Tự bản chất, định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng
là để cộng tác sinh hạ và dưỡng dục con cái
cho vinh danh Thiên Chúa (LG 48).
là để cộng tác sinh hạ và dưỡng dục con cái
cho vinh danh Thiên Chúa (LG 48).
Đan sĩ Châu
Sơn
Cha mẹ là
“tác giả của hôn nhân” (LG 48), từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã truyền rằng hôn nhân là bất khả phân ly (Mt 19. 5-6) và tự căn bản, hôn
nhân phải mở ra với quà tặng sự sống của Thiên Chúa là việc sinh sản. Chức năng
làm cha, làm mẹ là những quà tặng đã hàm chứa từ ban đầu trong sự bổ
túc giữa người nam và người nữ như hình ảnh của Thiên Chúa. “Tự bản chất, định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng là để cộng tác sinh hạ
và dưỡng dục con cái cho vinh danh Thiên Chúa” (LG 48).
Vì thế đi kèm theo với hồng ân mà Thiên Chúa ban cho vợ chồng để trở nên “một xương một thịt” (St 2, 24; Mt
19. 3-9), họ phải hợp nhất trong tình yêu và sự sống không chỉ cho cuộc sống
của chính họ với nhau, nhưng còn là đón nhận và dưỡng dục mầm sống mới, như chính hoa trái tình yêu của họ.
Trách nhiệm giáo dục con cái của
các gia đình
Vợ chồng Kitô Giáo phải cùng nhau giáo dục con cái theo tinh thần Tin mừng và đường lối của Hội thánh. Họ là
những người thầy đầu tiên dạy đức tin cho con cái. Trong vấn đề này, cha mẹ
phải tìm những cách thế để làm cho con cái lớn lên trong đức tin, sống đức tin
và chia sẻ đức tin với người khác. Giống như gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, gia đình Kitô
Giáo phải là một mái ấm, một truờng dạy sự thánh thiện và dạy cách làm môn đệ
Chúa. Cha mẹ là
nơi con cái lần đầu tiên cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong
những xã hội đa nguyên ở Á Châu, nơi mà Kitô hữu chỉ là một thiểu số và việc
giáo dục về tôn giáo trong các trường học có thể không được chấp nhận, thì sứ
vụ của vợ chồng trong việc giáo dục con cái giúp chúng ý thức về sự cần thiết của sứ mạng truyền giáo. Một gia đình có niềm tin tôn giáo sâu xa là dấu chỉ
của Giáo hội và của
Nước Thiên Chúa. Trong các gia đình mà các thành viên thuộc những Giáo hội Kitô khác nhau hoặc thuộc các tôn giáo khác nhau, thì cảm thức tôn giáo sâu xa như thế là lời đáp trả đối với một thế giới tục hóa đang dần lìa xa và đánh mất cảm
thức về Thiên Chúa trong cuộc đời.
Các
Gia đình Công Giáo thực thụ không thể chỉ
sinh con rồi bỏ bê cho cộng đồng xã hội cũng như Giáo hội nuôi và dạy; nhưng gia đình phải là trường học đầu tiên huấn luyện cho con cái ý thức, trí thức, nhân bản và đặc biệt chú tâm đến việc huấn
luyện đời sống đức tin. Thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolô II dạy rằng:
Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần
vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình
yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn trong mình ơn gọi phải lớn lên và phát
triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho
ngôi vị ấy được sống nhân bản trọn vẹn (Tông huấn Gia Đình, số 36).
Giáo
dục là một quá trình lâu dài, có khi phải mất cả một đời người, vì không chỉ truyền thụ cho con cái một mớ đức tin hay kiến
thức xuông, mà còn phải thích nghi đức tin và kiến thức
ấy ngang qua văn hóa của đời sống gia đình. Song song với ba nhân đức đối thần của
Kitô giáo: đức Tin, đức Cậy và đức Mến, người Việt chúng ta cũng chịu ảnh hưởng nhiều nếp sống của Nho gia: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Trước hết, chúng ta bàn về ba nhân đức đối thần:
Đức Tin: là suy phục chủ quyền của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta. Phó thác
sinh mạng và tương lai của chúng ta cho Thiên Chúa, để cho Ngài làm chủ và điều
khiển mọi ý nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta. Tin là mau mắn và vui vẻ nghe
theo tiếng Chúa trong lòng ta và luôn đứng về phía tiếng Chúa trong mỗi giây
phút của cuộc đời này.[1]
Đức Cậy: là nương tựa vào Thiên Chúa mà cố
gắng hết sức ta, dù chúng ta rất yếu đuối. Có Chúa là sức mạnh luôn ở với chúng
ta (Mt 28, 20; Ga 16, 33) và bênh vực chúng ta (Rm 8, 31). Dù gặp khó khăn thử
thách đến đâu, ta vẫn vững lòng không nao núng. Tin và trông cậy vào tình
thương của Thiên Chúa và Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta tới bến bờ bình an. Tin tưởng
cũng là một cách thế cậy trông vào mọi lời Chúa hứa.[2] Ai bỏ mọi sự vì Chúa sẽ được gấp
trăm ở đời này và được sự sống hạnh phúc ở đời sau (xc. Mc 28, 31; 2Tm 2, 11-12).
Đức Mến: là tha thiết tìm kiếm Thiên Chúa bằng tất cả trí lực ta có cho vinh
danh Chúa sao cho ý muốn Ngài được thực hiện. Yêu mến Chúa là luôn luôn làm đẹp
lòng Chúa và mong muốn nên giống Chúa trong mọi sự. Chúa muốn ta yêu mến Chúa
hết lòng, hết sức, hết linh hồn và vì yêu mến Chúa thì cũng yêu mến mọi người
anh chị em như chính mình.[3]
Sau
khi bàn về các nhân đức đối thần, chúng ta đề cập đấn các đức tính nhân bản:
Nhân: là cái đức chung của mọi người phải có đối với nhau. Một người muốn sống
cho ra người phải có lòng nhân, tức là phải biết yêu thương. Lời Chúa còn cho
chúng ta biết lòng yêu thương rất quan trọng, thiếu nó thì mọi sự đều vô nghĩa
(1Cr 13, 1-13; Mt 9, 13 ; 25, 31-46), vì nhờ lòng yêu thương mà
ta được nên con cái Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa là tình yêu (1Cr 4, 7-8).
Nghĩa: là những việc nên làm theo tiếng mời gọi của lương tâm. Người có nghĩa là
người mang đậm tiếng lương tâm. Tiếng lương tâm càng sâu đậm thì con người càng
cao thượng và càng đáng được trân quý. Làm người ai ai cũng mong muốn được
tôn trọn, được tôn quý. Bởi vậy, cha mẹ cần dạy bảo để trẻ em trong nhà biết
nghĩa với mọi người. Chẳng hạn, đi dâng lễ thờ phượng Thiên Chúa là một việc
tốt, nhưng nếu gặp nạn nhân cần giúp đỡ mà bỏ đi thì đó là việc bất nghĩa (Lc
10; Mt 25, 45).
Lễ: là giữ sự kính trọng đối với mọi tầng lớp, là những cách diễn tả mà mọi
người đều coi là tốt đẹp, nhằm bày tỏ sự tôn kính yêu thương nhau, cho vừa lòng
đẹp ý nhau và nhờ đó mà cuộc sống được thêm ý vị. Người ta quen gọi hành vi tốt
này là người lễ phép, người lịch sự.[4] Người lịch sự thì luôn mang hòa khí đến cho mọi người và
tự thân họ cũng được bình an, lịch thiệp với chính bản thân ngay khi họ ở một
mình. Thực ra, người Kitô hữu, nhất là đối với những người giàu “lễ”, họ chẳng khi
nào ở một mình, vì họ đã được cha mẹ dạy cho họ biết họ luôn luôn có Chúa hiện
diện ở với họ mọi nơi mọi lúc và có các Thiên Thần của Chúa hằng đồng hành với
chúng ta. Vịnh gia Đavít thốt lên rằng: “Con
nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ Chúa đều xem xét cả” (Tv 139, 2b-3a), nên người lễ phép luôn sống trong hân
hoan như đang sống với Chúa vậy.[5]
Trí: là sáng suốt, hiểu rõ thiện tình sự lý, biết người biết mình để hành động
đúng không sai lạc, cân nhắc kỹ lưỡng mọi tình huống, phân định
được đường hướng của Thiên
Chúa và cảm tính tự thân.[6] Cha mẹ là những người đi trước luôn có những kinh nghiệm
sống trong đạo cũng như ngoài đời, nên cha mẹ có bổn phận huấn luyện cho con
cái kiên tâm rèn luyện ý trí để trở thành người kiên cường cả trong đức tin của
đạo Chúa cũng như mọi tình huống khó khăn sảy ra trong đời sống thường ngày.
Tín: là tin trong đạo xử thế, tín là sống thế nào để có thể tin nhau.[7] Điều này ngày nay người ta ít quan tâm nhất. Mà lại là
điều quan trọng nhất, bởi vậy các bậc cha mẹ cũng cần phải quan tâm nhất. Vì ở
đâu có những con người giàu sự tín nhiệm, ở đó có bình an và hoan lạc.
Gia đình nào các thành viên tín nhiệm nhau, gia đình đó có hạnh phúc và tinh
thần đạo đức thánh thiện. Ở đâu có những con người thánh thiện, ở đó sẽ vắng
bóng sự gian dối, vắng bóng sự thất hứa. Chúng ta có tín
nhiệm nhau thì mới có thể tín nhiệm Chúa, có trung thành với nhau thì mới có
thể trung thành với Chúa.
Cha mẹ đồng hành với con cái tiến
vào một gia đình mới
Mỗi khi chúng ta có dịp nhìn vào một gia
đình, quan sát một gia đình và suy nghĩ về hành trình cũng như sự hình thành
của một gia đình thì không khỏi ngỡ ngàng về huyền nhiệm gia đình ấy.
Mỗi gia đình luôn có sự chuyển trao và tiếp nối giữa các thế hệ. Sự tiếp nối và xuất hiện của một gia đình mới, không phải
một sớm một chiều mà thành, nhưng phải trải qua thời gian khá dài với sự chuẩn
bị của cha mẹ. Những người mẹ có con gái đến tuổi cập kê thường thao thức và lo
lắng chuẩn bị cho con đi lấy chồng. Song song với sự chuẩn bị này, các bà cũng
rất lo cho bổn phận làm dâu của con gái mình. Các bà mẹ có con trai cũng nhiều
nỗi lo không kém. Làm sao có được con dâu thảo hiền? Còn phần mình, sẽ ứng xử
sao cho “phải” trong vai mẹ chồng đây?[8]
Trong bối cảnh này, những người làm cha làm
mẹ muốn cho con trai mình được như thế nào
thì cũng đừng quên dạy dỗ cho con gái mình đi làm dâu người khác cũng phải như
vậy. Để chuẩn bị cho một gia đình tương lai của con cái được khởi đầu thuận lợi
thì ngay khi còn ở với bố mẹ, con gái đã phải thực tập được các đức tính căn bản: Công, Dung,
Ngôn, Hạnh và thuần thục “nữ công gia chánh”. Những hành vi này thường liên quan
đến người mẹ nhiều hơn,
vì đây là thiên chức của người mẹ. Hơn nữa, ai trong chúng ta cũng biết phụ nữ
thường tỉ mỉ, cẩn thận hơn và gần các con hơn người bố. Vậy còn người bố thì
sao? Ông không có phận sự gì trong việc dạy bảo và đồng hành với các con trong
việc hướng đến và tiến vào trong một gia đình mới sao?
Chúng ta thường nghe nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nếu
như người mẹ đã nỗ lực giúp các con biết được nền tảng không thể thiếu cho một
người phụ nữ trước khi thành lập một gia đình mới thế nào thì người bố cũng
phải nỗ lực chỉ dạy cho con trai biết rõ yếu tính thiết cốt phải có nơi một “nam tử hán, đại trượng phu”. Người làm cha có thể nói cho con cái biết, ngoài việc thương yêu vợ con
là một bổn phận, người làm cha còn có bổn phận tìm kiếm sự bình an, niềm vui và
hạnh phúc cho vợ con. Vì niềm vui, bình an và hạnh phúc có thể vượt lên trên
bổn phận. Đồng thời người cha cũng có thể chia sẻ với con trai, nói cho con
trai biết kinh nghiệm làm chồng và làm cha của mình và cho con trai biết người
phụ nữ cần gì nơi chồng của họ mà họ không thể nói. Cũng
vậy, người cha cần cho con gái biết sở thích chung của người nam. Cha mẹ có thể
nói với các con không chỉ những điểm tốt đẹp và đề nghị các con thi hành, nhưng
còn có thể nêu ra những thất bại họ đã từng gặp phải trong cuộc sống với niềm hy vọng các con của họ đi vào một gia đình mới mà không
theo các vết xe đổ từng xảy ra nơi bố mẹ. Các con của họ có thể tránh được
những sơ xuất xảy ra nơi cha mẹ mình và lấy đó làm một bài học quý
báu cho gia đình mới của họ.
Người làm cha làm mẹ vẫn chưa được dừng lại ở
đây, nghĩa là bổn phận của cha mẹ vẫn chưa xong, nhưng còn còn phải tiếp tục
đồng hành với cuộc sống của gia đình các con. Chúng ta đừng tưởng các con thành
lập gia đình riêng, ăn riêng ở riêng là cha mẹ hết trách nhiệm. Sự thường,
những đôi vợ chồng trẻ, mới ra ở riêng hay mang một tâm trạng được tự do thoải
mái. Điều đó không sai, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Bởi vậy cần có sự
đồng hành của cha mẹ nhắc cho họ biết để có thể kịp thời quân bình cho cuộc
sống gia đình khỏi đi quá trớn, tiếc nuối không kịp. Nhất là về phương diện đạo
đức, sống tương quan với Chúa và với họ hàng, xóm ngõ gần xa. Củng cố tinh
thần, khích lệ các con trong việc đón nhận và nuôi dạy các thành viên mới như
ân huệ và là quà tặng Thiên Chúa ban. Có thể nói, cha mẹ phải luôn luôn đồng hành với gia đình các con trong suốt cuộc đời này, và giúp các con kế thừa và phát triển những nét đạo đức và truyền thống gia đình
tốt đẹp của các bậc tiền nhân.
Kết luận
Đời sống hôn nhân gia đình ngày nay rất phức
tạp, đầy những khó khăn. Biết được những bóng đen đang rình rập gia đình, những người cha, người mẹ được mời gọi yêu mến và tôn
quý gia đình mình hơn bao giờ hết. Yêu mến gia đình nghĩa là quý chuộng các giá
trị và khả năng của gia đình, luôn tìm cách thăng tiến các giá trị và khả năng ấy. Yêu mến gia đình nghĩa là duy trì được sự bền vững của hôn nhân, làm triển nở tình yêu giữa vợ chồng, sẵn sàng bảo vệ sự
sống, đón con cái và giáo dục chúng theo luật Chúa và luật Hội
thánh. Đừng quên rằng, yêu mến gia đình là cha mẹ truyền thụ cho con cái một cảm thức đức tin ngay
từ thuở thơ ấu, đồng hành và huấn luyện con cái thành những người trưởng thành và hữu
ích cho Hội thánh và cho tha nhân.
Đăng nhận xét