Nhu cầu cần thiết của Đồng hành thiêng liêng, trong đời sống tu trì hôm nay


Deo Gratia

Dẫn nhập
Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại đang tiến bước trong kỷ nguyên mới, thời đại toàn cầu hóa và văn minh trí tuệ với đỉnh cao vượt bậc của thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, y khoa và nhiều lĩnh vực khác… con người phải đối diện với biết bao thách đố với những khoa học kỹ thuật phát triển đến chóng mặt ấy. Dường như ta có cảm tưởng rằng thế giới hôm nay đang mở ra cho chúng ta rất nhiều kỳ vọng và hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp. Ấy thế mà, nếu không cẩn trọng, ta dễ bị cuốn vào guồng máy xã hội của danh vọng tiền tài, của đam mê dục vọng, của sắc đẹp quyền lực, của khát vọng cháy bỏng… Thế là ta cứ lao vào đó như những con thiêu thân không có lối thoát, rồi dần lạc vào những mê lầm tội lỗi của thế gian. Là một Kitô hữu chính danh đã khó, là một tu sĩ lại càng khó biết bao.
Đáp ứng lại những thách đố của thời đại đối với ơn gọi thánh hiến, người viết xin chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân về việc đồng hành thiêng liêng trong đời sống thánh hiến như một lời mời gọi : “Hãy theo Tôi”[1], lời mời gọi ngày xưa mà Chúa đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên.
1. Tầm nguyên
Đồng hành”, “Song hành”, “Sánh bước” là những cặp từ gợi lên hình ảnh của một đôi, một nhóm, hạy một cộng đồng người, cùng nắm tay tiếp sức nhau tiến về phía trước, một cách nhịp nhàng và đồng bộ. Nó cũng là những cặp từ được sử dụng nhiều nhất trong các cộng đoàn tu trì. “Đồng hành” với nhau, bên nhau, cùng nhau[2].
Về từ ngữ, hạn từ “đồng hành thiêng liêng” ở đây được dùng thay thế cho hạn từ quen thuộc từ trước tới giờ: “linh hướng”. Theo nguyên ngữ: direction spirituelle (Pháp ngữ) hay spiritual direction (Anh ngữ) thường được hiểu là hướng dẫn về đường tâm linh, tiếng Việt dịch ra là linh hướng. Cứ theo ngữ nghĩa thì cách gọi này bao hàm sự hướng dẫn, chỉ dạy và bắt buộc người thụ huấn phải theo.[3] Tuy nhiên, để tránh làm mờ nhạt vai trò của Thánh Thần, vị thầy đích thực, nên người ta ưa dùng một từ ngữ khác là: “đồng hành”.
Nhiều tác giả, khi viết về việc đồng hành này, cũng hay quen dùng từ ngữ “linh hướng”, có nghĩa là hướng dẫn tâm linh, hướng dẫn linh hồn... Theo cha Grou: “Linh hướng là sự trợ giúp thiêng liêng cho các tâm hồn riêng từng cá nhân, để họ có thể nhờ vào những lời khuyên thích đáng hầu đạt đến trình độ nhân đức mà Chúa gọi họ phải đến.” Cha Grou đã định nghĩa rất khúc chiết mạch lạc: linh hướng là dẫn dắt một linh hồn theo đường lối của Thiên Chúa; là dạy cho linh hồn ấy biết lắng nghe Thiên Chúa chỉ dạy và đáp ứng; là gợi cho linh hồn thực tập những nhân đức thích hợp với hoàn cảnh hiện tại; là không những bảo tồn linh hồn trong tình trạng tinh sạch mà còn giúp linh hồn tiến bộ trong đàng trọn lành. Tóm lại, linh hướng là tận lực góp phần vào việc nâng linh hồn ấy lên trình độ thánh đức mà Thiên Chúa dự định linh hồn ấy phải đạt tới. Chính vì am hiểu như vậy mà thánh Grêgôriô đã xác quyết việc linh hướng là nghệ thuật tuyệt vời.[4]
Theo Shalem, linh hướng là mối liên hệ giữa hai cá nhân với nhau, trong đó vị linh hướng là người hướng dẫn người kia xét lại cuộc sống của họ dưới ánh sáng ơn gọi của mình để họ trở nên người trung thành và vâng lời tận đáy con tim mình. Người linh hướng là một dụng cụ dùng để mở rộng khả năng nhận thức rõ ràng tiếng nói bên trong của Chúa Thánh Thần và phát triển lòng can đảm, đức tin, cùng sự tự nguyện vâng theo tiếng nói của Chúa một cách thật tự do.[5]
2. Đồng hành thiêng liêng, một nhu cầu thiết yếu
Chúng ta có thể hiểu nôm na đồng hành thiêng liêng là việc gặp gỡ đối thoại thân thiện giữa hai người trong mối tương quan ngôi vị, để cùng giúp nhau đạt đến sự tự do của con cái Chúa, sự hoàn thiện Kitô giáo, thông qua việc lắng nghe, phân định, và đặc biệt là cùng nhau cầu nguyện. Đồng hành thiêng liêng là một nghệ thuật hướng dẫn các linh hồn cách tiệm tiến từ lúc khởi đầu đời sống thiêng liêng cho đến khi đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện Kitô giáo.[6] Theo đó, tu sĩ cũng cần có một vị đồng hành thiêng liêng để hướng dẫn mình trên con đường hoàn thiện bản thân. Lẽ dĩ nhiên, cả người đồng hành và người được đồng hành đều phải ngoan ngoãn nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vị đồng hành đích thực.
Ngày xưa, nếu Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên đi theo mình, thì nay Chúa cũng kêu mời chúng ta bước theo Người. Trong Tin Mừng Mátthêu, thánh sử đã đưa ra các yêu sách của Chúa đối với người môn đệ:
Một là Chúa gọi. Thánh Mátthêu đã ghi lại ba trình thuật liên quan đến việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ. Qua đó, thánh sử cho thấy rằng, việc kêu gọi các môn đệ là khởi xướng từ Đức Giêsu.[7] Tác giả dùng các cụm từ sau: “Các anh hãy theo tôi”[8], “Người gọi các ông”[9]. Như thế, ơn gọi làm môn đệ phát xuất từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đi bước trước khi kêu gọi các môn đệ và các ông đã đáp lại.
Hai là sự đáp trả dứt khoát. Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giêsu, các môn đệ có thái độ “từ bỏ ngay lập tức” mọi sự để đi theo Người. Thánh Mátthêu cho thấy các môn đệ đáp trả một cách dứt khoát. Qua đó, tác giả đã vẽ nên chân dung người môn đệ khi các ông đáp trả lời kêu gọi của Chúa mau chóng và không do dự.
Ba là Từ bỏ. Nếu một vị Thiên Chúa đã từ bỏ ngôi vị cao sang để cứu nhân loại, thì các môn đệ của Người cũng sẽ là những người biết từ bỏ hoàn toàn mọi dính bén của cải vật chất. Quả thật, các môn đệ đã biết từ bỏ những tương quan trần thế và cả nếp sống cũ để dấn thân trọn vẹn đi theo Đức Giêsu.
Bốn là chấp nhận bị ngược đãi. Ông Phêrô lên tiếng: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”[10] Phải chăng việc theo Đức Giêsu sẽ chẳng được gì cả mà còn phải chịu ngược đãi? Quả vậy, theo Đức Giêsu là phải sống triệt để những đòi hỏi của Tin Mừng, chấp nhận người đời ngược đãi, bị bắt bớ, bị đánh đập, bị hành hạ, bị giết chết, nghĩa là cùng chung số phận với Chúa thì mới được cùng với Đức Giêsu “ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel.[11]
Như vậy, “Hãy theo tôi” là một lời mời gọi đáng yêu mà Chúa dành tặng cho những ai biết lắng nghe tiếng Chúa. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà Chúa đưa ra, thiết nghĩ những ai đang dấn thân trong ơn gọi thánh hiến cần phải có một vị đồng hành thiêng liêng hướng dẫn. Bởi lẽ, tự thân cuộc sống luôn đầy ắp những thách thức, chông gai, những biến động không ngừng, và vô vàn những khó khăn va chạm. Vì thế sẽ là một may mắn, một diễm phúc có được “những vị thầy”, sẵn sàng hy sinh thời gian để “đồng hành”, chia sẻ gánh nặng, trợ giúp tinh thần, vật chất, tâm lý. Chính nghĩa cử cao đẹp của sự “đồng hành” có khả năng gây hứng khởi, phát sinh động lực, gia tăng sáng tạo, năng động và giúp ta đủ nghị lực vượt khó. Vì thế, “đồng hành” là một trong những hình thức hỗ trợ đắc lực nhất giúp mỗi người có thể kiện toàn bản thân và hoàn thành cuộc đời.[12] Nếu thiếu sự đồng hành, sự gắn bó và trợ lực, có thể đời sống tâm linh của mỗi người sẽ đi vào vô định, trở nên nghèo nàn, dễ thất bại và đổ vỡ.

3. Những tiêu chuẩn để chọn lựa vị đồng hành
Trong cuộc sống ngày nay, người ta thường đề cập đến “sáu người đồng hành” không thể thiếu của bất cứ ai trên con đường đi đến thành công. Đó là những doanh nhân nổi tiếng gồm có: Steve Jobs, Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates, Arianna Huffington hay Mark Cuban.[13] Những con người này khá nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ và nể phục. Những doanh nhân thành đạt có lẽ đều hiểu rằng một phần thành công của mình là nhờ có những người xung quanh. Điểm chung cho những thành công của họ là luôn có sáu tuýp người đồng hành: 1. Người tạo động lực; 2. Người nhận định; 3. Người cố vấn, 4. Đối tác; 5. Người cộng sự; và 6. Người thách thức.[14]
Đó là cuộc sống đời thường, còn trong cuộc sống tu trì thì sao? Nếu đời thường có những tuýp người đồng hành để đi đến thành công, thì ắt hẳn, đời tu cũng cần phải có người đồng hành thiêng liêng, để cùng chúng ta tìm lại sự thăng bằng, tìm lại niềm tin bản thân, thay đổi lối sống và tạo lại hứng khởi trong các hoạt động. Thật vậy, những ai sống đời thánh hiến, rất cần phải biết lựa chọn một vị đồng hành cho mình. Nhưng đâu là một người đồng hành thiêng liêng đích thực? Những người có kinh nghiệm chỉ ra rằng:
Thứ nhất, vị đồng hành cần có những phẩm tính chuyên môn. Qua những kiến thức nền tảng về thánh khoa, thần học tâm linh, tư vấn mục vụ…, người đồng hành cần phải thông hiểu nhiều về tâm lý phái tính, những nguyên tắc căn bản về bệnh lý mỗi người, biết rút ra những bài học từ chính kinh nghiệm vốn có của mình qua việc quan sát và hướng dẫn người khác. Thêm nữa, người đồng hành cần phải biết khôn ngoan trong phán đoán, rõ ràng khi cho lời khuyên và kiên quyết trong việc đòi hỏi sự vâng phục.
Thứ hai, vị đồng hành cũng cần có những phẩm tính luân lý như: lòng đạo đức, lòng nhiệt thành đối với việc thánh hóa các linh hồn, lòng khiêm tốn và lòng vô vị lợi. Không chỉ cần có những phẩm tính luân lý, người đồng hành cần phải có những bổn phận như là: biết rõ linh hồn mình hướng dẫn, cho lời chỉ giáo, khuyến khích linh hồn, theo sát đời sống thiêng liêng, sửa chữa lỗi lầm và hướng dẫn theo các giai đoạn tiến triển của ơn gọi của người thụ huấn; đồng thời tuyệt đối giữ bí mật cho họ.
Thứ ba, chọn đồng hành là chọn một người đại diện Chúa. Đây là một việc hết sức quan trọng. Do đó, ta không nên chọn linh hướng theo cảm hứng, sở thích, hoặc chọn một cách vội vã, thiếu thận trọng. Chọn linh hướng được coi như một trong những quyết định quan trọng của cuộc sống.[15]
4. Những ích lợi của việc đồng hành thiêng liêng
Thiên Chúa hướng dẫn mỗi người nên thánh theo con đường thích hợp nhất, cá biệt; cho dù là họ cùng sống, cùng chia sẻ một đoàn sủng. Có khi Thiên Chúa trực tiếp hướng dẫn họ, đồng hành với họ không thông qua trung gian là sự đồng hành của con người. Thế nhưng, Thiên Chúa thường theo tiến trình sư phạm tiệm tiến, muốn con người đi trên chính bước chân của mình với sự cộng tác của anh em đồng loại để khám phá ra Thiên Chúa, đáp lại lời mời gọi yêu thương của Người và tiến bước trên con đường hoàn thiện.[16]
Việc đồng hành thiêng liêng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thăng tiến đời sống tâm linh của mỗi người. Đây là lợi ích căn bản và thiết yếu cho mọi linh mục, tu sĩ. Người đồng hành giúp người thụ hướng đi sâu vào đời sống cầu nguyện, nói cách khác là sống mật thiết với Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 2564 dạy rằng: “Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô.” Chúng ta, những con người được Chúa thánh hiến, ắt hẳn luôn biết đặt việc cầu nguyện lên trên hết mọi công việc khác. Vì cầu nguyện là nền tảng và hơi thở của đời sống tu trì, là sức sống không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Không có một đời sống cầu nguyện tốt, sẽ không bao giờ có một người tu sĩ tốt. Người đồng hành luôn phải cầu nguyện trước khi gặp người thụ hướng; sau đó, còn phải cầu nguyện nhiều hơn nữa để người thụ hướng tìm gặp được thánh ý Chúa và can đảm thi hành. Như vậy, nhờ cầu nguyện, chúng ta được đi vào giao ước thánh của lòng ta với Thiên Chúa. Có cầu nguyện, ta mới khám phá ra hạnh phúc thật và hạnh phúc giả tạo: “Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc.”[17]
Thứ đến, người thụ hướng sẽ được vị đồng hành giúp mình khám phá chính con người thật của mình, nhận ra được những giá trị trong đời sống, biết sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật đó. Công việc của người đồng hành thiêng liêng là làm sao giúp cho người thụ hướng tự hoà giải được với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Thêm nữa, qua vị đồng hành, người thụ hướng sẽ biết điều chỉnh giữa lý trí, thân xác và tinh thần, áp dụng những nguyên lý thánh thiêng qua việc phục vụ Chúa mà hướng đến phục vụ tha nhân trong tinh thần yêu thương của Chúa. Vì yêu thương chính là món quà cao quý nhất mà ai cũng cần.
Sau cùng, người thụ hướng sẽ biết nhận ra ơn gọi của chính mình và biết đáp trả ân ban nhưng không ấy của Chúa dành cho mình. Ơn gọi được xây dựng dựa trên một mối tương quan giữa Thiên Chúa (Người gọi) và một con người (người đáp trả). Theo đó, ơn gọi là mối “tương quan” rất sống động của con người với Thiên Chúa, luôn biến đổi và lớn lên. Lịch sử của mỗi ơn gọi là lịch sử về một cuộc đối thoại và đi vào tương quan giữa tình yêu Thiên Chúa và sự đáp trả tự do của một người.[18]
Kết luận
Những gì vừa trình bày trên cho thấy, đồng hành thiêng liêng là một nhu cầu cần thiết trong đời sống tu trì. Là những người sống đời sống tu trì, chúng ta không những được mời gọi làm chứng nhân mà còn để dẫn dắt người khác đến với Chúa. Vì vậy, mỗi người cần phải tự đào tạo và rèn luyện bản thân để trao ban cho tha nhân Đức Kitô. Đây cũng là ước mong của Đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 171: “Hiện nay đang cần có những người nam, nữ biết dựa trên kinh nghiệm của bản thân để bảo vệ đoàn chiên của mình.”[19]. Tác vụ đồng hành thiêng liêng phải là một điểm nổi bật trong các tác vụ của Hội thánh trong thời đại của chúng ta, một thời đại đầy những khủng hoảng, thách đố, mất định hướng và chao đảo.


[1] x. Mt 4,19.
[2] Lm. Thái Nguyên, Đồng hành. http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/ TuDuc/27DongHanh.htm, truy cập ngày 05/02/2018.
[3] Xc. Phạm Quốc Văn, OP., Trên đường Emmaus, tr.12.
[4] D. Grou, Manuel des aâmes inteùrieures, Gobelde, Paris 1947, tr.109.
[5] Xc. Sr. Nắng Hạ, Linh hướng trong đời sống của mọi Kitô hữu, website: http://www.daobinh.com/song-dao/hanh-trang-vao-doi/linh-huong-trong-doi-song-cua-moi-kito-huu.htm, truy cập ngày 05/02/2018.
[6] Xc. Phạm Quốc Văn, OP., Trên đường Emmaus, tr. 20-21.
[7] Xc. Ngô Ngọc Khanh, Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Học viện Phanxicô, 2016, tr.51.
[8] Xc. Mt 4,19.
[9] Xc. Mt 4,21.
[10] Xc. Mt 19,27.
[11] Xc. Mt 19,28.
[12] Xc. Lm. Thái Nguyên, Đồng hành, http://www.simonhoadalat.com /giaoducgd/TuDuc/27DongHanh.htm, truy cập ngày 05/02/2018.
[13] Một vài thông tin ngắn gọn về các doanh nhân: Steve Jobs là doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ. Ông là đồng sáng lập viên của hãng Apple, là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất ở ngành công nghiệp vi tính; Elon Musk là một nhà phát minh, doanh nhân, tỉ phú người Nam Phi; Jeff Bezos là một doanh nhân công nghệ, một nhà từ thiện và nhà đầu tư người Hoa Kỳ, là sáng lập viên trang mạng Amazon.com, một trang web rao bán các loại sách và sau này mở rộng ra nhiều sản phẩm đa dạng khác nhau; Bill Gates là một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện, tác giả và chủ tịch tập đoàn Microsoft; Arianna Huffington là một nữ doanh nhân, một chính trị gia, một nhà báo và là một người phụ nữ nhiều quyền lực, có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành truyền thông; Mark Cuban là doanh nhân, nhà đầu tư, nhà sản xuất phim nổi tiếng người Mỹ.
[14] Xc. Thu Hoài, theo trí thức trẻ/INC, “sáu người đồng hành” không thể thiếu của bất cứ ai trên con đường đi đến thành công, http://cafef.vn/6-nguoi-dong-hanh-khong-the-thieu-cua-bat-cu-ai-tren-con-duong-di-toi-thanh-cong-0171024111709113. chn, truy cập ngày 02/02/2018. Sáu tuýp người mà tác giả đề cập: 1. Người tạo động lực là người luôn khuyến khích bạn tiếp tục nỗ lực ở những giai đoạn khó khăn nhất; 2. Người nhận định là người thẳng thắn đưa ra quan điểm từ góc nhìn của họ về cách bạn đang làm, không chỉ trong kinh doanh, mà thậm chí là trong cuộc sống ;  3. Người cố vấn là người mà bạn có thể gọi hay liên lạc bất cứ khi nào bạn cần; 4. Đối tác là một nửa thành công trong kinh doanh của bạ; 5. Người cộng sự: Mọi doanh nhân đều phải có một ai đó sẵn lòng lắng nghe các ý tưởng và nêu ý kiến sau khi nghe với họ; và 6. Người thách thức là những người thường nghi ngờ vào khả năng của bạn, luôn nói bạn không thể làm được hoặc chưa đủ giỏi để làm một việc gì đó.
[15] Xc. Sr. Nắng Hạ, Linh hướng trong đời sống của mọi Kitô hữu, website: http://www.daobinh.com/song-dao/hanh-trang-vao-doi/linh-huong-trong-doi-song-cua-moi-kito-huu.htm, truy cập ngày 05/02/2018.
[16] Xc. Phạm Quốc Văn, OP., Trên đường Emmaus, tr. 22.
[17] Xc. G 22,21.
[18] Xc. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Ơn gọi và điều kiện theo Chúa, http://gioanthienchua.net/on-goi-va-dieu-kien-theo-chua.html, truy cập 6/ 2/2018.
[19] Nt. Thêm Ơn, Đồng hành thiêng liêng với người trẻ : http://gpbuichu. org/news/Dong-Trinh-Vuong/dong-hanh-thieng-lieng-voi-nguoi-tre-4982. html, truy cập ngày 06/02/2018.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn