Sự kỳ diệu của phái tính và huyền nhiệm của Giao ước tình yêu


Phái tính là nơi phô trình những bản chất nội tại của con người,
như: tính tình, thái độ, ước muốn, cảm xúc, lời nói, bản tính…
Vì thế, phái tính cho phép tồn tại những hình ảnh
hay những tư tưởng tuyệt vời
mà trí óc con người phác họa lên hay đo lường được.
Jos. Sỹ Thảo, OP.
Con người được Thiện Chúa tạo dựng có nam có nữ, cả hai hoàn toàn bình đẳng về phẩm giá. Giữa người nam và người nữ có sự thu hút nhau về phái tính mãnh liệt, đó là cách thế để hướng đến giao ước tình yêu đôi lứa. Để qua đó cả hai trở thành tặng phẩm”, làm nên hạnh phúc bằng việc nhận biết sự huyền nhiệm bất tận và phong nhiêu của tình yêu, cả hai trở thành động lực bổ túc cho nhau và đỡ nâng nhau trong đời sống hôn nhân, gia đình.
1. Sự kỳ diệu của phái tính
Phái tính một thực tại kỳ diệu nơi bản tính con người. Trong lịch sử đã có nhiều quan điểm bất đồng giữa các trường phái triết học, các tôn giáo, các nền văn hoá về phái tính. Có người cho rằng, phái tính là điều gì đó xấu xa, nó mang lại toàn những điều bất hạnh, đổ vỡ tương quan, huỷ hoại bản thân và xã hội. Ý kiến ngược lại cho rằng, phái tính là một thực tại ẩn chứa những vẻ đẹp kỳ diệu của sự sống; nó có năng lực sáng tạo ra những điều mới lạ cho đời; nó là món quà tuyệt vời mà Đấng Tạo Hoá đã thiết định và phú ban nơi mỗi người khi họ hiện hữu trên mặt đất. Một thi sĩ khi chiêm ngắm vẽ đẹp nơi người phụ nữ liền thốt lên rằng:
Ngắm nhìn nét đẹp hồn nhiên
Em cười duyên dáng dịu hiền làm sao
Môi hồng da trắng thanh cao
Không cần trang điểm má đào xinh tươi!
Ngắm em lòng thấy nhẹ nhàng
Nhọc nhằn qua hết, dù đang đợi chờ.
Hình ảnh người phụ nữ quả là một kì công kiệt tác, một tác phẩm tuyệt đẹp trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, càng chiêm ngắm càng thấy say mê, lòng ngập tràn niềm vui, đến nỗi có người ví von rằng, nếu Thiên Chúa tạo dựng người phụ nữ trước thảo mộc, thì có lẽ việc tạo nên các loài hoa là thừa thãi.
Giáo hội Công giáo nhìn nhận: “Phái tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, cả xác và hồn. Phái tính đặc biệt liên quan đến đời sống tình cảm, khả năng yêu thương và truyền sinh, nói chung mọi tương quan với người khác. Để hiểu sâu vấn đề này hơn, chúng ta trở về với Thánh kinh, nơi Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết về phái tính từ những con người đầu tiên được tạo dựng. Những trang đầu sách Sáng Thế viết rằng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình... Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, và chúc phúc: hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều” (St 1, 27-28). Như vậy, Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa phú cho họ phái tình và sự bình đẳng về nhân phẩm”.[1] Có thể nói, phái tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, sự khác biệt là để bổ sung cho nhau về thể xác và tinh thần để hướng đến đời sống tình yêu, hôn nhân.  
Trong thuở ban đầu ấy, Ađam, mặc dù có nhiều thú vui tao nhã nhưng ông vẫn thấy cô đơn. Ađam nhận thấy mình không có sự hài hoà nội tại nơi các loài vật khác, thấy khao khát một “thứ” từ chính bản tính mình. Vì thế, ông không tìm được nơi loài vật một “cái gì” tương hợp để trợ tá xứng với ông. Ađam cần một “ai đó” để nhìn nhận ông, để đối thoại với ông, và rồi Thiên Chúa đã tạo dựng cho ông một trợ tá tương xứng với ông (x. St 2,18) từ cái xương sườn. Có Evà, Ađam không còn là kẻ cô đơn, vì ở nơi nàng ông tìm thấy sự hài hoà bản thân, tìm thấy hạnh phúc đích thực. Thế rồi từ chỗ đối thoại và gắn bó với nhau, cả hai dìu nhau bước vào thế giới của sự hiệp thông ngã vị (persona) để sống với giao ước tình yêu bằng việc kết hợp “cả hai nên một xương một thịt” (St 2,24). Kinh nghiệm kết hợp này giúp con người chiến thắng nỗi cô đơn, vì “trong hôn nhân, ái ân trở thành dấu chỉ và bảo đảm  của sự hiệp thông tinh thần”,[2] và đây là một biểu lộ giao ước của sự hiệp thông các ngã vị.
Như vậy, chỉ nơi tương quan với tha nhân mà tựu trung nơi phái tính, con người mới tìm được niềm vui và ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Đôi nam nữ đầu tiên trong công trình tạo dựng đã yêu nhau, tự nơi họ toả ra một sức quyến rũ mãnh liệt, một vẻ đẹp kì diệu và đầy tràn sức sống. Cả hai như một món quà kỳ nhiệm mà Thiên Chúa đã tặng để họ trao ban cho nhau, một món quà không gì có thể thay thế. Và rồi “Con người (Ađam) và vợ mình (Evà), cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau (St 2,24-25). Đức Gioan Phaolô II nói: “Đây chính là chiếc chìa khóa” để hiểu kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về cuộc sống con người.”[3] Chi tiết cả hai trần truồng mà không xấu hổ, cho thấy: khi yêu thương thắm thiết, con người càng muốn khai mở những nét đẹp lung linh huyền nhiệm của giới tính, những gì là cao quý nhất cho nhau mà không sợ hãi, không tự vệ, vì họ tin tưởng nhau, luôn thấy an toàn bên nhau. Trong tình trạng vô tội nguyên thủy, khi ấy dục vọng nghĩa là sự thèm muốn dục tình để thỏa mãn chưa len lỏi vào tâm hồn con người. Bởi thế, hai ông bà nguyên tổ dẫu trần truồng nhưng không cần phải tự vệ khi đứng trước mặt nhau, bởi lẽ cái nhìn của người kia hoàn toàn không chút đe dọa đến phẩm giá của người này.
Khi phạm tội, con người biết mình trần truồng, thấy xấu hổ và sợ hãi. Cái đẹp phái tính bây giờ trở thành dục vọng, thèm khát để thoả mãn thú vui và muốn thống trị nhau. Bởi thế, người nữ che thân thể lại không phải vì nó “xấu” hay “đáng xấu hổ”, mà sâu xa nàng che mình lại để bảo vệ phẩm giá mình không bị xúc phạm bởi một “ánh mắt đầy dục vọng” của kẻ khác, phòng thủ một ánh nhìn thiếu tôn trọng phẩm giá do Thiên Chúa ban (x. St 2, 23-25). Như vậy, con người sa ngã muốn thống trị kẻ khác phái bằng sức mạnh của khoái lạc, để chứng tỏ thế thượng phong của mình, “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16).
Tóm lại, phái tính là một món quà kì diệu, là kiệt tác trên mọi kiệt tác; phái tính không chỉ cuốn hút đôi bạn nam nữ tìm đến nhau để hiệp thông ngã vị, tương quan bình đẳng để trở nên một “kẻ tuyệt đẹp” trước sự hiện diện của nhau, mà còn làm phát triển và tôn vinh vẻ đẹp của sự sống nhân loại.
2. Sự huyền nhiệm của giao ước tình yêu
Khi nói về sự huyền nhiệm của tình yêu đôi lứa, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II diễn tả, họ “nhìn nhau và thấu hiểu nhau… với ánh mắt tâm hồn tràn đầy bình an”.[4] “Ánh mắt tâm hồn” này là cái nhìn của một xác thân biểu lộ ra một tâm hồn mầu nhiệm, một sức nặng hướng chiều làm cho kẻ đang yêu bị lôi cuốn về phía người được yêu, dẫn đến trao tặng “bản thân” cho người được yêu với tất cả những gì mình là, làm phong phú sự hiện hữu của cả hai, vì thế kẻ được yêu sẽ biến đổi trong kẻ yêu. Đó chính là sự kết hiệp huyền nhiệm của tình yêu. Họ nhìn thấy ý định yêu thương của Thiên Chúa khắc ghi trong xác thân của họ, là khát vọng yêu thương như Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Nghĩa là từ “thuở ban đầu” Thiên Chúa đã đặt sẵn khát vọng phái tính để con người yêu thương, qua sự trao ban chính mình trong tự do, thành tín và thuỷ chung. Người đàn ông và người đàn bà đầu tiên được tràn ngập bởi tình yêu Thiên Chúa, nên họ hoàn toàn tự do trao hiến cho nhau. Chính sự tự do này giúp cả hai biết kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, thấy kế hoạch của Người được ghi tạc trong bản thân của họ.
Nơi giao ước tình yêu, ngã vị trở thành một tặng phẩm và nhờ tặng phẩm ấy con người thực hiện trọn vẹn ý nghĩa hiện hữu của mình.[5] Từ đây theo tiến trình tự nhiên, giao ước tình yêu sẽ dẫn đến cái “biết” nhau, và qua cái “biết” mà sinh hoa kết trái; thánh Gioan Phaolô II đã diễn tả điều này thật ý nghĩa: hành động “biết” dẫn đến sinh sản sự sống: “Ađam biết vợ mình và sau đó bà đã mang thai” (St 4,1). Như thế, giao ước tình yêu không chỉ lôi cuốn đôi bạn nam nữ gặp gỡ yêu thương trong say đắm, mà còn giúp đôi bạn phát sinh sự sống cho nhân loại. Thật vậy, Thiên Chúa đã truyền cho đôi bạn nam nữ đầu tiên rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28). Nghĩa là Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác với Người trong công trình tạo dựng, làm đầy tràn “sự sống huyền nhiệm” trên mặt đất, làm phong nhiêu công trình tạo dựng nơi vũ trụ này. Cho nên, điều kỳ diệu phái tính còn là một ơn gọi “sáng tạo sự sống” để làm cho thế giới càng trở nên tươi đẹp đáng yêu hơn. Đến đây ta chân nhận rằng, giao ước tình yêu dẫn đến chức vị làm cha mẹ là chóp đỉnh và đồng thời mạc khải trọn vẹn huyền nhiệm của tình yêu, làm cho ý nghĩa yêu thương của con người nên trọn vẹn. Đây là mục đích chính yếu của giao ước tình yêu nơi con người.
Tóm kết
Khởi đi từ các kinh nghiệm của nguyên tổ, chúng ta có thể hiểu được rằng phái tính con người vừa kỳ diệu vừa có sứ mệnh hướng tới giao ước tình yêu. Phái tính là nơi phô trình những bản chất nội tại của con người, như: tính tình, thái độ, ước muốn, cảm xúc, lời nói, bản tính… Vì thế, phái tính cho phép tồn tại những hình ảnh hay những tư tưởng tuyệt vời mà trí óc con người phác họa lên hay đo lường được. Thông qua phái tính, ngã vị được tỏ bày, cùng với cái thanh cao và sự kỳ diệu được diễn tả, khai mở một sự lôi cuốn hấp dẫn của hai giới. Còn giao ước tình yêu thì xoay quanh trục Giao ước của Thiên Chúa với Dân của Người. Nói cách khác, con người kết ước tình yêu vì họ muốn đón nhận nhau và trao hiến bản thân như tặng phẩm cho nhau. Họ không trao đổi một “cái gì đó” mà trao ban cho nhau chính bản thân họ, toàn thể ngã vị. Giao ước này vừa là một huyền nhiệm của tình yêu vừa là mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Đây chính là sợi dây liên kết tuyệt mỹ và vững bền của con người và được Thiên Chúa chúc phúc.


[1] Xc. Gaudium et Spet, số 49.
[2] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2360.
[3] Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung  ngày 16/01/1980.
[4] Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung  ngày 02/01/1980.
[5] Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 16/01/1980.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn