Sau khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa
đã vạch ra một tầm nhìn vừa xa lại vừa rộng (xc. St 3,15).
Thiên Chúa có tầm nhìn chiến lược,
và Ngài đã dùng nhiều cách thức qua nhiều thời (xc. Dt 1,1), để biến cái mục tiêu hay ước mơ của mình thành hiện thực.
Thiên Chúa có tầm nhìn chiến lược,
và Ngài đã dùng nhiều cách thức qua nhiều thời (xc. Dt 1,1), để biến cái mục tiêu hay ước mơ của mình thành hiện thực.
Dẫn nhập
Người
viết ưu tư về một sứ vụ cao cả. Sứ vụ đó là bản chất của Giáo hội, sứ vụ truyền
giáo. Trong cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam, có nhiều nơi lúa đã chín nhiều
nhưng lại thiếu thợ gặt; có nơi đồng không mông quạnh hoang vu, không có lúa mà
cũng chẳng có thợ phát quang, chưa nói là thợ gieo; những nơi đồng hoang mà
không có thợ gieo thì lấy gì mà gặt? Mệnh lệnh truyền giáo mà Chúa Kitô chỉ thị
cho các Tông đồ hẳn nhiên vẫn còn mang tính thời sự và cấp thiết đối với những
môn đệ đang sống trên mảnh đất hình chữ S này. Với kinh nghiệm thực tế, dựa
theo phương pháp của Kinh thánh và giáo huấn của Giáo hội về truyền giáo, người
viết xin được trình bày những suy tư và thao thức của mình qua đề tài: “Xây dựng chiến lược loan báo Tin mừng”.
1. Tầm nhìn chiến lược
1.1. Tầm nhìn hay mục tiêu
Có thể hiểu nôm na về cái tầm nhìn như thế này: ước làm sao thì cố
để được như vậy. Nói cách văn vẻ hơn, tầm nhìn là ước mơ hay mục tiêu đặt ra, rồi
cố gắng xây dựng cuộc đời trên đó.
1.2. Chiến lược
Còn chiếc lược là những cách thức để thực hiện mục tiêu đã đặt ra,
hay nói cách khác là tìm mọi cách để biến cái ước mơ của mình thành hiện thực.
Mục tiêu đã đặt ra cần phải có những phương cách để thực hiện, nếu không thì sẽ
thành ước mơ hão huyền. Tầm nhìn chiến lược định hướng cho những bước đi của
chính công việc mình sẽ làm.
1.3. Sách lược
Khi đã
có tầm nhìn và chiến lược rồi, điều cần nhất nữa là phải cụ thể hoá bằng những
hành động qua những sách lược. Sách lược là tiến hành những việc làm cụ thể
theo kế hoạch đã vạch ra.
2.
Tầm nhìn trong kế hoạch cứu độ
2.1. Tầm nhìn chiến lược của Thiên Chúa
Sau khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã vạch ra một tầm
nhìn vừa xa lại vừa rộng (xc. St 3,15). Thiên Chúa có tầm nhìn chiến lược, và
Ngài đã dùng nhiều cách thức qua nhiều thời (xc. Dt 1,1) để biến cái mục tiêu
hay ước mơ của mình thành hiện thực. Thiên Chúa đã thực hiện tầm nhìn chiến lược
đó theo phương pháp sư phạm tiệm tiến.
2.2.Đức Kitô, Đấng vừa thực hiện vừa
khai mở tầm nhìn
Chúa Kitô đến thế gian không phải sống như một con người không có
ước mơ. Người có ước mơ. Và ước mơ của Người là đến để cho con người được sống
và sống dồi dào (xc. Ga 10,10), được cứu độ và có sự sống đời đời (xc. Ga
3,16-17). Các sách Tin Mừng kể lại cuộc sống công khai của Người trong ba năm.
Và trong ba năm ấy, Người đã có sách lược để thực hiện tầm nhìn chiến lược của
Thiên Chúa bằng những việc làm cụ thể.
Đức Kitô đến để thực hiện tầm nhìn của Thiên Chúa, nhưng đồng thời
Người cũng khai mở một tầm nhìn chiến lược mới rồi bàn giao lại cho các Tông đồ:
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân
danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy
đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt
28,19-20). Tầm nhìn của Người vừa rộng vừa xa: rộng là bao trùm mọi dân tộc, xa
là cho đến tận thế.
2.3.
Giáo hội thực hiện ước mơ của Đức
Kitô
Giáo hội sơ khai, buổi đầu với con số nhỏ và chỉ quanh quẩn tại
Giêrusalem, sao lại có sức mạnh lan toả như vậy? Đọc sách Công Vụ của các Tông
đồ, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều liên quan đến sứ vụ trồng và mở Giáo hội.
Tầm nhìn của Giáo hội sơ khai được Chúa Kitô Phục Sinh thác thảo đi từ gần đến
xa: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền
Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Giáo hội trải qua bao nhiêu thế kỷ đang cố gắng để thực hiện tầm
nhìn chiến lược mà Đức Kitô đã hoạch định bằng những việc làm cụ thể dưới sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần. Và Giáo hội sẽ vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Chúa
Kitô đã vạch ra cho đến khi thành toàn vào ngày tận cùng thế giới.
2.4. Thánh Phaolô, gương mẫu về việc
hoạch định chiến lược truyền giáo
Gương mặt nổi bật trong Giáo hội trải qua mọi thời trong việc hoạch
định tầm nhìn chiến lược truyền giáo, đó là thánh
Phaolô. Người đã được mời gọi muộn màng nhưng lại có sứ vụ thực hiện một mục
tiêu lớn mà Chúa Kitô Phục Sinh đã vạch ra cho thánh nhân qua ông Khanania là
mang danh Chúa “đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen”
(Cv 9,15). Thánh Phaolô đã cụ thể hoá tầm nhìn chiến lược đó qua những công việc
cụ thể trong những hành trình truyền giáo. Đọc kỹ phần hai của sách Công Vụ
Tông đồ và các thư của thánh Phaolô thì chúng ta sẽ thấy rõ thánh nhân là người
có tầm nhìn chiến lược truyền giáo như thế nào.
3.
Những câu chuyện minh hoạ
3.1. Câu chuyện 1
Hai người bạn hàng xóm học cùng nhau. Một người đứt gánh giữa đường,
phải bỏ học khi mới xong lớp năm vì gia đình khó khăn; còn người kia vẫn học tiếp.
Trong câu chuyện này, xin kể về người bỏ học; người vẫn tiếp học sẽ được kể
trong câu chuyện 2.
Sau khi bỏ học, anh giúp bố mẹ làm việc đồng áng. Lên 20, anh cưới
vợ. Khi cưới vợ, gia đình chỉ có một túp lều tranh. Anh khởi nghiệp với hai bàn
tay trắng. Anh cố gắng xoay xở để có một chiếc bình ắc quy 12v. Anh dùng cái
bình ắc quy này để đi kích cá. Anh kiếm được mỗi ngày từ 50 ngàn đến 200 ngàn đồng,
có khi hơn. Ngoài phần lo cho gia đình, anh cố gắng trích trữ lại để thực hiện
những việc đã vạch ra. Anh lập kế hoạch cho gia đình mình trong 10 năm. Mỗi
năm, anh đặt ra một kế hoạch lớn, và trong mỗi năm ấy anh lại chia ra thành những
kế hoạch nhỏ để cố gắng thực hiện. Và sau 10 năm, vợ chồng anh có ba người con
và có nhà cửa khang trang và đầy đủ tiện nghi. Sau 10 năm, anh đã hoàn thành được
ước mơ hay chỉ tiêu đúng như đã định. Vợ chồng anh lại đặt mục tiêu cho 20 năm
tới: tập trung mọi sức lực để nuôi ba đứa con ăn học đàng hoàng...
3.2.
Câu chuyện 2
Anh bạn thứ hai đã kể ở trên tiếp tục học hết phổ thông rồi đại học.
Là con nhà khá giả trong làng, anh đã được chu cấp đầy đủ để học tập. Sau khi tốt
nghiệp đại học luật, anh ở lại thành phố tìm kiếm việc làm. 6 năm đi làm anh cố
gắng lắm mới trang trải đủ cho các nhu cầu hằng ngày: tiền đi lại, ăn uống,
thuê phòng... 12 năm phổ thông, 4 năm đại học và 6 năm làm ở thành phố, đến nay
anh vẫn hoàn tay trắng. Tấm bằng đại học không thể sử dụng được, anh phải làm
nghề trái chuyên môn! Tính ra 4 năm đại học, gia đình phải cấp cho anh ít là
100 triệu. Bố mẹ anh phải than rằng: “cứ tưởng cho nó đi học đại học để đổi đời,
kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ, ai dè bây giờ nó vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ là những
người học hành chẳng ra gì!”
3.3. Câu chuyện 3
Năm 1995, người viết có dịp đặt chân đến vùng Tây Nguyên khi cà
phê đang được giá. Mấy năm sau đó, cà phê mất giá, còn tiêu lại được giá. Một số
bà con thấy vậy liền chặt cà phê để trồng tiêu. Ít năm sau, khi tiêu bắt đầu có
trái thì lại mất giá, trong khi đó sầu riêng lại được giá. Thấy sầu riêng được
giá, những người ấy lại chặt tiêu chuyển sang trồng sầu siêng. Sau mấy năm theo
đuổi chăm sóc sầu riêng, đến khi sầu riêng bắt đầu có thu hoạch thì lại rớt
giá. Sầu riêng hạ giá, cà phê tăng giá, những người ấy lại loay hoay đi tậu giống
cà phê để trồng. Cứ thế! Những người nông dân ấy cứ quay đi quẩn lại trồng rồi
chặt, chặt rồi trồng, cứ lận đận chạy theo giá cả, cuối cùng phải trả một cái
giá đắt là tay trắng lại về tay không !!!
4.
Một vài nhận định
4.1. Có tầm nhìn chiến lược và sách lược
Trong ba câu chuyện trên. Câu chuyện 1 cho ta thấy một con người
không được ăn học bao nhiêu, nhưng có thể nói anh ta có một tầm nhìn, có chiến
lược và có sách lược. Cái mục tiêu hay ước mơ anh đặt ra không phải là cao so với
nhiều người, nhưng đối với anh là một người không được ăn học đến nơi đến chốn
thì đó lại là một con người có tầm nhìn xa và rộng. Cái hay là anh đã vạch ra
được hướng đi cho chính mình, đã có những cách để thực hiện giấc mơ của mình.
Anh đã biến mục tiêu chiến lược thành những việc làm cụ thể cho mỗi một giai đoạn
cụ thể. Và cuối cùng, ước mơ hay mục tiêu của anh trong 10 năm đã thành hiện thực.
Đó thực là một con người có tầm nhìn, có chiến lược và có sách lược.
4.2. Có tầm nhìn
chiến lược nhưng lại thiếu sách lược
Trong câu chuyện 2. Anh ta xuất phát từ một gia đình khá giả, có
điều kiện để tiến thân. Gia đình cũng như chính anh đã có một tầm nhìn xa và rộng
là muốn học hành để tiến thân. Nhưng oái oăm là chỉ có tầm nhìn mà thiếu chiến
lược thì cũng chẳng đi tới đâu; hoặc là có tầm nhìn và có chiến lược nhưng lại
thiếu những sách lược nên giống như người chỉ nói mà không làm. Cuối cùng, sau
bao nhiêu năm đèn sách và với bao nhiêu tiền của, anh vẫn chỉ có hai bàn tay trắng.
So sánh khả năng khi khởi nghiệp, hai người bạn này chênh nhau quá lớn. Anh bạn
thất học khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, anh còn lại khởi nghiệp với tài sản
có thể nói là gấp trăm lần, nhưng sau 10 năm thì anh bạn thất học có tài sản
hơn anh bạn có học đến cả trăm lần. Chuyện có vẻ nực cười đấy, nhưng lại có rất
nhiều trong đời sống xô bồ hôm nay!
4.3. Có sách lược
nhưng lại thiếu tầm nhìn chiến lược
Câu chuyện 3 ở trên cho thấy một số người nông dân có những sách
lược, nghĩa là biết làm những việc nho nhỏ hằng ngày, nhưng lại không có tầm
nhìn chiến lược. Và vì vậy, trong vòng mười mấy năm trời, họ cứ làm cái việc
công cốc, như muối bỏ biển... !!!
5. Có cần tầm nhìn chiến lược
truyền giáo không?
Qua những câu chuyện và phân tích ở trên, đến đây có thể nói được
rằng để có một sự phát triển ổn định trong mọi lãnh vực của cuộc sống thì cần
có tầm nhìn chiến lược. Trong việc loan báo Tin mừng, có cần tầm nhìn chiến lược
không? Câu trả lời có lẽ thuộc về những cơ quan chức năng và những người có thẩm
quyền đưa ra, ở đây người viết chỉ xin nêu lên một số vấn đề.
5.1. Ai sẽ phác thảo tầm nhìn chiến lược truyền giáo?
Một tổ chức không có tầm nhìn chiến lược, trong đó mạnh ai nấy
làm, có trở nên như những người trong câu chuyện 3 ở trên không? Trong việc
loan báo Tin mừng, tổ chức nào sẽ vạch ra tầm nhìn chiến lược để định hướng hoạt
động truyền giáo trên phạm vi toàn quốc, cho các thực thể thấp hơn và cho mỗi
cá nhân?
5.2. Cần hạn định thời
gian cho tầm nhìn chiến lược không?
Hạt giống Tin mừng được gieo vào lòng đất Việt trên 350 năm. Hơn
350 năm ấy mới chỉ làm cho khoảng 7% người Việt tin theo Chúa. Phải mất bao
nhiêu năm nữa để làm cho khoảng 93% người Việt đón nhận Tin Mừng? Nếu không giới
hạn tầm nhìn thì sẽ trở thành vô hạn, như thế thì có mông lung quá không? Nếu
không hạn định thời gian cho mỗi mục tiêu thì có bị rơi vào trường hợp của người
ở trong câu chuyện 2?
Cần phải hạn định tầm nhìn lại ở mức nào thì vừa? 5 năm, 10 năm,
20 năm, 30 năm, 50 năm... ? Và trong hạn định tầm nhìn, cần phải chia ra bao
nhiêu giai đoạn, cần bao nhiêu bước và phải làm những gì để thực hiện mục tiêu
cho từng giai đoạn?
5.3. Tầm
nhìn chiến lược
cần tập trung vào điểm nhấn nào?
cần tập trung vào điểm nhấn nào?
Tầm nhìn chiến lược cần phải tập trung và cụ thể hoá bằng những việc
làm cụ thể, nếu không tập trung vào một số điểm nhấn thì có rơi vào trường hợp
trong câu chuyện 3? Hiện nay Giáo hội tại Việt Nam có nhiều nhân sự, nhiều tiềm
năng, nhưng nếu không được sử dụng đúng vào những việc làm cụ thể trong một kế
hoạch rõ ràng thì những khả năng đó có bị lãng phí không? Cái gì cũng chung
chung, ai cũng lo việc chung chung, thì cha chung ai sẽ khóc đây?
Thay lời kết
Năm 2010, nhiều sự kiện nổi bật diễn ra trong khuôn khổ mừng Năm
Thánh Giáo hội tại Việt Nam. Theo dòng thời sự, người viết nhận ra một dấu hiệu
hy vọng qua hai sự kiện, đó là Đại Hội Loan Báo Tin Mừng Toàn Quốc I và Đại Hội
Dân Chúa.[1]
Hai sự kiện này nêu lên nhiều thao thức trong sứ vụ loan báo Tin mừng cho đồng
bào dân tộc. Người viết rất xác tín vào tác động của Thần Khí Chúa trên Giáo hội
tại quê hương mình, nhưng vẫn băn khoăn về tính khả thi theo những ưu tư mà các
đại biểu của hai đại hội này đặt ra. Chúng ta ưu tư, chúng ta thao thức, nhưng
liệu chúng ta có thúc đẩy những ưu tư và thao thức đó thành những việc làm cụ
thể không? Chúng ta có quyền chờ đợi trong tin tưởng và hy vọng rằng những ưu
tư và thao thức đó sẽ được hoạch định rõ ràng, rồi từ đó mọi người sẽ đồng sức
đồng lòng thực hiện những gì mà tất cả đều cam kết dấn thân thực hiện? Vậy thì
để ước mơ đó thành hiện thực, có cần một tầm nhìn chiến lược truyền giáo không?
[1] Bài này đã được tác giả viết từ năm 2011.
Ta hãy đọc các biến cố ở thời điểm này (Chú thích của BBT)
Đăng nhận xét