Nữ tu Maria Phạm Thị Kim
Ngân, FMA
Th.s Tâm lý Giáo Dục
Th.s Tâm lý Giáo Dục
Hướng đến sự phát triển toàn diện là mục tiêu và chính sách giáo dục của nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ
nhất. Đó cũng là mối quan tâm và ưu tư của các bậc làm cha mẹ tại Việt Nam,
nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế cao. Họ chú trọng đến việc học của
con cái, làm cách nào để con thông minh (IQ - chỉ số thông minh trí tuệ). Hơn
thế nữa, ngày nay người ta còn quan tâm và tìm cách để phát triển tiềm năng của
con em, học sinh, sinh viên trong những lãnh vực khác như EQ (Emotional Quotient - chỉ số thông minh cảm
xúc), AQ (Adversity Quotient - chỉ số
vượt khó), CQ (Creative Intelligence - chỉ số
thông minh sáng tạo), SQ (Social
Quotient - chỉ số thông minh xã hội) ...
Thật vui và đáng trân quý biết bao, Giáo hội
Việt Nam trong đường hướng mục vụ năm nay đã nhắm tới mục tiêu giúp người trẻ
trưởng thành toàn diện. Có thể nói rằng, Giáo hội đang bước sang một lối mục vụ
rất cấp thiết của thời đại, trong đó đặt người trẻ làm trung tâm. Vì thế, Giáo
hội nhấn mạnh việc cần quan tâm và giúp người trẻ thăng tiến về các khía cạnh
như: nhân bản, tâm lý, đức tin. Trong phạm vi bài viết, xin được đóng góp một
chút suy tư và nghiên cứu dưới khía cạnh tâm lý.
1. Một thoáng nhìn
trong bối cảnh Việt Nam
Xã hội thời công nghệ 4.0 có nhiều nét mới
lạ, tân tiến vượt trội nhưng vẫn còn đó
những bất cập. Cha mẹ quá bận rộn với công việc, nên thời gian dành cho
gia đình và con cái rất “đơn sơ và chính yếu”, đến độ chỉ cung cấp cho con cái
những nhu cầu về vật chất. Thoáng nhìn về xã hội Việt Nam, chúng ta nhận thấy
rằng, tỉ lệ trẻ bị tự kỷ tăng lên rất nhiều so với những năm trước đây (khoảng
16,8%). Mặc dù hội chứng này có nhiều nguyên nhân, nhưng phong cách giáo dục
của cha mẹ cũng là một trong những nhân tố quan yếu.
Nếu chúng ta dừng lại
một chút với những gì diễn ra hằng ngày trong xã
hội, chúng ta sẽ thấy rằng, có một chi tiết nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến
cuộc sống chung của con người: từ những cuộc xung đột trong gia đình trong
tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, dẫn đến chia ly, đỗ vỡ, con cái bỏ nhà ra đi, những căng thẳng, xung
khắc trong các mối tương quan liên vị.
Ngoài xã hội, trẻ vị thành niên trong tình
trạng “yêu” sớm. Nơi trường học, nạn đánh hội đồng, hay ngay cả những chuyện
cỏn con như khi chạy xe ngoài đường chỉ một chút va quẹt nhẹ cũng đủ làm cho
người ta cãi vã, xô xát nhau... Một trong những khía cạnh dường như ít được lưu
tâm, nhất là trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn
đến nếp sống và phong cách của người trẻ hiện nay, đồng thời tác động đến thái
độ và hành vi của mọi lứa tuổi, cách riêng là thanh thiếu niên và người trẻ đó
chính là tự chủ cảm xúc. Nhiều thanh thiếu niên hay các bạn trẻ sinh viên chỉ
vì không biết tự chủ cảm xúc, làm chủ bản thân nên đã phải gánh chịu những hậu
quả đáng tiếc không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đến cả gia đình và những
người thân yêu.
Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy rằng nhà
trường chỉ chú trọng chuyển tải kiến thức văn hóa, chưa đặt tầm quan trọng
trong việc đào tạo nhân cách con người; lối giáo dục còn phiếm diện. Người ta
thường hay than phiền về thanh thiếu niên, giới trẻ hiện nay là tự do phóng
túng, vô lối, yêu cuồng, sống vội, bốc đồng, hung hăng, sống tùy hứng, tùy cảm
xúc... Có nhiều bạn trẻ đang yêu, chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân chỉ vì không
biết làm chủ cảm xúc của mình nên đã gây ra những hậu quả đáng tiếc: có thai ngoài ý muốn, phá thai, giết người
yêu... Có nhiều gia đình trẻ do không biết tự chủ cảm xúc, thiếu
thông cảm và thấu hiểu nhau nên thường xảy ra xung đột, bạo lực, chia ly. Vì
không quản lý được cảm xúc, tình bạn đã trở nên thù hận; đối tác trở thành đối
thủ.
Có một vài bạn trẻ tâm sự với tôi rằng: “Con
không muốn về nhà, vì con cảm thấy thật ngột ngạt. Lúc nào cũng có tiếng cãi
cọ, la mắng, quát tháo. Con cảm thấy mệt mỏi lắm”. Bạn khác thổ lộ: “Con không
biết con có phải là con ruột của ba mẹ không nữa mà sao ba mẹ lúc nào thấy con
là la rầy”.
Đôi khi người lớn thường có những nhận xét tiêu cực về giới trẻ.
Nhưng thử hỏi chúng ta đã hiểu đủ và hiểu đúng về người trẻ chưa? Cha mẹ, nhà giáo dục thường hay khuyên dạy, chỉ bảo
và trách móc hơn là tìm cách để thấu hiểu, lắng nghe con cái, nên chưa có những chỉ dẫn thích hợp và thuyết phục. Thậm
chí chính bản thân cha mẹ hay nhà giáo dục cũng chưa biết tự chủ cảm xúc
của chính mình thì làm sao mà dạy cho con cái/ người thọ giáo biết tự chủ cảm
xúc, tự chủ bản thân! Như thế, việc tự chủ bản thân, tự chủ cảm xúc là một tiến
trình cần học hỏi và thao luyện.
2. Hiểu đúng về cảm xúc
Về mặt khoa học,
theo các chuyên gia thần kinh, điển hình như Cannon và Bard, cảm xúc được giải
thích, khi đối diện với một sự kiện hoặc tình huống nào đó, phản ứng cảm xúc sẽ
diễn tiến như sau: thông tin ngay lập tức được truyền đến não, các xung động
thần kinh có nhiệm vụ chuyển thông tin giao
cảm, được truyền đến não ngang qua đồi thị (talamo) và hạch hạnh nhân
(amigdala) nằm ở tâm não là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc. Trong khi
nhận các thông tin dữ kiện nó sẽ chia thành 2 hướng: hướng thứ nhất sẽ truyền
lên vỏ não gây ra một trải nghiệm cảm xúc chủ quan, hướng thứ hai sẽ truyền
xuống các cơ bắp, các tuyến và các cơ quan nội tạng gây ra những thay đổi sinh
lý.
Bạn có thể hình dung như khi đang đi trong rừng. Bạn nghe
thấy tiếng sột soạt bò dưới mặt đất và rồi trông thấy một vật gì đó màu nâu và
có vẻ mềm mềm bạn nghĩ đó là con rắn (mà bạn thì lại rất sợ rắn). Bạn cảm thấy sợ và nguy hiểm (cảm xúc chủ quan), đồng thời bạn run, tim đập nhanh, hơi thở
dồn dập hơn (những thay đổi sinh lý của cơ thể), và bạn phản ứng bằng cách
la hét hoặc bỏ chạy. Tương tự bạn cũng có thể lý giải như khi gặp một người bạn
thương mến hoặc có ác cảm. Như thế, cảm xúc tác động đến tư duy và tư duy chi
phối hành động. Nói cách khác, quyết định, hành động bị chi phối bởi cảm xúc.
Vì thế, người ta nói “cả giận mất khôn” là như thế, hoặc khi buồn, người ta
không muốn ăn, không muốn nói. Có nhiều người vì hấp tấp, bối rối, thiếu tự chủ
nên đã có những quyết định sai lầm. Do đó, để có thể quản lý cảm xúc của mình,
trước hết đòi hỏi bạn phải ý thức được mình đang có cảm xúc gì? (buồn, giận,
sợ, ghen ...).
Nhiều khi chúng ta có những cảm xúc không tích cực làm chúng ta
mệt mỏi, rối bời, khó chịu. Chúng ta không muốn đối diện với cảm xúc thật của
mình, ta chạy trốn, rồi khi gặp ai đó, nếu không để ý, chúng ta thường bị lỡ
lời hoặc có thái độ khiếm nhã, mất kiên nhẫn (trong cộng đoàn, trong nhóm, với
đồng nghiệp ...). Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm là gọi tên đúng cảm xúc, tức
là không né tránh cảm xúc thật bên trong của mình. Việc tránh né không giải
quyết được gì, chỉ làm cho tâm trạng không lối thoát. Cũng giống như một người
muốn chữa bệnh, hết bệnh, trước tiên phải xác định mình mắc bệnh gì? Như thế,
gọi tên đúng cảm xúc tức là tôi đang có
cảm xúc gì? Tại sao tôi lại cảm thấy như thế? Lúc này tôi cảm thấy thế nào?
3. Có nên bộc lộ cảm
xúc?
Nhiều người nghĩ rằng cách tốt nhất để tự chủ
cảm xúc là không bộc lộ cảm xúc, để tránh những va chạm, giữ thể diện, không
làm “mất thần tượng” về chính mình, hay để cố gắng giữ “vẻ thánh thiện”. Cảm
xúc ví như một dòng nước hay một cơn sóng. Sóng lúc nhẹ, lúc mạnh. Chúng ta
không thể chặn sóng lại, nếu không cho dòng nước đó chảy theo đà thì điều gì sẽ
xảy ra? Tức nước vỡ bờ. Do đó, cảm xúc của chúng ta không được bộc lộ ra bên
ngoài, nó sẽ “xì” ra qua những “style” khác nhau vào những thời điểm khác nhau,
có khi tình thế lại trở nên tệ hại hơn nhiều. Trong gia đình, trong trường học,
trong cộng đoàn, trong bất cứ tập thể nào nhiều khi người ta khó chịu, bất đồng
ý kiến với nhau nhưng cũng cố nhịn, gồng mình lên để nhịn. Đôi lúc cố nhịn đi
cho xong. Bạn có thể nhịn được một lần, hai lần, ba lần, nhưng đến một lúc nào
đó, bạn không nhịn được nữa thì sẽ bùng nổ.
Theo các chuyên gia thần kinh,
khi bạn tìm cách che giấu hoặc bưng bít cảm xúc như tức giận, buồn, sợ, lo
lắng... là lúc bạn đang làm đầy “quỹ đen” cảm xúc của bạn. Điều này rất có hại
cho thể lý và tâm lý của bạn. Xét về sinh lý, khi bạn che giấu và dồn nén cảm
xúc đen, cũng là lúc bạn chuyển cảm xúc đó đến các cơ quan trong cơ thể: khớp,
phổi, ruột, đầu, cổ, bao tử và tim. Điều này hiển nhiên vì khi cảm xúc không
được phóng ra bên ngoài thì nó phải chảy vào bên trong. Sự kiềm chế cảm xúc của một người có thể dẫn tới nhiều
vấn đề về dạ dày và ruột. Bởi vì cả hai có liên quan mật thiết với não. Hệ thần
kinh tiêu hóa tham gia vào việc kiểm soát tinh thần và cảm xúc. Đặc biệt với
những ai hay bị căng thẳng đầu óc thường xuyên thì cũng dễ dẫn đến bệnh viêm
loét dạ dày. Khi não được đặt dưới áp lực không đổi bằng cách không biểu lộ cảm
xúc, nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến ruột dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy, đầy
bụng hoặc táo bón. Khi những cảm xúc như giận dữ và đau buồn đang bị mắc kẹt,
trái tim có thể không hoạt động mạch lạc và não có thể hỗ trợ điều này nên gây
ra các cơn đau tim. Ngoài ra, nếu thường xuyên không bộc lộ cảm xúc, bạn
dễ có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ, cơ thể được đặt dưới rất nhiều căng thẳng và áp lực.
Khi kìm nén, cảm xúc đen có thể có tác động tiêu cực đến hệ nội tiết, bạch
huyết và miễn dịch.
Do đó, đừng che dấu cảm xúc, nó sẽ gây hại cho bạn. Quan trọng là
sống thật với cảm xúc của chính bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là
bạn phải ý thức được cảm xúc của mình và biết xử lý cảm xúc như thế nào. Nếu
bạn là người nóng tính, dễ khó chịu, bực bội, nổi nóng với người khác… nhớ cần
tìm cách bộc lộ cảm xúc cách thích hợp, chứ không nên trút hết cơn giận và
“phóng hỏa” lên đối phương một cách thô lỗ. Người có tinh thần lành mạnh thì có
khả năng bộc lộ cảm xúc của mình cách thích hợp và có mục tiêu (sẽ nói tới ở
phần sau).
Về mặt tâm lý,
nhận biết cảm xúc đúng sẽ là yếu tố giúp bạn ý thức đâu là những điểm mạnh và
điểm yếu của mình. Bạn không chỉ chấp nhận chúng mà còn xác định rõ nhân tố nào
góp phần làm cho mình thành công trong khi thi hành sứ vụ. Điều đó sẽ giúp bạn
sáng suốt hơn trong việc sử dụng những điểm mạnh nhất để phát huy mọi tiềm năng
và không để điểm yếu cản trở bạn. Mặt khác nhiều khi chúng ta không tự chủ được
cảm xúc, nên thường bộc lộ cơn nóng giận
theo “chủ nghĩa tự do”, không cần biết đối phương nghĩ gì, cảm thấy gì và vô
tình đã tạo thêm khoảng cách giữa ta và họ ngày càng xa hơn. Do đó, việc
làm chủ hay quản lý cảm xúc là điều cần thiết.
4. Làm chủ cảm xúc
Làm chủ cảm xúc được ví như con ngựa bất kham. Nếu bạn biết thắng
cơn và điều khiển nó thì nó sẽ đưa bạn đi rất xa, rất nhanh. Còn nếu không làm
chủ được, nó có thể hất bạn xuống vực và sẽ để lại những hậu quả tiêu cực. Khi
bạn làm chủ được cảm xúc của mình, bạn đã luyện tập được một nhân đức đó là đức
nhẫn. Đón lành tránh dữ, chuyển họa thành phúc.
Lứa tuổi thanh thiếu niên, vị thành niên, cách nào đó cũng có thể
ví như “con ngựa bất kham”. Bởi vì trong độ tuổi này các em có rất nhiều thay
đổi về mặt tâm sinh lý: tình cảm, cảm xúc không ổn định, thất thường, mong
manh, dễ vỡ và rất nhạy cảm. Do đó chỉ cần một tác động nhỏ cũng khiến các em
có những phản ứng bốc đồng, gây hấn do không làm chủ được cảm xúc của mình. Là
những người hướng dẫn và đồng hành với các em, chúng ta cần hiểu và nắm bắt một
vài nguyên tắc để có thể giúp các em. Làm thế nào để làm chủ cảm xúc - làm chủ
bản thân? Xin gợi ý cùng quý độc giả một vài biện pháp xử lý và lẽ dĩ nhiên đây
là một tiến trình đòi hỏi sự bền bỉ luyện tập.
Biện pháp tức thời - xả van cảm xúc
Mỗi người chúng ta
đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Cảm xúc
của chúng ta cũng giống như dòng nước. Dòng nước cần phải được luân chuyển, chứ
không bưng bít, dồn nén. Khi bạn cảm thấy dòng cảm xúc của bạn có dấu hiệu tắc
nghẽn, hãy nhớ “xả van” nhưng cần biết “xả van” cách khéo léo.
- Nếu bạn là người mau
nước mắt và dễ bộc lộ cảm xúc: khi biết mình sắp khóc mà bạn không muốn khóc
trước mặt người khác; bạn có thể uống một thứ gì đó thật lạnh, đi vòng quanh
nhà, hít thở sâu sẽ giúp bạn thoải mái hơn. Sau khi đã bình tĩnh, hãy nói chuyện và giải thích với đối phương của bạn.
- Nếu bạn là người hay dễ bực tức: trong lúc tức giận, thường chúng ta sẽ “phun” ra những lời không mấy
dễ thương và có thể gây tổn thương người khác, thậm chí còn ảnh hưởng
xấu tới mối tương quan. Vì vậy, tốt hơn là nên để tâm trạng bình tĩnh, sau đó
mới giải quyết vấn đề. Để giúp tự “hạ nhiệt” cảm xúc, bạn có thể:
- Giải tỏa cảm xúc trong giới hạn an toàn, đổi máu cảm xúc: Nếu
cần khóc hãy khóc thoải mái; đi ăn uống gặp gỡ bạn bè; chạy, chơi thể thao, rửa
mặt, tắm, bơi; hoặc đơn giản hơn bạn có thể:
• Uống ngay một ly nước, trong vài giây đó giúp đẩy oxy lên não,
đẩy máu lên thùy trán trước để bạn có thể phân tích nhờ lý trí trước khi đưa ra
một quyết định phản ứng như thế nào. Còn nếu bạn phản ứng ngay, thì não không
có thời gian để phân định. Do đó rất dễ có quyết định sai lầm.
• Xoay các đầu ngón tay. Việc làm này sẽ làm giảm căng thẳng thần
kinh của bạn, nó sẽ nhắc nhở bạn suy nghĩ trước khi bạn muốn la mắng người
khác, hoặc có những hành động không hay nào đó.
• Khi bạn buồn hoặc tức giận hãy nghe nhạc nhẹ cho lòng mình tĩnh
lại.
• Hít thở sâu: giúp nhịp thở và nhịp tim bạn chậm lại, máu lưu
thông. Hít vào và thở ra từ từ. Chỉ tập trung hít thở, và đừng để ý đến
chuyện gì khác. Hãy làm điều này ít nhất năm lần, cơn giận sẽ vơi đi và khi đó
bạn có thể suy nghĩ đúng đắn hơn.
• Đếm số. Bạn cũng có thể tĩnh lặng trong giây lát và đọc kinh Lạy
Cha hoặc kinh Kính mừng. Cũng rất tốt nếu bạn thinh lặng ở lại trước Chúa và
cầu nguyện. Bạn sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, bình an và thanh thản hơn.
Biện pháp lâu dài
Những
cách thức giải tỏa cảm xúc vừa nêu trên sẽ thực sự giúp bạn cách tức thời. Tuy
nhiên, nó như thể chỉ giải quyết phần ngọn. Tốt hơn chúng ta cần lưu tâm tới
cái gốc rễ. Do đó cần:
-
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra cảm xúc. Nếu nguyên nhân đến từ suy nghĩ tiêu cực:
điều chỉnh suy nghĩ của mình theo hướng tích cực.
- Đừng
bao giờ đưa ra quyết định khi bạn đang ở trong cơn tức giận (ngay cả thể hiện
nó cách thiếu khôn ngoan trên mạng truyền thông). Có nhiều câu chuyện đời,
chuyện tình để lại những kết cục rất bi thương chỉ vì không kiềm chế được cơn
giận.
- Tập
cho mình thói quen suy nghĩ trước mọi vấn đề trước khi hành động.
- Tập
thể dục, yoga thường xuyên giúp tăng sức lực cho cơ thể và hỗ trợ bộ não tập
trung sáng suốt giúp bạn tỉnh táo khi đưa ra quyết định và kiểm soát được cơn
nóng giận. Ngoài ra còn làm giảm nguy cơ có những lời nói, cử chỉ, hành động
quá mức bình thường.
- Thường
xuyên chia sẻ những cảm xúc của bạn với người bạn thực sự tin tưởng. Đồng thời
tập cho mình thói quen viết nhật ký (trong nhà tu có nhật ký đào luyện). Nhật
ký là một hình thức lành mạnh để quản lý cảm xúc của bạn. Đây là nơi
an toàn để giải thoát các ý tưởng, cảm xúc tiêu cực mà không làm tổn thương bất
cứ ai. Nó cũng giúp bạn sống thật với chính mình, lắng nghe tiếng nói bên
trong để nhận biết và hiểu rõ bản thân.
- Cần
rèn luyện khả năng chịu áp lực cao. Quân bình giữa làm việc và nghỉ ngơi.
-
Lên kế hoạch xả
stress mỗi tối hoặc cuối tuần. Những giờ phút thư giãn sẽ giúp bạn lấy lại cân
bằng và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn. Đằng sau sự tổn thương
hay tình huống khó khăn nào cũng để lại một bài học cho bạn. Nếu bạn dành thời
gian để suy nghĩ, bạn sẽ thấy mình trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm hơn.
Thay lời kết: hãy tăng
cường cảm xúc tích cực
Khi
chúng ta vui, làm việc rất hăng say, phấn khởi, có nhiều sáng kiến. Người ta
nói rằng tăng cường cảm xúc tích cực có thể kéo dài tuổi thọ lên mười năm hạnh
phúc. Một nụ cười của ta sẽ tăng tuổi thọ lên khoảng mười đến mười lăm giây. Vì
thế, bạn đừng tiết kiệm nụ cười. Hãy cười và trao ban nụ cười, niềm vui cho
người khác bao có thể và tập suy nghĩ lạc quan, tích cực.
Cách đặc biệt trong việc mục vụ đồng hành với người trẻ, về
phía người đồng hành cũng cần phải tự chủ bản thân với những cung
bậc cảm xúc khác nhau. Đôi khi trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, trong những
mối tương quan, chúng ta chưa “xử lý” tốt cảm xúc: những lúc nóng giận, bực
tức, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, yêu “lệch pha”... Chính điều này đôi khi lại
cản trở chúng ta trong đời sống tâm linh, khiến ta khó cầu nguyện, khó gặp gỡ
Chúa, gặp trục trặc trong đời sống huynh đệ. Như thế, để giúp người trẻ tự chủ
cảm xúc, trước hết người đồng hành mục vụ cần biết tự chủ cảm xúc, thanh luyện
những cảm xúc tiêu cực. Hơn thế nữa, rất cần sự thấu cảm để hiểu người khác,
hiểu đối tượng tông đồ, đối tượng mình phục vụ, chăm sóc. Từ đó ta mới thể hiện
tốt vai trò đồng hành. Bất cứ sự đồng hành nhân bản hay thiêng liêng nào cũng
cần yếu tố này. Vì “bắt mạch” đúng thì liệu pháp mới hiệu quả.
Đăng nhận xét