Văn hoá Tin mừng

Bước đi trong nền văn hoá Tin mừng là con nẻo đường
duy nhất để xây dựng vững chắc ngôi nhà yêu thương.
Đó phải là cách chọn lựa của con người,
để nơi ngôi nhà chung của nhân loại,
họ sống tình huynh đệ, đồng thời họ trở thành men
thấm sâu vào lòng đời làm dậy bột yêu thương.
Nét Bút Chì, MTG Bà Rịa
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có nền văn hoá riêng mang những nét đặc thù của dân tộc đó. Văn hoá Tin mừng mang đậm nét yêu thương là nét đặc thù của Kitô giáo. “Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em phải có lòng yêu thương nhau”( Ga 13, 35). Vâng qua mọi thời, tình thương vẫn luôn là điều thiêng liêng và cao đẹp nhất đối với nhân loại nên cũng đòi hỏi một cung cách ứng xử tương ứng với nó. Thế nhưng giữa một xã hội mà cảm thức về chân lý sa sút, chủ nghĩa cá nhân và thực dụng đang có vẻ thắng thế; rồi sự thay đổi đến chóng mặt trong các lãnh vực: kinh tế - khoa học kỹ thuật - công nghệ thông tin … con người đang có xu hướng đánh mất sự hiệp thông yêu thương, khép kín các mối tương quan với anh chị em đồng loại. Đó là dấu chỉ của một thế giới xa rời tình yêu, dẫn đến chiến tranh, khủng bố, các quyền của con người bị xâm hại hay lối sống quy ngã. Con người sẽ ra sao nếu sống mà không có tình yêu? Nhà tư tưởng gia Browing nói: “Không có tình yêu trái đất chúng ta chỉ còn là một hầm mộ”. Bước đi trong nền văn hoá Tin mừng là nẻo đường duy nhất để xây dựng vững chắc ngôi nhà yêu thương. Đó phải là cách chọn lựa của con người, để nơi ngôi nhà chung của nhân loại, họ sống tình huynh đệ, đồng thời họ trở thành men thấm sâu vào lòng đời làm dậy bột yêu thương.
1. Khơi Nguồn Yêu Thương
Chính Thiên Chúa là người đầu tiên khơi nguồn yêu thương. Nhìn vào công trình sáng tạo ta sẽ thấy rõ điều này. Trong ý định yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và cho con người được mang lấy hình ảnh của Ngài (St 1, 27). Con người được tiếp nhận tình thương từ nơi Thiên Chúa nên tự bên trong con người cũng muốn trao ban tình thương. Thế nên, khi Thiên Chúa đặt Adam vào vườn địa đàng thì ông băn khoăn tìm kiếm “một người trợ tá thích hợp với mình” (St 1, 18. 20) để có thể xoa dịu nỗi đơn độc ông đang cảm thấy ở giữa các sinh vật và thế giới xung quanh.[1] Nhưng khi Thiên Chúa dẫn Eva đến với Adam thì ông vui mừng reo lên “đây xương bởi xương tôi” (St 2, 23). Adam vui bởi ông đã tìm được đối tượng để yêu thương.
Vâng, tình thương là cái mà bắt buộc người ta phải trao ban, phải cho đi và nối dài. Thế nên, từ sự trao ban tình thương của hai con người đầu tiên, tình yêu của mái ấm xuất hiện. Hoa trái của tình yêu là con cái, từ đó tình phụ tử - mẫu tử xuất hiện. Tình yêu không chỉ giới hạn trong tình máu mủ mà còn là khát vọng gieo mầm sống nối tiếp đời sống con người: gia đình này đến gia đình khác, và tình yêu, tình thân đã trở thành tình yêu nhân sinh và xã hội.
Như vậy, chính Thiên Chúa là Đấng khơi nguồn yêu thương bởi chính Ngài đã tác tạo con người trong tình yêu và rồi ngay từ giây phút đầu đời của mỗi người: con người tiếp nhận nghĩa cử yêu thương của cha mẹ. Chính trong mối tương quan này đã trở nên hình ảnh để hiểu và mô tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, vì trong ánh mắt của Kitô giáo về Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa được chiêm ngắm với tư cách là Cha, Con và Thánh Thần tình yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiệp thông của tình yêu, và gia đình là phản ánh sống động sự hiệp thông ấy.[2]
2. Văn Hoá Tin mừng
Bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8.16). Đó là cốt tuỷ của văn hoá Tin mừng mà Đức Giêsu đã mặc khải cho nhân loại qua chương trình cứu độ được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể.
Tin mừng theo Thánh Gioan đã diễn tả sâu sắc tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại: trong những giây phút xao xuyến vì Người biết mình sắp bỏ thế gian mà về với Chúa Cha thì “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 14, 1).
Đỉnh cao của Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại là trở nên bạn hữu và hy sinh chính mình vì bạn hữu của mình.
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (Ga 15, 9-15).
Thư thứ nhất của Thánh Gioan cũng làm nổi bậc Tình yêu cao cả mà Thiên Chúa dành cho nhân loại “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Ở chỗ khác ngài viết:
Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta. Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa,và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. (1Ga 4, 7-16)
Vâng, vì Tình yêu Thiên Chúa đã nâng con người lên làm con Thiên Chúa và Thiên Chúa đã bước xuống mang thân phận con người. Bước đi trong nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa, Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta cũng thi thố tình yêu ấy cho anh chị em đồng loại.
Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình. (1Ga 4, 19-21).
Hơn thế nữa, yêu thương chính là lệnh truyền của Thiên Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 14,34). “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 16, 12) “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 16, 17).
Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tinvào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người,và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta. (1Ga 3, 23-24)
Như vậy bước đi trong nền văn hoá Tin mừng chúng ta sẽ được thoả mãn khát vọng thâm sâu nhất của con người: khát vọng yêu và được yêu. Bởi chúng ta được lãnh nhận Tình yêu từ nơi Thiên Chúa và chúng ta trao ban cho anh chị em đồng loại. Đồng thời khi bước đi trong nền Văn hoá Tin mừng, con người sẽ nắn đúc nên nơi mình nét đặc trưng Yêu thương.
3. Những dấu hiệu của thế giới xa rời Tình yêu
Thiên Chúa tạo dựng con người trong ý định yêu thương, cho con người được mang lấy hình ảnh của Ngài (St 1,26), hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương đã thông chia sự sống thần linh của mình cho loài thụ tạo (St 2,7) và cho họ hưởng hạnh phúc của Ngài. Thế nhưng con người đã sớm đánh mất ân phúc và quên đi căn tính của mình là thi hành sứ mạng sống yêu thương. Đây là dấu hiệu của một thế giới xa rời tình yêu: chiến tranh, khủng bố, xâm phạm quyền sống của con người và kiểu sống “Măc-kê-nô”.


Chiến tranh, khủng bố
Theo công bố mới đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2005 toàn thế giới đã xảy ra 11.000 vụ tấn công khủng bố, trong đó chỉ riêng Iraq đã chiếm 1/3 số vụ.[3]
Chắc hẳn thế giới chưa quên được Cuộc tấn công khủng bố ở nước Mỹ ngày 11/9/2001, đây là vụ khủng bố chưa từng có về số lượng nạn nhân. Cuộc tấn công dã man này  làm chết 2.998 người. Sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, thế giới như chưa hoàn hồn thì vào giờ cao điểm buổi sáng ngày 11/3/2004, tại ga tàu hỏa Atocha ở Madrid đã xảy ra 10 vụ nổ, làm chết hơn 190 người, 1.800 người khác bị thương với mức độ khác nhau. Đây là vụ khủng bố lớn nhất trong lịch sử Tây Âu đương đại.
Rồi tiếp theo Ngày 18/10/2007, Al Qaeda đã mưu sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto bất chấp thương vong của dân thường. Khi đoàn xe của bà Bhutto đang chạy trên một đường phố chính của Karachi thì 2 tiếng nổ vang lớn gần chiếc ô tô bọc thép chở bà . Bản thân bà Bhutto không bị thương tích (bà bị giết trong vụ khủng bố sau đó), nhưng 140 người đã bị chết tại chỗ, 500 người khác bị thương vong ở mức độ khác nhau. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Pakistan.[4]
Gần hơn nữa là vụ khủng bố liên hoàn xảy ra ở Paris ngày 13/11/2015 vừa qua được ghi nhận là vụ khủng bố lớn nhất của lịch sử Pháp kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Đây cũng là một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử Pháp. Vụ khủng bố liên hoàn này đã cướp đi sinh mạng của hơn 150 người.
Các quyền của con người bị xâm phạm
Quyền sống là quyền căn bản nhất của con người. Bởi mạng sống con người do Thiên Chúa ban thuộc quyền sở hữu  của một mình Thiên Chúa: nó thánh thiêng ngay từ lúc nó hiện hữu đầu tiên, và nó không chịu bất cứ con người nào kiểm soát.[5] Do đó, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền làm chủ sự sống và sự chết. Thế nhưng giữa xã hội tục hoá hôm nay thì vấn đề này đang bị mai một, người ta đã khai tử Thiên Chúa để rồi tự làm chủ sự sống của những con người vô tội, yếu thế…
Vấn đề Nạo phá thai
Việc nạo phá thai ở giới trẻ hiện nay đang là một vấn đề “nhức nhối” của nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng mỗi năm, có khoảng 50 triệu ca phá thai diễn ra. Như vậy, mỗi ngày có hơn 125.000 ca nạo phá thai diễn ra. Hơn nữa, trong hầu hết các quốc gia, nó là bào thai nữ bị bỏ dở. Lý do của việc hủy bỏ một thai nhi nữ là có một đứa con gái không được dự kiến sẽ là tốt cho tình trạng xã hội của gia đình. Điều đáng buồn là trong hầu hết các quốc gia, phá thai được cho phép lên đến ba tháng đầu và sau đó là bất hợp pháp. Những quy định này đã làm tăng tỷ lệ nạo phá thai trong ba tháng đầu tiên.[6] Riêng ở Ấn Độ, phá thai được hợp pháp hóa chỉ trong vòng 20 ngày của thai kỳ. [7]
Riêng ở Việt Nam Nam: Theo số liệu được Thạc sĩ, Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ công bố tại một hội thảo diễn ra mới đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Hiện Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới.[8]
Giáo Hội kiên quyết bác bỏ sự can thiệp bằng bạo lực của chính quyền buộc người ta phải ngừa thai, triệt sản và thậm chí phá thai. Những biện pháp ấy không thể chấp nhận ngay tại những nước có tỷ lệ sinh cao nhưng trong những nước có tỷ lệ sinh thấp đến mức báo động, các chính trị gia vẫn khuyết khích các biện pháp ấy.[9]
Ngoài những vấn đề khác thì hầu hết người ta cho rằng những thai nhi chưa phải là một con người thực thụ nên họ dễ dàng loại bỏ những sinh linh bé bỏng ấy và còn hợp thức hoá. Giáo hội Công giáo khẳng định:
Ngay từ giây phút đầu tiên nhất, con người chưa được sinh ra đã là một con người tự nó rồi, nó có những quyền mà không một người nào ở bên ngoài nó có thể cướp lấy quyền đó, dù Nhà nước, thầy thuốc, ngay cả chính cha mẹ nó. Do đó bảo vệ sự sống của người vô tội là bổn phận cao cả của Nhà Nước. [10]
Vấn đề an tử, trợ tử
Thế giới hôm nay rất yêu chuộng chủ nghĩa thực dụng nên họ đánh giá con người dựa trên thành quả kinh tế và những gì người ta sở hữu, cộng thêm sự ảnh hưởng của nền văn hoá loại trừ,[11] đang chi phối não trạng con người. Để rồi người ta cổ võ việc chấm dứt mạng sống của những người già và những người mắc bệnh nan y bằng danh từ hoa mỹ “làm chết êm dịu”. Để che dấu cho hành động vô luân của mình, người ta đưa ra những biện minh: những người mắc bệnh nan y không còn hy vọng chữa trị, nếu sống thì sẽ đau đớn nơi bản thân, tốn kém cho gia đình, tạo nên gánh nặng cho xã hội. Những người già thì không còn làm được việc gì có ích cho gia đình và xã hội. Thế nhưng khi người ta mãi lo nghĩ đến mình thì người ta không thể nghe được tiếng của họ “đừng sa thải tôi khi tuổi đà xế bóng; chớ xua đuổi tôi khi sức lực hao mòn” (Tv71, 9). Đây là lời cầu xin của người cao niên, họ sợ bị quên lãng và loại bỏ.[12] Mà gia đình nào không tôn trọng thương mến ông bà, là ký ức sống động của gia đình mình, thì đã suy thoái rồi. Xã hội nào không có chỗ cho người cao niên, hay sa thải họ vì họ gây rắc rối, thì “xã hội ấy bị virus rồi”, “xã hội ấy bị trốc gốc rồi”.[13]
Kiều Sống “Măc-kê-nô”
Đây là lối sống quy ngã: phủ nhận trách nhiệm và tính liên đới với cộng đồng. Lối sống này đã xây nên những bức tường vô hình phá đổ các mối tương quan giữa con người với nhau.
Ăn uống là nhu cầu cấp thiết và quan trọng để con người được sinh tồn. Thế nhưng sống trong kiểu sống “măc-kê-nô” đã làm cho người ta thiếu trách nhiệm với tha nhân, người ta dễ dàng đánh đổi sức khoẻ và mạng sống con người để thu lợi nhuận cho chính mình. Bài báo “đi chợ thời thực phẩm bẩn” đã trình bày nổi lo âu và gánh của các bà nội trợ: mua rau, củ, quả thì sợ ngâm tẩm hoá chất, rồi người ta còn có mánh khoé để biến thịt heo thành thịt bò. Gần đây thì có rất nhiều thông tin về cá nhiễm độc. Thế nên đi đâu người ta cũng chăm chăm mở điện thoại để quan sát, so sánh rút ra kết luận đây là rau quả xuất xứ từ đâu. Nếu được hỏi về nguồn gốc thì những người bán cũng trả lời qua loa để bán được hàng. [14]
Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân tạo nên trong con người nỗi cô đơn, bởi đã cắt đứt tình liên đới với cộng đồng nên không lạ gì: có những người đứng giữa phố đông người nhưng vẫn cảm thấy cô đơn. Khi những đơn thể con người bị bỏ rơi trong cô đơn thì không chỉ đơn giản khuôn viên lại trong định mệnh tình cảm riêng của các cá nhân, mà hơn thế một cách toàn thể xã hội phải mang lấy vết thương lãnh cảm tình nhân ái của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng:
Nền văn hoá của sự sung túc, thoải mái làm cho chúng ta chỉ nghĩ đến chúng ta mà thôi, vô cảm với những tiếng kêu của người khác, sống trong những bong bóng xà phòng đẹp thật nhưng thật sự không có giá trị gì, chúng là ảo tưởng của sự phù phiếm, của sự tạm bợ, và vì ảo tưởng nên thờ ơ với người khác. Trong thế giới toàn cầu hoá này, chúng ta đã rơi vào sự toàn cầu hoá của vô cảm, quen với những đau khổ của người khác, làm cho chúng ta trở nên “vô danh”, là những người trách nhiệm không tên, không dung mạo.[15]
Vâng, chính lối sống quy ngã làm cho người ta phủ nhận trách nhiệm của mình trước anh chị em đồng loại dẫn đến sự thiếu tin tưởng nhau trong giao tiếp, trong lối hành xử. hậu quả nghiêm trọng hơn nữa là người ta đã cắt đứt tình lên đới với tha nhân để mãi dày vò trong nỗi cô đơn của chính mình.

4. Để xây dựng nền văn hoá Tin mừng
Đứng trước một thế giới đang dần lãng quên căn tín của chính mình và bước vào “nền văn hoá chết chóc”. Chúng ta, những người Kitô hữu cần ướp lại men tình yêu của Tin mừng. Qua việc tích cực sống và thực hành Tin mừng bằng những việc làm thiết thực: liên đới với tha nhân bằng bác ái cụ thể, tôn trọng sự sống của mình và tha nhân. Kế đến là tích cực cộng tác với những nhà hữu trách để có hướng phát triển con người toàn diện trong kế hoạch yêu thương.
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận quan niệm như sau: phát triển không phải là cho ăn, cho mặc, cũng không phải chỉ phát cuốc, phát cầy, đào giếng, đào mương. Phát triển là thăng tiến con người toàn diện, làm cho họ sống xứng người hơn.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Phát triển các dân tộc nhận định rằng:
Cần phải có những chuyên viên, cần phải có những nhà hiền triết để suy nghĩ sâu xa, để tìm kiếm nhân bản mới. Nhờ đó con người hiện đại như tìm lại được chính mình vì thấm nhuần những giá trị cao quý của tình yêu, tình bạn, cầu nguyện và chiêm ngắm. Như vậy, mới thực hiện trọn vện sự phát triển đích thực. Một sự phát triển đích thực với mỗi người cũng như đối với mọi người là đi từ những điều ít xứng với con người đến những điều kiện xứng với con người hơn.[16]
Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì cần khám phá và chuyển đạt “huyền nhiệm” của cách sống chung, hoà trộn với người khác, gặp gỡ nhau, cùng nắm tay nhau, nâng đỡ nhau, tham gia vào cơn sóng có vẻ lộn xộn có thể biến thành kinh nghiệm đích thực, trong một đoàn người liên đới, một cuộc lữ hành thánh thiêng. Nên cần phải ra khỏi chính mình để kết hợp với người khác làm điều thiện.[17]
Lý tưởng Kitô giáo mới mời gọi chúng ta vượt qua nghi ngờ, sợ sệt, thái độ tự vệ, để chấp nhận nguy hiểm đến gặp con người bằng mặt, với sự hiện diện thể lý trong niềm vui và sự gặp gỡ thường xuyên về mặt thể lý để thực hiện cuộc cách mạng của tình yêu thân thiết.[18]
Đứng trước sự vô cảm của con người thời đại hôm nay cần xây dựng trách nhiệm huynh đệ bằng hai câu hỏi: “Ađam, ngươi ở đâu?” ; “Cain em ngươi đâu?” Hai câu hỏi mà Thiên Chúa đặt cho lịch sử loài người ngay từ nguyên thuỷ, và ngày hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục đặt cho mỗi người chúng ta. Tôi ước mong chúng ta phải đặt thêm câu hỏi thứ ba: “ai trong chúng ta đã khóc vì những người anh chị em mình đã chết”.[19]
5. Đời Sống Cộng Đoàn của những người Sống Đời Thánh Hiến
Giữa một xã hội mà người ta yêu chuộng chủ nghĩa cá nhân, người ta đánh giá con người dựa trên những gì mà người ta sở hữu thì đời sống cộng đoàn của những người sống đời thánh hiến chọn sự từ bỏ - vâng phục - thanh khiết để sống hiệp thông. Đây quả là chất men lạ đang mỗi ngày một thẩm thấu vào lòng đời để ươm hoa yêu thương.
Jean Paul Chartre bảo tha nhân là hoả ngục. Còn với những người tu sĩ khi sống trong cộng đoàn những người thánh hiến thì luôn ý thức: mỗi anh chị em trong cộng đoàn là do Chúa gởi đến, không phải do mình chọn lựa theo sở thích; vì vậy họ đón nhận con người cụ thể của từng anh chị em trong tâm tình biết ơn đối với ơn huệ Chúa ban để bổ túc, thanh luyện và xây dựng cho nhau.[20] Vì thế, khi sống đời sống cộng đoàn, những người sống đời thánh hiến cách nào đó nói cho con người thời đại hiểu rõ ý nghĩa của việc tạo dựng: bản thân chúng ta được tạo dựng không phải cho chúng ta nhưng để sống với người khác. Muôn thụ tạo được dựng nên vì con người. Eva được ban tặng cho Ađam là để ông hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế, tha nhân cách nào đó làm phong phú đời sống chúng ta.
Cũng vậy, trong đời sống cộng đoàn, ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người là để tương trợ lẫn nhau như chi thể trong một thân thể. Chính ân sủng này giúp người tu sĩ chu toàn ơn gọi của mình và trong tình liên đới họ giúp nhau đạt tới sự trưởng thành trên ba bình diện: con người – Kitô hữu – Tu Sĩ. [21] Như vậy, Cộng đoàn không phải là cùng sống chung dưới một mái nhà, cũng không phải là một khách sạn; càng không phải là một nhóm công tác. Nhưng cộng đoàn là nơi mà mỗi người đang vượt từ bóng tối duy ngã đến ánh sáng của tình yêu chân thật. Tình yêu không vị tình cảm hoặc cảm xúc chóng qua. Tình yêu là sự công nhận một Giao uớc, một phụ thuộc hỗ tương, là lắng nghe người khác và cảm thấy hiệp thông sâu sắc với người khác.[22]
Thực vậy, chỉ trong tình yêu và ân sủng người tu sĩ mới đủ nghị lực để đón nhận, nâng đỡ, hiệp thông và giúp nhau cùng thăng tiến. Đồng thời vượt qua những giới hạn, ghen ghét, tỵ hiềm, những hạn chế mong manh khổ luỵ của kiếp người để sống tự do bát ngát. Có như vậy thì cộng đoàn mới thực sự vừa là một thân thể cầu nguyện vừa là thân thể của lòng thương xót, để chữa lành và ban sự sống cho những ai sống trong khổ cực, hết hy vọng. [23]
Kết luận
Nhân loại trong mọi thời và ở mọi nơi luôn mơ ước sống yêu thương. Bởi tình yêu được Thiên Chúa ươm mầm nơi tâm hồn mỗi người. Hạt giống tình yêu đã phát triển như một quy luật tất yếu: tình yêu giữa vợ với chồng, tình yêu giữa con cái với cha mẹ, tình yêu đồng loại với nhau. Đỉnh cao của tình yêu là Con Thiên Chúa đã đi vào trần gian và hy sinh tính mạng để cứu độ nhân loại “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đó là nét độc đáo của nền văn hoá Tin mừng.
Chiến tranh, khủng bố, xâm phạm quyền sống của con người và lối sống quy ngã đang là vấn đề “nhức nhối” bẻ gãy mối dây yêu thương, gây khủng hoảng tâm lý và những đột biến trong suy nghĩ và tương quan của con người. Trước sự khủng hoảng của mối dây yêu thương có biết bao con tim thiện chí vẫn âm thầm, miệt mài sống và vạch ra những đường hướng thiết thực để xây dựng nền văn hoá Tin mừng cho con người thời đại hôm nay.
Các tu sĩ khi sống tình huynh đệ cộng đoàn là lúc họ đang hoạ lại và làm sáng lên nét độc đáo của nền văn hoá Tin mừng, đồng thời trở thành men yêu thương để đến liên đới với tha nhân.



[1] Xc. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm Hoan Lạc của Tình Yêu , số 12.
[2] Xc. Ibid, số 11.
[3]https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%A7ng_b%E1%BB%91
[4]http://vietnamdefence.com/Home/tinhbaoanninh/cacvukhungbo/10-vu-khung-bo-chan-dong-the-ky/201210/52113.vnd
[5] Youcat, số 383. Sách GLHTCG, số 2270-2274
[7]http://suckhoephaidep.net/threads/the-gioi-thong-ke-ve-pha-thai-trong-nhung-nam-qua.2411/
[8]http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/121505/giat-minh-nhung-con-so-nao-pha-thai-o-gioi-tre.html
[9] ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm Hoan Lạc của Tình Yêu , số 42
[10] Youcat, số 383. Sách GLHTCG, số 237, 379
 [11] ĐGH Phanxicô,  Tông Huấn Niềm Vui Tin mừng, số 53
[12] Xc. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm Hoan Lạc của Tình Yêu , số 121
[13] Ibid , số 193
[14] Xc. Báo Công Giáo & Dân Tộc, số 2058, trang 41-42
[15]Trích lại trong báo Công Giáo Dân Tộc, số 2061, trang 33.
[16] ĐGH Phaolô VI, Populorum Progressio, số 20.
[17] Xc. ĐGH Phanxicô,, Tông Huấn Niềm Vui Tin mừng , số 87.
[18] Xc. Ibid, số 88
[19] Xc. Báo Công Giáo & Dân Tộc, số 2063, trang 33.
[20] Xc. Hiến Chương Dòng MTG, điều 45.
[21] Ibid
[22] Cộng Đoàn nơi tha thứ và an vui, tập 1, trang 91.
[23] Xc. Ibid, trang 82.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn