Gioan B. Nguyễn Trọng Vạn,
Dòng Thừa Sai Đức Tin
Giuse Nguyễn Văn Thắng, Dòng Thừa Sai Đức Tin
Giuse Nguyễn Văn Thắng, Dòng Thừa Sai Đức Tin
“Ở lại với Ngài để được Ngài sai đi” (Xc. Mc 3, 14).
Từ xa xưa, trong Giáo hội đã hình
thành nếp sống tu trì, khởi đi từ hình thức chiêm niệm rồi xuất hiện các dòng
tu chuyên trách các hoạt động tông đồ. Các đan sĩ Đông Phương quan niệm rằng:
đi tu là tìm Chúa, tìm cách chiêm ngắm Chúa. Nhưng quan niệm của đa số các dòng
tu bên Tây Phương thì lại cho rằng: đi tu là “cứu nhân độ thế”, dâng mình cho
Chúa để phục vụ Nước Chúa qua đời sống chiêm niệm và các công tác tông đồ. Vì
thế, có thể nói hành trình tâm linh cũng như hành trình tu trì là một hành
trình bao gồm các giai đoạn đào tạo và tự đào tạo. Hành trình nào cũng cần có
người đồng hành và người được đồng hành, đồng hành cả những vấn đề tri thức và
cả đời sống thiêng liêng cho từng giai đoạn: Giới trẻ, Sinh viên; Đệ tử; Tiền Tập;
Tập viện; Học viện; khấn trọn và sau khấn trọn… Trong khuôn khổ bài viết này, tổ
chúng tôi xin được giới thiệu đôi nét về các
dòng tu, sau đó trình bày những điều cơ bản về việc đồng hành thiêng liêng
trong trong chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ của Dòng Thừa Sai Đức
Tin nói chung và cách riêng tại Tỉnh dòng Việt nam. Cuối cùng là một vài thao
thức cho việc đào tạo và việc đồng hành thiêng liêng này.
1.1. Dòng chiêm niệm
Tự bản chất con người là con Thiên Chúa vì được Thiên Chúa sáng tạo và quan
phòng dưỡng nuôi, cũng vì là con Thiên Chúa, nên tự thâm tâm của con người có
một khát vọng vô biên hướng về tuyệt đối. Bởi thế, có những con người được thôi
thúc mãnh liệt để họ thao thức kiếm tìm, khát khao chiêm ngưỡng Thiên Chúa và
dấn thân cho sự nghiệp của Người.
Việc tìm gặp Thiên Chúa trước hết là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa, nhưng vì
Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và nhiệm mầu nên sự hữu hạn của con người cần một
sự liên lỷ tìm kiếm khôn ngơi. Sự tìm kiếm đó trước hết đến từ việc chiêm niệm,
qua các kỳ công và kiệt tác của Thiên Chúa trong vũ trụ trời đất, đặc biệt con
người tìm về chốn tĩnh lặng cùng với sự thinh lặng nội tâm để lắng nghe và
chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về các
dòng chiêm niệm như sau:
Các Hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm,
là một niềm vinh dự và là nguồn mạch muôn vàn ơn thiêng cho Giáo hội. Bằng
chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị
chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước
vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa,
phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ
tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về
sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cung hiến cho cộng đoàn Giáo hội chứng
tá duy nhất về tình yêu của Giáo hội dành cho Chúa của mình, cũng như góp phần
vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc Tông đồ âm thầm mà phong phú.[1]
Như vậy, chiều kích chiêm
niệm được thể hiện trong việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa; trong sự hiệp
thông vào sức sống thần linh được trao ban bởi các bí tích, và cách đặc biệt bởi
Thánh Thể; trong kinh nguyện phụng vụ và cá nhân; trong sự kiên trì khao khát
và tìm kiếm Thiên Chúa cũng như thấy Ngài nơi các biến cố và con người; trong
việc dự phần cách ý thức vào sứ mệnh cứu thế của Ngài; trong sự hiến thân cho kẻ
khác để Nước Chúa đến. Từ đó nảy sinh nơi tu sĩ một thái độ tôn thờ khiêm tốn
và liên tục trước sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi con người, biến cố,
sự vật; một thái độ biểu lộ nhân đức sùng hiếu, nguồn mạch nội tâm của an bình
và mang bình an tới mọi môi trường của cuộc sống và của hoạt động Tông đồ.[2]
Điều đó cho thấy: tất cả các dòng tu đều mang tính cách chiêm niệm, nhưng ở những
cấp độ khác nhau.
1.2. Dòng hoạt động
Nếu dòng tu nào cũng có tính chiêm niệm ở những cấp độ khác nhau, thì cũng
vậy, dòng tu nào cũng có tính hoạt động tông đồ ở những cấp độ khác nhau.
Thánh Antôn, tổ phụ của đời sống đan tu đã bắt chước các tông đồ bằng cách
bán hết các tài sản, sống nghèo khó. Thánh Biển Đức khuyên các đan sĩ bắt chước
các tông đồ qua việc lao động chân tay. Thời trung cổ, các dòng hành khất ra
đời, bắt chước các tông đồ qua sự khó nghèo và rao giảng Tin mừng. Thời cận đại
và ngày nay, đời sống tông đồ không chỉ giới hạn đối với các giáo sĩ mà còn
khuyến khích cho các giáo dân sống và thực hành.[3]
Đời sống hoạt động Tông đồ là đời sống “họa theo nếp sống của các thánh tông đồ”.[4] Trải qua dòng lịch sử, ngày nay chiều kích hoạt động tông đồ của các dòng tu đã mang nhiều màu sắc
khác nhau. Thời xưa người ta chú trọng đến nếp sống Tông đồ, thời nay người ta
lại nhấn mạnh đến hoạt động Tông đồ. Chúng ta thấy có dòng giáo sĩ, có dòng
giáo dân; có dòng thuộc quyền Giáo hoàng, lại có dòng thuộc quyền Giám mục giáo
phận; có các dòng nam rồi phát sinh các dòng nữ. Những dòng chọn lựa theo chiều
kích hoạt động Tông đồ đều đã minh định cho mình một hay vài lãnh vực hoạt động
nào đó.
Hoạt động Tông đồ bao gồm không những việc rao giảng Tin mừng mà còn là tất
cả các công tác bác ái nhằm mở mang Nước Chúa. Các công việc này được thi hành
với tinh thần Tông đồ nhằm phục vụ cho Nước Chúa.
Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói:
Bên
Tây Phương, trải qua các thế kỷ người ta thấy nở rộ nhiều hình thức đời sống tu
trì, trong đó vô số người đã từ bỏ thế gian, hiến mình cho Thiên Chúa bằng việc
công khai tuyên khấn các lời khuyên Tin mừng theo một đoàn sủng chuyên biệt và một
hình thức sống chung bền vững, nhằm thực hiện những hoạt động tông đồ khác nhau
phục vụ Dân Thiên Chúa. Ðó là lối sống của nhiều gia đình kinh sĩ dòng, các
dòng hành khất, các giáo sĩ dòng, và nói chung các hội dòng nam nữ hiến mình
hoạt động Tông đồ và truyền giáo và nhiều công tác do đức bác ái Kitô giáo thúc
đẩy.[5]
Ngày nay các dòng tu được mời gọi đào tạo và tự đào tạo chính mình để trở
nên người Tông đồ theo gương Chúa Giêsu, nhạy bén trước những hoàn cảnh con
người thực tại cần được nâng đỡ. Hay nói cách khác, trước khi hoạt động Tông
đồ, cần phải thấm nhuần tinh thần Tông đồ, cần phải cảm thấu tinh yêu thương
của Chúa như tương quan cha mẹ với con cái, rồi sau đó mới ra đi hoạt động Tông
đồ.
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-4-2015, dành cho
1.300 vị đặc trách đào tạo trong các dòng tu và tu đoàn từ các nơi về Rôma, Đức
Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các vị đào tạo trong các dòng tu hãy có một trong
các phẩm tính, đó là một trái tim quảng đại đối với người trẻ, để hình thành
nơi họ những trái tim quảng đại, có khả năng đón nhận mọi người, những trái tim
đầy lòng từ bi thương xót, đầy dịu dàng:
Anh chị em không những
là bạn hữu và là người đồng hành trong đời sống thánh hiến với những người được
ủy thác cho anh chị em, nhưng còn là người cha, người mẹ đích thực của họ, có
khả năng yêu cầu và trao ban cho họ những điều lớn lao nhất. Điều này chỉ có
thể nhờ tình yêu, tình yêu của người cha người mẹ.[6]
Như vậy, chiều kích hoạt động Tông đồ, bắt nguồn từ việc họa lại nếp sống
của các Tông đồ, khởi đi từ các dòng đan tu chiêm niệm xưa. Ngày nay cho dù
người ta có tách bạch giữa chiêm niệm và hoạt động, hoặc nhấn mạnh đến các công
tác hoạt động của các dòng tu đi chăng nữa thì tiên vàn vẫn phải dựa trên một
nền tảng nếp sống của các thánh Tông đồ qua đức ái, lòng nhiệt thành và tinh
thần phụng sự vì Nước Chúa.
Khác với ơn gọi tu triều ở Việt Nam, các ứng sinh linh mục tương
lai được đào tạo và đồng hành theo một quy chế thống nhất của Hội đồng Giám mục,
nhưng các ứng sinh thuộc các dòng tu, tu hội thì lại “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, bởi chính đặc sủng và linh đạo mỗi dòng mỗi
khác. Đối với dòng Thừa Sai Đức Tin khi nói đến vấn đề đồng hành thiêng liêng,
hiến pháp của dòng số 37 nhấn mạnh:
Những người Thừa
Sai Đức Tin chúng ta, trong suốt hành trình sống, đặc biệt trong giai đoạn đào
tạo ban đầu, phải xem việc đồng hành thiêng liêng với nhiều cách thức khác nhau
(linh hướng, tư vấn, tham vấn thiêng liêng) như là phương thế không thể thiếu
được để phân định hay thực hiện tốt hơn thánh ý Thiên Chúa và những đòi hỏi của
đời sống thánh hiến. Các tập sinh cần nhìn nhận vị giáo tập là một vị linh hướng,
và là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong tiến trình đào tạo. Các anh em
trong giai đoạn đào tạo và mọi anh em khác cần phải có một vị linh hướng được tự
do chọn lựa, miễn là thông báo cho vị bề trên của mình.
2.1. Giai đoạn Giới trẻ, Sinh viên
Để tồn tại và phát triển đặc sủng và linh đạo của mình, các dòng
tu đều coi trọng việc tuyển mộ ơn gọi cho mình. Đối tượng mà họ nhắm đến là những
người trẻ có tinh thần quảng đại, sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa từ trong
nội tâm sâu xa của họ. Tuy nhiên, các bạn trẻ chưa thể phân định được rõ ràng ý
Chúa muốn thật sự nơi bản thân họ, nên cần có người đồng hành để giúp cho các bạn
trẻ ấy nhận ra ơn gọi phù hợp là điều cần thiết.
Các dòng tu hiện nay thường tham gia vào các phong trào giới trẻ
trong giáo xứ, giáo phận, hoặc đồng hành với các sinh viên Công giáo tại một
khu vực nào đó. Cách thức ấy một mặt vừa giúp cho họ thực hành đời sống đức tin
nơi môi trường xã hội, mặt khác vừa đảm bảo cho các bạn trẻ có một đời sống
luân lý lành mạnh.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, các dòng tu có thể xây dựng các nhà nội
trú, các lưu xá cho học sinh và sinh viên. Mô hình này giúp cho các dòng tu quản
lý và đồng hành sát hơn với những người trẻ để hướng dẫn và nâng đỡ chúng trong
đời sống tâm linh. Trong môi trường này, người trẻ sẽ được định hướng tương
lai, giúp cho các em có những chọn lựa hợp lý cho đời mình.
Đối với Dòng TSĐT cũng không ngoại lệ, việc đồng hành cùng các em
giới trẻ nơi các giáo xứ, hay nơi các môi trường học đường khác, nhằm giúp các
bạn trẻ phân định ơn gọi và định hướng tương lai. Qua đó, để các bạn trẻ tìm ra
ơn gọi đích thực đời mình mà bước đi trong sự dấn thân một cách tự do, tự nguyện. Nhiệm vụ này được các trao phó cho
các cha phụ trách tuyển sinh ơn gọi.
Đồng hành với những người trẻ trong giai đoạn này là sẵn sàng lắng
nghe những thao thức và tâm tư tình cảm của người trẻ, giúp người trẻ vượt qua
được những khó khăn trong cuộc sống và những khủng hoảng tâm lý. Qua đó, giúp các bạn trẻ nhận thức được ơn gọi mà mình
đang hướng tới, nhằm tự do chọn lựa tương lai đời mình. Bên cạnh đó, qua
cách sống và cách hoạt động của hội dòng có thể gây thiện cảm và cuốn hút người
trẻ yêu mến ơn gọi của Dòng mình, đồng thời qua đó các dòng tu cũng có thể “gạn
đục khơi trong”, tuyển mộ ơn gọi cách chất lượng hơn cho Hội dòng cũng như cho
Giáo hội.
2.2. Giai đoạn Đệ tử
Đây có thể coi là giai đoạn tuyển mộ ơn gọi từ môi trường bên
ngoài vào tu viện. Các ứng sinh tự do xin gia nhập nhà dự tu hoặc đệ tử viện của
dòng, bắt đầu nếp sống cộng đoàn và theo thời khóa biểu phù hợp với sự khởi đầu
của đời sống ơn gọi.
Đối với Tỉnh Dòng Việt nam, các ứng sinh Đệ tử phải là người đã tốt
nghiệp PTTH, là sinh viên của các trường đại học
hoặc đã học xong đại học, cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp nào đó mà
chưa quá 25 tuổi, có ý định muốn gia nhập Tỉnh dòng, sẵn sàng sống trong môi
trường tu viện. Trước lúc được chọn vào Đệ tử của Dòng, các em sẽ phải trải qua
một kỳ thi tuyển, sau khi trúng tuyển các em sẽ được phân chia theo nhóm phù hợp
và được một tu sĩ khấn trọn hay một tu sĩ linh mục của Dòng trực tiếp đồng
hành.
Hiện nay, nhà dự tu, đệ tử viện của dòng được
điều hành bởi một ban giám đốc do một linh mục của dòng đứng đầu. Vị này cũng
chính là người phụ trách ơn gọi của dòng, có các cộng sự viên tùy theo số lượng
ứng sinh ơn gọi. Mọi sinh hoạt của nhà dự tu, đệ tử viện đều độc lập và tự chủ,
tùy nơi chốn phù hợp với từng bối cảnh.
Ban Giám đốc là những người trực tiếp đồng
hành với các em, tạo điều kiện thuận lợi cho các em hoàn tất chương trình học ở
các trường, khuyến khích các em đã tốt nghiệp đại học có thể học thêm sinh ngữ
hoặc các môn năng khiếu. Những người đồng hành lên lịch huấn đức chung hoặc
theo nhóm, cũng có thể gặp gỡ riêng cá nhân các em khi thấy cần, sẵn sàng lắng
nghe và định hướng ơn gọi, tôn trọng tự do chọn lựa của các em. Giai đoạn này
cũng được những người đồng hành đưa ra kế hoạch cho một năm, nên có khai giảng
và bế giảng năm học, lên lịch tĩnh tâm mỗi tháng, mời các linh mục khác đến giải
tội và khuyến khích các em gặp gỡ cha linh hướng thường xuyên. Những buổi gặp gỡ
chung hoặc riêng, những sinh hoạt tập thể đều là những cơ hội cho các ứng sinh
dần tiếp cận với linh đạo và tinh thần của dòng. Giai đoạn này chủ yếu là giúp
các bạn trẻ phân định ơn gọi và tập làm quen với môi trường tu tập và điều được
quan tâm, chú ý đến nơi các em là khía cạnh kiến thức văn hóa và nhân bản. Ngoài lịch sinh
hoạt riêng thì có việc sinh hoạt chung mỗi tháng 2 chúa nhật và có sự đồng hành
trực tiếp của quý cha, quý thầy phụ trách ơn gọi. Bên cạnh đó, các
em được ấn định ngày tĩnh tâm vào Chúa nhật thứ nhất trong tháng, để được nghe
giảng, chia sẽ Lời Chúa, lãnh nhận bí tích Hòa Giải ...
2.3. Giai đoạn Tiền tập[7]
Giai đoạn Tiền tập là giai đoạn chuyển tiếp vào Tập viện, cần có sự
chuẩn bị xứng hợp để các ứng viên có thể bắt đầu lối sống thừa sai trong giai
đoạn Tập viện,[8]
qua đó để những người hữu trách trong Dòng có thể đánh giá cách quân bình về họ
hơn.[9]
Giai đoạn này các ứng sinh tiếp tục được “gạn đục khơi trong” từ môi trường nhà Thỉnh sinh, Đệ tử viện, tiếp
tục dấn thân trong ơn gọi qua giai đoạn mới. Giai đoạn này, các em không còn phải
bận tâm theo học các môn học hay khóa học bên ngoài nữa, nên các em tự do viết
đơn xin gia nhập vào giai đoạn Tiền tập viện và được chấp nhận bởi những người
hữu trách.
Đây được gọi là giai đoạn Tiền tập (Thỉnh viện). Giáo luật không
nói chi tiết gì về giai đoạn Thỉnh viện (tiền tập) mặc dù đây là giai đoạn quan
trọng trong tiến trình đào tạo cũng như đồng hành thiêng liêng. Giáo luật chỉ
nói một cách rất ngắn gọn ở điều 597 triệt 2 rằng: không ai có thể được nhận
vào một tu hội mà không được chuẩn bị cách thích đáng. Như vậy, chỉ nhờ vào việc
đồng hành ở các giai đoạn kể trên thì người đồng hành mới có thể đảm bảo sự
“thích đáng” nơi mỗi ứng sinh trước khi nhận vào Dòng hay Tu hội.
Luật riêng của mỗi Tu hội, Dòng tu, đặc biết là hiến pháp, các bản
quy chế cũng như các chương trình đào tạo hoặc đồng hành thiêng liêng của mỗi
tu hội sẽ trình bày cụ thể. Directory của Dòng giáo sĩ TSĐT chỉ ra rằng việc
đào tạo trong giai đoạn này cần phải thực hiện cách đặc thù với những động lực
sau: phải có bầu khí lắng nghe Lời Chúa, lượng giá sự trưởng thành và trải nghiệm
đời sống Thiêng liêng, kinh nghiệm sống đời sống Cộng đoàn, sự dấn thân tông đồ[10]
và cởi mở tin tưởng nhà đào tạo. Trong giai đoạn này, các ứng viên tập viện được
chú tâm đến đời sống cộng đoàn, qua việc hướng
dẫn của vị linh mục hữu trách và những người đồng hành, đặc biệt giai đoạn
này khuyến khích các em gặp gỡ vị phụ trách và những người đồng hành thường
xuyên để định hướng cho ơn gọi của bản thân, đồng thời có thể tâm sự với cha
linh hướng riêng mà mình thích hoặc cha giải tội… để phân định ơn gọi.
2.4. Giai đoạn Tập viện[11]
Sau khi các nhà đào tạo cũng như người đồng hành nhận thấy các ứng
sinh đã hiểu rõ hơn về ơn gọi và phần nào thấm nhuần tinh thần của Dòng, các ứng
sinh được nhận vào giai đoạn Tập viện. Mục đích của giai đoạn tập viện là giúp
cho ơn gọi của ứng sinh trưởng thành và rõ ràng hơn. Người đồng hành giúp cho tập
sinh nhận thức ơn gọi của chính mình, hiểu biết về linh đạo của Dòng cách sâu sắc
hơn. Họ sẽ được tham dự một kỳ linh thao từ 5 đến 8 ngày liên tục trước khi bắt
đầu giai đoạn này.
Bắt đầu từ giai đoạn này, Giáo luật quy định rõ ràng về thẩm quyền
thâu nhận ứng sinh vào Tập viện, những điều kiện để một ứng sinh được thâu nhận
vào Tập viện, và việc đào tạo cũng như đồng hành với các Tập sinh.[12]
Tập viện là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong tiến
trình huấn luyện và cho tương lai của dòng Thừa Sai Đức Tin. Mục đích của Tập
viện là để Tập sinh bắt đầu trải nghiệm việc bước theo Chúa Giêsu theo đoàn sủng
dòng Thừa Sai Đức Tin, để biết về dòng cũng như biết về chính mình, xem liệu họ
có thực sự được gọi và nhờ đó có thể tháp nhập vào Dòng hay không.[13]
Trong thời gian một năm, Tập sinh hoàn toàn trải nghiệm về đời sống
của Dòng, đặt nền tảng cho cuộc sống như một người Thừa Sai Đức Tin và chuẩn bị
khấn lần đầu trong dòng.[14]
Giai đoạn tập viện đòi hỏi người đồng hành cụ thể là vị Giáo tập,
giúp cho các tập sinh tập sống theo đặc sủng và Hiến pháp của Dòng, tập sống
tinh thần trách nhiệm trong cộng đoàn và thực hành các lời khuyên Tin mừng, đặc
biệt là giúp cho các tập sinh thích nghi cách sâu sắc tinh thần và truyền thống của Dòng. Cùng với những giờ giấc
thiêng liêng, giờ học, giờ chơi hoặc lao tác cả chung lẫn riêng, người đồng
hành và người được đồng hành còn có những thời khắc gặp gỡ và trao đổi riêng, để
qua đó giúp cho các tập sinh phân định và chọn lựa sáng suốt, đồng thời cũng
giúp cho người đồng hành hiểu biết hơn về tập sinh để có thể định hướng ơn gọi
hoặc thăng tiến hơn trong mọi lãnh vực. Vị Giáo tập vừa là bề trên vừa là vị
linh hướng cho tập sinh, qua đó ngài giúp tập sinh phân định một cách chắc chắn
về ơn gọi cũng như có những bước chuẩn bị tốt hơn cho việc chính thức tuyên khấn
theo tinh thần của dòng... Do đó, vị Giáo tập phải sống gương mẫu, có kế hoạch
đồng hành riêng với từng tập sinh. Ngài phải khai mở cho tập sinh với sự nhẫn nại
và liên lỉ theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài phải kiến tạo và tổ chức
thành một cộng đoàn đức tin và yêu thương thực sự giữa các tập sinh. Ngài phải
dạy bảo đạo lý về đời sống thừa sai theo giáo huấn của Giáo hội và của Dòng.[15]
Đối với tập sinh, phải trình bày những khúc mắc của bản thân, chia
sẽ sự thăng tiến của đời sống thiêng liêng và tin tưởng tuyệt đối vào vị Giáo
tâp để ngài hướng dẫn và cùng tháo cỡi những khúc mắc của từng tập sinh, nhằm
giúp họ ngày một trưởng thành hơn. Bên cạnh đó, mỗi tập sinh trong dòng TSĐT
dành mỗi ngày 2 giờ đồng hồ ngồi tĩnh lặng trước Thánh Thể Chúa, riêng ngày thứ
5 cầu cho linh mục, tu sĩ thì các tập sinh luân phiên nhau chầu Thánh Thể, buổi
tối chầu chung cả cộng đoàn. Ngoài ra mỗi ngày tập sinh phải viết nhật ký và sổ
nội tâm cá nhân, qua đó phần nào cũng giúp cho mỗi tập sinh thăng tiến hơn
trong đời sống tâm linh. Với việc chuyên chăm sống đời sống chiêm niệm, các tập
sinh được Chúa mở lòng, mở trí để biết rõ hơn về mình và xin Chúa hướng dẫn, biến
đổi cuộc đời dâng hiến ngày một tốt hơn.
2.5. Giai đoạn Học viện
Sau khi mãn hạn Tập kỳ, các ứng sinh được nhận cho khấn tạm. Việc
tuyên khấn phải hội đủ những điều kiện mà Giáo luật điều 656 đòi buộc thì mới
thành sự.[16]
Trong giai đoạn Học viện, tùy theo luật riêng ấn định thời gian khấn
tạm tối thiểu không dưới 3 năm và tối đa không quá 9 năm thì được xét để tuyên
khấn trọn đời. Đây là thời gian các tu sĩ khấn tạm được học hỏi và đào sâu các
môn thánh khoa cũng như trau dồi đời sống thiêng liêng để hướng tới việc lãnh
chức thánh hoặc theo hướng tu huynh.
Về tri thức: các tu sĩ khấn tạm trong dòng được theo học các môn
thánh khoa ở các Học viện cũng như những môn riêng biệt của Dòng, ở giai đoạn
này, những người thụ huấn được đảm bảo thời gian học là chủ yếu. Vì chưa có học
viện để giúp cho các tu sĩ của dòng học các môn Thánh khoa mà luật buộc, nên tất
cả anh em được gửi đi học ở các Học viện như: Hoc viện Liên dòng, Đa Minh, Chúa
Cứu Thế, Dòng Tên, Phanxicô…, ngoài việc học các môn thánh khoa ở các Học viện,
giai đoạn này còn phải đào sâu và sống Đoàn sủng, Hiến pháp của Dòng cũng như
các môn cần thiết cho sứ vụ tương lai của Dòng. Vì thế, người đồng hành cần tạo
điều kiện thuận lợi cho người thụ huấn được phát huy khả năng riêng của mình
trong các lãnh vực chuyên môn như âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ…, để cho đương sự
trưởng thành hơn bằng cách tự đào tạo chính mình.
Về đời sống Thiêng liêng: ngoài việc sống theo nội quy và chu toàn
các giờ thiêng liêng chung mà cộng đoàn đề ra, các tú sĩ khấn tạm phải tham dự
các giờ huấn đức chung mỗi tuần một lần và gặp gỡ riêng với vị đồng hành định kỳ
theo tháng; những người thụ huấn luôn được đảm bảo có thời gian tĩnh tâm định kỳ,
gặp cha linh hướng chung hoặc riêng mỗi tháng một lần theo luật và tùy theo nhu
cầu có thể gặp gỡ nhiều hơn, đồng thời, hàng tháng xưng tội với linh mục nào đó
mà mình chọn lựa, miễn là vị linh mục giải tội không phải là bề trên của mình. Ở
giai đoạn này, Ban đào tạo đã sắp xếp cho anh em một vị linh hướng chung cho từng
khối (triết, thần) bên cạnh đó vẫn khuyến khích anh em nhận thêm những vị linh
hướng riêng cho mình để anh em có thể phân định chín chắn hơn cho ơn gọi đặc
thù của mình trước lúc tuyên khấn vĩnh viễn trong dòng. Bên cạnh việc gặp gỡ thường xuyên với
các vị hữu trách như đã nói ở trên, các tu sĩ khấn tạm còn được chú trọng đến
việc tĩnh tâm theo tháng, theo quý, đặc biệt là việc lãnh nhận bí tích Giao Hòa
được quy định hàng tháng.
Giai đoạn khấn tạm luôn là tư thế mở cho người thụ huấn tự do chuyển
hướng ơn gọi hoặc bị chuyển hướng ơn gọi nếu các nhà đào tạo và người đồng hành
xét thấy cần thiết để có lợi cho cả hai bên.
Sau một thời gian ấn định sống thực hành lời khấn, các ứng sinh tự
do quyết định ơn gọi của mình. Nếu phù hợp và được sự chấp thuận của những người
có trách nhiệm thì ứng sinh tiếp tục tuyên khấn trọn đời trong dòng, hoặc nếu
không phù hợp thì ứng sinh phải chuyển hướng ơn gọi. Việc chọn cho khấn trọn phải
hội đủ các điều kiện như Giáo luật điều 658 quy định. Sau khi khấn trọn đời, tu
sĩ trở thành một thành viên chính thức được
sát nhập trọn vẹn vào Dòng, với tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ được
xác định trong luật chung và luật riêng của Dòng.[17]
2.6. Giai đoạn đao tạo thường xuyên (thường huấn)
Sau khi khấn trọn đời tức là sau giai đoạn Học viện, việc đào tạo,
tự đào tạo và đồng hành thiêng liêng không phải là đã chấm dứt tại thời điểm
này trong tiến trình ơn gọi. Nhưng suốt đời sống đời dâng hiến phải chăm chú tiếp
tục việc đào tạo về các phương diện tâm linh, đạo lý và thực hành các hoạt động
Tông đồ. Các vị bề trên hoặc những vị có trách nhiệm đồng hành vẫn phải có
trách nhiệm giám sát và cung cấp cho họ những phương tiện và thời gian cần thiết
cho giai đoạn cũng như tiến trình này.
Trong giai đoạn này, những người TSĐT tập sống triệt để Đoàn sủng
và Hiến pháp của Hội dòng, ngoài ra phải chú tâm học và đào sâu về các chuyên
nghành mà linh đạo cũng như sứ mạng Hội dòng đòi hỏi.
Để càng ngày càng trưởng thành và vững bước trong đời tu, người
TSĐT phải cập nhật các kiến thức đạo, đời hầu giúp ích cho đời sống dâng hiến
và các công tác hoạt động Tông đồ khác mà mình được đảm trách. Vì thế, người đồng
hành cần đảm bảo cho các ứng sinh liên tục được đào tạo qua các khóa thường huấn,
tham gia các khóa tĩnh tâm dài hạn mỗi năm, hoặc đào sâu một chuyên ngành nào
đó để có thể trở thành nhà đào tạo hoặc người đồng hành giúp cho các thế hệ
sau. Đối với giai đoạn này, Tỉnh Dòng Việt Nam thường có tĩnh tâm từng tháng,
quý và năm. Bên cạnh đó, mỗi năm có ít nhất 1 hoăc 2 kỳ thường huấn chung cho
các thành viên. Giai đoạn này, đề cao và mời gọi từng thành viên tự ý thức về sự
trưởng thành đời sống nội tâm và hành trình thiêng liêng của mình, họ tự do tìm
kiếm vị linh hướng hay cha giải tội cho riêng mình để chia sẽ những khúc mắc
trong đời sống, trong sứ vụ… nhằm giúp mình
sống trung tín hơn trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.
3.1. Về người đồng hành
- Hiện nay, một
số Dòng hay các Tu hội còn thiếu nhân sự, nên người đồng hành thường bị đồng
hóa với Bề trên, Ban Giám đốc, Nhà đào tạo hoặc người Phụ trách. Bên cạnh đó,
tìm một vị linh hướng đủ tầm, có chiều sâu và có sự khôn ngoan để giúp anh em
phân định ơn gọi và tìm ý Chúa mời gọi đang gặp khó khăn, đặc biệt nơi những
Dòng tu và Tu hội trẻ.
Ở các khối lớp nhỏ như: Sinh viên, Dự tu, Thỉnh
sinh… ngay từ buổi sơ khai, chập chững bước vào tìm hiểu ơn gọi,
cần lắm một vị đồng hành có chuyên môn, có chiều sâu, kinh nghiệm và được chuẩn
bị trước; nhưng ở nhiều Dòng, Tu hội các vị đồng hành, hay phụ trách phần lớn
là được chỉ định theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, cứ thấy một tu sĩ hay một linh mục
nào hợp là đưa lên làm Đào tạo. Bởi thế, chất lượng chưa được như mong muốn và
nhiều khi khiến người thụ hướng phân định sai ơn gọi của mình.
- Nên chăng có một sự phân biệt rõ ràng giữa việc đào tạo và việc
đồng hành thiêng liêng, để qua đó các Tu hội hay Dòng tu có thể định hướng cho
các nhân sự của Tu hội mình chọn lựa các chuyên ngành ấy và đào sâu một cách có
khoa học và bài bản hơn. Có như thế thì người đồng hành mới hội đủ các phẩm
tính chuyên môn và luân lý,[18]
nhận thức rõ những bổn phận của mình trong khi đồng hành và đối với
người được đồng hành.
- Việc đào tạo các nhà đồng hành thiêng liêng cần phải được xem là
quan trọng trong việc huấn luyện và đào tạo tu sĩ. Thường thì các dòng tu chỉ
quan tâm đến việc đào tạo các nhà Đào tạo tri thức, không mấy quan tâm đến việc
đào tạo các nhà Đồng hành thiêng liêng. Có những dòng tu thậm chí ôm đồm hoặc
bao sân cả sang những lãnh vực không chuyên, chỉ định kiêm nhiệm vào những vị
trí và bổn phận theo cảm tính chứ không theo đúng trình độ chuyên môn và khả
năng kinh nghiệm.
3.2. Về người thụ hướng
Do ảnh hưởng của một giai đoạn xã hội tục hóa, hưởng thụ và một nền
giáo dục không coi trọng các giá trị tâm linh và tôn giáo, giới trẻ dễ bị nhồi
sọ và giá trị đạo đức, lương tâm phần nào bị lu mờ, thiếu nền tảng căn bản về
nhân bản, mất cân bằng giữa tri thức và đạo đức, khủng hoảng tâm sinh lý cách
trầm trọng, và nhiều hệ lụy nguy hại khác. Cũng chính những người trẻ ấy, nếu họ
chọn lựa theo hướng ơn gọi tu trì, chắc chắn không tránh khỏi ít nhiều những ảnh
hưởng tiêu cực. Đây là một thách đố lớn cho những người Đồng hành cũng như các
nhà Đào tạo trong thời đại hôm nay. Vấn đề đặt ra là phải thế nào để giúp cho
những người thụ huấn hôm nay có được những phẩm tính như: khát khao chân lý, sự
thật, chân thành tìm kiếm tri thức và đạo đức và giúp các bạn trẻ mở lòng ra để
cho Thánh Thần thần tác động.[19]
Kết
luận
Trên đây, là phần giới thiệu một mô hình đồng hành thiêng liêng tại
Hội Dòng chúng tôi nhằm mục đích để mọi người tham khảo. Thực ra, dù mô hình Đồng
hành Thiêng liêng nào thì cũng có những mặc tích cực và mặt bất cập của nó. Điều
quan trọng hơn cả là sự xác tín rằng tất cả mọi mô hình nếu không có sự hiện diện
và đồng hành của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì những mô hình đó cũng chỉ là hư vô,
không trọn vẹn và chẳng hữu ích gì cho đời sống thiêng liêng của con người.
Cũng cần nói thêm rằng, dù đồng hành thiêng liêng là công trình của Thiên Chúa,
nhưng con người cũng phải góp phần cộng tác tích cực của vào, nhờ vậy, hành
trình sống đời dâng hiến của mỗi người
mới có thể thăng tiến và hoàn thiện hơn.
Nhưng cũng cần nói thêm, việc đồng hành thiêng liêng trong Dòng Thừa
Sai Đức Tin, cụ thể tại Tỉnh Dòng Việt Nam được đồng hành theo các giai đoạn
đào tạo huấn luyện, do đó không tránh khỏi những lẫn lộn và gây ngộ nhận. Nhóm
nghiên cứu cũng đã cố gắng rút ra từ những kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm
trong chính Hội dòng của mình nên không thể tránh được nhãn quan một chiều và
còn nhiều thiếu sót. Mong thay được đón nhận những góp ý chân thành của người đọc.
Mong thay!
[1] Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 8.
[2] Xc. Đan viện Châu Sơn, Chiều kích chiêm niệm của đời tu, Nguồn:
http://www.chausonus.com.
[3] Xc. AA, số 2.
[4] Xc. Phan Tấn Thành. Đời sống tâm linh – tập 6, tr 354.
[6] Xc. Trần Đức Anh. Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị đào tạo thuộc
các dòng tu. http://vi.radiovaticana.va/news/
[7] Xc. CC 1999, 48-52; art. 77-79
[8] Xc. PI 42; CIC can. 597
[9] Xc. PI 43; cfr. CC art. 67.
[10] Xc. CC art. 69.
[11] Xc. CIC can. 641-653; CC art. 80-89
[12] Xc. Nguyễn Trường Tam, Giáo luật về đời sống thánh hiến, tr
88-97.
[13] Cfr. CC art. 83.
[14] Cfr. CC art. 83.
[15] Cfr. CIC cann. 650-652.
[16] Xc. Nguyễn Trường Tam, Sđd., tr 99.
[17] Nguyễn Trường Tam, Sđd., tr 105.
[18] Xc. Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus, tr 140-150.
[19] Sđd,
tr 163-168.
Đăng nhận xét