Đào tạo tu sĩ trong bối cảnh tục hóa tại Việt Nam hôm nay


Nếu sánh ví môi trường huấn luyện như một vườn ươm, thì các Nhà đào tạo cần phải
tạo cho các ứng sinh một “hệ sinh thái” tốt lành.
Các ứng sinh sẽ phát triển đời sống tâm linh tốt khi được sống trong một môi trường có đời sống tâm linh “khoẻ mạnh”.
Quốc Văn, OP.


Ai trong chúng ta cũng phải chân nhận rằng, trào lưu tục hóa ngày nay đang gây nhiều khó khăn cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, cách riêng cho những ai sống đời thánh hiến. Quan tâm đến vấn đề này, chính ĐTC Bênêđictô XVI đã cho thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ việc Tân Phúc Âm Hóa để giúp cho các Giáo hội địa phương nhận diện và đáp lại những vấn đề do việc tục hóa gây ra.[1] Dù sao, hiện tượng này có màu sắc khác nhau tùy mỗi nơi. Nói khác đi, tính đặc thù của nó tùy theo mỗi địa phương, mỗi khu vực, mỗi nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Trong chính cái nhìn tách biệt này, chúng ta cùng nhau đặt vấn đề về việc đào tạo các tu sĩ trong bối cảnh tục hóa tại Việt Nam hôm nay. Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta cùng phân định xem: nếu hiện tượng tục hóa trong xã hội phương Tây được hiểu như là sự lãng quên hoặc thờ ơ với Thiên Chúa, thì đâu là những biểu hiện tục hóa tại Việt Nam hôm nay? Và từ hoàn cảnh thực tế ấy, chúng ta phải đào tạo các huấn sinh như thế nào?
1.    Phân định những biểu hiện của tục hóa trong xã hội và Giáo hội Việt Nam hôm nay
Trên bình diện xã hội
Không dễ dàng chỉ mặt đặt tên những hiện tượng mà ta dán cho cái nhãn là “tục hóa”, tuy nhiên ngang qua truyền thống văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của Việt Nam, chúng ta có thể chỉ ra một số nơi chốn, yếu tố, nơi đó hiện tượng tục hóa có thể xuất hiện:
 - Hiện tượng tục hóa có thể này sinh từ nỗ lực tìm cách tự giải thoát mình khỏi sự giám hộ của truyền thống : cơ cấu gia đình theo truyền thống tổ tiên, những di sản của Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và ngay cả Kitô giáo nữa. Những giá trị truyền thống này đôi khi bị con người thời nay coi như là trói buộc tự do cá nhân.
- Hiện tượng tục hóa có thể nảy sinh từ những thực tại của đời sống con người như: quyền lực, tiền bạc, tình dục, chính trị… Những thực tại này cùng lúc vừa hữu ích vừa chống lại con người.
- Hiện tượng tục hóa có khi đặt điểm tựa nơi quyền bính chính trị nơi những con người đã mất lý tưởng phục vụ, quyền bính chỉ còn là phương tiện để củng cố, bảo vệ và mở rộng những lợi nhuận của tầng lớp này (một kiểu nói trong xã hội ngày này là “lợi ích nhóm”).
- Hiện tượng tục hóa có thể nảy sinh từ sự phân cách giữa các thế hệ. Ngày càng có rất nhiều bạn trẻ rời làng xóm ra thành thị để kiếm việc làm hoặc để học hành. Ở nông thôn chỉ còn lại là những cụ già và trẻ em; có khi vợ chồng cũng phải li tán vì miếng cơm manh áo…, dần dà hình thành một quan niệm sống khác biệt, khó dung hòa.
 - Hiện tượng tục hóa có thể này sinh khi một số người coi thành thị như là một thiên đường tại thế. Trước tình trạng thiếu vắng bầu khí gia đình, hụt hẫng tình cảm, những áp lực của đô thị hóa, hoặc các nhu cầu gia tăng, nhiều người đã để mình cuốn theo những đề nghị dễ dãi dưới nhiều hình thức choáng ngợp. Khi mà những chuẩn mực truyền thống bị đảo lộn, tình trạng tục hóa trên đẩy đời sống con người tới nhiều hình thức bù trừ (tình dục, nghiện ngập hay tham nhũng), lúc đầu có vẻ như sự bù đắp tạm thời, nhưng càng ngày càng lún sâu vào “vũng lầy êm ái” và người ta khó lòng có thể thoát ra.
Trên bình diện Giáo hội
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng tại Việt Nam hôm nay, cuộc sống hiện đại, kỹ nghệ hóa, và sự khao khát tìm lại giá trị của mình cùng với sự kính trọng của người khác là mảnh đất màu mỡ để hiện tượng tục hóa này có thể phát triển mạnh mẽ. Ảnh hưởng lớn lao của trào lưu tục hóa trên dân chúng, nhất là giới trẻ Việt Nam, phần lớn nằm ở sức quyến rũ của kỹ thuật, vì những kỹ thuật này có khả năng cung cấp những tiện nghi, thú vui v.v. và được coi như một phương tiện quý giá để thoát khỏi cảnh đói nghèo, để được kính trọng và được ngang hàng với các nước phương Tây trong sự giầu có và tân tiến với sự hào nhoáng quyến rũ. Liệu cộng đồng Kitô giáo Việt Nam có thể đứng vững được trước làn sóng tục hóa này?
Việc chuyển mình từ một cộng đồng được bao bọc sau lũy tre xanh với những chuẩn mực chắc chắn sang một cộng đồng mở cửa đón những làn gió mới, chắc chắn cộng đồng Công giáo Việt Nam khó lòng kiểm soát được hết những hậu quả của nó. Cộng đồng này nhận thấy rằng mình đang bị ảnh hưởng khủng khiếp bởi lối sống tiêu thụ hiện đại. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Người ta thần thánh hóa những lợi nhuận kinh tế đối với những nhu cầu con người và đối với người nghèo”. Hiện tượng này đang dần dần lây nhiễm và bén rễ trong Giáo hội Việt Nam hôm nay.
Quả vậy, ngay trong lòng Giáo hội, biểu hiện tục hóa dễ thấy nhất, chính là sự thờ ơ, lãnh đạm đối với tôn giáo và hậu quả là số giáo hữu tham dự phụng vụ, bí tích và các sinh hoạt của giáo xứ giảm sút; và cho dù nhiều nơi con số giáo hữu còn tham dự khá đông, nhưng lại thiếu mất chiều sâu, thiếu mất tâm tình tôn giáo cần có... Cũng vậy, con số linh mục, tu sĩ mỗi ngày mỗi ít dần, nhất là tại các môi trường thành thị phát triển.
Một tình trạng khác rất đáng tiếc, đó là đức tin Kitô giáo và truyền thống sống đạo đã trở thành xa lạ đối với rất nhiều con cái của Giáo hội. Nhiều người, tuy chưa bỏ Giáo hội, nhưng cách suy nghĩ và cách sống đã xa lạ và có khi còn công khai từ khước và chống đối Giáo hội. Trào lưu tục hóa này diễn ra ngay trong lòng Giáo hội qua cách sống nơi nhiều giáo hữu và ngay cả hàng ngũ linh mục, tu sĩ; họ ra như không còn lấy Chúa Giêsu làm trung tâm điểm đời mình, nhưng chạy theo nếp sống tìm kiếm tiền bạc, lạc thú và hưởng thụ. Nhìn chung, khuynh hướng này là nếp sống lấy dễ dàng, thoải mái, tiện nghi làm tiêu chuẩn lựa chọn.
Trầm trọng hơn nữa, đó chính là nếp sống hưởng thụ thú vui xác thịt, điều này được biểu hiện rõ ràng qua cuộc khủng hoảng ấu dâm, điển hình nơi một số Giám mục, linh mục tu sĩ bên Hoa Kỳ và bên các nước Âu châu (nói vậy không có nghĩa là ở Việt Nam, các linh mục, tu sĩ đều trong sạch !).
Quả vậy, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI cho thấy, Giáo hội đang bị trào lưu tục hóa gặm nhấm mỗi ngày. Trong buổi triều yết dành cho Hội Đồng Giáo Hoàng Văn Hóa, ngày 08 tháng 3 năm 2008, ngài đã khẳng định vấn đề tục hóa trong lòng Giáo Hội như sau:
Trào lưu tục hóa không chỉ đe dọa từ bên ngoài, mà đã biểu hiện từ lâu chính trong lòng Giáo hội. Nó đã biến thể, từ bên trong và một cách sâu đậm, đức tin Kitô gây ra hậu quả ảnh hưởng đến cả nếp sống và cách hành động hằng ngày của các tín hữu… Họ sống trong thế giới và rất nhiều khi họ bị tiêm nhiễm, nếu không muốn nói là bị chi phối bởi văn hóa hình ảnh với chiều hướng áp đặt những mẫu sống và sức mạnh đẩy đến sự chối bỏ Thiên Chúa cách thực tiễn, coi như không cần có Thiên Chúa, không cần phải nghĩ đến Ngài, trở về với Ngài. Ngoài ra, não trạng lạc thú và hưởng thụ đang thịnh hành còn gây ra, nơi các tín hữu cũng như các mục tử, khuynh hướng nông cạn và ích kỷ, làm tổn hại cho đời sống cộng đoàn Hội thánh.[2]
Vậy chúng ta phải làm gì khi trào lưu tục hóa hiện đại này như một thực tại ta không thể tránh khỏi? Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi đối thoại với các nhà báo trên chuyến bay tới Bồ Đào Nha, thứ ba, 11 tháng 5 năm 2010, đã nhận định rằng:
Sự hiện diện của hiện tượng thế tục hóa là một điều bình thường; nhưng khi có sự tách rời hay đối nghịch giữa duy thế tục hóa và nền văn hóa đức tin, thì nó không còn bình thường nữa. Nó cần phải vượt qua trình trạng đối nghịch, tách rời này. Điều thách thức lớn nhất hiện nay là : hai thực tại này gặp gỡ nhau và mỗi thực tại tìm thấy căn tính riêng của mình.
Trong những cuộc gặp gỡ này, chắc chắn có sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Thần Khí của Đức Kitô tử nạn và phục sinh không ngừng đến trong Giáo hội để hướng dẫn sứ mạng Giáo hội. Điều quan trọng cần hiểu làm thế nào để cuộc gặp gỡ này với Chúa Thánh Thần được hiện tại hóa.
2. Việc huấn luyện các tu sĩ tại Việt Nam
Sau khi đã lướt qua những nét đặc thù trong khung cảnh tục hoá tại Việt Nam, chúng ta có thể bàn đến việc đào tạo các huấn sinh trong chính môi trường tục hóa bao gồm cả cơ may và thách đố này.
Những nhận định chung
Điều tiên quyết, các nhà đào tạo phải nhận ra hiện trạng của chính Giáo hội, và xã hội mà mình đang sống, môi trường các huấn sinh đã được hấp thụ và hình thành nhân cách sống của họ.
Sẽ là hão huyền nếu chỉ để ý tới khung cảnh chung của việc thế tục hoá tại Việt Nam mà không quan tâm tới những ảnh hưởng thực tế trên các huấn sinh. Một mặt, các huấn sinh được mời gọi để sống kinh nghiệm cứu độ trong Đức Kitô như là nền tảng hành trình Kitô hữu của họ; mặt khác, họ cũng phải khám phá xem mình có phù hợp thật sự để trở nên chứng nhân, bằng cách hiến dâng cuộc đời cho việc phục vụ Thiên Chúa và con người hay không. Các nhà đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các huấn sinh khám phá những điều ấy trong chính sự tự do của họ, và giúp các huấn sinh có khả năng phân định và đối thoại với chính nền văn hoá họ đang sống, một nền văn hóa vốn luôn thay đổi theo thời đại. Việc huấn luyện này phải bảo đảm cung cấp cho các huấn sinh những đường hướng cụ thể, sâu sắc, để các huấn sinh có thể uốn nắn đời mình và ngoan ngoãn mở lòng cho Thánh Linh thúc đẩy, hầu họ có thể đạt tới Chân Lý toàn diện, tới chiều kích dài-rộng-cao-sâu của Đức Kitô, Đấng mà suốt đời họ sẽ gắn bó và bước theo trên hành trình của người môn đệ.
Để nhận ra những ảnh hưởng của tục hóa trên đời sống huấn sinh, có khi ngay trên chính đời sống của những nhà đào tạo, chúng ta cần gọi tên những ảnh hưởng ấy:
- Nhà tu là nơi người ta cảm thấy an toàn, không sợ thất nghiệp, trong khi ở ngoài đời dù tốt nghiệp đại học có khi cũng chỉ làm “nhà báo”;
- Nhà tu là nơi người ta dễ dàng được nhìn nhận danh phận : truyền thống gia đình, lòng quý trọng của mọi người có khi là một lời khuyến khích hay cũng có thể là một áp lực cho các huấn sinh;
- Đi tu dễ dàng nhận được sự giúp đỡ cả về mặt tinh thần và vật chất của nhiều người, điều này rất đáng trân trọng, nhưng cũng là cái bẫy làm cho huấn sinh dễ dàng sao nhãng đời tu và bắt đầu lo tìm kiếm của cải vất chất…;
- Việc được xuất ngoại là một cám dỗ không nhỏ nơi không ít huấn sinh, điều mà tự thân họ không dễ dàng đạt được khi ở ngoài xã hội.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của tục hóa nổi lên trên bề mặt xã hội mà ta dễ dàng nhận thấy, cũng còn đó những ảnh hưởng tiêu cực khác nằm ngay trong nhận thức về ý nghĩa của đời dâng hiến:
- Lẫn lộn giữa ơn gọi và nghề nghiệp: những “chức vụ”, ngay cả thánh chức trong đời tu phải được nhìn nhận như một ơn gọi để phục vụ, chứ không phải là một nghề nghiệp, tệ hại hơn khi có ai coi đó như một cái “cần câu cơm”,
- Coi việc phục vụ như một “dịch vụ”, tu sĩ hay thừa tác viên biến mình thành công chức, tệ hơn nữa là chỉ phục vụ những kẻ giàu có, mà bỏ quên những người nghèo khổ…;
- Sống an phận thủ thường, thiếu dấn thân, không có ý thức về sứ vụ truyền giáo của Hội thánh;
- Lạm dụng quyền hành, tự coi mình như ông vua, bà chúa, vắng bóng ý nghĩa của việc chia sẻ trách nhiệm với giáo dân, quên rằng quyền bính là để phục vụ;
- Lười biếng, thiếu sáng tạo, chỉ nhai đi nhai lại những gì cũ kỹ, có sẵn; sự cắt dán vô tội vạ giết chết hồn tông đồ sinh động cần có;
- Thói coi mình là trung tâm, sống ích kỷ, hướng chiều về các tiện nghi, thay vì quan tâm đến đời sống giáo hữu;
- Thích trổ tài tự mình xoay xở, có khi chấp nhận cả những hình thức gian dối, miễn sao là “được việc”;
- Thiếu trưởng thành tâm cảm: luôn sống trong lo âu, bất an, mặc cảm, khép kín, khắt khe với người khác, ngạo nghễ với những thành quả mình đạt được, bỏ quên người nghèo, thiếu thông cảm, tìm bù đắp nơi sự vật, thiếu vắng lòng xác tín vào lòng thương xót của Chúa…  
Vài định hướng cho việc đào tạo
Đào tạo trước hết là việc của Chúa. Chúng ta phải nhận ra rằng, mình chỉ là người cộng tác, như chính thánh Phaolô đã xác tín rằng: tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới cho mọc lên.
Theo cha Thierry-Marie Courau, chúng ta cần quan tâm ba yếu tố căn bản:
- Sự trao gửi con người cho ơn cứu độ được ban trong Đức Kitô, nhờ Người mà chúng ta có thể sám hối, quay về với tình yêu và tự do; chính Người dẫn huấn sinh đến việc giao hoà với Thiên Chúa, với người khác và với chính họ;
- Sự dấn thân phục vụ thế giới hình thành trong lòng nhiệt thành cho sự chuyển động của toàn thể con người bên trong và bên ngoài, cho và với người khác ;
- Con đường biến đổi được thực hiện trong các thử thách và trong biến chuyển của thời gian, và biểu lộ tính thích nghi trong sức mạnh và sự mềm dẻo, tính bền bỉ của một ơn gọi biết để cho Thần Khí của Đức Kitô hướng dẫn.
Những yếu tố trên được thực hiện cụ thể:
- Qua việc bén rễ trong tương quan cá vị với Đức Kitô Đấng Cứu Độ Con Người ;
- Bằng cách năng đến với Lời Thiên Chúa, với lời cầu nguyện trong nơi bí ẩn và các bí tích, trong việc phục vụ người nghèo;
- Với lối sống nhờ ơn cứu độ, tất cả những hình thức nô lệ như sợ hãi, kiềm tỏa, thiếu quân bình... được Đức Giêsu giải thoát. Và từ đó người thụ huấn có thể nếm trải được niềm vui thực sự khi:
. dấn thân phục vụ người nghèo; bởi vì người nghèo là bí tích của Thiên Chúa (x. Mt 25, 31-46;);
. hướng tới Đức Kitô, Đấng hoà giải, đón nhận ơn hoán cải; trở nên người anh em, người chị em giữa các anh chị em của mình;
. chối từ quyền bính như một sự thống trị, nhưng như là « sự phục vụ mọi người»;
. không đánh giá đời tu qua hiệu quả của công việc, nhưng dựa trên các hoa trái của đức ái;
. tỉnh thức và hướng về một đời sống quân bình trong tất cả các bình diện, kể cả tình cảm; 
. hiểu biết rằng luật lệ cũng như tự do là để ta sống yêu thương đích thật, sống theo luật mới, luật của Thần Khí;
. sống niềm vui phục vụ và biết sống cho người khác, hướng tới việc phục vụ mọi người chứ không phải chỉ phục vụ những người đồng đạo…
Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, các số số 71-109, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác họa những nét căn bản của người môn đệ Chúa Kitô:
- học biết vâng phục thánh ý Thiên Chúa ;
- nhạy cảm với Thánh Thần, để biết sống từ bỏ;
- khuôn đúc đời mình theo kiểu mẫu của Chúa Giêsu, Đấng tự hạ cho đến chết (Pl 2,11);
- sống tinh thần nhập thể, dấn thân biến đổi thế giới.
Quả thật, việc đào tạo toàn diện với các chiều kích: nhân bản, tâm linh, tri thức và sứ vụ; hướng tới sự tự do đích thật, đa dạng hóa các ơn gọi, là mối ưu tư không nhỏ của Hội thánh, của những nhà đào tạo và trước hết là của chính các huấn sinh. Chỉ khi nào có sự cộng tác đắc lực của người thụ huấn với các nhà đạo tạo, nhất là sự cộng tác với Chúa Thánh Thần, việc đào tạo mới có thể sinh được những hoa thơm trái ngọt, trong chính môi trường tục hóa của Việt Nam hôm nay. Từ những định hướng đào tạo căn bản này, chúng ta bàn đến những yếu tố cụ thể trong vệc đào tạo.
Những yếu tố căn bản trong việc đào tạo
Trước hết việc đào đạo phải khởi hành và tái khởi hành từ Đức Kitô, rồi đến việc thanh thoát theo các lời khuyên Tin mừng, yêu mến người nghèo và cuối cùng cần kiến tạo cộng đoàn với bầu khí hiến dâng thực sự.
Khởi hành và tái khởi hành từ Đức Kitô
Huấn thị Tái Khởi Hành từ Đức Kitô (SAFC) thúc giục phải huấn luyện đời sống tâm linh, ngang qua việc canh tân đời sống thiêng liêng cho những người sống đời thánh hiến; việc canh tân này được cụ thể hóa bằng việc:
Trước hết, chúng ta cùng chiêm ngưỡng vẻ rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô, nhờ đó các người sống đời thánh hiến được Thánh Thần mời gọi hoán cải không ngừng để chiều kích ngôn sứ của ơn gọi mang lấy một sinh lực mới (xc. SAFC, 1).
Việc hoán cải này thúc đẩy những người sống đời thánh hiến bước theo vết chân Đức Kitô. Hành trình này  luôn cam go và đối diện với nhiều thử thách; nhiều khi chúng ta thấy mất phương hướng, thấy chùn chân mỏi gối. Tuy nhiên, như các môn đệ trên đường về làng Emmaus, chúng ta luôn có Chúa làm bạn đồng hành, và chỉ mình Người mới có thể làm cho lòng chúng ta bừng cháy lên và can đảm bước theo dấu chân Người (xc. SAFC, 1).
Việc xuất phát lại từ Đức Kitô sẽ thổi vào đời sống chúng ta niềm hy vọng sống động, hầu có thể vượt qua những thách đố và tích cực dấn thân với tinh thần mới mẻ trong đời sống tâm linh của mình (xc. SAFC, 4).
Chính tinh thần dấn thân mới mẻ ấy của người sống đời thánh hiến thể hiện chứng tá hùng hồn về một tình yêu tha thiết dành cho Đức Kitô; họ trở nên ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, trong tương quan với Chúa Cha và với anh chị em mình (xc. SAFC, 5).
Huấn Thị cũng mời gọi chúng ta không chạy trốn, nhưng can đảm đối diện với những thách đố để khám phá lại ý nghĩa và phẩm tính đời sống thánh hiến của mình. Với ánh nhìn lạc quan khi chiêm ngắm gương mặt Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy rằng, những khó khăn và vấn nạn mà đời sống tu trì trải qua hôm nay có thể làm nảy sinh một kairos (καιρός) mới, một thời gian ân sủng. Đằng sau các thách đố ấy, ẩn dấu một tiếng gọi đích thật của Chúa Thánh Thần mời gọi khám phá lại sự phong phú và các tiềm năng của lối sống này (xc. SAFC, 13).
Muốn huấn luyện, muốn canh tân đời sống tâm linh, người sống đời thánh hiến phải biết đặt đời sống ấy lên hàng đầu. Đây là một đời sống luôn năng động theo hướng dẫn của Thần Khí; và thánh Phaolô khuyên chúng ta phải không ngừng canh tân chính mình trong việc tăng trưởng cho đến tầm vóc viên mãn của Thân thể Đức Kitô (x. Ep 4,13). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng: “Đời sống thiêng liêng phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của mọi gia đình đời sống tận hiến, ngõ hầu mọi tu hội và mọi cộng đoàn trở thành những trường học về linh đạo Phúc âm chân chính.” (VC, 93)
  Mở lòng và ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Thần Khí, các vị sáng lập đã làm phát sinh nhiều đoàn sủng đáng ngưỡng mộ khác nhau; và cũng cùng một Thánh Thần tác động, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu sát hơn, sống tình thân với Người hơn, và chia sẻ trọn vẹn sứ mệnh của Người. Chỉ mình Thần Khí mới làm cho đời sống  tâm linh của chúng ta giữ mãi được nét tươi trẻ, sáng tạo và vẫn trung thành với đặc sủng ban đầu, hầu đáp trả các dấu chỉ của thời đại hôm nay.
  Quả thật, đời sống thánh hiến hôm nay cần đến sự tái sinh thiêng liêng, bằng cách “buông theo Thần Khí” và sống sự phong nhiêu của đời thánh hiến trên nền tảng Tin mừng và phép Thánh tẩy cùng với sự thánh hiến mới mẻ và đặc biệt của việc bước theo Chúa Kitô (xc. SAFC, 8; VC, 32).
Việc bước theo Đức Kitô phải luôn được làm mới mẻ nhờ việc xuất phát lại từ chính Người, chiêm ngắm dung nhan Người và lắng nghe Lời Người. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng sự thánh thiện không thể có được nếu không lắng nghe lời Thiên Chúa (xc. VC 94). Chính trong việc lắng nghe Lời, cầu nguyện, chiêm ngưỡng, đời sống nội tâm của chúng ta được tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa quyến rũ (xc. SAFC, 17), từ đó những người sống đời thánh hiến can đảm “chèo ra chỗ sâu mà thả lưới”; nghĩa là trở nên lời chứng cho tình yêu Thiên Chúa, nhận biết và phục vụ Chúa Kitô trong sự sáng tạo của đức ái, hăng say loan báo Tin mừng, phục vụ sự sống, truyền bá sự thật và mở đường cho những cuộc đối thoại lớn (xc. SAFC, các số 33-40).
Thanh thoát theo các lời khuyên Tin mừng
Hành trình huấn luyện tiến tới tâm tình thanh thoát, hạnh phúc và hăng say tông đồ là hành trình luyện tập theo tinh thần ba lời khuyên Phúc Âm Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục. Ba lời khuyên Phúc Âm là ba hành trình tu luyện thiết yếu cho việc say mến Chúa Giêsu: thanh thoát khỏi tất cả để tâm hồn có thể vươn lên tới Chúa Giêsu trong tình yêu giao ước. Lời khuyên Khiết Tịnh giúp thanh luyện tình cảm để yêu mà không dính để tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu của Chúa và có khả năng thương yêu mọi người, nhất là những ai bị quên lãng. Lời khuyên Khó nghèo giúp thanh luyện mối tương quan với tiền bạc, của cải để chỉ nhận Chúa làm gia nghiệp. Lời khuyên Vâng phục giúp tu luyện để được thanh thoát trước chính mình, khỏi những tính toán tư lợi, tham vọng, danh giá, để chỉ tìm và làm theo ý Chúa diễn tả qua nhiều cách, đặc biệt qua các Bề trên.
Điều quan trọng là phải huấn luyện cho cõi lòng được thanh thoát và trong bối cảnh của hiện tượng tục hóa, việc tu luyện phải áp dụng cụ thể với những trào lưu tục hóa như liên hệ nam nữ, việc sở hữu và sử dụng những phương tiện tân tiến, những sở thích, những tiện nghi, v.v.
Trong bối cảnh của trào lưu tục hóa, việc huấn luyện các ứng sinh phải để ý đặc biệt đến các phương tiện tân tiến về di chuyển và truyền thông. Đây là những phương tiện có thể làm cho cuộc sống thêm phong phú và giúp ích rất nhiều cho việc tông đồ. Giáo hội nhìn các phương tiện truyền thông cách rất tích cực và chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và ĐTC Bênêđictô XVI đã nhiều lần mời gọi các linh mục, tu sĩ cũng như các tông đồ giáo dân phải biết sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin mừng. Tuy nhiên, các phương tiện di chuyển và truyền thông có một sức thôi miên, dẫn đến đam mê, làm bại hoại tâm hồn. Thay vì sử dụng chúng như dụng cụ để xây đắp cuộc đời và để loan báo Tin mừng, nhiều người đã trở thành nô lệ cho chúng, làm cho cuộc sống trở nên mệt mỏi và trống rỗng. Do đó, cần phải luyện tập cho lòng được thanh thoát và tự do để có thể sử dụng chúng một cách tích cực, như những phương tiện để rao giảng Tin mừng và làm ích cho tha nhân.
Yêu mến người nghèo
Trong truyền thống của Giáo hội, lòng bác ái đối với người nghèo đói, cô nhi, quả phụ và người đau yếu bệnh tật luôn là một đặc tính của đức ái Kitô. Chính vì vậy, việc huấn luyện cần để ý đặc biệt đến việc hướng dẫn ứng sinh luyện tập lòng thương yêu người nghèo với tinh thần của ba lời khuyên Phúc Âm.
Trong bối cảnh tôn giáo và xã hội tại Việt Nam, việc huấn luyện lòng thương yêu người nghèo phải để ý đến các khía cạnh cụ thể:
- Lòng bác ái cụ thể đối với người nghèo là một đòi hỏi của Đức Tin, cần phải được thi hành song song với việc tạo dựng cơ sở vật chất cho việc thờ phượng. Vì vậy, không thể để cho nhu cầu xây dựng cơ sở thờ phượng và sinh hoạt cộng đoàn đưa đến sự thờ ơ đối với người nghèo.
- Tính cách toàn diện của tình thương: lòng bác ái đối với người nghèo không thể giới hạn trong việc tổ chức cứu trợ. Lòng bác ái diễn tả qua việc giúp đỡ vật chất không luôn luôn xây đắp cuộc đời người được giúp đỡ.
- Điều cốt tủy trong tình thương yêu người nghèo chính là biểu lộ tình yêu đối với con người, như chính lời dạy của Đức Thánh Cha Bênêdictô, xác định trong phần nhập đề của tự sắc “Bản chất thâm sâu của Hội Thánh” (Intima Ecclesiae Natura) về cơ cấu tổ chức bác ái trong Hội Thánh: “Hoạt động thực tiễn sẽ chẳng đem lại hiệu quả gì nếu nó không tỏ lộ tình yêu đối với con người, một tình yêu được nuôi dưỡng nhờ gặp gỡ Đức Kitô”.
  Kiến tạo cộng đoàn với bầu khí hiến dâng thực sự
Nếu sánh ví môi trường huấn luyện như một vườn ươm, thì các nhà đào tạo cần phải tạo cho các ứng sinh một “hệ sinh thái” tốt lành. Các ứng sinh sẽ phát triển đời sống tâm linh tốt khi được sống trong một môi trường có đời sống tâm linh “khoẻ mạnh”.
Trong lá thư gởi cho anh chị em của mình vào thứ tư lễ Tro, ngày 25 tháng 2 năm 1998, cha nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, Timothy Radcliffe viết :
Cộng đoàn tu trì cũng giống như một hệ sinh thái, có mục đích nâng đỡ những hình thái sống khác lạ. Một con ếch quý hiếm phải cần đến hệ sinh thái thích hợp nếu nó muốn sinh sôi nảy nở và vượt qua được tiến trình đầy bất trắc đi từ trứng, đến nòng nọc rồi đến ếch. Nếu con ếch có nguy cơ bị tuyệt chủng, người ta phải tạo một môi trường có ao hồ và khí hậu thích hợp để nó có thể phát triển. Nếu chúng ta muốn sống cho trọn vẹn và muốn rao giảng Lời đem lại sự sống thì đời sống chúng ta cũng cần một hệ sinh thái riêng. Nói thôi thì chưa đủ, chúng ta phải tích cực lên kế hoạch và xây dựng những hệ sinh thái như thế.
Thật vậy, mỗi cộng đoàn đời tu làm sao xây dựng được một “hệ sinh thái” hiến dâng sống động để mỗi phần tử có thể phát triển cách toàn diện. Nếu sống trong một hệ sinh thái “bệnh hoạn”, trong đó chứa nhiều mầm bệnh thì “sinh vật” sống trong đó sẽ trở nên èo uột, có nguy cơ bị huỷ diệt là điều khó tránh. Việc xây dựng một cộng đoàn có đời sống tâm linh dồi dào là bổn phận của từng thành viên sống trong đó. Giáo Luật số 661 dạy : “Các tu sĩ hãy chăm chỉ tiếp tục việc huấn luyện đời sống thiêng liêng, đạo lý và thực hành trong suốt cuộc đời. Các tu viện trưởng hãy cung cấp cho họ phương tiện và thời giờ cần thiết cho việc ấy”.
Kết luận
Trong môi trường tục hóa ngày nay, các nhà đào tạo cần phải biết trao gửi các huấn sinh cho ơn cứu độ được ban trong Đức Kitô; chính Người dẫn đưa huấn sinh tới việc biện phân môi trường mình sống, chấp nhận được chính mình, không kháng cự nhưng vui vẻ tiến bước theo sự hướng dẫn của Hội thánh, của hội dòng. Các nhà đào tạo cũng cần biết kiên nhẫn đợi chờ tiến trình chữa lành và sự thăng tiến của huấn sinh, con đường này được thực hiện ngang qua những thử thách và sự biến chuyển của thời gian; khi ấy huấn sinh có thể thích nghi và vượt qua những thử thách trên hành trình thi hành sứ vụ, sẵn lòng để cho Thần Khí của Đức Kitô hướng dẫn có khi ngang qua những nẻo đường thập giá.

Tài liệu tham khảo
ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến, 1994.
ĐTC Bênêdcitô XVI, Tự sắc Ubicumque et semper, 2010.
ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin mừng, 2013
Thánh bộ Đời sống Thánh hiến và  Hiệp hội Tông đồ,
Huấn thị Tái Khởi Hành Từ Ðức Kitô, 2012.
Joseph Đinh Đức Đạo, La formation des seminaristes au Vietnam devant le phenomene de la secularisation experiences et reflexions, 2014.
Thierry-Marie Courau, Intervention 10 la formation des pretres  pour la nouvelle evangelisation dans un contexte de secularisation au Vietnam, 2014.



[1] ĐTC Bênêdcitô XVI, Tự sắc Ubicumque et semper thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ tân phúc âm hóa, 21/09/2010.
[2] www.vatican.va

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn