Mỗi chúng ta, dù ở vai trò, địa vị nào,
cũng được mời gọi trở thành một ngọn nến nhỏ,
góp phần thắp sáng cuộc đời tăm tối này.
Nhiều ngọn nến nhỏ sẽ làm thành vầng sáng lớn;
nhiều cánh én sẽ làm nên mùa xuân; nhiều người thiện chí
sẽ làm cho cuộc đời bớt đi ảm đạm của tội lỗi.
cũng được mời gọi trở thành một ngọn nến nhỏ,
góp phần thắp sáng cuộc đời tăm tối này.
Nhiều ngọn nến nhỏ sẽ làm thành vầng sáng lớn;
nhiều cánh én sẽ làm nên mùa xuân; nhiều người thiện chí
sẽ làm cho cuộc đời bớt đi ảm đạm của tội lỗi.
Pet. Võ Tá Đương, OP
Kinh cầu
nhẹ gõ cửa hồn,
Trần gian
dục vọng bồn chồn tâm linh,
Bao nhiêu
thệ ước ân tình,
Chúa
thương xin để an bình tin yêu.[1]
Chúng ta đang sống
trong một thời đại được mệnh danh thời đại văn minh khoa học kỹ thuật. Phải
chân nhận rằng, nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, đặc biệt công
nghệ thông tin, cuộc sống con người ngày càng được nâng cao, và làm cho thế
giới rộng lớn bao la này trở thành một ngôi làng. Nhưng đáng tiếc thay, xã hội
càng văn minh, khoa học kỷ thật càng tiến bộ, thì con người càng bị lôi cuốn
bởi những trào lưu tục hóa của xã hội.[2]
Theo đó, những giá trị đạo đức truyền thống bị xói mòn và luân lý đang bị đảo
ngược bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo là cả một hệ lụy thật là
khủng khiếp. Sự sống và phẩm giá con người đang bị đe dọa nghiêm trọng.[3]
Đứng trước thực trạng
suy thoái về đạo đức của xã hội như thế, chúng ta không được quyền đứng đó mà
nguyền rủa bóng đêm, nhưng được mời gọi cùng nhau thắp nên một ngọn nến, xua
tan bóng đêm của nền “văn minh sự chết”, góp phần xây dựng nền “văn minh tình
thương và sự sống,”[4]
bằng công cuộc Phúc - Âm - hóa xã hội, sống và tỏa sáng “Niềm vui Tin mừng”
trong môi trường sống của mình; thực thi lòng thương xót Chúa trong cuộc sống
thường ngày.[5]
Phúc - Âm - hóa đời sống xã hội
Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội không chỉ là chủ đề mục vụ của năm
2016 mà mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội Công giáo Việt Nam đang nỗ lực
thực thi trong suốt năm nay, theo lời mời gọi và hướng dẫn của Hội đồng Giám
mục Việt Nam; nhưng đó cũng là sứ vụ theo suốt hành trình đức tin của người
Kitô hữu chúng ta nói chung, cách riêng là các tu sĩ sống đời thánh hiến tu
trì, như lời Thầy Giêsu nhắc nhở: “Chính
anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.”[6]
Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các
lãnh vực của đời sống xã hội. Đó chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng
cho lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay trong đời sống xã hội hôm nay. Trước
những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô cảm, bất công, ma
tuý, bạo lực, tự do luyến ái, ly dị, phá thai, tự tử,... mỗi người Công giáo
chúng ta được kêu gọi trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn
minh tình thương và văn hóa sự sống.[7]
Chính trong bối cảnh xã hội như thế, người môn đệ Chúa Kitô được mời gọi đề cao
các giá trị Tin mừng, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào các tương quan trong
xã hội, trong môi trường chúng ta hiện diện, sinh sống, học tập và làm việc. Đó
cũng là điều mà Công đồng Vaticanô II nhắn gửi và nhắc nhở mỗi Kitô hữu chúng
ta khi viết: “Trong bất cứ lãnh vực trần
thế nào, họ luôn phải để cho lương tâm Kitô hữu hướng dẫn, vì không một hoạt
động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể tách khỏi quyền thống
trị của Thiên Chúa”[8]
Quả thế, Phúc - Âm - hóa đời sống xã hội chính là một đòi hỏi tất
yếu của người Kitô hữu chúng ta. Bởi lẽ, người Kitô hữu không sống đức tin
trong cõi trừu tượng nào đó, nhưng ở giữa lòng xã hội, với những tương quan đa
chiều của đời sống thường ngày. Chính nơi đó, người môn đệ Chúa Kitô được mời
gọi đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào những tương quan của cuộc sống, nhiệt
tâm chu toàn trách nhiệm bổn phận thường ngày. Công đồng Vaticanô II dạy rằng:
Các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị (Trần thế và Thiên quốc),
hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn
dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một
người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế
mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất, các cố gắng
nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn
giáo.[9]
Nhờ việc chu toàn trách vụ của mình trong đời sống thường ngày,
Kitô hữu chúng ta góp phần tích cực trong công cuộc Phúc - Âm - hóa đời sống xã
hội, góp phần làm cho xã hội trần thế này ngày càng văn minh thịnh vượng hơn.
Nhờ đó, “Niềm vui Tin mừng” ngày càng được tỏa lan tới mọi người, khắp mọi nơi.
Tỏa
sáng “Niềm vui Tin mừng” trong môi trường sống
Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, thế giới toàn cầu hóa
với những đổi thay và biến động lớn, đa dạng và phức tạp. Con người ngày nay
đang có nguy cơ đánh mất niềm tin, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, chạy
theo những trào lưu tục hóa của xã hội… Từ đó, họ chới với trong những đam mê
trần tục, có nguy cơ đánh mấy ý nghĩa cuộc đời, kéo theo là những chuỗi ngày
trống rỗng, buồn chán.
Quả thế,
Nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung cấp tràn ngập
và đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là một nỗi buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự
mãn và tham lam, phát xuất từ lối sống chạy theo những khoái lạc chóng qua,
khiến tâm hồn không còn mở ra trước tiếng gọi của Thiên Chúa và cảm nhận niềm
vui sâu lắng của tình yêu Chúa.[10]
Trước bối cảnh xã hội
như thế, người Kitô hữu nói chung, cách riêng là các tu sĩ chúng ta được mời
gọi sống niềm tin Kitô giáo, tỏa sáng “niềm vui Tin mừng” cho thế giới, khơi
lên niềm hy vọng cho mọi người, bằng đời sống thánh thiện, bác ái, yêu thương,
thực thi công bình và vượt thắng những cám dỗ ngọt ngào của những trào lưu xã
hội thời đại. “Ánh sáng của anh em phải
chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm,
mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”[11]
Thánh Tông đồ Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời,
là làm sáng tỏ Lời ban sự sống.”[12]
Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không phải là người tìm nếp
sống an phận trong việc cử hành Phụng vụ và trong việc thực hành luân lý thường
ngày, nhưng là những người can đảm và hăng hái “lên đường”, đi ra khỏi chính
mình, đến với “vùng ngoại biên”[13]
với với lòng nhiệt thành tông đồ của những con người đong đầy “Niềm vui Tin
mừng”, để sống Niềm vui Tin mừng giữa lòng đời, thắp sáng niềm tin cho thế giới
bằng đời sống bác ái yêu thương, hy sinh phục vụ tha nhân, can đảm làm chứng
cho tình yêu Chúa Kitô giữa một thế giới thiếu vắng tình người, đỡ nâng, sẻ
chia và đồng hành với những người sống nơi vùng ngoại biên. Vùng ngoại biên đó “được” hay “bị” phân ranh bởi những hàng
rào thép gai lạnh lùng, vô cảm, gian tham, ích kỷ, bạo lực, bất công tàn nhẫn
của xã hội bài trừ tôn giáo, của những người vô thần, cố tình loại trừ Thiên
Chúa ra khỏi cuộc sống này, để họ “lộng hành”, “thay trời hành đạo”.
Trong bối cảnh như thế, “đến với những vùng ngoại biên” là một
thách đố lớn cho Giáo hội, cho mỗi chúng ta. Thế nhưng,
Chính thách đố này lại trở thành cơ hội thuận lợi thúc đẩy Giáo
hội canh tân, ‘tự vấn lương tâm trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách
cá nhân, xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu
quả hơn sứ mệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu.’ Chính vì thế, trong tác
động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tại Việt Nam cần xác tín và sống đúng với
căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để
chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này.[14]
Sống đức tin và chiếu tỏa Niềm vui Tin mừng không chỉ là thực hành
các nghi lễ với các hình thức bề ngoài, nhưng là thể hiện niềm tin của mình ra
bên ngoài bằng cung cách sống, xuất phát từ một sự hiểu biết đạo lý, xác tín,
dẫn đến hành động. Bởi lẽ, người có đức tin mà không hành động theo đức tin,
thì chằng có ích lợi gì. Đức tin như thế là chỉ là đức tin chết.[15]
Trước nhu cầu khẩn thiết và cấp bách của thời
đại, trước lời mời gọi của Chúa và Giáo hội, nhiều tu sĩ và giáo dân chúng ta
đã được Tình yêu Chúa Kitô thúc bách,[16] can đảm và hăng hái “lên đường” dấn bước theo Chúa Kitô, đến vùng ngoại
biên, thực thi sứ vụ chiếu tỏa Niềm vui Tin mừng trong công tác bác ái xã hội,
tham gia vào các lãnh vực y tế, giáo dục, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Niềm
vui Tin mừng của người Kitô hữu và tu sĩ được tỏa sáng qua những hoạt động
phục vụ người nghèo khổ, đau thương, người cơ nhỡ, người già neo đơn, người
khuyết tật, người bị bỏ rơi khắp nơi nơi. Dấu chân và bóng dáng các tu
sĩ, cùng vơi nhiều giáo dân đã in đậm
trong các cô nhi viện, viện dưỡng lão, nhà chăm sóc bệnh cùi, bệnh nhân nhiễm
HIV giai đoạn cuối… Họ đã chiếu tỏa ánh sáng Tin mừng, xoa dịu nỗi đau thể xác
và tinh thần nơi những “hình ảnh sống động của Chúa Kitô”,[17] trở thành những cánh tay nối dài của Chúa Kitô trong môi trường xã hội hôm
nay, góp phần xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống cho xã hội, bằng
chứng từ của lòng thương xót Chúa trong cuộc sống thường ngày.
Thực
thi lòng Chúa thương xót
trong cuộc sống thường ngày
trong cuộc sống thường ngày
Chúng ta đang sống trong một thời khắc đặc
biệt của Giáo hội, thời khắc trong Năm Thánh
Lòng Chúa Thương Xót của Giáo hội hoàn vũ, và Năm Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội
của Giáo hội Việt Nam. Đây là một sự trùng hợp rất ý nghĩa. Sự trùng hợp này
giúp chúng ta hiểu và sống cách cụ thể định hướng mục vụ của Giáo hội Việt Nam,
để góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, qua việc thực
thi lòng thương xót trong cuộc sống thường ngày, qua công cuộc Phúc - Âm - hóa
môi trường sống xã hội hôm nay.
Trong “năm hồng ân” này,
chúng ta được mời gọi “chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng
thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó, chúng ta cảm
nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót
trong cuộc sống.”[18] Đây cũng là cơ hội
thuận lợi để mỗi Kitô hữu, cách riêng là mỗi tu sĩ chúng ta thực thi sứ vụ loan
báo Tin mừng, theo linh đạo và đặc sủng của mỗi Hội dòng; thực thi công cuộc
Phúc - Âm - hóa xã hội, bằng việc rao giảng Lòng Chúa Thương Xót và trở thành
chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa cho con người thời đại.
Vì thế, sống trong bối cảnh tục hóa với những
tệ nạn xã hội hôm nay, thay vì phàn nàn, phê phán, chỉ trích, chúng ta được mời
gọi đem tinh thần Tin mừng thấm nhập mọi môi trường cuộc sống[19], để hoán cải, để biến đổi xã hội
ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần bại trừ “văn hóa sự chết”, chung tay “xây dựng
nền văn minh tình thương và sự sống”. Bởi chưng, trong một mức độ nào đó, người
Kitô hữu chúng ta cũng phải chịu một phần trách nhiệm với hiện trạng của một xã
hội đang bị xuống cấp về đạo đức đến mức báo động hôm nay. Vì lẽ, chúng ta chưa
sống tốt ơn gọi của mình, chưa dấn thân đủ với vai trò là “men”, là “muối”, là
“ánh sáng” và là chứng nhân Tin mừng trong xã hội này. Thế nên, chúng ta phải
thực sự hoán cải và canh tân đời sống mình, bằng việc trở về với đời sống đức
tin sâu xa của mình[20], để dấn thân mạnh mẽ hơn, tích cực hơn trong sứ vụ của mình, nhằm cải biến
xã hội hiện tại này. Trong khi con người thời đại cần “lương tháng” hơn “lương
tâm”; và người ta cho “chân lý với chân dò bằng một giá”, thì vai trò Phúc Âm
hóa của chúng ta phải khẩn thiết và cấp bách hơn.
Mỗi chúng ta, dù ở vai trò, địa vị nào, cũng
được mời gọi trở thành một ngọn nến nhỏ, góp phần thắp sáng cuộc đời tăm tối
này. Nhiều ngọn nến nhỏ sẽ làm thành vầng sáng lớn, nhiều cánh én sẽ làm nên
mùa xuân, nhiều người thiện chí sẽ làm cho cuộc đời bớt đi ảm đạm của tội lỗi.
Và như thế, tình yêu thương sẽ thắp sáng cuộc đời. Khi nỗ lực thực thi những
điều vừa kể, là chúng ta thực thi sứ mạng truyền giáo của người môn đệ Chúa
Kitô, chúng ta trở thành những chứng nhân của Lòng Chúa Thương Xót.[21] Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng, nếu không có những chứng nhân của
lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức
sống.[22]
Giữa một thế giới tràn ngập bóng đêm của “văn
hóa sự chết” như thế, để trở thành những chứng nhân lòng thương xót của Chúa,
hầu góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công
giáo chúng ta có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo hội, nhằm đem
tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta không
thể Phúc - Âm - hóa xã hội mà lại không biết gì về Giáo huấn xã hội của Giáo
hội.[23] Giáo huấn này sẽ soi sáng cho ta biết cách yêu mến quê hương, yêu
thương mọi người không trừ một ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa,
xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo qua nẻo đường
hiền lành và khiêm nhường, bao dung và tha thứ.[24]
Theo giáo huấn của Giáo hội, những tiêu chuẩn
phải gợi hứng cho người Kitô hữu chúng ta trong công cuộc xây dựng nền văn minh
tình thương và sự sống, là theo đuổi công ích trong tinh thần phục vụ, phát
triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến những tình trạng đói nghèo và đau
khổ, tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng quyền tự trị của các thực tại trần
thế, nguyên tắc bổ trợ, cổ vũ đối thoại và hòa bình trong tình liên đới.[25]
Ngoài ra, để loan báo và làm chứng cho lòng
thương xót Chúa, để Phúc -Âm - hóa xã hội, để chung tay xây dựng nền văn minh tình
thương và sự sống, chúng ta được mời gọi chăm sóc trái đất này là ngôi nhà
chung mà Thiên Chúa là Cha và là Đấng Tạo Hóa đã ban cho nhân loại.[26] Bởi lẽ, thế giới ngày nay đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi
sinh: trái đất nóng lên, ô nhiễm gia tăng, nguồn nước sạch bị đe dọa, thảm họa
thiên nhiên ngày càng nhiều, ô nhiễm môi trường biển… Việt Nam cũng là một
trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu: ô
nhiễm bụi ở mức độ trầm trọng, nhất là tại các thành phố lớn.[27]
Trước vấn nạn đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu
gọi chúng ta và toàn thể thế giới phải hoán cải, nghĩa là thay đổi cách nhìn,
cách nghĩ và cách sống trong tương quan với môi trường thiên nhiên. Chính Thiên
Chúa đã trao cho con người trách nhiệm trông coi trái đất,[28] do đó không được tàn phá hoặc sử dụng để trục lợi, nhưng phải chăm sóc và
gìn giữ, cho thế hệ hiện nay và cả tương lai.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi mỗi chúng ta giữ gìn và bảo vệ môi
sinh, thúc đẩy chúng ta thay đổi cách sống, biết tôn trọng thiên nhiên, chăm
sóc môi trường sống, bắt đầu từ những việc nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày như
tiết kiệm nước và năng lượng, giữ vệ sinh chung trong khu xóm…[29] Song song với bảo vệ môi sinh, chúng ta cũng được mời gọi quan tâm và đồng
hành với anh chị em di dân trong cuộc sống, trong hành trình đức tin, qua
việc yêu thương, nâng đỡ, tiếp đón và
tăng cường sự hợp tác giữa các Giáo phận gốc của họ cùng các Giáo phận họ đến,
và cung cấp cho họ những lời khuyên về mặt đạo đức và các chỉ dẫn thực hành.
Thực hiện được những công việc trên chính là chung tay xây dựng nền văn minh
tình thương và sự sống trong bối cảnh hôm nay.
Thay
lời kết
Để kết thúc, người viết xin được trích lại
lời giáo huấn của Giáo hội về việc dấn thân trong sứ vụ bồi đắp nền văn minh
tình thương và sự sống trong bối cảnh hiện nay:
Khi thi hành sứ vụ, nhất thiết phải
công bố Danh Chúa Giêsu Toàn diện, vì sứ vụ bao gồm nhiều hoạt động: công bố Tin
mừng lần đầu tiên (kerygma), huấn giáo nhằm xây dựng sự trưởng thành đức tin,
đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa. Do đó
có mối liên hệ mật thiết giữa sứ vụ loan báo Tin mừng và việc phục vụ sự sống
cùng sự phát triển con người toàn diện.Chính Chúa Giêsu dạy Giáo hội hướng đi
này. Cho dù mối quan tâm hàng đầu của Người là rao giảng Tin mừng Nước Thiên
Chúa, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến công bằng xã hội và nhu cầu vật chất của dân
chúng. Như thế, Tin mừng của Người liên kết mật thiết với sự phát triển những
giá trị nhân linh, và không hề tách rời đức tin khỏi cuộc sống. Trong
bối cảnh xã hội hiện nay, Giáo hội tại Việt Nam xác tín rằng Dân Chúa cần tích
cực cộng tác với mọi người thiện chí, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình
thương và sự sống. Đó là phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn
diện của Đức Kitô trên đất nước này.[30]
Ước mong sao, mỗi Kitô hữu, mỗi tu sĩ chúng ta, nhiệt tâm đáp lại
lời mời gọi của Chúa qua Giáo hội, hăng say thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng,
Phúc - Âm - hóa đời sống xã hội, bằng những việc làm cụ thể trong đời sống,
trong ơn gọi, theo linh đạo và đặc sủng của Hội dòng mình, để cùng với mọi
thành phần trong Giáo hội Việt Nam chung tay xây dựng quê hương, bồi đắp nền
văn minh tình thương và văn hóa sự sống trên quê hương đất Việt chúng ta.
[1]
Các giờ kinh Phụng Vụ, “Thánh Thi Kinh Sách”, thứ Năm, tuần I.
[2] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư
Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, gửi toàn thể
cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, số 09.
[3] Xc. ĐTC Gioan Phaolô
II, Tông Huấn Gia đình, số 01.
[4] Xc. Hội đồng Giám mục
Việt Nam, Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa
2010, gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam.
[5] Xc. Hội đồng Giám mục
Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2015, số 03.
[6] Mt 5, 13 -44.
[9] Ibid., số 43.
[10] ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Evangelii
Gaudium , số 02.
[11] Mt 5, 16.
[12] Pl, 2, 15-16.
[13] Xc. ĐTC, Tông Huấn Evangelii
Gaudium, số 46 & 49..
[14] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư
Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, số
09.
[15] Xc. Gc 2, 15- 17.
[16] Xc. 2 Cr 5, 14.
[17] Xc. Mt 25, 35 -40.
[18] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục
vụ năm 2015, số 02.
[19] Xc. Thánh Phanxicô Assisi, Kinh Hòa
Bình.
[20] Xc. ĐTC Phanxicô, Tự sắc Porta
Fidei, số 09.
[21] Xc. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Bài
giảng lễ Truyền giáo năm 2015, tại nhà thờ Chính tòa Giáo Phận Hải Phòng,
ngày 18/10/2015.
[22] Xc. ĐTC Phanxicô, Trọng sắc mở Năm
Thánh Lòng Thương xót, số 10.
[23] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư
Mục vụ năm 2015, số 04.
[24] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư
Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, số
33.
[25] Xc. Tóm lược Học thuyết Xã hội của
Giáo hội Công giáo, số 564.
[26] Xc. ĐTC Phanxicô, Thông điệp Laudato
si, số 03.
[27] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư
Mục vụ năm 2015, số 05.
[28] Xc. St 1,28.
[29] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư
Mục vụ năm 2015, số 07.
[30] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư
Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, số
32.
Đăng nhận xét