Lắng nghe và là một việc không thể thiếu
trong quá trình đối thoại.
Vì thông qua việc lắng nghe,
vị đồng hành có thể thấu cảm được ý hướng, tâm tình;
nhận ra được những “góc khuất” trong đời sống thiêng liêng của người được đồng hành,
để rồi có thể cho người được đồng hành những chỉ dẫn,
giúp họ khám phá ra ý của Thiên Chúa
đang thực hiện trên cuộc đời họ.
trong quá trình đối thoại.
Vì thông qua việc lắng nghe,
vị đồng hành có thể thấu cảm được ý hướng, tâm tình;
nhận ra được những “góc khuất” trong đời sống thiêng liêng của người được đồng hành,
để rồi có thể cho người được đồng hành những chỉ dẫn,
giúp họ khám phá ra ý của Thiên Chúa
đang thực hiện trên cuộc đời họ.
Vincent Phạm Trung Hiếu, Tu
hội Vinh Sơn
Giuse Hoàng Văn Trí, Tu hội Vinh Sơn
Đồng hành thiêng liêng là một vấn đề khá quan
trọng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Việc đồng hành thiêng liêng
đòi buộc sự nỗ lực từ người đồng hành và cả người được đồng hành. Tác vụ này
không phải là “ngày một ngày hai”, mà là cả một quá trình tiệm tiến để hướng đến
mục đích cuối cùng là mang lại giá trị trọn lành cho người được đồng hành,
nghĩa là người được đồng hành được gặp gỡ Thiên Chúa và thăng tiến về đời sống
thiêng liêng. Do vậy, để đạt được hiệu quả qua việc đồng hành, thiết tưởng người
đồng hành và người được đồng hành cần phải có được những phương pháp, đường hướng
và tiến trình đồng hành thiêng liêng thích ứng và phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.
Đồng hành thiêng liêng là sự gặp gỡ, trao đổi
giữa người đồng hành và người được đồng hành. Do vậy, đối thoại được xem là
phương pháp không thể thiếu trong quá trình đồng hành. Phương pháp đối thoại
đòi buộc một sự tương giao liên vị giữa hai chủ thể nhằm ý hướng đạt đến đích
điểm mà người được đồng đang mong chờ. Vì vậy, với phương pháp này, người đồng
hành và người được đồng hành cần phải biết lắng nghe và phân định.
1.1. Lắng nghe
Lắng nghe và là một việc không thể thiếu trong
quá trình đối thoại. Vì thông qua việc lắng nghe, vị đồng hành có thể thấu cảm
được ý hướng, tâm tình; nhận ra được những “góc khuất” trong đời sống thiêng
liêng của người được đồng hành, để rồi có thể cho người được đồng hành những chỉ
dẫn, giúp họ khám phá ra ý của Thiên Chúa đang thực hiện trên cuộc đời họ. Do vậy,
vị linh hướng không phải lắng nghe theo nghĩa tâm lý hay giao tiếp thuần túy,
mà lắng nghe ở đây bao hàm sự hiểu biết, đón nhận và giúp người thụ hướng khám
phá ra con người thật của họ, khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong họ, và
kế hoạch của Người dành cho họ. Chính vì vậy, nội dung của việc lắng nghe ở đây
cũng chính là nội dung của việc đồng hành thiêng liêng.[1]
Thông qua việc lắng nghe, “vị linh hướng
lắng nghe được câu chuyện của người thụ hướng, tìm giúp họ hiểu và làm sáng tỏ
điều Thiên Chúa đang chất vấn họ”.[2]
Tuy nhiên, trước khi lắng nghe, vị đồng hành cũng cần chân thành gợi mở, tạo được
niềm tin, để người được đồng hành có thể trình bày tất cả những gì nơi thâm sâu
cõi lòng họ và họ không sợ hãi hoặc nghi ngờ về những điều mình nói bị tiết lộ.
1.2. Phân định
Phân định là khả năng nhận thức, đánh giá, phán đoán về một vấn đề
gì đó, để rồi đưa ra những chọn lựa cụ thể phù hợp với thực tại, mang lại giá
trị cho người thực thi:
Phân định thường bao gồm một trật tự hành vi nhận thức và hành vi phân biệt
hoặc phán đoán. Cũng vậy, trong việc phân định thiêng liêng, cả việc nhận thức
và phán đoán đều quan trọng. Mục đích của việc phân định là đạt tới một tình
yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực.[3]
Do vậy, trong khi vận dụng phương pháp đối thoại
cho cuộc đồng hành, thì việc phân định là vấn đề không thể thiếu đối với người
đồng hành và người được đồng hành. Việc phân định là yếu tố quan trọng và thiết
yếu, một mặt nó có thể giúp người được đồng hành sắp xếp và chọn lựa những giá
trị trọng tâm cho đời sống thiêng liêng của
mình, mặt khác nó cũng hỗ trợ họ sửa đổi và tránh những sai lầm đáng tiếc xảy
ra. Vì thế, nếu trong quá trình đối thoại, việc phân định bị sao lãng hoặc bỏ
quên thì cuộc đồng hành đó khó có thể mang lại kết quả. Việc phân định vừa là
khả năng của con người, vừa là ân ban của Thiên Chúa. Do đó, công việc “phân định là tiến trình lắng nghe và chọn lựa
qua sự an bài của Thiên Chúa trong đời sống con người, để tìm kiếm và xác định
hoàn cảnh và lời đáp trả đích thực đối với tình yêu của Thiên Chúa”.[4]
Việc đồng hành thiêng liêng là vấn đề khá quan
trọng trong đời sống của người Kitô hữu. Do vậy, để việc đồng hành thiêng liêng
mang lại hoa trái và sinh ơn ích cho người được đồng hành thì trước khi bắt đầu
việc đồng hành thì người đồng hành và người được đồng hành cần phác họa đường
hướng cho việc đồng hành. Trên bình diện tổng quan, chúng ta có thể đưa ra một
đường hướng chung quy chiếu cho những cuộc đồng hành như sau: đó là trở nên đồng
hình đồng dạng với Đức Kitô.
Việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô
là đường hướng tiên quyết cần vạch ra trong đồng hành thiêng liêng. Vì chưng, mục
tiêu của việc đồng hành thiêng liêng không gì khác hơn là đào sâu được mối
tương quan mật thiết với Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của vị đồng hành. Người đồng
hành phải giúp người được đồng hành thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa ngang
qua cuộc đời của họ. Sự hiện diện ấy khơi dậy và đốt cháy nơi tâm hồn người được
đồng hành, để rồi chính Thiên Chúa là người vạch đường, chỉ hướng trong chính
cuộc sống của họ: “Tôi sống không phải
còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”.[5]
Một đời sống đức tin mãnh liệt và một thái độ nhân bản chuẩn mực là một bảo đảm
vững chắc cho việc theo đuổi đường hướng mà mình đã vạch ra trong đồng hành
thiêng liêng.
2.1. Về phía người được đồng hành
Việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô
là một sự xác quyết chính Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình ngang qua các biến
cố trong đời sống. Do vậy, không có gì giới hạn và bó buộc người được đồng hành
chân thành cởi mở và tin tưởng vào vị đồng hành mà mình đã chọn. Dù rằng trong
đời sống có những xáo trộn, biến động mà người được đồng hành khó có thể nhận
ra vấn đề một cách xác đáng. Vì thế, một đòi buộc kèm theo là người được đồng
hành phải không ngừng nỗ lực tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa qua chính thực tại,
qua đời sống cầu nguyện, qua các hình thức sinh hoạt trong Giáo hội. Đó là một
minh chứng vững chắc về một đời sống đức tin mãnh liệt. Đời sống ấy được diễn tả
qua thái độ dứt khoát trong sự quan phòng của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa là
người hướng dẫn và dẫn dắt chúng ta bước qua con đường lịch sử của đời mình. Do
vậy, người được đồng hành hoàn toàn có thể tin tưởng vào chính mình với tất cả
những gì mình “là” và mình “có”, tin tưởng vào vị đồng hành mà Thiên Chúa gửi đến.
2.2. Về phía người đồng hành
Người đồng hành cần xác định rõ đâu là hướng
đi mà mình cùng với người được đồng hành phải tiến đến. Với vai trò là người đồng
hành để mang lại ơn ích cho người được đồng hành thì vị đồng hành cũng phải ý
thức được vị thế hiện tại của mình là gì, nghĩa là vị đồng hành phải có được phẩm
chất của một vị đồng hành. Với chính khả năng này, vị đồng hành có thể giúp người
được đồng hành phân định được vị thế của họ là như thế nào, để rồi từ chính khởi
điểm đó có thể hướng họ vào đường hướng trọng tâm trong đời sống thiêng liêng
đó là nên như một với Đức Kitô. Để việc đồng hành không đi ra khỏi “đường ray”,
thì vị đồng hành không nên áp đặt những gì từ chính mình cho người được đồng
hành, mà thay vào đó là thái độ thân thiện, chân thành, gợi mở, động viên,
khích lệ, đón nhận, thông cảm và cùng trao đổi tìm hướng giải quyết tốt nhất
cho người được đồng hành.
3.1. Khao khát gặp gỡ Thiên Chúa
Để đạt được đích điểm của cuộc đồng hành, rất
cần lòng yêu mến và sự khao khát. Sự tìm kiếm, lòng khao khát của người kitô hữu
đó chính là Đức Giêsu Kitô. Người là hạnh phúc, là sự thiện trọn hảo mà con người
khao khát vươn đến: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.[6]
Lòng khao khát ấy không ngừng tuôn chảy và thôi thúc, luôn được ấp ủ và nuôi dưỡng
trong suốt cả một đời người, như lời của Thánh Augustino đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho
Chúa. Lòng chúng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”.
Lời Thánh vịnh cũng diễn tả tâm tình này như sau: “Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông
mong được gần Ngài, lạy Chúa”.[7]
Lòng khao khát được gặp gỡ Thiên Chúa thúc bách con người tìm về với đời sống
thiêng liêng - một nhu cầu tất yếu trong đời sống kitô hữu. Nó như một động lực
năng động hỗ trợ cho chuyến hành trình thiêng thiêng, là một cách thức tìm kiếm
nhằm khỏa lấp cảm giác trống vắng, tuyệt vọng, hoang mang, thiếu ý nghĩa cuộc sống...
mà thực tại xã hội buộc con người phải đương đầu và đối diện. Do vậy, khởi đi từ
lòng khao khát, con người sẽ tìm gặp được một mối tương quan liên vị - con người
với Thiên Chúa. Mối tương giao này không đơn thuần bộc lộ một cách minh nhiên
và dễ dàng, nó được ví như một cuộc trốn tìm, lúc ẩn, lúc hiện. Nó đòi buộc sự
nỗ lực và kiên nhẫn không ngừng của con người, mà năng lực của mỗi người thì giới
hạn. Đây chính là căn nguyên mà người được đồng hành tìm đến với người đồng
hành để có thể hoán chuyển những vướng mắc giới hạn đó, để bàn hỏi xin sự hướng
dẫn, khai mở những tắc nghẽn của cuộc hành trình thiêng liêng trong sự soi chiếu
của Chúa Thánh Thần.
3.2. Gặp gỡ và trao đổi
Sự gặp gỡ và trao đổi giữa người đồng hành và
người được đồng hành trước tiên phải xuất phát từ sự chân thành về cả hai phía.
Nó tạo nên một mối tương quan liên vị trong hệ quả của lời mời gọi lưỡng diện,
đó là Thiên Chúa mời gọi người được đồng hành đến với người đồng hành và ngược
lại. Sự gặp gỡ và trao đổi này chỉ đạt được giá trị khi cả hai cùng hiệp nhất
trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, cùng lắng nghe, cùng bàn thảo, cùng nhận
ra ý Chúa trong cuộc gặp gỡ đó.
Về phía người được đồng hành
Xuất phát từ nhu cầu được trợ giúp về đời sống
thiêng liêng, người được đồng hành tìm đến vị đồng hành để bàn hỏi và xin sự chỉ
dẫn. Tuy nhiên, trước khi chọn vị đồng hành, người được đồng hành cần phải suy
nghĩ và cân nhắc một cách cẩn trọng, nghĩa là họ cần quan tâm đến phẩm tính buộc
phải có nơi vị đồng hành. Vì đây chính là yếu tố thúc đẩy cuộc gặp gỡ và trao đổi
đạt được kết quả hay không. Một khi đã xác định và chọn được vị đồng hành thì
người được đồng hành cần phải bộc lộ hết những xáo trộn nơi tâm hồn, bộc lộ một
cách chân thành không che đậy, ngay cả những góc khuất tối tăm tội lỗi nơi cõi
lòng mình. Để làm được điều này thì hoàn toàn không đơn giản. Vì không phải ai
cũng dễ dàng bộc lộ những cái tồi tàn, xấu xa nơi nội tâm, phơi bày nó ra cho
người khác thấy được. Đây là một rào cản rất lớn ngăn cách trong cuộc gặp gỡ
trao đổi. Do vậy, người được đồng hành cần phải vượt qua bức rào cản này, khám
phá ra chính con người thật của mình, nhận ra những xáo trộn mà mình đang mắc
phải, không bao che, không biện minh về chính thực tại của mình. Hết sức có thể,
người thụ hướng nên giãi bày cõi lòng, tâm tư của
mình một cách đơn sơ, cởi mở và minh bạch. Tránh tình trạng giãi bày theo lối
“lung khởi”, phóng chiếu hoặc tránh né chính cái khó khăn mà mình đang phải đối
diện. Vì như thế sẽ làm cho cuộc gặp gỡ bị đi lệch ra mục đích ban đầu và hệ quả
kéo theo là không đạt được giá trị gì qua cuộc gặp gỡ tiếp xúc đó. Do vậy, sự
chân thành, giản dị, đặc biệt là sự trung thực là những yếu tố tiên quyết quy
chiếu về người được đồng hành khi thực hiện trao đổi, gặp gỡ với vị đồng hành.
Về phía người đồng hành
Khi một người đến xin sự trợ giúp về đời sống
thiêng liêng, thì người đồng hành cần phải biết phân định một cách rõ ràng về
chính thực tại của mình, nghĩa là mình có năng lực để đảm nhận trách vụ này hay
không. Đồng thời, người đồng hành phải nhận ra đâu là trách nhiệm và sự dấn
thân của mình trong vai trò thực thi sứ vụ cao cả này. Một trực giác trong sự
soi sáng của đức tin sẽ giúp người đồng hành phân định một cách cụ thể và rõ
ràng về tính phù hợp hoặc không phù hợp. Một cuộc trao đổi đạt hiệu quả đòi buộc
người đồng hành phải lưu tâm đến nhu cầu của người được đồng hành như: người được
đồng hành tìm kiếm sự trợ giúp thiêng liêng theo đúng nghĩa không, hay họ đang
tìm kiếm một hình thức khác như tư vấn tâm lý, giải khuây, hay tìm một người
thân hữu để chia sẻ.... Họ có thật sự tự do chọn vị đồng hành không? Hay vì bị
một áp lực nào? Đây là mấu chốt mà vị đồng hành cần nhận ra ngay từ khi gặp gỡ
và trao đổi. Do vậy, cuộc gặp gỡ chỉ có thể đạt được thành quả khi người đồng
hành và người được đồng hành hoàn toàn tự do chọn lựa trong vai trò và trách vụ
của mình. Khi người được đồng hành bày tỏ về chính mình thì người đồng hành phải
tỏ cho người được đồng hành biết rằng mình hoàn toàn đón nhận và tin tưởng vào
những gì họ nói. Việc đón nhận này được thể hiện qua thái độ lắng nghe. Lắng
nghe để thấu cảm, hiểu biết, đón nhận và giúp đỡ người được đồng hành nhận ra
con người thật của mình, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa ngang qua cuộc đời của
họ. Do vậy, sau khi nghe người được đồng hành giãi bày mọi sự, người đồng hành
có thể chỉ ra những điều cần thiết nhằm giúp người được đồng hành thấy được đâu
là vấn đề mình đang gặp phải. Những chỉ dẫn, hay những lời khuyên rất cần thiết
cho người được đồng hành, tuy nhiên vị đồng hành phải cẩn trọng và luôn nhớ rằng,
trách vụ của mình chỉ là một khí cụ của Thiên Chúa mà thôi, chính Thiên Chúa mới
là vị hướng dẫn trong cuộc trao đổi và gặp gỡ ấy: “Duy một mình Thiên Chúa là Thầy và là vị linh hướng của chúng ta,
còn các thụ tạo chỉ là dụng cụ của Người khi Người muốn sử dụng chung”.[8]
3.3. Cầu nguyện - kiên nhẫn chờ đợi và biến đổi
Cầu nguyện là một hoạt động không thể thiếu
trong tiến trình đồng hành. Việc cầu nguyện sẽ giúp cho cả người đồng hành và
người được đồng hành nhận ra ý Thiên Chúa. Nếu trước khi đồng hành, việc cầu
nguyện sẽ giúp cho người được đồng hành nhận ra được những giằng xé, xáo trộn nội
tâm, can đảm thổ lộ với vị đồng hành, thì sau cuộc đồng hành, việc cầu nguyện sẽ
giúp người được đồng hành biết cách phân định và chọn lựa những giá trị mà vị đồng
hành gợi lên. Cũng thông qua cầu nguyện, họ cảm thấy họ được chính Thiên Chúa
khơi dậy và đánh thức tâm hồn, giúp họ nhận ra những hạn chế của bản thân trong
một thái độ lạc quan, phấn chấn chứ không phải là sự tự ti, yếm thế. Hơn nữa,
qua việc cầu nguyện, người được đồng hành thấy được Thiên Chúa yêu họ thật sự,
một tình yêu mà chỉ có Ngài mới chạm được cõi lòng thâm sâu của họ. Chính Thiên
Chúa là Vị hướng dẫn, định hướng cuộc đời của người được đồng hành trong ánh
sáng của đức tin và lòng mến. Do vậy, việc cầu nguyện là một vấn đề thiết yếu
mà người được đồng hành không thể bỏ qua. Nếu như người được đồng hành lơ là,
xem nhẹ việc cầu nguyện, thì việc đồng hành không mang lại nhiều kết quả. Vì chưng,
sức mạnh và hiệu năng của việc cầu nguyện thì rất lớn, như lời thánh Vinh Sơn
có nói: “Hãy cho tôi một con người cầu
nguyện, người đó có khả năng làm được mọi sự”.[9]
Như chúng ta đã biết, không đơn thuần sau buổi
đồng hành, chúng ta sẽ nhận được kết quả ngay tức khắc. Có những cuộc gặp gỡ đồng
hành chúng ta có thể nhận ra được ý Thiên Chúa một cách minh nhiên, nhưng cũng
có những cuộc đồng hành không dễ dàng gì nhận ra được kết quả. Do vậy, người được
đồng hành và người đồng hành cần kiên nhẫn chờ đợi. Sự kiên nhẫn cần được đặt
trong mối tương quan của việc cầu nguyện. Vì chỉ có như thế, người được đồng
hành mới có thể nhận ra điều Chúa muốn nói với họ là gì? “Siêng năng cầu nguyện và kiên nhẫn đợi chờ là phận vụ của người thụ hướng
phải chu toàn trong khi đợi chờ ánh bình minh của cuộc đồng hành bừng sáng lên
và huy hoàng như chính ngọ”.[10]
Và rồi khi nhận ra được điều Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời của mình, người
được đồng hành phải làm một cuộc biến đổi trong thánh ý Thiên Chúa, nghĩa là trở
nên hoàn thiện hơn trước, bước ra khỏi sự ràng buộc của góc khuất đêm tối mà hướng
về phía ánh bình minh đang chiếu sáng. Cuộc đồng hành chỉ thật sự có ý nghĩa và
mang lại hiệu năng khi chính người được đồng hành quyết tâm biến đổi. Sự biến đổi
này không đòi buộc như một tia chớp lóe lên rồi vụt tắt, hay là sự thay đổi 180
độ, mà nó là sự biến đổi tiệm tiến trong thời gian, mỗi ngày một chút, một
chút. Và rồi nhiều cái một chút ấy góp nên những nấc thang đẹp trong con đường
thiêng liêng của mỗi người, con đường hướng về sự thiện trọn hảo đó chính là
Thiên Chúa.
Kết luận
Đồng hành thiêng liêng là một vấn đề quan trọng
và thiết yếu trong đời sống Kitô hữu. Vì chưng, thông qua cuộc đồng hành, người
được đồng hành được gặp gỡ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Người đồng hành, hướng
dẫn đời sống thiêng liêng cho mỗi người chúng ta. Do vậy, trước khi đi vào mối
tương quan với Thiên Chúa qua ngưỡng cửa của việc đồng hành, chúng ta cần xác định
rõ phương pháp, đường hướng và tiến trình một cách cụ thể, có như vậy, chúng ta
mới đạt được giá trị thực sự trong mối tương quan liên vị này.
Việc đồng hành thiêng liêng là một quá trình
tiệm tiến đòi buộc một sự nỗ lực đến từ cả hai phía: người đồng hành và người
được đồng hành. Người đồng hành là khí cụ mà Thiên Chúa sử dụng để trợ giúp người
được đồng hành, và người được đồng hành phải làm sao nhận ra thánh ý Thiên Chúa
thực hiện trên cuộc đời mình qua chính vị đồng hành đó. Do vậy, trong tiến
trình đồng hành, cả hai phải kiên trì cầu nguyện, phó thác mọi sự trọng sự quan
phòng của Thiên Chúa, chân thành trao đổi những cảm nghiệm cũng như những thách
đố trong đời sống tâm linh, trung thành theo đuổi ân sủng mà Thiên Chúa trao
ban, can đảm vượt qua những khó khăn trong niềm tin tưởng, và mạnh dạn bứt phá
làm một cuộc biến đổi đời mình. Có như vậy, việc đồng hành mới mang lại ý nghĩa
và hiệu quả. Và hiệu quả hơn hết đó là được nên Thánh thiện trong tình yêu của
Thiên Chúa.
[1] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 35.
[2] Trần Minh Huy, Phương pháp linh hướng, tr 48.
[3] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 62.
[4] Trần Minh Huy, Sđd., tr 23.
[5] Gl 2,20.
[6] Ga 14,6.
[7] Tv 42,2.
[8] Francis Kelly Nemeck & Marie Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction. (Trích lại:
Ánh sáng và bóng tối, tr. 230.)
[9] Vinh Sơn XI, tr 83.
[10] Phạm Quốc Văn. Sđd., tr 175.
Đăng nhận xét