Tầm quan trọng của việc đồng hành thiêng liêng trong các giai đoạn đào tạo linh mục


Ý nghĩa và tầm quan trọng
của đồng hành thiêng liêng đã rất rõ ràng:
chủng viện không chỉ là một trường học
hoặc một nơi tập nghề, mà còn muốn giáo dục
 “con người nội tâm” trong mỗi ứng viên muốn nhận tác vụ,
để họ có thể nhận ra những tiếng gọi của Chúa Thánh Thần trong Chúa Kitô và đáp ứng những lời mời gọi này,
và như thế họ sẽ “đi vào chức linh mục qua cửa ơn gọi”.
Gioan Baotixita Trần Văn Chính, Dòng Biển Đức
Phêrô Trần Đại Lượng, Dòng Kitô Vua

Trong các chủng viện, đồng hành thiêng được xem như là một yếu tố quan trọng của việc đào tạo. “Trong bốn chiều kích đào tạo linh mục, đào tạo thiêng liêng là yếu tố quan trong nhất, bởi đào tạo thiêng liêng là linh hồn của việc đào tạo”.[1] Trong đào tạo thiêng liêng, thì việc đồng hành thiêng liêng chiếm một chỗ rất quan trọng.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xuất bản cuốn: Đào tạo linh mục: định hướng và chỉ dẫn (Ratio), đã đề cập đến tiến trình đào tạo gồm linh mục gồm 3 giai đoạn: trước, trong và sau đại chủng viện. Giai đoạn trước đại chủng viện: thời gian tìm hiểu ơn gọi và năm dự bị; giai đoạn tại đại chủng viện là 8 năm: một năm tu đức, hai năm triết, một năm giúp xứ, bốn năm thần học; giai đoạn sau sau đại chủng viện.
Nội dung bài viết dưới đây, chúng tôi xin được giới hạn đề tài qua việc trình bày việc đồng hành thiêng liêng trong các giai đoạn đào tạo linh mục tại chủng viện, qua hai giai đoạn: trước đại chủng viện và giai đoạn tại đại chủng viện.

1. Đồng hành thiêng liêng trong các giai đoạn đào tạo
1.1. Giai đoạn đào tạo trước đại chủng viện
Thời gian tìm hiểu ơn gọi:
khám phá và thanh luyện ơn gọi
Thời gian tìm hiểu là thời gian biện phân ơn gọi căn bản nhất. Với sự đồng hành hướng dẫn của người đồng hành thiêng liêng,[2] qua những lần gặp gỡ riêng, sẽ giúp ứng sinh tìm hiểu động lực muốn theo đuổi ơn gọi linh mục. Người đồng hành thiêng liêng sẽ giúp ứng sinh phân tích và đánh giá động lực nội tậm qua hai khía cạnh “tính hấp dẫn của ơn gọi” và “biểu lộ cụ thể của ý hướng ngay lành”.
Tính hấp dẫn ơn gọi sẽ được phân định qua việc đồng hành thiêng liêng để nắm chắc rằng ứng sinh đáp ứng được các khía cạnh thiêng liêng và tông đồ của một cam kết dấn thân phục vụ Giáo hội.
Biểu lộ cụ thể của ý hướng ngay lành. Tự do lương tâm là điều cần thiết cho quyết định làm linh mục. Vị đồng hành thiêng liêng phải giúp ứng sinh khám phá ra những gì Thiên Chúa thực sự kêu gọi ứng sinh. Đáp trả tự do của ứng sinh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự bền đỗ, khi ứng sinh bày tỏ ý hướng ngay lành muốn làm linh mục.
Cũng trong giai đoạn này, người đồng hành thiêng liêng hướng dẫn các ứng sinh chú ý đến việc đạo đức căn bản của người kitô hữu như là phương thế để “tìm kiếm Đức Kitô, theo Người và ở lại với Người[3]: đọc kinh, dâng lễ, lần chuỗi… Ngoài ra ứng sinh còn được mời gọi tập làm quen với khổ chế, khiêm hạ, đời sống kết hợp mật thiết với hy tế thập giá. Như vậy thời gian này, người đồng hành thiêng liêng giúp ứng sinh khám phá, thanh luyện và củng cố chọn lựa ơn gọi linh mục.
Năm dự bị: Khám phá niềm vui theo Chúa
Năm dự bị là thời kỳ cao điểm để khám phá lời mời gọi của Chúa. Các ứng sinh được người đồng hành thiêng liêng hướng dẫn đi sâu vào gặp gỡ Chúa, cảm nhận được niềm vui và tình yêu của Chúa. Các ứng sinh được hướng dẫn để xây dựng đời sống đức tin, khởi đi từ lòng khao khát tìm gặp Chúa, và đi theo Chúa trong lòng Giáo hội.[4]
Năm dự bị là khởi điểm của đời sống dâng hiến theo ba lời khuyên Phúc Âm. Đây là giai đoạn dẹp bỏ những cản trở đối với ơn gọi linh mục đến từ bên ngoài, như cách sống “theo trần thế” với các phương tiện giải trí thiếu lành mạnh, những thói xấu do ảnh hưởng của xã hội. Đây cũng là thời kỳ thanh luyện các cản trở từ bên trong, tức những khuynh hướng xấu và những yếu đuối lặp đi lặp lại trong quá khứ. Sự cố gắng thanh luyện này sẽ được hỗ trợ tích cực của người đồng hành thiêng liêng.[5] Trong thời gian này, ứng sinh được giới thiệu thiệu nhiều ơn gọi khác nhau: ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ, và cả ơn gọi hôn nhân nữa. Vì thế, vai trò biện phân ơn gọi của người đồng hành thiêng liêng trở nên quan trọng.
1.2. Đào tạo tại đại chủng viện
Năm tu đức: Ở với Chúa Giêsu
Năm tu đức chính là thời gian đặc biệt để được huấn luyện và thực tập “ở với Chúa Giêsu”. Đây là thời kỳ tập trung đặc biệt vào đời sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu: gặp gỡ Chúa Giêsu, khám phá Chúa Giêsu, ở với Chúa Giêsu. Nói cách khác, mục đích chính yếu của năm tu đức là chuẩn bị cho chủng sinh một căn bản vững mạnh về đời sống thiêng liêng làm nền cho những năm kế tiếp tại chủng viện và đời sống mục tử sau này.[6]
Năm tu đức xây dựng mối tương quan với Chúa Giêsu. Một trong những cản trở căn bản là tật xấu chủ đạo, tật xấu này liên kết chặt chẽ với cuộc sống tự nhiên của con người ấy. Đây chính là đào tạo toàn vẹn về chiều sâu, qua đó chủng sinh được đào tạo và biến đổi với biến cố bản lề là hoán cải.
Việc đào tạo chiều sâu không chỉ được làm một lần là xong, nhưng việc hoán cải từ bỏ con người cũ mặc lấy con người mới là một tiến trình lặp lặp lại trong suốt cuộc đời. Và đây là công trình của Chúa Thánh Thần, là kết quả của ân sủng. Công việc này được thực hiện một cách đặc biệt trong việc đồng hành thiêng.[7]
Hai năm triết học: Yêu mến Chúa Giêsu
Trong thời gian triết học, người đồng hành thiêng liêng sẽ hướng dẫn chủng sinh hun đúc “lòng yêu mến Chúa Giêsu”, được đào tạo để ngày một trưởng thành trên con đường ơn gọi, bước theo, và nên giống Chúa Giêsu. Con đường duy nhất để tiến tới trưởng thành về mặt ơn gọi là nỗ lực gia tăng lòng yên mến Chúa Giêsu.[8]
Muốn trưởng thành đỏi hỏi một quá trình biến đổi tiệm tiến. Một người trưởng thành là người biết được mình ước muốn điều gì, dám quyết định chọn điều ấy và có khả năng tổ chức thế nào để đạt được ước muốn mà mình đã chọn.
Hơn nữa, trong giai đoạn này các chủng sinh được lưu ý là đừng quên cảnh giác về những nguy cơ khiến mình có thể mất ơn gọi, mất đi ước muốn làm linh mục. Những nguy cơ có thể đến từ bản thân hoặc ngoại cảnh. Tuy có thể chúng không xấu, nhưng không phù hợp với ơn gọi linh mục nên cần dứt khoát và triệt để. Người đồng hành thiêng là người hướng dẫn giúp nhận thức vấn đề, đồng thời là người bạn đồng hành giúp từng bước vượt qua những trở ngại này.[9]
Năm thử (thực tập giúp xứ):
h
ài hòa giữa đời sống thiêng liêng và mục vụ
Trong thời gian này, người chủng sinh có dịp khám phá rõ lý do hay động lực khi lựa chọn ơn gọi linh mục. Sự khám phá này sâu sắc hơn trước đây vì có những cảm nhận thực tế cụ thể. Trong năm thực tập mục vụ, người đồng hành thiêng sẽ hướng dẫn chủng sinh biết phối hợp hài hòa giữa đời sống thiêng liêng và đời sống mục vụ; bởi vì, ở với Chúa trong đời sống thiêng liêng là cần thiết, là nền tảng và là nguồn sức mạnh của đời tông đồ mục vụ.[10]
Qua những ngày tháng sống đời thực tập mục vụ của linh mục tại giáo xứ, chủng sinh nhìn lại xem mình có thích hợp với đời sống linh mục không? Có thấy hạnh phúc, bình an và phát triển trong đời sống như thế không? Có thấy quá khó khăn trước ba lời khuyên Phúc Âm không? Sau đó người chủng sinh có quyết định tiếp tục con đường ơn gọi linh mục hay chuyển hướng. Những vấn đề trên đây, chủng sinh sẽ trao đổi và nhận được sự hướng dẫn cụ thể của người đồng hành thiêng. Tùy hoàn cảnh, trong thời gian này, việc gặp người đồng hành thiêng diễn ra một tháng một lần.[11]
Bốn năm thần học:
đ
ào tạo “động lực tình yêu” trong ơn gọi linh mục
Trong việc đào tạo “động lực tình yêu trong ơn gọi linh mục”, các chủng sinh được hướng dẫn qua các giờ huấn đức của người đồng hành thiêng và gặp riêng người đồng hành thiêng.[12] Trong thời kỳ này, với sự hỗ trợ đặc biệt của các môn thần học, chủng sinh có nhiều chất liệu, nhiều phương thế để gặp gỡ, gắn bó với Chúa Kitô. Trong việc cố gắng trở nên như Chúa Kitô mục tử, thì việc đào tạo thiêng liêng cũng giống như những năm trước nhưng ở mức độ sâu sắc hơn.[13]
Người đồng hành thiêng liêng hướng dẫn chủng sinh qua việc bảo vệ đời sống thiêng liêng và mối tương quan với Chúa Giêsu trong ơn gọi qua việc: bài trừ tội lỗi và những tật xấu; trung thành với ba lời khuyên Phúc Âm; hun đúc tâm hồn hướng đến “đức bái ái mục tử”. Trong giai đoạn sắp ra trường này, chủng sinh được hướng dẫn để khi sống đời sống thiêng liêng không phải chỉ cho mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa mà trong đó còn có con người, nhất là những người mà Chúa sẽ trao phó cho họ sau này. Đồng thời khi cử hành các việc đạo đức thiêng liêng, chủng sinh còn thực thiện với ý hướng tông đồ.[14]
Đồng hành thiêng liêng là một công tác mục vụ đặc biệt nhằm giúp chủng sinh lớn lên trong tương quan với Chúa Cha, cởi mở đáp lại Chúa Kitô và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ngõ hầu biết phân định ơn gọi của mình và chuẩn bị cho sứ vụ linh mục trong Giáo hội.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của đồng hành thiêng liêng đã rất rõ ràng: chủng viện không chỉ là một trường học hoặc một nơi tập nghề, mà còn muốn giáo dục “con người nội tâm” trong mỗi ứng viên muốn nhận tác vụ, để họ có thể nhận ra những tiếng gọi của Chúa Thánh Thần trong Chúa Kitô và đáp ứng những lời mời gọi này, và như thế họ sẽ “đi vào chức linh mục qua cửa ơn gọi”.
Việc đồng hành thiêng liêng cần thiết vì nhiều lý do: đồng hành thiêng liêng mang lại cho chủng sinh sự trợ giúp về thiêng liêng, là nguồn trợ lực giúp chủng thăng tiến đời sống thiêng liêng và mối tương quan thân mật hơn với Chúa, và còn có thể giúp chủng sinh học biết làm sao phân định các hoạt động của Chúa Thánh Thần.
2.2. Tương quan tòa trong và tòa ngoài[16]
Toà trong đóng vai trò bổ túc, nhưng lại hoàn toàn khác biệt với toà ngoài. Điều mà vị đồng hành thiêng liêng khám phá về chủng sinh ở toà trong sẽ không được tiết lộ ra ở toà ngoài. Dữ kiện này có cùng một quy chế như của toà giải tội. Điều này không chỉ để bảo vệ chủng sinh, mà còn tạo cho chủng sinh sự tín nhiệm và tin tưởng rằng điều gì anh đã bộc lộ ở tòa trong vẫn được giữ kín.
Ở toà trong, vị đồng hành thiêng liêng không chỉ là người thụ động lắng nghe, song ngài phải sẵn lòng và có khả năng thách đố và đối đầu, khi sự việc đòi hỏi, để giúp chủng sinh trải qua một tiến trình phân định ơn gọi đích thực.
Thông thường ở toà ngoài, vị Giám đốc học viện có trách nhiệm hàng đầu trong việc đánh giá tính thích hợp hay không của ứng sinh với chức linh mục. Vì thế, ngài không thể đóng một vai trò nào ở toà trong. Sự hiểu biết có được về ứng sinh ở toà ngoài đều do nhận xét của nhiều nhà đào tạo. Vì toà ngoài không trực tiếp nghiên cứu sâu vào nội tâm của tu sinh, nên sự hiểu biết có được thường có một mức độ chắc chắn khác và ít hơn sự chắc chắn có được ở tòa trong.
2.3. Vai trò của người đồng hành thiêng liêng
                     trong việc phong chức thánh
Trong sự phân định về sự thích hợp với chức thánh, người đồng hành thiêng liêng có một vai trò quan trọng. Mặc dù buộc phải giữ bí mật, vị này đại diện cho Giáo hội ở tòa trong. Khi thảo luận với ứng viên, vị đồng hành thiêng liêng phải chỉ ra một cách đặc biệt các yêu cầu của Giáo hội liên quan đến đức khiết tịnh linh mục, và sự trưởng thành tình cảm, vốn là một đặc điểm của người linh mục, cũng như giúp ứng viên phân định liệu người ấy có phẩm chất cần thiết hay không. Người đồng hành thiêng liêng có bổn phận đánh giá tất cả các phẩm chất về nhân cách của ứng viên, và bảo đảm rằng ứng viên không có rối loạn về bản tính tính dục, vốn là không tương hợp với chức linh mục.[17] Tuy nhiên, “trong việc quyết định chấp nhận các chủng sinh tiến chức hoặc sa thải họ khỏi chủng viện, không bao giờ được hỏi ý kiến của vị linh hướng và các cha giải tội”.[18]
Kết luận
Đồng hành thiêng liêng đóng vai trò thiết yếu trong việc đào tạo linh mục. Đồng hành giúp chủng sinh trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu. Đồng hành thiêng liêng còn giúp cho chủng sinh được biến đổi trở giống như Chúa Giêsu mục tử, làm cho chủng sinh có những tâm tình và thái độ của Chúa Giêsu, và giúp chủng sống tinh thần bác ái mục tử.
Hơn nữa, mục đích của việc đồng hành thiêng liêng giúp chủng sinh tìm ra thánh ý Chúa trong con đường ơn gọi linh mục, khám phá ra ý Chúa. Tiến trình này được tác động của Chúa Thánh Thần giúp cho chủng sinh sự biết đổi toàn diện, làm cho chủng sinh nhận ra ơn gọi thực sự của mình và sống ơn gọi một cách quảng đại.


[1] HĐGMVN, Đào tạo linh mục: định hướng và chỉ dẫn, số 122.
[2] Xc. HĐGMVN, Sđd., số 225.
[3] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 46.
[4] Xc. HĐGMVN, Sđd., số 238.
[6] Xc. HĐGMVN, Sđd., số 250.
[7] Xc. Sđd., số 260.
[8] Xc. Sđd., số 278.
[9] Xc. HĐGMVN, Sđd., số 271.
[10] Xc. Sđd., số 348.
[11] Xc. Sđd., số 334, 358.
[12] Xc. HĐGMVN, Sđd., số 362.
[13] Sđd., số 381.
[14] Xc. Sđd., số 381-385.
[16] Xc. Bùi Minh Huy, Sđd., tr 88.
[17] Bộ Giáo dục Công giáo, Chỉ Thị về các tiêu chuẩn để nhận định ơn gọi đối với các người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, trong việc thâu nhận vào chủng viện và chức thánh, số 3.
[18] Giáo luật, số 240.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn