số 26; GL. Đ. 678, triệt 2; đ. 681, §1)[45].
Hiến pháp như một người dẫn đường, như một đầy tớ giúp chúng ta an tâm dấn bước trong lý tưởng của hội dòng trên con đường phụng sự Thiên Chúa. Thật vậy, hiến pháp phải là một phương thế, một sự giúp đỡ hữu hiệu để đạt tới cứu cánh.
Vì vậy, người tu sĩ phải thường xuyên và chăm chủ đọc hiến luật, cố gắng thi hành cho đầy đủ, với lòng yêu mến Chúa thiết tha, và luôn hướng về sự trọn lành đức ái trong cuộc sống tu trì. Tuy hiến luật không buộc thành tội trừ những điều lỗi lời cam kết vi phạm luật Thiên Chúa và luật Hội thánh, nhưng việc tuân giữ cặn kẽ và hoàn hảo chắc chắn dẫn chúng ta đến đỉnh núi thánh thiện và giúp ta sống trọn vẹn đoàn sủng.[46]
2.3. Điều thuộc quyền quyết định của mình
Phải chăng đối với những người tu sĩ đã khấn tuân phục, muốn kiện toàn lời khấn, tốt hơn đừng bao giờ hành động theo sáng kiến riêng, nhưng luôn luôn làm theo chỉ thị của bề trên? Nói cách khác trở nên cây gậy trong tay ông lão hoặc như cái xác không hồn trong tay bề trên? Chúng không thể hiểu một cách cụ thể và nông cạn như thế được như thể sẽ rất nguy hiểm cho những ai hiểu và làm theo chữ đen. Cái hại nhất khi chịu đựng là chịu đựng cách thụ động làm sao các đấng sáng lập dòng có thể quan niệm một thứ tuân phục mù quáng đến thể? Chúng ta cần phải biết đọc và áp dụng đúng với tinh thần.
Tuy nhiên, đối với tất cả mọi người chúng ta, một câu hỏi tiên quyết được đặt ra: Đứng trước thực tế, đâu là tuân phục Thiên Chúa một cách trọn hảo nhất, trực tiếp tuân phục Ngài hay qua trung gian của vị đại diện? Yêu mến Thiên Chúa nơi người cầm quyền là thái độ của người thuộc quyền đối với người cầm quyền. Động lực thúc đấy người Ki-tô hữu vâng phục người cầm quyền không phải là lòng quý mến tự nhiên, nhưng là lòng yêu mến Thiên Chúa.“Vì không quyền bính nào mà lại không do từ Thiên Chúa (...) cho nên ai chống lại quyền bính là đối nghịch với điều Thiên Chúa quy định” (Rm 13, 1-2). Vì thế, không có kiểu vâng phục máy móc, miễn cưỡng, do kiếp sợ, nhưng vâng phục vì phục tùng chính Thiên Chúa. Chẳng những vâng phục mà còn hỗ trợ và cộng tác chân thành. Không phải chỉ than trách, phê bình mà còn phải cầu nguyện cho người cầm quyền. Tu sĩ còn phải tuân phục một cách tôn kính. Bề dưới hãy cẩn trọng đừng nêu lên vấn đề gì thiểu ý thức, đừng làm một cách thiếu ý hướng ngay thẳng, theo sự thúc đấy của tức bực. Nếu như vậy, thì không phải là họ tìm lợi ích chung, không phải là Chúa hướng dẫn và lôi cuốn họ nữa. Nếu nhờ ơn Chúa soi sáng, ta thấy không có lý do thật nghiêm trọng trái với lệnh truyền, thì tốt hơn cử im lặng mà vâng phục một cách đơn sơ và hoàn toàn; nhưng thật sự những lý chứng ngược lại có vẻ nghiêm trọng và vững chắc, thì có thể nói và bàn luận với bề trên. Nhưng không được bất kính và bất vâng phục.[47]
Tuân phục chỉ có trong tự nguyện và tự do; không phải một đôi lần, nhưng luôn luôn, bởi vì ở đây không thể một lần cho tất cả. Vậy nhất thiết phải để cho bề dưới được tự do suy xét và thoái mãi quyết định. Tuân phục là ý thức thi hành như quyết định của mình cái ý muốn biểu lộ qua một biến cố hay một lệnh truyền. Không phải là cắn răng chịu đựng nhưng là một phản ửng nhân linh biến đối sự dồn ép bên ngoài thành một hành động nội tại siêu nhiên. Không bao giờ có thứ tuân phục như xác chết hay như khúc gỗ: nếu tuân phục có thể xâm nhập vào những vật vô tri ấy, nó sẽ làm xác chết sống lại và khúc củi trổ bông.[48]
3. Sự cần thiết và sự giới hạn của đối thoại
Chỉ trong các thánh tổ phụ mới có những chuyện tuân phục mù quáng làm cho khúc cây khô trổ lá đâm bông; nói đến sự nhẫn nhục vâng lời tính tuyệt đối của vâng phục không có sự phân định “ ý bề trên là ý Chúa”. Nhưng nếu trước khi thi hành lệnh bề trên mọi người có sự biện phân đúng sai thì không biết đức vâng phục trong đời tu sẽ như thế nào? vì thế ở đây chúng ta cần giới hạn và làm sáng tỏ vấn đề.
3.1. Phải đối thoại thế nào?
Vâng phục không đòi từ bỏ dứt khoát lối suy nghĩ riêng, chân lý riêng của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta vâng phục trong bầu khí đối thoại (dialoge-logos), trong sự liên đới tìm kiểm chân lý. Vì lý do này, ngay từ đầu người ti sĩ không nên phá đổ và hơn thế phải bảo vệ những xác quyết mà do các bề trên đề ra, biết lượng giá sự thật được lượng giá qua những xác quyết đó. Tuy nhiên chân lý phải thực sự xuất phát từ lòng mến, khi người tu sĩ cảm thấy trong lương tâm có điều gì mâu thuẩn với những gì đã được truyền dạy thì họ phải tự do trình bày vấn đề, sau khi thổ lộ trước sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, họ nên chấp nhận những gì đã được quyết định vào phút cuối cùng.[49]
Sắc lệnh canh tân thích nghi đời tu (số 14) và Giáo luật điều 618 kêu gọi các vị bề trên hãy lắng nghe các tu sĩ thuộc quyền và hãy đề cao việc hiệp nhất các năng lực của họ để đem lại lợi ích cho hội dòng và cho Giáo hội. Mặc dù vị bề trên vẫn giữ lại quyền “Quyết định và truyền khiến điều gì phải làm” (PC 14), nhưng cộng đoàn vẫn mong ngài là nguyên lý hiệp nhất của họ qua những phương diện khác mà ngày nay rất được coi trọng.
Thái độ lắng nghe giúp vị bề trên có thể hiểu được tiếng Thiên Chúa bày tỏ qua nhiều cách thế khác nhau, nhất là qua cộng đoàn. Có thể nói rằng các bề trên lẫn các tu sĩ thuộc quyền đều cùng nhau đi tìm thánh ý Thiên Chúa. Việc tìm kiếm mang tính cộng đoàn này vượt trên một kỹ thuật, vì là một thái độ nội tâm, một tâm trí biểu hiện việc thực hành nhiều nhân đức và một khả năng to lớn vì mọi phía đều lắng nghe với niềm xác tín rằng mỗi người đều có sự đóng góp (Xc. 1Cr 12, 7-11). Anh em cùng nau lắng nghe tiếng Chúa và nắm bắt những dấu chỉ của Người ban cho thời đại (Xc. GS số 4).[50]
Đối thoại không thay đối quyền bính nhưng giúp quyền bính hoạt động cho hiệu quả. Đối thoại công nhận tinh thần đồng trách nhiệm của cộng đoàn và từng cá nhân (Xc. ET 25). Đối thoại hướng đến chỗ làm sáng tỏ vấn đề cho bề trên là người đề xuất quyết định và cho các thuộc quyền là những người thực hiện quyết định.
Đôi khi, luật quy định phải đối thoại nhằm đạt đến sự thỏa thuận, và sau đó bề trên thấm quyền sẽ phê chuẩn. Bằng đối thoại, việc nỗ lực tì hiểu và tương trợ sẽ được thực hiện nhằm hiểu biết điều gí cần thiết cho lợi ích chung thực sự của cộng đoàn nhằm thi hành quyết định của bề trên với tinh thần trách nhiệm.
Đối thoại như thế cũng không miễn cưỡng cũng không ràng buộc vì quyết định được chính bề trên thực hiện. Tuy nhiên, không nên nói rằng đối thoại là vô ích vì quyền bính vẫn duy trì tiếng nói chung cuộc. Thông tin khác quan và thực tế là một trong những kết quả đẹp nhất của đối thoại; hơn nữa, nhờ đó bề trên sẽ có cơ hội biết được cộng đoàn suy nghĩ và mong muốn những gì, cũng như những khuynh hướng đa dạng của họ.
Đối thoại cho phép xúc tiến một chương trình mang tính cộng đoàn nhờ sự phân tích tình huống cách khách quan, đánh giá được các khả năng và dự định được những gì phải làm. Đối thoại là một khoa học để học biết; nhưng cũng một khoa học không dễ dàng khi áp dụng.[51]
3.2.      Trước khi quyết định
Để đối thoại mang tính chuẩn mực bề trên cần tham chiếu hiến pháp và áp dụng đúng những nguyên tắc của giáo luật; nhưng luật trên các luật mà ai cũng phải thừa nhận đó là luật tối thượng luật Thiên Chúa. Khi bề trên soi chiếu luật này cho cuộc đối thoại sẽ hướng dẫn bề trên hành động đúng và giúp ngài thoát ra khỏi khát vọng thống trị, can đám từ khước những cảm dỗ và mạnh mẽ chống lại con người của mình.
Khi có tinh thần sống vì người khác bề trên mở ra với anh em một sự đối thoại gần gủi đây chính là lối sống bác ái và khôn ngoan cũng nhờ lối sống này sẽ giúp bề trên sống với bề dưới sống với nhau bằng tinh thần của tình bạn cởi mở hơn là thống trị độc tài.
Thời đại chúng ta được mệnh danh là thời đại đối thoại của sự cảm thông, cởi mở giữa những anh em cùng mơ ước thực hiện ý Cha trên trời. Vì thế, đối thoại không phải là một cuộc đấu lý không phải là kẻ thắng người thua, người có lý hay không có lý. Nhưng là một sự trao đổi tìm ra một ý kiến chung. Và trong đức vâng phục không bao giờ lầm; khi nó thể hiện ý Thiên Chúa một cách ý thức. Dựa trên điều này thì bề trên luôn luôn có lý. Và chính điều kiện này bắt buộc những ai không có lệnh bề trên hợp pháp thì phải dè dặt và khôn ngoan. Chỉ được phép quyết định cho mình và cho người khác một khi đã ý thức rõ ràng và hiểu biết đầy đủ vấn đề.
Chính vì thể chúng ta cần có đối thoại. Nếu từ chối đối thoại lúc này là phạm một lỗi lầm chống lại Thiên Chúa, chống đối anh em và phản lại lý trí lành mạnh của mình. Sự từ chối này xảy ra do ý xấu của con người không chấp nhận sự trùng hợp ý muốn của Thiên Chúa, hoặc tự cao cho mình là kho tàng của sự thật. Trường hợp này phần đa những người lão luyện trong chức vụ bề trên mắc phải. Bề trên cũng là người như bao người khác vì thế phải tránh những bệnh dịch tai hai Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đây là những căn bệnh cần được chữa lành:
Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên, hy vọng được ân huệ của họ. Họ là nạn nhân của công danh sự nghiệp và của thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa (Xc Mt 23,8-12). Đó là những người khi phục vụ chỉ nghĩ đến điều mà họ phải đạt được chứ không tới điều mà họ phải làm. Những người bủn xỉn nhỏ nhặt, bất hạnh, và chỉ hành động vì ích kỷ (Xc Gl 5,16-25). Bệnh này có thể xảy ra cho cả các cấp trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên để được sự tuân phục, trung thành và tùy thuộc về tâm lý, nhưng kết quả cuối cùng là một sự đồng lõa thực sự.[52]
Đó là hình thức hào nhoáng của đẳng cấp quí phái. Tại sao gọi bề trên là đáng kính mà không gọi anh em khác như vậy?
Vậy ta phải hiểu như thể nào về lời nói của Đức Giêsu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy” (Ga 15, 15). Một khi bề trên ẩn mình giữa đám hào quang, làm sao có đối thoại ? Do đó cần tạo nên một bầu khí lành mạnh, lý tưởng; có được chăng khi bề trên và bề dưới đi dạo chung với nhau, như là người bạn đồng hành như Chúa Giêsu và hai môn đệ trên đường Emau (Xc. Lc 24, 13-27/Mc 16, 12-13). Hoặc thăm viếng như ngời bạn thân thiết “Này ông Dakêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi sẽ ở lại nhà ông” (Xc. Lc 19, 5).
“Anh em đã được gọi để hướng tự do.”(Gl 5,13). Tự do trong tư tưởng và dấn thân trong tự nguyện.[53] Khi chấp nhận lời khấn thì phải chấp nhận hệ quả của việc dấn thân. Khi bề trên truyền dạy điều gì hợp lý, hợp pháp, không thể vịn cớ bề trên bất toàn mà khước từ vâng phục; nhưng phải vâng phục lời bề trên trong mọi trường hợp, khi không có gì trái luật Chúa và vi phạm hiến pháp một cách tỏ tường. Lệnh bề trên là tiếng nói trung thực của Thiên Chúa. Nếu mục đích của việc tuyên khấn là để luôn luôn thực thi ý Chúa, thì không lý do gì đương sự lại không muốn tuân phục bề trên.
Tuân phục không bao giờ lầm miễn là lệnh truyền không tương phản với luật của Thiên Chúa. Nó không sai lầm khi mà ý Chúa được đặt trong đó. Và không có nghĩa là bề trên không sai lầm? Không, ngài vẫn sai lầm vì ngài cũng là người nên cũng mang khía cạnh trần tục. Vì trách nhiệm bề trên nặng nề và ngài chỉ có thể bảo đảm chu toàn với ơn Chúa. Hiểu được như thế, bề dưới sẽ là người hăng hải và tận tâm sẵn sàng giúp đỡ bề trên bao nhiêu ngài cần. Đấy chính là ý nghĩa đích thực của đối thoại.
3.3.  Sau khi quyết định
 Cho dù cuộc đối thoại diễn tiến ra sao cũng phải đi đến một quyết định. Quyết định thuộc quyền bề trên. Bao lâu hiệu lực quyết định còn được người cầm quyền hợp pháp duy trì, tôi sẽ luôn luôn sẵn sàng chấp nhận và thi hành với mọi phương tiện có thể. Vì mục đích đó, tôi phải cánh giác đề phòng không để cho mầm mống ý riêng của tôi có thể đâm chồi, nẩy lộc và lớn lên trong tôi. Tôi phải luôn luôn nhớ rằng ý riêng phá hoại tất cả nếu nó không được biến tan hoàn toàn trong ý muốn Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu vui lòng chấp nhận như hạt lúa mục nát và tiêu tan để sinh ra nhiều hoa quả mới cho phần rỗi muôn dân (Xc. Ga 12, 24).
Còn những tư tưởng và ý kiến riêng đôi khi không đồng quan điểm với bề trên thì sao? Thánh Ignatio trả lời vắn tắt trong bốn tiêng: “Tuân theo phán đoán” nghĩa là chúng ta tuân theo ý Chúa qua phán đoán của bề trên. Thánh Ignatio dùng ba kiểu nói: Tuân phục trí tuệ, tuân phục phán đoán và tuân phục người truyền dạy. Nhưng tuân phục phải chăng cần hủy diệt mọi khả năng của trí tuệ? Thánh Ignatio không ý nói anh em trong dòng không phải giết chết trí khôn của mình, nhưng phải có thái độ trung dung và chính ngài cũng đã biết bao lần tham khảo ý kiến anh em. Ngài khẳng định thêm rằng trước chân lý, chúng ta không còn tự do quyết định, do đó chẳng bao giờ có sự lụy phục đối với một ý chí tự do. Ý chí tự do chỉ có thể vẫy vùng khi chân lý chưa minh bạch .[54]
Vì vậy, bề trên và bề dưới ngồi lại với nhau, chân thành đàm thoại trong tinh thần cởi mở, mỗi người luôn tìm những lý lẽ biện minh cho ý kiến của người đối thoại. Không phải để chống đối hay thống trị nhưng để tìm hiểu chân lý. Nhưng đối thoại cần có điểm dừng nghĩa là bề trên có quyền chung kết cho những lý luận đó. Và khi tuân phục bề dưới phải ý thức rằng đối thoại là đi tìm sự thật không phải để thỏa mãn mộng ước của mình. Nếu tôi yêu chân lý vì chân lý, tôi sẽ không bao giờ so đo phân biệt những lợi hại cá nhân, tăng giảm vinh dự riêng tôi.
KẾT LUẬN
Đức vâng phục là rất quan trọng đối với cộng đoàn, đối với đời sống tận hiến, nếu không muốn nói là trung tâm điểm của đời sống thánh hiến. Sở dĩ lời khấn vâng phục là quan trọng bởi vì nó diễn tả được lời mời gọi nên thánh của Đức Kitô; và bước theo con đường của Ngài đã mời gọi: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu toàn công việc của Người” (Ga 4,34).
Bởi thế, khi tu sĩ nhận ra tầm quan trọng và giá trị của lời khân vâng phục một cách tích cực thì đời sống thánh hiến sẽ ngày càng phong phú và trọn hảo hơn. Trong các hiến chế Lumen Gentium, Perfectae Caritatis... Giáo hội mời gọi mọi quyền bính và người thi hành quyền bính đều vâng phục chính Thiên Chúa, vâng phục Thánh ý Người.
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, tu sĩ phải luôn đề cao cảnh giác, nhất là tìm hiểu và giữ kỹ lời khân vâng phục. Bởi vì khi người tu sĩ vâng phục bề trên thì các lời khuyên khác cũng được bảo đảm. Hơn nữa người tu sĩ cần tìm hiểu sâu gương vâng phục của Đức Giêsu. Từ đó người tu sĩ mới có khả năng sống đời thánh hiến của mình cách tích cực, và có khả năng “đánh thức thế giới”.




[1] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu: Perfectae Caritatis, số 14.
[2] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, Tr. 184- 185.
[3] Xc. Felicisimo Diez Martinez, OP, chuyển ngữ: Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, tr. 260 - 261.
[4] Xc. Thánh Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Về Quyền Bính Và Vâng Phục, số 5,6.
[5] Xc. Catherine M. Harmer, chuyển ngữ: Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP,
Đời Tu Trong Thế Kỷ 21, ấn bản 2005, tr. 120.
[6] Xc. Leonardo Boff, chuyển ngữ: Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR,
Các Chứng Nhân Của Thiên Chúa Giữa Lòng Đời. Nxb. Tôn giáo, tr. 244-245.
[7] Xc. Internet, nutyttcg.blogspot.com/2012/10/loi-khan-vang-loi.
[8] Xc.  Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, tr. 185- 186.
[9] Xc. Vat. II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 14.
[10] Xc. Felicisimo Diez Martinez, OP, chuyển ngữ: Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, tr. 279-280.
[11] Xc. Vat. II. Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, số 14
[12] Xc. Marcello De Carvalho Azevedo, chuyển ngữ: Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái, Tu Sĩ Ơn Gọi Sứ Mạng, Nxb. Phương Đông, tr. 85-86.
[13] Xc.  Felicisimo Diez Martinez, OP, chuyển ngữ: Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Tr. 261-266.
[14] Ibid, Tr. 262.
[15] Xc. Vat. II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 23.
[16] Xc. Felicisimo Diez Martinez, OP, chuyển ngữ: Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Tr. 261-264.
[17] Vat II, Tuyên ngôn về giáo dục KTG Gravissimum Educationis, số 43.
[18] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, 1996, số 21.
[19] Xc.  GM. Baotixita Nguyễn Sơn Lâm, Trong Đức Kitô Cứu Thế, 1975, tr. 204-208.
[20] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, tr. 181-182.
[21] Xc. Nguyễn Văn Liêm, OP, Dạ, Con Đây, 1997, tr. 121-123.
[22] Giáo lý Hội thánh Công giáo, Nxb. Tôn giáo, 1997, số 968.
[23] Huấn Thị Về Quyền Bính & Vâng Phục, số 8.
[24] Ibid., số 1.
[25] Xc. Thomas P. Rausch S.J, Catholicism The Third Millenium, bản dịch: Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R, Đạo Công Giáo Thiên Niên Kỷ Thứ 3, Nxb. Tôn Giáo, tr. 66.
[26] Xc. Zachary Hayes O.F.M, chuyển ngữ: Nguyễn Duy Thống, Tạo Dựng, Nxb. Tôn giáo, tr. 177-178
[27] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Số 290, 297.
[28] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, nhóm dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nxb Tôn Giáo, 2008, phần chủ giải điểm a, trang 61.
[29] Xc. Lê Phú Hải, OMI, Lịch Sử Và Linh Đạo Đời Sống Tu Trì, Nxb. Tôn giáo, tr. 26.
[30] Irénée Hausherr, S.J. chuyển ngữ: Đaminh Trần Minh Công, Đức Tuân Phục Và Đời Sống Tu Trì, tr. 107.
[31] Xc. Chia sẻ, Nội San Thần Học - Mục vụ - Tu Đức, Số 62, tr. 71.
[32] Xc. Cencini Amedeo, Tâm Tình Chúa Con, Chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, Nguyễn Văn Khoan, OFM, Nxb. Tôn giáo, 2012, tr. 118.
[33] Xc. Huấn Thị Yếu Tố Cốt Yếu Trong Giáo Huấn Của Hội Thánh Về Đời Tu. Số 44.
[34] Xc. Chia sẻ, Nội San Thần Học - Mục vụ - Tu Đức, số 62, tr. 71
[35] Vat. II, Perfectae caritatis, số 2.
[36] Vat. II, Lumen Gentium. Số 3.
[37] Lê Phú Hải, OMI, Lịch Sử Và Linh Đạo Đời Sống Tu Trì, tr. 212.
[38] Xc. Tông Huấn Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, phần 1, số 2.
[39] Bộ Giáo Luật 1983, điều 601, tr. 205.
[40] Bộ Giáo Luật 1983, điều 208, Tr. 84.
[41] Vat. II, Perfectae Caritatis, số 14 ; Phạm Duy Lễ, Thánh Hiến Cuộc Đời, 1996, tr. 190- 193.
[42] Xc. Elio Gambari, chuyển ngữ: Mátthia M. Ngọc Đính, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vaticano II và Giáo Luật, quyển I, 2000 , tr. 397-399.
[43] Tham khảo Sắc lệnh Perfectae Caritatis số 14 và Giáo Luật 601.
[44] Xc. Giáo Luật 1983, điều 671.
[45] Xc. Elio Gambari, chuyển ngữ: Ngọc Đính, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vaticanô II và Giáo luật, quyển I, 2000, tr. 405- 406.
[46] Hiến Luật Tu Đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế, nghành nam, số 73, tr. 97.
[47] Xc. Thánh Hiến Cuộc Đời, năm 1996, tr. 212-213.
[48] Xc. Irénée Hausherr, S.J, chuyển ngữ: Đa minh Trần Minh Công, Đức Tuân Phục Và Đời Sống Tu Trì, tr. 110.
[49] Xc. Internet, trang: catechesis.net/news/Tam-Linh/Vang-Phuc-Vi-Nuoc-Troi.
[50] Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 4. 
[51] Xc. Elio Gambari, Matthia M. Ngọc Đính, Đời Tu Dưới Ánh sáng Công Đồng Và Gáo Luật, quyển II, năm 2000, Tr. 234-235.
[52] Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh, ĐTC. Phanxicô nêu ra 14 căn bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại Giáo Triều Roma.
[53] Xc.  Felicisimo Diez Martinez, OP, chuyển ngữ: Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Tr. 142.
[54]Xc.  Gérard Muchery, chuyển ngữ: Lm Đặng Xuân Thành, Những Nẻo Đường Theo Chúa Kitô, Nxb. Tôn Giáo, 2010, tr. 133-135.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn