Một góc nhìn về quan niệm hôn nhân của giới trẻ Việt Nam ngày nay





Hạnh phúc con người nói chung
và hạnh phúc hôn nhân gia đình nói riêng
tuyệt đối không phải là một món quà tặng được cho không
và chỉ giơ tay đón nhận.
Chỉ những ai không sợ gai nhọn và can đảm
dám chui vào bụi gai hồng cuộc đời,
thì mới hái được bông hoa hồng hạnh phúc mà thôi.
Giuse Phạm Công Hiến, SMMR

          Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, chuỗi ba từ ấy thường luôn đi liền với nhau và gợi nên một hình ảnh về một tổng thể cấu trúc có nét đẹp hài hoà, thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Cấu trúc ấy mặc nhiên cho ta thấy rằng khi chấp nhận đời sống hôn nhân, người ta phải có mục tiêu cụ thể để hướng tới đó là xây dựng và phát triển một gia đình hạnh phúc ấm êm.  Mặt khác, cần phải tiếp tục duy trì tình yêu ban đầu để hôn nhân phát triển bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, con cái, nhờ ân huệ và thành quả tình yêu ấy, được sinh ra, được giáo dục trưởng thành để trở nên những người hữu ích.[1]
          Ngày nay, người ta nói đến nguy cơ của những bạn trẻ tôn vinh và chấp nhận những thứ hôn nhân đặc biệt như: Hôn nhân không cam kết, hôn nhân không mục đích, hôn nhân sống thử nghiệm, hôn nhân liền tay, hôn nhân “tiền hôn hậu thú”. Tất cả những nhãn mác hôn nhân ấy đã và đang hấp dẫn nhiều bạn trẻ, đang hoành hành và gây ra rất nhiều đau khổ, thất vọng ê chề cho mỗi cá thể. Xuất phát từ sự mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau.
          Văn hào Pháp A. Maurois đã nói “Hôn nhân là một công trình mà ta phải kiến tạo suốt đời”. Vì theo ông hôn nhân là một công trình vừa khó khăn vừa lâu dài ấy, được thực hiện không do một người mà là nhiều thành viên trong gia đình. Gia đình trước hết là một cộng đồng. Một cộng đồng cơ bản và là hạt nhân cho những cộng đồng lớn hơn. Và cộng đồng này trước hết được xây dựng trên nền tảng yêu thương.
          Đại văn hoà Pháp V. Hugo đã thi vị hoá như sau: “Ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột bằng kèo. Gia đình được xây dựng bằng những việc làm yêu thương. Nó sẽ trụ vững một ngàn năm”. Rõ ràng là, để hôn nhân bền vững, để gia đình hạnh phúc bền lâu, người ta phải xây dựng bằng những vật liệu không mối không mọt, đó là chất liệu tinh thần, lòng nhân ái, sự chung thuỷ kiên vững. Vì gia đình là một kiến trúc xây dựng thuộc về trách nhiệm của mọi thành viên.
I.  Hôn nhân là gì
Hôn nhân là mối quan hệ cơ bản trong gia đình ở hầu hết xã hội. Hôn nhân là sự liên kết giữa người nam và người nữ, trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, được thực hiện theo các thủ tục do pháp luật quy định nhằm để chung sống với nhau suốt đời và xây dựng hạnh phúc, dân chủ và hoà thuận. Đây là qui luật tự nhiên của con người và tạo hoá. [2]
    1. Hôn nhân như một định chế
          Hôn nhân giữa hai người nam nữ và gia đình là những định chế và cơ cấu nền tảng của xã hội loài người, nơi mỗi một con người được sinh ra, được phát triển tâm sinh lý của mình tồn tại. Tuy nhiên, định chế và cơ cấu ấy không do xã hội qui định và gầy dựng nên, nhưng do chính Đấng Tạo Hoá đã thiết lập ngay từ khởi đầu công trình sáng tạo vũ trụ và muôn loài Người, Khi người dựng nên con người có nam có nữ và truyền cho họ hãy sinh sôi nẩy nở đầy mặt đất tăng triển và tôn tại trên mặt đất này. Để thực hiện sứ mệnh Thiên Chúa đã phú bẩm trong bản tính tự nhiên của con người bản năng tính dục và vì thế con người có chiều hướng về người khác phái. Cùng với khả năng hành động có lý trí có ý chí con người nhận biết được các quy luật phù hợp với luân lý đạo đức trong hôn nhân với tất cả ý thức trách nhiệm và bổn phận nhất định kèm theo, đối với bạn đời trước mặt Đấng Tạo Hoá.[3]
          Định chế hôn nhân trong xã hội nhất định xác định những cách thức mà đôi bạn được nhìn nhận là vợ chồng và hiệu chỉnh những tương quan của họ. Gia đình là một tập hợp những con người có cùng huyết thống như con cái của đôi bạn và những người tương quan của bạn được quy định bởi định chế gia đình. Định chế hôn nhân và định chế gia đình là khuôn mẫu của đôi bạn và gia đình họ, là bộ áo pháp lý, là sự kết tinh những hình thức được xã hội công nhận, dù ít nhiều còn tạm thời, do hoàn cảnh lịch sử. Trong tất cả mọi nền văn hoá trao đổi sự ưng thuận không diễn ra nơi riêng tư nhưng giữa cảnh trang trọng của nghi lễ khiến đôi hôn phối, đã hoàn tất lời trao đổi ưng thuận, được nhìn nhận như là vợ chồng và những kẻ được họ sinh ra từ sự hiệp nhất của họ như là con cái.[4]
          Tuy là một định chế hợp lý và cần thiết, đã được hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới áp dụng trong hàng bao thế kỷ qua, nhưng cũng không hoàn toàn tránh được những ý kiến bất đồng và chống đối, cho rằng định chế hôn nhân với quy ước và khuôn khổ chắc cứng có sẵn của nó như thế là lỗi thời, vì nó lấy đi sự tự do và óc sáng tạo của con người.
          Phong trào chống đối mãnh liệt nhất vào cuối thế kỷ XVIII do những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân quá khích phát động. Voltaire (1694-1778) tên thật là Francois Marie Arouet, một nhà tư tưởng cấp tiến và triết gia người Pháp. Ông ta cho rằng hôn nhân chỉ là một “hợp đồng dân sự bình thường thôi”,[5] người ta có thể huỷ bỏ bất cứ lúc nào chứ không cần phải có một lý do nào khác làm bằng chứng cho ý muốn chắc chắn của đôi vợ chồng. Chính tư tưởng này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề hôn nhân của mỗi gia đình đã tuân thủ theo hôn nhân truyền thống được định chế cho loài người. Tuy cao trào này chỉ ảnh hưởng được một thời gian nhưng nó đã kéo theo biết bao nhiêu tai hại trong nhiều thế kỷ sau cho đến ngày nay vẫn còn đó. Để cuộc sống chung và tình yêu hôn nhân không dễ dàng bị đổ vỡ, nhưng tồn tại, thì chúng ta cần phải được xây dựng trong một khuôn khổ pháp lý chắc chắn mà chúng ta thường gọi là định chế hôn nhân. Chính sự ràng buộc hôn nhân mang tính cách định chế như thế là một đảm bảo cho sự tự do và sự an toàn của cả hai vợ chồng và của cả gia đình.
     2. Hôn nhân xưa và nay của người Việt Nam
          Nét đẹp hôn nhân Việt Nam nhắc nhở chúng ta tìm về cội nguồn để cùng hài hoà với đất trời, tạo nên một cái gì đó rất riêng tư cho người dân Việt Nam. Chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam đã được hình thành từ buổi ban sơ. Qua những biến cố lịch sử xây dựng và gìn giữ đất nước; chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam vẫn còn lưu giữ nhiều nét đặc thù dân tộc, đồng thời cũng không ngừng thay đổi cùng với ảnh hưởng qua giao lưu với các nền văn hoá khác.
          Bắt đầu từ thời phong kiến đặc biệt thời Bắc thuộc (179 TCN – 938). Chính sách đồng hoá triệt để của các nhà nước phong kiến Trung Quốc thông qua việc truyền bá, áp dụng đường lối chủ nghĩa Khổng – Mạnh (nho giáo),[6] đề ra những quy tắc lối sống mới bắt người dân Việt phải theo là  hôn nhân theo  đạo lý tam tòng của nho giáo, rất coi rẻ phụ nữ: ở nhà theo cha, có chồng theo chồng, chồng chết theo con trai; và do đó đàn bà suốt đời bị lệ thuộc vào người đàn ông. Cũng từ quan điểm mất bình đẳng đó cho phép người đàn ông có nhiều vợ, người đàn bà thì không thể có hai chồng.
          Thời quân chủ Việt Nam (939-1858). Do ảnh hưởng của Nho gia, ngay thời Lý – Trần (thế kỷ XI-XIV) đã có quy định liên quan đến việc hôn nhân và gia đình, nhưng chúng ta cũng có thể biết được một số quy phạm về hôn nhân gia đình thông qua nội dung các văn bản chiếu chỉ của vua quan thời đó, lệnh chỉ còn ghi chép trong chính sử.[7] Tiêu biểu nhất cho chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến Việt Nam là hai bộ luật; Quốc triều Hình luật (thường gọi là bộ luật Hồng Đức) ban hành dưới thời Lê (thế kỷ XV) và Hoàng Việt luật lệ (thường gọi bộ luật Gia Long) ban hành dưới thời Nguyễn (1815). Cho đến thời Pháp thuộc, chế độ hôn nhân và gia đình có thay đổi, vừa thể hiện xu hướng Âu hoá theo kiểu Pháp và vừa cố duy trì tập tục lỗi thời của người Việt Nam. Pháp cũng lập Ba bộ luật hôn nhân dành cho ba miền Nam kỳ, Bắc kỳ và Trung kỳ. Tuy nhiên khi thực hiện, nhiều trường hợp về hôn nhân và gia đình thường phải vận dụng đến tục lệ cũ Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long.
          Trước năm 1975, chỉ có ở miền Nam thực hiện riêng đối với lĩnh vực hôn nhân bắt đầu từ năm 1959. Văn bản chính thức bãi bỏ chế độ hôn nhân một chồng nhiều vợ, đồng thời đề ra một số quy định khá xa lạ đối với tập quán, phong tục Việt Nam như cấm vợ chồng ly hôn; điều kiện kết hôn; thủ tục kết hôn; nghĩ vụ và quyền lợi của vợ, chồng; định ra biện pháp xử phạt khắc khe đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vợ chồng.[8] Từ đó cho đến ngày nay, luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã được các nhà làm luật nghiên cứu kỹ và quan tâm hơn. Từ năm 2000 đến 2010 đã có những biến chuyển tích cực rõ rệt. 
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người. Cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ. Hôn nhân là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hôn nhân phải tự nguyện, một vợ một chồng bình đẳng, nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Cấm tảo hôn cưỡng ép kết hôn, cấm kết hôn giả, cấm ly hôn… cấm người đang có vợ có chồng mà kết hôn với người khác hoặc người chưa có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng có vợ. Quan hệ hôn nhân thực hiện theo quy định và luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. [9]
     3. Chuẩn mực hôn nhân của Kitô giáo
Hôn nhân Công giáo, một cuộc sống trong chân lý và tình yêu. Thứ nhất, hôn nhân mang trên mình “copyright” bản quyền của Đấng Tạo Hoá.[10] Nói đến hôn nhân là nói đến sự kết hợp đơn nhất và bất khả tháo gỡ giữa một người nam và một người nữ, là nói đến sự kết hợp chặt chẽ giữa hai người với nhau đã được chính tạo hoá xe kết. “Ngay từ khởi đầu công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt” (Mt 10,6-8).
Thứ hai, một khi hai người đã “trở thành một xương một thịt”, thì không có bất cứ quyền lực nhân loại nào có thể xoá bỏ được sự kết hợp ấy. Bởi vì “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
Sự ưng thuận tự do, qua đó đôi phối ngẫu tự trao hiến và tiếp nhận nhau, được chính Thiên Chúa đóng ấn. Từ hôn ước của họ phát sinh một định chế. Định chế này đã được chính Thiên Chúa ấn định và có giá trị trước mặt xã hội. Hôn ước được liên kết với giao ước Thiên Chúa ký kết với nhân loại: Tình yêu vợ chồng đích thực được hoà nhập trong tình yêu Thiên Chúa.
Dây hôn phối do chính Thiên Chúa liên kết, nên hôn nhân thành sự và hoàn hợp, giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ được tháo gỡ. Dây liên kết này là kết quả của việc hai người tự nguyện kết hôn và do sự hoàn hợp của hôn phối. Đây là một thực tại không thể đảo ngược, và trở thành một giao ước được Thiên Chúa trung tín bảo đảm. Hội Thánh không có quyền nói ngược lại sự an bài khôn ngoan của Thiên Chúa.[11]
Hôn nhân Công Giáo được nâng lên thành một trong bảy Bí tích thánh. Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái. Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng đặc biệt này cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Ngài ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để họ vác thập giá theo Ngài, để họ chỗi dậy mỗi khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, mang gánh nặng cho nhau, “phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21), và yêu thương nhau với một tình yêu siêu nhiên, tế nhị và phong phú. Trong khi họ vui hưởng tình yêu và cuộc sống gia đình, Ngài ban cho họ, ngay từ đời này, được nếm trước hạnh phúc Nước Trời.
Công đồng Vaticano II qua Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay đã xác định: Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung thủy này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng Tác Tạo Hôn Nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau.
   Hiến chế “Gaudium et Spes” số 48, và thông điệp về “Humanae Vitae” số 8, Giáo hội và Đức Phaolô VI cũng nhắc lại cho chúng ta rằng chính Thiên Chúa là Đấng thiết lập hôn nhân chứ không phải ai khác: “Hôn nhân không phải do ngẫu nhiên hay do sự biến hoá của các sức mạnh vô tri trong thiên nhiên tạo thành. Hôn nhân là do một sự sắp đặt khôn ngoan của Đấng tạo Hoá để thực hiện ý định yêu thương của Ngài giữa nhân loại”[12]. Khi cả hai đứng trước bàn thờ Chúa và với sự chứng giám của cộng đòan dân Chúa để kết hôn với nhau, để khởi đầu cuộc sống lứa đôi của mình với phép lành của Chúa và của giáo hội, thì tất nhiên điều ấy có nghĩ họ muốn bày tỏ tình yêu công khai không có gì gian dối và cùng thiết lập một hợp đồng, chúng ta trọn đời thương yêu và lo lắng cho nhau.
Theo Giáo luật điều 1056: “Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và sự bất khả phân ly, những đặc tính này có một sự bền vững đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo, vì có tính cách Bí tích”. Điều này có nghĩa là, hôn nhân Công Giáo buộc cặp vợ chồng phải sống chung thủy với nhau suốt đời và họ không được phép ly hôn để kết hôn với người khác. Nếu vì lý do đặc biệt, họ không thể sống chung cùng nhau thì chỉ được phép ly thân mà thôi. Giáo lý Công Giáo khuyên mọi người sống tiết dục (các bậc tu trì phải khấn khiết tịnh), cả trước, trong và sau hôn nhân để đảm bảo thủy chung suốt đời.
   Hiến chế “Gaudium et Spes” số 50 viết:
Hôn nhân và tình yêu gia đình tự bản tính quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài.
II. Ranh giới giữa tình bạn và tình yêu
     1. Hiện trạng lối sống thử trước hôn nhân
         Sống thử là một hiện tượng không còn mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ và ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Bên cạnh những ý kiến phản đối việc sống thử  thì cũng có không ít ý kiến đồng tình và cho rằng đó là điều cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Trong những năm gần đây tại Việt Nam, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp, họ sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật. Người ta gọi đó là “sống thử”. Hiện tượng “sống thử” hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung” đã và đang trở thành một thứ “mốt” trong lối sống của giới trẻ hiện nay, không chỉ trong giới công nhân sống xa nhà mà còn cả ở những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo thống kê của khoa xã hội học Đại học Mở TPHCM, năm 2010, có khoảng 1/3 các bạn trẻ sống thử trước hôn nhân.[13] Nhiều khhi “sống thử” đa phần là học đòi theo mốt chứ chưa có định hướng tương lai là có lấy nhau hay không.
    1.1. Ảnh hưởng văn hoá phương Tây
       Do ảnh hưởng từ cách mạng tình dục từ phương Tây tràn vào thời điểm đất nước Việt Nam mở cửa hội nhập văn hoá, xã hội, hợp tác giáo dục với các nước láng giềng trong khu vực và thế giới để phát triển kinh tế, theo một phúc trình của Bộ Y tế Việt Nam ngày 27 Tháng Ba năm 2013,[14] khoảng 44% thanh niên và vị thành niên ở Việt Nam chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Do mỗi cá thể khi tiếp cận với các phương tiện truyền thông đã chưa hiểu rõ về xấu tốt của nó, và cũng không tự chủ và kiểm soát được những ham muốn của chính mình, nó tự tìm ta và sau đó ta tự tìm kiếm nó một cách miệt mài và chăm chỉ: sách báo, tiểu thuyết đồi truỵ, những trang web đen là là địa chỉ khách không mời vẫn đến. Các phòng trà quán rượu, vũ trường cũng là những môi trường đưa các bạn trẻ độc thân cũng như người đã có gia đình vào chỗ tội lỗi. Đây là những môi trường băng hại, là hỏng cuộc đời những người trẻ, làm tan nát gia đình gây đổ vỡ đau thương cho bao nhiêu người. Trong không gian lãng mạn đầy cám dỗ này, có nhiều bạn trẻ vì tò mò “sống thử để biết”, và “sống thử vì thấy bạn bè mình có nhiều cặp cũng đang sống chung đấy thôi”. Cách suy nghĩ mang tính trào lưu này khiến các bạn trẻ dễ thả mình theo sống thử, không thấy hợp thì chia tay, không còn xem trọng việc hệ trọng cả đời là hôn nhân và gia đình.
          1.2. Lạm dụng tự do và thờ ơ với gia đình
Một số thanh thiếu niên vì mặc ảm tự ti, khi có bạn trai bạn gái thường dễ bị lôi cuốn vào cám dỗ tình dục. Các bạn trẻ cứ nghĩ rằng nhờ quan hệ tình dục mình sẽ có giá trị hơn, nhờ đó người yêu sẽ không bỏ mình để chạy theo người khác. Vì muốn được bạn bè chấp nhận, vì sợ bạn bè chê là quê mùa nên phải ăn mặc nói năng bắt trước những gì bạn làm, vì muốn chứng tỏ tình yêu của mình là yêu thật. Sự đòi hỏi của đối phương và sự trao ban thân xác cho nhau cũng là chứng tỏ cả hai đã lớn rồi, thậm trí cứ nghĩ rằng trước sau gì cũng là vợ chồng. Sống thử để khỏi bỡ ngỡ để kiểm nghiệm sự hoà hợp của hai thân xác; sự dâng hiến tình yêu có lý do thời đại này là vậy. Do đó, nhiều thanh niên xem quan hệ tình dục với người khác phái là chuyện qua đường, không cần phải suy nghĩ, đắn đo.
Về phía gia đình, cha mẹ sống không hạnh phúc, cãi vã thường xuyên, hoặc ngoại tình “ông ăn chả, bà ăn nem” khiến cho con cái không muốn nghĩ đến hôn nhân; mất lòng tin vào hôn nhân khi tới tuổi trưởng thành; ngược lại, coi hôn nhân như một sự ràng buộc, cùm kẹp, hoặc chỉ như cơ hội để người ta lợi dụng nhau. Không thấy được hôn nhân là điều thiêng liêng nhiệm mầu. Mặt khác, có gia đình cha mẹ không quan tâm đến đời sống và tình cảm của con mình, không động viên con cái sống lành mạnh, chỉ phó mặc cho nhà trường. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống thử” ở giới trẻ là do sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em, nhất là lúc các em đang tuổi cặp kè yêu đương, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ” [15]
      2. Nguyên nhân các bạn trẻ sống thử trước hôn nhân
          Các nhà tâm lý cho biết, sự đổ vỡ của gia đình có một ảnh hưởng lớn lao trên đời sống tình cảm của con em trong tuổi thanh thiếu niên. Sống trong gia đình đổ vỡ các em thiếu niên dễ đi đến chỗ quan  hệ tình dục sớm với bạn trai bạn gái một cách bừa bãi, thiếu hiểu biết. Về phương diện thể xác, ngày nay các em thanh thiếu niên dậy thì sớm hơn những thế hệ trước. Thứ đến, các em có bạn trai bạn gái quá sớm do đó ý thức quan hệ tình dục trước hôn nhân coi là tự nhiên, bình thường Tây phương người ta đã đi trước rồi, đó là quan niệm sai lầm.[16]
Với tuổi vào đời, thanh thiếu niên không được hướng dẫn theo tiêu chuẩn đạo đức đúng. Tại trường học, con em chúng ta được giáo dục về vấn đề tính dục, với mục đích để các em tránh bệnh tật và tránh có thai, nhưng người ta không dạy các em rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn thú là tội, là điều tuyệt đối phải tránh và điều đó để lại hậu quả xấu trong cuộc sống sau này. Không những học đường, xã hội mà ngay cả gia đình cũng không cung ứng cho các bạn trẻ một tiêu chuẩn sống tốt đẹp. Sự đổ vỡ gia đình đã khiến các em không có những người tốt để noi theo. Cha mẹ và những người lớn chung quanh các em có đời sống buông thả, tội lỗi.  Một số bạn không thích kết hôn khi sự nghiệp chưa vững vàng và càng không thể để “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Tư tưởng mạnh mẽ giúp họ cởi mở hơn trong quan niệm tình dục và không còn e dè dư luận xã hội trước kia. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TPHCM cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến giới trẻ sống trước hôn nhân là các bạn sống quá tự do, sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, sống buông thả”.[17] Hơn nữa, nhiều bạn đã tự nguyện sống thử, đặc biệt là các bạn nữ sinh viên và công nhân. Các bạn thích một cuộc sống hưởng thụ, phóng đãng, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo.
2.1. Sống buông thả ý thức về tính dục
Mặc dù chúng ta biết tình dục là một phần trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng sự xuyên tạc của nó trong thế giới đa dạng hôm nay rất dễ làm cho người ta nghĩ về tình dục hoàn toàn khác. Tình dục là sự thiện lành mạnh là những khía cạnh quan trọng trong hôn nhân nhưng cũng mong manh.[18] Sức hấp dẫn ban đầu giữa một người nam và một người nữ thường tràn đầy ý tưởng và cảm xúc liên quan đến tính dục. Trong khi các bạn trẻ đang ở giữa sự phấn khởi này, các bạn ngạc nhiên hơn vì được biết thêm rằng, mặc dù tình dục chắc chắn mang lại sự vui thích và thú vị, nhưng nó cũng có thể trở thành một vấn đề nan giải trong hôn nhân. Tình yêu và tình dục là hai mặt tồn tại song song cần thiết cho lứa đôi, tuy nhiên sự thiếu hiểu biết về tình dục và sự cám dỗ của nó cũng làm tổn hại đến hôn nhân. Thật ra không chỉ những người trẻ còn độc thân mà những người lớn tuổi còn độc thân hay người lớn tuổi đã có gia đình cũng thường phải đối diện với cám dỗ này hàng ngày.
Có giới tính và làm tình không giống nhau. Tình dục chỉ trở thành một hành động của tình yêu trong trường hợp nó liên kết với những hành động khác của tình yêu, mà nó đi trước và đi sau định chế tình yêu.[19] Trong xã hội phương Tây cũng như phương Đông ngày nay, khuynh hướng chung của nhiều nhiều người không xem trọng vấn đề đạo đức và luân lý. Những người không phải là vợ chồng sống chung với nhau cũng không bị dư luận lên án gắt gao như xưa và người trong cuộc nhiều khi cũng không xem đó là tội. Người ta thượng ví tình dục giữa nam và nữ như ngọn lửa. Lửa có thể giúp ích và sưởi ấm trong nhà nhưng nếu dùng sai chỗ, nó sẽ làm cho nhà cháy tan. Nếu chúng ta dùng lửa một cách bừa bãi, lửa sẽ làm tổn hại và tiêu huỷ cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta đứng trước cám dỗ tình dục, một số bạn trẻ thường nghĩ: sự kết hợp thể xác sẽ khiến mình yêu nhau nhiều hơn và gắn bó với nhau hơn. Điều này chỉ đúng trong hôn nhân, giữa vợ và chồng. Tình dục nam nữ đúng chỗ là tình dục trong hôn nhân. Nếu chúng ta sử dụng món quà này ngoài hôn nhân hay trước hôn nhân, chúng ta sẽ không tránh được những hậu quả. Có người nói rằng: trong Kinh Thánh không có chỗ nào cấm rõ ràng vấn đề tình dục trước hôn nhân, vì thế điều đó không nhất thiết là tội. Người nói như thế là chưa hiểu rõ lời Chúa dạy: Tình dục là món quà Chúa dành cho hôn nhân, để ràng buộc và củng cố tình yêu giữa vợ và chồng. tình dục ngoài hôn nhân, dù dưới hình thức nào, cũng là một điều ghê tởm mà chúng ta phải tránh xa.[20]
          2.2. Tình yêu tốc độ
            "Yêu nhanh sống gấp", một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu “rất hiện đại” hay còn gọi “tình yêu tốc độ”, rằng yêu thì cần "hết mình". Họ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn mà không cần phải suy tính cho tương lai. Họ thích một cuộc sống hưởng thụ, không cần tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, không coi trọng giá trị của đời sống gia đình. Do đến với nhau chỉ vì tò mò, vì tiết kiệm, vì người khác sống thử thì mình cũng sống thử và chỉ để thỏa mãn dục vọng nhất thời. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Giám đốc Trung tâm sức khỏe phụ nữ và gia đình, khái quát: "Không phải bạn trẻ nào cũng thích sống thử, nhưng nhìn chung tâm lý của giới trẻ bao giờ cũng thích thử". Câu nói “Yêu chỉ để thay đổi không khí" hay”giải quyết sinh lý" đã trở thành câu cửa miệng của không ít thanh niên. Sự phóng khoáng vượt rào này trong tư tưởng lời nói đã làm mất đi nét đẹp trong tình yêu đôi lứa. Nhiều bạn trẻ dễ dãi, cho rằng việc yêu nhanh sống vội, quan hệ tình dục và "sống thử" đó là bình thường, họ suy nghĩ đơn giản rằng chỉ là "thử" thì sẽ không gây hậu quả gì. Một số khác thì sống thử chỉ vì a dua theo bạn bè, vì tò mò "sống thử để biết vì thấy bạn bè mình có nhiều cặp cũng đang sống chung". Cách suy nghĩ mang tính trào lưu này khiến các bạn trẻ dễ thả mình theo sống thử, không thấy hợp thì chia tay, không còn xem trọng việc hệ trọng cả đời là hôn nhân và gia đình. [21]
      3. Hậu quả của việc sống thử trước hôn nhân
            “Sống thử” mang lại nhiều khó khăn hơn những gì người ta tưởng tượng về nó, và thực sự, trong cuộc sống “thử” người ta cũng ít có trách nhiệm với nhau hơn. “Sống thử” là một cuộc sống không lâu bền vì hầu hết sau một thời gian sống chung tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau, nhất là những cặp sinh viên.“Sống thử” còn phải mang theo nỗi lo học hành, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thì càng bức bối. “Sống thử” rất bấp bênh, thiếu một mục đích cụ thể, do vậy khi gặp khó khăn, mâu thuẫn đáng ra có thể giải quyết được, thì hai người lại dễ buông xuôi và tan vỡ. Tâm lý “không hợp thì bỏ” khiến nhiều bạn trẻ thiếu trách nhiệm với bản thân, người yêu và tình yêu của mình, “cả thèm chóng chán” và mối quan hệ trở nên nhạt dần. Cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên nhàm chán nhanh chóng nếu cả hai không nhận thấy trách nhiệm phải vun đắp cho mối quan hệ thì tất yếu là không vững bền. Hơn nữa, vì chỉ có hai người coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho “vợ chồng” này khi gặp những khó khăn, trục trặc nhỏ trong tình cảm để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn; chẳng có ai bảo vệ “gia đình” này khi có kẻ thứ ba dòm ngó. Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn trẻ không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp.
Tâm của con người thì không vững chắc và thay đổi liên tục. Bất cứ hành động bất chính hay lố lăng nào cũng có thể gây ra sự nguy hại cho mỗi bên nếu cuộc hôn nhân chính thức không được diễn ra theo mong muốn. Rồi nhiều chuyện không mong muốn xảy ra như nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân thực sự của các bạn sau này. “Sống thử” làm cho hai người biết quá rõ về nhau, nhàm chán và đơn điệu, chưa kể đến vấn đề “cơm áo gạo tiền”, những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày là điều không thể tránh khỏi. Khi các bạn chưa thực sự là của nhau thì việc chia tay là hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, đám cưới chỉ là hình thức nhưng giấy tờ hôn thú là sự ràng buộc về giáo luật và pháp luật, đó là kết quả của một tình yêu chín muồi. Khi sống thật, các bạn trẻ sẽ sống có trách nhiệm hơn, yêu và tôn trọng nhau hơn. Chẳng hạn, một cuộc nghiên cứu của Trung tâm Hôn nhân và Gia đình tại trường Đại học Crieghton (Mỹ) cho biết : những đôi bạn sống chung trước khi thành hôn thường phải chịu đau buồn khốn khổ nhiều hơn bởi cách sống ấy, và cuối cùng dẫn tới tình trạng không ổn định trong đời sống vợ chồng. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những người đã chung sống trước hôn nhân như thế lại có khuynh hướng “cãi nhau liên miên” ngay sau ngày cưới.[22]
          3.1. Rủi ro cho cá nhân và đau khổ cho gia đình
 Phần lớn các cặp sống thử không lường trước (hoặc có lường trước nhưng không thể tránh khỏi) những hậu quả để lại nên sau khi tan vỡ, hậu quả phần lớn thuộc về các bạn nữ. Về sức khỏe, họ có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như AIDSgiang mai... các viêm nhiễm đường sinh sản, nạo thai dẫn đến tai biến như vô sinhung thư... Về tâm lý, sau cú sốc họ sẽ trở nên chai sạn, mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân. Nhiều người khác thì trở nên buông thả, vì không còn trinh tiết để giữ gìn nữa nên họ sẵn sàng quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người khác.
          Sống thử ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa, đạo đức của người Việt; sẽ gây hậu quả về sức khỏe, tâm lý, kết quả học tập, đôi khi khá nặng nề, nhất là đối với nữ. Khảo sát ở Đại Đại học Y dược Thái nguyên,[23] 100% sinh viên sống thử có quan hệ tình dục, nhưng chỉ có 48% có sử dụng biện pháp tránh thai. Khi có thai 43% chọn giải pháp nạo phá thai, chỉ có 36% sẽ cưới. Thậm chí nhiều trường hợp chàng trai sẽ “bỏ của chạy lấy người”, tìm cách bỏ rơi bạn gái và cái thai. Ngay cả khi có sử dụng các biện pháp an toàn tình dục thì khả năng rủi ro mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, các viêm nhiễm đường sinh sản, mang thai ngoài ý muốn vẫn hiện hữu. Hoặc việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp tuy có hiệu quả trước mắt nhưng sẽ để lại nhiều di chứng lâu dài, khiến niêm mạc tử cung bị teo lại, trứng không làm tổ được, dẫn tới mang thai ngoài dạ convô sinh.
Theo Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới. Đáng chú ý hơn là vị thành niên, thanh niên chiếm 22% số vụ nạo phá thai và đang có xu hướng tăng. Thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, trong hơn 5.000 ca nạo phá thai mỗi năm có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số phụ nữ dưới 20 tuổi nạo phá thai chiếm khoảng 18%. Vì sống không hôn thú nên khi đối mặt với những cực khổ, nhọc nhằn, mấy anh chồng hờ bỏ đi, để lại người vợ không có giá trị về mặt pháp lý phải cực nhọc vừa làm việc vừa nuôi con nhỏ, còn đứa trẻ sẽ phải lớn lên mà không có cha. Quen nhanh yêu vội, tình cảm không sâu đậm nên sống thử được một thời gian là những mối tình công nhân phần lớn đều tan vỡ.[24]
          3.2. Di chứng để lại cho xã hội
Một khi “sống thử” tan vỡ, bạn nữ chịu thiệt thòi đã đành, bạn nam cũng không phải không bị ảnh hưởng, mất mát về thời gian, sức khoẻ, tiền bạc, mất mát nhiều cơ hội trong cuộc sống… chia đều cho cả hai bên. Nhiều bạn gái gặp bế tắc sau khi “sống thử” đã tự tử. Tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam gia tăng rất nhanh và hiện là một nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đóng góp không nhỏ là việc “sống thử” của các bạn trẻ. Họ còn chưa đủ tiềm lực về kinh tế, nhận thức về trách nhiệm và hậu quả còn nông cạn, thường cho rằng hiện đại là phải “sống thử.”[25] “Sống thử” nhưng chia tay là thật, theo thống kê từ Bộ tư pháp Mỹ cho thấy trong vòng 15 năm qua, 86% các cuộc “sống thử” đã kết thúc bằng chia tay. Tiếp tục theo dõi 14% tiến đến hôn nhân thì tỷ lệ ly dị của những đôi này lại cao hơn những cặp trước đó đã ra sống riêng. Vì thế, có thể khẳng định “sống thử” không thể là bước đệm cho một cuộc hôn nhân bền vững. Những cặp chung sống gần như vợ chồng đã trải qua kinh nghiệm đau khổ như bị ngược đãi hay phản bội nhau mà hoàn toàn không nhận được sự trợ giúp nào từ gia đình đôi bên. Phụ nữ sống chung với bạn trai hay bị đánh đập vào những lần cãi vã, trong lúc. Những cặp khác, có con chung, không giáo dục nổi con họ vì họ không cảm nhận được ràng buộc thiêng liêng của vợ chồng thực thụ.
III. Đôi bạn hôm nay, đôi bạn ngày mai
      1. Tình bạn trong hôn nhân
“Bất ngờ” có lẽ bạn trẻ nào cũng gặp khi bước vào đời sống hôn nhân. Nhưng nó dành cho những đôi bạn hạnh phúc nhất là những đôi bạn nắm bắt được bí quyết xây dựng tình yêu đích thực dựa trên hai yếu tố chính là “tình bạn và sự lãng mạn”. Ông bà ta đã có lý gọi hôn nhân là một sự kết bạn, thay vì lấy nhau người ta bảo hai người kết bạn với nhau. Quả vậy, tình bạn là điều cần thiết trong nguyên liệu làm nên tình yêu đích thực. Một tình bạn đích thực trong hôn nhân là sự cam kết của hai người với nhau, nhằm thực hiện những ước tính, mục đích và giá trị mà hai người đeo đuổi.[26] Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhận ra một người nào đó yêu thương và cố gắng mong muốn đem lại hạnh phúc mỗi ngày cho chúng ta. Đây là điều kiện để cho tình bạn hiện hữu. Sự chân thật trong tình bạn, sự thẳng thắn và luôn nghĩ đến quyền lợi cho người bạn trong tình yêu và sự hỗ tương của hai người và mỗi người đểu nhận biết rằng mình được người kia yêu thương chứ không phải là hình thức. Tình bạn trong hôn nhân là một tình yêu thanh cao và thánh thiện, nó là vật liệu cần thiết cho tình yêu vợ chồng đích thực. Tuy nhiên, không có đam mê, lãng mạn hay dục tình thì không có tình yêu đích thực. Tuy nhiên, nếu đam mê và lãng mạn không được hướng dẫn và kiễm soát bởi tình bạn, nó sẽ đóng khung hai người phối ngẫu này như một lời nguyền.
          1.1 Hoài bão và thực tế
Lời nói chưa chắc làm cho người khác đau khổ, nhưng cách nói mới làm cho tổn thương.[27] Ngược lại những lời phê bình xác thực giúp chúng ta giữ được ánh sáng của tình yêu sống động. Tình yêu nồng thắm trong thời gian đầu sau ngày thành hôn không phải là một bằng chứng của sự vững bền. Giữa những lời mời gọi có tính vững bền trong hôn nhân cả hai cần phải chuẩn bị những giai đoạn trưởng thành hơn trong đời sống chung, sự kết nối giữa hai bạn trong hôn nhân trách nhiệm trong giai đoạn đầu là đi từ cái ‘tôi” đến cái chúng ta. Giai đoạn kế tiếp là trở thành trụ cột trong gia đình là cha là mẹ của những đứa con là những thành viên mới trong hệ thống gia đình. Trở nên đôi bạn đời hàm nghĩa một tiến trình dài lâu. Trong đó, người ta phải chấp nhận và đảm nhận cách khiêm tốn sự nghèo nàn của nhau chưa hoàn hảo, thường có những giới hạn, có khi bị sa ngã và thoái hoá. Không một ai là hoàn thiện. Mối nguy hiểm của việc suy nghĩ về bạn đời của bạn là “làm vì bạn”, điều đó làm cho bạn chối bỏ thực tế, và có thể ngăn cản việc thích nghi với đời sống vợ chồng.[28] Sự hoán chuyển vai trò từ người bạn đến người yêu và đi đến nét đẹp là thành người vợ, người chồng trong tiến trình tự nhiên sẽ lắm niềm vui và sự ngỡ ngàng; đây cũng là thời điểm cả hai nhận ra cái chung cần phải thăng tiến và cùng nhau đáp trả một cách chân tình để xây dựng một gia đình mới. Các bạn cũng cần phải tham gia vào những đam mê riêng của nhau để hiểu nhau, thông cảm để vui hưởng sự sản khoái trong cái riêng của nhau và hạnh phúc trong cái chung của một gia đình.
          1.2 Thông giao khám phá sự khác biệt
            “Biết mình - để người khác biết mình - biết người”. Những cuộc tranh luận, đơn giản chỉ là những cơ hội, trong đó cái tôi của mỗi người phối ngẫu giáp mặt nhau. Một hôn nhân mà không có những cuộc tranh luận, có thể là một hôn nhân vắng bóng hai người.[29] Việc xây dựng mối tương quan vợ chồng trung thành, yêu thương và mạnh mẽ là một tiến trình từ từ, thận trọng nhưng lại đầy hứng thú, có thể được so sánh như hai con nhím nằm cạnh nhau. Nếu nằm xa qua chúng sẽ lạnh, trái lại gần nhau quá, những cái lông nhọn sẽ đâm vào làm tổn thương nhau. Người ta có thể đón nhận sự khác biệt của nhau bởi vì, cùng với sự khám phá và kinh nghiệm tha nhân hoàn toàn khác biệt với ta, đón nhận khác biệt còn giúp ta khám phá và kinh nghiệm được tha nhân cũng tương đồng cơ bản với ta. Chính nhờ sự dị biệt mà sự tương đồng trở nên ít hiển lộ, bớt tầm thường đi, mặc lấy một độ dầy hơn.
  Thiên Chúa ban cho mỗi người hai cái tai và chỉ một cái miệng, bởi vì chúng ta cần phải nghe nhiều hơn nói.[30] Đôi bạn ngoài sự khác biệt căn bản về giới tính, còn có muôn dị biệt khác: về môi trường xã hội, gia đình, tôn giáo, mà mỗi người đã từng sống trước đó, khác biệt về nhân cách, tâm lý, văn hoá. Văn hoá ở đây không chỉ về nền giáo dục chính thức cho bằng muốn nói tới cái hành trang những ý tưởng mang theo, trong đó có những ý tưởng về cách sống đời đôi bạn. Do đó, đón nhận sự khác biệt đòi hỏi một cuộc hành trình dài và nhiều khó khăn, từ chỗ khám phá và chối từ những khác biệt về tính cách dị biệt của người bạn đời kia, dần chuyển qua nhìn nhận, chấp nhận và đón nhận sự khác biệt ấy như một ân ban, thậm chí khát khao người bạn vì nhìn nhận người ấy khác với mình, khác biệt làm cho phong phú, khát biệt thật diệu kỳ, và bởi nhận ra rằng mình giới hạn và những tiềm năng của mình được giải phóng. Sự khác biệt và tương đồng thoạt trông có vẻ đối nghịch nhau, bất đồng thuận. Thế nhưng, càng tập chung chú ý suy nghĩ ta càng thấy chúng có thể tồn tại với nhau. Tha nhân khác biệt tôi sâu xa, nhưng cũng giống tôi cách sâu xa. Ta có thể kinh nghiệm cùng lúc hai thực tại này một cách nào đó, người yêu của tôi vừa khác lại vừa giống tôi.
      2. Hôn nhân một giao ước trung thành mãi mãi
Lòng trung thành trong hôn nhân không chỉ giới hạn vào vấn đề sống chung với nhau như là chính mục đích của nó. Tự điển di sản của Mỹ định nghĩa “sức sống là sự phân biệt giữa “sinh động” và “không sinh động”, một năng lực, sức mạnh, hoặc khả năng để lớn lên và phát triển đây là một ý niệm quan trọng trong hôn nhân.[31] Một sự trung thành trong tin tưởng và hân hoan cùng với khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là điều cần phải có. Vì không có trung thành và tin tưởng những việc ta đảm nhận không phát huy được. Một người mà thiếu trung thành và tin tưởng, xét cho cùng, cũng không có niềm hy vọng vào tương lai. Sự trung thành nơi đôi bạn sẽ phải là trung thành trong tin tưởng và vui tươi, tin tưởng vào tương lai chung, tin vào người bạn mình hoàn toàn và tin vào cả những khả năng có thể phát huy lớn dần đến sự trung thành của bản thân và của người bạn mình.
Khiết tịnh trong bậc hôn nhân cũng là một nhân đức điểm tô đời sống hạnh phúc của đôi bạn. Khiết tịnh không có nghĩa là từ chối ân ái nhau, nhưng yêu thương và thấu hiểu nhau hơn. Khiết tịnh trong hôn nhân là thi hành nghĩa cử để đón nhận hoa trái của một tình yêu thực sự, trong sự tôn trọng lẫn nhau, biết ơn nhau, chia sẻ với nhau mọi thành công thất bại, mọi vui buồn trong cuộc sống và biết dùng thời gian thích hợp để hai người thuộc về nhau trọn vẹn.[32]
2.1. Trung thành và tự do
Như mọi tiềm năng còn người cần thời gian để chín, sự hiệp thông cũng đòi hỏi thời gian để thực hiện. Thế nhưng với thời gian, sự quan tâm chăm sóc nhau có thể bị suy yếu đi, không còn nhiều khả năng bị bất ngờ bởi những cái mới mẻ và tò mò như xưa, cái thường nhật trở thành đều đặn, máy móc, cũ mòn, vô cảm, sự trung thành của đôi lứa rơi vào trạng thái “mất cảm giác” nặng nề. Đời sống là thế, đối với ai cũng vậy. Nhưng sự trung thành vẫn tiếp tục là câu trả lời khả dĩ nhất.
Trung thành có thể bao gồm một số những thách đố cho người bạn đời. chúng ta có quyền yêu cầu sự  nâng đỡ và ủi an từ người chồng hay người vợ.[33] Một sự trung thành tự do và đem đến giải thoát. Tin tưởng cũng là bầu khí cho sự trung thành và tự do được nở hoa. Sự trung thành đích thực nhất đối với tình yêu, một tình yêu tự do và chỉ sống trong tự do, chính nó cũng phải tự cũng phải tự do và muốn người bạn mình cũng tự do trong sự chung thuỷ như vậy. Tự do chính là ván cờ cuối cùng, là yếu tính đích thực của vấn đề hiện sinh. Vì nó có thể tạo nên bầu khí thuận lợi và tương quan khi ta sợ có sự đối kháng giữa tự do và trung thành trong hôn nhân. Sự trung thành tỉnh táo và tích cực là một thái độ nội tâm được thể hiện ra qua những hành vi sáng kiến cụ thể. Ai trung thành thì không ngừng để ý chăm sóc đến mình và bạn mình, và đến mối quan hệ. Ai trung thành trong cái thường ngày thì sẵn sàng trung thành ngay cả trong những lúc phải chọn lựa, dù riêng hay chung, trong những biến cố đau thương cũng như trong khủng hoảng.
         2.2. Hôn nhân một lý tưởng cao đẹp
            “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đó là một hình ảnh gần gũi, dễ thương và nhiều ý nghĩa nhất. Một tình yêu với dự phóng trong hôn nhân là chuyện hệ trọng, liên quan đến hạnh phúc cả đời người. “Kinh nghiệm cho thấy rằng những bạn trẻ nào được chuẩn bị chu đáo cho đời sống hôn nhân và gia đình, cách chung, sẽ thành công hơn các bạn khác. Một hôn nhân đầy sức sống kéo dài suốt cuộc đời là một công trình nghệ thuật vĩ đại. Sự hoà hợp của nó đạt tới lời hứa và vẻ đẹp tuyệt vời.[34] Lòng tin tưởng khâm phục nhau và tình yêu sâu xa tăng trưởng liên tục từng ngày giống như sự di chuyển của một tảng băng nhắm tới biển cả. Ý nghĩa của đại danh từ “chúng ta” hay ý niệm hai thành một bây giờ được hai vợ chồng thật trọn vẹn bằng chính sự kết hợp của họ trong từng ngày từng phút từng giây trong thực tại của một gia đình.
 Hôn nhân là một cuộc hành trình đi lên hơn là một điểm đến như bạn nghĩ trong ngày cưới. Một trong những nhận thức quan trọng nhất của đôi bạn là biết rằng, vợ chồng phải “tiếp tục làm việc” trong hôn nhân từ ngày này sang ngày khác, và sự tồn tại của hôn nhân như một mối tương quan sống động tuỳ thuộc vào việc chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày của chính hai người. Việc chia sẻ những khó khăn cả hai cảm nhận được trong sự nương tựa tuỳ thuộc vào nhau mà những người bên ngoài không bao nhìn được sự phong phú trọn vẹn và tròn đầy của nó. Vợ chồng trở nên bất khả phân ly nghĩa là cả hai cùng tăng trưởng với nhau trên một con đường, và ngay cả một ai đó cho họ khả năng xa lìa, họ vẫn chỉ chọn ở lại với nhau. Hôn nhân là một sự bảo đảm an toàn cho cuộc sống lứa đôi, nhưng nó còn có một công trình đòi hỏi nhiều hơn sự cố gắng và nỗ lực bản thân.[35] Bởi vì, đó là công trình của một đời người. Tình yêu lứa đôi mang lại cho con người những thoả mãn không thể có được trong cuộc sống khác. Một mái ấm gia đình, những giây phút thư giãn không đâu có được sau một ngày làm việc, những tiện nghi mà cuộc sống gia đình mang lại đó là một người vợ hiền, những đứa con thơ. Gia đình là vườn hoa ấm áp sau những áp lực của một xã hội công nghiệp luôn bận rộn bôn ba tấp nập đầy dãy bon chen, tranh chấp, ích kỷ...

      3. Hoa trái của đời sống chung thuỷ trong hôn nhân
Tình yêu làm cho sinh hoa trái. Tình yêu bao giờ cũng đem lại sự sống. Tình yêu vợ chồng “không kết thúc với đôi bạn… Đôi bạn, trong việc trao hiến mình cho nhau, không chỉ hiến  mình mà còn đem lại thực tại con cái, là những phản ánh sống động của tình yêu của đôi bạn, là dấu chỉ thường hằng của sự hợp nhất vợ chồng và là tổng hợp sống động và bất khả phân ly. Đôi bạn học được cách biết sống cho nhau vì nhau một cách sâu sắc và ý nghĩa của bậc sống của người cha người mẹ cùng các hoa trái mà cả hai đã vun xới trong tình yêu.
Hạnh phúc con người nói chung và hạnh phúc hôn nhân gia đình nói riêng tuyệt đối không phải là một món quà tặng được cho không và chỉ giơ tay đón nhận. Mọi hạnh phúc của cuộc sống đòi hỏi khắt khe nơi mỗi người chúng ta sự nỗ lực cá nhân trường kỳ và cam co. Vì thế, chỉ những ai không sợ gai nhọn và can đảm dám chui vào bụi gai hồng cuộc đời, thì mới hái được bông hoa hồng hạnh phúc thơm ngát và đẹp tươi. Điều đó muốn khẳng định rằng: để có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, cả hai đều phải ý thức được những đòi hỏi khó khăn của nó và chính bản thân đôi bạn phải nỗ lực hết mình để thoả mãn được những đòi hỏi ấy. Nghiên cứu của đại học Tây Bắc Hoa Kỳ cho thấy rằng: những người yêu nhau mà có tính chuyện “ăn đời ở kiếp” với nhau thì sẽ thoả mãn các mối quan hệ nhiều hơn, nếu họ tin có một người sẽ luôn hiện diện bên cạnh động viên nâng đỡ.
3.1. Kiểm soát tương lai của mỗi cá thể
            Hành trình của một người độc thân trong cuộc lữ hành trần thế chắc chắn phải khác hẳn với sứ mệnh của đôi bạn trong đời sống hôn nhân. Trước khi bạn biết yêu mình, biết thế nào là tình bằng hữu, tình yêu lứa đôi, tình yêu lãng mạn… thì bạn đã được sinh ra, được nuôi dưỡng, và cảm nhận tình yêu của gia đình trước hết.[36] Một trong những điểm yếu nhất của xã hội ngày hôm nay là muốn chuẩn bị cho chúng ta trở nên những con người có khả năng tranh tài nhưng lại không chỉ cho chúng ta làm sao để trở nên những người độ lượng và khiêm tốn. Chúng ta học biết chiến thắng ngay từ thời niên thiếu, nhưng chúng ta lại quên bài học làm sao để trở thành người thắng trận và thua trận tốt.
Hai nhà nghiên cứu mới đây, Betty Carter và Monica McGoldrich đã nói về việc trưởng thành bản thân và sự kết nối trong hôn nhân như sau.[37] Qua từng giai đoạn khởi đầu hôn nhân, với nhiều điều bỡ ngỡ cần điều chỉnh và suy xét, đôi bạn phải chuẩn bị nhiều thứ cần thiết cho đời sống chung và hoạch định tương lai cho một cộng đồng lâu dài và bền vững. Vì hôn nhân là một tương quan sống động và sôi nổi. Nếu nó được xây dựng trên một tình yêu sâu sa và lành mạnh, thì không những bạn sẽ khoan dung với những thay đổi ấy mà còn đón nhận chúng. Đây chính là cánh cửa của tình yêu được mở ra trong tâm thức của hôn nhân, một vườn hoa yên tĩnh ấm áp, sưởi ấm mỗi khi đông về; khi mà xã hội ngày càng gay gắt và oi bức bởi những bon chen, ích kỷ của cuộc sống. Thì hôn nhân và gia đình là nơi giúp cho đôi bạn biết kiểm soát tương lai cho chính mình và cho nhau.
Các bạn không nên xem những nhịp độ thay đổi khác nhau trong cuộc sống lứa đôi là một vấn đề khó khăn. Vì ở đâu có sự tôn trọng lẫn nhau, thì ở đó sẽ giúp cho người kia đạt tới sự tăng trưởng cá nhân tốt hơn. Chính vì thế, cho dù các bạn đã được rèn luyện và giáo dục để sống trong thế giới bon chen này, nhưng các bạn cũng biết rằng khuôn mẫu ấy cần phải được thay đổi để có thể mang lại thành công trong khung cảnh hợp tác cần có hôn nhân, trong đó sự tin tưởng nhau, khám phá chính mình, phận vụ làm cha làm mẹ là đầu tàu của đời sống tình yêu phải là chương trình sống mỗi ngày của đôi bạn. Tình yêu hôn nhân và gia đình vừa tuyệt vời, vừa thú vị và tràn đầy niềm vui, đồng thời cũng không thiếu những thách đố. Vì vậy, Hôn nhân và tương lai mỗi cá thể phải gắn liền với nhau.[38]
          3.2. Nghệ thuật sống cho nhau và vì nhau
Sự phụ thuộc vào nhau, điều đó cho thấy các bạn đã sẵn sàng đón nhận một trách nhiệm nặng nề đang nằm phía trước. Các bạn mất đi một số quyền độc lập và các bạn lại có được những thái độ và lối sống phụ thuộc vào nhau. Bước vào đời sống hôn nhân với một sức sống năng lực cá nhân của mỗi người, lúc đó đôi bạn mới phát triển mối quan hệ hỗ tương một cách trọn vẹn, làm nổi bật những khả năng, và bổ túc một số lãnh vực yếu kém của mỗi bên.[39]
Bạn sẽ biết chọn lựa cử chỉ yêu thương phù hợp với đôi bạn, với gia đình nhỏ diệu kỳ bằng tấ cả nỗ lực để hiểu thấu lòng nhau, bạn sẽ phải biết so dây lòng mình với dây lòng người khác trong mọi hoàn cảnh, biết uyển chuyển linh động làm cho cuộc sống tràn tròn đầy ý nghĩa, và qua đó bạn sẽ biết gỡ mình ra khỏi những xung đột, bổ túc cho nhau và làm cho cuộc sống phong phú hơn.[40] Trong hôn nhân, mỗi người đều mang theo sức mạnh và sự yếu đuối nào đó, cũng như một tiềm lực lớn lao có thể đưa đến thành công hay thất bại. Hôn nhân được xem như một trường học của tình yêu và sự thân mật, chia sẻ những hy vọng và những ước mơ. Đôi bạn học biết cách nhìn thế giới qua cặp mắt của người khác bằng chính đôi mắt của mình. Thực hiện sự tăng trưởng này trong cảm thông đòi hỏi phải có một tâm thức cởi mở và biết tôn trọng những nhận xét và lối giải thích của người khác. Một chiều kích khác của tình yêu là cảm xúc và tâm lý. [41] Đôi bạn cùng lớn lên qua việc quan tâm đến nhau và nâng đỡ nhau trong những nhu cầu tâm lý sâu xa nhất, trở nên những người bạn tốt của nhau, biết rõ những sợ hãi và những yếu điểm nhất của nhau. Nghệ thuật sống cho nhau vì nhau đương nhiên cũng bao gồm nghệ thuật cư xử giữa vợ chồng với nhau trong cuộc sống gia đình; bằng sự trải nghiệm của chính đôi bạn. Hai bạn sẽ tổng kết thành nghệ thuật giải quyết lối sống cho chính mình. Khi hai người bạn đời sống với nhau, muốn cuộc sống hôn nhân ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn hãy tự hỏi mình mỗi khi mình có thời gian nghĩ về gia đình.
KẾT LUẬN
“Yêu là trao ban, suy nghĩ, ước muốn và hành động”.[42] Tình dục là món quà Thiên Chúa dành cho hôn nhân, để ràng buộc và củng cố tình yêu giữa vợ và chồng. “Sống thử” ngoài hôn nhân, dù dưới hình thức nào, cũng là một điều không nên phạm vào mà chúng ta phải tránh xa. Sống thử trước hôn nhân sẽ giết chết lòng yêu thích những điều thiêng liêng cao đẹp trong tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta dần dần khô héo và chết đi. Khi đứng trước cám dỗ tình dục, một số bạn trẻ thường nghĩ: sự kết hợp thể xác khiến mình yêu nhau hơn và gắn bó với nhau hơn. Điều này chỉ đúng trong hôn nhân, giữa vợ và chồng.
“Cho đi thì tốt hơn là nhận”. Đây không phải là một hành động dễ thực hiện. Cũng không phải cho tốt hơn nhận, bởi vì trong việc trao ban, chúng ta vượt khỏi giới hạn chính mình, cung cấp cho người khác sự hiểu biết tốt đẹp và phong phú hơn về tầm quan trọng của họ. Chúng ta xây dựng một con người khác, và chẳng có gì tốt đẹp hơn là hành động này. Nghĩa cử trao ban chính mình không thể hiểu theo văn hoá vật chất của thời đại chúng ta. Vì trao ban còn có một đặc điểm thiêng liêng. Khi các bạn trao ban tình yêu cho nhau trong hôn nhân, là các bạn làm nổi bật ý thức về phẩm cách và giá trị riêng của người mình yêu. Bạn củng cố sự tốt lành, kín múc chân lý vẻ đẹp nơi người ấy.
Khi bạn yêu một người, là bạn tự đặt mình vào chỗ sâu kín nhất của mọi biến đổi trong con người ấy. Thế giới của bạn thay đổi từ vũ trụ riêng tư thành một vũ trụ biết chia sẻ, trong đó bạn  mở rộng chính mình cho tình yêu của một người khác. Khi đôi bạn yêu nhau, một tình yêu trong sáng, tôn trọng, biết lắng nghe, biết chia sẻ, và không còn gì là riêng tư nữa; họ có một tâm tình, một ý muốn và một cách nhìn. Họ tuy hai mà một, từ một tạo ra hai. Thiên Chúa đã tạo nên người phụ nữ đầu tiên từ xương sườn của người đàn ông chứ không lấy ở chỗ khác để người đàn bà bầu bạn với đàn ông, để sống với nhau ngang hàng và phải biết yêu thương nhau. Chính vì thế, tình yêu trong hôn nhân là vô cùng cần thiết, là một chiếc áo vạn năng, che khuất cả xấu xa khuyết điểm và tô đẹp cho đời sống lứa đôi. Tình yêu trong hôn nhân là một năng lực vững bền luôn đi trước hai người, người này hướng đến người kia. Là một cuộc hành trình của con tim kéo dài suốt cả cuộc đời. Để đón nhận hôn nhân gia đình như một thực tại trong suốt, lành mạnh, thánh thiện, chúng ta cần thoát ra khỏi mọi lớp ảo tưởng bao quanh cái vẻ đẹp giả tạo của chủ nghĩa hôn nhân cực đoan. Hôn nhân cũng giống như khu vườn, nếu chúng ta chăm sóc nó, nó sẽ mang đến những bông hoa thơm ngát, còn ngược lại cỏ dại sẽ mọc đầy lấp cả lối đi về.


[1] Xc. Nguyễn Đình Nhơn. Những góc khuất trong tình yêu hôn nhân gia đình, Nxb Phương Đông, 2006, tr 112.
[2] Xc Nguyễn Tiến – Quốc Tuấn. Nguyên lý và thực hành luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nxb Thống kê, 1998, tr 14.
[3] Xc. Nguyễn Hữu Thy. Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công giáo. Nxb TTMVCGVN, Giáo phận Trier, CHLB Đức, 2012, tr 12.
[4] Xc. Equipes Notre Dame. Tình yêu hôn nhân. Chuyển ngữ, lm Nguyễn Anh Tuấn. Nxb Phương Đông, 2008, tr 144.
[5] Nguyễn Hữu Thy. Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công giáo. Nxb TTMVCGVN, Giáo phận Trier, CHLB Đức, 2012, tr 80.
[6] Xc. Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hoa. Các chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam xưa và nay. Nxb Tổng hợp TPHCM, 2012, tr 20.
[7] Xc Ibid, tr 26 - 40.
[8] Xc. Ibid, tr 52.
[9] Xc Ibid, 176.
[10] Nguyễn Hữu Thy. Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công giáo. Nxb TTMVCGVN, Giáo phận Trier, CHLB Đức, 2012, tr 165.
[11] http://www.simonhoadalat.com. Truy cập ngày  7/ 9/ 2016. 
[12] Trung tâm thần học Sedes sapientiae, Quê hương tôi có truyện trầu cau, 2013, tr 32.
[13] http://TGPSaigon.net. Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay, Truy cập ngày 16/6/2016.  
[14] http://vi.wikipedia.org/wiki/Sống_thử. Truy cập ngày 16/6/2016. 
[15] http://TGPSaigon.net. Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay. Truy cập ngày 16/9/2016. 
[16] Xc. Nguyễn Đình Nhơn. Những góc khuất trong tình yêu hôn nhân gia đình, Nxb Phương Đông, 2006, tr  214.
[17] Xc. http://TGPSaigon.net. Vấn đề Sống thử” của giới trẻ ngày nay. Truy cập ngày 16/9/2016. 
[18] Xc. Equipes Notre, - Dame. Tình yêu hôn nhân. Chuyển ngữ, lm Nguyễn Anh Tuấn. Nxb Phương Đông,   2008, tr 47.
[19] Xc. John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 100.
[20] Xc. Nguyễn Đình Nhơn. Những góc khuất trong tình yêu hôn nhân gia đình, Nxb Phương Đông, 2006, tr 202.
[21] http://TGPSaiGon.Net. Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay. Truy cập ngày 16/9/2016.  
[22] https:// TGPSaiGon.Net. Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay. Truy cập ngày 16 / 9/ 2016. 
[23] https://vi.wikipedia.org/wiki/Sống_thử. Truy cập ngày 16/ 6/ 2016.   
[24] Xc. https://vi.wikipedia.org/wiki/Sống_thử. Truy cập ngày 16/6/2016.   
[25] https://TGPSaiGon.Net. Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay. Truy cập ngày 16/9/2016.
[26] Xc Nguyễn Đình Nhơn. Những góc khuất trong tình yêu hôn nhân gia đình, Nxb Phương Đông. 2006, tr 142.
[27] Xc John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 32.
[28] Xc. Ibid, tr. 44.
[29] Ibid, tr. 62.
[30] Xc John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 83.
[31] Xc. Ibid, tr 36.
[32] Phạm Quốc Văn. Cuộc sống tròn đầy. Nxb Tôn giáo, 2009, tr 110.
[33] Xc John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 41.
[34] John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 38.
[35] Xc. Nguyễn Đình Nhơn. Những góc khuất trong tình yêu hôn nhân gia đình, Nxb Phươg Đông. 2006, tr 144.
[36] Phạm Quốc Văn. Cuộc sống tròn đầy. Nxb Tôn giáo, 2009, tr 127.
[37] Xc. John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb TG, 2007,  tr 44.
[38] Xc John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 22.
[39] Ibid, tr 195.
[40] Phạm Quốc Văn. Cuộc sống tròn đầy. Nxb Tôn giáo, 2009, tr 134.
[41] Xc John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 199.
[42] Xc John L. Thomas, Bước vào đời sống hôn nhân. Nxb Tôn giáo, 2007, tr 19.

1 Nhận xét

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn