Giới thiệu mô hình đồng hành thiêng liêng tại Chủng viện Simon Hòa Đà Lạt


Trích Seminar Đồng hành thiêng liêng
Lớp thần III, TTHV Đa Minh, Nk  2011-2012


Dẫn nhập
          Đề tài này có tính áp dụng, thực hành, theo mô hình linh hướng của Đại Chủng Viện Simon Hoà Đà Lạt.
I. Mô hình linh hướng
1. Giới thiệu sơ lược về mô hình
          Mô hình linh hướng tại chủng viện Simon Hòa Đà Lạt có hai đối tượng là người linh hướng và người thụ hướng. Hai đối tượng này tương tác với nhau qua phương pháp linh hướng.
2. Mục đích của mô hình
          Mô hình linh hướng trong đại chủng viện Simon Hòa Đà Lạt đặt ra ba mục đích sau:
          1) Thứ nhất, việc linh hướng nhằm giúp chủng sinh biết phân định. Sự biết phân định này làm cho người chủng sinh nhận ra được ơn gọi mà Thiên Chúa muốn kêu mời mình. Đây là mục đích có thể nói là quan trọng hàng đầu trong việc nhận diện ơn gọi của các chủng sinh.
          2) Thứ hai, từ việc nhận ra ơn gọi thực sự của mình, người chủng sinh tập sống ơn gọi đó ngay từ bây giờ trong đời sống chung với nhau trong đại chủng viện, trong việc thực hiện những công việc chung, trong cách ăn nết ở, trong việc giao tiếp hằng ngày.
          3) Thứ ba, việc linh hướng nhằm giúp chủng sinh có khả năng sống tự lập để không ngỡ ngàng cũng như không bị khủng hoảng về môi trường sống sau khi đã chịu chức. Sự tự lập này còn giúp cho linh mục tương lai thực hiện sứ vụ hay công tác mục vụ tốt hơn.
II. Phân tích chi tiết mô hình linh hướng
1. Vị linh hướng
     Vị linh hướng trong đại chủng viện Simon Hòa là người được đề cử từ những cha giáo trong chủng viện. Tuy nhiên, những cha giáo thuộc Ban giám đốc chủng viện thì không được linh hướng cho bất kì một chủng sinh nào, bởi vì đó là sự khôn ngoan mà Giáo luật đã định liệu trước. Trong số các cha giáo được đề cử làm cha linh hướng trong niên khóa từ 2012 đến 2016 có cha Đaminh Nguyễn Quốc Việt. Sau khi đã bàn thảo với ban giám đốc đại chủng viện, cha giám đốc Micae Trần Đình Quảng thay mặt ban giám đốc đọc quyết định bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Quốc Việt làm linh hướng của đại chủng viện Simon Hòa niên khóa 2012-2016. Kể từ đây các chủng sinh thuộc đại chủng viện Simon Hòa muốn linh hướng cần phải gặp cha linh hướng của họ là cha Đaminh Nguyễn Quốc Việt. Ngoài cha linh hướng chính là cha Đaminh Việt, các chủng sinh cũng có thể chọn cho mình một cha linh hướng khác với điều kiện cha linh hướng ấy phải là cha giáo trong chủng viện.
2. Người thụ hướng
Đa số các chủng sinh của đại chủng viện Simon Hòa là những cử nhân thuộc các trường đại học bên ngoài. Sau khi vào đại chủng viện, các chủng sinh này sẽ có một thời gian ngắn để làm quen với môi trường mới, với các bạn bè mới, các vị phụ trách mới. Khoảng một tháng sau khi đã vào chủng viện, các chủng sinh phải chọn cho mình một cha linh hướng. Khi đã chọn cho mình một cha linh hướng rồi, các chủng sinh giải quyết vấn đề với cha linh hướng của mình. Chắc chắn trong quá trình linh hướng có thể có những khó khăn đến từ người thụ hướng cũng như người linh hướng. Những khó khăn ấy có thể là cha linh hướng không hiểu người thụ hướng của mình hay người thụ hướng không dám trình bày một cách chân thành với cha linh hướng. Trong trường hợp này, vì lợi ích cho người thụ hướng nên người thụ hướng có thể chọn cha linh hướng khác. Nhưng trước khi chọn vị linh hướng khác người thụ hướng cần phải cân nhắc, suy nghĩ cho thật kĩ.
Việc linh hướng trong giai đoạn đào tạo là bắt buộc đối với mọi chủng sinh của đại chủng viện Simon Hòa. Còn đối với những tân linh mục việc linh hướng không đặt nặng cũng như không bắt buộc nữa. Mặc dầu vậy, với sự kinh nghiệm của mình ban giám đốc đại chủng viện vẫn khuyên các tân linh mục nên tiếp tục xin vị linh hướng của mình trong giai đoạn đào tạo tiếp tục linh hướng cho mình trong môi trường mới nhất là môi trường mục vụ với những khó khăn và thách thức mới đối với ơn gọi của tân chức.
3. Phương pháp linh hướng
  Để bước vào chủng viện, các chủng sinh phải viết một bản lý lịch thụ hướng trong đó có các phần như sau: lý lịch bản thân, tình trạng sức khỏe dựa vào giấy khám sức khỏe mới nhất, trình độ văn hóa, đôi nét về gia đình như: Gia đình ở đâu? Giáo xứ nào? Có bao nhiêu người anh chị em?... Quá trình tìm hiểu ơn gọi cũng như đã sinh hoạt mục vụ gì trước khi vào đại chủng viện. Đồng thời, các chủng sinh phải trình bày hành trình ơn gọi của mình qua việc trả lời các câu hỏi như sau: Tại sao tôi muốn đi tu? Tại sao tôi muốn làm linh mục? Có biến cố nào làm ảnh hưởng đến quyết định đi tu của tôi hay không? Biến cố ấy thúc đẩy tôi như thế nào trong khi chọn đi tu làm linh mục triều chứ không là linh mục dòng? Đứng trước biến cố ấy tôi đã làm gì? Tôi đã chuẩn bị gì trước khi vào đại chủng viện? Tôi có quyết tâm gì, có kế hoạch gì cho những năm được đào tạo trong chủng viện? Hai văn bản mà chủng sinh đã viết như trên được cha linh hướng chủng viện và cha linh hướng riêng của từng chủng sinh giữ một bản.
Sau khi đã có một bản về những thông tin của từng chủng sinh, cha linh hướng sẽ gặp các người thụ hướng của mình với định kỳ mỗi tháng một lần. Trong trường hợp người thụ hướng có vấn đề cần gặp cha linh hướng thì các vị linh hướng cũng không quản ngại. Các cuộc gặp hằng tháng của vị linh hướng và người thụ hướng luôn xoay quanh những vấn đề được đề cập đến trong bảng sau.
Mục I. Để bảo vệ đời sống thiêng liêng và ơn gọi
-  Diệt trừ tội lỗi – bằng bí tích Hòa Giải.
- Diệt trừ tính xấu chủ đạo – bằng cách thực tập nhân đức ngược lại. Chẳng hạn hay nói hành người khác thì tập nhân đức nói tốt cho họ.
-  Những gì cản trở đến ba lời khuyên Tin mừng, đặc biệt những gì cản trở đối với vấn đề độc thân khiết tịnh.
Mục II. Những việc cần làm để tăng trưởng đời sống thiêng liêng
- Dâng ngày, thánh lễ, kinh mân côi.
- Đọc sách đạo đức.
- Xét mình, viết nhật ký, tĩnh tâm.
- Nguyện ngẫm.
- Viếng thánh thể 30 phút mỗi ngày.
- Đời sống bác ái huynh đệ.
- Giữ kỷ luật chủng viện.
- Cảm nghiệm riêng về sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Mục III. Thao thức việc tông đồ truyền giáo
          Do đặc tính là một giáo phận có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên nhu cầu truyền giáo là một nhu cầu cấp bách đối với giáo phận. Vì thế, người linh mục triều cần chuẩn bị cho mình những thao thức về việc này. Việc linh hướng cũng đòi hỏi người chủng sinh phải có thao thức gì đối với công việc này. Việc thao thức này sẽ được định hướng bằng việc xem xét và trả lời những vấn đề sau đây:
-   Hiểu, khám phá, và xác tín thêm điều gì về ơn gọi linh mục triều?
-   Ước mơ gì? Sáng kiến gì trong công việc truyền giáo của giáo phận?
-   Chuẩn bị như thế nào cho đời sống một linh mục sống giữa những đồng bào dân tộc thiểu số với những thiếu thốn, những khó khăn trong công việc này?
-  Cần trao đổi những gì đối với ai về những thao thức, những chương trình, những hoạch định cho công việc mục vụ đối với đồng bào có đạo đặc biệt là những người đồng bào thiểu số?
4. Phương châm về việc linh hướng
          Theo cha Đaminh Nguyễn Quốc Việt, để việc linh hướng đạt được những kết quả tốt, cần ba tiêu chuẩn sau:
Thứ nhất, việc linh hướng đòi hỏi người linh hướng và đặc biệt người thụ hướng sự chân thành. Vì muốn người thụ hướng chân thành, cởi mở, chia sẻ thật con người của mình, tín nhiệm cha linh hướng của mình, đại chủng viện tuân giữ luật tòa trong của việc linh hướng như chính tòa trong của bí tích Giao Hòa. Mặc dù cha linh hướng có biết những chuyện tế nhị về một người thụ hướng của mình thì ngài cũng tuyệt đối không được nói ra. Và để giữ điều này, mỗi lần hội họp bàn về, hay nhận xét về các chủng sinh mà mình linh hướng, các cha linh hướng không tham gia hay bằng một sự từ chối khéo nào đó. Như thế, các ngài sẽ không vi phạm ấn tích tòa của bí tích Giao Hòa và tuyệt đối những chuyện tế nhị của người thụ hướng sẽ không bị tỏ lộ.
Thứ hai, các cha linh hướng cần phải nhuần nhuyễn nghệ thuật đối thoại. Nghệ thuật đối thoại trong trường hợp này là việc làm sao có thể lắng nghe và khơi gợi để người thụ hướng có thể trình bày tất cả những gì mà bản thân họ đang có mà không một chút nghi ngờ những điều họ trình bày bị lộ cho người thứ ba biết.
Thứ ba, sau khi nghe người thụ hướng trình bày về những khó khăn, ưu tư trong đời sống thiêng liêng, đời sống dâng hiến lúc này đây người thụ hướng và người linh hướng cần tìm một cách giải quyết vấn đề. Đối với một vị linh hướng kinh nghiệm thì không nên lấy kinh nghiệm của mình để áp đặt trên người thụ hướng. Nhưng tốt hơn hết cha linh hướng sau khi nghe người thụ hướng trình bày vấn đề của họ, vị linh hướng có thể đặt những câu hỏi đại loại như: Theo thầy, thầy nhìn vấn đề đó như thế nào? Thầy sẽ giải quyết vấn đề đó ra sao? Rồi từ đó, cả hai sẽ tìm đường hướng để giải quyết và để người thụ hướng thực hiện thử. Vấn đề đó không phải chỉ giải quyết một lần là xong nên cha linh hướng và người thụ hướng có thể bàn tiếp những lần sau.

III. Nhận định về mô hình linh hướng
1. Mặt tích cực
- Các cha linh hướng: do các cha linh hướng là những giáo sư trong chủng viện nên thường các ngài ở tại nơi đó. Vì vậy rất thuận lợi cho người thụ hướng gặp gỡ vị linh hướng của mình mỗi khi gặp phải những trục trặc trong đời sống dâng hiến của mình.
- Những người thụ hướng: người thụ hướng do được ở gần vị linh hướng của mình nên có thể nhận biết các đặc tính tốt đẹp của vị linh hướng nhờ đó có thể tin tưởng hơn vào vị linh hướng của mình. Khi đã tin tưởng như vậy, người thụ hướng cảm thấy thoải mái và chân thành trình bày cho vị linh hướng tất cả những vấn đề mà mình đang vướng mắc.

- Không gian và thời gian: vì mỗi tháng chủng sinh mới gặp vị linh hướng một lần, nên điều này cảm thấy cũng không đến nỗi gò bó. Hơn nữa, việc gặp vị linh hướng cũng không mấy khó khăn nên sẽ đỡ tốn thời gian đi lại mà nhiều khi đi đến nơi vị linh hướng lại có công việc đột xuất.

- Tính chi tiết của mô hình: tính chi tiết của mô hình lúc đầu xem ra hơi khó chịu vì để thực hiện tất cả các điều trên làm cho người thụ hướng thấy ngại ngùng và có vẻ tốn thời gian. Tuy nhiên, mô hình này về lâu về dài càng cảm thấy hiệu quả của nó. Tính hiệu quả của mô hình thể hiện trong những điểm sau:

+ thứ nhất, mọi sinh hoạt thiêng liêng của chủng sinh đều được nhắc nhở qua mô hình này.

+ thứ hai, mỗi tháng có thời gian soi lại bản thân, mỗi năm sẽ cho thấy những điểm mạnh và điểm yếu dựa vào việc đối chiếu kết quả của mỗi tháng trong năm.
+ thứ ba, nếu trung thành theo mô hình này, người thụ hướng sẽ có được thói quen cho cuộc sống linh mục sau này.
Mỗi bản linh hướng phải được nộp về trước cho cha linh hướng nên có nhiều vấn đề cha linh hướng sẽ tìm cách linh hướng tốt hơn.
Bản lý lịch của người thụ hướng có thể giúp vị linh hướng hiểu được hành trình ơn gọi, tính tình, tâm lý của người thụ hướng. Bản lý lịch này cũng giúp cho vị linh hướng rất nhiều trong việc đối chiếu những vấn đề của người thụ hướng đang gặp xem nó bắt nguồn từ đâu. Bản lý lịch mang lại cho cha linh hướng như sau: khi người thụ hướng vướng vào một vấn đề mặc cảm tự ti, cha linh hướng có thể nhìn vào bản lý lịch thấy rằng người thụ hướng sở dĩ tự ti là do hoàn cảnh gia đình. Người thụ hướng lớn lên trong một gia đình nghèo, chỉ một mình là con trai...
2. Mặt tiêu cực của mô hình

Do sống với cha linh hướng trong một chủng viện nên có thể các chủng sinh có khuynh hướng sống không được tự nhiên vì thế có thể gặp phải rào cản tâm l‎í vì sợ rằng những gì người thụ hướng nói với vị linh hướng của mình trong tòa trong nay vị linh hướng sẽ nhìn mình thế nào khi ở tòa ngoài, hay khi gặp gỡ hằng ngày.
Vì mỗi tháng đều phải làm một bản tổng kết nên điều này cũng có thể dẫn đến nguy cơ người thụ hướng làm một cách máy móc, làm cho xong, hoặc sao chép y những gì tháng trước đã làm để làm bảng tổng kết cho tháng này.
Mô hình này chỉ có thể áp dụng cho những người thụ hướng thật sự chân thành cởi mở để tìm hiểu cho đúng đâu là ơn gọi thực sự của mình. Còn đối với những người thụ hướng mà muốn làm linh mục bất chấp đó có phải là ơn gọi của mình hay không thì họ sẽ tìm cách giấu, luồn lách và như vậy mô hình này trở nên “phá sản”.

3. Giải pháp cho vấn đề mô hình

Trước những bất toàn có thể nảy sinh từ mô hình do người thụ hướng mang lại, vì thế cần có những cha linh hướng chuyên môn. Sự chuyên môn này đến từ việc học hỏi của chính các ngài qua trường lớp. Hơn nữa những gì các ngài học hỏi cộng với những kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng của các vị linh hướng sẽ làm cho các vị linh hướng hoàn thành tốt nhất những gì bổn phận một vị linh hướng cần phải thực hiện.
Vì nhu cầu truyền giáo của giáo phận là một nhu cầu được đặt lên hàng ưu tiên trong các công tác mục vụ của các tân linh mục sau này. Nên các cha linh hướng cũng cần có những ưu tư, những thao thức, đặc biệt là có kinh nghiệm làm mục vụ trong những vùng truyền giáo để từ đó các ngài có thể hướng dẫn các người thụ hướng đến với các ngài trong sự băn khoăn cho sứ vụ sau này của họ.
Và cuối cùng, dù mô hình nào của con người có tốt biết mấy đi chăng nữa mà con người gạt Thánh Thần ra khỏi công cuộc linh hướng của người linh hướng và người thụ hướng thì dẫu kết quả đạt được xem ra có tốt đẹp trước mặt con người, điều đó cũng chưa chắc là điều mà Thiên Chúa muốn cho cả người thụ hướng và người linh hướng.
Kết luận
Trên đây chúng tôi giới thiệu một mô hình linh hướng cụ thể nhằm mục đích tham khảo. Thực ra, dù mô hình linh hướng nào thì mỗi mô hình đều có những bất toàn của nó. Điều quan trọng hơn cả là sự xác tín rằng tất cả mọi mô hình nếu không có sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa Ba Ngôi thì những mô hình đó cũng chỉ là hư vô, không trọn vẹn và chẳng hữu ích gì cho đời sống thiêng liêng của con người. Cũng cần nói thêm rằng, dù đồng hành thiêng liêng là công trình của Thiên Chúa, thì con người cũng phải đóng góp phần cộng tác tích cực của mình; nhờ vậy, hành trình nên hoàn thiện của con người mỗi ngày một thăng tiến và hanh thông hơn.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn