Trúc Bạch, OP.
“Thiên Chúa là Tình Yêu.” (Ga 4,8.) Vì yêu thương,
Người đã tạo dựng
con người, mời gọi họ đến với tình yêu và sống cho tình yêu, có thể là tình yêu
tận hiến trong bậc tu trì, hoặc như đa số người ta vẫn hiểu là tình yêu trao
hiến hỗ tương trong đời sống lứa đôi. Bởi thế, tình
yêu đôi lứa ngay từ xa xưa đã là đề tài quen thuộc, được thể hiện khá rõ nét
trong ca dao dân ca, với những lời lẽ ngọt ngào, uyển chuyển, nhưng đôi khi
cũng chân thành mộc mạc chân quê, pha trộn hương đồng cỏ nội… Trong tình yêu,
các đôi nam nữ yêu nhau thường sánh ví mình với những hình ảnh rất gần gũi,
thân thiết để bộc lộ tình cảm của mình vừa ý nhị nhưng cũng không kém phần sâu
sắc:
Đôi ta như đá với dao
Năng
liếc năng sắc, năng chào thì quen.
Những hình ảnh so sánh thật giản dị mà ý
nghĩa: Dao và đá khác hẳn nhau về hình thù, tính chất như người nam người nữ đã
được Thiên Chúa tạo dựng, có nhiều khác biệt do những yếu tố sinh học và tâm lý xã hội; tuy
vậy, dao và đá có sự gắn bó không thể tách rời,
bởi dao cần đá mài mới sắc, đá cũng cần dao để thực hiện đúng chức năng của
mình, như người nam người nữ dùng sự khác biệt để bổ sung cho nhau tạo
nên niềm vui, hạnh phúc, trong đời sống hôn nhân gia đình. Thế nhưng, việc dung
hòa khác biệt trong tình yêu, nhất là khi đã về sống chung trong cùng một mái
nhà là việc không đơn giản chút nào, nó đòi hỏi đôi bạn phải hiểu rõ hơn về
nhau và phải luyện tập một số nhân đức thì tình yêu mới bền vững.
Hiểu rõ sự khác
biệt tâm lý nam nữ, một điều cần thiết trong tình yêu
Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (x. St 1,27),
giới tính khác nhau, kéo theo nhiều sự khác biệt, chẳng hạn: về thể xác thì nam
thường to khỏe, nữ thì cơ bắp nhỏ yếu nhưng lại bền hơn; về nhận thức thì người
nam thường thiên về lý luận, trong khi đó, người nữ thì hay dùng trực giác; về
đời sống tôn giáo, luân lý thì người nam thường kém sốt sắng nhưng lại bền
vững, trong khi đó, người nữ thường đạo đức nhưng lại dễ bị lung lạc, khó giữ
đức bác ái trong lời nói… Những khác biệt này dẫn đến hệ quả là người nam và
người nữ có tâm lý rất khác nhau, mà người ta thường tóm tắt theo năm định luật
sau:
Luật ưu tiên: “Nam giới chú trọng thể xác, nữ giới
ưu tiên tình cảm.” Do vậy:
Người
chồng cần nhớ: Luôn có những cử chỉ âu yếm, lời nói nhẹ nhàng thể hiện sự
quan tâm, che chở.
Người
vợ cần nhớ: Quan
tâm vẻ bề ngoài của mình, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước ngon lành, hẳn hoi.
Luật phân cách: “Nam giới tim có bốn ngăn, nữ giới
thì chỉ có một ngăn.” Do vậy:
Người
chồng cần nhớ:
Đừng ngại nói lời yêu thương và tỏ ra rằng chị là quan trọng nhất với anh.
Người
vợ cần nhớ:
Ngoài tình yêu, anh còn quan tâm nhiều đến: công việc, lý tưởng, giải trí, nên
bớt nhõng nhẽo, đòi hỏi.
Luật chi tiết: “Nam giới thường chỉ chú trọng đến
cốt yếu, nữ giới hay để ý chi tiết.” Cho nên:
- Người chồng cần nhớ: Luôn tỏ
ra khéo léo, tế nhị, ghi nhớ và trân trọng những kỷ niệm trong đời chị, ví dụ:
ngày sinh nhật, ngày lễ bổn mạng, ngày lễ tình nhân…
- Người vợ cần nhớ: Bỏ qua những điều anh quên hay thiếu sót
Luật bất đồng cảm: “Nam giới thường phản ứng nhanh
nhưng mau dứt, nữ giới phản ứng chậm nhưng kéo dài.” Do vậy:
Người
chồng cần nhớ:
Hãy khéo léo và kiên nhẫn với chị trong tình cảm cũng như về sinh lý
Người
vợ cần nhớ: Hãy
tỏ ra dịu hiền và nhớ rằng “khi cơm sôi thì bớt lửa.”
Luật thính giác: “Nam giới thường khô khan, ít nói,
nữ giới lại thích nghe dịu ngọt”. Chi nên:
Người
chồng cần nhớ:
Cởi mở tâm hồn, nói những lời âu yếm, khen tặng, dẫu là những việc đã quen
thuộc.
Người
vợ cần nhớ: Biết
gợi chuyện để anh nói, tránh bị người khác dụ dỗ, đừng quá dễ tin dư luận.
Thật ra, những định luật trên
không phải là tất cả những sự khác biệt, bởi mỗi người là một huyền nhiệm. Thế
nên, việc nắm vững năm định luật này sẽ hữu ích cho việc hiểu biết lẫn nhau,
phần nào tránh bớt những phán đoán chủ quan, nóng vội dẫn đến bất hòa, đổ vỡ.
Dung hòa sự khác biệt nhờ một số đức tính
Như đã nói ở trên “mỗi tâm hồn là
một huyền nhiệm”; mặt khác, con người còn có những thay đổi theo thời gian và
trình độ nhận thức, cho nên việc khám phá tha nhân là việc chẳng bao giờ cùng. Triết gia Aristotle nói rằng: “Tình yêu là sự kết tinh của một tâm hồn
nằm trong hai thể xác.” Lẽ dĩ nhiên, hai thể xác thì
luôn có nhiều khác biệt và dễ xẩy ra những bất đồng trong đời sống chung. Bởi
vậy, để tình yêu bền vững, đôi bạn phải thường xuyên quan tâm đến nó, tựa như việc trồng
cây: muốn cây xanh tốt, người trồng phải thường xuyên chăm bón, tưới tắm; tình
yêu muốn bền chặt, hai người phải cùng nhau vun đắp bằng những thói quen và
những đức tính cần thiết.
Lòng chân thành
Ngày nay, thực trạng ly hôn càng
lúc càng trở nên phổ biến làm cho nhiều bạn trẻ lo lắng về tương lai của đời
sống gia đình, làm cho họ lưỡng lự hoặc cẩn thận thái quá khi tính đến chuyện
hôn nhân gia đình. Thái độ “ỡm ờ” dẫn đến hệ lụy “sống thử trước hôn nhân”,
hoặc tìm những mối tình qua đường chóng vánh để thỏa mãn dục vọng, thiếu đi
tính chân thành. Thế nhưng, điều hiển nhiên là: chẳng ai muốn yêu một người mà
khi khám phá ra người đó thiếu cởi mở và chân thành với mình. Cho nên, yếu tố
đầu tiên để làm cho tình yêu bền vững là lòng chân thành, không giả hình giả
bộ: Caritas non ficta, tình yêu không
giả dối (x. Rm 12,9). Lòng chân thành thể hiện qua ý thức, trách nhiệm và dám hy
sinh cho nhau.
Tôn trọng
Ở Việt Nam
cũng như một số nước Á Đông, dấu vết của quan niệm “trọng nam khinh nữ” theo
Nho giáo vẫn còn tồn tại. Theo đó, người nữ thường bị coi là thua kém người
nam, xét trong nhiều lĩnh vực của đời sống cũng như trong tương quan tình yêu.
Giáo lý Hội thánh Công giáo mời gọi người nam, người nữ phải tôn trọng nhau
trong sự bình đẳng, vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, được dựng nên để
trợ tá, bổ túc cho nhau, làm cho cuộc sống thêm viên mãn, thành toàn. Bộ Giáo
Luật của Giáo hội cũng ghi rõ rằng: “Trong tất cả những
gì có liên hệ đến đời sống chung trong gia đình, hai vợ chồng đều có nhiệm vụ
và quyền lợi bằng nhau.”[1] Như vậy, người vợ không phải là
“người hầu” của chồng nhưng là “bạn đời” theo đúng nghĩa.
Sự tôn trọng thể hiện ở việc đón
nhận nhau với trọn vẹn con người, quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Thông
thường, khi mới yêu nhau, người ta thường nhìn nhau với “lăng kính màu hồng”,
chỉ thấy những ưu điểm, nhưng sau một thời gian dài hoặc khi đã về chung sống người
ta mới dần khám phá ra những cái khác, thậm chí là khuyết điểm của nhau. Lúc
ấy, việc đón nhận thể hiện ở việc chấp nhận những khác biệt về suy nghĩ, cảm
nhận, lối sống… , được diễn tả qua lời nói tử tế và hành vi cư xử đúng mực,
tránh những lời lẽ thô lỗ, cộc cằn, hoặc lừa dối. Đôi khi những lời nói dối nhỏ
có thể vô hại, cũng có khi là chất xúc tác làm cho tình yêu có thêm nhiều cung
bậc cảm xúc. Tuy nhiên, nên cẩn thận đừng để thành thói quen, dễ đánh mất lòng
tin, làm cho người khác cảm thấy không được tôn trọng và dẫn đến kết cục: đường
ai nấy đi. Mặt khác, khi mới quen nhau, người ta có xu hướng tránh làm tổn
thương nhau từng chút, nhưng khi ở bên nhau dài lâu, thì lại có xu hướng thoải
mái, thiếu cẩn trọng trong lời nói và hành vi, dễ làm tổn thương nhau. Cho nên,
giữ được thái độ “tương kính như tân” là điều rất cần thiết.
Tôn trọng còn thể hiện ở việc xem
nhau như những người tín trung, chung thủy, hay nói cách khác là tin tưởng
nhau. Một thực tế là trong tình yêu thì không thể thiếu những cơn ghen cho dù
người ta tự tin hãy bản lĩnh đến mấy, nhưng hay ghen quá sẽ làm cho người kia
cảm thấy nặng nề ngột ngạt và lâu dài thì đâm ra chán nản cảm thấy mình không
được tin tưởng. Do vậy, khi đã chấp nhận
tình yêu của nhau, thì điều cần thiết là phải cố gắng tin tưởng, dẫu biết rằng
ở đời thì chẳng có gì là tuyệt đối, nhất là với những ai đã từng có kinh nghiệm
bị lừa dối trong tình yêu.
Tôn trọng còn thể hiện ở việc
dành cho nhau những khoảng không gian riêng. Trong đời sống thường nhật, có
nhiều điều khiến người ta phải quan tâm bên cạnh tình yêu, cho nên việc “đeo
bám”, lúc nào cũng muốn được dành thời gian, muốn được quan tâm, để làm cho
người yêu cảm thấy gánh nặng, là điều không nên. Cho dù khi đã thành vợ, thành
chồng của nhau, cùng chung sống dưới một mái nhà, mỗi người cũng cần có khoảnh
khắc riêng tư, không nên xâm phạm, nhưng hãy tôn trọng những khoảng riêng nhỏ
ấy. Những hành động theo kiểu như: tò mò đọc tin nhắn, kiểm tra facebook của
nhau thường xuyên là những điều dễ gây ngột ngạt cho mối tương quan, khiến cho
người yêu cảm thấy không được tôn trọng đúng mực.
Biết đối thoại với nhau
Đối thoại là nói lên những tâm tư, nguyện vọng
của mình, cũng như lắng nghe và trân trọng ý kiến của người khác. Trong đối
thoại, tối kỵ nhất là thái độ độc đoán, thích áp đặt ý kiến của mình, trong khi
đôi bạn là bình đẳng với nhau trong tình yêu và trong đời sống gia đình. Việc
đối thoại không chỉ trong công việc, trong kế hoạch làm ăn, trong cách nuôi dạy
con cái, mà còn cả trong tình cảm, trong chuyện hòa hợp sinh lý… Một yếu tố
cũng khá quan trọng trong đối thoại là: đừng
ngại nói lời xin lỗi nhau, vì chắc chắn ai cũng có lần mắc lỗi trong đời, nên
việc nói lên lời xin lỗi và chỉnh sửa chúng càng sớm càng tốt. Nhờ đối thoại,
đôi bạn có thể hiểu nhau, dễ chấp nhận khác biệt của nhau hơn. Như vậy, đôi bạn
dễ dàng dung hòa và giảm bớt những bất đồng.
Hy sinh cho nhau
Một biểu hiện của tình yêu chân
thật là sự hy sinh, quên mình vì người yêu, bởi vì hạnh phúc lứa đôi lại được
đặt nền trên những hy sinh liên lỉ hằng ngày của cả hai, trong việc lớn nhỏ
khác nhau của đời sống. Sự độc đoán, ích kỷ dễ dẫn đến việc ép buộc người khác
tuân theo ý mình; ngại hy sinh vì người khác sẽ làm cho tương quan vợ chồng dẫn
đến ngõ cụt. Vì thế, đôi bạn cần phải hy sinh cho nhau để tình yêu và đời sống
gia đình được bền chặt và thắm mãi “tình ban đầu”.
Hơn nữa, khi
bất đồng ý kiến, khi xung đột xẩy ra, sự hy sinh nghĩa là nhịn nhục, “một sự
nhịn chín sự lành”, và hành động theo lối “cơm sôi nhỏ lửa”, tạm ngưng mọi hành
động, chờ cho tới khi cả hai cùng bình tĩnh lại rồi mới nói chuyện với nhau,
tìm cách dung hòa, thì sẽ tốt hơn. Tất nhiên, trong lĩnh vực luân lý đạo đức
thì không thể nhượng bộ, chẳng hạn không thể làm điều xấu để vừa lòng người
kia. Và khi xung đột đã qua đi, dẫu cho lỗi thuộc về bên nào thì người kia cũng
được mời gọi hy sinh sự tự ái của mình để tha thứ cho nhau, như lời thánh
Phaolô dạy “Chúa đã tha thứ cho anh em
thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12- 13).
Dành thời gian cho nhau
“Tình yêu cần sự hiện diện.”[2] Ngày nay, nhiều gia đình
đổ vỡ vì lý do: vợ chồng quá chú tâm vào công việc mà ít dành thời gian cho
nhau. Điều đó cũng dễ hiểu vì người ta thường
nói: “xa mặt thì cách lòng”. Do vậy, việc dành thời gian cho nhau là rất quan
trọng dẫu công việc có bận rộn, hãy thường xuyên làm việc chung với nhau, tìm
hiểu những điểm chung trong sở thích, thường xuyên gặp nhau trong những buổi đi
chơi… Việc gặp gỡ là dịp để đôi bạn có thể chia sẻ niềm vui nỗi buồn với
nhau, những hoài nghi, ngờ vực, những buồn bực cũng như ấm ức; đôi bạn đừng
quên nói cho nhau về những sở thích và điều không thích, để thấu hiểu nhau, để
yêu thương, để đồng cảm với nhau hơn.
Luôn kiên nhẫn
Không có một tình yêu chân thực
nào mà không có sự cố gắng và nhẫn nại mỗi ngày, bởi vì nhiều khi đôi bạn biết
được sự khác biệt của nhau, biết được nguyên nhân dẫn đến điều đó, nhưng vẫn dễ xẩy ra xung đột nếu không có sự kiên
nhẫn. Tình yêu chân thực đòi buộc mỗi người phải có tinh thần hy sinh quên mình
vì người yêu, như lời thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em hãy hết lòng khiêm tốn, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau
trong đức ái” (Ep 4, 2).
Tạm kết
Đến với tình yêu, một nam một nữ, hai
phái tính tạo nên những khác biệt sâu xa, mà người ta dễ nhận ra từ những phản
ứng chẳng giống nhau trong buổi đầu gặp gỡ, đấy là chưa kể những khác biệt đến
từ môi trường lớn lên, rồi tập quán, truyền thống, tôn giáo, cách xử thế… Sự
khác biệt là điều cần thiết, vì nhờ đó mà có sự đa dạng và phong phú trong tình
yêu, trong đời sống con người. Do vậy, mỗi người đều phải nhận ra và chấp nhận
những sự khác biệt của nhau để có thể làm triển nở hạnh phúc của tình yêu hôn
nhân. Nhờ đó, cuộc sống gia đình an vui hạnh phúc, góp phần xây dựng sự an bình
và ổn định cho xã hội và cho thế giới. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy: “Sự hòa hợp của đôi vợ chồng và của xã hội
tùy thuộc một phần vào việc hai bên nam nữ bổ túc, đáp ứng và nâng đỡ nhau.”(số
2333)
Đăng nhận xét